Chương III: TRÀ LỤC
Chương kế tiếp tôi sẽ trình bày về "Trà Danh", giới thiệu các vườn trà và các loại trà danh tiếng cổ kim. Tuy nhiên, trước hết ở chương này ta cần đọc một số danh tác cổ điển viết về trà để biết cổ nhân đã viết gì về trà. Lẽ dĩ nhiên nhiều ghi nhận, giới thiệu của cổ nhân đã bị thời đại vượt qua. Ta luôn luôn hiểu sự giới hạn của không gian và thời gian cho bất cứ một tác phẩm cổ điển nào, nhưng những tác phẩm đó vẫn là những tinh kết, thành tựu của những nền văn hóa chói lọi, chuyên chở những tinh hoa, kinh nghiệm của cả một đời, một thời.
Bốn tác phẩm chính và bài Trà Ca sẽ được giới thiệu trong chương này là Trà Kinh của Lục Vũ thời nhà Đường, Đại Quan Trà Luận của vua Tống Huy Tông và Trà Lục của Thái Tương thời nhà Tống, Trà Thư đời nhà Minh. Những tác phẩm danh tiếng khác như Trà Trung Tạp Vịnh của Lục Qui Mông, Tiễn Trà Thủy Ký của Tương Hựu Tân, Đại Minh Thủy Ký của Âu Dương Tu, Trà Sớ của Hứa Thứ Thư... sẽ được giới thiệu trong các chương viết về Trà Hữu (nước pha trà), Trà Thi (trà và thi ca)...
Việt Nam là quê hương của trà nhưng chúng ta không có tác phẩm bởi lẽ trí thức ngày xưa (nho sĩ) đều thành thạo Hán văn, cho nên đã sẵn sách vở rồi họ không cần viết nữa. Cũng nên biết số trà thư danh tiếng này cũng không nhiều. Cả một dân tộc có số lượng gần một phần tư nhân loại này, trải qua 2.000 năm uống trà cũng chỉ mới sản xuất được chưa đến 10 quyển trà thư đáng gọi là cổ điển. Hơn nữa, Việt Nam lại là một quốc gia nhỏ bé, luôn chiến tranh. Nền văn hóa rực rỡ thời Lý – Trần sau hơn mười năm nội thuộc nhà Minh đã bị tận diệt, số tác phẩm còn lại chỉ còn một phần muôn. Số độc giả lại giới hạn, ngày xưa các bậc tiền bối phần lớn chỉ có các tác phẩm lưu truyền bằng hình thức sao chép bằng tay. Tuy nhiên, nói chung cũng vì phần lớn con cháu đã không bằng ông cha. Tôi đọc An Nam Chí Lược của Lê Tắc đã thấy ở đời nhà Đinh, vua Đinh Liễn đã phải cống Trà thơm. Lại đọc Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi* đã thấy ông viết châu Sa Bôi nổi tiếng về việc sản xuất trà Tước Thiệt (Tước Thiệt Trà, cánh trà nhỏ mà cong như lưỡi con chim sẻ, là một trong vài loại trà nổi tiếng cổ kim, các danh tác về trà của Trung Quốc đều nói đến). Châu Sa Bôi theo lời thông luận của Lý Tử Tấn (cũng trong tác phẩm Dư Địa Chí) gồm 6 động, 15 trang, 68 sách. Sa Bôi chính là vùng Cam Lộ, Quảng Trị bây giờ. Thế mà ngày nay chẳng còn gì cả. Đi hỏi các cụ về Tước Thiệt Trà thì không còn ai biết. Khi kiếm tài liệu về Trà Cụ, được nhìn các chén trà cũ của Việt Nam còn được giữ gìn hơn trân châu trong các bảo tàng viện và tư nhân Nhật Bản, người viết vừa hãnh diện vừa tủi hổ muốn khóc. Than ôi! Lại đọc Toàn Đường Thi tìm tài liệu về Trà Thi, tìm gặp được 17 bài thơ của toàn các bậc thi hào bậc nhất thời Thịnh Đường, ca tụng các thiền sư, thi hào Việt Nam** mà ngày nay chúng ta chẳng còn dấu vết gì. Đáng thương đáng hận lắm thay.
(*) Vũ Thế Ngọc, Sự Nghiệp Nguyễn Trãi, Quyển I: Tổng dịch thơ văn, bản in roneo, Sài Gòn 1975, trang 789. "Nguyễn Trãi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Không hiểu vì lẽ gì ở Việt Nam trước kia học trò chỉ được học một tác phẩm giả mạo gọi là Gia Huấn Ca đầy những tư tưởng xôi thịt đại loại: "Bao nhiêu là gái thuyền quyên, lưng ong má phấn cũng chen chân vào. Đã má đỏ lại má đào, thơm tho mùi xạ, ngạt ngào mùi hương. Đủ mùi những thứ cao lương, sơn hào hải vị bữa thường đổi trao... Lợn quay xôi gấc chè tầu, ai ai là chẳng đến hầu làm tôi. Quạt lông gối xếp thảnh thơi..." làm cho phần lớn học trò bị hiểu sai về tư tưởng cao quý và độc đáo của ông. Trước đây ở miền Nam có cho dịch phần lớn các tác phẩm khác, trừ Quốc Âm Thi Tập, nhưng các sách này chỉ đến tay một số nhỏ các học giả và một vài sinh viên chuyên ban Việt Hán. Miền Bắc đã in nhiều sách về Nguyền Trãi. Đặc biệt là Nguyễn Trãi toàn tập. Nhưng đến bản in Toàn tập lần thứ hai (1976), nhiều bài thơ Nguyễn Trãi làm thời kỳ ở Trung Quốc đã bị loại ra."
(**) Đầu tiên là Lê Quý Đôn trong sách Kiến Văn Tiểu Lục có dẫn sách Ngoại Hàm và Anh Hoa tìm ra một số bài thơ thời nhà Đường của các Thi hào Trung Quốc làm tặng các cao tăng Việt Nam. Các tác giả Thích Mật Thể cũng có chép lại trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược (trang 87...), sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang cũng nhắc lại (trang 101...). Chúng tôi chưa tìm được các sách Ngoại Hàm và Anh Hoa nên dùng Toàn Đường Thi.
TRÀ KINH CỦA LỤC VŨ
Từ thời Đông Hán (thế kỷ thứ 2 SCN) Trung Quốc hoàn toàn rơi vào tình trạng hỗn loạn tang thương. Trên thì vua chúa nhu nhược mặc tình cho bọn hoạn quan, quý tộc hà hiếp cướp bóc quần chúng. Nhân dân đói rét, loạn lạc giặc giã nổi lên khắp nơi.
Cuộc cách mạng Hoàng Cân mở đầu cho thời Tam Quốc. Tào phế vua Hán lập ra nhà Ngụy (220-264), chẳng bao lâu lại bị Tư Mã Chiêu diệt cả tam quốc lập ra nhà Tấn (255-419). Đến thời Ngũ Hồ (năm dân tộc phương Bắc xâm chiếm hết lưu vực Hoàng Hà) nhà Tấn phải dời đô xuống phương Nam, rồi lại bị nhà Tống cướp ngôi. Đây là thời Nam Bắc Triều hay Lục Triều (Đông Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần nối nhau ở miền Nam, trong khi phương Bắc là Hậu Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu). Mãi cho đến thế kỷ thứ 7 nhà Tùy mới thống nhất được Trung Quốc và sau đó là nhà Đường tiếp nối với hơn 300 năm thanh bình, đã khiến văn học thời nhà Đường phát huy rất mạnh. Trên thì tiếp nối được sức sống mãnh liệt thời Chiến Quốc đã bị ngưng lại cả 500 năm vì loạn lạc. Phần khác thì đến thời này Phật giáo, đặc biệt là Thiền Tông, đã ảnh hưởng toàn diện trên các sinh hoạt, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa (thời này có đến 2 triệu tăng ni, điền sản chiếm đến 1/3 toàn quốc. Đại cương triết học Trung Quốc, trang 87).
Lục Vũ sinh ra và trưởng thành trong một thời đại thịnh trị văn hóa đệ nhất trong lịch sử Trung Quốc đó. Ông sinh ra ở vùng Cánh Lăng, thuộc huyện Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Ông mồ côi từ nhỏ, được Trí Tích Thiền Sư nuôi dưỡng trong Thiền Lâm từ bé, mặc dù vậy ông không xuất gia. Tuy nhiên, ông vẫn sống cả một cuộc đời đạo vị. Thích đi du lịch hải hồ, nhưng luôn luôn ẩn cư ở những vùng xa vắng, mặc sau này ông rất nổi tiếng, được từ vua đến các đại thần ngưỡng mộ. Các đại văn gia thi hào đương thời cũng rất kính trọng. Lục Vũ còn có tên tự là Hồng Tiệm, tên tự này lấy từ Kinh Dịch: "Hồng tiệm ư lục, kỳ vũ khả dụng vi nghi". Tôi đọc Tân Đường Thư, còn thấy khi ông ở ẩn tại vùng Triệu Khê, ông còn có hiệu là Tang Ông. Ông còn để lại một số bài thơ và đặc biệt là tác phẩm Trà Kinh danh tiếng. Trà Kinh là một tác phẩm ngắn gồm 3 phần, 10 chương. Sau đây, tôi chỉ tuyển dịch một số đoạn giới thiệu với độc giả trước. Các đoạn về Trà Cụ, về Trà Danh... sẽ được giới thiệu ở các chương sau. Độc giả khi đọc cần hiểu khung cảnh không gian và thời gian của thời đại đó. Thí dụ quan niệm của Lục Vũ về bậc trà sĩ phải biết tự chế ra trà cho vừa hương vị mình thích...
TRÀ KINH (tuyển dịch)
Cây trà
Trà là một loại cây quý ở phương Nam. Cây cao từ một thước đến mười thước. Ở vùng Tứ Xuyên có những cây lớn mà hai người ôm chưa hết gốc. Những cây đó phải trèo lên mới hái được...
Trồng trà
Trà trồng trên đất có lẫn chút ít đá thì tốt nhất. Đất đá sạn thì thứ nhì. Loại đất sét vàng thuộc loại hạ phẩm, cây trồng ở đó chẳng thể sinh trái.
Trồng và ương trà giống như trồng dưa, nhưng chỉ hái được khi cây ba tuổi. Trà ở những cây hoang thì tuyệt nhất, trà vườn thứ nhì. Dù trồng ở sườn nắng hay ở gò cao, những lá tốt nhất đều có màu xanh tím. Trà hái ở những ngọn đâm ra từ cành chính tốt hơn ở các cành phụ. Những lá trà tốt nhất là lá trà còn quấn chặt. Những lá đã nở tung và không còn quấn nữa thì thuộc loại hạng nhì. Trà hái ở những cây trên sườn núi hoặc thung lũng thiếu nắng thì chẳng đáng giá...
Hái trà
Trà được hái vào tháng Hai, Ba và Tư... chỉ nên hái khi sương đọng (Vụ) còn lạnh... không được hái trong những ngày mưa, u ám hoặc có mây vần vũ. Chỉ hái trà trong những ngày quang đãng.
Sơn Thủy thượng, Giang Thủy trung, Tĩnh Thủy hạ...
Nước ở núi tốt nhất, nước sông thứ nhì, nước giếng thứ ba. Nước lấy từ các khúc suối chảy chậm, ở các thạch hồ hoặc các nhũ thạch thì là thượng hạng trong các loại sơn thủy. Không bao giờ lấy nước ngay ở chỗ nước vừa từ thác cao đổ xuống, chỗ suối đầy ghềnh thác, chỗ nước chảy xiết... Dùng nhiều loại nước như vậy để pha trà sẽ khiến đau cổ họng...
Nếu dùng nước sông, chỉ lấy nước ở chỗ không có người sinh sống gần đó. Nếu dùng nước giếng thì nhớ đổ thật nhiều trước khi lấy nước.
Khi đun nước, khi nào nước có bọt lớn như mắt cá và vỡ thành tiếng là nước sôi ở giai đoạn thứ nhất. Khi ở thành nồi nước nổi lên từng hàng bọt nhỏ như những chuỗi ngọc trai, đó là giai đoạn sôi thứ hai. Khi bọt sủi liên tiếp và tiếng reo như sóng là nước đã ở giai đoạn chót. Đó là cực độ của nước. Nước để sôi kỹ hơn thì không thể dùng được nữa.
Uống trà
Trên mặt đất là ba loại sinh vật. Có loài có cánh và bay được. Có loài có lông và chạy nhảy. Lại có loài há miệng nói năng. Tất cả đều phải ăn và uống để sống còn.
Tuy nhiên, nhiều khi nghĩa của chữ "uống" cần phải được phân biệt. Nếu người ta chỉ thuần túy thỏa mãn cái đói khát thì chỉ cần nhai cơm uống nước. Nếu buồn rầu, cô lẻ, phẫn hận, người ta có thể xoay qua uống rượu. Nhưng nếu người ta cần giải khuây một buổi tối nhàn nhã thì "uống" ở đây phải là uống trà...
Tục uống trà đã thành sâu đậm và phát triển mạnh từ thời Nam Bắc Triều (420-587). Trà đã trở thành một thức uống thông thường của mọi gia đình.
Người ta có thể pha trà từ loại trà rời, trà lá, trà bột hay trà bánh. Có thể cắt, hong, tán sấy và bỏ vào nồi hoặc bình để chờ nước sôi. Nhiều khi lại cho hành, gừng, vỏ cam, vỏ quít, lá húng... Những tạp loại đó bỏ qua cho thêm mùi hoặc bỏ chung với trà rồi vớt ra. Món uống như vậy khác nào một món hỗn hợp tạp nham. Ấy thế mà thiên hạ vẫn pha trà theo kiểu đó đấy.
Có hàng vạn thứ thiên nhiên cung cấp toàn hảo. Lại có những điều cần đến sức lực con người làm cho thuận tiện thoải mái hơn. Con người làm ra nhà, lại sửa sang cho nó vừa với ý muốn của mình. Con người mặc quần áo, lại cũng sửa sang cho hoàn hảo. Con người cần phải tiêu thụ thức ăn, thức uống. Đó lại là hai thứ mà con người ta dùng nhiều sức nhất để vun xới khéo léo và canh cải sửa sang.
Vì vậy với trà, có chín điều mà con người phải tự nỗ lực:
- Phải chế lấy trà.
- Phải phát triển cái khả năng biết chọn lựa và thưởng thức trà.
- Phải có được đầy đủ dụng cụ.
- Phải sửa soạn lửa củi cho đúng cách.
- Phải có nước pha trà thích hợp.
- Phải sấy cho đúng cách.
- Phải tán trà cho tốt.
- Phải pha trà một cách khéo léo.
- Cuối cùng, phải uống trà.
Không có cách nào ngắn hơn. Chỉ hái trà trong bóng mát rồi sấy vội trong đêm không phải là chế lấy trà. Nhấm nháp lấy vị, hà hít lấy hương không phải là thưởng thức trà. Mang theo một cái bình bẩn thỉu hôi hám không phải là dụng cụ chính đáng. Dùng củi gỗ khét lẹt, than bếp cũ kỹ không phải là thứ lò lửa đúng cách. Nước pha dùng loại nước ở chỗ nước chảy xiết hay nước ở đập lụt lội cũng không phải là thứ nước thích hợp. Trà chẳng thể nói đã được ủ sấy nếu chỉ mới được hơ nóng và để ủ cẩu thả. Chỉ chế biến trà thành bột xanh, bột xám chưa phải là nghiền trà đúng cách. Lóng cóng lấy trà, chuyển trà, chế nước không thể được gọi là pha trà hợp cách. Cuối cùng, uống vô tội vạ trà vào mùa hè rồi không uống vào mùa đông thì cũng không thể gọi là uống trà được.
TRÀ CA CỦA LÔ ĐỒNG
Lô Đồng là một thi nhân và trà nhân danh tiếng thời nhà Đường. Ông còn có hiệu là Ngọc Xuyên Tử. Nếu Lục Vũ được xưng tụng là "Trà Thần" thì Lô Đồng được tôn làm "Trà Thánh". Ngọc Xuyên Tử là đạo hiệu vì ông còn là đạo sĩ, không ra làm quan chức, chỉ thích hưởng nhàn, chu du những danh lam thắng cảnh. Tuy vậy, danh tiếng của ông vang dậy khắp nơi. Người ta biết đến ông là một thi nhân nổi tiếng hơn là một đạo sĩ. Lại biết đến ông là một trà nhân nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, cần phải hiểu phong thái văn hóa dưới thời nhà Đường bị chi phối toàn diện bởi phong khí phóng khoáng và siêu thoát của tư tưởng Thiền Tông và Đạo học. Đại thi hào Lý Bạch cũng là đạo sĩ, thiền gia. Đại thi hào Vương Duy gần như làm quan cho đến chết vẫn là một thiền gia danh tiếng... Đừng hiểu những đạo gia thời đó giống như các ông đạo, các tu sĩ của những thời đại về sau. Thời đó các đạo gia như Lô Đồng có thể năm trước vừa làm quan huyện úy, năm sau treo áo đi giang hồ (nghĩa giang hồ của ngày xưa), lên núi cao rừng thẳm. Rồi có khi gặp bạn thiết mời mọc họ lại cũng có thể cao hứng nhận làm một chức quan để được gần bạn. Danh nghĩa "đạo sĩ" với họ không khác gì một thái độ phóng khoáng, không muốn bị câu thúc trong vòng danh lợi quan quyền.
Lô Đồng dù ở trong núi vẫn có bạn thân làm quan lớn và những người này luôn luôn quý trọng ông, vì vậy nên ông mới có dịp làm bài Trà Ca còn được truyền trọng đến ngày nay.
TRÀ CA
Tạ Mạnh Gián Nghị ký tân trà
1.
Nhật cao ngũ trượng thụy chính nùng,
Quân tướng khấu môn kinh Châu Công.
Khấu vân Gián Nghị Tống thư tín,
Bạch quyên tà phong tam đạo ấn.
Khai giam uyển kiến Gián Nghị diện,
Thủ duyệt nguyệt đồ tam bách phiến.
Văn đạo tân niên nhập sơn lý,
Côn trùng kinh động xuân phong khởi.
Thiên tử vị thưởng Dương Tiến Trà,
Bách thảo bất cảm tiên khai hoa.
2.
Nhân phong ám kết châu bội lôi
Tiên xuân trừu xuất hoàng kim nha.
Trích tiên bồi phương toàn phong lý
Chí tình chí hảo thả bất xa.
Chí tôn chí dự hợp vương công
Hà sự tiện đáo sơn nhân gia.
3.
Sài môn phản quan vô tục khách
Sa mạo long đầu tự tiễn khiết
Bích vân dẫn phong xuy bất đoạn
Bạch hoa phù quang ngưng oản diện.
4.
Nhất oản hầu vẫn nhuận,
Nhị oản phá cô sầu.
Tam oản sưu khô trường,
duy hữu vẫn tự ngũ thiên quyển.
Tứ oản phát khinh hạn,
bình sinh bất bình sự,
tận hướng mao khổng tán.
Ngũ oản cơ phu thanh.
Lục oản thông tiên linh.
Thất oản khiết bất đắc dã
Duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh.
5.
Bồng Lai sơn tại hà xứ?
Ngọc Xuyên Tử thừa thử thanh phong dục quy khứ.
Sơn thượng quần tiên ty hạ thổ.
Địa vị thanh cao cách phong vũ,
An đắc tri bách vạn thương sinh mệnh.
Đọa tại điên nhai thụ tân khổ.
Tiện tùng Gián Nghị vấn thương sinh
Đáo đầu hoàn đắc tô tức phủ?
TRÀ CA
Gửi ông Gián Nghị họ Mạnh để cám ơn về việc cho trà mới
1.
Trời cao năm trượng vẫn ngủ say
Quan quân đập cửa khinh động lão Chu.
Rằng quan Gián Nghị có đưa thư,
Lụa trắng còn phong ba đạo ấn.
Mở thư dường như tưởng mặt người,
Chính tay tuyển lựa trà ba trăm phiến
Nghe rằng năm mới đường núi đóng
Côn trùng còn sợ gió xuân vừa chớm thổi.
Thiên tử chưa thưởng thức Dương Tiến Trà,
Trăm cây còn chưa dám khai hoa.
2.
Gió hiền hòa ủ ê chồi ngọc
Đầu Xuân ngắt hái những mầm hoàng kim
Lựa cho tươi sấy cho toàn
Thật tinh ròng thật tốt lành xa hoa.
Loại trà này hợp với bậc chí tôn và vương giả
Tại sao lại đến tận nhà kẻ sơn nhân?
3.
Cài cửa không tục khách
Lau chén tự pha trà
Mây tím theo gió thổi không cùng
Hoa trắng và ánh sáng bềnh bồng ngưng tụ trên trà.
4.
Chén thứ nhất ướt môi họng.
Chén thứ hai phá cô sầu.
Chén thứ ba tẩy ruột khô,
chỉ còn văn tự năm ngàn quyển.
Chén thứ tư ứa mồ hôi
chuyện bất bình trong đời
phát tiết tất cả ra mọi lỗ chân lông.
Chén thứ năm hình hài trong sạch.
Chén thứ sáu thông suốt tới cõi tiên linh.
Chén thứ bẩy chẳng uống đặng,
chỉ thấy bên vai gió nhẹ nổi.
5.
Núi Bồng Lai xứ nào?
Ngọc Xuyên Tử sẽ cưỡi gió này tìm về.
Trên núi quần tiên ở
Địa vị thanh cao cắt ngăn bằng mưa gió
Có biết chăng sinh mệnh trăm vạn thương sinh
Chịu đắng cay đọa đầy ở trên những núi đồi đó.
Nhân tiện hỏi quan Gián Nghị
Bao giờ đám thương sinh đó được nghỉ ngơi?
(tạm dịch)
Bài Trà Ca nguyên là bài thơ Gửi ông Gián Nghị họ Mạnh để cám ơn về việc cho trà mới (Tạ Mạnh Gián Nghị ký tân trà) được đời sau tán tụng và gọi là Trà Ca. Bài này tôi cho dịch âm Hán Việt và dịch ra bạch văn cho in vào đây với nguyên tác Hán văn. Tôi cũng tự chia làm 5 tiểu đoạn để cho dễ chú thích. Sau này sẽ xin thử dịch ra thơ. Hồi nhỏ, tôi có được nghe cụ Nghè Tân đọc bản dịch nôm mà nay quên hết.
Đoạn nhất cho ta biết trà thời đó sau khi hái và sao tẩm còn được đóng lại thành phiến hình mặt trăng. Đó cũng là loại trà tiến vua mang tên Dương Tiến, địa danh trồng trà nổi tiếng gần Thượng Hải bây giờ. (Địa danh này sau đổi tên là Nghi Hưng, nơi nổi tiếng đến tận nay về sản xuất ấm pha trà). Vua mà chưa nhận được trà đầu năm để thưởng thức (và cúng lễ) thì năm mới vẫn chưa chính thức bắt đầu.
Đoạn hai nói về cách hái và chọn trà làm trà Dương Tiến: Hái vào đầu xuân, toàn những mầm mới tươi tốt. Đặc biệt đoạn bốn thường được các cụ nhà nho ngày xưa thuộc lòng. Đoạn năm có ẩn ý nhắc đến các vị quân vương ở xa cách có biết đến những khổ nạn của hàng ngàn thôn dân phải chịu đựng để sản xuất dâng hiến trà tiến vua và tam cung lục viện. Họ phải thức từ canh hai canh ba leo đồi cao để hái trà trong lúc mặt trời mới vừa hừng đông. Trà được hái đến khi trời sáng tỏ và phải được hoàn tất thành trà bánh trong cùng ngày.
Hiện nay tại bảo tàng viện Đài Loan còn giữ được bức tranh của Lô Đồng do họa sư Tiền Tuyển vẽ từ đời nhà Tống. Bức tranh rất thần kỳ. Lẽ dĩ nhiên họa sĩ vẽ lại theo một bức họa cổ hoặc hoàn toàn tưởng tượng, vì vậy điểm độc đáo của bức tranh này không phải là nét truyền thần của chân dung con người Lô Đồng, nhưng độc đáo là ở vẻ mặt trang nghiêm của họ Lô đang ngồi ngoài trời đợi trà tượng pha trà. Nét mặt này được tác giả Trà Sự Trà Thoại so sánh với nét mặt của chúng nhân chờ đợi giờ đản sanh của Phật hay Chúa. Cũng bức tranh này đã được các tác giả Trà Sự Trà Thoại và Ẩm Trà Kinh dùng làm bìa sách (ảnh trang 62).
Đọc Trà Ca, người ta cũng thấy được một phần cái phong thái của tác giả. Tác giả, một đạo sĩ đã từng tuyên bố "...chẳng cần cầu bất tử, mà chỉ cầu có được trà ngon", ông mê trà, say trà như say nha phiến. Ông thưởng thức đến tận cùng cái thú vị của chén trà quí. Với trà, ông thăng hoa để thể nhập với Đạo, với Thiên Nhiên, với Không Thời. Nhưng người đạo gia không trốn đời. Tác giả không vùi thân ở núi cao rừng thẳm mà quên đời. Tác giả đã để lộ cái tâm nhân ái biết thương đến những thôn dân chịu đựng đắng cay khó khăn để sản xuất được món sản phẩm tuyệt diệu là trà ngon. Chắc chắn với lòng từ ái đó, ông đã làm được một số những điều để đền đáp lại những cam khổ của thôn dân. Bài thơ trên không những đến tay Mạnh Gián Nghị, mà đã đến tai các đấng quân vương. Việc lạm dụng nhân dân với một giá nhân công trưng dụng, lại bị tham nhũng chia cắt, sau bài Trà Ca chắc đã bớt được một phần nào. Nào phải vô tình mà người ta xưng tụng Lô Đồng làm "Trà Thánh". Thái độ thưởng ngoạn trà của Lô Đồng với hậu nhân còn hơn là một thái độ nghệ thuật thuần túy.
ĐẠI QUAN TRÀ LUẬN CỦA TỐNG HUY TÔNG
Dưới triều Huy Tông (1101-1125) văn hóa thời đại nhà Tống lên đến đỉnh cao nhất về mọi mặt, mặc dù chiến sự và chính trị thời này đang ở một tình thế hiểm nghèo. Huy Tông là con vua Thần Tông (1068-1085) lên nối ngôi thay anh là vua Triết Tông (1086-1100), khi Triết Tông mất năm 24 tuổi và không có con trai. Năm Huy Tông lên ngôi cũng là năm thi hào Tô Đông Pha mất. Huy Tông là một ông vua nghệ sĩ giỏi đủ mọi nghề cầm kỳ thi họa và cũng là một nhà học giả về các ngành nghệ thuật. Hãy tưởng tượng với thân phận và địa vị hoàng đế của đại đế quốc Trung Hoa thời Trung cổ, hãy nghĩ đến một hoàng đế với 3.912 bông hoa biết nói, tuyển lựa từ khắp gầm trời, luôn luôn hầu hạ phục dịch; thế mà cũng là người tự ngồi đốt đèn dầu Tô Lạc để lấy muội đèn, tìm ra một loại mực đen đắc ý nhất cho chính ngòi bút mình dùng (đây là loại mực sách Hạ Hoàng Tư Ký còn chép. Xem sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn còn nhắc). Cũng vị hoàng đế này đã tạm gác mọi việc chính sự đang trong thời phiền nhiễu nhất và mọi công việc khác để có được thời giờ viết thành bộ Đại Quan Trà Luận này với tâm niệm là "ghi lại tất cả những khía cạnh về trà để truyền cho hậu thế".
Đọc hết hai mươi chương của Đại Quan Trà Luận, người ta còn phục Huy Tông hơn thập bội. Vì ngoài giá trị văn chương, ngoài giá trị học giả về những điều ông trình bày và nhận xét, người ta còn biết rằng chính ông đã để ra khá nhiều thời giờ để làm nhiều công việc từ hái sấy đến pha chế trà. Chứ không phải chỉ là đấng quân vương ngồi cao, uống đủ mọi loại trà quý pha sẵn dâng lên rồi cho điểm.
Ông cẩn thận ghi chép kỹ lưỡng nào là "bình nước phải có cổ cao để khi đun nước, nước sôi không trào ra". "Đáy bình phải rộng" (để nước sôi đều hơn)... Nào là "trản (chien) phải khá sâu để nước trà đủ thôi ra khi đánh trà"... đồng thời trản lại "phải có đáy khá rộng để có chỗ đánh trà"... Quả thật không phải là người từng tự tay pha trà không thể biết được.
Điều đó cũng là một đặc điểm của trà nhân. Vì thú pha trà với thú uống trà không những tương đương với nhau mà còn là một liên hệ hữu cơ. Có một bạn mới tập uống trà, biết tôi có tập tành uống trà và sưu tầm thư tịch về trà gần hai mươi năm nay, gọi đùa tôi là "Trà tướng". Tôi cười và trả lời như vậy là bạn còn phải nghiên cứu nhiều lắm. Cổ nhân chỉ nói vắn tắt "Trà nô tửu tướng" mà thôi. Vì trái với rượu, thú uống rượu là có người hầu rượu, ít nhất là như loại bartender của Tây phương hay các thục nữ geisha Nhật Bản. Trà nhân cao thủ thì đều là "nô" hết cả. Ngày xưa dù sẵn 2, 3 trà đồng đó, nhưng trà nhân chỉ dùng các chú này đến mức gầy bếp, đun nước sôi là hết. Trà nhân bao giờ cũng tự tay cho trà, chuyển ấm, chuyển chén. Chính cái lẽ "khắc kỷ", "vô ngã" này đã là xương sống của Trà Đạo (Chanoyu) Nhật Bản. Cửa vào trà phòng của Trà Đạo bao giờ cũng rất thấp. Chủ và khách đều phải chui vào. Hành động chui qua một cái cửa nhỏ (như chó chui, xin lỗi) đã đánh dấu trà nhân bỏ tất cả những danh dự hão huyền, những danh xưng to lớn, những tự ái, ngã ái ghê gớm ngoài cửa trà phòng... để bước vào trà phòng bằng một tâm bình đẳng, trong sạch... Thành ra chỉ có các vị đế vương thật sự như Tống Huy Tông kia biến thành "trà nô" chứ chưa từng thấy có ai là trà tướng, trà vương bao giờ.
Thành ra độc giả cũng đừng thấy làm lạ khi thỉnh thoảng xem phim Trung Quốc có chiếu những đoạn về các phòng trà ngày xưa ở Trung Quốc, chỉ có bán nước sôi. Khách tự mang bình mang trà đến. Trong những năm trước chúng tôi còn thấy tục này ở Chợ Lớn và Hương Cảng. Tôi theo các bạn vong niên người Hoa, sáng sáng mang lồng chim đi dạo rồi vào phòng trà gọi "wan sui" (nước sôi) pha trà vào ấm tách mang theo sẵn.
Có người nghĩ rằng cuộc đời tài hoa của Tống Huy Tông đã phải đánh đổi bằng ngôi hoàng đế. Vì đến năm 1125, Huy Tông phải thoái vị nhường ngôi cho con là Khâm Tông, rồi cả hai cha con đều bị lưu vong. Nhà Nam Tống lui về phương Nam giữ thế phân đôi, đóng kinh đô mới ở Hàng Châu. Lúc này, phương Bắc bị dân tộc Kim tràn lấn, ông vua này cũng chẳng là ai xa lạ mà chính là cháu ngoại Tống Huy Tông, tức vua Chương Tông nhà Kim.
Thực sự, sự thất bại của nhà Tống là vì nhiều lý do khác. Nhưng ở đây không phải là chỗ tranh biện lịch sử. Thì thôi, dù có ví rằng Huy Tông đã vì trà và văn nghệ mà phải đánh đổi cả ngai vàng lẫn nửa quốc gia thì trà nhân trên thế giới càng quý trà hơn nữa, vì ngày nay họ có thể thừa hưởng được cả một gia tài trà sử, văn liệu về trà... và trà với một giá thật rẻ. Thật rẻ so với các thú khác như rượu, như cà phê... (chưa nói đến các thứ tốn tiền và quốc cấm khác, hoặc sự lợi ích đặc biệt của trà).
ĐẠI QUAN TRÀ LUẬN (tuyển dịch)
Hái trà
Hái trà phải hái trước khi trời sáng và ngay sau khi trời sáng rõ phải ngừng ngay. Phải dùng móng tay để ngắt trà, không được dùng ngón tay để cho hương vị tươi mát của trà không bị tạp nhiễm... Những lá trà còn lông măng, cong như lưỡi chim sẻ hoặc còn búp mầm là tốt nhất, đọt trà với một lá là lý tưởng nhất. Hai lá là thứ nhì, nếu hơn nữa sẽ thành ra tạp phẩm.
Sao trà
Sấy trà là giai đoạn quan trọng để có được trà ngon. Sấy không đủ độ trà sẽ có màu lạt hơn và có vị đậm. Sấy quá độ trà sẽ có màu sậm mà khi pha sẽ có mùi lửa.
Lựa trà
Trà đa diện như vẻ dáng của mặt con người. Nếu trà đóng bánh không chặt thì bề ngoài bánh trà sẽ không mịn màng. Theo đúng cách thì bánh trà vừa chặt vừa bóng bẩy. Bánh trà được sấy, đóng cùng ngày sau khi hái thì có màu xanh tím lợt. Nếu để lâu mới làm thì sẽ có màu đậm hơn. Khi trà được đánh tơi ra thì sẽ có màu trắng đục, pha trà sẽ cho nước màu vàng. Lại có những trà ngon cho nước màu xanh, hoặc bột trà màu xám lại cho nước màu trong. Tuy nhiên lại có những loại trà trông thì rất tốt nhưng đem pha lại rất tồi, hoặc nhiều khi nhìn thì rất bình thường mà khi pha mới thấy ngon. Vì vậy không thể nhìn bề ngoài mà xét đoán được. Nhiều người buôn trà lại có nhiều ngoại khoa làm cho trà có vẻ tốt tươi hơn vẻ bề ngoài.
Bạch trà
Loại "trà trắng" khác biệt hơn tất cả các loại khác và thường là tốt nhất. Cành thưa hơn và lá ít hơn, đó là loại trà mọc tự nhiên ở rừng núi. Lẽ dĩ nhiên rất hiếm, ta không có cách nào khác hơn. Chỉ có bốn năm gia đình có được ít cây và chỉ có vài cây hái được, cho được hai ba túi nhỏ mỗi năm. Đọt và lá đều nhỏ, sao tẩm rất khó khăn, bởi vì nếu không đúng lửa thì dễ biến thành loại trà thường. Vì vậy phải có được tay cao thủ làm việc một cách cẩn trọng. Nếu các phương pháp được áp dụng đúng mức thì loại trà này sẽ hơn hẳn tất cả loại trà khác.
Trà Cụ
Chén trà tốt nhất là loại "trản" màu xanh đen, gần như đen. Chén phải đủ sâu để mặt chén nước trà có được một màu sắc đậm đà.
Pha trà
Có nhiều cách pha trà nước với bột trà. Cách tốt nhất là cho một ít nước vào bột trà đã đổ sẵn trong "trản", tạo thành chất nước cốt đặc, sau đó chế thêm nước sôi. Khi chế thêm nước sôi nhớ xoay nhẹ bình nước cho nước nóng đều.
Màu nước
Trà cho nước trong là thượng hạng. Xanh xám thứ nhì, trắng xám thứ ba, trắng vàng thứ tư. Nếu thời tiết đúng mức và trà được hái và sao tẩm đúng mức, sẽ phải cho màu trắng (?) Nếu thời tiết quá nóng và đọt trà sinh trưởng quá mau, cũng như hái trà và sản xuất trà không đúng thời giờ, thì Bạch Trà cũng biến thành màu vàng. Màu xanh đục chứng tỏ trà được sao tẩm không đủ, màu trắng xám là kết quả quá mức. Nếu sao tẩm không đủ, trà sẽ cho nước quá đậm màu. Quá lửa thì cho nước màu hung đỏ.
TRÀ SỚ CỦA HỨA THƯ THƯ
Có thể nói hầu hết các tập tục uống trà của Á Đông hiện nay có nhiều ảnh hưởng từ thời nhà Minh (1368-1644) hơn cả. Trong 84 năm bị nhà Nguyên cai trị, có thể nói mọi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật Trung Quốc trong thời gian này đều bị giới hạn. Trừ một số tiến bộ về khoa học, các ngành sinh hoạt khác không có gì đặc sắc.
Khi nhà Minh lấy lại quyền độc lập cho dân tộc Trung Quốc thì mọi mặt sinh hoạt văn hóa hưng thịnh trở lại, tiếp nối được phần nào phong khí Đường Tống. Mặt khác, vì đế quốc Mông Cổ chinh phục được hầu hết các quốc gia lớn ở Âu Châu, nên nhà Minh cũng thừa hưởng được nhiều ích lợi về phương diện giao tiếp văn hóa này.
Như đã nói ở các phần trước, trà đến thời này rất giống như thời hiện đại. Thời này, người ta đã hoàn toàn chỉ dùng trà rời như ngày nay. Không còn dùng nhiều trà bánh, trà gạch hay trà bột như ngày trước. Các loại ấm đã lần lượt xuất hiện đủ kiểu. Chén trà xuất hiện thay thế loại trản thời Tống. Nghệ thuật uống trà bằng ấm nhỏ, chén nhỏ được đề cao. Loại ấm đất, đặc biệt là ấm đất Nghi Hưng, đã trở thành tiêu chuẩn. Ấm Nghi Hưng, chén Cảnh Đức Trấn vang danh từ đây. Trà Thư đời này cũng rất nhiều, tôi chọn ở đây tác phẩm nổi tiếng nhất của đời này để giới thiệu. Sau đây là phần tuyển dịch sách Trà Sớ của Hứa Thứ Thư.
TRÀ SỚ (tuyển dịch)
Pha trà
Sẵn sàng Trà Cụ, Trà Cụ phải thật sạch, thật tinh khiết. Trà Cụ được bày sẵn trên bàn. Ấm trà được mở nắp, nắp phải được đặt ngửa hoặc nằm trên đĩa.
Mặt trong của nắp phải để ngửa vì không cho chạm với mặt bàn, để tránh mùi sơn dầu hoặc mùi thức ăn còn ám trên bàn sẽ nhiễm tạp vào hương trà. Sau khi đã chế nước sôi vào ấm, lấy tay đổ trà vào ấm rồi đậy nắp ấm lại. Đợi chừng thở ra vào đúng ba hơi, rót ra các chén rồi đổ trở lại vào ấm để hương trà thoát ra (do sự chuyển đổ vừa rồi). Sau khi chờ đợi cũng độ ba hơi thì được rót ra mời khách. Nếu áp dụng đúng phương thức này thì vị trà sẽ rất ngát, hương trà rất thơm. Hương vị làm trà làm cơ thể phấn chấn, tinh thần thoải mái.
Uống trà
Ấm trà không được pha hơn hai lần. Lần nước đầu, trà có vị tươi mát đặc biệt. Lần nước thứ hai, trà có vị ngọt ngào. Nhưng đến nước thứ ba thì trà không còn thú vị. Vì vậy, số lượng nước trong bình không cần nhiều. Tuy nhiên, lần thứ hai cho thêm nhiều nước hơn vì trà vẫn còn chút hương vị có thể dùng để súc miệng sau bữa ăn.
Trà khách
Nếu khách đang lúc ồn ào vui nhộn, tốt hơn hết là mời uống rượu. Nếu khách đã có vẻ say say, tiếp theo hãy cho một bình trà, loại trà thường. Chỉ khi nào có bạn tâm hợp, những người thân thiết có thể nói nhỏ cho nhau nghe tất cả mọi việc mà không khách sáo, câu nệ, thì lúc đó hẵng gọi trà đồng mang lò, mang nước pha trà. Nguyên tắc tùy thuộc hoàn toàn theo không khí và số trà khách.
Trà phòng
Tốt nhất là có trà phòng ngay gần bên thư phòng. Trà phòng phải sáng sủa, sạch sẽ và khoáng mát. Cạnh tường có thể để hai bếp, có đồ đậy kỹ cho tro khỏi bay. Ngoài trà phòng kê sẵn một tủ gỗ để đựng vại nước, bàn gỗ để bày Trà Cụ và kệ để khăn lau ấm chén. Những Trà Cụ này chỉ được mang vào phòng khi cần đến. Tất cả phải được che đậy kỹ lưỡng để tránh bụi đất làm tạp mùi trà. Than củi phải để xa bếp tránh tình trạng nước có thể làm ẩm củi than và cũng để đề phòng hỏa hoạn.
Trà đồng
Pha trà, đốt trầm hương là những công việc thích thú đáng làm một mình. Tuy nhiên khi có khách, chẳng nên cẩu thả, vì vậy cũng nên huấn luyện một hai tiểu đồng lo sắp công việc. Mỗi ngày, trà đồng phải lau sẵn Trà Cụ, tuy nhiên mỗi lần cầm chạm đến Trà Cụ phải được phép của trà chủ...
Khi nên uống trà
- Trong lúc rảnh rang;
- Khi đọc thơ đã mệt;
- Khi suy nghĩ;
- Khi nghe một khúc nhạc;
- Khi nhạc ngừng;
- Lúc sống cô liêu;
- Khi gẩy đàn ngắm tranh;
- Mạn đàm trong đêm khuya;
- Trong thư phòng sạch sẽ một ngày nắng đẹp;
- Trong khuê phòng cô dâu;
- Khi tiếp khách quý thân thiết;
- Khi chủ nhân có khách là giới học sĩ hay hồng nhan;
- Khi có bạn cũ vừa trở về sau một chuyến viễn du;
- Trong một ngày nắng đẹp;
- Khi trời mây vần vũ, mưa nhỏ;
- Khi ngắm thuyền ngược xuôi;
- Giữa rừng tre trúc;
- Khi hoa nở chim hót;
- Bên hồ sen một ngày oi ả;
- Trong vườn sau bên lò trầm;
- Sau khi tiễn khách say sưa vừa ra về;
- Khi trẻ nhỏ không có nhà;
- Khi thăm viếng một ngôi chùa cô tịch;
- Khi ngắm cảnh suối rừng núi non.
Những lúc không nên uống trà
- Khi làm việc;
- Khi coi tuồng hát;
- Khi mở thư ra đọc;
- Khi mưa lớn hay tuyết đổ;
- Trong bữa tiệc rượu đông đảo;
- Khi lục lọi công văn giấy tờ;
- Những ngày bận rộn;
Và tổng quát, trong tất cả những trường hợp trái với những điều nêu ra ở đoạn trên (những lúc nên uống trà).
Những điều nên tránh
- Nước không trong sạch;
- Trà Cụ dơ bẩn;
- Thìa (xúc trà) bằng đồng;
- Ấm (pha trà) bằng đồng;
- Thùng chứa nước bằng gỗ;
- Củi khô (vì có khói);
- Than xốp (vì có khói);
- Trà đồng thô kệch vụng về;
- Nữ gia nhân nóng tánh;
- Khăn bẩn;
- Tất cả mọi loại hương sạ và vị thuốc.
Những thứ nên tránh xa
- Phòng ẩm thấp;
- Nhà bếp;
- Đường phố ồn ào;
- Tiếng trẻ con khóc lóc, la hét;
- Những người tính tình thô lỗ;
- Những người làm hay quạu cọ;
- Phòng nóng nực.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top