Chapter III: Cha con là ai?

Chapter III: Cha con là ai?

" Mẹ có muốn biết bố con là ai không? "

Cả ngày hôm ấy cái Hoài bị ám ảnh bởi câu nói đó của con mình. Nó muốn biết câu trả lời nhưng lại chẳng dám hỏi đứa con của nó. Nó bồn chồn, cứ đi lại khắp phòng tưởng như vô định vậy. Còn đứa con của nó vẫn cứ tinh nghịch mà líu lo chơi đùa trong chiếc điện thoại với đủ những thứ trò kỳ lạ của nó. Nó ăn đồ ăn của con mèo Tom trong Talking Tom, rổi cưỡi trên con chim flappy bird mà vượt qua các chướng ngại vật với điểm số khó tin được: 999. Nó cười vui vẻ như mọi đứa trẻ con trên đời này; mải vui, mải say mê hiếu kỳ mà thậm chí quên cả bữa cơm gia đình. Nó chẳng hề để ý đến mẹ nó đang đi lại trong phòng kia, rồi thậm chí cả lúc cái An ghé lại gần nó nữa, nó mải chơi mà có lẽ đã quên cả đấng thánh thần nào đã ban phước cho nó ấy chứ chưa biết chừng. Chừng đã mỏi mệt lắm, nó mới chợt ngoảnh ra mà với mắt tìm mẹ, nó thấy mẹ nó đang ngồi bó gối lặng thinh ngoài ban công mà ngước nhìn lên bầu trời. Nó tự nhiên thấy thương mẹ vô cùng, định gọi mẹ nhưng lại thấy xấu hổ đến lạ; nó lại chẳng có đôi tay để ôm mẹ hay đôi chân chạy lại sà vào lòng mẹ nó. Nó là một đứa khiếm khuyết vô cùng. Vậy nên nó bắt đầu khóc, mới đầu thút thít se sẽ vì nó cũng sợ mẹ nó sẽ thấy nhưng rồi biết bao cái suy nghĩ tủi thân của một đứa trẻ mới chớm ấy cứ rào rào đến như một cơn mùa hạ. Nó oà lên khóc, trên bầu trời trăng non như nhỏ lại sau những đám mây lạ trôi về từ xa xăm...

Cái An nghe thấy tiếng khóc của con nó, đúng hơn là nó thấy rung rung trong lòng trước khi cả đôi tai và ánh mắt ngoái lại phía căn phòng. Nó nhanh chóng bật dậy, chạy lại với con, đón nó lên tay bằng một cử chỉ âu yếm mà sâu sắc nhất trong đời mỗi người mẹ: cái ôm.

" Ngoan nào, - nó dỗ dành – con sao thế? Mới vừa nãy con còn chơi vui vẻ mà... "

Đứa nhỏ vẫn thút thít không nói gì, cái mỏ ướt sũng của nó chỉ muốn rúc vào đôi cánh của mẹ lúc này mà thôi.

Cái An cũng không biết phải dỗ sao nữa, nó chưa có nhiều kinh nghiệm trông trẻ con lắm. Và những thứ nó bồng bế trên tay từ nhỏ đến giờ vẫn chỉ là những con búp bê chẳng bao giờ biết khóc hay cười. Nhà nó điều kiện không khá giả cho lắm, nên nó hay chơi chung đồ chơi với hai đứa em trai và con búp bê đầu tiên trong đời nó chính là do bố đẽo thành từ một khúc gỗ mít thơm phức mát rượi.

" Con ra ban công với mẹ nhé! " – cái An hỏi, nhìn sâu vào đôi mắt bé bỏng kia.

Đứa con của nó gật đầu. Cái An bèn đưa nó ra ban công và cả hai mẹ con nó đều ngước nhìn lên bầu trời cao mà lộng cơn gió hè chấp chới.

" Con thích các ngôi sao hay mặt trăng? " – cái An hỏi.

" Con thích mặt trời! " – con nó đưa giọng đáp, vẫn hơi thút thít nhưng đã nhanh nhảu rồi.

" Còn mẹ thích những cơn gió... " – cái An nói, nhìn xuống con nó; đôi mắt hai mẹ con chạm nhau và cả hai cười vui vẻ.

" Mẹ có muốn con đọc cho mẹ một thứ không? " – con nó lại đột nhiên hỏi, khiến cái An trầm lại.

Cái An ngẫm nghĩ, rồi nó hỏi lại:

" Thứ gì? "

" ... Đừng đuổi theo gió trên những cánh đồng

Đừng để trôi mất giọt nước mắt trên những dòng sông...

Đừng để nụ cười chìm vào trong miền ký ức,

Và đừng để tình yêu bước lẻ trên con đường mênh mông... "

" Cha con viết đấy! - nó đọc xong rồi nói; cha viết sau một lần gặp mẹ. "

An ngạc nhiên, nó sững sờ mà cố liệt kê những người con trai đặc biệt đã từng gặp trong cuộc đời nó; nó chẳng thể tưởng tượng ra một ai ngay bây giờ cả.

" Thế mẹ từng thích ai bao giờ chưa? " - con nó hỏi.

Phải một lúc thần trí vững vàng hơn cái An sẽ chẳng bao giờ trả lời thật sự con nó câu hỏi này; nhưng nó đang bị cuốn vào một cơn sóng quá mạnh mẽ và cố gắng trở vào bờ. Vậy nên nó khẽ nhớ lại rồi đáp, kể:

" Có thể có! Đấy là hồi mẹ còn nhỏ... Mẹ đã từng rất thân thiết với một cậu bạn con chủ tiệm bánh ngọt. Cậu ấy rất... béo. Nhưng vừa hiền lành lại can đảm mà trung thực lắm. Bọn mẹ đã ở bên nhau rất lâu thời thơ bé, nhưng sau khi bố cậu ấy mất và mẹ cậu ấy đi lấy người chồng khác thì bọn mẹ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa... "

Con nó bỗng biến hóa từ đâu ra trên màn hình những dụng cụ đồ nghề thám tử như trong truyện về Conan hay Sherlock Holmes vậy; nó mặc và dùng tất cả những thứ đồ ấy, có những dấu hỏi màu vàng và đen bay bay trên màn hình như đội múa phụ họa cho nó vậy.

" Thế ra là trước đây mẹ đã thích một người rồi, - nó nói và chắp tay phía sau, đi lại loanh quanh - câu hỏi là liệu bây giờ gặp lại người đó liệu mẹ còn có chút tình cảm nào không? Chà! Khó. Khó đây... "

Đoạn, nó chép miệng y hệt một ông cụ non, cái An đang mông lung và buồn cũng tí nữa phải phì cười.

" Đó chỉ là chuyện trẻ con hồi xưa thôi, - An nói - bây giờ mẹ cũng chẳng biết tình yêu là gì nữa... "

" Rồi mẹ sẽ biết thôi! - đứa con nó chắc nịch - Con sẽ đưa mẹ đi gặp bố. "

Cái An thấy tim mình khẽ nhói lên, nó đỏ mặt và một tay bấu mạnh vào lan can như để cho cơn gió trời không cuốn nó đi vậy.

" Đi đâu vậy? Ở đâu cơ? " - nó hỏi sẽ mà ngắt quãng.

" Rồi mẹ sẽ biết thôi! - nó nhấm nhẳng, tinh nghịch - Còn giờ con muốn đi ngủ với mẹ cơ! " - và nó với đôi tay nhỏ chũm chĩm trong màn hình ấy dường như muốn chạm vào bầu ngực, đôi tay mẹ nó.

" Ừ, - cái An khẽ suy nghĩ rồi vuốt làn tóc mai vương trong gió ra sau tai rồi nói nhẹ - đi ngủ thôi nào... "

Đứa trẻ trên đôi tay nó reo lên mừng rỡ và thế là cả hai quay trở lại chiếc giường và khi đứa bé ấy chìm sâu vào giấc ngủ, An khẽ đưa tay mà chạm vào đôi môi, gò má của con nó và rồi nó buông một câu như chìm vào thăm thẳm trong màn đêm:

" Cha con, cha con là ai? "

***

Cũng vào đêm ấy, ở Nha Trang, cái Hoài nằm trên giường bệnh mà nó cảm thấy hệt như một cô công chúa say ngủ trong rừng thẳm vậy. Vì nó đang chờ ai đó đến, đặt lên môi nó không phải là chiếc hôn mà là sự nhớ nhung như bông hoa mới nở trong sương sớm chỉ chờ ánh nắng và đôi cánh của vị khách nho nhỏ nào ghé qua vậy. Người thân nó đều đã đi về khách sạn cả, nó xua hết mọi người về và cả các bác sĩ cũng nói rằng họ sẽ theo dõi thường xuyên và liên lạc người nhà khi cần thiết nên mặc dù bố mẹ nó cùng họ hàng cứ bịn rịn lắm cũng chẳng thể ở đây được. Nó giấu đi một nụ cười ích kỷ mà trẻ con đến đáng ghét; bà chị họ thân thiết nhất của nó bắt gặp được điều ấy bèn khẽ vờ ôm lấy nó mà ghé vào tai thủ thỉ:

" Liệu hồn nhé cô gái của chị! " – Và chị ta mỉm cười rất tươi, nhanh chóng giục mọi người đi để cho cái Hoài nghỉ, tất nhiên không quên một ánh mắt nháy châm chọc kín đáo để lại.

Vậy nên giờ cái Hoài đang thao thức một mình trong cái căn phòng yêu cầu tiện nghi và mát lạnh. Nó bật TV để lấy cớ cho sự tỉnh ngủ của mình. Dĩ nhiên là nó chẳng thèm xem gì cả, tâm hồn của nó đã đi lạc theo tận lối xa xăm mà dõi theo những cánh máy bay bên ngoài bầu trời đêm nơi cửa sổ sáng lấp lánh ánh đèn, và từng bước, từng bước chân đi trên hành lang ngay đấy, hay thậm chí còn xa xôi hơn nữa mà nó có thể cố nghe được. Nó chờ tiếng gõ cửa. Tiếng gõ cửa ấy sẽ chạm lên cánh cửa phòng bệnh của nó hay cánh cửa trái tim, tâm hồn nó thì nó cũng chẳng biết được nữa vào lúc này. Hai má nó đỏ hây hây mặc dù nó mới bị mất máu. Mọi cơn đau với nó giờ đã không còn, chỉ có từng phút trôi qua khiến nó chờ đợi đến nghẹt lại. Nó thấy nhớ như chưa bao giờ từng nhớ vậy, và cồn cào...

Có tiếng ồn ào ngoài cửa phòng nó, cái Hoài thấy vậy nhấp nhỏm cả người lên mà bối rối suy nghĩ xem nên nói ra sao và cư xử như thế nào. Nhưng có hai người bước vào, họ là một bác sĩ nam phụ trách điều trị cho nó và một chị y tá. Họ hỏi han nó đủ thứ mà nó trả lời vội vã hệt như một đứa trẻ khó chiều vậy, rồi họ nhẹ nhàng mà giải thích về tình trạng sức khoẻ hiện tại của nó, về xét nghiệm thăm dò quá trình đông máu mà nó cần làm; Hoài gật đầu cái rụp rồi nó để cho chị y tá kia lấy máu nhanh chóng mà chẳng còn nhớ rằng nó vốn sợ những mũi kim tiêm biết bao.

Rồi hai người bọn họ cũng đi mất. Cái Hoài lại ngồi một mình trong căn phòng đó mà tự gặm nhấm lấy nỗi nhớ nhung của nó. Nó chẳng còn để ý gì đến chiếc TV, chẳng còn dõi ra ngoài cửa sổ, chỉ có đôi tai và tâm hồn của nó thì tự vô thức mà đón lấy những rung về từ xa xăm mòn mỏi...

Nhưng rồi, ngay khi mà cái Hoài thấy dường như nó chẳng thể chịu được sự dày vò ấy nữa thì bỗng có tiếng chạy dồn dập từ phía xa vọng lại, gió từ ngoài biển khơi đang thổi mạnh vào bờ và vỗ vào cừa sổ, nó nghe thấy tiếng trái tim mình đập thật rộn ràng mà gấp gáp dường như mở lòng ra mà đón lấy cơn bão nào kia đang ập đến cuộc đời nó. Cậu ấy đến rồi! Nó muốn hét lên nhưng lại thấy nghèn nghẹn trong ngực.

Cậu ấy đến rồi thật. Cậu ta mở ngay cửa phòng nó vội vàng mà chẳng gõ cửa như nó đã tưởng tượng. Tất cả những gì xảy ra cho đôi trẻ ấy lúc này như một cơn cuồng phong mạnh mẽ. Họ ngắm nhìn nhau, say mê nhau, ngại ngùng nhau, thương cảm cho nhau... Cái Hoài thấy tủi thân như chừng nó đã phải chịu tất cả những thứ đớn đau trên thế gian này vậy. Vì nó đang có người dang vòng tay ra mà đón lấy nó vào ngực mình. Vì nó yêu...

" Em nhớ anh lắm... " – nó thút thít; có lẽ trong mơ nó cũng chẳng thể tưởng tượng nổi mình lại tự gọi cậu ta là anh trước như thế này. Sự yếu đuối đôi khi cũng là một món quà.

" Anh cũng nhớ em lắm! " – cậu ta siết chặt nó vào mình mà nói rưng rưng.

Hai người họ cứ thế mà ôm nhau sâu lắng. Hai người bạn hôm nọ của cậu ta đến sau, lặng lẽ mà ghé vào rồi lại bước ra ngoài đứng sau cánh cửa. Họ dành cho hai người bạn mình sự riêng tư mà họ đáng được hưởng cho những nhớ nhung của họ.

" Anh có giận em không? " – cái Hoài thút thít hỏi.

" Không. – cậu ta khẽ như thấy bất ngờ rồi trả lời – Sao anh lại giận em được chứ! "

" Em xin lỗi... " – cái Hoài nói, nó cúi đầu như rúc sâu hơn vào trong lòng chàng trai của mình.

" Lỗi gì đâu... " – cậu ta khẽ mỉm cười nhẹ nhàng trả lời.

" Em thấy hết đau chưa? " – cậu ta hỏi tiếp.

" Hết đau rồi. – cái Hoài nói và lấm lét nhìn lên – Gặp anh hết đau rồi. "

" Nói dối kìa! " – cậu ta mỉm cười mà đưa một tay ra véo nhẹ má nó.

" Nói thật... " – cái Hoài lại làm nũng tiếp.

" Vầng, được rồi. Là nói thật! " – cậu ta cười tươi hơn – " Nãy anh vội quá nên chạy lên đây ngay còn hai người bạn của anh thì đang ở dưới kia hỏi thăm các bác sĩ trực rồi. "

Nghe thấy cậu ta nói vậy, hai người bạn của cậu ta mở cửa nhẹ nhàng mà bước vào. Họ kể cho bạn mình tình trạng của cái Hoài từ hồ sơ bệnh án và lời chỉ định của bác sĩ. Họ hiểu biết thấu đáo và nhạy bén đến mức cái Hoài phải thốt lên hỏi:

" Hai anh có học y hay làm bác sĩ không vậy? "

" Không đâu, - chàng trai của cái Hoài trả lời – mà em có đói không? Có muốn ăn gì không? "

Cái Hoài định nói không vì nó thấy vẫn còn mệt và không muốn ăn gì cả; nhưng nhìn bộ dạng vội vàng của người yêu nó, nó nghĩ rằng có lẽ chính ba người bọn họ cần phải ăn lúc này hơn nhiều. Mà nó học được thói quen quan tâm đến người khác của cái An từ bao giờ nhỉ? Nó nghĩ thoáng qua như thế rồi nói:

" Có! Em muốn ăn nhưng ba người phải ăn cùng cơ! "

" Được rồi, - người yêu nó nói và quay lại liếc nhanh nhìn hai người bạn mình; rồi mỉm cười dễ thương hết sức mà nhìn thẳng vào mắt nó hỏi – vậy em muốn ăn gì? "

" Em muốn ăn bánh căn! Và món mì gì đó cũng được! "

Thấy nó nói vậy, một trong hai người bạn kia liền nói:

" Cho mình xin phép nhé! Bánh căn thì mình sẽ đi Lý Thánh Tôn mua; nhưng còn mỳ thì mình nghĩ với tình trạng sức khoẻ của bạn Hoài thì nên ăn thêm một món cháo nhẹ thôi. Được không? "

Cái Hoài lại nhìn người yêu với ánh mắt kiểu bạn anh cái gì cũng biết thế?. Rồi nó gật đầu đáp với hai người kia:

" Vâng! Được ạ! "

Hai anh chàng đó nhẹ nhàng rời khỏi đó ngay lập tức. Lần này thì họ đã để lại cho đôi tình nhân sự riêng tư thực sự.

Chàng trai nắm lấy tay cái Hoài, có những ngôn từ mà những người đang yêu luôn muốn nói với nhau nhưng họ lại thường im lặng, vậy mà vẫn hiểu nhau, say mê nhau. Có lẽ tình yêu có một thứ ngôn ngữ riêng mà bất cứ ai bước chân vào lãnh địa ấy mới có thể hiểu được. Mà thế gian thì có biết bao nhiêu là tình yêu...

Và màn đêm như dừng lại.

***

Sáng hôm sau, khi thức dậy điều đầu tiên mà An nhớ tới chính là nó đã hết ngày nghỉ. Hôm nay nó đã lại phải đi học và đi làm như bình thường. Nó chạm tay vào con nó đang ngủ thiêm thiếp trên điện thoại ngay kế bên nó. Phải rồi, nó nghĩ ; tất cả những hình ảnh của ngày hôm qua lại tới tấp ùa về, tất cả những điều xảy đến với nó ngày hôm qua ấy là một cú sốc lớn đối với nó và thật dị thường. Nó lại thấy buồn bã, bất giác đặt bàn tay lên bụng chẳng muốn nói lên lời. Nó cũng thấy chiếc điện thoại báo dung lượng pin chỉ còn mười tám phần trăm. Nó chợt nghĩ: nếu như chiếc điện thoại bị hết pin thì đứa con của nó có bị làm sao không? Nó thấy lo lắng; đi tìm chiếc sạc điện thoại rồi nhẹ nhàng cắm vào đó, sau đấy nhanh chóng đi vệ sinh cá nhân, ăn nhẹ một chiếc bánh mỳ và rồi tiếp tục chuẩn bị mọi thứ để đi làm như mọi ngày bình thường.

An rời khỏi nhà, nó đi làm bằng chiếc xe máy của cái Hoài để lại. Hai đứa nó vốn ở chung với nhau từ giữa kỳ đầu tiên của năm nhất. Chính cái Hoài là đứa nằng nặc rủ nó về đây khi hai đứa bắt đầu thân với nhau. Đây vốn là một căn nhà hai tầng xây theo kiểu biệt thự của Thái khá thông dụng, nó có những giàn dây leo xanh mát và hoa giấy phủ kín lâu năm và thậm chí có đủ cả một khu vườn xung quanh trồng hoa cùng với một hòn non bộ nho nhỏ. Chủ nhà này vốn là bạn lâu năm của gia đình cái Hoài, họ vốn sở hữu căn nhà này nhưng lại không sử dụng đến nó nên họ đã đem cho người khác thuê tầng một để mở một hiệu cà phê nho nhỏ kéo giãn cả chút không gian ra khu vườn và khoảng sân đằng trước; trên tầng hai thì họ cho cái Hoài ở để theo học tại thành phố này, với họ cái Hoài như con cái trong nhà vậy nên nó được toàn quyền sử dụng và rủ bạn về ở cùng nếu thấy hợp lý.

Cái Hoài vốn là đứa con nhà giàu nhưng không hề đua đòi ăn chơi gì cả. Nó sống cảm tính, đơn giản và bản năng như rất nhiều cô gái mới lớn lên trong thời đại này. Nó dễ hoà đồng nhưng cũng dễ ghét dễ yêu bất cứ ai bước ngang qua cuộc đời nó. Nó rất thân cái An, ngay từ ngày đầu tiên gặp chúng nó đã rất hợp nhau rồi, mặc dù rất rất trái tính. Bởi cái An là một thỏi nam châm trầm lắng của sự quan tâm chia sẻ, nó hiền, chu đáo chỉn chu mà lại thuỳ mị dịu dàng đến sâu sắc. Có lẽ cũng bởi cái An mất mẹ từ sớm, nhà nó tương đối vất vả khi cha là thợ xây nay đây mai đó nai lưng ra với trời mà kiếm tiền. Dưới nó còn hai đứa em trai đẻ mỗi đứa cách nhau có một năm cho nên hai đứa nó ngang bướng tinh nghịch mà hay gây gổ với nhau luôn. Cái An từ năm lên tám tuổi đã biết vừa làm chị vừa làm một người mẹ bất đắc dĩ trong căn nhà nhỏ thiếu người. Mẹ mất, cha hay đi làm xa nên nó sớm biết nghĩ, biết lo, biết thu mình lại trước chính mình mà nhường sự quan tâm cho những người khác. Nhiều người nói rằng nó khổ nhưng cái An chưa bao giờ cảm thấy mình khổ. Nó nghĩ rằng khổ nhất là mẹ nó, người đã không còn được sống trên cõi đời này nữa và người khổ thứ hai đó là cha nó, một người thợ xây nhưng gần như đã hơn nửa cuộc đời trôi qua mà vẫn không xây được một căn nhà vững trãi cho mình. Nó cũng thương hai đứa em, đứt sữa mẹ từ sớm và phải luôn ăn chực khắp các nhà trong xóm mỗi khi cả chị và cha đều vắng nhà. Hai đứa nó giờ đã lớn lên nhiều rồi, một đứa lớp chin một đứa lớp mười. Chúng học đều giỏi, vẫn nghịch ngợm đôi chút ấy nhưng đều biết lo cho chị cho cha nhưng chẳng đứa nào nói ra lời cả. Tết năm ngoái, chúng nó đã chung số tiền ăn tết cùng cha và chị. Cả nhà ăn cái tết to hơn ấy mà rớt nước mắt. Mãi đến lúc ấy cha chúng nó và cái An mới biết được hai đứa đã đi ròng rã gần hai tháng hè vào tất cả những lúc nào rảnh để phát tờ rơi và dán biển quảng cáo thuê cho người ta. Thằng Bảo, con út nhưng cực kỳ giỏi máy tính nên đôi khi nó đi cài win dạo và nhận sửa cũng như ráp máy tính PC cũ thủ công. Gia sản của nó là bốn bộ đĩa cài win mà theo như nó kể là nó phải đi thông cống rồi thì quét nhà dọn dẹp cho một anh lớn trong xóm mới " được cho " bộ đĩa cài Windows 7. Từ cái số vốn ít ỏi khổ cực ấy nó đi cài lại win máy tính cho khắp các hang cùng ngõ hẻm thậm chí có hôm xa quá tận gần ba mươi cây số nên thằng anh nó là thằng Từ thấy thương, nhận đi giúp để rồi lần ấy tiền công cũng không bù lại được số tiền sửa chiếc xe đạp đã cũ. Cái An nghe chúng nó kể mà cứ như nuốt lấy từng lời. Nó ôm chầm hai đứa em ngoan vào lòng rồi khóc vang cả căn nhà nhỏ. Hàng xóm thấy vậy tưởng có chuyện bèn chạy sang. Cha nó thì lặng lẽ cầm điếu thuốc chạy vội vào trong buồng và tối đó mắt cả nhà đều đỏ hoe hơn cả màu hoa đào mà chờ đón giao thừa. Tết năm ấy ăn to. Hàng xóm nghe chuyện bèn lấy cớ cho hai thằng bé ngoan học giỏi mà đem đến biết bao nhiêu là bánh trái và những thứ vụn vặt nho nhỏ bởi khi cái An lên thành phố học đã khiến cho nhà thiếu bóng dáng người phụ nữ nên bếp nghèo và lạnh. Hơn nửa năm sau thì An gửi tiền về bảo bố mua cho em chiếc xe đạp mới. Bố nó cất riêng số tiền ấy để dành cho cái An sau này và đi mua cho hai đứa con mỗi đứa một chiếc xe đạp mới bằng tiền dành dụm của mình. Năm đó bố nó gầy hẳn, nhưng ánh nhìn luôn đầy sức sống mỗi khi nhắc đến ba đứa con trong cái gia đình nhỏ luôn thiếu người ấy.

Hồi cái An ngay khi lên học được một tuần đã xin đi làm thêm ở một chuỗi cửa hàng ăn gần trường. Chính tại nơi đây mà nó đã gặp cái Hoài, đứa chẳng hề biết vào bếp là gì từ nhỏ và cứ thế dần dần cơ duyên đã kéo hai đứa nó lại ngày càng thân thiết với nhau hơn. Thậm chí, khoảng thời gian đó, cái Hoài năng đến ăn hàng nơi cái An làm thường xuyên kể cả lúc nó không thấy đói cho lắm hay thậm chí có thể nói là bất cứ khi nào nó rảnh. Sau đó một thời gian, nó nằng nặc nài cái An đến ở với nó và viện cái cớ là để không mất tiền vì số tiền nhà đó cái An sẽ trả bằng việc phải làm đầu bếp và dạy nó vẽ. Nó học một khoa thiên về báo chí và ấn bản nên nó nói rằng nó muốn học thêm để sau này sẽ làm việc ở một tạp chí thời trang nổi tiếng mà nó ước mơ từ nhỏ.

Từ đó và mãi đến sau này, khoản bếp núc thì cái Hoài luôn mê tít nhất là đồ bạn mình nấu; còn chuyện vẽ vời thì ngay sau khi cái An đến ở cùng nó đã trốn biệt và đem giấu luôn bộ đồ vẽ và chẳng bao giờ dám nhắc đến chuyện đó dù cái An hỏi. Tiện nói luôn là từ nhỏ nó vốn đã sống vô lo và chẳng hề có một tí gì gọi là ước mơ sau này sẽ làm gì cả; đó đều là ý muốn của bố mẹ nó. Nó đã nói dối như thế ấy, nhưng cái An chẳng hề giận mà ngược lại nó thấy cảm ơn bạn rất nhiều. Hai đứa nó hiểu và thân nhau như ruột thịt vậy; luôn sống với nhau chan hoà và mặc dù ở với cái Hoài khá giả, An vẫn đi làm thêm góp chung số tiền sinh hoạt của nó và để dành dụm gửi về gia đình hay sử dụng đến mỗi khi thực sự cần. Nó đã làm đủ mọi loại công việc từ chân tay như chạy bàn, phát tờ rơi, PG sản phẩm cho một đại lý bán hàng điện tử và đến những công việc cần tư duy như gia sư, kiểm kê hàng hoá...vv. Cho đến bây giờ công việc hiện tại của nó là bán hàng thời trang cho một công ty chuyên về phân phối các sản phẩm thời trang nước ngoài tại Việt Nam, nó làm thường xuyên nhất tại hai gian hàng về Replay và Kappa; đôi khi nó cũng được tham gia hỗ trợ thiết kế cho các gian hàng của công ty tại các trung tâm thương mại lớn khác của thành phố. Nó làm công việc này đã được gần một năm và thấy tương đối phù hợp với mình hơn nữa lương thưởng và chế độ đãi ngộ cũng tương đối tốt, nó làm tốt và rất được lòng vợ chồng anh chị giám đốc phụ trách phân phối khu vực miền Bắc nên được ưu ái là nhân viên bán thời gian duy nhất được ký hợp đồng và hưởng đãi ngộ như mọi nhân viên chính thức của công ty. Nhưng cũng vì thế nó gần như bị đóng cứng bởi quỹ thời gian eo hẹp bởi việc phân phối giữa việc đi học và đi làm thực sự rất khó khăn. Cái Hoài cũng buồn thiu bởi số bữa cơm của An nấu cho nó cũng bị giảm còn một nửa. Nó đã tính xin một người quen của gia đình cho cái An vào làm tại công ty của họ để nhàn nhã hơn. Nhưng cái An nhất quyết không chịu bởi vì nó muốn tự bước đi trên chính đôi chân của mình, đam mê của mình. Cũng từng có một thời gian cái Hoài xin đi làm cùng cái An tại công ty của nó nhưng rồi đến nơi nó lại thường mua số đồ nhiều hơn cả số hàng nó bán được; với cả người quen của gia đình nó bắt gặp nó khi người ta đến mua hàng nữa nên nó đã bị bố gọi điện bắt phải bỏ việc ngay lập tức. Kể từ đó, cái Hoài chỉ đóng đinh ở nhà, ngồi lướt mạng xã hội, học hành theo cảm hứng của nó, và đọc những câu chuyện tình cảm hay xem những bộ phim mà khiến nó xao động. Rồi nó chờ cái An về hệt như một người vợ bé nhỏ thích nuông chiều mà không biết nấu ăn gì cả. Chúng nó sống với nhau rất hoà hợp đến mức là nhà thì có đủ phòng nhưng vẫn chỉ thích ngủ với nhau và thậm chí cái Hoài còn hay đòi... tắm chung nữa. Đôi lúc, cái An và cả những người ngoài đều trêu cái Hoài về giới tính của nó nhưng thấy vậy nó lại càng làm trò khiến cho cái An và tất cả những người đó đều cười vui vẻ.

Hôm nay, cái An đến công ty mà trong lòng nó trĩu nặng. Tính nó vốn cẩn thận ấy thế mà lại quên mất không mang theo thẻ nhân viên nên đã bị bảo vệ của toà nhà giữ lại. Cũng may là nó gặp một nhóm người cùng làm ở công ty, trong đó lại có cả một chị cửa hàng trưởng nữa, tất cả đều đứng ra xin bảo lãnh cho nó nên cuối cùng may sao cái An cũng được vào làm một cách yên ả.

Nó làm việc mà đôi lúc hệt như đánh rơi mình về một xứ sở khác. Những người làm cùng với gian hàng của nó đều tưởng nó bị ốm và khuyên nó đi nghỉ ngơi. Nó cười gượng nhẹ, cảm ơn sự quan tâm của mọi người, ngẫm nghĩ một lát rồi nó đi vào và thu mình bên trong dãy kho chứa hàng của công ty. Nó nằm xuống nơi trải tấm bìa và lớp chăn mềm của nhân viên hay nằm nghỉ ngơi thay phiên nhau ấy mà chợt thấy se lạnh. Điều hoà hôm nay lạnh quá sao? Nó nghĩ thế nhưng rồi lại hiểu ra những điều tự sâu kín trong chính tâm hồn mình. Nó thấy buồn đến thê thảm. Rồi chợt nhớ ra rằng đứa con của nó chưa ăn gì từ sáng nên nó vội vàng đem chiếc điện thoại của mình ra. Con nó chưa hề thức dậy; nó ngủ say hệt như cả thế gian vẫn chưa đến gõ cửa gọi nó vậy. Cái An lại muốn khóc nhưng nó kìm mình lại được. Nó cắm lấy chiếc tai nghe vào điện thoại rồi ghé vào đấy gọi khe khẽ:

" Dậy đi, con ơi dậy đi nào! "

Con nó vẫn ngủ say, chỉ khẽ cựa mình như giọt sương buổi sớm long lanh dưới nách lá.

" Dậy đi, - cái An nói như nài – con ơi dậy với mẹ... "

Dễ hiểu được cái An đang thấy cô đơn đến nhường nào. Đáp lại tiếng gọi của tâm hồn nó, đứa con nhỏ xinh ấy thức dậy; đôi mắt tròn ấy khẽ chơm chớp trước một cảnh xa lạ mà mẹ nó đang nằm đó, chiếc chăn mỏng manh kéo đến quá nửa ngực không che dấu được những rung cảm chỉ chực vỡ oà.

" Chào mẹ! – nó nói – Mẹ ơi, mẹ đi làm à? "

" Ừ, - cái An như thút thít mà trả lời – mẹ đang đi làm... "

" Vậy sao mẹ lại vào đây? Mẹ mệt ạ? " – con nó hỏi tiếp.

" Không... – cái An cố nở ra một nụ cười nhưng chính nó lại đánh rơi mất nụ cười ấy khi nhìn thấy đôi mắt của con phản chiếu ra chính hình ảnh của nó – ... con đói chưa? " – nó cố tình mượn sự hỏi ấy mà đánh lừa chính bản thân mình.

" Con có hơi đói. Nhưng con chẳng muốn ăn đâu... " – con của nó buồn rầu.

" Sao vậy? " – cái An hỏi, hơi lo lắng.

" Con không muốn làm mẹ buồn... " – nó trả lời, cúi gằm mặt xuống.

" Con đâu làm mẹ buồn đâu. – An nói, rồi nó đưa tay lên chạm lấy con nó – Con là một món quà mà. "

" Không phải, - nó lắc lắc đầu ngúng ngoảnh nói – không phải! "

" Có mà, - cái An nhẹ nhàng nói – con ăn đồ mẹ nấu nhé! Bạn mẹ chụp nhiều ảnh trong điện thoại lắm. "

" Không... " – đứa con nó lại phụng phịu.

" Ăn nhé! Con muốn ăn thử món gà rán mẹ làm không? " – cái An nói rồi nó đưa tay tìm mục ảnh lưu trữ; đứa con của nó vẫn ở trên màn hình nhưng nhỏ lại hơn dường như để dành không gian cho mẹ nó. Cái An cảm thấy đứa con của nó hình như đã tự tạo ra cho chiếc điện thoại một hệ điều hành diệu kỳ sử dụng đa nhiệm vậy. Nó nhanh chóng tìm thấy ảnh món gà rán, vì cả hai đứa thích đều thích ăn món này nên nó đã nấu rất nhiều lần rồi.

" Con nhìn xem mẹ nấu có ngon không? " – cái An hỏi, giọng nó có chút hồ hởi như tự hào với con mình thực sự.

" Có... " – con nó đưa mắt nhìn rồi trả lời.

" Vậy thì con ăn nhé! Ăn cho mẹ đi mà. " – cái An nói, giả vờ nài.

" Vầng... " – đứa bé ấy trả lời, nó hơi phùng phình má nom rất đáng yêu.

Rồi con nó ăn mấy suất gà rán với một trạng thái ngon lành mà nhanh đáng kinh ngạc.

" Con có thấy ngon không? " – cái An hỏi rồi tự nó lại thấy ngại ngùng hụt hẫng bởi nó thấy đứa con của nó chỉ đang ăn một cái hình ảnh chứ đâu ăn được một bữa ăn của nó một cách thực sự.

" Ngon ạ! " – con nó dừng ăn vui vẻ ngoảnh lên nói; rồi nó lại ngon lành mà ăn tiếp một đĩa nữa.

" Từ từ thôi con... " – cái An nói sẽ.

" Vâng ạ! Mà mẹ ơi, hôm nay mấy giờ mẹ được nghỉ trưa vậy? "

" Mẹ đang được nghỉ rồi nên cũng không biết nữa, bình thường là nghỉ luân phiên, bắt đầu từ mười một giờ ba mươi. "

" Thế ạ! – con nó nói, ăn chậm lại mà dường như là thăm dò – Theo con biết thì trưa nay bố đến đấy! "

An sốc ngay lập tức. Nó không biết phải đối phó với tình huống này thế nào. Với tất cả những gì đã trải qua hai ngày nay, nó nghĩ con nó nói sự thật.

" Vậy... - An nó luống cuống – phải làm sao bây giờ? "

" Lát nữa thôi ý mà mẹ. – con lúc này đã ăn xong, nó nói – Chừng một chút nữa mẹ đi với con mua thứ này một chút rồi chúng ta chuẩn bị đón bố! "

" Mua gì cơ? " – An nó hỏi, sợ sệt mà thắc mắc.

" Dạ, mua bút ạ! – con nó đáp lời gọn gàng rồi nó hỏi tiếp luôn – Giờ mẹ đã đỡ mệt chưa? Có đi cùng với con được không ạ? "

Cái An ngẫm nghĩ một lát rồi đáp khẽ:

" Được... để mẹ ra xin phép mọi người đã... "

Nói rồi cái An từ từ nhỏm dậy. Nó cất chiếc điện thoại vào trong người rồi đi ra gặp mọi người và nói rằng nó đã khoẻ hơn và nó muốn dành luôn số thời gian nghỉ ngơi này tính vào giờ nghỉ trưa thường quy. Ai cũng phản đối và muốn nó được nghỉ nhiều hơn nhưng nó cảm ơn mọi người rồi từ chối. Sau đó, nó nhẹ nhàng xin phép được đi mua ít đồ và ngay lúc ấy nó thấy từ trong người vọng ra một tiếng nói mà có lẽ chỉ mình nó nghe thấy.

" Ta đi lên khu mua sắm ngay trên hai tầng trên thôi mẹ nhé! Có lẽ trưa nay bố đến sớm hơn một chút đấy! "

Và cái An thấy ngực mình thắt lại, nhưng đôi chân của nó đã tự bước đi từ khi nào rồi. Nó đưa con mình lên trên khu mua sắm đồ dùng học tập và đồ lưu niệm ở tầng sáu, nó định mua một cái bút giản đơn thôi nhưng ngay lập tức con nó đã nhắc nhanh nhảu:

" Phải mua một cái bút thật đẹp, đắt một tí mẹ ạ! "

An nó nghe theo mà thấy gượng và lạ lùng; bản thân nó vốn xưa nay chi tiêu hợp lý nên mua đồ gì cũng cân nhắc theo nhu cầu sử dụng chứ không theo bất cứ điều gì khác cho lắm. Nhưng nó vẫn nghe theo con mình, đi tìm mua một chiếc bút thật đẹp. Nó dán mắt vào các kiểu mẫu bút đẹp và bảng giá, nó giật mình khi thấy giá của những chiếc bút cao cấp ấy không hề rẻ tí nào.

" Bút Montblance.... Ôi... " – nó lẩm bẩm.

" Chắc mẹ không mua được mất... " nó ghé vào điện thoại nói khẽ với con.

" Thì mẹ mua loại bút cách đây hai dãy kia kìa! " – con nó nói.

Đó là loại bút dạ bi Picasso. Trong đời, cái An chưa từng mua một chiếc bút nào đắt đến thế nhưng nó đã là loại có giá tầm thấp hơn ở đây rồi.

Chiếc bút nó mua sau một hồi đắn đo lựa chọn có dán mác là chiếc bút dạ bi Picasso 908R ( B ) . Đương nhiên là theo sự chỉ dẫn và tư vấn bởi đứa con của nó.

Hai mẹ con nó trở về với gian hàng Kappa mà cái An làm hôm nay. Đã mười một giờ ba mươi lăm phút cho nên mọi người đang phân nhau giờ nghỉ trưa. Thấy cái An về, mọi người hỏi han nó rồi lại hỏi nó muốn nghỉ vào giờ nào và với ai không? Nhưng cái An lại lắc đầu mà từ chối rằng nó đã nghỉ đủ rồi. Chị cửa hàng trưởng của quầy chúng nó là một người rất cao lớn và béo nữa, chị ấy vốn là người tận trong miền Nam đi ra ngoài Bắc này theo công ty điều động. Chị rất thẳng tính và thường chỉ dễ dãi với khách. Chị ấy đang nhìn nó, rất kỹ, trên đầu những ngón tay to dài của chị là chiếc bút đang lắc lư như chừng chuẩn bị ghi điều gì đó vào cuốn sổ.

" Cho cái An coi luôn buổi trưa nay đi nha! Trông cùng cái Thanh, Trinh. - chị ta cúi xuống ghi chép rồi nói, hai bả vai lớn rung rung nhẹ nhàng - Nhưng cưng chỉ trông có một tiếng đó thôi nha, đến giờ thì chị cho cưng đi nghỉ cho hết mệt, còn những người khác thứ tự và thời gian vẫn như cũ. "

Chị ta nói bằng những từ ngữ ngọt và đủ nghe của những người đã có trên mười năm bán hàng có lẻ. Chị luôn luôn gọi những người ít hơn tuổi là cưng.

Cái An và hai nữ nhân viên kia bắt đầu trông cửa hàng luôn từ lúc đó. Trong ba đứa thì cái An vốn được tín nhiệm nhất nên nó sẽ vừa bán hàng vừa phụ trách thanh toán. Sau một tiếng của nó, sẽ có một nhân viên cứng khác chấp nhận ra thay sớm. Buổi trưa cũng thường là lúc vãn khách cho nên công việc không hề nhiều. Những mặt hàng của thương hiệu Kappa tại gian hàng chúng nó khá đa dạng nên cái An đi lại quanh cửa hàng để chỉnh lại tất cả những vị trí hàng sắp xếp sai hoặc không bắt mắt. Nó cũng đủ nhàn rỗi để gấp hình bông hoa cho một vài chiếc áo mẫu trưng ra cho độc, lạ. Và cũng bởi, nó bồn chồn chân tay mà đợi điều con nó nói đến ấy nhưng chưa hề thấy xuất hiện. Cha của đứa con nó.

Đúng 12 giờ 20 phút, có một toán khách đông; hơi lao xao và lộn xộn một chút nhưng họ toàn là những người đã đứng tuổi một chút nên chắc chắn người đó không ở đây.

12 giờ 27 phút, có một vị khách duy nhất, là nữ; chẳng mua gì, chỉ đảo qua và đi ngay sau đó.

12 giờ 40, có hai người khách đi vào, nhưng khi cái An vừa nhìn thấy bóng họ thì họ lại ngoảnh đi ngay.

12 giờ 42, hình như vẫn là hai người đó, họ đi vào ngay gian hàng, vừa đi vừa nói chuyện sôi nổi.

An nó ngạc nhiên đến sững người và thậm chí nó còn không thể thốt ra được lời chào. Là hai chàng trai đêm đó đã ngồi cùng nó và cái Hoài. Nó có cảm giác cả thế gian ngừng thở; hai người bạn bán hàng cùng nó kia đã tiến lại hỏi han các vị khách mà nó lại chẳng nghe thấy được lời gì ngoài những tiếng như một bầy ong tìm chỗ trú nơi người nó. Bất giác, nó muốn trốn đi, muốn lặn ngay vào một kẽ nứt nào đó trên mặt đất. Nhưng không kịp nữa, hai người đó đã nhận ra họ rồi.

Người trỏ tay đến ngạc nhiên và tiến đến chỗ nó ngay chính là chàng trai đẹp mã tên Thắng của đêm đó.

" Ô! Chào! Không ngờ lại gặp bạn ở đây. - cậu ta nói lớn - Bạn làm ở đây à? "

An nó hơi ngớ đến mất vài nhịp.

" À, ừ... phải. " - nó đáp.

Cậu ta cười tươi, kéo cậu bạn của mình lại rồi bá vai và hỏi cái An cứ hệt như là đại diện cho cả hai người để hỏi nó vậy:

" Trưa nay bạn có rảnh không? Lát đi với bọn mình một chút nhé! "

" Ơ, không... - cái An lúng túng mà đáp luôn - mình đang trong giờ làm mà... "

" Không sao đâu... - cậu ta trả lời, vẫn cười tươi như thế nhưng đôi mắt thì ngoảnh ra sau mà đợi ai đó đang đến - A! Đây rồi! " - cậu ta reo lên khi thấy người đó đến, đó chính là anh giám đốc phụ trách khu vực miền Bắc của công ty cái An. Cái An và hai đứa Thanh, Trinh vội vàng hơi cúi người chào anh ta. Anh ta khẽ gật đầu rồi tiến đến chỗ hai chàng trai kia. Có vẻ, chính ra họ tìm đến đây là vì anh ấy chứ không phải để mua hàng.

Họ cùng nhau bàn nhanh về chuyện tạm dừng hoạt động một chi nhánh nào đó ở khu vực đang có giải tỏa để xây tòa nhà mới. Cậu chàng có tên là Thắng lấy ra và đưa cho anh giám đốc này một phong bì có chứa những giấy tờ gì đó vì anh ta mở nó ra ngay và tất cả mọi người ở đó đều nhìn thấy. Anh ta gật đầu rồi toan đi ngay. Nhưng, Thắng đã cản lại.

" Khoan anh ơi! - cậu ta nói và chỉ tay về phía cái An - Cho em mượn bạn này trưa nay nhé! Bạn em đấy! Bọn em mới gặp lại. "

Anh giám đốc đó ngoái lại, trên trán nhăn đúng những chữ sao mình chưa nghe thấy chuyện này bao giờ nhỉ? nhưng anh ta cũng gật đầu, nói hóm hỉnh:

" Cái An à, nó thì cậu mượn tới bao giờ cũng được! " ; rồi đi mất.

An ngây người ra mà chẳng biết phải cư xử ngay như thế nào. Nhưng cậu chàng kia thì cứ một mực giục nó nhanh lên mà đi với hai người bọn họ. Hai đứa làm cùng cũng hùa vào vì có lẽ chúng nó đang nghĩ về những điều đơn giản như tất cả mọi người trên thế giới vẫn gán ghép các cặp đôi đến với nhau.

Giữa bao nhiêu tiếng: đi đi, đi thôi ấy, cái An cảm thấy thật hỗn độn; giữa chừng nó cũng tưởng rằng có tiếng phát ra từ ngực nó nữa. Và nó bước đi theo hai chàng trai ấy, theo những thứ mà có lẽ chính bản thân nó đã từng bị lôi đi một lần vào đêm nọ.

Họ cùng lên tận tầng chín, trên đó có một vài nhà hàng khá lịch sự. Chàng trai tên Thắng đẹp mã đó đưa nó đến một nhà hàng nổi tiếng với những món ăn phương Tây và cậu ta đặt một phòng riêng biệt. Cái An thấy ngại vô cùng, bước chân nó trĩu nặng đi theo sau cậu ta và thậm chí có một lần nó đã suýt vấp vào và trượt ngã ở ngoài tấm thảm dài trên lối đi vào nếu như không có anh chàng trầm lắng đeo kính kia đỡ đằng sau. Vào trong phòng ấy, Thắng gọi món cho cả ba rồi cậu chàng ta dỡ lấy cây đàn guitar trên tường xuống, ôm vào lòng để rồi vừa đàn vừa hát một bài hát đang rất thịnh hành. Đó là một bài hát về mưa, nhưng cái An lại thấy môi nó khô lại và đắng. Phòng mát lạnh nhưng nó lại thấy một vài giọt mồ hôi rịn ra trán.

Đồ ăn sau đó được dọn lên, họ vừa ăn vừa hỏi nhau những câu chuyện mà tính xã giao được đặt ở đây nhiều. Cái An ăn rất ít, vốn dĩ trước đó nó cũng đã nói với hai chàng trai này là nó không muốn ăn rồi nhưng anh chàng tên Thắng kia cứ nài ép nên nó đã gật đầu vài món đơn giản. Nó uống nhiều nước, môi vẫn khô và lạnh. Đáp những câu từ mông lung, có trời mới biết nó đang phải trải qua trạng thái như thế nào lúc này. Nó thấy sợ, buồn, lo nghĩ đủ cả; và nếu được có lẽ nó muốn trốn đến tận cùng bên kia của thế giới mất; hoặc là tan biến đi một ngày...

Nó nhận lời đi ăn tối của cậu chàng ta vào một dịp gần nhất mà có lẽ nó cũng chẳng hiểu tại sao nó nhận lời. Tay nó cũng dần lạnh và hình như cứ dính cứng các ngón vào nhau gượng gạo và hơi run rẩy.

" Ta về thôi chứ! Muộn rồi. " - anh chàng ít nói hơn kia lên tiếng; cho đến hôm nay cái An đã biết được, nhớ được chữ P.D viết tắt kia có nghĩa là Phạm Dương. Anh ta mới đi du học về.

" Vậy nhé! - anh chàng Thắng kia quay sang cái An nói nhắn lại một lần nữa như để in đậm hơn vậy - Tối thứ bẩy tuần sau, 19 giờ đấy! "

Cái An khẽ đồng ý rồi gật đầu. Rồi trong lúc đang ngồi đợi Thắng mải mê thanh toán thì nó thấy anh chàng đeo kính kia đang loay hoay viết điều gì đó lên cuốn sổ tay của cậu ta nhưng không được vì hình như bút tắc hoặc hết mực. Nó chợt nhớ ra chiếc bút mới mua nên mở túi ra và đem đưa nó cho cậu ta mượn. Nó chợt cảm thấy ánh mắt cậu ta dừng lại lâu hơn. Nhưng rồi nó nhận ra mình chẳng quan tâm được gì nhiều vào lúc này cả. Nó như đang đi trên dây thừng; phía dưới không biết được là mặt đất, biển cả hay bất cứ thứ gì khác nữa. Bọn họ rời khỏi nhà hàng và cái An tạm biệt hai người kia để trở về quầy hàng của nó. Những người khác đã dậy thay ca và trong đó có cả chị của hàng trưởng. Vừa trông thấy nó, chị đã nói:

" An mệt thì chị cho nghỉ luôn đó cưng! Cưng vào dọn đồ rồi về đi còn chị vẫn chấm công cho cưng nửa buổi đó nha. "

Phải, cái An đang thấy rất là mệt. Nó nhận ra là cả khoảng sau gáy và một phần áo nó đã ướt đẫm mồ hôi từ lúc nào rồi. Nó mệt mỏi gật đầu cảm ơn chị ấy, rồi đi vào thu dọn đồ để về; mắt nó có lúc khẽ tối lại, lúc lại nhòe sáng.

Nó đi vội về, vội vã rồi đặt buông mình thả rơi xuống chiếc giường của chúng nó rồi nhắm ngiền mắt lại. Nó muốn ngủ nhưng không thể ngủ nổi.

" Thế nào, mẹ ơi! - giọng của con nó lại cất lên - Mẹ gặp cha con rồi đấy! Mẹ thấy cha con thế nào? Mẹ muốn chuẩn bị gì cho lần gặp tới ạ? "

An không cất lên lời, nó muốn khóc giàn giụa trong chiếc gối kia đi mất.

" Mẹ... không muốn... nghĩ gì lúc này cả... - cái An nói chỉ chực nấc lên - và mẹ cũng chẳng muốn gặp lại ai hết. "

" Mẹ không muốn gặp thì bố cũng tự tìm đến mẹ thôi! - con nó nói - Con xin lỗi... "

An khẽ đưa mắt sang mà nhìn con nó, nó bắt đầu khóc rồi, và con nó hình như cũng thế.

" Bố sẽ tìm gặp mẹ, con xin lỗi... - con nó nói - Vì bố còn đang giữ của mẹ một vật. Đó chính là chiếc bút mẹ mới mua. "

Cái An chợt ngừng khóc, nó nhớ ra rằng nó vẫn chưa lấy lại chiếc bút từ tay chàng trai đeo kính trầm lặng ấy. Nó nhớ lại đôi mắt ngừng lại kia, và những câu từ rất dài được viết ra trên cuốn sổ...

" Phải đấy! Mẹ ạ! - con nó nói, và hình như nó cũng không còn thút thít nữa - Đấy chính là cha con. "

z���v�kUe|o�n�

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: