Chương 1 (a)
Chương 1 (a).
Edit: _limerance
...
Tiết Cốc Vũ, không nên làm mọi việc.
Không nên soi gương, không nên cầm bút, không nên cô độc, không nên tương tư.
...
Huyền Chính năm thứ mười ba, Cốc Vũ, không nên làm mọi việc.
May mà quốc sư tính ra được ngày liền trước Cốc Vũ là một ngày hoàng đạo. Thế là Hoàng đế đã sớm phái người đi ban chiếu chỉ cho nhà họ Lam, yêu cầu họ chuẩn bị sẵn sàng.
Ngày truyền thánh chỉ, tiếng mưa xuân rào rạt li ti rơi xuống mái hiên, mỗi hạt nước lướt qua cây sồi xanh thẫm rồi rơi lên phiến đá xanh ẩm ướt. Lam Trạm mười tuổi trốn phía sau cây cột lớn ở hành lang, nhìn những bóng lưng đang quỳ của một hàng người trong đình viện. Áo trắng mạt ngạch, hoa văn xanh lam, vẻ cung kính trang nghiêm ấy khiến người ta không hiểu rõ được trong lòng họ là vinh hay là nhục.
Người đứng đầu tiên là thúc phụ còn trẻ tuổi của cậu, còn có cả huynh trưởng vừa tròn mười lăm.
Mấy ngày sau, dưới sự chỉ dẫn của quan ngoại thị giám, gần trăm người tú nữ chờ tuyển tú đều lần lượt được sắp xếp chỗ ở tại sân sau của Lam phủ – nơi chuyên dùng làm phòng nghỉ cho tú nữ bao năm qua. Bảo mẫu chăm sóc cho Lam Trạm nói với cậu rằng, tuyệt đối không được phép đến chơi trong phòng nghỉ ở khu vực sân sau ấy, chỉ có nữ tu trong nhà mới có thể đến chỗ kia thôi.
Đó là nơi để giam những cô gái sẽ được dâng lên cho Hoàng đế lựa chọn. Bảo mẫu nói như vậy.
Tiểu Lam Trạm nhìn qua từ phía xa, cố gắng lắm mới có thể trông thấy mái hiên trước những gian phòng. Cậu không biết mình có cảm giác gì, chỉ cảm thấy cái chữ "giam" này được sử dụng vô cùng chuẩn xác.
Trước ngày Cốc Vũ, nghi lễ bắt đầu.
Ánh nắng nhạt nhòa không chói mắt, hành lang rộng rãi nhất trong Lam phủ được mở ra. Lam Khải Nhân ngồi ngay ngắn trong sảnh chờ đợi, trải giấy, có cả chặn giấy, màu vẽ và mực. Tấm màn được vẽ tranh thủy mặc buông thõng sau lưng hắn. Người đứng hầu bên cạnh là con trai lớn nhà họ Lam – Lam Hoán Lam Hi Thần, cùng với một học trò xuất sắc nhất tên là Tô Thiệp, Tô Mẫn Thiện.
Từ lúc trời chưa sáng, các tú nữ đã tắm rửa chỉnh trang cẩn thận. Mỗi người đều mặc trang phục mới nhất trong hoàng cung, tóc mây cài trâm, mặt hoa da phấn, quạt tròn che mặt. Giữa chốn Lam phủ chỉ có ngói xanh tường trắng đơn điệu này, thoạt trông họ mỹ miều đến nỗi không hợp lẽ thường. Các nàng giống như tiên nữ vội tới dự tiệc Dao Trì, nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành ẩn sau quạt tròn làm bằng lớp vải mềm mại. Tất cả xếp thành một hàng đi qua, rồi dừng chân tại viện nhỏ sau hành lang dài. Theo thứ tự, từng người nâng bước tiến về phía bể nước trong tòa viện, nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước như gương.
Mỗi một trình tự, đều có ngoại thị giám từ trong cung được phái đến để giám sát toàn bộ quá trình.
Một cô gái mặc áo trắng váy trắng đi tới cạnh bể nước, nhấc quạt tròn ra, khó khăn nhoài người ra để soi gương. Trong nước là một con cá vàng có màu đỏ từ đầu đến chân, nó ung dung bơi lội giữa cái bóng mỹ lệ. Tú nữ thấy con cá này rất đẹp, khóe mắt cong lên, nhoẻn miệng nở một nụ cười quyến rũ.
Con cá màu đỏ kia mở to đôi mắt ở hai bên của nó và nhìn một hồi lâu, bỗng nhiên quẫy đuôi một cái, lặn xuống dưới.
Ngoại thị giám đứng cạnh bể nước thấy vậy, bèn kéo dài thanh âm nói lớn: Không hôn. Ban thưởng vàng ròng, đưa người về phủ!
Tú nữ nghe vậy, lập tức tái nhợt mặt mày rồi bỗng oà khóc, cũng không quan tâm dùng quạt tròn che mặt nữa. Nàng vô cùng xấu hổ buồn bã, vội bỏ chạy về phía phòng nghỉ ở sân sau.
Cô gái áo tím đứng sau chứng kiến vết xe đổ này, không khỏi cảm thấy hơi sợ hãi. Nàng hít thở thật sâu sau chiếc quạt tròn, một lúc lâu mới nơm nớp lo sợ đi tới lộ mặt soi gương. Nhìn cá vàng bơi dưới đáy nước, nàng căng thẳng mỉm cười, một gương mặt lộng lẫy khuynh thành hơi giật giật trông rất mất tự nhiên.
Chỉ thấy cá vàng kia từ từ bơi lên, cái đuôi xoè ra bơi qua bơi lại giữa lông mày của cô gái ấy. Rồi nó dừng lại trên mặt nước, miệng cá khẽ nhếch lên, mổ mặt nước đánh "tách" một tiếng khiến cho mặt nước lan ra mấy vòng sóng gợn.
Đã hôn. Ban thưởng hoa trong cung, vào sảnh ở hành lang để vẽ tranh!
Ngoại thị giám máy móc nói vọng ra với gương mặt vô cảm.
Cảm ơn thần linh phù hộ, cảm ơn thần linh phù hộ... Tú nữ kia vui mừng khôn xiết, chắp tay trên ngực đứng trước bể nước và không ngừng thầm nhủ. Tận đến khi ngoại thị giám thấp giọng nhắc nhở, nàng mới hoàn hồn lại. Vô cùng cảm kích nhìn cá vàng trong nước, lúc này nàng mới nhẹ nhàng cất bước đi về phía sảnh ở hành lang.
Những tú nữ được "hôn" lên cái bóng coi như đã vượt qua vòng đầu tiên. Các nàng ra khỏi toà viện và đứng xếp hàng ở hành lang trước sảnh, chờ theo thứ tự để được vẽ tranh. Chân dung vẽ xong sẽ được đưa vào hoàng cung, để Hoàng đế đích thân lựa chọn. Chỉ những người lọt vào mắt xanh của ngài thì mới được vào cung gặp Hoàng đế, sau đó có cơ hội trở thành phi tần trong cung.
Hoạ sĩ vẽ tranh cho những cô gái này chính là trụ cột vững chắc của Lam gia hiện tại: Lam Khải Nhân.
Nhà họ Lam nhiều đời đều là họa sĩ. Qua từng thời, thời nào cũng có người vào cung để vẽ tranh cho Hoàng đế, phi thần và các quan lớn trong triều đình. Cũng có người ở lại trong phủ và vẽ tranh cho các tú nữ tại hội tuyển tú diễn ra hàng năm. Tổ tiên Lam gia là một vị cao tăng đắc đạo, trong lúc truyền đạo thì làm quen và nhanh chóng thân thiết với Thánh tổ Hoàng đế của triều đại bây giờ. Về sau, dưới đủ kiểu lời mời thịnh tình của Thánh tổ, nhà sư ấy rời núi hoàn tục, chuyên vẽ tranh cho hoàng gia. Trải qua mười mấy đời, ngoại trừ truyền lại kỹ thuật vẽ tranh, đệ tử nhà họ Lam gia đều cần tu hành nghiêm ngặt. Dù không cần phải tuân theo quy củ nhà Phật nhưng tất cả đều phải ăn chay cúng thần, cấm rượu và kiềm chế dục vọng của mình.
Trước đó, hoạ sĩ làm việc cho triều đình cũng không phải chỉ thuộc về một gia tộc duy nhất. Không ít tú nữ đã hối lộ họa sĩ, để họa sĩ vẽ mình đẹp lên một chút, mọi người cũng đều ngầm hiểu hành vi này. Nhưng đến một thời nào đó, Hoàng đế kiêng kỵ nhất việc hối lộ tham nhũng, thế là hạ lệnh tra xét và trị tội thẳng tay. Những gia tộc tham ô kia ngay lập tức đều bị xử tội và đào thải. Đãi cát tìm vàng, qua suốt mấy thế hệ cũng chỉ còn lại duy nhất nhà họ Lam cây ngay không sợ chết đứng. Họ giữ mình chính trực, liêm khiết thanh cao, kỹ thuật hội hoạ lại siêu phàm; mà điều quan trọng nhất, chính là hoàn toàn trung thành với Hoàng đế.
Tuy nhiên, để không vào hàng vương hầu mà có thể khiến cho Lam gia nhận được sự ân sủng của Hoàng đế gần trăm năm không dứt, chỉ bằng vào kỹ thuật vẽ tranh kinh người và lòng trung thành thì hoàn toàn không đủ.
Hoàng đế các thời đều sùng bái thần linh, sợ hãi yêu tà, Thánh thượng đương kim lại càng hơn cả thế.
Tuyển tú là mời chào con gái từ bên ngoài vào trong cung, việc này liên quan đến phong thủy vận may nên đương nhiên Hoàng đế phải cẩn thận. Nghe nói cá vàng do nhà họ Lam nuôi rất thần kỳ, con nào cũng sống lâu và hiểu được tiếng người, nhận thức được như con người. Từng có vài vị đế vương muốn đưa cá vàng thần kỳ này vào cung để nuôi dưỡng, nhưng mà sau khi cá vào cung thì không quá ba ngày đã chết. Cuối cùng, quốc sư quản lý việc thần đã giải thích rằng: Dù cá vàng thông minh có linh tính nhưng lại là dã thần tiêu dao tự tại, không chịu được khí thế uy nghiêm của đế vương nên không sống lâu được. Hoàng đế cũng đành thôi, để chúng ở Lam gia, đồng thời ban cho nhiều ân sủng để họ chăm sóc kỹ lưỡng.
Cho nên loài cá vàng này dần trở thành một tồn tại như động vật nguyên thủy được sùng bái tin vào. Nó kiểm soát bút lông của họa sĩ, kiểm soát vận mệnh của tú nữ, cũng kiểm soát suy nghĩ của quân vương.
Từ sáng sớm đến hoàng hôn, chỉ có hai mươi mấy người tú nữ vượt qua thử thách của cá vàng và được vẽ tranh. Sau khi hoàn thành chân dung, Lam Khải Nhân làm lễ tiễn họ rời đi. Lam Hi Thần dẫn người hầu mang những bức chân dung đến thư phòng, đóng gói cẩn thận rồi giao cho ngoại thị giám đưa vào trong cung.
Tiểu Lam Trạm đang tập vẽ trong thư phòng, lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng như vậy nên cũng đi theo huynh trưởng. Cậu nhìn chằm chằm vào những bức chân dung kia, nhìn thật kỹ thật kỹ...
Lam Khải Nhân không hổ là hoạ sĩ được bệ hạ chỉ định. Mỹ nhân dưới ngòi bút của người không chỉ sinh động mà còn rất mỹ lệ. Thần thái ánh mắt, một cái nhíu mi một nụ cười – bất kỳ một chi tiết không thể bỏ sót nào, ngòi bút của Lam Khải Nhân đều có thể bắt được. Đến cả trâm hoa cài trên tóc mai của các nàng cũng đều được vẽ lên thật lộng lẫy, nhưng cũng không bị quá đà.
Lam Trạm ngẩn ngơ nhìn một hồi lâu. Sau khi đợi cung nhân đi khỏi, cậu mới kéo ống tay áo của Lam Hi Thần:
Huynh trưởng, vì sao người trong tranh không có bóng đổ?
Lam Hi Thần ngồi xổm xuống, cười xoa đầu cậu: A Trạm quên rồi hả? Vẽ tranh thủy mặc thì không được vẽ cái bóng, đây là quy tắc.
Vì sao lại có quy tắc này? Lam Trạm hỏi tiếp.
Quy tắc thì là quy tắc thôi. Lam Hi Thần dịu dàng đáp. Quy tắc sinh ra luôn là vì tốt cho mọi người.
...
Ngày hôm sau, Cốc Vũ.
Lam Khải Nhân cùng vài môn sinh phụng chỉ vào cung để nhận thưởng. Lần này vào cung, Lam Khải Nhân còn đưa cả Lam Hi Thần theo. Y đã đủ mười lăm tuổi, sẽ sớm có thể ở cùng với thúc phụ và cống hiến cho triều đình.
Sáng sớm, Lam Trạm mặc quần áo chỉnh tề. Cậu ôm tranh vẽ hôm qua vừa tập, đẩy cửa phòng ra. Nhìn thấy màn mưa li ti khẽ rơi, Lam Trạm im lặng không nói lời nào.
Một lát sau, bóng dáng nho nhỏ một mình đi qua hành lang dài, dừng lại trước cửa Hàn thất.
Cậu nhẹ giọng gọi: Phụ thân ơi.
Cửa gỗ cổ xưa toả ra mùi thơm ngát âm ẩm, phía sau cánh cửa im lìm tĩnh mịch. Một lúc lâu sau đó mới có tiếng người vang lên: A Trạm à?
Vâng. Lam Trạm trả lời. Hôm qua con tập vẽ tranh, mong phụ thân xem và nhận xét ạ.
Thanh âm kia đáp: Đặt trước cửa đi, một canh giờ nữa rồi đến nhé.
Lam Trạm lên tiếng trả lời và chào cha mình, đặt tranh vẽ gọn gàng trước cửa Hàn thất rồi mới ngoan ngoãn rời đi.
Phụ thân của hai anh em họ – Thanh Hành Quân – đã bế quan nhiều năm. Cái gọi là bế quan, một là không quan tâm thế sự, hai là gác bút không vẽ nữa. Hầu như tất cả các việc trong cung đều do em trai của người là Lam Khải Nhân xử lý, cùng với một đám môn sinh đệ tử. Việc học vẽ của Lam Hoán và Lam Trạm cũng là do Lam Khải Nhân dạy dỗ, Thanh Hành Quân chỉ thi thoảng kiểm tra kết quả, cách cửa phòng chỉ bảo một hai.
Tiểu Lam Trạm đưa tranh đến, còn phải chờ thêm một canh giờ nữa. Cậu mở ô giấy dầu đi vào trong viện nhỏ nuôi cá vàng, đi đến trước bể nước thấp hơn cậu không bao nhiêu, nhón chân lên và cố gắng đẩy tấm che mưa đang che kín trên đó ra. Rồi Lam Trạm giơ cánh tay nhỏ của mình tới, che mưa cho chú cá trong bể nước này.
Cậu luôn cảm thấy, nếu đã là động vật có linh tính thì không nên bị giam giữ đầy tẻ nhạt dưới ván gỗ kia.
Bể nước rất lớn, lớn hơn mấy lần thùng tắm bình thường. Nước được lấy từ nước suối phía sau núi, dưới đáy nước có một tầng đá tảng được lớp cỏ rêu sạch sẽ bao phủ. Trong khe đá, vài cây thủy sinh xanh mướt vươn mình dập dềnh trôi. Tiếng mưa rơi lộp bộp lên mặt ô giấy, còn mặt nước phía dưới ô giấy thì lại rất phẳng lặng. Một cái bóng đỏ thấp thoáng ẩn hiện giữa những ngọn cây rong, dường như cảm nhận được ánh sáng nên nó chuyển động vòng quanh và bơi ngược dòng lên trên, để lại chiếc bóng linh động nơi đáy nước.
Thanh Hành Quân bế quan, Lam Khải Nhân bận việc, Lam Hi Thần còn phải giúp đỡ thúc phụ trông nom đám đệ tử nên chẳng rảnh tay được. Vậy nên, bình thường đều do Tiểu Lam Trạm và quản gia chăm sóc con cá vàng lớn tuổi này. Cậu tận tâm tận lực hầu hạ sớm tối, giống như thứ được nuôi dưỡng trong ao nước đó không phải cá, mà là người.
Lúc này, cậu kinh ngạc nhìn kỹ cá vàng bơi trong nước, vô cùng chăm chú chắn mưa cho nó. Ánh mắt của cậu giống như cọ vẽ, phác hoạ từng chiếc vảy cá, từng hơi thở, từng nét bóng ngược của nó, và cả vòng xoáy nước lăn tăn khi đuôi cá quẫy động.
Từ khi bắt đầu hiểu biết, lúc nào cậu cũng như thế: Thích nhìn chằm chằm vào một thứ gì đó. Hơn nữa cậu còn nhìn rất kỹ, vừa nhìn thôi là có thể nhìn suốt nửa ngày trời. Lam Khải Nhân từng nói, đây là thiên phú mà người họa sĩ mong còn không được.
Một canh giờ sau, Lam Trạm ngẩng đầu nhìn mưa rơi, nói với bể nước: Ta phải đi đây.
Dứt lời, cậu đặt chiếc ô giấy dầu nghiêng nghiêng trên thành bể và đội mưa rời đi. Cá vàng trong bể yên lặng nổi lên, nhìn cậu qua mặt nước đang lay động.
A Trạm, nói cho ta nghe, con đang vẽ thứ gì? Giọng nói của Thanh Hành Quân truyền ra từ trong nhà.
Cá vàng ạ. Lam Trạm ngồi quỳ bên ngoài cửa trả lời.
Thanh Hành Quân khẽ cười một tiếng: Thế vết mực dưới thân cá vàng là cái gì vậy?
Lam Trạm bình tĩnh đáp: Bóng của cá ạ.
Vớ vẩn. Thanh Hành Quân đột nhiên nhấn mạnh. Thúc phụ các con đã dạy con như thế nào?
Tiểu Lam Trạm cụp mắt xuống: Thúc phụ nói, bức tranh phải thể hiện được "dùng hình ảnh vẽ thần thái", vẽ dương không vẽ âm, không vẽ bóng đổ, còn gọi là kỹ thuật nhuộm màu.
Thanh Hành Quân thở dài: Vậy sao con không nghe lời?
Lam Trạm nghĩ ngợi, ngẩng đầu lên nói: Con thắc mắc, bóng cũng là hình, có thể nhìn có thể cảm nhận. Vậy vì sao không thể vẽ vào?
A Trạm? Giọng của Lam Hi Thần vang lên phía sau lưng. Lam Trạm quay đầu lại, nhìn thấy tay áo Lam Hi Thần đã dính đầy nước mưa. Y vội vàng cất ô đi rồi bước vào mái hiên, cúi người chào trước cửa phòng: Phụ thân ạ.
A Hoán về rồi đấy à. Thanh Hành Quân nói. Con có nghe được thắc mắc của A Trạm không?
Nghe được ạ. Lam Hi Thần vừa trả lời, vừa bất đắc dĩ mỉm cười với Lam Trạm.
Vậy đưa em con đi về đi, tiện thể giải đáp thắc mắc cho nó. Giọng nói của Thanh Hành Quân thật trầm thấp.
Vâng, phụ thân giữ sức khỏe. Lam Hi Thần cúi người lần nữa, sau đó nắm tay Lam Trạm rời đi.
Mưa phùn chưa tạnh, từng hạt mưa thong dong rơi xuống man mát. Lam Hi Thần lặng lẽ nhìn thoáng qua vẻ mặt nghiêm túc của em trai, thả chậm bước chân nói: A Trạm, đệ có biết quan chép sử trong hoàng cung không?
Lam Trạm gật đầu: Dạ biết ạ.
Ừ. Lần này ta vào cung với thúc phụ, gặp được mấy vị sử quan. Lam Hi Thần nói. Bọn họ không khác nhiều so với trong tưởng tượng của ta, gầy gò dong dỏng, khí chất uy nghiêm như tùng trúc. Thế nhưng ánh mắt của họ lại đục ngầu, hiển nhiên là bởi đã đắm chìm trong hoàng gia nhiều năm rồi. Họ không hề có một đôi mắt sáng minh mẫn như những gì ta vẫn nghĩ.
Lam Trạm nắm tay huynh trưởng, ngước mắt nhìn y.
Là quan chép sử, làm gì có ai dám ghi chép hết tất cả mọi sự thật về hoàng tộc lên giấy được? Lam Hi Thần dẫn em trai mình đi qua hành lang dài không thấy điểm cuối, chẳng biết ánh nhìn đang rơi vào nơi nào. Cho nên ta nghĩ, "nhuộm màu" của chúng ta có lẽ cũng giống như "trung thực" của họ vậy. Vẽ dương không vẽ âm, vẽ ánh sáng không vẽ bóng tối. Rất nhiều chuyện, cho dù nhìn thấy cũng không thể vẽ ra được. Giống như...
Lam Trạm bỗng nhiên không đi tiếp nữa. Lam Hi Thần bị cậu nhẹ tay kéo một chút, y bèn quay đầu lại nhìn cậu như hỏi có chuyện gì.
Giống như mẫu thân, phải không ạ? Giọng nói của Lam Trạm rất nhỏ, như thể sẽ biến mất bất cứ lúc nào vậy.
Khoé mắt Lam Hi Thần cay cay, cúi đầu hít sâu một hơi. Khi ngẩng đầu nhìn lên, gương mặt y đã mỉm cười trở lại. Y ngồi xổm xuống, nắn nắn gương mặt nhỏ của đệ đệ: A Trạm, mẫu thân không giống đâu. Phụ thân rất quan tâm mẫu thân mà, chúng ta cũng vậy.
Lam Trạm nhìn thẳng vào đôi mắt của y, không chút ngần ngại.
Cho nên phụ thân mới phải giấu mẫu thân đi, không cho người khác phát hiện ra và làm mẫu thân bị tổn thương, đệ hiểu chưa? Lam Hi Thần chỉ sợ mình nói thêm một chữ nữa thì nước mắt sẽ không kìm nén được mà rơi xuống.
Một hồi lâu sau đó, Tiểu Lam Trạm cụp đôi mi dài rồi mới khẽ gật đầu.
Trời đã về khuya, mưa vẫn mỏng manh mơ hồ sà xuống mặt đất. Mùi đất ẩm và mùi cây cối len lỏi bay vào khe cửa sổ.
Lam Trạm không ngủ được. Cậu âm thầm đi vào tiểu viện, trên bể nước nuôi cá vàng vẫn còn chiếc ô giấy dầu của cậu ở đó. Thu hải đường được trồng dọc hai bên lối nhỏ, mưa rơi xuống phủ ướt thành màu long lanh như ánh sáng. Trên mặt đất cũng rải rác đầy những cánh hoa, trong trẻo trắng thuần, nổi bật giữa màn đêm.
Lam Trạm yên lặng đi đến cạnh bể nước, lặng lẽ ngồi xuống, co hai chân lên và ôm lấy đầu gối. Thân hình nho nhỏ cứ thế được bể nước che đậy kín kẽ phía sau.
Cậu không thể không nhớ đến mẹ mình, người phụ nữ xinh đẹp nhưng trông thật nhợt nhạt ấy. Người vẫn luôn bị nhốt lại ở nơi Thanh thất hẻo lánh, mỗi lần cậu được cho phép đến thăm mẫu thân thì đều cảm thấy người càng gầy hơn so với lần trước gặp mặt. Cho đến mùa đông năm đó, người ra đi vì bệnh tật trong âm thầm đơn độc. Từ trên xuống dưới nhà họ Lam chỉ để tang bảy ngày, tổ chức một lễ tang cực kỳ đơn giản để đưa tiễn người. Từ đầu đến cuối, không một ai dám nói thêm nửa chữ, càng không dám phán xét bàn tán cái gì.
Trong lòng Lam Trạm hiểu rõ, thúc phụ và huynh trưởng nghĩ mình còn nhỏ nên chẳng bao giờ chịu nói ra sự thật. Cậu không trách móc gì họ cả, chỉ hận mình vì sao không sinh ra sớm mấy năm, vì sao không lớn lên sớm một chút chứ...
Nghĩ như vậy, cậu cứ tự đập gáy mình lên bể nước từng cái một, tiếng đập nghe như tiếng chuông vang ngột ngạt thảm thiết.
Bỗng nhiên "bịch" một tiếng, bể nước bị thứ gì đó va vào một phát giống như lời đáp lại.
Lam Trạm chợt bừng tỉnh, đứng dậy dụi mắt, cảnh giác nhìn vào trong nước. Dưới mặt nước cuộn trào những gợn sóng, một con cá vàng rực rỡ đang hé miệng chạm vào cái bóng phản chiếu lắc lư của cậu.
Lam Trạm thở phào một hơi cầm lấy ô giấy dầu, cẩn trọng che mưa cho cá vàng rồi hổ thẹn nói: Xin lỗi ngươi, ta không cố ý làm phiền đâu.
Cá vàng bơi vài vòng trên cái bóng của cậu. Vây đuôi hất lên, một dải bọt nước bắn tung toé và ào ạt xối lên người Lam Trạm. Lam Trạm vô thức nâng ống tay áo lên để ngăn cản, tay còn đang giơ lên giữa không trung thì chợt nghe thấy một giọng nói trong trẻo trấn an:
Không sao đâu, đúng lúc ta cũng không ngủ được.
Ai? Lam Trạm nhanh chóng lùi lại và vung tay áo một cái. Chỉ thấy một cậu nhóc cũng trạc tuổi cậu đang ngâm mình ở trong nước, cánh tay trắng nõn đặt lên thành bể, tóc dài ướt sũng rủ xuống hai bên mặt. Đôi mắt nhìn như biết cười, linh động rạng rỡ.
Khắp nơi tối om và đêm mưa không trăng không sao. Mượn ánh nến chẳng biết của gian phòng nào ở phía xa, cậu ta cứ vậy đột nhiên xuất hiện trước mắt, đẹp đến nỗi khiến người ta hoảng hốt.
Này, ta chỉ chào hỏi ngươi một câu thôi mà. Ngươi sao thế, đến ô giấy dầu cũng không che cho ta nữa hả? Cậu trai kia giơ tay che đỉnh đầu, dở khóc dở cười hỏi.
Lam Trạm sững sờ, bèn vội vàng tiến lên vài bước. Ô giấy màu trắng một lần nữa chắn phía trên bể nước sâu kia.
Ngươi là? Lam Trạm nhìn thoáng qua cơ thể hơi mờ mờ của đối phương, mắt cũng không dám chớp.
Ta á? Cậu nhóc kia bật cười, lặn vào trong nước lội một vòng rồi lại nổi lên, gỡ mớ rong rêu trên trán ra và nói: Ngươi nghĩ thế nào?
Trong lòng Lam Trạm đã loạn hết cả lên rồi, nhưng trên mặt lại không có chút biểu cảm nào: Ngươi là cá vàng à?
Đúng rồi. Ta cũng biết ngươi đó, ngươi tên là... Lam Trạm. Phụ thân ngươi là gia chủ đời thứ mười một của nhà họ Lam. Cá vàng giật giật dải lụa đỏ treo trên vai mình.
Làm sao ngươi biết được? Lam Trạm hỏi mà không suy nghĩ gì.
Ngươi toàn che mưa cho ta còn gì, còn cho ta ăn nữa. Cá vàng tựa vào bể nước, cười nói mê hồn. Với cả ngươi đẹp lắm á. Ta từng nhìn thấy không biết bao nhiêu mỹ nhân rồi, còn chưa thấy được ai đẹp hơn ngươi đâu.
Được khen ngợi nhưng trông Tiểu Lam Trạm hình như chẳng vui vẻ lắm. Cậu chỉ cúi đầu xuống ủ rũ trả lời: Cảm ơn.
Cá vàng sống mấy chục năm, lần đầu tiên hoá hình nên cực kỳ hưng phấn. Không ngờ bạn nhỏ trước mặt lại ỉu xìu như thế, nó phồng má lên và làm bộ như muốn vẩy nước tiếp: Nè? Một cậu nhóc mới tí tuổi đầu như ngươi lại không sợ ta hả?
Sợ ngươi làm gì? Lam Trạm hỏi.
Sợ ta làm gì? Ta là yêu tinh đấy, không nhận ra sao? Cá vàng vừa nói vừa nhe răng trợn mắt. Nhưng nó đang trong hình hài của một đứa bé với cặp má phúng phính, giả vờ đến mức nào cũng không hù dọa được người khác.
Lam Trạm nghiêm túc nhìn chăm chú vào cậu ta rất lâu, lắc đầu.
Cá vàng suy sụp, bổ nhào cả người vào trong nước. Cộp một tiếng, trán đập vào thành bể.
A a a a a a! Cậu ta gào lên bi thảm dưới bể. Nhưng vào tai Lam Trạm thì âm thanh ấy chỉ là một loạt tiếng ùng ục ùng ục và bong bóng nổi lên liên tiếp trên mặt nước thôi.
Rất nhanh sau đó, cá vàng lại trồi lên, không chịu tha cho Lam Trạm mà vẫn nhìn cậu: Vì sao ngươi không sợ ta?
Trông ngươi rất tốt. Lam Trạm chậm rãi giơ tay lên, chỉ chỉ vào cậu nhóc. Hơn nữa ngươi chỉ là cái bóng, đến cả trong tranh vẽ còn không thể xuất hiện được.
Cá vàng nhìn thân thể mơ hồ của mình theo hướng tay mà Lam Trạm chỉ, cố gắng vớt vát lại chút thể diện để nói: Là cái bóng thì sao hở? Ta vừa mới hóa hình nên không đủ pháp lực thôi. Chờ ta thêm mấy năm nữa, ta nhất định có thể tu luyện ra thực thể.
Thật sao? Đôi mắt của Lam Trạm hơi sáng lên.
Đương nhiên. Cá vàng nhíu mày nói. Nhưng mà bây giờ ta không thể sống thiếu nước, chỉ cần sau này ngươi đi theo ta nhiều một chút, ta tiếp xúc với con người lâu rồi thì sẽ dễ hoá ra thực thể hơn.
Lam Trạm nghĩ nghĩ, gật đầu nói: Được.
Ừm... Này, sao ngươi cứ không vui mãi như vậy nhỉ? Cá vàng lúc ẩn lúc hiện dưới mặt nước. Có cách rồi, để ta tới xem ngươi thế nào.
Dứt lời, ánh mắt của cá vàng lóe lên, con ngươi chợt biến thành màu đỏ. Không lâu sau, đôi mắt đó lại biến trở về màu đen như ban đầu.
Ngươi nhớ mẹ ngươi, đúng không? Cá vàng kiêu ngạo nói.
Lam Trạm giật mình: Ngươi... sao ngươi lại biết?
Ta là yêu tinh mà, ta có thể đọc suy nghĩ của người khác đấy. Cá vàng nở một nụ cười vừa kiêu kỳ vừa dụ hoặc. Ta không chỉ biết ngươi đang nhớ mẫu thân đâu, ta còn biết ngươi vẽ tranh sai nhưng trong lòng lại không chấp nhận mình sai nữa kìa. Ngươi đau lòng, đau lòng vì mẫu thân, đau lòng vì các hoạ sĩ, thậm chí còn đau lòng vì những vị sử quan trong lời ca ca ngươi kể. Bởi vì trong suy nghĩ của ngươi, các ngươi đều giống nhau: Đều là công cụ bị người khác lợi dụng, có rất nhiều thứ không thể để lộ ra ngoài ánh sáng...
Đừng nói nữa. Lam Trạm đột nhiên cắt ngang lời cậu.
Lần này đến lượt cá vàng giật nảy mình. Nó ngơ ngác nhìn đứa nhỏ trắng trẻo xinh xắn trước mặt. Hạt mưa tí tách dày đặc đập vào trên ô giấy dầu, mà cặp mắt to ngấn lệ dưới chiếc ô kia hình như chứa trọn cả đêm mưa.
Khụ khụ, ngoan nào ngoan nào. Cá vàng vụng về dỗ dành nói. Nói nữa, chẳng phải ta cũng là công cụ bị kẻ khác lợi dụng sao...
Lam Trạm cúi đầu xuống, không nhìn ra được vẻ mặt của cậu như thế nào nhưng chiếc ô trong tay vẫn được giữ chặt.
Cá vàng thấy thế thì vụng trộm cười cười. Nó bơi tới gần thêm chút xíu và dí sát vào mặt Lam Trạm. Cá vàng ngẩng đầu, cổ và lưng dẻo dai cong thành một góc độ thật thấp: Nếu ngươi không thích thì ta hứa với ngươi nhé. Ta, mãi mãi, mãi mãi về sau sẽ không bao giờ đọc suy nghĩ của ngươi nữa, có được không?
TBC.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top