Vũ Nữ Cụt Đầu.
Đúng là Tám Nghĩa chết thật, xác còn chưa liệm nên không thể vào được, đành phải chạy xe tuốt lên nhà của bà BN thuộc xã ĐHP nghỉ tạm.
Căn nhà này là một căn nhà cổ, to vào bậc nhất xã, bề ngang khoảng hơn bốn chục thước, sâu cả trăm thước, cả hàng chục phòng, rộng mênh mông. Những cánh cửa, hoành phi, kèo cột đều làm bằng gỗ quý cả trăm năm mà không hề bị mối mọt, được chạm khắc rất tinh xảo. Hình chim sẻ đậu nhành mai, hoa cúc, dơi hay mây bay tầng tầng lớp lớp, kỹ lưỡng đến từng chi tiết mà thợ bây giờ e rằng khó có thể làm nổi. Nền nhà lót gạch tàu cỡ đại mà những viên gạch tới giờ này còn đỏ au, thẳng tắp, chưa bị lún. Giữa nhà còn có một cái hồ bán nguyệt ghép sành sứ nhìn lên xung quanh là những bức tranh tường vẽ theo lối "công bút" rất tỉ mỉ, những con cá chép rõ đến từng cái vảy, lá sen thì thấy cả những giọt sương long lanh... Tòa nhà này quả thật là một di tích cổ quý giá.
Phía sau nhà là cái sân rộng, sát ngay bờ sông, một cái nhà máy xay xát gạo đang xay tấp nập. Bà chủ nhà tỏ ra khá thân với Tư Hường, bà ta đúng là thuộc típ "đỏ da thắm thịt", cao to, mập mạp, tính tình sởi lởi. Tin truyền miệng ở vùng quê phải nói là nhanh hơn tên lửa, chẳng cần phải hỏi, bà ta cũng kể chuyện "Tám Nghĩa chắc biết mình chết nên trưa hôm nay ổng mặc bộ bà ba trắng mới tinh, kêu cô con gái út nấu nồi cơm gạo thơm ăn với cá rô đồng kho tộ, canh bí. Sau đó ổng trải tấm chiếu mới lên tấm ván ngựa rồi nằm ngủ, đến chiều đứa cháu vào gọi mãi không tỉnh, lúc đó mới hay là ổng chết rồi".
Tám Nghĩa có cả thảy bốn người con, vợ chết đã lâu, hai người con đầu đã ra riêng, ông ta sống với người con trai bị tật cà nhắc và con gái út là cô giáo tiểu học. Có một thời Tám Nghĩa cũng rong ruổi khắp miền Tây với Tư Hường, sau này tự nhiên ông ta chán đời, về nhà sống ẩn dật.
Mưa kéo dài mãi đến tận nửa đêm, đến khi vơi bớt hạt thì mới có người qua, đây chính là người sáng sớm hôm nay đã lên báo cho Tư Hường về gặp Tám Nghĩa gấp, chính là người con trai có tật cà nhắc. Sau vài câu thăm hỏi, anh ta đưa cho Tư Hường một cái bọc giấy "ba cháu dặn không được mở ra mà phải đưa tận tay bác" – Chờ cậu con ra về rồi, xung quanh không có ai, Tư Hường mới từ từ mở cái bọc giấy...
Chắc phải là vật gì quý lắm Tám Nghĩa mới bọc kỹ như thế, dễ phải đến hàng chục lớp giấy, cuối cùng thì cũng đến cái vật ấy... dưới ánh đèn vàng trong căn phòng nhỏ chỉ có bốn người, hiện ra một pho tượng vũ nữ bằng đất nung màu đỏ quạch thật tinh xảo, tầm cỡ này thì chỉ có ở những pho tượng cổ cực quý... chỉ đáng tiếc là nó lại là một pho tượng vũ nữ không đầu... Một vũ nữ bị cụt đầu...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top