Vu hoi hoa trang 4
Chương 16
Tiếng quát tháo ở trong thư phòng ở lầu hai mà theo kiểu kiến trúc ở lục địa, là tầng lầu chính, vang dội khắp các tòa nhà ở phố Royal. Cây đèn treo trong phòng rung động vì các tiếng quát tháo giận dữ, bắt đầu nổi lên chỉ mấy giây sau khi Brodie Donavan được mời ra khỏi nhà.
Cụ Emil Jardin đứng trước cái bàn viết trong thư phòng, đầu bạc phơ ngửa ra sau, không phải vì tự hào, mà vì tức tối người thiếu nữ đang đứng trước mặt ông. Cặp mắt sâu hoắm của ông không long lanh vì yêu thương cô cháu gái là niềm vui của tuổi già của ông mà chúng quắc lên vì giận dữ. Hai bàn tay ông không đưa ra vuốt tóc hay vuốt má nàng mà đang múa may vẻ tức tối. Tiếng nói của ông không ngọt ngào, câu nào cũng chấm dứt bằng tiếng "cháu bé của ông", "cháu xinh đẹp của ông", mà đang quát tháo dữ dội.
Adrienne đã từng thấy ông nội nổi giận trước đó, nhưng chưa bao giờ như thế này, mặt ông tím lại, các gân cổ nổi phồng lên. Nàng không nao núng, trái lại cũng nổi đoá và cự lại ông.
- Đáng lẽ ông nội phải tỏ ra lịch sự nghe ông ta trần tình.
- Nghe cái gì? Nghe thêm những câu bày tỏ sự chú ý của nó đến cháu à? Không, không bao giờ! Thà trời đánh ta chết ngay còn hơn là nghe y nói đến tên cháu. Không! - Ông cương quyết lập lại, hai tay múa may - Cửa nhà này sẽ vĩnh viễn không bao giờ mở ra để đón tên Yankee man rợ ấy!
- Ông nội không có quyền làm vậy - Nàng cãi lại cũng lớn tiếng như ông.
- Ta có quyền. Đây là nhà ta.
- Nhà này cũng là nhà của cháu.
- Cháu là cháu nội của ta. Ta bảo gì phải làm nấy, và kể từ nay ta cấm cháu nói chuyện với y.
- Ông nội cấm? Tại sao? - Adrienne hỏi, hai bàn tay nắm lại - Vì ông ta là một Yankee, phải không? Thành kiến đối với người Mỹ của ông đã quá lỗi thời. Họ có mặt ở đây. Họ đã có mặt từ lâu. Thậm chí ông nội còn làm ăn cả với họ.
- Ừ, ta làm ăn với họ. Và ông nội ta đã làm ăn với người da đỏ. Nhưng ông cụ không cho chúng vào nhà của ông như ta sẽ không cho họ bước chân vào cái nhà này.
- Ông bất công!
- Suỵt, ta đã quyết định. Không được bàn đến vấn đề này nữa, nghe chưa? Bây giờ, đi lên phòng ngay.
- Cháu không còn là một đứa con nít để cho ông ra lệnh lên phòng của cháu, ông nội ạ. Cháu là một người đàn bà.
- Một người đàn bà đã điên rồ để cho một tên Yankee lẻo mép quyến rũ. Cô Zee Zee của cháu đã để cho cháu nói chuyện với y là một chuyện không thể chịu nổi, mà không báo cho ta biết lại càng không thể tha thứ. Cháu không được gặp y nữa, Adrienne. Từ nay phải chấm dứt!
- Không, ông nội sai lầm.
- Đừng thách thức ta trong chuyện này. Ta không cho phép như vậy.
Nhìn trừng trừng vào mặt ông, Adrienne nhận thức nàng đang quá tức giận để nói phải nói trái với ông, và ông quá giận để nghe. Nàng quay gót ra ngay khỏi phòng, đóng cánh cửa lại đánh sầm, vang dội tới tận hành lang bên hông nhà. Nàng ngập ngừng, có cảm giác ngôi nhà im lặng quá, như sự im lặng ngay trước khi cơn bão tố nổi lên. Có gì cử động ở cuối hành lang. Quay lại, Adrienne thấy đứa hầu gái da đen của mình tên là Sulie Mae đang rình rập ở góc tường. Nàng vội vàng nâng váy lên, chạy thật nhanh và êm xuống hành lang. Con hầu gái bước ra để đón nàng, mắt liếc về cửa thư phòng. Adrienne nắm cánh tay nó, kéo vào phòng khách chính, không ai thấy, và khẩn trương nói thầm vào tai nó:
- Sulie Mae, hồi nãy ông Donavan ra về, mày thấy ông đi ngả nào không?
- Dạ có, thưa cô. Hình như ông đi rẽ qua ngả về Canal.
Adrienne cố nhớ lại sự việc đã xảy ra được bao lâu rồi. Năm phút? chắc chắn không lâu hơn mười phút.
- Tao muốn mày chạy theo ông, Sulie Mae, và dẫn ông trở lại đây.
- Về đây? - Nó thụt lùi hoảng sợ - Nhưng ông Jardin, ông nói...
- Tao biết ông đã nói gì - Adrienne gắt - Nhưng mày cứ làm như tao biểu, đưa ông ta về đây. Tao sẽ đón ông ở đường vào nhà xe. Đi nhanh lên.
Giống như tất cả các nhà ở khu phố Cổ thành, ngôi nhà của gia đình Jardin có nền ngang với mặt vỉa hè, các bao lơn bằng sắt uốn đan vào nhau chồm ra trên vỉa hè, nhưng mặt sau nhà quay ra đường phố, và mặt tiền quay vào sân trong. Có hai cửa vào nhà. Một cửa chính thức nằm giữa hai cột lửng bên trên có một vòng cung gắn đèn sáng, từ vỉa hè đi vào cửa ấy phải bước lên một tam cấp, cửa thứ nhì là cửa dành cho xe ngựa ra vào, có hai cánh cửa nặng trịch, và một cánh cửa nhỏ hơn ở kế bên. Sau hai cánh cửa ấy là một đường lát đá giống như một đường hầm. Cuối đoạn đường ấy có một cái cổng bằng sắt uốn, hai cánh, dẫn vào sân trong đầy nắng, có cây xanh sum sê và một bể nước phun.
Ở khoảng giữa đoạn đường tối om này, có một cái cửa khác, bên trên có một vòng cung, và một cầu thang bằng gỗ uốn cong đi lên khu nhà chính ở lầu hai. Adrienne đứng ở chân cầu thang ấy, bên trong khung cửa vòng cung, nóng ruột và lo lắng chờ, lắng nghe tiếng xe lừa chạy trên đường phố và chờ nghe tiếng ken két ở cổng nhỏ, báo hiệu Sulie Mae trở về.
Nàng vừa cẩn thận dòm về phía đó, thì cánh cổng sơn màu xanh đậm mở vào phía trong, và Sulie Mae thận trọng bước vào, cái khăn quàng kéo chặt vào vai, cái khăn trùm đầu kín mít có hai góc vểnh lên như hai cái sừng. Nó nhìn thấy Adrienne và ngoái cổ lại nhìn về phía sau, ra hiệu cho một người nào đó bước theo nó vào trong. một giây sau, Brodie lách tấm thân cao lớn của chàng qua cánh cổng và bước vào đứng qua một bên, để cho Sulie Mae đóng cổng lại. Chàng có vẻ như không sẵn sàng bước theo Sulie Mae về phía khung cửa, ở đó Adrienne đang đứng chờ. Trong khi chàng đi tới phía nàng, nàng để ý thấy điệu bộ cứng nhắc, ưỡn thẳng lưng của chàng, có vẻ như cố nén giận, nhưng chỉ khi chàng đến gần bên nàng mới thấy nét mặt cứng rắn và ánh mắt lạnh lùng của chàng. Nàng ngập ngừng, và đoán được ông nội nàng đã tỏ ra khinh miệt và xúc phạm như thế nào khi mời Brodie ra khỏi nhà.
Chàng dừng lại trước mặt nàng, các thớ thịt ở hai má và quai hàm nổi lên cuồn cuộn.
- Con ở của cô bảo cô muốn gặp tôi - Giọng nói chàng cũng cứng cỏi và lạnh lùng như con người chàng.
- Phải - Nàng nhích qua một bên để cho Sulie Mae lách qua chạy lên cầu thang - Ông đã nói chuyện với ông nội tôi...
- Ông ta đã từ chối không cho phép tôi đến thăm cô.
- Tôi biết. Ông nội đã cấm tôi nói chuyện với ông - Nàng nhìn mặt chàng, cố tìm lại một tia ấm áp đã từng thấy ở đó - Ông có ý dinh để chuyện này chấm dứt ở đây hay sao? Ông sẽ xa lánh nơi này, như ông nội tôi đã ra lệnh hay sao?
Mắt chàng xoáy vào mắt nàng, đen sẫm và tức giận. Và Adrienne nhận ra sự cứng rắn ấy là niềm kiêu hãnh.
- Không - Chàng đáp - Không bao giờ!
Rồi chàng đưa hai tay ra kéo nàng vào mình, và nàng hăm hở ngã vào chàng, đầu ngửa ra sau để đón nụ hôn của chàng. Nàng lại cảm thấy choáng váng dưới nụ hôn của chàng, và càng tin chắc hơn bao giờ hết là phải như vậy giữa đàn ông và đàn bà.
- Có cách - Chàng lẩm bẩm bên má nàng - Phải có cách.
- Phải - Nàng nhích lui để nhìn thấy mặt chàng - Ông nội tôi là... một con người bướng bỉnh. Nhưng ông không có ý xấu. Ông nội cho rằng làm vậy là bảo vệ tôi, và tôi chưa có dịp nói cho ông nội hiểu rằng tôi không cần để bảo vệ chống lại ông, Brodie.
Chàng nhếch một bên mép gần như mỉm cười:
- Cô kêu tên tôi du dương ghê!
- Thật không? - Nàng khẽ cười sung sướng, vì thấy vẻ thèm muốn trở lại trong ánh mắt của chàng. Rồi nghe tiếng của người cô ở sân trong, nàng trân mình khiếp sợ - Ông phải về, kẻo có ai trông thấy - Nàng lo lắng ngoái cổ lại nhìn - Tôi sẽ nói với ông nội. Bây giờ thì không. Sau một vài ngày, ông nội sẽ chịu nghe hơn - Nàng nói và hối thúc chàng đi ra cổng.
- Cô biết lão mù kéo vĩ cầm tên Cado không? - Chàng đứng lại ở cổng, chưa mở nó ra - Ông ta chơi đàn ở góc đường Royal và St. philip.
- Lão da đen với cây vĩ cầm? Tôi có thấy, nhưng không hề biết ông ta.
- Nếu cần gặp tôi, cô cứ để lại một mảnh giấy nhắn cho ông ta, và ông ta sẽ đem lại tôi - Chàng mở cánh cổng ra, và đứng lại một chút - Nếu không có tin của cô, tôi sẽ trở lại.
- Cho tôi một tuần - Nàng hứa - Không lâu hơn đâu.
Tiếng sấm nổ rền và mưa như trút xuống đầy các mương rãnh, rác rưởi nổi lềnh bềnh, biến con đường đất thành một vũng lầy và tạt lên các vỉa hè. Chỉ những cái có công việc phải đi mới dám ra ngoài, và đi sát vào các tường nhà, nấp dưới các bao lơn chồm ra, để tránh các giọt mưa bị gió tạt mạnh vào họ. Những người còn lại ở trong nhà chờ cho con mưa lũ qua đi.
Nấp dưới mái che con đường dành cho xe ngựa vào nhà, Adrienne canh chừng đường phố, một cái áo choàng khoác lên áo dài, và che cả mặt nàng. Xe lội qua bùn ở đường Royal rất ít, và người đi bộ trên vỉa hè càng ít hơn. Không ai để ý đến cánh cửa nhỏ ở cổng mở hé ra, hay người phụ nữ ở phía trong, im lặng, bình tĩnh và đầy quyết tâm.
Một cỗ xe ngựa che kín tiến tới đó một cặp ngựa hồng kéo, tai của chúng bị mưa làm bẹp dính vào đầu. Người xà ích cho ngựa chạy sát vào vỉa hè và gò cương cho xe dừng lại cạnh đường mương lát gỗ. Cánh cửa xe mở bung ra. Adrienne phóng ra và trèo lên trước khi người xá ích kịp tụt xuống giúp nàng.
Cái roi ngựa búng lên một tiếng tách, và cỗ xe lao về phía trước. Bên trong, Adrienne đẩy cái chụp che đầu ra phía sau và thấy cặp mắt Brodie đang nhìn nàng. Trong chốc lát, nàng lấy làm lạ, tại sao chẳng thấy ngượng nghịu, lo lắng, tội lỗi gì cả, chỉ thấy một sự chắc chắn điềm tĩnh ở trong lòng. Brodie không nói gì cả, chờ nàng lên tiếng trước.
- Ông nội vẫn cương quyết không chịu nghe. Thậm chí ông nội còn không cho phép tôi nhắc đến tên ông nữa.
- Việc đó không làm tôi thay đổi cách cảm nghĩ - Chàng nói, không nhắc đến vấn đề nàng có đổi ý hay không.
- Cũng chẳng làm tôi đổi ý được - Nàng cương quyết nói với chàng.
Chàng mỉm cười:
- Trong trường hợp đó, chúng ta chỉ còn cách làm như người Mỹ là... cùng nhau trốn đi.
- Không! - Nàng đã cân nhắc hành động ấy và bác bỏ - Bỏ trốn tức là hàm ý điều sai trái, có lỗi, hay xấu hổ. Với ông, tôi không cảm thấy như vậy.
- Tôi không thể không đồng ý với cô. Nhưng tôi cũng không để cho ông nội của cô chia rẽ chúng ta. Cô nên hiểu điều đó, Adrienne.
- Tôi hiểu.
Trong 6 ngày vừa qua, nàng đã có rất nhiều thì giờ để suy nghĩ về họ, về bản thân nàng, về cuộc sống và cái gì nàng muốn có trong cuộc đời. Nàng đã thấy cuộc đời gái già cô quạnh của người cô, sự cô độc của người phụ nữ độc thân, sự lệ thuộc vào lòng từ thiện của một người thân thuộc. Và nàng cũng thấy sự thiếu hạnh phúc của một cuộc hôn nhân không có tình yêu, sự căng thẳng, nỗi cay đắng, sự thù hằn của những cô dâu trẻ tuổi phải giả vờ không biết chồng mình đang nuôi bao vợ bé ở đường Cổ thành. Ngay từ khi đủ khôn lớn để nhận thấy những điều đó, nàng đã quyết tâm sẽ chọn cuộc hôn nhân vì tình yêu. Nàng không hề nghi ngờ sẽ được như vậy. Nàng là người dòng họ Jardin, và cao hơn nhu cầu phải tăng tiến quyền lực của họ bằng đường lối hôn nhân.
Nàng đã không hề bao giờ đoán được nàng sẽ chọn một người Yankee để yêu. Và nàng cũng không hề bao giờ đoán được rằng ông nội của nàng lại ghét họ đến thế.
Trong tuần qua, đã hai lần nàng cố trình bày lý lẽ với ông nội, nhưng cả hai lần đều đi đến cãi nhau. Nàng đành thôi không cố nói nữa, vì biết rằng càng gây gổ càng làm cho ông nội cứng rắn hơn. Và dù có khóc lóc, van lơn cũng không có ích gì, vì ông nội nàng không ưa sự yếu mềm, dù ở giới phụ nữ.
Mặc dầu Dominique thông cảm với số phận của nàng, anh ta không dám đứng về phe nàng chống lại ông nội, mà gợi ý cho nàng nên chấp nhận, vì ông nội biết rõ hơn nàng điều gì có lợi cho nàng. Cô Zee Zee thì cô ta là một phụ nữ. Ông nội nàng không chịu nghe cô, cũng như Adrienne.
Không có vấn đề nàng chấp nhận yêu cầu của ông. Nàng sẽ không bao giờ chịu khuất phục điều đó. Công khai thách thức ông nội là không thể nghĩ tới, là xấu hổ.
Chỉ còn một cách: nàng phải sắp xếp làm sao cho ông nội nàng nhận thấy điều tốt nhất cho nàng là thành hôn với Brodie Donavan.
- Chúng ta sẽ gặp nhau thường, Brodie, khi có thể - Nàng ngồi ngay lại trên ghế để đối mặt chàng, và đưa tay vuốt gò má chàng - Trong lúc này, thì chúng ta sẽ phải gặp nhau như thế này.
Vẻ tức giận thoáng hiện ra trên gương mặt chàng:
- Tại sao? Cô không thể tin rằng ông cô sẽ đổi ý.
- Với thời gian, ông sẽ đổi ý, thật mà! - Nàng mỉm cười tự tin.
Chàng nhìn nàng, rồi từ từ lắc đầu, và miễn cưỡng mỉm cười.
- Tại sao tôi đồng ý như thế này? Cô đã bỏ bùa ngải gì cho tôi thế?
- Brodie. Bộ anh nghĩ anh là người duy nhất cảm thấy bị mê hoặc sao? - Nàng hỏi, tự thấy mình khôn hơn chàng.
- Tôi không muốn thế - Chàng gỡ bàn tay nàng ở má, và đưa lên môi, hôn một cái rất khêu gợi ở lòng bàn tay nàng, hai mắt và nhìn vào mặt nàng - Bao lâu nữa, tôi phải đưa cô về nhà?
- Không lâu lắm - Nàng đáp giọng tiếc rẻ, và nhìn lên trần xe, nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên đó. Mưa đã bắt đầu giảm bớt - Khi trời tạnh, các đường phố sẽ đông đúc... - Nàng không nói tiếp rằng khi đó nàng sẽ dễ bị người ta nhìn thấy lúc rời xe.
- Cô không biết tôi bị cám dỗ như thế nào, chỉ muốn bảo người đánh xe cứ tiến lên phía trước, chỉ muốn bắt cóc cô và không bao giờ đưa cô trở về. Tôi muốn ở bên cô lâu hơn là chỉ mấy phút, Adrienne.
- Ông sẽ có dịp. Các buổi tối, tôi đã bắt đầu ở trong phòng một mình, lui về phòng ngay sau bữa ăn tối, và từ chối không tham dự bất cứ buổi chiêu đãi nào hay đi xem nhạc kịch. Ông nội cho rằng tôi giận dỗi, và tôi không chứng minh ngược lại làm gì - Nàng ngừng một chốc, lấy làm lạ vì sự táo bạo của mình, nhưng không hề nghi ngờ quyết định của minh là không đúng đắn - Ban đêm ít có xe cộ trên đường phố, ít có ai để ý đến một cỗ xe ngựa đi qua, và đứng lại rất ngắn. Chúng ta sẽ có thì giờ ở bên nhau. Có lẽ hai, thậm chí ba tiếng đồng hồ.
Brodie cau mày kinh ngạc, nghe nàng nói và thấy sự khôn ngoan, sự thông minh trong kế hoạch của nàng, và sự quan sát bình tĩnh không chút nao núng của nàng. Sự nổi loạn chống lại mệnh lệnh của gia đình thật là rất hiếm, đến nỗi gần như không hề có trong các gia đình Creole quý phái. Thậm chí nàng đến với chàng ban ngày, trong cỗ xe này, không có ai đi kèm đã là táo bạo kinh hồn. Những gợi ý gặp chàng ban đêm, một mình với nhau, trong vài ba giờ... Nghĩ đến đó chàng cảm thấy hơi hèn hạ một chút, nhất là khi chàng nghĩ đến nền giáo dục của nàng. Và chàng tự hỏi phải chăng nàng đã đặt quá nhiều tin cậy vào danh dự của một người đàn ông hào hoa phong nhã, danh dự của chàng. Nàng chẳng thấy sao, nếu chàng là một người hào hoa phong nhã thật sự, thì chàng đã không bao giợ gặp lại nàng?
- Có chỗ nào chúng ta có thể đi đến khi gặp nhau không? Tôi không biết chỗ nào cả - Nàng thú nhận một cách điềm tĩnh và nhìn chàng.
- Tôi biết - Không hỏi, chàng cũng biết chỗ ấy phải có những điều kiện gì. Một nơi nào riêng tư để không ai thấy và nhận ra họ - Nhà tôi, cách đây khoảng ba dặm đường.
Chỉ do dự một chút thôi, rồi nàng mỉm cười:
- Tôi muốn xem nhà anh.
- Bao giờ?
- Trong một hay hai ngày, tôi sẽ nhắn tin cho anh.
Chương 17
Mặt trăng hạ huyền trong bầu trời đêm và ánh sao li ti lấp lánh chiếu ánh sáng mờ nhạt xuống những tòa nhà cầu kỳ, phía trước có những bồn cỏ rộng lớn, do những người Mỹ làm ăn phát đạt dựng lên trên khu đất của đồn điền Livandais xưa. Những hàng cột sừng sững kiểu Hy Lạp quay mặt ra đường phố, những bao lơn chạy dài rộng rãi bắt chước kiểu trang trí bằng sắt uốn ở lan can của người Creole, và những phòng bên trong từ 4,5 đến 5,5m có các khung cửa rộng, cửa sổ cao, và các cánh lá sách có thể mở hết ra để được thoáng khí, hầu thích nghi khí hậu á nhiệt đới của New Orleans.
Brodie Donavan đứng ở cửa sổ phòng khách trong một ngôi nhà đó. Nhà của chàng, vừa hoàn thành được vài tháng, với tầm cỡ nguy nga xứng đáng là tư thất của một chủ tàu phát đạt. Thế nhưng chàng chỉ cần nhắm mắt là có thể nhớ lại màu xanh khó tin là có thật của quê hương ở vùng Ailen, căn nhà vách đất chỉ có hai phòng là nhà cũ của gia đình chàng, những bữa ăn đạm bạc dọn trên cái bàn thô sơ, những áo quần sờn vá trên lưng chàng, cơn đói thường hành hạ chàng, và mùi hôi của than bùn cháy trong bếp. Chàng chỉ cần nhắm mắt là nhớ lại cảm giác bùn ở đầm lầy hút hai chân, và khô queo trên áo quần, trên da thịt, cái nóng ngộp thở, tiếng vo ve của bầy mũi tấn công, các bắp thịt run rẩy và kiệt sức đến đau nhức, và mùi hôi thối của đầm lầy không ngớt bốc lên mũi.
Dù chàng đã bỏ tất cả các thứ ở lại đằng sau, chúng vẫn còn ám ảnh chàng.
Nếu Adrienne thấy chàng lúc này, ắt hẳn nàng sẽ nhìn chàng bằng một con mắt khinh thường và kéo váy qua một bên để tránh đụng vào người chàng. Bao nhiêu lần gặp nhau, chàng không bao giờ kể cho nàng nghe về bất cứ gì trong những chuyện đó. Ồ, chàng đã có nói với nàng về xứ Ailen, tả cảnh xanh tươi ở đồng quê tại đó, những ghềnh đá nhô ra thành vách thẳng đứng ở bờ biển, những dòng suối nước sủi bọt trắng xóa, và kể về các buổi thức đêm vô cùng thú vị, trong phòng bên này đầy tiếng khóc sụt sùi, ở phòng bên kia thì uống rượu và kể chuyện vui. Và chàng đã kể lại câu chuyện chàng gây dựng nên công ty và phát triển nó, cũng như các kế hoạch của chàng trong tương lai. Chàng đã kể sự thật về tất cả các chuyện ấy, nhưng không phải tất cả sự thật, không kể những phần có thể làm thay đổi quan điểm của nàng về chàng. Phải chăng chàng đã sợ nàng không yêu chàng nữa, nếu nàng biết tất cả? Phải chăng chàng nghĩ rằng mình thật không xứng đáng với nàng? Phải chăng đó là lý do chàng thuận gặp gỡ nàng trong lén lút? Bởi vì chàng cảm thấy không có quyền xuất hiện bên nàng trước công chúng.
Nhưng ở đây là nước Mỹ. Ở đây không có chuyện phân chia giai cấp cứng nhắc, không người nào bị trói buộc suốt đời vào một chỗ đứng trong xã hội. Người đó có thể tiến lên cao, như Brodie Donavan đã đạt được. Hãy nhìn vào y phục của chàng, vào ngôi nhà này của chàng, không thua kém gì gia đình Adrienne.
Tấm kính cửa sổ đen sì phản chiếu nét mặt cau có của chàng. Brodie quay mặt đi, và bực tức về sự không vui của mình. Nhưng chàng biết lý do của việc đó: nàng đến trễ. Chàng liếc vào đồng hồ trên bục lò sưởi bằng cẩm thạch đen. Cỗ xe ngựa ra đi để đón nàng đã hơn một giờ rồi. Có việc gì không hay xảy ra chăng? Tại sao nàng chưa đến? Có rắc rối gì chăng? Chàng tự trách là đã không đi theo xe mà lại ở đây chờ nàng?
Chàng nhìn trừng trừng vào sự trống trải của gian phòng khách bày biện sang trọng. Cây đèn treo hiệu Waterford với nhiều nhánh thủy tinh lủng lẳng làm tăng thêm ánh sáng của các ngón nến cắm trên đó. Có một thời chàng đã thích thú vì căn phòng này, tự hào vì vẻ đẹp của nó. Giờ đây, mỗi khi nhìn vào cái ghế trường kỷ họ thường ngồi, mà chàng đã mua lại cùng lúc với toàn bộ đồ gỗ phong khách của hiệu Prudent Mallard, chàng luôn luôn tưởng tượng có nàng đang ngồi đó. Đôi khi chỉ có một mình, chàng đưa tay vuốt cái tay ghế cong cong, trên đó nàng đã tựa tay vào. Và đôi khi chàng dám thề là mùi hương của nàng còn phảng phất ở vải bọc bằng nhung đỏ sang trọng.
Căn nhà này không còn làm cho chàng hài lòng, mãn nguyện. Chàng nhớ đã tự hào như thế nào khi đưa nàng đi xem nhà vào lần đầu nàng đến đây. Bây giờ tất cả các phòng đều mang dấu vết phản ứng của nàng. Tiếng hít hà khe khẽ vì khâm phục, hình ảnh một bàn tay vuốt lên bục lò sưởi hàm ý khen ngợi, thậm chí thỉnh thoảng một lời bình phẩm được cẩn thận ngụy trang dưới một lời gợi ý.
Mẹ kiếp, nàng đâu rồi? Brodie quay phắt lại cửa sổ, và nhìn ra ngoài trời tối, xem có bóng dáng cỗ xe hay không. Nàng đến không? Nàng có để ý đến các bụi mộc lan người làm vườn vừa trồng ở bồn cỏ trước nhà không, hay con đường vừa lát đá bàn ở phía sau nhà, để bắt đầu lập ra một cái sân trong mà nàng nghĩ rằng sẽ rất hấp dẫn.
Ánh đèn sáng ở phòng khách ra hiệu gọi nàng. Adrienne đóng cửa sau lại, đi theo ánh đèn đến phòng khách, và dừng ngay bên trong ngưỡng cửa để đối diện Brodie vừa từ cửa sổ quay lại.
- Adrienne! - Mặt chàng có vẻ không tin. Chàng tiến lên một bước và dừng lại như thể chờ đợi nàng biến mất - Anh không nghe tiếng xe đến.
- Không thấy anh đứng ở cửa đón em, em nghĩ có lẽ anh đã hết hy vọng nên không chờ em nữa - Nàng nhanh nhẹn cởi áo choàng ra khỏi vai - Ông nội bất ngờ đem mấy người bạn về nhà ăn tối. Em phải chờ đến khi họ ra về hết và cô Zee Zee đã về phòng, em mới đi được.
- Chỉ có việc em hiện diện ở đây mới là điều quan hệ - Chàng mỉm cười.
Adrienne băng qua căn phòng mà không nhớ chân mình có đụng sàn nhà hay không. Chàng ôm chầm lấy nàng thật chặt, và hôn dữ dội lên môi nàng.
Gần như mới bắt đầu hôn, chàng đã ngừng lại, chà môi lên má nàng, miệng thốt ra mấy tiếng khàn đặc:
- Anh nhớ em quá chừng!
Nàng nhắm mắt, thích thú khi nghe giọng nói của chàng rung động.
- Hai ngày nay anh khổ sở quá chừng, muốn gặp em, muốn ôm em, muốn ở bên em quá đỗi.
- Em cũng vậy - Adrienne cà má lên má chàng.
Chàng cố gắng lắm mới ngẩng lên được và ôm mặt nàng trong hai bàn tay, chàng nhìn chòng chọc vào mặt nàng, hai mi mắt nặng trĩu, đôi mắt lóe lên một tia sáng âm ỉ.
- Anh đứng ở cửa sổ, đang băn khoăn không biết em ở đâu, và ước mong có em ở đây với anh. Rồi khi em đi vào cái cửa kia, anh đã tưởng là đang nằm mơ. Em đúng là một giấc mơ. Adrienne ạ, một giấc mơ đa số đàn ông ôm ấp trong lòng nhưng không bao giờ gặp.
- Em không phải là giấc mơ.
- Không! - Xhàng nói với vẻ hồ nghi, và hé miệng mỉm cười - Nhưng anh đã nghĩ mãi, Adrienne, người đàn ông là cái gì? Có những ngôi sao trên trời anh ta muốn bắt, nhưng chính là đất làm anh ta dơ bẩn. Con người sinh ra là để ở trên mặt đất, nhưng anh ta có thể nhìn lên các vì sao. Khi em hiện ra tối nay, giống như anh thấy một ngôi sao xẹt xuống từ bầu trời và rực sáng cả trời đêm, cả đời anh - Chàng ngừng lại, rồi nói tiếp bằng giọng bình dân - Anh yêu em, Adrienne Jardin.
Nàng thở một hơi gấp, tim đột ngột bay bổng lên và mỉm cười:
- Và em yêu anh, Brodie Donavan - Nàng dùng nguyên văn câu nói của chàng, sự giản dị của nó làm nàng xúc động.
Mắt chàng ánh lên sự vui thú và sự thèm muốn nàng.
- Em cả gan nhái giọng anh để chọc hả?
- Không phải là chọc - Mỉm cười, nàng đưa tay vuốt quai hàm chàng. Chàng cầm bàn tay ấy và đưa lên môi hôn các đầu ngón tay - Em yêu anh. Anh là người đàn ông em muốn làm chồng em. Em muốn có con với anh. Muốn coi nhà với anh, muốn nằm chung giường với anh.
Trong chốc lát, chàng bóp chặt mấy ngón tay của nàng và nàng tưởng chừng như muốn gãy mấy đốt tay. Rồi chàng lầu bầu trong miệng, kêu tên nàng, và đặt lên miệng nàng một nụ hôn nóng hổi, mạnh mẽ và đòi hỏi. Adrienne lại rung động toàn thân. Nàng không hồ nghi gì nữa, nàng muốn như vậy, sự nóng ran, sự cần nhau, gần như sự tuyệt vọng. Miệng chàng dời chỗ, hôn lên má, lên mắt nàng:
- Anh cũng muốn vậy - Chàng nói bên tai nàng, giọng rung động - Anh muốn em.
Nàng cảm thấy chàng run lên và cố tự chủ. Nhưng trong giây phút hiến dâng này làm sao tự chủ được, bao nhiêu cảm xúc bị dồn nén đã lâu, nay có dịp bùng ra. Nàng biết vậy, như đàn bà thường biết.
- Em muốn anh, Brodie! - Nàng dang ra xa để nhìn chàng, cầm tay chàng và kéo nó luồn vào dưới viền đăng ten ở cổ áo dài bằng lụa, đặt bàn tay chàng lên ngực nàng, chạm vào phần trên vú nàng - Anh có thấy tim em đập mạnh không? Anh có cảm thấy em đang run lên không? Đó là vì anh.
Chàng đờ ra như phỗng. Chỉ cặp mắt còn linh động. Nàng thấy linh động quá.
- Em không hiểu hết tầm mức của những lời em nói, Adrienne.
Nàng mỉm cười:
- Anh ví em như một vì sao, nhưng em không phải là một vật để ở xa mà ngắm nghía. Em là một người đàn bà để cho một người đàn ông yêu. Để cho anh yêu. Sao ở trên trời, Brodie, chúng ta ở đây.
- Phải.
Chàng đáp và thọc sâu bàn tay vào, áp lên bộ ngực tròn trĩnh của nàng bên dưới cái coocxệ của áo dài.. tay chàng vừa chạm vào, nàng đã thốt lên một tiếng khoái trá.
- Chúng ta đang ở đây!
Đầu chàng cúi xuống. Môi chàng lướt qua môi nàng, rồi trở lại xâm chiếm miệng nàng. Nếm đầu lưỡi của chàng, Adrienne biết là nàng muốn thế, muốn tay chàng sờ vào nàng, miệng chàng áp lên miệng nàng, thân hình lực lưỡng của chàng áp sát vào người nàng. Nàng đã luôn luôn muốn được như vậy.
Chàng ẵm nàng bước ra khỏi phòng khách, lên cầu thang uốn cong và vào phòng ngủ chính ở lầu hai. Một bóng đen trên bàn ngủ tỏa ra ánh sáng êm dịu trên cái giường lớn, tấm phủ giường đã cuốn lên, và vải trải giường lật xuống, cái tủ gỗ gụ to lớn kê sát vách và tấm thảm màu xanh nhạt trên sàn. Chàng đặt nàng đứng lên tấm thảm và không ngừng hôn nàng. Nàng cảm thấy các ngón tay của chàng ở các khuy cài áo, và chiếc áo đầu của nàng lỏng ra.
Không lâu, áo quần nàng đã dồn thành đống ở chân nàng. Brodie thụt lùi để ngắm nàng đứng trước mặt chàng, kiêu hãnh, táo bạo... và xinh đẹp. Ánh đèn chiếu từ sau tới, làm lớp vải mỏng của áo sơ mi có thể nhìn suốt qua. Chàng khô cả miệng. Trong nàng nhỏ nhắn và thanh cảnh, sườn hẹp, eo nhỏ đến nỗi chàng có thể bụm trong hai bàn tay, và hai hông mảnh dẻ nhưng đủ rộng để ôm ấp một người đàn ông. Chàng lấy làm lạ tại sao một thân hình mảnh mai thế đó lại có nhiều nghị lực như vậy, và làm sao đối mặt có thể nhìn chàng với sự thèm muốn sâu đậm như vậy,không thua gì chàng.
- Em đẹp lắm, Adrienne! - Giọng chàng khản đặc trong khi đưa mắt nhìn búi tóc nàng.
Nàng đưa tay rút các trâm cài, xổ tóc ra bằng đầu ngón tay và kéo rũ xuống trước, trên một bên vai.
- Đây là lần đầu tiên anh thấy em xõa tóc - Chàng nói, và vuốt phía dưới làn tóc mịn như tơ, một đốt ngón tay phớt qua đầu vú nàng làm nó cương lên.
Rồi các đầu ngón tay chàng vuốt ve cổ nàng, hai ngón tay cái đỡ cằm nàng lên:
- Môi em đầy mọng và chào mời quá!
Chàng cúi xuống và nàng nhắm mắt lại, chờ đợi chàng hôn. Nhưng nàng sửng sốt, sửng sốt quá đỗi khi chàng ngậm lấy môi dưới của nàng và cắn nhè nhẹ làm cho một cảm giác tê mê lạ lùng trỗi dậy trong nàng. Nàng thở ra một cái thật dài khi chàng chà môi lên đôi môi hé mở của nàng và nói:
- Môi em cũng ngon ngọt lắm, Adrienne! Ngọt như mật ong!
Chàng thưởng thức đôi môi nàng. Nàng ngã vào chàng, hai tay ôm chặt ngang lưng chàng, trong khi vạn vật quay cuồng đàng sau đôi mắt nhắm lại của nàng, vì nụ hôn khêu gợi ấy thật ra không giống một cái hôn chút nào.
Một lát sau nàng nhận thấy hai bàn tay của chàng không đặt ở cổ nàng nữa, mà đang ở trước ngực nàng và đang mở nút áo sơmi của nàng một cách thành thạo khiến nàng ngạc nhiên.
Chỉ một lát sau, cái áo sơ mi đã theo đống áo quần trên sàn, và nàng đứng trần truồng trước mặt chàng, không mắc cỡ, không ngượng nghịu. Thấy chàng thở hơi gấp, nàng biết chàng thích thú vì đã được nhìn thấy thân mình nàng, và ánh mắt chàng xác nhận điều đó.
Không chờ mời gọi, Adrienne áp mình vào chàng, làn vai phin áo sơmi chàng xát lên làn da để trần ở ngực nàng, trong khi hai bàn tay nàng đưa lên sau gáy chàng và kéo đầu chàng xuống, hối thúc chàng chiếm lấy môi nàng. Khi chàng làm vậy, môi nàng bắt đầu mơn trớn chàng. Chàng vuốt lên sống lưng nàng, da tay chàng hơi nhám kích thích nàng, trong khi chàng kéo hai hông nàng sát vào chàng, rồi vuốt ve lên eo, lên sườn, lên ngực nàng, làm nàng mỗi lúc một bị kích thích hơn.
Nàng bỗng thèm muốn được sờ vào người chàng như chàng đang sờ mình. Nàng kéo duỗi vạt áo sơ mi chàng ra, luồn bàn tay vào dưới áo, sờ lên da thịt cứng rắn của chàng, khoái chí vì thấy chàng bỗng gò bụng lại, chộp bàn tay nàng và đẩy nàng ra, rồi cởi áo, để lộ mình trần trước mặt nàng.
Làn da rám nắng như đồng của chàng bóng loáng dưới ánh đèn, những bắp thịt rắn chắc cuồn cuộn ở ngực, vai và ở cánh tay chàng.
- Em có muốn anh tắt đèn không? - chàng hỏi
- Không.
Nếu má nàng đỏ ửng, không phải do ngượng ngùng theo dõi chàng cởi áo quần. Khi chàng đứng trước mặt nàng, nàng rung động và thấy ngực và vai chàng nở rộng, hai hông hẹp và thon, hai chân dài. Nàng thốt lên:
- Anh đẹp lắm, Donavan!
Bị mê hoặc bởi sức mạnh bên trong của thân thể chàng, nàng đặt hai tay lên hai vai chàng, và xát mạnh lên các cơ bắp cứng ngắc và cuồn cuộn. Sự đụng chạm vào xác thịt chàng càng làm nàng thèm muốn nhiều hơn, khiến nàng áp miệng lên ngực chàng, nếm mùi vị ấm áp, mằn mặn, và hít vào mùi thơm của da thịt chàng.
Nàng chưa kịp phản đối, thì chàng đã bồng nàng lên, hôn tới tấp, lên mặt, lên môi nàng, và ẵm nàng đến giường. Chàng đặt nàng nằm xuống. Tuy giường tương đối hẹp, nhưng không phải vì lý do đó mà cả hai người nằm sát vào nhau, mặt đối mặt, môi dính vào môi, vuốt ve nhau. Họ không có vẻ gì gấp, chỉ muốn làm cho nhau thích thú đến tột độ, khơi dậy một sự đam mê ngây ngất và nồng nhiệt hơn cả dục tình.
Adrienne cảm thấy nóng ran cả người, vì hơi nóng như lò lửa ở thân mình chàng chuyển sang bao phủ toàn thân nàng, vì hơi nóng ẩm ướt của các nụ hôn dồn dập trên mặt, trên môi, trên cổ nàng, và vì một làn hơi nóng đang cuồn cuộn dâng lên từ trong người nàng. Hai bàn tay chàng đỡ nàng lên cao hơn, với một sức mạnh và sự dễ dàng mà nàng nghĩ là chàng dư sức. Rồi đôi môi chàng áp vào ngực nàng, một cảm giác mới lại nổ bùng ra làm nàng hít một hơi dài tha thiết. Nàng rùng mình.
Brodie cảm thấy nàng rùng mình vì thích thú. Nàng nhỏ nhắn, mảnh mai, mong manh nhưng dư sức mạnh để nắm giữ chàng, và làm chàng cảm động. Dù thèm muốn, say mê đến mấy, chàng vẫn thấy cần yêu thương và bảo vệ nàng. Nàng thuộc về chàng, và chàng quyết tâm tỏ cho nàng thấy chuyện ấy có thể đẹp đến chừng nào, bất kể trong mình chàng càng lúc càng nóng lên và trở thành đau đớn. Chàng chờ đến khi nàng biểu lộ sự thèm muốn của nàng lên đến tột độ. Chỉ khi đó chàng mới đi vào nàng, trong khi hai bàn tay chàng vuốt ve và sửa mình nàng lại cho đúng tư thế để đón nhận.
Trong giây lát, nàng khám phá ra rằng chàng không nặng lắm đối với nàng. Bề cao của chàng hơn nàng cũng không gây trở ngại gì. Họ ăn khớp vào nhau một cách tự nhiên, như tạo hóa đã định vậy. Rồi thì nàng không nghĩ đến gì khác ngoài thân mình rắn chắc của chàng, mùi da thịt ẩm ướt của chàng, mùi vị ngất ngây của miệng chàng. Và nụ hôn làm cho nàng chìm sâu vào một cõi tối tăm, bí hiểm, ở đó chỉ có hai người.
Cả hai chỉ là một, bay bổng lên trong một sự hòa hợp đồng điệu tự nó là một cái gì thật đẹp.
Chương 18
"Các cây hoa mộc lan!" - Remy đứng ở cửa dẫn lên bao lơn ở lầu hai, nhìn sững mấy cây cao ngất có lá màu xanh láng ở bồn cỏ, trước nhà. Nàng quay lại nhìn Nattie, sửng sốt khi nhận ra những cây ấy. Nàng nói:
- Brodie Donavan đã xây dựng nhà này. Tôi không hề nghĩ rằng... tôi đã suy đoán... dù tôi nhớ là quận Garden này nguyên thủy do những người Mỹ giàu có lập ra, chưa hề bao giờ tôi có ý nghĩ rằng cái nhà này do một người khác, chứ không phải do một người thuộc dòng họ Jardin xây lên. Đáng lẽ tôi phải biết, các người dòng họ Jardin, vì là người Creole, đều đã ở trong khu phố Cổ thành.
- Đây là nhà của Brodie Donavan ngày xưa, đúng vậy! - Nattie xác nhận.
- Như vậy là chúng ta đã hưởng của ông ấy không những công ty tàu thủy mà còn cả ngôi nhà này. Bằng cách nào?
- Tôi đang kể tới chỗ đó - Nattie khoác tay ra dấu cho nàng nên kiên nhẫn - Dù sao, không nghi ngờ gì nữa, Adrienne biết chính xác nàng đang hành động những gì khi lên giường nằm với Brodie. Nói thế không phải ám chỉ nàng không hiến thân cho chàng chỉ là vì yêu chàng. Nhưng nàng còn có những nguyên nhân khác.
Remy cau mày:
- Còn có những nguyên nhân gì?
- Cô đừng quên, thời đó một người phụ nữ chỉ ở một mình trong một thời gian lâu với một người đàn ông là bị mất thanh danh. Và Adrienne đã luôn luôn có ý định cho ông nội biết là nàng bí mật gặp gỡ Brodie - dĩ nhiên vào lúc thích hợp - và nàng muốn ông nội biết không chút nghi ngờ là nàng đã bị mang tiếng, không còn cách nào cứu gỡ. Thậm chí có nhiều khả năng có thai là đằng khác. Nàng suy tính rằng không những ông nội nàng sẽ phải chấp nhận Brodie Donavan, mà ông sẽ còn năn nỉ hai người cưới nhau - chị ta ngừng lại một chút - theo ý tôi, Adrienne có thể đã vẽ ra trong đầu óc hình ảnh hai người ngự trị trên cả cộng đồng người Mỹ lan cộng đồng người Creole, và sống một cuộc đời êm ấm trong sự giàu sang và uy tín của tên Jardin.
- Hiển nhiên điều đó đã không xảy ra - Remy nói và thơ thẩn đến bên một cái bục để quỳ cầu nguyện bằng gỗ gụ xưa cũ, đột nhiên phân vân không biết ai đã quỳ trên cái nệm này để cầu nguyện. Của Adrienne chăng? Tại sao? Chuyện gì không hay đã xảy ra, Nattie?
- Nàng đã không nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra, nếu anh nàng biết được nàng thường gặp Brodie. Và đó chính là chuyện đã xảy ra - Chị ta đáp - Vào lúc đó, có lẽ nàng đã bí mật gặp Brodie gần được một tháng, mỗi tuần không quá hai lần. Bây giờ, khi đi thăm chàng về, nàng không còn đi lối cầu thang, mà luôn luôn đi qua sân trong và vào nhau bằng cửa sau. Nàng tính rằng nếu có ai thấy thì nàng luôn có sẵn cái cớ, là không ngủ được nên ra ngoài thở không khí ban đêm...
Adrienne đi dọc theo đoạn đường tối mờ và mát lạnh từ cửa vòm dành cho xe ngựa đến cái cổng bằng sắt cuốn ở cuối đường. Nàng dừng lại ở đó, lắng tai nghe tiếng vó ngựa và tiếng lách cách của chiếc xe nhỏ dần trên đường Royal. Nàng tần ngần thêm một chút, để tai nàng thích nghi với sự im lặng mới trở về, và mắt nàng quen với bóng tối loang lổ ở sân trong, bên kia chiếc cổng sắt uốn. Ánh trăng mờ chiếu lên các cây hoa mộc lan bóng láng và pho tượng bằng đồng ở bể nước giữa sân, bức tượng một người thiếu nữ đội một cái chậu trên dầu, tự do nước chảy tràn ra kêu róc rách êm tai. Ngoài ra không có một tiếng động, một cử động nào khác. Và không có đèn sáng ở khu độc thân, ở cánh bên dành cho các người khác phái nam còn chưa vợ, và dành cho khách vãng lai.
Mùa chay đã đến, chấm dứt mùa liên hoan xã giao nhộn nhịp trong mùa đông, vì vậy không có khách, và không thấy đèn sáng, nàng yên tâm là Dominique đã đi ngủ. Cẩn thận Adrienne mở một bên cánh cổng đôi và lách vào vườn, lặng lẽ đi chậm lại như thơ thẩn dạo chơi, nàng bước lần theo bức tường gạch thấp bao quanh cái vòi nước và bể nước. Không khí ban đêm ngào ngạt hương hoa xông lên từ các bụi cây trồng đầy trong sân, những dây leo xen lẫn với các dây tầm xuân phủ kín bức tường gạch phía sau nhà, những cây ôliu và những cây vải che bóng mát cho cái bụi hoa hồng, và đủ loại cây hoa mọc chen chúc ở bồn cỏ.
Khi đến được tam cấp để lên bao lơn ở lầu hai, Adrienne không còn căng thẳng nữa. Nàng không cần làm bộ vô tư lự nữa trong khi lên cầu thang, mà nhớ lại hai giờ đầy thích thú vừa ở với Brodie và thưởng thức lại những giây phút đầy kích thích khi làm tình với nhau.
Phòng nàng không có đèn sáng như nàng đã chờ đợi, nhưng còn ở da đen Sulie Mae không chờ bên ngoài bộ cửa kiểu Pháp để mở cửa cho nàng vào, một biện pháp mà họ bắt buộc phải dùng đến, vì ông nội nàng tối nào trước khi đi ngủ cũng đi kiểm tra xem tất cả các cửa đã khóa an toàn chưa. Adrienne gõ hai tiếng lên tấm kính. Hình dáng quen thuộc của cô gái da đen có bộ ngực tròn trĩnh hiện ra ngay bên kia cửa kính. Cô ta loay hoay vặn khóa mở cửa ra. Adrienne quay nhìn xuống hành lang tối om và trống rỗng, rồi bước vào phòng nàng, mở khuy áo choàng, sửa soạn cởi ra và trao cho con ở.
Một tiếng nói vọng ra từ trong bóng tối, nghe to và đáng sợ. Tiếng của anh nàng:
- Bây giờ mày có thể đi ra đi, Sulie Mae!
Trong khi Adrienne trân cứng cả người vì hoảng sợ, và đưa mắt lục tìm anh ta giữa những hình thù đen ngòm trong căn phòng tối, một cái bấc đèn nãy giờ chỉ là một đốm sáng lờ mờ được khều lên, làm căn phòng được sáng lòa. Dominique đứng bên cây đèn.
- Cậu Dominique bảo tôi phải để cho cậu vào - Sulie Mae lẩm bẩm, mắt mở tròn xoe và tối sầm vì sợ hãi, trong khi nhìn lại Adrienne đang liếc nhìn nó với vẻ hỏi tội. Rồi nó hấp tấp bước ra ngoài.
Adrienne quay lại đối diện anh nàng, bất giác hất cằm lên khi thấy vẻ mặt lạnh lùng của anh ta.
- Dominique! - Nàng kêu lên một cách vui vẻ gượng gạo.
- Em đi với tên Yankee ấy. Đừng chối leo lẻo mà thêm xấu hổ.
Nàng sửng sốt vì anh ta đã biết. Bằng cách nào? Có phải Sulie Mae đã phản nàng không? Nhận thấy có trả lời được cũng không ích gì, Adrienne xua đuổi những câu hỏi ấy khỏi trí óc và thừa nhận:
- Phải, em đi với anh ta. Em yêu anh ta, Dominique.
- Còn ông nội thì sao? - Anh ta hỏi vặn, giọng lạnh như băng, và trừng mắt nhìn nàng - Sao em có thể phụ lòng tin của ông nội? Sao em có thể làm ô nhục đến ông nội và gia đình?
- Yêu Brodie không có gì là ô nhục, nhưng ông nội đã khước từ, không chịu - Adrienne đáp - Em không còn cách nào khác.
- Và em cũng làm cho anh không còn sự lựa chọn nào khác.
Anh ta tiến lên, và bất giác Adrienne thụt lùi, đâm ra ngán sợ anh đã biến thành một người đàn ông khác hẳn người anh trai nàng biết.
- Anh nói vậy là nghĩa gì? - Nàng hỏi và nhận ra hơi trễ là anh ta đã không tiến về phía nàng, mà băng qua phòng đi ra cửa còn để mở sau khi Sulie Mae đi ra ngoài - Anh đi mách ông nội hả?
Anh ta ngừng lại ở ngưỡng cửa:
- Anh sẽ không bao giờ cố tình nói hay làm một điều gì mà anh biết sẽ làm cho ông nội đau khổ như em đã làm - Anh ta bước ra ngoài và im lặng khép cửa lại.
Nàng tin lời anh nàng. Anh ta sẽ không đi mách ông nội chuyện nàng hẹn hò với Brodie Donavan. Nàng cảm thấy rã rời chân tay vì nhẹ nhõm, bởi vì nếu ông nội biết được đó Dominique nói lại thì tất cả các kế hoạch của nàng sắp đặt sẽ bị hỏng hết, nhưng bây giờ nàng sẽ sửa đổi các kế hoạch ấy. Nàng không thể tin cậy vào Dominique, anh ta sẽ không giữ im lặng được lâu.
Nàng nhận thấy cần phải nói chuyện với anh nàng. Nói cho anh ta hiểu những lý do đã thúc đẩy nàng hành động như vậy. Tuy nhiên, ngay bây giờ thì không được. Ngày mai, khi anh ta không còn tức tối vì cái mà anh coi là sự phản bội của nàng.
Không phải đây là lần đầu tiên trong đời Adrienne cảm thấy tức tối vì xã hội đặt ra hai tiêu chuẩn cho hai giới, phụ nữ phải tuân theo những phép tắc đạo lý cứng nhắc, còn nam nhi thì không hề bị ràng buộc như thế, tự do uống rượu, đánh bạc, chơi gái và mua nhà cho vợ bé da màu cà phê sữa ở đường Cổ Thành.
Sáng hôm sau, khi Adrienne vào phòng ăn để dùng điểm tâm, ở bàn ăn chỉ có ông nội và người cô của nàng. Ghế của Dominique để trống. Nàng lẩm bẩm chào ông nội và chỉ gật đầu chào người cô. Cô ta luôn cau có trong buổi sáng, và sẵn sàng gắt gỏng với người làm nếu nghe một tiếng đĩa bát va mạnh vào nhau.
- Sáng nay Dominique dậy trễ hay sao? - Adrienne nói và ngồi vào ghế thường lệ bên cạnh ông nội.
- Không, nó dậy sớm - Ông nội nàng đáp trong khi phết nước sốt dâu lên bánh.
- Vậy là anh ý đã ăn xong rồi à? - Adrienne hơi thất vọng vì lỡ mất dịp nói chuyện riêng với anh ta.
- Nó cho thắng yên cương vào ngựa cách đây một giờ - Ông nội nàng nói - Nó nói có hẹn gặp ai đó.
- Anh có nói bao giờ trở về không?
- Tối mới về.
Suốt bữa ăn điểm tâm, Adrienne đắn đo mãi về hành động sắp tới của mình. Tối qua khi chia tay với Brodie, nàng đã sắp đặt để gặp lại chàng vào tối ngày mai. Bây giờ nàng quyết định rằng, có lẽ hoãn lại buổi hẹn hò là khôn ngoan hơn, trước khi nàng đạt được một sự thông cảm về phía Dominique. Nhưng bỏ buổi hẹn không một lời giải thích thì nàng lại không làm vậy được. Không, nàng phải cho Brodie biết tình hình mới này, mà chỉ đích thân nàng mới làm được. Nàng không dám liều lĩnh gởi một lá thư, có thể rơi vào tay kẻ khác.
Liền sau khi về phòng, Adrienne gọi Sulie Mae đến.
- Ta muốn em đi nhắn tin cho ông lão mù đàn vĩ cầm tên Cado. Em cứ nói với ông ta, "cô sẽ gặp ông ấy ở chợ sáng nay" - nàng nói, cố tình không nói đến tên Brodie, và tin rằng chỉ sự kiện nàng liều lĩnh gặp chàng ban ngày cũng đủ nói lên có chuyện khẩn cấp và quan trọng.
Cô gái da đen thụt lùi, lắc đầu quầy quậy:
- Không cô ạ, em không làm chuyện đó được. Nếu cậu Dominique biết được, cậu sẽ bảo ông Jardin đem em đi bán.
- Mày phải làm, bằng không tao sẽ nói với ông bán mày đi.
Hai giờ sau, Adrienne đi thụt lại sau người cô, mắt lướt qua đám đông mua bán tụ tập. Tiếng ồn ào không ngớt, tiếng các con gà mái cục tác trong các giỏ, tiếng người bán rao hàng, tiếng các chim két kêu ken két trong lồng, tiếng khách hàng chào hỏi người này người kia, tất cả đều làm nàng khó chịu trong khi chờ Brodie đến.
Các hàng cá san sát bày cá mới bắt sáng nay, những con cá thân mình xanh xám, láng nhẫy dưới ánh nắng, những con sò vỏ cứng chất từng ụ, những con tôm càng quơ quơ cặp càng, những con tôm mài xám xịt sắp từng lớp dày mười bảy phân chờ một nồi nước sôi luộc chúng thành màu đỏ ngon mắt, và những con cua đồng lười biếng nhúc nhích một cách miễn cưỡng. Nhưng không có món gì cám dỗ được người cô của Adrienne, bà ta tiến về phía các sạp bán rau quả để xem các trái khóm có tươi không. Trong khi bà ta mặc cả với người bán, Adrienne lén nhìn quanh tìm Brodie. Nhưng ở đấy cũng không có bóng dáng của chàng. Cũng không có chàng ở các sạp bán thịt, ở đó những người bán thịt đang bận bịu cắt thịt theo yêu cầu của người mua, ngay ở trên con vật vừa bị lột da còn nguyên. Cũng không có ở các sạp bán hoa hay ở chỗ những người thợ ăn mặc thô sơ sáng bày bán chim rừng, rùa, và kỳ đà. Adrienne lo lắng nhìn quanh. Chàng không nhận được tin nàng nhắn hay sao?
Tiếng các thanh kiếm chạm nhau xủng xoảng trong trong phòng đấu kiếm, tiếp theo là một giọng nói lớn:
- Tốt! Ta hay thử lại một lần nữa - Lại có tiếng thép chạm vào nhau chan chát.
Không giấu được vẻ bồn chồn, Brodie bỏ ghế đứng dậy trong văn phòng của học viện và bước đến bên cửa sổ, hai tay chắp sau lưng, các ngón tay gài chặt vào nhau. Chàng đứng đấy - trong bao lâu chàng không biết - tinh thần càng căng thẳng khi nghe tiếng các lưỡi kiếm chạm vào nhau.
Rồi tiếng ấy ngừng hẳn, có tiếng thì thầm lễ phép và rồi tiếng bước chân đi đến gần cửa. Brodie xoay người lại vừa lúc cửa mở và người giám đốc học viện bước ra, một vẻ ưa nhìn và nồng hậu dễ lầm trên khuôn mặt xương xương của ông. Mặt nạ đánh kiếm của ông ta cặp ở nách và tay kia cầm thanh kiếm một cách lỏng lẻo. Thế nhưng, ở người ông luôn luôn có vẻ sẵn sàng nói lên các bản năng được luyện tập thuần thục, và các giác quan được tôi rèn để phản ứng trong một phần giây.
- Brodie, gặp lại anh tôi rất mừng, anh bạn của tôi. Tôi tiếc đã bắt anh phải chờ. Đấy là một buổi học ban sáng ít có, anh hiểu không - Ông ta để mặt nạ và găng tay lên bàn viết, đặt thanh kiếm một bên, mỗi cử động đều trơn tru và tinh tế - Mời anh dùng cà phê được không, hay dùng một ly rượu vang nhé?
- Không - Brodie từ chối và vào ngay vấn đề - Tôi cần anh cố vấn, Pepe - chàng nói, thân mật gọi người thầy dạy đánh kiếm nổi danh José Llulla bằng cái tên bình dân hơn.
Là người gốc Tây Ban Nha, José "Pepe" Llualla không giống như đa số trong khoảng 50 thầy dạy kiếm có trường mở dọc theo con đường Exchange lát đá tảng. Ông không ăn mặc diêm dúa, bắt chước điệu bộ một công tử bột, hay cố cho được thu nhận vào cộng đồng người Creole. Hơn thế nữa, ông để dành tiền và đầu tư vào nhiều công cuộc làm ăn khác nhau: một xưởng cưa, một tiệm chạpphô, một lò sát sinh, một quầy rượu. Trong cuộc sống phiêu bạt của chàng, Brodie đã gặp người này, trước khi làm thầy dạy kiếm đã sống một cuộc đời thủy thủ, và được nhiều người xem là một kiếm sĩ tài ba nhất tự cổ chí kim ở New Orleans.
- Anh cần tôi cố vấn? Tôi rất hân hạnh, Brodie.
- Tôi đã bị người ta thách đấu.
Nói lên mấy tiếng đó, làm chàng nhớ lại vẻ mặt lạnh lùng của Dominique Jardin khi anh ta đón chàng bên ngoài trụ sở công ty hàng hải Crescent cách đầy một giờ, và nhắc nhớ lại hình ảnh cái găng tay của anh ta phất nhẹ lên má chàng. Anh ta không biểu lộ chút gì giận dữ, không dùng lời lẽ nóng nảy. Sự thách đấu đã được thi hành theo cách chính xác, lịch sự quy định bởi luật đấu kiếm.
- Anh đã bị thách đấu, một chuyện tuyệt vời, anh bạn ạ! - Người kiếm sĩ nói và mỉm cười vui thú - Mừng cho anh.
- Tuyệt vời? - Brodie gắt lên - Tôi chả thấy gì tuyệt vời trong đó cả.
- Nhưng dĩ nhiên là tuyệt vời - Pepe khẳng định - Cuối cùng anh đã được chấp nhận. Người ta chỉ thách đấu người mà người ta coi là ngang hàng. Hãy cho tôi biết, đấu thủ của anh là ai?
- Dominique Jardin.
Một bên chân mày đen nhướng lên.
- một đấu thủ đáng gờm, một đấu thủ dày dạn kinh nghiệm qua nhiều trận đấu. Tất cả các trận ấy ông ta đều đã thắng bằng lưỡi kiếm của ông ta. Anh may mắn là đã bị thách đấu. Anh là người có quyền chọn lựa vũ khí. Tôi gợi ý anh nên chọn súng lục.
- Tôi không muốn đấu với anh ta.
Người Tây Ban Nha đứng thẳng lên, vẻ mặt trở nên cứng cỏi và lạnh lùng.
- Anh phải nhận đấu.
- Mẹ kiếp, tôi không thể, Pepe. Đó là lý do tại sao tôi đến đây. Đó là lý do tại sao tôi cần gặp anh. Anh biết các thủ tục phải làm đúng đắn. Ắt phải có một cách gì để tránh chuyện này xảy ra, một điều gì đó quy định trong văn bản bộ luật thách đấu chết bằm ấy.
- Nếu ông Jardin chọn lựa chấp nhận lời xin lỗi của anh và bất cứ câu nói hay hành động gì anh đã làm xúc phạm đến ông ấy, thì không cần xảy ra một cuộc đấu kiếm hay súng, và không bên nào bị mất danh dự cả. Tuy nhiên, sự xin lỗi phải được thực hiện trong khoảng thời gian pháp luật quy định. một khi hai bên gặp nhau trên sân khấu danh dự, thì là quá trễ.
- Anh cứ quên chuyện xin lỗi đi - Brodie thở dài - Anh ta không chịu chấp nhận đâu.
- Vậy thì anh phải gặp ông ta.
Brodie lắc đầu:
- Tôi không thể.
- Vậy thì tôi khuyên anh lên một trong những con tàu của anh và bỏ nơi này mà đi, Donavan ạ. Từ chối không đấu với anh ta đồng nghĩa với hèn nhát. Anh sẽ bị coi như hết thời ở khu phố Cổ thành này. Và tôi nghĩ rằng các đồng nghiệp người Mỹ của anh cũng sẽ không còn kính nể anh nữa.
- Tôi sẽ không bỏ đi.
- Anh đến đây nhờ tôi cố vấn. Tôi đã cố vấn cho anh vì anh sợ...
- Tôi không sợ anh ta, Pepe. Nếu không có ai khác dính líu với việc này, tôi sẵn lòng đấu với anh ta bằng súng săn cách nhau một cái khăn mù soa. Nhưng trường hợp này lại khác.
Người Tây Ban Nha dạy kiếm lại nhìn chàng với vẻ tò mò:
- Có ai khác dính vào? Ai?
- Em gái của anh ta, Adrienne. Tôi có ý định cưới nàng, Pepe. Bây giờ anh đã thấy cảnh ngộ này éo le đến thế nào chưa? Dù chọn cách nào, rồi cũng đều bị thiệt. Nếu từ chối không đấu, tôi sẽ bị gán cho cái tiếng hèn nhát. Nếu bị như vậy, tôi không chắc còn sống nổi, dù biết cái đó không đúng. Và tôi nghĩ rằng Adrienne cũng không thể chịu nổi sự xấu hổ ấy, dù tôi làm vậy vì nàng. Như anh đã nói, tôi sẽ hết thời ở thành phố này, và nếu nàng lấy tôi, nàng cũng hết thời luôn. Mặt khác, nếu tôi nhận lời thách đấu, nàng sẽ không bao giờ đồng ý lấy người đã giết anh nàng.
- Giết chết! - Pepe Lulla bật cười thoải mái - Người Mỹ các anh thường có quan niệm là hễ có đấu súng hay đấu kiếm là có người chết! Danh dự được thoả mãn một khi có máu chảy, một vệt xước trên má hay bàn tay cũng đủ. Bản thân tôi đã trải qua nhiều trận đấu vô kể, và bất kể anh có thể đã nghe người ta nói chuyện chuyển ngược lại, những dịp tôi đã gây ra một vết thương chí mạng cho người ta quả là rất ít. Hầu hết đều còn đi lại, và khoe các vết sẹo sau khi đấu với tôi - Ông ta bước tới bên Brodie và thân mật nắm vai chàng, toét miệng cười - Anh hãy nhận sự thách đấu của ông Jardin đi. Hãy gặp ông ta trên sân khấu danh dự. Hãy bắn cho trúng và cầu nguyện Chúa Trời nhân từ để viên đạn của anh ta không trúng một bộ phận cốt tử. Rồi thì để cho cô nàng xinh đẹp chăm sóc anh đến khi hồi phục, để cho có tức giận anh vì đã nhận đấu, để cho cố kiếm chuyện với anh và càng yêu anh nhiều hơn.
Brodie do dự, rồi từ từ mỉm cười:
- Tôi đã biết, thế nào cũng có cách.
- Cách đó không phải là không nguy hiểm, anh bạn ạ - Pepe nhắc nhở - Nhưng là một nguy hiểm đáng chấp nhận.
- Anh đã chọn ai làm phụ tá chưa?
- Chắc là anh Sean của tôi. Lẽ ra tôi nhờ anh, Pepe, nhưng tốt hơn tôi không nên kéo anh vào chuyện này.
- Có lẽ vậy là khôn ngoan - Ông ta dửng dưng nói - Anh đã nghĩ đến thì giờ, địa điểm, vũ khí, khoảng cách chưa?
Brodie nhìn ông ta:
- Pepe, trong giờ vừa qua, tôi tìm cách tránh khỏi phải đấu, chứ không phải tìm hiểu đấu như thế nào.
- Tôi có thể gợi ý cho anh được không? Anh nên sắp đặt để gặp ông ấy vào xế chiều hôm nay, khoảng 4 hay 5 giờ. Không bao giờ nên để cho mình có quá nhiều thì giờ mà suy nghĩ tới hậu quả sẽ xảy ra.
- Nếu anh đã bao vậy, tôi xin nghe theo - Sự vội vàng ấy là hợp ý chàng. Nhưng ý nghĩ riêng của chàng là muốn cho trận đấu qua mau trước khi Adrienne biết được. Chàng muốn tránh sự căng thẳng cho dây thần kinh của nàng, chứ không phải của chàng.
- Khu rừng sồi ở đồn điền ở Allard là địa điểm thường hay được chọn. Ai cũng biết chỗ ấy. Anh cũng có thể đấu với ông ấy dưới những cây sồi - Ông thầy dạy kiếm Tây Ban Nha bắt đầu đi tới đi lui chầm chậm trong phòng, suy nghĩ, lập kế hoạch, và quyết định các chi tiết - Còn về vũ khí, tôi có một cặp súng của hải quân tốt lắm. Trước đây anh dùng loại súng ấy bao giờ chưa?
- Có - Brodie gật đầu, nhớ lại những ngày của cuộc sống thương hồ. Chỉ có một thằng điên mới đi lại trên sông Mississippi không mang súng.
- Vậy thì anh có thể dùng súng của tôi. Tôi gợi ý anh đặt khoảng cách ở 35 bước - ông ta mỉm cười - Nói cho cùng , anh không muốn giết chết đấu thủ, phải không nào?
Chương 19
Trời đã chiều nhưng trong sân vẫn còn nóng, dù bóng hoàng hôn đã đổ dài. Adrienne thơ thẩn bước dọc theo bức tường gạch, bề ngoài không để lộ chút nào sự bồn chồn trong lòng. Dừng lại, nàng giả vờ ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của một đóa hoa hồng đỏ thắm trong khi cố nghe những tiếng động trên đường phố bên ngoài các bức tường dày bao quanh sân, qua tiếng róc rách của nước chảy ở vòi.
Dominique ở đâu? Đèn đã thắp lên trong nhà. Nếu anh ta không về liền bây giờ, nàng sẽ không có dịp nói chuyện riêng với anh trước khi đến giờ thay áo ăn tối. Nếu vậy thì làm sao? Hoãn đến ngày mai? Nàng nghĩ thần kinh nàng sẽ không chịu đựng nổi, nàng đã thấy căng thẳng lắm rồi.
Nàng lại đi dạo dọc bồn hoa, bề ngoài có vẻ thong dong. Rồi nàng nghe tiếng cổng dành cho xe mở ra kêu ken két, và tiếng động ở đường phố ập vào lớn hơn. Adrienne quay lại nhìn ra cổng sắt uốn ở sân, căng thẳng chờ đợi. Nàng nghe tiếng lọc cọc của xe ngựa trên đoạn đường từ cổng vào và suýt nữa ngoảnh mặt đi, vì Dominique không thể về nhà bằng cách đó, anh ta đã cưỡi ngựa ra đi, chứ không đi xe ngựa nhà. Nhưng ai đến thăm quá trễ vậy?
Một mã phu người da đen hấp tấp từ chuồng ngựa bước ra giữ đầu ngựa khi cỗ xe không mũi dừng lại ở tam cấp. Tiến tới, Adrienne thấy một người đàn ông thấp lùn nhảy xuống xe. Nàng nhận ra Victor Dumonte, một người cùng lứa tuổi với Dominique, và là bạn thân nhất của anh nàng. Trong anh ta có vẻ xốc xếch quá chừng, chiếc cà vạt vẹo qua một bên, vạt trước áo sơ mi lấm bê bết. Quay lại cỗ xe, anh ta chợt thấy nàng và đứng ngây ra.
- Victor - Nàng tiến tới để chào và mời anh ta vào nhà, phép lịch sự buộc phải làm thế, không còn cách nào khác. Từ cái vườn riêng bên trong, nàng đi qua cái cổng sắt uốn và đến gần cỗ xe - Hân hạnh được gặp anh. Nhưng nếu anh đến để nói chuyện với Dominique thì anh tôi không có nhà. Sáng hôm nay anh ấy ra đi sớm, giờ này chưa về.
- Tôi biết! - Anh ta tiến lên một bước về phía nàng, rồi dừng lại.
Adrienne kinh ngạc thấy mặt anh ta tái xanh một cách khác thường. Anh ta cầm hai bàn tay nàng, và cảm giác rịn ướt ở tay anh ta khiến nàng nghĩ rằng anh ta bị ốm. Ngay cả cặp mắt cũng có vẻ ốm đau
- Tôi... - Victor định nói gì nhưng lại thôi và day lui nhìn một người đàn ông thứ hai đang từ trên cỗ xe bước xuống.
- Bác sĩ Charron! - Adrienne ngạc nhiên nhìn người đàn ông có chùm râu cằm muối tiêu. Ông đội cái mũ cao, mắt mang kính trắng, tay cầm một cái can nhưng không xách túi dụng cụ y tế màu đen của ông như thường lệ. Adrienne thấy nó còn để trên ghế xe - Bất ngờ quá. Tôi...
Ông bác sĩ không phí thì giờ chào hỏi, vẻ mặt nghiêm nghị, điệu bộ rầu rĩ, hỏi:
- Ông nội cô đâu rồi?
- Dạ trong nhà - Nàng vừa đáp thì ngạc nhiên thấy ông, đi ngang qua và vội vàng lên cầu thang mà không nói gì cả. Nàng day về phía người bạn của anh nàng, bắt đầu cảm thấy lo ngại.
- Chuyện gì vậy? Chuyện gì không hay xảy ra thế, Victor?
Anh ta nhìn xuống, bóp chặt hai bàn tay nàng:
- Một cuộc đấu súng vừa xảy ra, Adrienne - Anh ta nghẹn ngào nói.
Nàng nhìn sững vào khuôn mặt tái mét của anh ta, bỗng nhớ lại Dominique đã nhờ Victor làm phụ tá biết bao nhiêu lần rồi, và biết bao nhiêu lần bác sĩ Charron đã đóng vai y sĩ túc trực.
- Dominique à? - Nàng hỏi.
Anh ta ngẩng lên nhìn nàng, mắt đầy lệ:
- Anh ấy bị bắn trúng, Adrienne ạ!
Nàng kêu lên một tiếng và nhìn ngay về phía cỗ xe vừa lúc người đánh xe và người mã phu đang khiêng thật nhẹ tay thân thể bất động của anh nàng xuống. Nàng đứng sững một lúc, nhìn chầm chậm vào khuôn mặt trắng bệch của anh nàng dưới mái tóc đến tưởng như là chuyện không có thực. Nàng gắng gượng tỉnh táo:
- Phải khiêng ảnh vào trong nhà liền. Bác sĩ sẽ cần cái túi đồ nghề...
- Không - Anh bạn nắm tay nàng không cho nàng vùng ra - Adrienne, anh ta chết rồi!
- Không, không đúng! - Nàng nhìn Victor trừng trừng, nổi giận vì anh ta đã dám quả quyết một chuyện như thế.
- Tôi cam đoan là đúng.
Không thèm nghe anh ta nói nữa, nàng vùng ra khỏi tay anh ta.
- Tôi không tin, không thể có chuyện đó.
Nàng liền bước tới bên người anh, đang nằm trên tay người đánh xe da đen mặc sắc phục và người mã phu già. Nàng không thấy vết thương nào cả, vạt trước áo sơmi vải phin trắng của anh nàng không có vết máu nào cả., nhưng khi đặt bàn tay lên má anh, nàng rụng rời vì da anh lạnh ngắt.
- Đây là một sự sai lầm! Ắt hẳn là vậy.
Nàng chồm xuống trên mình người anh, đưa bàn tay xoa quanh bụng anh, và ngừng lại đột ngột vì có cảm giác một cái gì ướt và dính.
Hai bàn tay nắm lên hai vai nàng và kéo nàng lui, nàng không cưỡng lại, và nhìn xuống bàn tay nàng, thấy các ngón tay. Lòng bàn tay đỏ và dính máu . Máu, nhưng không phải còn ấm, không phải còn sống...
Từ phía sau vọng tới một tiếng kêu gào nghe như của một con thú, không phải của con người. Quay lại, Adrienne thấy ông nội nàng ở cầu thang, đang tựa nặng nề lên lan can gỗ. Ông có vẻ như già đi trông thấy, hai vai kiêu hãnh oằn lại, lưng thẳng còng xuống, mặt xám ngoét màu tro như mái tóc, trong khi ông nhìn trừng trừng vào xác người cháu trai thân yêu.
Chầm chậm, như thể phải dùng hết cả sức lực để đi từng bước, ông xuống hết cầu thang và dừng lại trước cái xác không hồn. Với cặp mắt vô thần, giống người chết nằm đó, ông hỏi người bác sĩ:
- Ai gây ra chuyện này?
- Một người Yankee.
Adrienne trân cứng mình:
- Ai? - Ông nội nàng hỏi gặng.
- Brodie Donavan.
- Không! - Nàng thì thào phản đối.
Ông nội nàng ngẩng lên khi nghe tiếng ấy:
- Y sống?
Người bác sĩ gật đầu:
- Chỉ bị thương nhẹ ở vai.
Adrienne cố vui mừng, nhưng cả người nàng quá đờ đẫn. Nàng không ngớt nhớ lại câu nói của Dominique trong đêm trước khi anh ta rời khỏi phòng nàng " và em không dành cho anh sự chọn lựa nào khác". Đáng lẽ nàng phải hiểu anh nàng muốn nói gì. Nàng phải nhớ lại luật danh dự không thể lay chuyển của anh nàng. Nhưng không có lấy một lần nàng nghĩ tới phản ứng của anh có thể ra sao vì hành động của nàng. Không, toàn thể sự chý ý của nàng đã tập trung vào mục tiêu đặt ông nội nàng vào một vị thế bắt buộc phải chấp nhận Brodie.
- Dominique! - Một tiếng nấc phát ra từ ông nội nàng cùng lúc ông kêu lên tên ấy. Ông cúi xuống hôn lên cái má trắng bệch và thầm thì - Ôi máu huyết của ta! Sự sống của ta!
Nàng thấy hai vai ông rung lên vì nức nở không thành tiếng và càng đau khổ hơn. Nàng cũng bắt đầu cảm thấy muốn khóc. Lạy Chúa, nàng đã làm gì thế?
- Tôi không hiểu - Remy bối rối nói, và đứng dậy đi quanh phòng - Nếu Brodie chỉ có ý định làm anh ta bị thương, thì chuyện gì bất ưng đã xảy ra? hay là súng của anh ta đã nổ bậy khi anh bị bắn trúng?
- Không. Đó là một chuyện vô ký không ai có thể ngờ đến - Nattie đáp - Viên đạn của Brodie trúng cánh tay Dominique, nhưng đụng xương nên nó xẹt qua đâm xéo vào tim, làm anh té chết ngay tức thì.
- Vậy là một tai nạn, một tai nạn khủng khiếp.
- Đúng vậy.
- Chắc Adrienne đã biết.
- Brodie đã nói cho nàng biết.
- Vậy là anh ta gặp nàng nữa - vì một lý do nào đó, Remy đã có cảm tưởng cái chết của Dominique có nghĩa là cuộc tình giữa hai người cũng chấm dứt.
- Ngắn ngủi thôi, ở nghĩa trang St. Louis, anh nàng chôn ở đó trong mộ địa của gia đình...
Bầu trời trong xanh, nắng ấm và chói chang, những tia nắng xuyên qua các cành lá sồi và mộc lan, chiếu xuống các nhà mồ quét vôi trắng, chen chúc nhau như các ngôi nhà dọc theo các con đường hẹp của khu phố cổ thành. Ở đây cũng vậy, trong cái chết cũng như trong cuôc sống, nhiều thế hệ ngủ chung dưới một mái nhà.
Chàng lơ đễnh cài lại dải băng đen giữ cho vai trái bất động, đôi mắt không ngớt theo dõi vẻ mặt nàng có mang tấm mạng. Lớp lưới mỏng màu đen che không hết mặt nàng. Nhìn từ quãng cách này, nét mặt nàng giống như tạc bằng cẩm thạch trắng, lạnh lùng và trống rỗng, không có lấy một giọt nước mắt long lanh trên má.
Người cô của nàng thì không vậy. Bà khóc không ngớt từ khi mới đến nghĩa trang. Bây giờ đến lúc ra về, bà càng khóc dữ hơn. Brodie nhìn theo trong khi Adrienne và ông nội nàng đỡ cô gái già khóc sướt mướt đứng dậy. Chính ông Emil Jardin cũng không còn giống chút nào người gia trưởng quý phái mà Brodie đã phải gặp cách đây hơn một tháng. Hai mắt không hồn, bước đi vững vàng trước kia trở nên loạng choạng.
Chàng nhìn sững một lúc ba bộ mặt tang phục đen chụm lại với nhau nhưng chẳng có người nào an ủi được người nào. Rồi Emil Jardin ra hiệu cho Adrienne không cần sự giúp đỡ của nàng nữa. Nàng lùi lại, để ông nội nàng dẫn người cô ra khỏi nhà mồ. Nàng định bước theo, nhưng rồi ngập ngừng và nhìn lui, vẹo đầu qua một bên để liếc cái tên của gia đình, Jardin, khắc trên cánh cửa đồng của nhà mồ, trang trí bằng các cành nguyệt quế. Nàng đứng sững sờ một giây, tưởng chừng như bất tận. Có vẻ cố gắng, nàng nhìn đi nơi khác và bước theo xa xa ông nội và bà cô, dừng lại mấy bước sau họ, khi ông nội nàng nhận lời chia buồn của những người đi đưa đám cố ý nán lại sau cùng để đích thân nói lời phân ưu.
Đó là cơ hội Brodie đã chờ nãy giờ. Chàng đã đến, vì hy vọng có dịp nói chuyện với nàng, tuy rằng chàng biết không thể nói gì để làm nàng quên chuyện chàng đã gây ra. nhưng chàng cần nói chuyện với nàng. Chàng cần nói với nàng rằng chàng hối tiếc chuyện ấy biết bao nhiêu, chàng cần nói lên lời bênh vực mình.
Chàng liếc nhìn gương mặt của ông nội nàng xám ngắt và đầm đìa nước mắt trong khi đi ngang qua chỗ ông, rồi từ khe hở giữa hai nhà mồ giống nhau, bước ra đón đường Adrienne đang đi tới. Nàng hoảng lên một chút, rồi dừng lại.
- Tôi phải đến để xin thề với cô là tôi không cố ý như vậy - Trong tâm trí, chàng thấy lại khu rừng sồi già thân đầy rêu màu xám, lúc chàng đưa nòng súng lên về phía hình dáng cao mảnh dẻ của Dominique đứng cách chàng 30 bước, nhắm vào cánh tay của anh ta và bóp cò. Lúc chàng cảm thấy nhẹ nhõm ngay vì thấy cánh tay Dominique hất lên một cái thi cũng là lúc viên đạn của anh ta ghim vào vai chàng, với sức mạnh làm chàng bị xoay đi, thậm chí không thấy Dominique gục xuống đất, chỉ nhác thấy mọi người rần rần chạy tới bên tấm thân mềm nhũn nằm dài trên cỏ xanh mùa xuân, và sửng sốt khi nghe có tiếng kêu lên "anh ta chết rồi!", và tiếng bản thân chàng kêu lên cãi lại rằng phát súng của chàng đã trúng đích, rằng Dominique bị thương ở cánh tay, đâu ngờ viên đạn đã trúng vào xương và xẹt ngang vào tim của anh ta.
- Tôi rất tiếc! - Chàng nói để kết thúc.
- Cả hai ta đều có cớ để hối tiếc - Nàng để lộ sự đau khổ tột cùng trong giây lát - Anh tôi chết. Gia đình tôi chết. Mọi cái đều chết.
Nàng bỏ đi, và Brodie hiểu đích xác nàng muốn nói gì. Chàng cảm thấy trong lòng chết đứng, vì biết sẽ không bao giờ gặp lại nàng. Tim chàng còn đập đều chỉ là sự dối trá.
- Dĩ nhiên, Adrienne lúc ấy không biết nàng đã sai lầm đến thế nào - Nattie nói - lúc ấy thì không.
- Sai lầm? Chị muốn nói gì?
- Tôi muốn nói nàng đã có thai, nhưng chưa biết, cho đến mấy tuần lễ sau đám tang nàng mới biết.
Remy ngồi xuống ghế, bắt đầu thấy mọi chuyện ăn khớp với nhau:
- Và dù nàng đã có thai với Brodie Donavan, ông nội nàng đã từ chối không cho nàng lấy người đã bắn chết anh nàng. Và đứa con ấy là nguyên nhân Cole đã nói tên của chúng tôi đáng lẽ ra phải là Donavan, thay vì là Jardin.
- Cái đó đúng, tuy có một điểm sai trong câu nói của cô. Cô biết không, vấn đề Adrienne lấy Brodie đã không bao giờ được đặt ra, không do ông Emil Jardin, và chắc chắn cũng không do Adrienne nêu lên.
- Tại sao không? Tôi đã tưởng...
- Cô quên là Adrienne cảm thấy có lỗi - Nattie cắt ngang - Về phần mình, ắt nàng đã nghĩ chính mình đã giết Dominique. Brodie chỉ là dụng cụ để giết anh ta. Như ta đã biết, nàng yêu thương người anh đến thế nào, nhưng nàng còn thấy có thêm một tội là làm cho dòng họ nàng tuyệt diệt với cái chết của Dominique. Đó là lý do tại sao khi biết sắp có con, nàng lại đầy hy vọng, thay vì tuyệt vọng thâm trầm. Đó là lý do tại sao nàng không chịu để cho ông nội nàng sắp đặt một cuộc hôn nhân khác cho nàng, tuy nàng biết rõ sẽ bị tai tiếng, xấu hổ, và sẽ bị mọi người khinh rẻ nếu chửa hoang trong thời đó.
Remy từ từ lắc đầu:
- Tôi không thể tưởng tượng được ông Emil Jardin có thể đồng ý với việc đó với sự kiêu hãnh và ý thức danh dự gia đình của ông ta. Dù ông có muốn duy trì dòng họ của ông đến mấy chăng nữa, có lẽ ông cũng không thể chịu đựng được sự nhục nhã là phải nhờ một đứa con hoang, nhất là mang dòng máu của Brodie Donavan. Ông biết Brodie là cha nó, phải không?
- Ông đoán thôi. Cũng không khó gì lắm....
- Đứa con hoang trong bụng cháu là giọt máu của tên Yankee ấy phải không - Mắt ông long lanh vì thù ghét, một sự thù ghét xuất phát từ kinh tởm, mạnh mẽ không kém sự đau khổ làm tiếng nói của ông lạc đi - Cũng tên Yankee đã giết Dominique của ta. Vì vậy, Dominique thách đấu hắn ta.
- Không! - Adrienne phủ nhận.
Sự bình tĩnh của nàng như là một áo giáp mà ngay cả sự giận dữ run lên của ông cũng không thể chọc thủng, khi người đứng trước mặt ông trong căn phòng ngủ tối mờ mờ của anh nàng, các tấm màn đã kéo cả xuống để ngăn cách với thế giới bên ngoài vẫn tiếp tục tồn tại. Căn phòng y hệt như trong buổi chiều anh ta chết. Một bộ áo quần để thay đi ăn tối còn bày ra gọn ghẽ trên giường, đồ dùng cạo râu của anh ta còn sắp ra trên bàn giấy, chậu nước do một người ở giữ sạch và mát. Chỉ có một sự thay đổi là các cây nến cháy sáng để tưởng nhớ đến anh ta ở cái bục cầu nguyện. Trong mấy tuần lễ sau khi Dominique chết, ông chia thì giờ của ông ra làm hai, một nữa dành cho nhà mồ của gia đình, một nửa cho căn phòng này, tự cô lập mình trong nỗi đau buồn của ông, không chia sẻ nói với bất cứ ai. Và suốt thời gian ấy, ông gần như không nói một tiếng nào với ai cả; đến bữa ăn, ngồi im lặng, nhìn sững vào cái đĩa trước mặt, và ít khi động vào thức ăn trong đó
- Dominique chỉ biết rằng cháu bí mật gặp ... anh ta - Nàng cố tình không nhắc đến tên Brodie, và nói nhanh để biện hộ cho mình - Cha nó là ai, việc đó không quan trọng, ông nội ạ. Con của cháu sẽ sinh ra với tên của dòng họ Jardin và được nuôi dưỡng khôn lớn như một đứa con của dòng họ Jardin. Nó sẽ không biết tên nào khác, quá khứ nào khác. Qua đó, dòng họ ta sẽ tồn tại.
- Qua một đứa con hoang!? - Ông nói nhỏ, vẻ đầy xấu hổ.
- Không, ông nội ạ - Nàng mỉm cười bình thản - Sự sống đang lớn lên trong mình cháu là ý muốn của Chúa. Chúa đã đem Dominique của chúng ta đi, và Ngài đã cho lại chúng ta sự sống này - Nàng tiến tới bên ông, đưa hai tay lên, nhưng ông thụt lùi - Không ai thay được vào chỗ của Dominique trong trái tim ông nội, cũng như trong tim cháu. Nhưng Chúa khôn ngoan đã cho cháu mang thai đứa bé này.
- Để phạt cháu vì những tội lỗi của cháu.
- Không, ông nội ạ. Để cháu có thể chuộc lỗi! - Adrienne nói với vẻ cương quyết - gốc gác đứa con trai của cháu không bao giờ cần cho ai biết. Các bạn bè của ông đều biết chúng ta còn bà con xa bên Pháp. Đến tháng Năm, chúng ta sẽ đi tàu thủy sang Pháp thăm họ. Sau khi đứa con trai của cháu sinh ra trong tháng 11, chúng ta có thể trở về nhà... để nuôi đứa bé của một người thân thuộc trong dòng họ Jardin, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi sinh ra.
Và đó sẽ là hình phạt của nàng, nỗi đau khổ của nàng. Sự hiểu biết rằng nàng sẽ mãi mãi phủ nhận với cả thế giới và với đứa con ruột của nàng rằng nàng là mẹ nó. Không thể có cách nào khác. Cũng như nàng sẽ phải sống suốt cuộc đời với ý nghĩ nàng đã giết người anh của nàng, cũng chắc chắn như chính nàng đã bấm cò súng.
Một tiếng gõ cửa phá tan sự im lặng. Ông nội nàng nóng nảy kêu lên:
- Vào đi.
Cửa phòng ngủ được một người da đen giúp việc mở ra:
- Thưa ông, có ông Vanier đến - Pierre, người giúp việc béo mập báo tin - Tôi bảo ông không muốn gặp ai hết, nhưng ông ta nói cần gặp ông để nói gì đó. Ông ta bảo có việc khẩn cấp ở đồn điền Clinton.
- Gặp ông ta đi, ông nội - Adrienne thúc giục người ông gặp người thư ký riêng và là phụ tá của ông, lo về các công cuộc làm ăn của gia đình.
Sau khi Dominique chết, ông nội nàng đã bỏ không để ý đến việc gì nữa, và trút toàn thể trách nhiệm lên Simon Vanier - Ông nội có lý do quan tâm đến tương lai. Khi ông nội suy nghĩ về những điều cháu vừa nói, ông nội sẽ thấy là cháu nói đúng - Nàng nhìn trả lại ông một lúc, rồi quay lưng đi ra khỏi phòng.
- Ông có gặp ông ta không, ông Jardin? - Người giúp việc da đen hỏi, rồi nói thêm - Ông ta rõ rệt là bối rối lắm.
Ông cụ Emil Jardin không tỏ ra dấu hiệu gì đã nghe y nói, mắt ông đăm đăm nhìn vào một điểm nào đó ở xa xăm. Rồi ông sực tỉnh và lơ đễnh gật đầu:
- Ừ, ta cần gặp anh ta.
- Vì biết được về chuyện đứa bé, ông Emil Jardin đã tìm được một lý do để tiếp tục sống, đúng vậy - Nattie nói - Nhưng không bao giờ là lý do mà Adrienne tưởng nàng đã mang lại cho ông.
- Chị nói thế là nghĩa gì? - Remy hỏi, dù nàng cũng đoán được.
- Có nghĩa là ông đã sắp đặt để tiêu diệt người đã giết cháu trai ông và phá hại đời của cháu gái ông.
- Công ty Crescent! - Remy bỗng có một cảm tưởng kinh hoàng là biết gia đình nàng đã trở thành chủ công ty tàu thuỷ bằng cách nào.
- Cô nói đúng đấy - Nattie đáp - Dĩ nhiên đó không phải là việc ông ta có thể làm được trong một ngày, một tháng. Và không phải là một việc ông có thể làm được nếu không biết phân phát tiền bạc vào tay những ai đáng nhận. Và vì Brodie đã phát tài như thế, điều đó có nghĩa là ông phải chi ra rất nhiều tiền. Ông nội nàng cuối cùng bán hết các đồn điền mía và bông vải để huy động tiền bạc, trong khi làm việc đó, ông dùng người chân tay là Simon Vanier tìm hiểu những ai là người Brodie làm ăn cả ở đây và ở nước ngoài, anh ta nhận hàng ở đâu, ai làm việc cho anh ta, anh ta mắc nợ ai, và nợ bao nhiêu. Sau vài tháng, vào khoảng đó, Adrienne cùng bà cô Zee Zee của nàng lên tàu sang Pháp, ông bắt đầu thực hiện kế hoạch của ông.
- Brodie không làm gì được để chống lại phải không? - Remy hỏi, nhớ lại ông Emil Jardin đã có quyền thế lớn nhờ quen biết lâu năm với nhiều kẻ ở trong vùng này.
- Thoạt tiên, anh ta thậm chí không biết có chuyện gì. Cô nên nhớ, anh ta yêu Adrienne, và rất buồn khổ vì mất nàng bằng cách đó. Trong một thời gian, anh ta không quan tâm đến gì cả, kể cả công ty Crescent. Khi công việc làm ăn của anh bắt đầu xuống dốc, như là các thuyền trưởng bỏ anh ta đi chỉ huy các tàu thuỷ khác, các thủy thủ của anh ta lên bờ đi phép rồi không trở lại, những vụ cháy không biết lý do xảy ra trên các tàu của anh ta, hàng hóa tự động hư hay bị phá hoại, các công ty bảo hiểm tăng phí bảo hiểm đối với anh ta... anh ta chỉ nghĩ rằng đang gặp vận xui. Trong vòng một năm, không ai muốn đi tàu của anh ta hay gởi hàng trên tàu của anh ta, và cũng không muốn bán gì cho anh ta nữa. Và điểm cuối cùng này làm anh ta sinh ra nghi ngờ. Các điểm kia còn có thể hiểu người ta có khuynh hướng ưa tin dị đoan; nếu họ nghĩ rằng các tàu thủy của anh ta bị xui xẻo, họ tránh xa anh ta. Nhưng không bán hàng cho anh ta. Cái đó là phi lý...
Bầu trời âm u làm cho khu phố Cổ thành trở nên ảm đạm dù còn sớm, mây giăng thấp và đen sì trong khi Brodie bước đi trên con đường hẹp. Xa xa, chớp lòe sáng, những tiếng các xe lửa và tiếng ồn trên đường phố át mất tiếng sấm từ xa vọng lại. Brodie đoán cơn bão mùa xuân này chỉ vài ba giờ nữa là ập đến. Chàng mong nó đến, để sự căng thẳng trong không khí dịu đi.
Gần đến góc phố, chàng đi chậm lại. Chàng ít khi trở lại khu Quatier này, từ ngày... Nghĩ đến nàng, chàng vẫn còn đau khổ, nhất là khi thấy lại những chỗ chàng đã gặp nàng, và nhớ lại cái mỉm cười của nàng cùng đôi mắt long lanh đen nháy của nàng. một năm đã qua mà nỗi đau khổ vẫn còn sâu đậm như mới ngày hôm qua, nhất là khi đến khu Cổ thành này, nơi nàng đang ở. Chàng nhìn thấy lão già mù kéo vĩ cầm ở nguyên chỗ cũ tại góc phố. Brodie dừng lại và suýt nữa quay lui, vì không muốn nói chuyện với người da đen đã từng chuyển cho chàng nhiều lá thư nhắn tin của nàng, sợ không ngăn được ông ta hỏi về nàng. Chàng cố nghĩ đến công ty Crescent và tình trạng khó khăn hiện nay của công ty, và những sự nghi ngờ rằng không phải chỉ vì xui xẻo.
Chàng tiến tới trước mặt ông lão kéo vĩ cầm và bỏ một đồng đô la bằng bạc vào nón ông ta.
- Lâu nay ông mạnh khỏe không, ông Cado?
Ông lão trân mình khi nghe tiếng chàng và ngừng kéo đàn, một điều mà trước đó không khi nào ông làm. Sửng sốt, Brodie nhìn theo ông ta cúi xuống, mò tìm đồng đô la bằng bạc trong nón, rồi ngồi thẳng lên đưa trả lại chàng.
- Tiền của ông không còn tiêu được, ông Donavan.
- Ông nói gì lạ thế, Cado?
Hướng về tiếng nói của chàng, ông lão da đen quơ tay lên hông Brodie:
- Ông cầm lại tiền của ông và đi đi. Để cho lão Cado này được yên ổn.
Trong khoảnh khắc Brodie cố nén sự tức giận, nửa muốn giật lại đồng bạc, nữa muốn đấm vào mặt lão da đen.
- Ông cũng chống lại tôi luôn, hả ông Cado? - Chàng hỏi, và nắm lấy cườm tay ông lão, chàng cầm lại đồng bạc, liệng nó xuống rãnh nước.
Khi chàng bắt đầu bước ngang qua ông lão để băng sang đường, ông lão nói thì thào qua hơi thở:
- 4 giờ, tiệm thợ giày ở đường Dumaine.
Chỉ có một tiệm thợ giày trên đường Dumaine, đó là một cửa tiệm nhỏ trổ trong tường. một bảng hiệu sơn bằng tay ghi tên chủ tiệm là Louis Germaine, F.M.C (free man of color) - một người da màu tự do. Cửa chống để mở ra, không khí nặng nề như sắp có bão tràn vào trong cửa tiệm. Đúng 4 giờ chiều, Brodie bước vào tiệm, đầy mùi da và xi đánh giày.
Một người da đen như mun đeo một tạp dề bằng da ngồi ở ghế đóng giày. Khi Brodie vào, y nhìn lên, do dự và liếc nhanh ra cửa, rồi gật đầu hất hàm về phía một cửa có màn che ở cuối tiệm.
Khi Brodie đến gần đó, tiếng Cado vẳng ra từ phía sau tấm màn mỏng:
- Có mấy đôi bốt trên quầy bên tay phải của ông. Ông giả bộ xem chúng, ông Donavan và đừng để lộ ra dấu hiệu gì ông có thể nghe được Cado nói. Đâu đâu cũng có mắt của họ.
Brodie làm như ông ta bảo.
- Có chuyện gì thế, Cado.
- Ông chuốc lấy một kẻ thù - Ông lão nói nhỏ - Tôi đã biết thế nào ông cũng tìm tới lão Cado này. Tôi đã lắng tai và nghe. Mọi người đều đã được cảnh cáo: nếu ai làm ăn với ông, thì coi như hết thời ở thành phố này.
- Ai đưa ra lời cảnh cáo? - Brodie cầm lên một chiếc bốt, làm bộ xem nó.
- Ông muốn nói, ông chưa đoán ra hay sao?
- Tôi cũng nghĩ thôi.
- Nếu ông nghĩ là ông già Emil Jardin, thì là đúng - Cado nói, và Brodie thầm chửi thề một tiếng - Nhưng cũng vô ích thôi, ông Donavan. Còn nhiều rắc rối nữa sắp xảy đến cho ông. Người ta nói ông ấy mua lại những giấy nợ bảo đảm bằng các tàu thủy và nhà của ông. Tôi nghĩ rằng, ông ta chỉ chờ đến lúc thuận lợi là trưng giấy nợ ra đòi tiền ông.
Brodie ngẩn ra, biết rằng ông Jardin sẽ chọn một lúc mà ông ta biết chắc chàng không thể thu thập đủ tiền mặt. "tất cả chỉ vì viên đạn chết tiệt ấy xẹt qua", chàng lẩm bẩm một mình, nhận thức rằng viên đạn quái ác ấy đã lấy đi không những mạng sống của Dominique, và Adrienne của chàng, mà còn nhiều hơn thế. Bây giờ chàng sắp sửa mất cả công ty Crescent, một phần chàng không mấy quan tâm. Chàng không còn quan tâm từ khi mất Adrienne.
- Tôi nghĩ rằng còn hơn vậy nữa, ông Donavan. Ông ta đeo theo hại ông không chỉ vì ông giết cháu nội của ông ta trong một cuộc đấu súng.
Adrienne. Ông già trả thù chàng vì đã bí mật hẹn hò với nàng, Brodie nghĩ thầm, nhưng không nói ra, trong lòng khó chịu vô cùng.
Cado lại nói:
- Khi họ từ Pháp trở về trong tháng chạp năm ngoái, họ mang theo một đứa bé mới sinh, con trai. Họ bảo, nó không có cha có mẹ.
- Tôi đã có nghe - Brodie nói, dửng dưng.
- Mấy người giúp việc da đen trong nhà đó nói cô Adrienne yêu đứa bé ấy như là con ruột của cô - Cado nói, và ngừng lại một chút - Những người ở da đen đó nói đứa bé trai ấy tóc đỏ. Màu đỏ sậm... tương tự như tóc ông.
Trong một phần giây, ý nghĩ của câu nói thấm vào, và Brodie phản ứng lại bằng cách vạch phăng tấm màn bước vào buồng trong và thộp cổ áo sơmi của ông lão:
- Ông nói gì vậy? Nói thẳng đi. Đứa bé có phải là con tôi không?
- Không ai có thể nói điều đó với ông một cách chắc chắn, ngoài cô Adrienne, bà cô của cô ta, hay ông già Emil. Tuy nhiên, đúng là trước khi họ ra đi, cô ta rất buồn rầu. Và khi họ trở về, họ không đem theo về người ở nào cả, vì đã trả tự do cho tất cả và bỏ họ lại bên Pháp. Cái đó làm tôi nghĩ rằng ông già Emil không muốn cho họ trở lại đây, sợ nói lộ ra. Lại còn mớ tóc đỏ của đứa bé. Ở đâu một người dòng họ Jardin có được tóc đỏ? Nếu ông hỏi lão, thì lão chỉ biết có một chỗ duy nhất, đó là của cha nó truyền cho.
Brodie buông cổ áo của lão già ra, trong suốt cuộc đời chàng chưa bao giờ chàng muốn tin một điều gì nhiều như vậy. Chàng hỏi:
- Nó tên là gì? Lão biết không?
- Jean- Luc Eurtienne Jardin
- Jean- Luc. Luc - Chàng ưa cái tên ấy.
Nhưng nó có phải là con chàng không? Câu hỏi làm Brodie bỏ cửa tiệm ra đường phố. Chàng rẽ vào đường Royal và đi một mạch đến trước nhà của gia đình Jardin. Một làn gió mát mang hơi mưa đến, chàng tần ngần một chút rồi đi thẳng tới cánh cửa nhỏ dành cho người đi bộ ở cánh cửa lớn dành cho xe ngựa. Chàng mở nó ra và đi vào đoạn đường lợp kín như đường hầm. Tới chỗ cầu thang, chàng bước lên từng hai cấp một, rồi dừng lại ở đầu cầu thang. Hành lang ở lầu hai trống rỗng, bộ cửa hai cánh kiểu Pháp mở ra sẵn để hứng gió mát.
Có tiếng người rì rầm trong phòng, rõ là phái nữ. Brodie không để ý, chỉ chú tâm vào một tiếng động khác. Khi chàng nghe tiếng cười của một đứa bé, chàng đi theo tiếng đó tới một cánh cửa đang mở sẵn và bước ngay vào.
Chàng dừng lại một chút để quen mắt với bóng tối trong phòng, rồi nhìn quanh. Đó là một phòng ngủ, bộ lược và bàn chải bằng bạc để trên bàn trang điểm bằng gỗ gụ nói lên đó là phòng ngủ của đàn bà. Chàng lại nghe tiếng cười vui vẻ từ một góc phòng. Chàng nhìn thấy một cái nôi lớn, giăng mùng ngăn muỗi. Có cử động trong mùng, hai tay quơ lên.
Gần như ngập ngừng, Brodie bước tới mấy bước vén mùng lên, và ngắm nhìn đứa bé đang có trong đó, tim chàng đập mạnh và cổ họng nghẹn ngào.
Một đứa bé thơ, ngồi được một mình, đang nhìn lại chàng bằng đôi mắt mở tròn xoe có vẻ ngạc nhiên. Tóc nó màu sẫm và dày, có ánh đỏ trong đó nổi lên rất rõ. Nó quạu mặt với Brodie như tỏ ra bực mình vì bị phá rầy, rồi cầm một chéo tấm chăn vẫy qua vẫy lại trong khoảng không.
Brodie vắt mùng lên thanh ngang, để rảnh tay vuốt má đứa bé trơn mịn.
- Chú bé xinh lắm, Jean- Luc! - Chàng rút bàn tay lui thì đứa bé chụp lấy, và ré lên thích thú khi bắt được. Trong khi đứa bé cố đứng dậy, Brodie thấy nó ráng sức, chàng mỉm cười - Chú bé còn nhỏ quá, đứng sao được.
Nhưng chàng đưa tay đỡ nó đứng dậy. Rồi chàng bồng nó lên, hơi lóng cóng một chút, bàn tay chàng vướng víu với cái áo ngủ dài của đứa bé.
- Phải có ai cho mẹ cháu biết, cháu mặc cái áo này trông như con gái! - Brodie lẩm bẩm, và đứa bé cau mặt như để đáp - Mạnh bạo như cháu thế này, chắc chắn cháu là con trai.
Mặt của đứa bé đang cau lại trở thành ham mê, khi Jean- Luc dòm vào mồm và cằm của Brodie, và đưa bàn tay lên thăm dò, mấy ngón tay nhỏ xíu bấu vào môi dưới của chàng. Brodie nắm bàn tày nó, gỡ môi ra và ấn nắm tay của nó vào dưới cằm nó. Brodie cũng muốn cười, nhưng sự thích thú của chàng quá sâu sắc, quá mạnh thay vì cười, chàng muốn sặc. Trong giây lát, chàng ôm chặt đứa bé, áp miệng hôn lên thái dương nó, và hít hơi trong sạch ở mình nó.
Bỗng nhiên, bất ngờ chàng có cảm tưởng đang bị theo dõi, chàng ngoái cổ nhìn lại về phía hành lang. Adrienne đang đứng bên trong khung cửa, mặc đồ đen, giống hệt như lần cuối chàng thấy nàng ở nghĩa trang. Màu đen ăn với nàng, làm nổi bật mái tóc và đôi mắt đen nháy, và làn da trắng muốt của nàng.
Chàng không nói được trong một lúc lâu. Chàng có cảm giác nàng đã đứng đấy một thời gian. Chàng hơi quay lại, và mắt nàng nhìn vào mặt chàng, rồi nhìn đứa bé, rồi lại nhìn vào mặt chàng:
- Tôi muốn xem đứa con trai của tôi.
Nàng không nói gì, vẻ mặt vẫn điềm tĩnh, nhưng mắt long lanh như có nước mắt trong đó, những giọt nước mắt sung sướng, tự hào. Vẻ mặt nàng không còn làm chàng nghi ngờ gì nữa, đứa bé là con của chàng.
Một tia chớp xẹt ra từ các đám mây đen làm bầu trời sáng rực, tiếp theo là một tiếng sấm nổ rền làm lung lay các tấm kính ở bộ cửa kiểu Pháp, Jean- Luc sụt sịt khóc, môi dưới trề ra và rung rung. Một tiếng sấm nữa lại nổ ra, và nó khóc òa, quay lại đưa hai tay lên đòi mẹ. Adrienne bước tới gần, Brodie miễn cưỡng trao nó cho nàng, nhìn hai bàn tay nhỏ xíu bíu chặt nàng và lắng nghe nàng dỗ nó.
Rồi thì mưa và gió ập xuống, tạt vào hành lang, tạt qua khung cửa mở. Brodie biết nên ra về, nhưng vẫn đứng ngây ra đó, nhìn sững cả hai mẹ con, một ngàn câu hỏi "phải chi" lóe ra trong đầu óc chàng, làm tim chàng quặn thắt.
- Adrienne đâu? - Tiếng chân và tiếng lụa sột soạt từ hành lang vọng vào - Có phải Jean- Luc khóc không? Có chuyện gì thế?
Adrienne bước tới cửa, nói to:
- Nó sợ sấm chớp, cô Zee Zee ạ!
Nàng nhìn lại Brodie, đôi mắt van lơn chàng ra về. Chàng ngần ngừ, rồi đưa tay xoa tóc Jean- Luc, sờ lên bàn tay nàng một cái thật khẽ, và có lại cảm giác của bàn tay nàng êm ái, ấm áp đang đỡ đầu đứa bé. Chàng bỗng không dám tin vào mình nếu còn ở đấy. Chàng đột ngột quay đi và ra về theo đường cũ.
Khi chàng bước ra ngoài, cánh cổng đóng lại sau lưng, chàng không thèm để ý đến nước mưa đang đổ như trút. Chàng nhớ lại cảm giác bồng đứa bé trong tay, mấy ngón tay nhỏ xíu bấu chặt vào môi chàng, thân mình nó êm ái và mạnh mẽ. Một đứa con trai. Chàng đã có một đứa con trai. Chàng đi xuống đường phố, miệng mỉm cười, nước mắt hòa lẫn với nước mưa chảy ròng ròng trên mặt.
Chương 20
Cỗ xe lăn qua đường Canal, vào khu phố Mỹ nhộn nhịp bóng bẩy. Ông Emil Jardin ngồi thẳng lưng trên ghế bọc da ở phía sau, mắt nhìn đăm đăm một điểm ở xa, không thèm nhìn chung quanh. Thường thường mắt ông có một vẻ không hồn, chỉ sáng quắc lên khi tên Brodie Donavan được nhắc đến. Bây giờ cặp mắt ông đang sáng quắc như thế.
Ông sửa hai bàn tay mang găng trên đầu cây gậy bịt bạc. Ông nói:
- Người luật sư này, cái ông... - ông khoát một tay lên, cố nhớ tên.
- Horace Tate - Simon Vanier, người thư ký luôn luôn chính xác, tỉ mỉ, nói lên cái tên người luật sư mà ông đã quên.
- Ừ Tate.
Bàn tay ông lại đặt lên đầu cây gậy, mà ông cầm vì thói quen hơn là vì cần thiết. Khi còn trẻ, ông thường cầm một cây gậy có lưỡi kiếm bên trong. Thời đó ai cũng vậy. Mặc dù bây giờ ông đã già và chậm qua rồi để dùng vũ khí như thế, ông vẫn thích có cái gậy trong tay, thấy yên tâm hơn. Ông dùng nó để gõ xuống sàn bắt buộc người ta chú ý. Hay chỉ vào cái gì, để lôi kéo sự chú ý vào đó; hay để đánh, phải khai trừng phạt ai, và nó như là cây vương trượng của ông. Nó giúp ông có sức mạnh.
- Cái ông Tate này đã không cho anh biết tí gì về tin tức của ta thu thập được về Donavan sao?
- Ông ấy bảo có tin về Crescent, không phải về Donavan - Simon nói lại cho đúng, theo thói quen, anh ta muốn chính xác - Tin tức mà ông ta chắc chắn sẽ khiến ông vô cùng chú ý đến. Ông ta từ chối không nói với tôi. Thật ra, ông ta cương quyết không chịu nói với ai ngoại trừ ông.
- Còn lời ông ta cảnh cáo thì thế nào?
- Cảnh cáo là tôi nói, chứ ông Tate chỉ "khuyên" ông nên tránh có hành động nào khác chống lại công ty Crescent cho đến khi gặp ông ta để nói chuyện. Ông ta bảo, có lẽ ông sẽ muốn chọn một đường lối hành động khác khi nắm được tin của ông ta cho biết.
- Tin gì thế nhỉ? - ông Emil Jardin lẩm bẩm, mày nhíu lại.
Simon Vanier đáp:
- Ta biết Donavan đang tìm cách bán ba chiếc trong số tàu thủy của y. Có lẽ y đã có người chịu mua. Hay có lẽ y có được một nguồn tài trợ ở đâu đó. Nếu vậy thì ta không nên đòi y hoàn trả vào lúc này các món nợ mà ta có giấy tờ trong tay.
- Anh biết gì về ông Tate này?
- Rất ít. Ông ta mới đến New Orleans vào đầu tháng ba, vừa được một tháng đúng. Ông ta bảo là từ St. Louis đến, nhưng không đi bằng tàu trên sông, mà bằng một chiếc tàu biển của Donavan đã ghé bến Boston. Tôi nghĩ ông ta đến tìm hiểu về tình trạng của Donavan.
- Nhưng làm sao ông ta biết được tôi quan tâm đến Donavan?
- Ông ta từ chối không tiết lộ nguồn tin.
- Ông ta sẽ phải tiết lộ trước khi ta tiến hành thêm việc này.
Ông Emil không ưa việc một người mới tới thành phố đã biết quá nhanh rằng ông là người đứng đằng sau kế hoạch đè bẹp Brodie Donavan. Đè bẹp từ từ, bắt hắn ta phải đau khổ, bắt hắn phải cảm thấy đau đớn, buồn rầu, nhục nhã và xấu hổ như ông Emil đã trải qua. Tiêu diệt hắn là một việc đáng làm, và do bàn tay một người của dòng họ Jardin cũng là công bằng mà thôi.
Cỗ xe chạy chậm lại, và Emil Jardin ngẩng lên để ý đến chung quanh, nhìn vào dãy nhà gỗ vừa cất vội. Chỉ hai lần trong cả cuộc đời ông đặt chân trở lại khu phố đầy người Mỹ nói năng lớn tiếng, thô lỗ và chen chúc này. Họ luôn luôn hấp tấp, luôn luôn đòi hỏi, luôn luôn tham lam.
- Nếu người luật sư này muốn chia sẻ tin tức của ông ta đến vậy, tại sao ông ta không đến khu phố Cổ thành? - Emil càu nhàu khi cỗ xe dừng lại trước một tòa nhà bằng ván quét vôi trắng - Tại sao ta phải đến "chỗ này" để gặp ông ta chứ?
- Tôi đã giải thích rồi - Simon Vanier kiên nhẫn đáp - Horace Tate có tật què chân. Một tai nạn lúc nhỏ làm ông ta bị liệt chân phải, khó trèo lên trèo xuống xe ngựa, và không thể đi bộ từ văn phòng ông ta đến văn phòng ông.
- Ta không nghĩ ra được tin gì có giá trị mà ông ta có thể cho chúng ta biết - Ông nói, nhưng ông phải tìm hiểu, và bước xuống xe.
Văn phòng của Horace Tate cũng bày biện sơ sài và xấu xí như mặt ngoài ngôi nhà. Một bộ sách luật sờn cũ được xếp trên các kệ bằng gỗ trơn không có vecni, và một số khác còn để trong một cái rương chờ lấy ra. Cái bàn giấy bằng gỗ sồi thật lớn, có chỗ để chân, mang nhiều vết trầy trụa.
Emil Jardin đi thẳng lại bàn giấy, mắt nhìn ngay vào người đàn ông ngồi sau bàn, tay ông ta gần như không giống tay đàn ông chút nào, với gương mặt đầy tàn nhang và mái tóc vàng như rơm. Nụ cười nhanh nhẩu của ông ta trông hăm hở và ngây thơ như của một cậu bé. Emil nhận thấy ông ta chỉ là một thanh niên vừa đến tuổi trưởng thành, vừa từ lòng sông ra phố, chỉ thấy thế giới bên ngoài qua cặp mông của một con lừa kéo cày, và cảm tưởng này được tăng cường bởi cái cà vạt thắt vụng về và bộ áo quần rộng lụng thụng.
- Ông Vanier, hân hạnh gặp lại ông - Ông ta chào họ bằng một giọng quê rặt - Và chắc đây là ông Jardin. Xin lỗi tôi không đứng dậy được, vì cái chân.
Ông Emil để ý đến cái chân có tật của người luật sư để dưới bàn, và cặp gậy chắc chắn dựng ở vách sau ghế.
- Mời các ông ngồi - Horace Tate khoát tay chỉ vào ba cái ghế đặt thành vòng bán nguyệt trước bàn giấy của ông ta.
Ông Emil làm ngơ trước những cái ghế và câu mời ngồi, biết chắc rằng cuộc gặp mặt sẽ không lâu, sau khi đã thấy Horace Tate. Ông nói:
- Đừng phí thì giờ quý báu, ông Tate.
- Tôi đồng ý! - Tiếng nói phát ra từ đâu đó đằng sau ông ta, ở phía bên trái.
Ông Emil quay lại và trân cứng mình vì sửng sốt. Brodie điềm nhiên nhìn trả lại ông ta đang sửng sốt nhìn chàng, và bật lửa châm điếu xì gà, chàng hỏi:
- Ông kinh ngạc à?
Mặt đỏ gay, Emil Jardin quay lại người luật sư:
- Thế này là thế nào? Một sự lăng nhục, một sự xúc phạm quá mức - Ông gõ gậy lên sàn nhà - Ta về thôi, Simon!
Ông quay lui, trừng mắt nhìn Brodie như chờ đợi chàng giữ ông lại. Brodie chỉ nhún vai với vẻ dửng dưng.
- Ông có thể ở hay về tùy ý, không can gì đến tôi cả. Nhưng có thể ông muốn liếc qua các tài liệu ông Tate có sẵn cho ông xem. Những tài liệu ấy rất nên đọc qua.
Ông Emil nhìn trừng trừng vào Brodie một lúc, rồi chìa tay ra cho người phụ tá của ông:
- Đưa các tài liệu ấy cho ta xem.
Horace Tate im lặng trao chúng cho Simon Vanier, và anh này trao cho ông Emil Jardin trong khi Brodie bước qua đứng ở góc bàn giấy bên cạnh.
- Kéo ghế cho ông, Simon. Tôi nghĩ rằng ông sẽ muốn ngồi.
Vừa đọc xong đoạn đầu, tay ông Emil đã run lên và mặt ông tái bệch:
- Cái này là cái gì? - Ông ngồi phịch xuống cái ghế Simon kéo sẵn cho ông.
- Y hệt như đã nói trong đó - Brodie đáp - Ông có vẻ như ham muốn tiêu diệt công ty Crescent, do đó tôi đã nghĩ nên cho ông biết tôi đã không còn làm chủ nó nữa.
Mấy ngón tay ông Emil bấu vào tập giấy, làm cong cả các góc.
- Anh không thể làm thế này!
- Đã xong xuôi hết, tất cả các giấy tờ đều đã ký, đóng dấu, đăng ký ghi vào hồ sơ - Brodie cầm điếu xì gà khoát tay chỉ vào tập giấy tờ - Tuy vậy, ông không bắt buộc phải để họ chận đứng việc của ông. Ông vẫn có thể tiếp tục thực hiện các kế hoạch của ông nhằm làm công ty Crescent phá sản. Dĩ nhiên, điểm đáng chú ý là ông sẽ làm cách nào để đòi nợ ghi trên các giấy nợ này ở đứa chắt nội của ông. À, tôi quên. Ông coi Jean- Luc là đứa trẻ do ông làm giám hộ, phải không? Vậy thì với tư cách là người giám hộ hợp pháp của nó, ông nên biết là kể từ nay nó là chủ nhân của một công ty tàu thủy và một ngôi nhà. Và nếu ông đọc tiếp, ông sẽ thấy tôi đã cử ông Tate ở đây, Linh mục Malone, và Adrienne làm đồng quản trị viên các tài sản của nó, cho đến khi con trai tôi được 21 tuổi.
- Làm sao... - ông Emil nghẹn lời không nói tiếp được.
- Làm sao tôi biết được Jean- Luc là con tôi? Ông đã làm khéo lắm để bịt kín các đầu mối, nhưng không bịt được hết.
- Anh không thể chứng minh việc này.
- Tôi không chứng minh được, trước pháp luật. Nhưng nó là con trai của tôi, tôi biết thế, và ông biết thế - Brodie tiến tới bên bàn giấy, bỏ vẻ mặt xa cách và đương đầu với ông ta.
Emil Jardin đứng dậy và liệng tập tài liệu lên mặt bàn.
- Tôi sẽ gặp anh trong mộ huyệt của anh vì chuyện này.
- Có thể ông đạt được ý nguyện. Nhưng cái chết của tôi, dù do bàn tay ông hay do ý muốn của Chúa, sẽ không làm thay đổi một điều quan trọng duy nhất: Jean -Luc là con trai của tôi. Nó có thể mang tên Jardin nhưng dòng máu của nó là của dòng họ Donavan.
Đến đó, ông Emil Jardin đi ra khỏi phòng, cây gậy gõ mạnh trên sàn nhà theo mọi bước đi của ông.
Tiếng còi xe bên ngoài lôi kéo Remy về hiện tại
- Vậy là Brodie cho đứa con ngoại hôn của chàng ta Công ty hàng hải Crescent - Nàng lẩm bẩm - Không phải Emil Jardin đã tước đoạt của chàng.
- Không phải là ông ta không tìm mọi cách - Nattie nói và đứng dậy.
- Còn Brodie? Việc gì xảy ra cho ông ta?
- Ông ta chết trong tháng 8 năm ấy.
Nàng nhớ lại lời hăm dọa của Emil, đã thề rằng sẽ gặp ông ta trong mộ huyệt của chàng.
- Bằng cách nào? Có phải ông...
- Không ai biết chắc, trừ Brodie và ông già Emil. Người ta nói Brodie chết vì bệnh sốt rét vàng da. Có lẽ vậy. Mùa hè năm 1853 ấy, một bệnh dịch sốt rét vàng da dữ dội nhất từ xưa đã xảy ra tại New Orleans. Vào khỏang 15000 người đã chết vì bệnh dịch ấy, tuy có người quả quyết con số ấy lên đến hơn 20000. Cùng trong tuần lễ Brodie chết, có đến 1600 người bỏ mạng. Có quá nhiều xác chết chờ được chôn cất, đến nỗi nhà đương cục không thèm đòi giấy khai tử nữa. Đó là lý do tại sao không có giấy khai tử ghi nguyên nhân cái chết của Brodie. Tới đó, không đủ người đào huyệt vì có quá nhiều người chết. Quan tài chất đầy trong một nhà kho như các thùng đựng hàng hóa. Tình hình tuyệt vọng đến nỗi người ta đào một cái hầm và đổ các xác chôn như những nấm mồ tập thể. Brodie bị rơi trong trường hợp đó, chôn trong một cái mộ không ghi tên. Hồi đó thật khủng khiếp.
- Còn Adrienne?
- Nàng và gia đình nàng thoát khỏi cảnh đó. Họ muốn rời thành phố vào tháng 5, trước mùa viêm nhiễm. Nàng biết việc gì đã xảy ra tại đó. Cả thế giới biết. Khắp nơi trên thế giới người ta gửi tiền và thực phẩm đến cho - Nattie nói - Adrienne không bao giờ lấy chồng. Mặc đồ đen suốt đời, người ta bảo là vì người anh, nhưng theo tôi nghĩ, cũng vì Brodie. Năm nào đến ngày lễ các thánh, nàng cũng đi thăm và đặt hoa trên các mộ tập thể của các nạn nhân bệnh dịch sốt rét da vàng, bởi vì nàng không biết Brodie chôn ở mộ nào. Ông già Emil có lẽ không thích việc đó, nhưng tôi đoán dù ông thích hay không nàng cũng không quan tâm. Bệnh dịch cũng mang đi cả linh mục Malone. Và 5 năm sau Horace Tate bị thiệt mạng trong thùng hơi của một chiếc tàu chạy sông nổ tung. Ông ta trên đường về thăm nhà ở St. Louis.
- Và còn lại Adrienne là người quản trị duy nhất tài sản của con nàng.
- Đúng vậy. Và cũng bằng cách đó, cuối cùng Emil Jardin đứng ra điều khiển công ty Crescent, và chọc thủng cuộc phong tỏa của chính phủ liên bang trong cuộc nội chiến. Cũng làm giàu trong dịp đó. một chiếc tàu thủy của ông thôi có thể đem lại lợi nhuận một triệu đôla trong một chuyến đi và về. Và chiến tranh kéo dài 4 năm, mà trong một năm các tàu đi khoảng từ 5 đến 10 chuyến. Đa số người miền Nam mất hết của cải trong thời chiến, nhưng ông có Luc, bởi vì tất cả của cải là của cậu ta, và ông già Emil không sống lâu để hưởng. Ông chết năm 1870, khi Jean- Luc tròn 18 tuổi.
- Vậy gia đình Jardin là những kẻ lợi dụng chiến tranh để làm giàu - Remy nói một mình - Không biết bằng cách nào Cole đã tìm ra được những chuyện ấy. Có lẽ khi lục lại hồ sơ của công ty, anh ta đã đi sâu vào quá khứ cũ để tìm thấy một bản sao hồ sơ chuyển giao tất cả quyền lợi của Brodie trong công ty Crescent cho Jean- Luc. Có lẽ cũng có ghi chép lại cái chết của ông ta vào năm 1853, rất lâu trước khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Nhưng điều đó không giải thích được tại sao anh ta đã lôi bức chân dung của Brodie Donavan ra từ nhà kho và treo vào chỗ chân dung của ông nội nàng. Anh ta phải biết làm vậy sẽ làm cho gia đình nàng bực tức, nhất là cha nàng. Nó có nghĩa là anh ta cố tình làm việc ấy. Tại sao Cole cố ý muốn gây mâu thuẫn với cha nàng.
- Cô vẫn còn giữ ý định đi tắm và thay đồ chứ? - Nattie hỏi.
- Có - Nàng gật đầu, tâm trí vẫn còn bận với các ý nghĩ đó.
- Tôi bỏ ra mấy cái khăn sạch cho cô dùng vậy.
Nattie đi vào phòng tắm kế bên, và Remy đứng dậy, lòng dạ bồn chồn trở lại. Nàng băng qua phòng đến bộ cửa kiểu Pháp, mở khóa và bước ra hành lang mặt tiền. Giống như một đôi lính gác, hai cây hoa mộc lan đứng canh chừng ở bồn cỏ trước nhà, những cây ấy đã do Adrienne gợi ý cho Brodie trồng.
Remy dừng lại một chút rồi đi tới lan can bằng sắt uốn, mang hình lá và hoa thanh tú. Nàng đưa mắt nhìn bồn cỏ, hàng rào sắt uốn, và đường phố yên tĩnh bên kia.
Bên kia đường, một chiếc xe du lịch màu xanh hải quân đậu ở lề. Remy để ý đến người lái xe ngồi sau tay lái, tóc hắn ta đen mà bộ râu cằm thì muối tiêu, nhiều muối hơn tiêu, cắt xén gọn ghẽ. Hình như hắn đang hí hoáy viết gì. Nàng đoán là một người bán hàng. Vừa lúc đó, hắn nhìn lên. Biết rằng hắn đã thấy nàng, Remy rời lan can đi trở vào phòng nàng, vì không muốn hắn xông vào mời mua hàng.
Vừa vào trong phòng, nàng liếc nhìn chiếc giường kiểu xưa và dừng lại, tự hỏi Adrienne và Jean- Luc có sống trong ngôi nhà này không, sau khi Emil Jardin chết. Nàng chắc họ có ở đây. Bằng không, làm sao nó trở thành căn nhà gia đình được? Và nếu căn nhà còn phảng phất những kỷ niệm của Brodie, thì ắt hẳn còn chứa nhiều kỷ niệm của Adrienne.
Một bàn tay đỏ au vẫy vẫy trước mặt nàng. Giật mình, Remy chợp mắt và định thần nhìn vào mặt Nattie:
- Xin lỗi, tôi không thấy chị - Nàng nói.
- Tôi đoán vậy - Chị ta nói - Khăn lông đã bày sẵn cho cô, và áo choàng móc ở sau cánh cửa.
- Cám ơn.
- Có chuyện gì không ổn thế - Nattie cau mày hỏi - Trông cô như đang lên đồng.
- Tôi đang nghĩ về Adrienne, bà ấy đã thích giao tế đến thế nào, và đã thương hại người cô Zee Zee, nhưng rốt cuộc cũng giống bà ta, không chồng, và ở một mình. Tôi tự hỏi, bà ấy tìm đâu ra nghị lực để hành động như vậy?
- Cô ơi - Nattie nói và mỉm một nụ cười buồn rầu, khôn ngoan cố hữu của chị ta - Đàn bà như một gói trà, người ta không biết nó đậm đặc như thế nào cho đến khi cho vào nước sôi!
Remy cười lớn, nhưng nàng có cảm giác sự rắc rối đang xảy ra gần đấy thôi. Ở đâu và loại rắc rối gì, nàng không nhớ được. Nhưng nàng cần có mặt ở đấy. Tại sao? Để ngăn cản cái gì? Để chặn đứng ai?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top