Chương 4

Năm 2016

Một lần nữa tôi tỉnh dậy trong cơn ê ẩm phủ khắp cơ thể. Không khó để nhận ra đây chính là thực tại khi tôi đã phải trải qua một vòng lặp giấc mơ chừng như vô tận. Cảnh vật dần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết qua từng giây khắc.

- Nước... - Tôi thều thào với hơi ấm cạnh bên mà không hề biết người ấy vẫn còn mơ màng. Rồi tôi lặp lại câu nói, mơ hồ cảm nhận được chuyển động của hơi ấm. Bố ngẩng mặt lên, luống cuống thoát khỏi tư thế ngủ gục đáng thương.

- Dung... Con tỉnh rồi!

Nụ cười trên môi ông đến vội nhưng cũng tắt vội. Ông vừa khóc vừa rót cho tôi ly nước đầy ắp. Thảo nào khi tôi nhấp môi, vị mặn còn quấn quýt nơi đầu lưỡi.

- Bố. - Nếu không phải tuyến lệ chưa kịp khởi động, có lẽ tôi đã khóc trước bố. Sao tôi có thể đành lòng nhìn bố gục mặt lên hai tay bên thành giường bệnh viện, chờ trong vô vọng đến ngày tôi tỉnh dậy.

Bố không cho tôi ngồi dậy. Tôi e vết thương còn khá nặng, và ngạc nhiên là tôi hoàn toàn không bất ngờ với tình cảnh này. Nằm viện với sa số vết thương, yếu ớt đến mức không thể nói một câu hoàn chỉnh. Bấy giờ tôi thầm tự trách, không biết vì sao lại để ông tạo gán cho cuộc đời mình hai chữ "yếu đuối", để rồi suốt bao năm qua tôi chưa từng đủ khỏe mạnh mà bảo vệ người tôi yêu thương.

Bố vội vã gạt nước mắt, chạy đi tìm bác sĩ. Khi thấy cánh cửa lần nữa hé mở, tôi tưởng bố đã về. Nhưng đợi một lúc không thấy người ngoài cửa bước vào, tôi bồn chồn nghiêng người nhìn ngó, nhưng ngoài hành lang vắng tanh không bóng người. Có lẽ tôi đã nghĩ nhiều, một cơn gió mạnh đôi khi cũng khiến cánh cửa dịch chuyển.

Trước khi các bác sĩ kịp thăm khám cho tôi, tôi có thời gian hỏi bố:

- Bố ơi, Bảo Long là ai vậy ạ?

Người bố với đôi mắt đỏ hoe bỗng dưng khựng lại trong thoáng chốc. Thế rồi ông lắc đầu trấn an tôi:

- Bố không quen ai tên thế cả. Con quen à?

Tôi ngập ngừng một lát rồi im bặt. Không hiểu vì sao từ lúc tôi tỉnh dậy đến nay, não bộ không ngừng tua đi tua lại cái tên này trong đầu. Bấy giờ tôi liền hiểu ra, hóa ra trong suốt những ngày hôn mê tại bệnh viện, tôi đã mắc kẹt trong một vòng xoáy ác mộng tạo ra từ những mảnh kí ức chắp vá. Phải mất đến hai ngày sau, những giấc mơ mới dần quay trở lại.

Chính bởi vì tôi của "thực tại khác" không có kí ức, nên mọi thông tin về Bảo Long xem chừng đều trở nên vô nghĩa. Chỉ khi bừng tỉnh, tôi mới hay trong tim mình đích thị có tồn tại những cảm xúc khác lạ với người này. Nhưng dù có cố gắng bao nhiêu, tôi vẫn không thể nhớ thêm được điều gì, thậm chí còn không biết những gì trong mơ liệu đã từng diễn ra ngoài đời thực hay chưa.

Hai ngày nghỉ việc trông nom tôi, bố dường như đã nhìn thấu tất cả. Nhưng trước đây cũng như bây giờ, bố rất ít khi hỏi han. Nếu biết tôi có tâm trạng, bố sẽ dành thời gian cho tôi tự ngẫm nghĩ và xử lí ổn thỏa trước khi sẵn sàng nói ra.

Trong lúc húp từng thìa cháo nóng, tôi bần thần nhớ lại buổi chiều của một tuần trước. Lí do tôi hôn mê, lí do trong cơn mơ những cơn đau dai dẳng vẫn chưa từng biến mất, ấy chính là bởi tôi đã gặp chấn thương. Tuy rằng các bác sĩ luôn hết mình hỗ trợ, song, cả người tôi khắp nơi đều ê ẩm rã rời. Có khi những cơn đau xuất hiện, truyền đến trung ương thần kinh, tôi còn không rõ chúng nằm tại vị trí nào, chỉ biết mình đã quen với cảm giác đau nhói, thêm một chút nữa cũng không khiến tôi sợ hãi hơn.

Các cô y tá thường đến giúp tôi lau người. Tôi nhận ra người chị từng xuất hiện trong lần tỉnh thức đầu tiên, cũng là người tôi thân thiết nhất trong những ngày ra vào viện.

- Em tỉnh rồi, Dung ơi. - Chị lên tiếng, không giấu nổi nước mắt đằng sau nụ cười hiền.

Tôi cảm nhận được tấm lòng của chị sau câu nói. Thế rồi, chị giúp tôi thay áo, cắt móng tay, trò chuyện với tôi một lúc. Thật nực cười là trước đây, khi còn trong "thực tại khác", tôi từng cố tiếp cận chị để hỏi về thân thế của chính mình.

- Bác sĩ bảo nếu cuối tuần này các thông số ổn định thì em có thể về nhà được rồi, thậm chí còn có thể đi học lại. - Chị nắm tay động viên tôi.

Sau khi chị rời đi, tôi mới sực nhớ ra điều mình cần biết ở chị. Tôi vốn muốn hỏi về Xanh Rêu (hay tôi nên gọi là Bảo Long), nhưng chị đã mất hút, mấy ngày sau cũng không thấy quay lại.

Tôi ra viện đúng ngày dự kiến. Bố loay hoay cả sáng mới đưa được người ốm lẫn hành lí lỉnh kỉnh về nhà. Mới chỉ xa nhà chưa đầy nửa tháng, tôi đã nhớ da diết căn phòng nhỏ nằm bên góc trên tầng. Thế rồi chưa ngồi ấm chỗ, tôi lại nghe bố gọi xuống ăn cơm.

Trong lúc dọn bàn chuẩn bị ăn, tôi ngập ngừng hỏi bố:

- Bố, Xanh Rêu là ai vậy ạ?

Tôi phải đắn đo rất lâu mới có thể hỏi được bố. Ông có thể không biết Bảo Long, nhưng cái tên Xanh Rêu này bố không thể không nhớ. Ấy vậy mà bố vừa lắc đầu vừa đáp:

- Ai vậy? Nghe tên lạ lắm.

Trong mơ, chính Bảo Long đã đến nhà uy hiếp bố. Tôi không thể tìm ra lí do bố phải nói dối tôi, vậy không lẽ tôi đã nhầm lẫn về cái tên này, và rằng trước giờ tất cả đều do não bộ tôi tự vun tạo ra?

- Con ổn không Dung? Có muốn nói với bố điều gì không? - Bố ngoảnh mặt, nhìn tôi đầy lo lắng.

Tôi chỉ mỉm cười rồi im bặt. Cũng phải thôi, nếu Bảo Long thật sự tồn tại, cùng với quan hệ khác biệt giữa chúng tôi, đáng lẽ anh ta phải xuất hiện trong ngày tôi xuất viện. Nhưng đã một tuần trôi qua kể từ khoảnh khắc tôi bừng tỉnh, Bảo Long vẫn chưa một lần ghé thăm. Song, nếu Bảo Long chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của riêng tôi, vậy cảm xúc khó nói thành lời đang giày xéo trái tim này nghĩa là gì?

Cơn hụt hẫng từ đâu trồi lên, giật ngược tôi xuống vực sâu không thấy đáy. Tôi không hề nhận ra mình vẫn luôn ôm ấp một hy vọng mơ hồ cho đến khi phát hiện mối hy vọng ấy đã biến mất kể từ khi vòng lặp giấc mơ kết thúc. Bảo Long không có thật, và những khoảnh khắc tôi và anh có trong đời chỉ là những gì não bộ tạo ra để đánh lừa tôi. Thật hay ho làm sao, chỉ trong vòng bảy ngày mê man, hệ thần kinh đã khiến thân chủ của nó quyến luyến một bóng hình mờ ảo vô thực.

Thấy tôi rầu rĩ gẩy thức ăn, bố dịu dàng gắp tôi miếng ngon nhất có trên đĩa rồi giục bảo tôi ăn đi. Tôi gật đầu nghe theo, cố không nghĩ đến Bảo Long nữa.

***

Bẵng đi một thời gian, tôi quay trở lại trường với vô vàn học phần còn dang dở. Một ngày nọ, khi đang đứng chờ bố trước cổng trường, tôi bỗng thấy một bóng hình quen thuộc lướt ngang qua. Mái tóc ấy, chiếc áo len màu xanh rêu ấy, tôi không hề nhớ nhầm! Bất chấp dòng người tấp nập qua lại trên lề đường, tôi bước vội theo tấm áo xanh nọ, bàn tay đưa ra như muốn níu lấy mảnh hy vọng cuối cùng:

- Bảo Long! Bảo Long!

Giữa trăm ngàn bước chân vội vã vô tình, tôi vô thức cảm nhận được một nhịp hẫng trên bước đường trải dài như vô tận. Vừa đỡ ngực, tôi vừa hơi nhón chân, cố phóng tầm mắt ra thật xa, xa cho đến khi nào nhìn thấy Bảo Long mới thôi.

Một giây, hai giây, rồi lại ba giây trôi qua. Tôi nhẫn nại duy trì một tư thế, chờ đợi một lần quay đầu từ anh. Nhưng dòng người vẫn lướt qua vội vàng như chiếc băng chuyền tự động, nhẫn tâm đẩy tôi lùi dần về sau. Không đạt được mục đích, tôi tức mình rẽ lối tiến ra trước, đến ngay tại vị trí anh vừa mới xuất hiện.

Nhưng vẫn luôn là vậy, Bảo Long vẫn luôn là một bóng hình mờ ảo mà tôi không thể chạm tay tới. Dù cho anh thật sự có tồn tại hay chỉ là một tạo vật từ những giấc mơ, dù anh gần đến mức tôi có thể cảm nhận được hơi ấm nơi tấm áo xanh rêu ấy, thì đối với tôi, Bảo Long luôn thật xa vời.

Khi tôi vô thức ngoảnh mặt, bố đã ở đó từ bao giờ. Ông lạnh lùng đặt tay lên vai tôi rồi quay đi trước. Tôi rầu rĩ ngoái về sau thêm lần nữa trước khi lủi thủi nối gót bố. Hôm ấy, mây đen phủ kín trời chiều.

...

Không phải ngẫu nhiên mà tôi không tin vào những lời phủ định của bố về sự tồn tại của Bảo Long. Trong cái tối mà hai bố con vừa trở về nhà từ bệnh viện, tôi phát hiện sau lưng mình có một vết sẹo lạ, vị trí trùng khớp với vết đạn xuất hiện trong lần tỉnh thức thứ hai của tôi.

Trước khi nhập viện, tôi chưa từng có một vết sẹo nào như thế. Kí ức về người khác có thể phai nhòa trong tâm trí tôi, nhưng tôi chắc chắn không quên những gì thuộc về cơ thể mình.

Vết đạn có tồn tại, Bảo Long có tồn tại. Người xuất hiện trong chiều giông hôm ấy chính xác là Bảo Long. Song, như vậy cũng có nghĩa bố đã lừa dối tôi suốt thời gian qua.

Sau khi trở về từ trường, tôi quyết định đến phòng bố mà không báo trước, để rồi vô tình bắt gặp cảnh bố nằm gục bên bồn rửa mặt, dưới sàn lênh láng máu đen.

- Bố... Bố!

Đầu tôi tê dại như vừa va đập vào đâu đó, còn chân tay cứ luống cuống hết cả. Khoảnh khắc sà đến đón lấy bố trong tay, tôi thoáng nghe tiếng lẩm bẩm phát ra từ miệng ông:

- Đừng rời xa bố... Đừng rời xa bố mà...

Tôi đến đây vì muốn hỏi ông cho ra lẽ, nhưng giờ phút này, hình bóng người thanh niên với chiếc áo xanh rêu ấy liệu có còn quan trọng nữa không? Không hiểu vì sao trong cơn hoảng loạn, tôi lại gọi điện cho chị y tá. Thật may hành động ấy không đến mức dư thừa. Một vài phút sau, xe cấp cứu đã có mặt, đưa bố tôi nhập viện kịp lúc.

Ba mươi phút trực chờ bên ngoài phòng cấp cứu là ba mươi phút khủng khiếp nhất cuộc đời tôi. Mười giờ tối, hành lang bệnh viện lạnh tanh không bóng người. Gió đêm giận dữ thổi bùng làm những tấm rèm trắng nhấp nhô như cơn sóng bạc đầu, ánh sáng chớp tắt từ những bóng đèn mờ rọi lên bàn tay tôi những mảng sáng vàng vọt ảm đạm.

Tôi có một bàn tay không bình thường. Nghe bố kể, ngày bé tôi từng bị nước sôi tưới lên bàn tay. Sức nóng khủng khiếp khiến da tay tôi đỏ tía, để rồi vài ngày sau chuyển sang những bọng nước căng phồng. Dù các bác sĩ đã ra sức cứu chữa nhưng tai nạn năm nào vẫn để lại nhiều di chứng. Bàn tay ấy vĩnh viễn mất đi lớp da mềm mịn, đầu ngón cũng mất đi đường vân, một số cử động mạnh đôi khi vẫn khiến xương và cơ tôi nhức nhối.

Cánh cửa phòng cấp cứu bất ngờ bật mở, cắt đứt dòng suy nghĩ trong tôi như lưỡi dao sắc. Người ta đẩy bố ra, chuyển về một phòng bệnh nào đó nằm ở rất xa vị trí tôi đang đứng. Tôi bước ngắn bước dài đuổi theo, hỏi một loạt những câu mà người nhà bệnh nhân nào cũng sẽ hỏi.

- Tạm thời chúng tôi chưa thể tìm ra nguyên nhân nên sẽ đưa về phòng theo dõi thêm.

Bác sĩ buông một câu lạnh lùng rồi im bặt. Tôi thấp thỏm đuổi theo cho đến khi họ đẩy bố vào một căn phòng chỉ toàn những bệnh nhân ốm yếu, xanh xao, người toàn da bọc xương.

Sợ bố tỉnh dậy không thấy ai, tôi quyết định ở lại bệnh viện một đêm. Vì không kịp chuẩn bị gì, cả phòng cũng không còn chỗ trống cho người nhà, tôi đành ngủ ngoài băng ghế chờ đối diện cửa phòng.

Có vẻ mọi nẻo hành lang trong bệnh viện đều lạnh lẽo, ảm đạm như nhau. Tôi co quắp trên chiếc ghế chỉ dài bằng nửa thân mình, thi thoảng lại khẽ rùng mình vì những đợt gió hung bạo từ ngoài thổi vào. Điện trần vẫn chớp tắt chớp mở.

Trái tim tôi rối bời nhưng đồng thời cũng thật trống rỗng. Tôi không biết làm sao mới lo được cho bố? Làm sao bù lại những phần khuyết thiếu của chính mình? Tôi tưởng rằng mình đã thay đổi kể từ lúc thoát khỏi vòng lặp giấc mơ, nhưng hình như từ trước đến nay, Ngọc Dung vẫn chỉ là Ngọc Dung, vẫn yếu đuối và vô dụng.

- Mở mắt ra nhìn anh này.

Có tiếng người khẽ cọ nhẹ vào vành tai tôi. Người đang quỳ một gối, gương mặt xuất hiện ngang tầm mắt tôi bấy giờ không ai khác chính là Bảo Long. Nhưng giữa khung cảnh mờ ảo và hiu quạnh, tiếng vin vít của gió cứ chà mạnh vào hai bên tai, tôi không dám chắc bóng hình trước mặt thật sự tồn tại.

- Đưa tay cho anh.

Lời Bảo Long như có phép lạ, buộc tôi làm theo không chút kháng cự. Một tay anh cầm lấy tay tôi, tay còn lại lấy ra từ trong túi áo một miếng giấy mỏng màu vàng, bên trên in một kí tự lạ màu đỏ. Khi anh áp mặt chữ vào lòng bàn tay tôi, kí hiệu ấy như ăn sâu vào xương tủy, truyền một dòng điện xung đi khắp các mạch máu.

- Bố em thất bại rồi. Chừng này sẽ giúp em cầm cự một thời gian.

Lúc Bảo Long nhấc tờ giấy ra khỏi, nó cũng tự động cháy thành tro. Tôi hoảng hồn xem kĩ lại lòng bàn tay, những dấu kí màu đỏ đã biến mất như chưa từng tồn tại, để lại trong tôi nỗi nghi hoặc không dễ gì che giấu. Và khi tôi vùng tỉnh dậy, thoát khỏi tư thế co quắp ê mỏi kia, một ngày mới đã bắt đầu. Trên người tôi, ngoài chiếc áo len hồng mà đêm qua tôi phải co kéo mãi mới có thể phủ kín nửa thân mình thì còn có một chiếc áo len màu xanh rêu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top