VT OF TGTC

1.      VAI TRÒ TRUNG GIAN TÀI CHÍNH

1. Khái niệm và vai trò của các trung gian tài chính

1.1. Khái niệm

Các trung gian tài chính là những tổ chức chuyên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Hoạt động chủ yếu và thường xuyên của các tổ chức này là thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính – tiền tệ mà thu hút, tập hợp các khoản vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế rồi cung ứng cho những nơi có nhu cầu vốn.

Các trung gian tài chính đóng vai trò như một trung gian, cầu nối giữa những người có vốn và những người cần vốn, giúp cho việc luân chuyển vốn được thuận lợi hơn.

Các trung gian tài chính đã thực hiện các chức năng chủ yếu là tạo vốn thông qua huy động vốn nhàn rỗi; cung ứng vốn cho nền kinh tế; kiểm soát nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với các hợp đồng vay và cho vay.

Hoạt động huy động và cho vay vốn của các trung gian tài chính có thể diễn ra trực tiếp với các chủ thể kinh tế hoặc thông qua thị trường tài chính.

Lợi nhuận của các trung gian tài chính dưới dạng khoản chênh lệch giữa lãi suất mà chúng cho vay và đi vay và các khoản phí từ cung cấp dịch vụ tài chính – tiền tệ.

1.2. Vai trò của các trung gian tài chính

Các trung gian tài chính ngày càng quan trọng trong hệ thống tài chính. Các tổ chức này đã thực sự đem lại lợi ích trọn vẹn và đầy đủ cho người có vốn, cần vốn, cho cả nền kinh tế xã hội và bản thân nó. Vai trò của nó thể hiện thông qua việc nó góp phần giảm bớt các chi phí phát sinh khi thực hiện đầu tư vốn hoặc huy động vốn cho mỗi cá nhân và toàn bộ nền kinh tế; đáp ứng đủ và kịp thời yêu cầu giữa người cần vốn và người có vốn cần đầu tư sinh lãi; thực hiện hiệu quả các dịch vụ tư vấn, môi giới, tài trợ, trợ cấp và phòng ngừa rủi ro;…

Để có thể thấy được vai trò của các trung gian tài chính, cần tìm hiểu những hạn chế của các thị trường tài chính trong việc lưu chuyển vốn, qua đó thấy được các trung gian tài chính đã làm như thế nào để khắc phục những hạn chế đó để trở thành kênh tài chính quan trọng của nền kinh tế.

1.2.1. Những rào cản trong kênh tài chính trực tiếp

a) Chi phí giao dịch (transaction costs)

Chi phí giao dịch là một trong những cản trở chính trong quá trình lưu thông vốn trên thị trường tài chính. Phần lớn các khoản vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế tồn tại dưới dạng phân tán và nhỏ lẻ. Nếu những người tiết kiệm trực tiếp đầu tư vào thị trường tài chính bằng cách mua các chứng khoán thì khoản chi phí đầu tiên họ phải đối mặt là chi phí hoa hồng cho các nhà môi giới mua bán chứng khoán. Khoản chi phí này có thể tăng lên nếu các nhà đầu tư cá nhân muốn phân tán rủi ro bằng cách đầu tư đa dạng vào các chứng khoán khác nhau. Với những khoản vốn đầu tư nhỏ, những chi phí giao dịch đó có thể làm biến mất nhanh chóng những lợi tức thu được từ hoạt động đầu tư. Đó là chưa kể đến những chi phí về thời gian và công sức cho việc quản lý danh mục đầu tư.

Về phía những người đi vay, khoản chi phí cho phát hành chứng khoán không phải là nhỏ khiến cho việc huy động những khoản vốn vay không lớn lắm trực tiếp từ thị trường tài chính sẽ rất tốn kém và không hiệu quả. Điều này giải thích tại sao ngay cả các công ty lớn cũng không phải lúc nào cũng sử dụng kênh tài chính trực tiếp để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của mình.

b) Chi phí thông tin (Information costs)

Chi phí thông tin trên thị trường tài chính phát sinh từ vấn đề thông tin bất cân xứng (asymmetric information) trong nền kinh tế.

Tình trạng thông tin bất cân xứng xuất hiện khi một trong hai bên trong một giao dịch có ít thông tin hơn bên kia về đối tượng của giao dịch, khiến cho việc ra quyết định không thể chính xác. Ví dụ: trong quan hệ tín dụng, người đi vay luôn biết rõ hơn người cho vay về khả năng sinh lời và những rủi ro của dự án mà anh ta sử dụng vốn vay để đầu tư. Sự tồn tại của vấn đề thông tin bất cân xứng dẫn đến các nguy cơ lựa chọn đối nghịch (adverse selection) và rủi ro đạo đức (moral hazard) gây nên ảnh hưởng xấu tới tính hiệu quả của việc lưu chuyển vốn trên thị trường tài chính.

Lựa chọn đối nghịch xảy ra trước khi giao dịch về vốn được thực hiện:

Trên thị trường tài chính, do người cho vay không có đầy đủ thông tin về các dự án đầu tư của người đi vay, nên rất có khả năng là họ sẽ thực hiện một sự lựa chọn đối nghịch là cho người đi vay có độ rủi ro cao vay tiền dù rằng đó là điều người cho vay luôn muốn tránh bởi vì những người đi vay có độ rủi ro cao lại thường là những người rất tích cực tìm cách vay được tiền. Vì biết được nguy cơ này nên trong nhiều trường hợp người cho vay sẽ quyết định không cho vay nữa.

Hoặc trên thị trường chứng khoán, do thiếu thông tin về các công ty phát hành chứng khoán, nhà đầu tư có xu hướng trả một mức giá tương ứng với các chứng khoán có chất lượng trung bình trên thị trường, kết quả là những công ty hoạt động kém sẽ sẵn sàng bán với mức giá mà nhà đầu tư muốn mua trong khi những công ty hoạt động tốt sẽ đòi hỏi giá chứng khoán của họ phải cao hơn mức giá trung bình đó. Kết quả là nếu mua chứng khoán nhà đầu tư sẽ có thể thực hiện một lựa chọn đối nghịch, tức là mua phải chứng khoán của các công ty hoạt động kém. Do ý thức được khả năng này nên nhà đầu tư có thể quyết định không mua chứng khoán nữa. Như vậy, nguy cơ lựa chọn đối nghịch đã hạn chế các dòng vốn lưu chuyển từ những người dư thừa vốn sang những người cần vốn.

Rủi ro đạo đức xuất hiện sau khi giao dịch về vốn đã được thực hiện:

Do người đi vay nắm được nhiều thông tin hơn người cho vay về quá trình sử dụng vốn vay, họ có thể che giấu thông tin và thực hiện những hoạt động gây rủi ro cho khoản vốn vay mà người cho vay không mong muốn. Người cho vay trong nhiều trường hợp do e ngại nguy cơ này mà quyết định tốt nhất là không nên cho vay.

Rủi ro đạo đức còn nảy sinh trong các hợp đồng vốn cổ phần (equity contracts) dưới dạng vấn đề người uỷ thác và đại lý (principal – agent problem). Vấn đề người uỷ thác và đại lý xuất hiện khi người quản lý công ty không phải là người sở hữu hay là người chỉ sở hữu phần nhỏ công ty. Chẳng hạn trường hợp Ban giám đốc được thuê. Do người được uỷ thác để quản lý công ty (tức là Ban giám đốc) có nhiều thông tin về công ty hơn những người uỷ thác nên họ có thể có những động cơ làm lợi cho cá nhân chứ không phải là làm lợi cho người uỷ thác, tức là các cổ đông. Vấn đề này là khó tránh khỏi trước hiện thực là ngày nay trên thế giới hầu hết các công ty cổ phần đều có số lượng cổ đông rất đông đảo, ngay cả các thành viên trong Hội đồng quản trị của nhiều công ty lớn cũng không sở hữu quá bán (hơn 50%) số cổ phần, các thành viên của Ban giám đốc, đặc biệt là Tổng giám đốc thường là người được thuê hoặc nếu có nắm giữ cổ phiếu của công ty thì cũng không nhiều. Trong điều kiện kinh tế hoạt động tốt, những người quản lý có thể giấu diếm được các cổ đông những chi phí bất hợp lý mà công ty phải chịu do những chi phí này chủ yếu chỉ phục vụ lợi ích của người quản lý (ví dụ phương tiện đi lại đắt tiền, tiền thưởng cao…). Nhưng khi nền kinh tế rơi vào suy thoái thì những hạn chế đó sẽ lộ rõ. Tình trạng đổ vỡ phá sản của hàng loạt các công ty ở Hàn quốc vào thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 1997 cho thấy chỉ đến lúc đó các cổ đông mới nhận ra họ đã bị những người họ uỷ thác lừa.

Dường như là rủi ro đạo đức sẽ không thể xảy ra với các hợp đồng nợ (debt contracts) do thu nhập của người cho vay từ hợp đồng nợ được đảm bảo là xác định trước, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của người đi vay. Bất chấp Ban giám đốc có làm gì có lợi cho mình thì khoản tiền lãi mà công ty phải trả vẫn thế? Thực tế thì không phải vậy. Các hợp đồng nợ cũng vẫn phải đối diện với rủi ro đạo đức. Do khoản lãi phải trả cho các trái chủ là cố định nên nếu càng làm ra lãi nhiều thì người đi vay càng lợi. Do đó, họ có thể sẽ tham gia vào các dự án rủi ro hơn nhằm kiếm lãi lớn khiến cho rủi ro những người cho vay không thu hồi được vốn cho vay sẽ cao hơn.

Những vấn đề về thông tin bất cân xứng này có thể giải quyết bằng cách người cho vay tăng cường thu thập thông tin về người đi vay thông qua việc mua thông tin hoặc tổ chức giám sát quá trình sử dụng vốn của người đi vay. Tuy nhiên do vấn đề “người đi nhờ xe” (free-rider problem) mà những nguy cơ lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức trên thị trường tài chính không thể giải quyết triệt để. Khi một số nhà đầu tư trên thị trường tài chính mua thông tin về một công ty hoặc tổ chức giám sát hoạt động sử dụng vốn của một công ty, những nhà đầu tư khác cũng cung cấp vốn vay cho công ty đó có thể tránh việc phải bỏ chi phí cho việc mua thông tin hay giám sát bằng cách bắt chiếc các hoạt động mua bán chứng khoán của các nhà đầu tư ở trên. Kết quả là không nhà đầu tư nào muốn mua thông tin hay giám sát khi họ không được lợi thế gì hơn so với các nhà đầu tư không bỏ tiền ra.

1.2.2. Vai trò của trung gian tài chính trong việc khắc phục hạn chế của kênh tài chính trực tiếp

Với tư cách là tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực lưu chuyển vốn, các trung gian tài chính có thể làm gì để giảm bớt những hạn chế nêu trên?

a) Vai trò của trung gian tài chính trong việc giảm bớt chi phí giao dịch

Các trung gian tài chính có khả năng giảm được chi phí giao dịch trong quá trình lưu chuyển vốn là nhờ vào tính kinh tế do quy mô hoạt động lớn (economies of scale) và tính chuyên nghiệp cao (expertise).

Với lợi thế nguồn vốn huy động lớn, các trung gian tài chính có thể giảm chi phí giao dịch tính trên mỗi đồng vốn. Chẳng hạn trên thị trường chứng khoán, chi phí để mua 10,000 cổ phiếu cũng không đắt hơn chi phí để mua 50 cổ phiếu là bao. Do đó, các trung gian tài chính như các quỹ đầu tư khi mua bán chứng khoán với khối lượng lớn trên thị trường sẽ chịu chi phí môi giới tính trên mỗi đồng vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với các nhà đầu tư riêng lẻ. Nhờ vào quy mô vốn lớn, các trung gian tài chính có thể đa dạng hoá danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro mà không làm tăng chi phí nhiều như các nhà đầu tư riêng lẻ.

Chi phí quản lý tính trên từng đồng vốn cũng giảm đáng kể khi quy mô vốn đầu tư lớn. Hoạt động với quy mô lớn tạo điều kiện để các trung gian tài chính đầu tư vào các hệ thống máy tính đắt tiền dùng cho quản lý và tiến hành hàng triệu giao dịch mà vẫn đảm bảo chi phí tính trên mỗi giao dịch ở mức thấp.

Tính chuyên nghiệp cũng là một yếu tố làm giảm chi phí giao dịch. Do chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính, các trung gian chẳng những sẽ có nhiều kinh nghiệm để quản lý vốn hiệu quả hơn mà còn có thể đề ra các giải pháp để giảm chi phí giao dịch nhằm nâng cao mức lợi nhuận.

b) Vai trò của trung gian tài chính trong việc giảm bớt chi phí thông tin

Các trung gian tài chính chuyên hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ nên được trang bị đầy đủ hơn những người cho vay đơn lẻ cả về kiến thức và kinh nghiệm, nhờ đó có thể thu thập và xử lý thông tin hiệu quả hơn, giúp đánh giá được chính xác hơn mức độ rủi ro của các dự án xin vay, qua đó giảm thiểu được nguy cơ chọn lựa đối nghịch. Hơn nữa cac trung gian tài chính cũng sẽ có khả năng kiểm soát tốt hơn quá trình sử dụng vốn của người đi vay, nhờ đó giảm bớt được những thiệt hại do rủi ro đạo đức gây ra.

Không những thế, các trung gian tài chính còn khắc phục được vấn đề “người đi nhờ xe”, do họ chủ yếu cung cấp vốn thông qua các khoản cho vay trực tiếp chứ không thông qua việc mua chứng khoán. Các khoản vay trực tiếp này không được mua bán trên thị trường nên những nhà đầu tư khác không thể lợi dụng. Chi phí các trung gian tài chính bỏ ra để mua thông tin và giám sát hoạt động của người đi vay nhằm giảm tình trạng thông tin bất cân xứng sẽ đem lại cho họ những lợi thế mà các nhà đầu tư khác nếu không bỏ tiền ra thì không thể có được.

Với trường hợp các hợp đồng vốn, các trung gian tài chính có thể khắc phục những vấn đề như “người uỷ thác và đại lý” và “người đi nhờ xe” thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ này huy động vốn từ các nhà đầu tư riêng lẻ rồi sử dụng để tài trợ cho các doanh nghiệp có triển vọng thực hiện các dự án kinh doanh của mình dưới hình thức góp vốn liên doanh. Để ngăn ngừa khả năng phát sinh các rủi ro đạo đức, các quỹ này sẽ cử người tham gia vào bộ máy điều hành của doanh nghiệp nhận vốn để giám sát chặt chẽ tình hình thu nhập hay lợi nhuận của doanh nghiệp đó. Mặt khác, cổ phần của các doanh nghiệp đó cũng không được phép bán ra cho ai khác ngoài quỹ đầu tư. Do đó, quỹ đầu tư không còn phải lo ngại về tình trạng “người đi nhờ xe” nữa.

Tóm lại: với những ưu thế về quy mô hoạt động, tính chuyên nghiệp và các dịch vụ tài chính đặc thù (như khoản vay trực tiếp, đầu tư mạo hiểm…), các trung gian tài chính có khả năng khắc phục khá hiệu quả những hạn chế của kênh tài chính trực tiếp, và do đó ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu chuyển vốn trong nền kinh tế.

2. Các loại hình trung gian tài chính

2.1. Các tổ chức nhận tiền gửi (Depository Institutions)

Các tổ chức nhận tiền gửi là các trung gian tài chính huy động tiền nhàn rỗi thông qua các dịch vụ nhận tiền gửi rồi cung cấp cho những chủ thể cần vốn chủ yếu dưới hình thức các khoản vay trực tiếp.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong kênh tài chính gián tiếp các tổ chức này còn tham gia vào quá trình cung ứng tiền cho nền kinh tế.

Các tổ chức nhận tiền gửi bao gồm các ngân hàng thương mại (commercial banks) và các tổ chức tiết kiệm (thrift institutions) như các hiệp hội tiết kiệm và cho vay (savings and loan associations), các ngân hàng tiết kiệm (savings banks), các quỹ tín dụng.

2.1.1. Ngân hàng thương mại (Commercial bank)

Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng xuất hiện đầu tiên và phổ biến nhất hiện nay.

Các ngân hàng thương mại huy động vốn chủ yếu dưới dạng: Tiền gửi thanh toán (checkable deposits), tiền gửi tiết kiệm (saving deposits), tiền gửi có kỳ hạn (time deposits).

Vốn huy động được dùng để cho vay: cho vay thương mại (commercial loans), cho vay tiêu dùng (consumer loans), cho vay bất động sản (mortgage loans ) và để mua chứng khoán chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương.

Ngân hàng thương mại kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng ngắn hạn, tuy nhiên gần đây nhờ nguồn vốn huy động dồi dào nó bắt đầu vươn sang lĩnh vực tín dụng trung và dài hạn. Ngoài ra ngân hàng thương mại còn cung cấp các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng và buôn bán ngoại tệ.

Ngân hàng thương mại dù ở quốc gia nào cũng đều là nhóm trung gian tài chính lớn nhất. Đây cũng là các trung gian tài chính mà các chủ thể kinh tế giao dịch thường xuyên nhất.

2.1.2. Các hiệp hội tiết kiệm và cho vay (Savings and Loan Associations - S&Ls)

Các hiệp hội này xuất hiện khá phổ biến ở Mỹ từ những năm 50.

Nguồn vốn chủ yếu của các hiệp hội này là các khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn. Phần còn lại (khoảng 20 - 30%) thì vay từ các nguồn khác và vay của chính quyền địa phương hay trung ương.

Tiền vốn thu được chủ yếu để cho vay bất động sản (chủ yếu là nhà ở) với thời hạn dài. Thời kỳ đầu, các hiệp hội này bị giới hạn trong các khoản cho vay bất động sản và không được cung cấp các tài khoản thanh toán. Nhưng từ những năm 80 trở đi các hiệp hội tiết kiệm và cho vay đã được phép cung cấp các tài khoản thanh toán, cho vay tiêu dùng và thực hiện hàng loạt các hoạt động khác mà trước đây chỉ giới hạn ở các ngân hàng thương mại.

Ngày nay, sự khác biệt về phạm vi hoạt động giữa các hiệp hội tiết kiệm và cho vay với các ngân hàng thương mại hầu như không đáng kể. Chúng đã trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các ngân hàng thương mại trong nhiều lĩnh vực.

S&Ls có nguồn gốc từ các “Liên hiệp xây dựng” (Building society) ở Anh, một hình thức hiệp hội tiết kiệm với mục đích giúp các thành viên có thể mua được nhà ở. Hàng tháng các thành viên sẽ đóng góp một khoản tiền nhất định và hiệp hội sẽ thu xếp cho vay để mỗi tháng có một thành viên có thể mua nhà được. Thành viên được vay sẽ trả từng phần hàng tháng cho đến khi hết nợ. Hiệp hội sẽ tự động giải tán khi tất cả các thành viên đều mua được nhà. Ngày nay thì các hiệp hội tiết kiệm và cho vay còn chấp nhận cả những thành viên tham gia không với mục đích mua nhà mà chỉ là để hưởng lãi.

2.1.3. Ngân hàng tiết kiệm (Savings bank)

Ngân hàng tiết kiệm được thành lập với mục đích huy động các khoản tiền tiết kiệm của các cá nhân trong xã hội. Chủ nhân của các ngân hàng tiết kiệm cũng chính là những người gửi tiền tiết kiệm.

Khởi đầu có một nhóm người đứng ra khởi xướng thành lập ngân hàng. Sau khi tạm đủ số người hưởng ứng, họ họp đại hội cổ đông, soạn thảo ra điều lệ hoạt động và xin giấy phép thành lập. Những cổ đông này hầu hết là người bỏ những khoản tiền tiết kiệm đầu tiên vào để tạo thành vốn hoạt động của ngân hàng. Kể từ đó về sau, mỗi khi có thêm khoản tiền tiết kiệm mới, họ lại tiếp tục gửi vào ngân hàng và khi cần có tiền để kinh doanh hoặc tiêu dùng, họ lại đi vay từ chính ngân hàng đó.

Có một điều cần chú ý là ngân hàng không mở rộng thêm cổ đông, do đó những người tham gia gửi tiền tiết kiệm sau này sẽ là khách hàng chứ không phải là chủ nhân. Hàng năm lợi tức của ngân hàng nếu không nhập vào tài sản của ngân hàng thì sẽ được chia cho những người gửi tiết kiệm và sáng lập ra ngân hàng.

Phương thức hoạt động của ngân hàng tiết kiệm mang tính tương trợ là chủ yếu, chứ không như ngân hàng thương mại là nhằm mục đích kinh doanh là chính.

Vốn hoạt động chủ yếu của ngân hàng tiết kiệm là từ tiền gửi tiết kiệm của dân chúng hoặc là vốn đóng góp của các nhà hảo tâm với tính chất hỗ trợ người nghèo là chính hơn là đóng góp để kiếm lời. Loại ngân hàng này không phát hành các công cụ nợ để vay vốn của công chúng và cũng hầu như không vay của các tổ chức nước ngoài hay NHTW, trừ trường hợp đặc biệt thiếu tiền mặt.

Do tính chất đặc biệt của vốn huy động, các ngân hàng tiết kiệm cho vay rất thận trọng. Tiêu chuẩn hàng đầu trong vấn đề cho vay là sự an toàn. Đối tượng cho vay chủ yếu là các khoản vay cầm cố, thế chấp bằng nhà cửa, tài sản hoặc chứng khoán. Tiếp đó là đầu tư vào chứng khoán hoặc cho các ngân hàng thương mại khác vay. Nhìn chung những người được vay tiền tại các ngân hàng này cũng chính là những người đã gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Lãi suất cho vay thường rất thấp vì nó mang tính chất tương trợ nhiều hơn là kinh doanh.

Ở Mỹ ngân hàng tiết kiệm tồn tại dưới hình thức các ngân hàng tiết kiệm tương trợ (Mutual savings banks). Các ngân hàng tiết kiệm tương trợ này thu hút tiền vốn bằng cách nhận tiền gửi và dùng chúng trước hết để cho vay thế chấp. Những người gửi tiền đồng thời là người chủ sở hữu các ngân hàng này. Trước năm 1980, các ngân hàng này bị hạn chế ở các khoản cho vay bất động sản, nhưng ngày nay họ đã được phép phát hành các tài khoản tiền gửi có thể phát séc dưới dạng các tài khoản NOW hay Super NOW và thực hiện các khoản cho vay khác ngoài cho vay bất động sản như vay tiêu dùng, vay cho sản xuất nông nghiệp, cũng như cung cấp các dịch vụ như tín thác, phát hành thẻ tín dụng.

Ở Việt Nam không có ngân hàng tiết kiệm riêng biệt, hầu như tất cả các ngân hàng thương mại đều có bộ phận quỹ tiết kiệm để huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư nhằm hình thành nguồn vốn chung của ngân hàng thương mại.

2.1.4. Quỹ tín dụng

Quỹ tín dụng được thành lập theo hình thức góp vốn cổ phần và hoạt động theo nguyên tắc tập thể, tự nguyện, hợp tác và bình đẳng. Các thành viên của quỹ góp tiền vào quỹ dưới hình thức mua các thẻ thành viên (tương tự như cổ phiếu) có mệnh giá bằng nhau. Sau đó, họ cùng nhau bầu ra người quản lý. Các thành viên của quỹ sẽ được hưởng quyền vay tiền của quỹ khi cần. Khi cần thêm vốn, quỹ lại phát hành thêm thẻ thành viên và tiếp nhận thêm những thành viên mới. Thông thường quỹ không cho người ngoài vay tiền. Ngoài cho các thành viên vay, quỹ cũng có thể đầu tư vào chứng khoán.

Ở Việt Nam, quỹ tín dụng tồn tại dưới dạng các tổ chức tín dụng hợp tác. Đây là tổ chức kinh doanh tiền tệ và làm dịch vụ ngân hàng, do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để hoạt động ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Tổ chức tín dụng hợp tác gồm ngân hàng hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã tín dụng và các hình thức khác . Theo Điều 64 Luật Các tổ chức tín dụng: “Tổ chức tín dụng hợp tác được huy động vốn của các thành viên và của các tổ chức cá nhân để cho các thành viên vay. Việc cho các đối tượng không phải là thành viên vay phải được Đại hội thành viên hoặc Đại hội đại biểu chấp thuận và không được vượt quá tỷ lệ tối đa do Ngân hàng Nhà nước quy định”.

Ở Mỹ, các liên hiệp tín dụng (Credit Unions) cũng có mô hình tương tự như quỹ tín dụng. Đây là các tổ chức cho vay có quy mô nhỏ, có tính chất hợp tác xã, được tổ chức xung quanh một nhóm xã hội đặc biệt (ví dụ các nhân viên của một công ty). Mục đích của các liên hiệp này là cho các thành viên vay với mức lãi suất thấp nhất có thể. Họ thu nhận vốn bằng cách bán cổ phần cho các thành viên và các thành viên ngoài việc được quyền vay ưu đãi còn được hưởng cả lãi từ cổ phần mà họ mua. Các khoản vay từ quỹ chủ yếu phục vụ nhu cầu mua hàng hoá tiêu dùng hơn là mua nhà. Từ sau năm 1980, các liên hiệp tín dụng này cũng được phép phát hành các tài khoản tiền gửi thanh toán và có thể thực hiện các khoản cho vay bất động sản ngoài các khoản cho vay tiêu dùng.

2.2. Các công ty tài chính (Finance companies)

Các trung gian tài chính này huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hay thương phiếu. Các công ty tài chính cung ứng chủ yếu các loại tín dụng trung hạn và dài hạn, ví dụ cho người tiêu dùng vay tiền để mua sắm đồ đạc, xe hơi, tu bổ nhà hoặc cho các doanh nghiệp nhỏ vay. Ngoài ra, các công ty tài chính còn thực hiện các dịch vụ cầm, giữ hộ và quản lý các chứng khoán, các kim loại quí .v.v...

Nếu như hoạt động của các ngân hàng thương mại chủ yếu là tập hợp các khoản tiền gửi nhỏ để cho vay các khoản tiền lớn, thì các công ty tài chính lại huy động những khoản tiền lớn rồi chia ra để cho vay những khoản nhỏ.

Một điểm khác biệt nữa là công ty tài chính không được huy động các dạng tiền gửi của dân chúng, của các tổ chức kinh tế - xã hội với kỳ hạn ngắn và dưới hình thức mở tài khoản, cũng như không được thực hiện các dịch vụ thanh toán và tiền mặt, không sử dụng vốn vay của dân làm phương tiện thanh toán.

Các công ty tài chính gần như không bị điều hành chặt bởi Chính phủ. Chính phủ có thể điều hành số tiền cực đại mà các công ty tài chính có thể cho người tiêu dùng vay và kỳ hạn vay nhưng không có hạn chế về việc mở chi nhánh, về sự thu nhận vốn và những tài sản mà công ty tài chính nắm giữ. Điều này đã giúp cho các công ty tài chính có thể phục vụ tốt các nhu cầu của khách hàng hơn là các ngân hàng.

Trên thế giới có ba loại hình công ty tài chính chủ yếu sau:

+ Công ty tài chính bán hàng (Sale finance company): Các công ty tài chính này gián tiếp cấp tín dụng cho người tiêu dùng để mua các món hàng từ một nhà bán lẻ hoặc từ một nhà sản xuất nào đó. Tín dụng được cấp dưới hình thức: các doanh nghiệp bán hàng trả góp cho khách hàng theo hợp đồng mẫu do công ty tài chính loại này cung cấp, sau đó hợp đồng được bán lại cho công ty tài chính. Như vậy khoản nợ của khách hàng với nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ đã chuyển thành khoản nợ của khách hàng đối với công ty tài chính. Các công ty tài chính loại này thường do các công ty sản xuất hay các nhà phân phối bán lẻ (retailling or manufacturing company) thành lập nên nhằm hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ hàng hoá của mình. Ví dụ tại Mỹ, General Motors Acceptance Corporation chuyên tài trợ cho khách hàng mua ô tô của hãng GM.

+ Công ty tài chính tiêu dùng (Consumer finance company): Công ty tài chính loại này cung ứng phần lớn nguồn vốn của mình cho các gia đình và cá nhân vay vào mục đích mua sắm hàng hoá tiêu dùng như các đồ đạc nội thất (giường, tủ…) và các đồ gia dụng (tủ lạnh, máy giặt…) hoặc sửa chữa nhà cửa. Hầu hết các khoản cho vay đều được trả góp định kỳ. Một cách cho vay khác là cấp thẻ tín dụng cho khách hàng để họ mua sắm ở hệ thống cửa hàng bán lẻ. Do các khoản vay của loại công ty tài chính này khá rủi ro nên công ty thường chỉ cho vay những khoản tiền nhỏ và với lãi suất cao hơn lãi suất thị trường. Khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng vì vậy cũng thường là những người không thể tìm được khoản tín dụng từ những nguồn khác và do vậy họ thường phải chịu lãi suất cao hơn thông thường. Các công ty tài chính loại này có thể do các ngân hàng thành lập nên hoặc hoạt động độc lập dưới hình thức công ty cổ phần.

+ Công ty tài chính kinh doanh (Business finance company): Công ty tài chính loại này cấp tín dụng cho các doanh nghiệp dưới các hình thức như: Bao thanh toán (Nghiệp vụ Factoring và Forfating) - Công ty cấp tín dụng dưới hình thức mua lại (chiết khấu) các khoản phải thu của doanh nghiệp; Cho thuê tài chính (Nghiệp vụ Leasing) - Công ty cấp tín dụng dưới hình thức mua các máy móc thiết bị mà khách hàng yêu cầu rồi cho khách hàng thuê; v.v...

Các khoản phải thu thường là tiền bán trả chậm hàng hoá hay dịch vụ. Do cần tiền ngay, các doanh nghiệp ký kết trước với công ty tài chính một hợp đồng trong đó công ty tài chính sẽ mua lại với giá chiết khấu tất cả các khoản thu chưa đến hạn thanh toán của mình phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định.

Cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài sản giữa bên cho thuê là công ty tài chính thuê mua với khách hàng thuê. Khi kết thúc thời hạn thuê, khách hàng mua lại hoặc tiếp tục thuê tài sản đó theo các điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng thuê. Trong thời hạn cho thuê, các bên không được đơn phương huỷ bỏ hợp đồng . Trong nghiệp vụ cho thuê tài chính, bên cho thuê sẽ mua tài sản theo yêu cầu của bên thuê. Bên thuê có nghĩa vụ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản thuê trong thời hạn thuê và không được dùng tài sản thuê để cầm cố, thế chấp hoặc để bảo đảm cho bất kỳ một nghĩa vụ tài chính nào .

Do nhu cầu chuyên môn hoá, trên thực tế còn xuất hiện các công ty tài chính chuyên hoạt động trong lĩnh vực bao thanh toán (các công ty factor) hay cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính – leasing company – cung cấp cả dịch vụ thuê mua và thuê vận hành).

2.3. Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng (Contractual Savings Instutions)

Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng là những trung gian tài chính thu nhận vốn theo định kỳ trên cơ sở các hợp đồng đã ký kết với khách hàng.

Do số tiền và thời gian phải thanh toán có thể dự đoán được khá chính xác nên các trung gian tài chính này có xu hướng đầu tư số vốn thu nhận được vào các tài sản có tính lỏng thấp, đặc biệt là các chứng khoán dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu hoặc các khoản vay trả góp mua bất động sản.

Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng bao gồm các công ty bảo hiểm (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tài sản và tai nạn) và các quỹ trợ cấp hưu trí.

2.3.1. Các công ty bảo hiểm (Insurances Companies)

Công ty bảo hiểm có chức năng chủ yếu là cung cấp phương tiện để bảo vệ các hộ gia đình hoặc các hãng kinh doanh trước những tổn thất về tài chính do những rủi ro nhất định gây ra thông qua việc cung cấp các hợp đồng bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường cho người mua một khoản tiền nhất định trong trường hợp xảy ra rủi ro.

Các rủi ro được bảo hiểm bao gồm các tai nạn, mất trộm, cháy (bảo hiểm tài sản và tai nạn), ốm đau, mất khả năng làm việc (bảo hiểm sức khoẻ và thương tật), chết (bảo hiểm nhân thọ).

Các công ty bảo hiểm thu phí bảo hiểm (premiums) để thành lập nên quỹ bảo hiểm phục vụ cho mục đích bồi thường. Do hầu hết các khoản phí bảo hiểm đều được thu hết trước khi bồi thường nên công ty bảo hiểm có một khoảng thời gian từ dưới 1 năm cho tới hàng chục năm để sử dụng quỹ bảo hiểm. Tiền trong quỹ bảo hiểm khi chưa dùng để bồi thường sẽ được đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hoặc thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính khác như góp vốn liên doanh, thành lập công ty chứng khoán, cung cấp các khoản tín dụng trực tiếp...

2.3.2. Các quỹ trợ cấp hưu trí (Pension and retirement funds)

Các quỹ trợ cấp hưu trí được thành lập với mục đích giúp cho người lao động khi về hưu có được những khoản thu nhập ổn định thông qua cung cấp các chương trình lương hưu (pension plans).

Các chương trình lương hưu này quy định những khoản đóng góp định kỳ của những người tham gia vào chương trình trong thời gian những người này còn đang làm việc để khi về hưu họ sẽ được nhận tiền trợ cấp hưu trí (hay lương hưu) được trả một lần khi về hưu hoặc trả định kỳ đều đặn cho đến khi chết.

Các chương trình lương hưu không chỉ được đóng góp bởi những người lao động mà cả các chủ thuê lao động và thậm chí cả chính phủ.

Các khoản tiền quỹ trợ cấp hưu trí thu được dùng để đầu tư nhằm đạt được mức sinh lời nhất định trong khi vẫn đảm bảo an toàn cho khoản vốn. Do số tiền mà các quỹ phải chi trả hàng năm có thể dự đoán với độ chính xác cao nên quỹ thường đầu tư số tiền nhàn rỗi của mình vào các công cụ đầu tư dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu, các khoản vay mua trả góp bất động sản… Ngoài ra, các quỹ này còn đầu tư vào các tài sản tài chính có độ rủi ro thấp như tiền gửi ngân hàng, các loại kỳ phiếu do ngân hàng phát hành. Như vậy hoạt động của các quỹ hưu trí không chỉ đảm bảo khoản thu nhập thường xuyên ổn định cho những người về hưu mà còn góp phần lưu chuyển vốn nhàn rỗi đến những nơi có nhu cầu về vốn.

Các chương trình lương hưu được chia làm hai loại:

•     Loại căn cứ vào mức độ đóng góp (a defined-contribution plan): là chương trình lương hưu trong đó số tiền nhận được của những người tham gia phụ thuộc vào số tiền đã đóng góp và khoản tiền lời từ việc đầu tư các khoản đóng góp đó.

•     Loại căn cứ vào mức độ trợ cấp (a defined-benefit plan): là chương trình lương hưu trong đó số tiền người tham gia được hưởng khi về hưu được xác định không căn cứ vào mức độ đóng góp mà vào thời gian làm việc và mức lương của người đó. Loại chương trình này có hạn chế là có thể xảy ra trường hợp số tiền mà người tham gia đóng góp không đủ để trả cho số tiền mà họ sẽ nhận được sau khi về hưu.

Ngoài ra, các chương trình lương hưu còn quy định thời gian tối thiểu phải tham gia đóng góp hoặc số năm tối thiểu phải làm việc tại một công ty để được nhận lương hưu từ quỹ trợ cấp hưu trí của công ty đó.

Sự phát triển của các quỹ trợ cấp hưu trí nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ thông qua các chính sách ưu đãi về thuế. Ví dụ: các khoản đóng góp vào chương trình lương hưu của cả người lao động và chủ thuê lao động đều được miễn trừ thuế thu nhập . Ở nhiều nước như Đức, Nhật, Mỹ, chính phủ còn cam kết tài trợ để số tiền lương hưu tối thiểu lên tới một mức nhất định.

Các quỹ trợ cấp hưu trí hoạt động dưới hai hình thức sau:

Các chương trình trợ cấp hưu trí tư nhân (Private Pension Plans):

Các chương trình này do các công ty thành lập nhằm mục đích hỗ trợ cho những người lao động trong công ty. Các chương trình này sẽ do một ban quản lý quỹ chịu trách nhiệm điều hành bao gồm các hoạt động thu tiền đóng góp, chi trả lương hưu và thực hiện việc đầu tư bằng nguồn vốn quỹ. Các chương trình này cũng có thể được uỷ thác cho ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm nhân thọ quản lý.

Hoạt động của các chương trình này luôn gặp rủi ro không đủ tiền để trả lương hưu do khoản đóng góp không đủ để tài trợ cho việc chi trả (với trường hợp lương hưu được xác định không căn cứ vào mức độ đóng góp) hoặc do yếu kém trong việc đầu tư gây thất thoát tiền quỹ… Chính vì vậy Luật các nước thường quy định việc báo cáo định kỳ theo những tiêu chuẩn nhất định về hoạt động của các quỹ, đưa ra những quy định về số năm tối thiểu phải tham gia chương trình, những giới hạn về phạm vi được đầu tư của quỹ, cũng như giao trách nhiệm giám sát cho một cơ quan chức năng (ví dụ Bộ Lao động ). Thậm chí ở nhiều nước còn thành lập các tổ chức trực thuộc chính phủ (ví dụ ở Mỹ là Pension Benefit Guarantee Corporation hay còn gọi là “Penny Benny”) hoạt động như một công ty bảo hiểm cho các quỹ trợ cấp hưu trí. Các tổ chức này thu phí bảo hiểm từ các chương trình trợ cấp hưu trí tư nhân đổi lại cam kết thanh toán mức trợ cấp hưu trí tối thiểu cho một người lao động (ví dụ ở Mỹ là 30.000 USD mỗi năm) trong trường hợp các quỹ trợ cấp nói trên phá sản hoặc không thể thực hiện chi trả đủ tiền vì những lý do khác.

Các chương trình trợ cấp hưu trí công cộng (Public Pension Plans):

Các chương trình này còn có tên gọi khác là Bảo hiểm xã hội (Social Security ).

Hầu hết tất cả những người lao động và chủ thuê lao động bị bắt buộc phải tham gia chương trình này . Phần đóng góp được xác định trên cơ sở mức lương của người lao động. Người lao động và chủ thuê lao động sẽ chia nhau đóng góp .

Bảo hiểm xã hội không chỉ chi trả lương hưu mà cả chi phí khám chữa bệnh và trợ cấp mất sức lao động.

Cũng như các chương trình trợ cấp hưu trí tư, các chương trình trợ cấp hưu trí công đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tiền để chi trả do những khoản chi trả bảo hiểm xã hội không hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đóng góp trước đây của người hưởng lợi cũng như do tỷ lệ người già tăng nhanh trong xã hội. Thực tế này đòi hỏi nhiều nước phải cải cách các chương trình Bảo hiểm xã hội theo hướng tư nhân hoá hoặc đa dạng hoá hình thức đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro hơn nhưng mức sinh lời cao hơn như cổ phiếu và trái phiếu công ty.

2.4. Các trung gian đầu tư (Investment intermediaries)

Các trung gian đầu tư là các trung gian tài chính chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư. Chức năng chủ yếu của các tổ chức là hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế huy động vốn để tài trợ cho các dự án đầu tư của mình cũng như giúp cho các nhà đầu tư nhỏ có thể đầu tư trực tiếp khoản tiền nhàn rỗi vào thị trường vốn.

Trên thực tế, các trung gian đầu tư không đồng thời thực hiện tất cả các chức năng này mà thường chuyên môn hoá thực hiện từng chức năng.

2.4.1. Ngân hàng đầu tư (Investment bank)

Chức năng chủ yếu của các ngân hàng đầu tư là giúp đỡ các doanh nghiệp, chính phủ huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán. Các ngân hàng đầu tư còn hỗ trợ cho việc hợp nhất giữa các công ty hoặc giúp một công ty này mua lại một công ty khác (M&A – Merger and Acquisition).

Các ngân hàng đầu tư hỗ trợ cho việc phát hành chứng khoán thông qua các hoạt động:

•     Trước tiên là tư vấn cho các công ty nên phát hành cổ phiếu hay trái phiếu để huy động vốn, nếu phát hành trái phiếu thì nên phát hành với thời hạn bao lâu, lãi suất của trái phiếu ở mức nào?

•     Một khi các công ty quyết định xong về loại chứng khoán sẽ phát hành, các ngân hàng đầu tư sẽ đứng ra bảo lãnh đợt phát hành chứng khoán (underwrite the securities), tức là cam kết sẽ mua các chứng khoán với một mức giá xác định, rồi sau đó đem bán ra thị trường thứ cấp.

Các ngân hàng đầu tư ra đời ở Mỹ, khi các ngân hàng thương mại của Mỹ bị cấm không được tham gia bảo lãnh phát hành chứng khoán. Các ngân hàng đầu tư nổi tiếng của Mỹ hiện nay là Goldman, Sachs & Co., Morgan Stanley, Merrill Lynch, Salomon Brothers… Các ngân hàng này không chỉ nổi tiếng ở Mỹ mà còn là những ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Ở Đức, các ngân hàng đa năng (universal banks) được thực hiện tất cả các hoạt động của ngân hàng thương mại lẫn ngân hàng đầu tư.

Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại cũng không được phép trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán nhưng được phép thành lập các công ty chứng khoán (securities company) hoạt động độc lập để thực hiện các hoạt động như các ngân hàng đầu tư.

2.4.2. Các công ty đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Firms)

Nếu như các ngân hàng đầu tư hỗ trợ cho các công ty lớn huy động vốn thì các công ty đầu tư mạo hiểm (còn được gọi là các quỹ đầu tư mạo hiểm) chuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập (startup firms). Các doanh nghiệp này không chỉ thiếu về vốn mà cả kinh nghiệm quản lý. Vì vậy các công ty đầu tư mạo hiểm không chỉ giúp họ huy động vốn mà còn cung cấp các dịch vụ tư vấn. Các công ty đầu tư mạo hiểm sẽ rót vốn của mình vào doanh nghiệp và giúp đỡ ban giám đốc điều hành công ty phát triển đến một mức độ nhất định, có thể phát hành cổ phần trực tiếp ra thị trường. Khi đó công ty đầu tư mạo hiểm sẽ bán số cổ phần mà mình nắm giữ ra công chúng rồi chuyển sang một dự án đầu tư mạo hiểm khác.

2.4.3. Các quỹ đầu tư tương hỗ (Mutual funds)

Các quỹ đầu tư tương hỗ là các trung gian tài chính thực hiện việc huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân thông qua phát hành các chứng chỉ góp vốn đầu tư để đầu tư vào chứng khoán nhằm tận dụng những lợi thế về vốn lớn và kinh doanh chuyên nghiệp.

Nhờ vào ưu thế vốn đầu tư lớn, các quỹ đầu tư tương hỗ có thể giảm thiểu chi phí giao dịch bằng cách mua bán chứng khoán với số lượng lớn và hạn chế rủi ro bằng cách đa dạng hoá danh mục các chứng khoán nắm giữ. Không chỉ vậy, ưu thế vượt trội của các quỹ đầu tư so với các nhà đầu tư riêng lẻ còn thể hiện ở chỗ chúng được đặt dưới sự quản lý của các chuyên gia về kinh doanh chứng khoán.

Bên cạnh các quỹ đầu tư tương hỗ đầu tư vào cả cổ phiếu và trái phiếu, còn xuất hiện các quỹ chuyên đầu tư vào từng loại chứng khoán, ví dụ các quỹ chuyên đầu tư vào các cổ phiếu thường hoặc các quỹ chuyên đầu tư vào các chứng khoán nợ. Các quỹ đầu tư vào cổ phiếu thường còn được chuyên môn hoá hơn nữa, chẳng hạn chỉ nắm giữ các chứng khoán nước ngoài hoặc chứng khoán của một ngành kinh tế nào đó ví dụ ngành năng lượng hoặc công nghệ cao. Các quỹ đầu tư vào chứng khoán nợ cũng được chuyên môn hoá vào trái phiếu công ty hoặc trái phiếu chính phủ, vào chứng khoán ngắn hạn hoặc dài hạn.

Các quỹ đầu tư tương hỗ được tổ chức theo hai hình thức: các quỹ đầu tư mở (open-end fund) và các quỹ đầu tư đóng (closed-end fund).

•     Các quỹ đầu tư mở (open-end fund) liên tục phát hành thêm chứng chỉ đầu tư mới khi có người muốn đầu tư vào quỹ hoặc hoàn lại vốn cho các chứng chỉ cũ theo giá trị tài sản ròng của chúng (NAV – Net asset value). Giá trị tài sản ròng của mỗi chứng chỉ đầu tư của quỹ đầu tư mở bằng tổng giá trị thị trường của các chứng khoán mà quỹ đó nắm giữ chia cho tổng số chứng chỉ đã phát hành của quỹ. Hiện ở Việt Nam chưa có quỹ đầu tư mở.

•     Các quỹ đầu tư đóng chỉ huy động vốn một lần từ các nhà đầu tư trong lần phát hành chứng chỉ đầu tư ra công chúng lúc thành lập. Quỹ đầu tư đóng không phát hành thêm chứng chỉ đầu tư để huy động thêm vốn và cũng không chấp nhận hoàn vốn cho các chứng chỉ này. Các chứng chỉ đầu tư của quỹ đầu tư đóng được mua bán trên thị trường như các cổ phiếu thường. Khác với chứng chỉ đầu tư của quỹ đầu tư mở, giá của các chứng chỉ của quỹ đầu tư đóng có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị tài sản ròng của chúng, tuỳ thuộc vào các yếu tố như tính lỏng của các chứng chỉ này và trình độ quản lý quỹ. Hiện nay ở Việt Nam có BF1 là quỹ đầu tư cân bằng, đầu tư vào các hạng mục đầu tư có độ rủi ro vừa phải; VF1 đầu tư chủ yếu trên OTC (~70%) với mức rủi ro khá cao.

Trên thế giới, loại hình quỹ đầu tư mở phổ biến hơn so với quỹ đầu tư đóng do cổ phần của quỹ đầu tư mở có tính lỏng cao hơn. Quỹ đầu tư tương hỗ thường đặt dưới sự quản lý của các công ty đầu tư chuyên nghiệp hoặc các tổ chức tài chính khác. Các công ty này thu phí quản lý quỹ xấp xỉ 0,5% giá trị tài sản của quỹ mỗi năm.

2.4.4. Các quỹ đầu tư tương hỗ thị trường tiền tệ (Money market mutual funds)

Các quỹ đầu tư này hoạt động tương tự như các quỹ đầu tư tương hỗ trên thị trường vốn. Điểm khác biệt là đối tượng đầu tư của các quỹ này là các công cụ tài chính có chất lượng cao trên thị trường tiền tệ như: Tín phiếu kho bạc, thương phiếu và các chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng. Do các chứng khoán mà quỹ đầu tư nắm giữ thường có thời hạn ít hơn 6 tháng và những biến động về giá trị thị trường của các chứng khoán này khá nhỏ nên các quỹ đầu tư này cho phép các chứng chỉ đầu tư được hoàn vốn với giá cố định. Lợi nhuận từ những thay đổi về giá trị thị trường của các chứng khoán được trả cho người đầu tư dưới dạng lãi suất. Do các chứng chỉ đầu tư được hoàn vốn với mức giá cố định nên các quỹ này cho phép các nhà đầu tư được ký phát séc với số tiền phải cao hơn mức tối thiểu do quỹ quy định (ở Mỹ mức tối thiểu đó thường là 500 USD) để thanh toán từ tài khoản của quỹ đầu tư mở tại một ngân hàng thương mại. Với đặc tính này, các chứng chỉ quỹ đầu tư tương hỗ thị trường tiền tệ có chức năng như là tiền gửi thanh toán tại ngân hàng nhưng lại được hưởng mức lãi suất cao hơn.

2.4.5. Các công ty quản lý tài sản (Asset Management Firms)

Các công ty này còn được gọi là các công ty quản lý đầu tư (investment management firms). Hoạt động chủ yếu của các công ty này là quản lý các quỹ tiền tệ tập trung như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí hoặc tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp hay chính phủ .

Lưu ý :

Ngoài các loại hình trung gian tài chính đã được phân loại tên, chúng ta còn thấy sự trung gian tài chính của Chính phủ thể hiện thông qua việc Chính phủ tham gia các hoạt động như thành lập các tổ chức tín dụng Nhà nước và sự đảm bảo của Nhà nước cho các khoản vay tư nhân.

Các tổ chức tài chính phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên, nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn và không được làm dịch vụ thanh toán (ví dụ: công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm)

3. Ngân hàng thương mại

3.1. Lịch sử phát triển của ngân hàng

Hoạt động ngân hàng với các nghiệp vụ truyền thống nhận tiền gửi, cho vay và cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng ra đời khi quan hệ sản xuất và trao đổi hàng hoá của xã hội đã phát triển ở mức độ cao. Quá trình hoàn thiện các nghiệp vụ ngân hàng và sự ra đời một ngân hàng hoàn chỉnh kéo dài hàng nghìn năm, bắt đầu từ hoạt động ngân hàng sơ khai vào khoảng 3500 năm trước công nguyên cùng với sự khởi đầu của các thiết chế tổ chức xã hội. Có thể chia quá trình phát triển của ngân hàng thành các giai đoạn chủ yếu sau:

Thời kỳ hoạt động của các ngân hàng sơ khai

Từ 3500 tr.CN đến 1800 tr.CN là giai đoạn phát triển của các ngân hàng sơ khai. Nghiệp vụ ban đầu của nghề kinh doanh tiền tệ là nhận giữ tiền vàng và các tài sản có giá trị khác được thực hiện bởi các nhà kim hoàn, các lãnh chúa, nhà thờ. Người gửi tiền được nhận lại một tờ giấy biên lai làm căn cứ để xác định quyền sỡ hữu và phải trả lệ phí gửi tiền.

Bảng cân đối của ngân hàng sơ khai

Tài sản có  Tài sản nợ

Dự trữ tiền mặt:    1.000.000

Tổng cộng:            1.000.000       Tiền gửi khách hàng:   1.000.000

Tổng cộng:            1.000.000

Dần dần những người gửi tiền nhận thấy rằng thay vì sử dụng tiền vàng vốn khó khăn trong bảo quản và vận chuyển, họ có thể sử dụng các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu vàng để thanh toán. Người nhận các chứng thư này không gặp khó khăn gì trong việc chuyển chúng sang tiền vàng. Đây là mầm mống đầu tiên của nghiệp vụ phát hành tiền giấy. Mặt khác những người nhận giữ tiền cũng phát hiện ra là trong cùng một khoảng thời gian có một số người đến đổi chứng thư lấy tiền nhưng cũng có những người khác gửi tiền vào. Sự bổ sung qua lại giữa lưu lượng gửi vào và rút ra làm xuất hiện một lượng tiền nhàn rỗi trong kho. Điều này chứng tỏ những người nhận giữ vàng giờ đây chỉ cần dự trữ tiền vàng với một tỷ lệ nhất định so với tổng số tiền gửi, phần còn lại có thể sử dụng để cho vay. Đến đây các ngân hàng đã bắt đầu tham gia vào quá trình cung ứng tiền.

Bảng cân đối của ngân hàng sau khi duy trì tỷ lệ dự trữ

Tài sản có  Tài sản nợ

Dự trữ tiền:           200.000

Cho vay:    800.000

Tổng cộng:            1.000.000       Tiền gửi khách hàng:   1.000.000

Tổng cộng:            1.000.000

Giai đoạn từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XVII

Đây là giai đoạn phát triển và hoàn thiện các nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại. Các nghiệp vụ ghi chép sổ sách, hình thành các số hiệu tài khoản, chi tiết đến đối tượng cho vay, mục đích cho vay cũng như nguồn vốn cho vay - tiền thân của kế toán ngân hàng ra đời từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ X. Cũng trong thời gian này hoạt động thanh toán bù trừ ở dạng sơ khai trong cùng một ngân hàng đã bắt đầu phát triển và sau đó là hoạt động thanh toán giữa các ngân hàng. Nghiệp vụ chuyển tiền và bảo lãnh hình thành vào khoảng cuối thế kỷ thứ X và sau đó. Vào giai đoạn từ thế kỷ thứ XI - XVII nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu bắt đầu phát triển. Cho đến thế kỷ thứ XVII các nghiệp vụ của một ngân hàng kinh doanh đã hoàn thiện, bao gồm:

•     Nhận tiền gửi, cho vay

•     Phát hành tiền giấy có khả năng đổi ra vàng

•     Chiết khấu thương phiếu

•     Chuyển tiền, thanh toán bù trừ và bảo lãnh

Động lực chủ yếu của quá trình phát triển nhanh chóng này là sự phát triển không ngừng của các hoạt động thương mại trong từng quốc gia cũng như quốc tế cùng với việc tìm ra châu Mỹ và các vùng đất mới. Một ngân hàng hoàn chỉnh các nghiệp vụ này đã hình thành đầu tiên ở Hà lan vào năm 1609. Sau đó là ngân hàng Thuỵ điển vào năm 1656, hệ thống ngân hàng Anh vào năm 1694, hệ thống ngân hàng Hoa kỳ vào năm 1791, ngân hàng Pháp vào năm 1800.

Giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến cuối XIX

Các ngân hàng thực sự được công nhận như một doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ và phát hành tiền dưới dạng các chứng thư hay kỳ phiếu thay cho vàng. Hoạt động này thực sự bắt đầu từ thời kỳ sơ khai trước công nguyên. Khi đó các kỳ phiếu ngân hàng chỉ được phát hành mỗi khi có khoản tiền vàng thực sự được gửi vào ngân hàng. Khả năng chuyển đổi kỳ phiếu ra vàng rất dễ dàng làm cho nó được chấp nhận không hạn chế trong lưu thông như một hình thức tiền tệ. Tuy nhiên đến thế kỷ thứ XVIII, các ngân hàng bắt đầu lợi dụng ưu thế của mình để phát hành một khối lượng lớn các kỳ phiếu tách rời khỏi dự trữ vàng để cho vay, điều này đe doạ khả năng chuyển đổi ra tiền vàng của các kỳ phiếu được phát hành. Vì tất cả các ngân hàng đều có quyền phát hành tiền nên nhà nước không thể kiểm soát được khối lượng tiền trong lưu thông và càng không thể kiểm soát được tính chất đảm bảo của lượng tiền lưu thông đó. Mặt khác mỗi ngân hàng có qui mô hoạt động, uy tín và khả năng ảnh hưởng khác nhau nên công chúng bắt đầu có sự lựa chọn kỳ phiếu được phát hành bởi những ngân hàng khác nhau. Kết quả là, các kỳ phiếu do các ngân hàng lớn có uy tín phát hành dẫn dần chiếm lĩnh thị trường và đẩy kỳ phiếu của các ngân hàng nhỏ ra khỏi lưu thông. Tình trạng này kéo dài gây sự bất ổn định trong lưu thông tiền tệ và nhà nước buộc phải can thiệp nhằm thiết lập trật tự và thống nhất cho việc phát hành tiền, đảm bảo an toàn cho các giấy chứng nhận nợ của ngân hàng. Kết quả của sự can thiệp là hệ thống ngân hàng bị chia thành hai nhóm:

•     Nhóm thứ nhất là các ngân hàng được phép phát hành tiền giấy, được gọi là các Ngân hàng phát hành.

•     Nhóm thứ hai bao gồm những ngân hàng còn lại, không được phép phát hành tiền mà chỉ làm trung gian tín dụng và trung gian thanh toán trong nền kinh tế, được gọi là Ngân hàng trung gian.

Ở Anh, quyền phát hành tập trung vào 10 ngân hàng lớn nhất vào năm 1694, sau đó chỉ có duy nhất Ngân hàng Anh (Bank of England) được quyền phát hành tiền vào năm 1844, các ngân hàng khác được phép phát hành nhưng trong giới hạn của đạo luật ngân hàng Anh 1844. Vào năm 1875, tại Đức có 33 ngân hàng tư nhân được thực hiện nghiệp vụ phát hành, sau đó quyền lực này được tập trung vào Ngân hàng Đức vào trước chiến tranh thế giới thứ nhất.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các nước châu Âu (trừ Italia và Thuỵ sĩ), cùng với một vài nước thuộc châu Á và châu Phi như Nhật bản, Java, Angiêri đã hình thành ngân hàng phát hành với quyền lực và sự ưu tiên đặc biệt từ chính phủ. Tất cả các ngân hàng này, với những mức độ khác nhau, từng bước đã thực hiện các chức năng của một Ngân hàng trung ương: phát hành tiền, kiểm soát lưu thông tiền tệ, là ngân hàng của các ngân hàng trung gian và là ngân hàng của chính phủ. Với ý nghĩa như vậy, khái niệm “ngân hàng trung ương” bắt đầu được nhắc đến từ cuối thế kỷ XIX.

Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến nay

Cùng với sự hoàn thiện về chức năng của các ngân hàng trung ương, các ngân hàng trung gian

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: