vu nhu khoi
Vận dụng bài học "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" của cuộc Cách mạng Thámg Tám vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước hiện nay
Tháng Tám năm 1945, những điều kiện khách quan và chủ quan cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã hội tụ chín muồi, thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến, lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể đồng bào: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Hoàn cảnh của ta lúc này, quan hệ quốc tế không có lợi cho cách mạng. Các thế lực đế quốc có âm mưu lợi dụng phát xít Nhật đầu hàng đồng minh để nhảy vào chiếm đóng hoặc giành giật quyền lợi ở nước ta. Vì thế, chúng đều ra sức ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Trong khi đó, nước ta bị chủ nghĩa đế quốc bao vây bốn phía, cách mạng thế giới chưa có điều kiện hiểu biết đầy đủ và chưa thể trực tiếp giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Không có con đường nào khác, cách mạng chỉ có thể dựa vào chính lực lượng của mình. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động, tổ chức đồng bào cả nước với ý chí "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng nửa tháng, từ 16 đến 28 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công là nhờ Đảng đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng chuẩn bị công phu, khi thời cơ xuất hiện, đã chớp thời cơ lãnh đạo tổng khởi nghĩa kịp thời, nhanh chóng giành chính quyền trong thời điểm không thể sớm hơn (khi Nhật chưa đầu hàng), cũng không thể muộn hơn (khi quân Đồng minh kéo vào). Lực lượng tham gia tổng khởi nghĩa là lực lượng tổng hợp của toàn dân gồm cả lực ượng chính trị và lực lượng vũ trang ở cả nông thôn và thành thị.
Cách mạng Táng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong lễ mừng ngày Độc lập tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Bản Tuyên ngôn đã khẳng định nhân dân cả nước ta đã nổi dậy đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay, lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong hoàn cảnh quan hệ quốc tế khó khăn, bằng sức mạnh của chính mình - sức mạnh của Đảng, sức mạnh của nhân dân - dân tộc ta đã khôi phục được nền độc lập, thống nhất quốc gia. Đó là một bài học thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Bài học "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" của Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa lịch sử lớn lao, soi sáng cho các thời kỳ cách mạng sau đó. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, để đối phó với tình hình khó khăn, phức tạp, bảo vệ thành quả cách mạng, Đảng ta khẳng định: "Không nên ỷ lại vào ai hết. Tự do hạnh phúc cuả nhân dân ta phải tự dân ta vun trồng lấy". Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta cũng xác định tư tưởng "tự lực cánh sinh" - dựa vào sức mình là chính - và đã giành thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta có điều kiện tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế rộng lớn và có hiệu quả hơn. Nhưng đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng, ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân, toàn quân và sự nỗ lực vượt bậc huy động sức người, sức của cả nước vẫn là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến.
Ngày nay, thế giới đang biến đổi nhanh chóng và phức tạp, các nhân tố tích cực và tiêu cực đan xen nhau tác động đến mỗi quốc gia, dân tộc. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại phát triển chưa từng thấy là một động lực mới cho tất cả các quốc gia biết chủ động tiếp nhận nó. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan lôi cuốn hầu hết các nước tham gia, tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức lớn đối với các nước đang phát triển.
Hòa vào xu thế của thời đại và nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam tất yếu phải tham gia vào hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế. Việc tham gia đó tạo cho nước ta có điều kiện tiếp nhận những thành tựu khoa học - công nghệ mới, những tác động tích cực của quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá kinh tế để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đó là một thời cơ chúng ta cần tranh thủ.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực cũng đặt ra nhiều thách thức và cả nguy cơ cho cách mạng nước ta. Đó là các tập đoàn tư bản lớn lợi dụng ưu thế về kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm, sự chi phối các tổ chức quốc tế để cạnh tranh, lũng đoạn, gây thiệt hại đối với kinh tế nước ta. Đó là các thế lực đế quốc và thù địch lợi dụng các mối quan hệ để chống phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực.
Từ đó đặt ra vấn đề hệ trọng là chúng ta sẽ kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại như thế nào trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Xuất phát từ lập trường kiên định phải tự mình định đoạt số phận của mình, từ thực trạng nước ta, vận dụng bài học "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" của Cách mạng Tháng Tám trong tình hình mới, Đảng ta đã xác định "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội". Trong tình hình quốc tế hiện nay, sức mạnh dân tộc chỉ có thể phát triển và huy động được tối đa để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi đặt trong mối quan hệ với sức mạnh thời đại. Từ đó, Đảng chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đảm bảo độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Để khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh nội lực của dân tộc, phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, bằng cả công tác tư tưởng và công tác tổ chức, trước hết là phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân, hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Những năm tới, đất nước ta tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng có cơ hội lớn để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc lúc này là phải "tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn".
PGS,TS Vũ Như Khôi
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top