Chương 29: Chương 29
Chương 29: Chương 29
Nỗi sợ hãi hình như đã kéo đến và phủ trùm lấy tấm thân bé nhỏ của người con gái đó. Đúng tỷ Nhân đang run lên từng chập. Nhưng như biết bản thân phải thanh minh cho mình nên cánh tay khẳng khiu với những ngón tay to bè đã vội vàng đưa qua đưa lại.
--- Dạ đúng là bà Ba không có nói. Chỉ là tỷ Nhân thấy bà trở người nên mới đoán thế.
--- Bây...
Bà Ba Miên tức giận kêu lên. Nhưng tỷ Nhân vẫn thủy chung cúi gầm mặt xuống nền nhà. Ở cách đó không xa bà vú cũng thực hiện động tác tương tự, nhưng là để nhìn vào mặt cậu Lũy và dỗ đứa trẻ ấy không khóc ré lên giữa cảnh ồn ào kêu gọi của mấy gã lính tuần. Chợt có 1 tên lính tuần từ phía nhà sau chạy tới.
--- Dạ bẩm đại nhân đã cho người lục soát mọi chỗ trong gia trang. Duy chỉ có ...
Tên lính ngừng lại đôi lát. Nhưng rồi vì chạm phải ánh mặt nghiêm nghị của Trịnh Thừa nên hắn vội nói.
--- Dạ bẩm đại nhân duy chỉ có căn buồng ở ngay gần chỗ nạn nhân tử vong là chưa có lục soát thôi ạ.
--- Tại sao?
Tiếng nói đã khá lớn, lại gằng xuống ở phía cuối câu làm cho tên lính phải sợ hãi mà run lên 1 cái. Hắn lắp bắp.
--- Dạ bẩm đại nhân, tại... tại trong ấy thối quá ạ.
--- Dạ... dạ bẩm đại nhân là do dân nữ ạ. Vì buổi sáng này cậu Lũy mới đi tiêu, mà dân nữ lại được đại nhân gọi ra ngoài này nên chưa có kịp dọn dẹp...
--- Bà...
Đôi mắt đang hừng hực khí thế của Trịnh Thừa bỗng chốc đờ đẫn. Gã quan huyện ấy hình như đang muốn nói gì đó thì phải dừng lại. Đứa trẻ đang ngủ ngoan trong bọc vải trên tay bà vú bất chợt khóc ré lên.
Tiếng khóc ngằn ngặt vang vọng khắp mái hiên làm ai nấy đang có mặt ở đó đều phải cau mày than thở. Và nó cũng khơi gợi lòng thương ở những người đàn bà đã được làm mẹ.
Bà Ba Miên vội đứng phắt dậy mà lật từng bận vải ra để kiểm tra đứa nhỏ.
--- Không có bị gì. Có lẽ là do đói thôi.
Nói đến đây bà Ba Miên đảo mắt nhìn quanh 1 lượt, rồi chép miệng.
--- Cũng đúng thôi. Người lớn chúng ta từ sáng tới giờ cũng vẫn chưa có cái gì vào bụng mà. Mà Trịnh đại nhân à, dân phụ có ý thế này xin ngỏ với đại nhân.
Nhận được cái phất tay ra hiệu của Trịnh Thừa, bà Ba Miên tiếp.
--- Dạ, đa tạ đại nhân. Bẩm đại nhân. Bẩm đại nhân, trong chuyện này cả đại nhân, dân phụ và cả mọi người ở đây đều biết con cọp kia đã thành tinh. Nó khôn lanh không khác gì con người nên dân nữ nghĩ những chỗ ô uế chắc chắn nó không có bước vào.
Bà Ba thở hắt ra 1 hơi rồi mới tiếp.
---Thêm nữa là người nuôi dưỡng và mở cửa cho cọp tinh thì không thể là bà vú được. Thân hình ốm gầy thì chớ, bà ấy còn là người từ vùng khác tới thì làm sao có thể nuôi con cọp ấy trong 10 năm. Nên ngẫm xin đại nhân có thể thôi không soát buồng của bà vú, để cho bà ấy ôm thằng nhỏ vào cho ăn. Việc này xem như là làm phước cho đứa trẻ, mà cũng là làm phước cho thuộc hạ của ngài. Nơi có mùi làm như vậy...
--- Được rồi! Không cần lục soát nữa...
Lời vừa được ban ra bà Ba Miên và cả bà vú đều vội vàng cúi đầu cảm tạ Trịnh Thừa. Về phần bà vú thì nhanh chân ẵm cậu Lũy chạy vội về buồng để cho uống nước gạo. Mọi người im lặng nhìn theo bóng lưng của bà vú cho đến khi nó khuất hẳn ở khuôn cửa. Lúc này Trịnh Thừa mới ra lệnh cho thuộc hạ của mình thu dọn và rút về huyện đường.
Một buổi sáng thật là dài với những con người sống của Nguyễn gia. Đem nước đổ lên những dấu chân nhiễm đầy máu ở nền gạch của mái hiên trước cửa buồng Hai Lịch, Diệp Thảo không giấu được sự sợ hãi.
Những dấu chân to như cái chén ăn cơm úp lại và tanh lợm. Nhưng điều đáng sợ hơn là những dấu chân ấy lại đi dọc mái hiên và hướng ra cổng của gia trang.
Chả trách mà Trịnh Thừa cứ 1 2 khẳng định là con thú đó đã ra vào bằng cửa chính của gia trang. Một con thú đáng sợ! Dòng suy nghĩ của Diệp Thảo bị ngắt ngang bởi tiếng thở dài của bà Ba Miên.
Tiếng thở dài ảo não bởi những dải băng trắng báo gia đình có tang sự đã được giăng lên, và bởi bà Ba Miên cũng thật lòng thương xót cho sự ra đi của người chị em chung chồng.
--- Thiệt không hiểu nổi mà. Tự dưng mặc chi cái áo đẹp nhất của mình thì giờ khâm liệm, biết mặc cái chi đây.
Câu than thở của bà Ba làm bọn Diệp Thảo và cả Lê Bá Thông cũng phải dừng tay, mà ngó lên nhìn.
--- Cô mẫu à! Cô mẫu nói ai vậy ạ?
--- Còn ai nữa. Là bà Hai đó. Không hiểu sao tối qua bà ấy lại mặc chi cái áo đẹp nhất của mình. Là cái áo được may bằng gấm Thượng Hải, mà Ngọc quý phi gởi tặng đó. Bà ấy quý nó lắm, nên chỉ dám mặc vào những dịp lễ tết. Hay do tối qua nhà ta có khách? Không đúng, vì theo cô mẫu nhớ thì tối qua lúc Phan gia tới nhà thì bà Hai chỉ mặc cái áo may bằng vải thô bình thường.
Lời của bà Ba làm Diệp Thảo lập tức nhớ tới cái áo dài màu tím hoa cà mà bà Hai đã mặc trên người lúc lìa đời. Đẹp, tinh xảo... vẫn hiện lên trên từng đường kim mũi chỉ, dù chiếc áo đã phải cùng chủ nó dầm mưa cả một đêm dài. Và rồi cả máu, cả những vết cào cấu của con cọp tinh kia nữa.
Thật sự quá hoang dã và đáng sợ!
Ấy vậy mà con Lành lại thoát được. Suy nghĩ kia vừa chợt ùa tới thì Diệp Thảo đã không kiềm được mà ngẩng đầu nhìn về phía buồng của bà Hai. Con Lành đang ở đó với thi hài của người đàn bà xấu số ấy. Tắm rửa cho người đã chết...
Một công việc đáng sợ!
Ấy thế mà con Lành cứ dửng dưng như không. Là do sự thân thiết của con Lành với bà Hai, hay bởi đứa con gái đó đã một lần bước qua cửa tử rồi nên không việc gì có thể làm con Lành sợ nữa.
Cũng đúng thôi. Trên đầu con Lành cũng có 1 vết thương do ngã đập vào đá. Vết thương ấy đã làm đứa con gái đó bất tỉnh, nằm dưới mưa cả 1 đêm. Và quan trọng hơn là con Lành đã nằm cạnh bà Hai, nhưng lại chỉ có bà Hai bị con cọp tấn công. Sự vô lý đó được Trịnh Thừa đại nhân giải thích rằng do con Lành chỉ là người làm không dính dáng gì với Nguyễn đại nhân, nên đã được toàn mạng.
Nhưng 1 con thú thì sao có thể biết ai có dính dáng gì tới Nguyễn đại nhân và ai thì không. Trừ phi có ai đó đã ra lệnh cho nó phải ra tay với ai. Vậy thì suy đoán của Trịnh Thừa không sai. Đã có người cứu, rồi thì nuôi dưỡng con cọp tinh ấy trong từng ấy năm, để bây giờ thì ra lệnh cho nó giết người.
Nhưng người đó là ai? Là người trong Nguyễn gia trang hay không có dính dáng tới những con người sống ở đây? Và còn... tại sao là 10 năm, và khi trước người này có nuôi dưỡng con cọp kia không?
--- Con Nhân! Tay của bây vẫn còn chảy máu nhiều như thế hả?
Dòng suy ngẫm của Diệp Thảo lại lần nữa bị ngắt ngang bởi bà Ba Miên, nhưng lần này là chuyện của tỷ Nhân. Bàn tay gầy guộc với những ngón tay to bè của cô gái trẻ lại đang rỉ ra những giọt máu đỏ tươi. Quả tính là vết cắt hôm qua sâu thật. Nhưng đã nghỉ ngơi cả đêm rồi mà vẫn bật máu thì chỉ có thể trách tỷ Nhân đã vận sức quá nhiều và không biết giữ gìn.
--- Ta đã nói bây làm cái chuyện là múc nước rửa vết máu thôi. Không chịu nghe cơ, lại đi giành làm cho bằng được cái chuyện xúc đất. Mà cái thằng Phong đâu chứ? Chỗ máu thấm xuống đất nhiều như vầy thì mình thằng Thông làm sao nổi. Rồi cả thằng Lịch nữa. Tang sự của mẹ nó mà nó biến đi đâu mất rồi.
Ở tửu điếm, Hai Lịch vừa nghe tiểu nhị báo là Phan gia không muốn gặp thì đã điên tiết túm cổ áo của đối phương mà xách lên.
--- Bây nói gì?! Ông ta không muốn gặp ai ư? Không được. Bây tránh ra đi! Ta sẽ lên nói chuyện với ông ấy.
--- Kìa, khách quan...
Tiếng gọi của tên tiểu nhị lập tức bị tắt lại ở cổ họng vì cái hất tay của Hai Lịch. Văng vào góc nhà, tên tiểu nhị xấu số còn bị cái bàn tre gần đó đè nhiến lên. Ấy vậy mà Hai Lịch vẫn như mắt mù, tai điếc, gã không chút quan tâm đến bãi chiến trường mình gây ra mà cứ vậy lao nhanh về phía gian sau của tiểu điếm.
--- Sao lại có người kì quặc đến thế chứ? Xem tên tiểu nhị thê thảm chưa kìa. Hay mình gọi người của mình tới giúp chủ quán 1 tay để bắt gã đàn ông kia.
Con Lụa vừa nói vừa đưa ánh mắt dò xét nhìn sang Trần Ngọc Diễm Kiều. Nhưng trái lại với sự mong đợi của đứa hầu gái, Trần tiểu thơ lại cực kỳ dửng dưng. Nàng ta chậm rãi kéo ghế rồi ngồi xuống cái bàn gần ấy bằng những động tác thực tao nhã.
--- Bây không nhận ra đó là ai sao? Cậu Hai của Nguyễn gia đó.
Một hồi kinh ngạc hiện lên trên mắt của con Lụa. Chợt đứa con gái đó à lên một tiếng.
--- Đúng thật! Nhưng sao cậu Hai lại ở đây? Không phải giờ này cậu ấy nên ở nhà lo tang sự cho bà Hai Cần sao? Mà khi nãy cậu ấy có nói là cần gặp ai đó nhỉ? Họ...
--- Phan gia!!! Là gã thương lái có giao kèo làm ăn với cậu Ba Phong của Nguyễn gia.
Đỡ lời của con Lụa, Diễm Kiều lia ánh mắt nghi hoặc về phía bóng lưng đang khuất hẳn sau dãy hành lang hẹp của tửu điếm. Rồi chợt nhớ ra điều gì đó, Trần tiểu thơ đã ngẩng phắt đầu nhìn đứa hầu gái của mình.
--- Mà bây, tại sao lại tới đây có một mình? Cậu Ba đâu? Không phải là ta đã sai bây đi mời cậu Ba tới đây sao hả?
--- Dạ, dạ tiểu thơ thứ lỗi! Chuyện là...
(Hết chương 29)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top