Voi vang
Mục đích lập thuyết, dạng thức tuyên ngôn đã quyết định đến bố cục của Vội vàng. Thi phẩm khá dài nhưng tự nó hình thành hai phần khá rõ rệt. Cái cột mốc ranh giới giữa hai phần đặt vào ba chữ "Ta muốn ôm". Phần trên nghiêng về luận giải cái lí do vì sao cần sống vội vàng. Phần dưới là bộc lộ cái hành động vội vàng ấy. Nói một cách vui vẻ: trên là lý thuyết, dưới là thực hành! Điều rất dễ thấy là thi sĩ chọn cách xưng hô cho từng phần. Ở trên, xưng "tôi", lập thuyết đối thoại với đồng loại. Ở dưới, xưng "ta", đối diện với sự sống. Phần luận lí có xu hướng cắt xẻ bài thơ. Nhưng hơi thơ bồng bột, giọng thơ dào dạt, sôi nổi đã xóa mọi cách ngăn, khiến thi phẩm vẫn luôn là một chỉnh thể sống động, tươi tắn và truyền cảm.
Mở đầu bài thơ là một khổ ngũ ngôn thể hiện một ước muốn kì lạ của thi sĩ. Ấy là cái ước muốn quay ngược quy luật tự nhiên - một ước muốn không thể:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Muốn "tắt nắng", muốn "buộc gió", thật là những ham muốn kỳ dị, chỉ có ở thi sĩ. Nhưng làm sao cưỡng được quy luật, làm sao có thể vĩnh viễn hóa được những thứ vốn ngắn ngủi mong manh ấy? Cái ham muốn lạ lùng kia đã hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô bờ đối với cái thế giới thắm sắc đượm hương này.
Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Nó bày ra như một thiên đường trên mặt đất, như một bữa tiệc lớn của trần gian. Được cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường sắc hương đó hiện ra trong Vội vàng vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đương lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy đắm say. Xuân Diệu cũng hưởng thụ theo một cách riêng. Ấy là hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Yêu thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên.
Hãy xem cách diễn tả vồ vập về thiên nhiên ở thì xuân sắc, một thiên nhiên rạo rực xuân tình:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Có lẽ trước Xuân Diệu trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn non tơ đầy một sức sống thanh tân kia mà sao quyến rũ - tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng được của một người tình rạo rực, đắm say.
Hai mảng thơ đầu kế tiếp nhau đã được liên kết bằng cái logic luận lí ngầm của nó. Thi sĩ muốn "tắt nắng", "buộc gió" chính vì muốn giữ mãi hương sắc cho trần thế này đây. Hương sắc là cái sinh khí của nó, là cái vẻ đẹp, cái nhan sắc của nó. Tất cả chỉ rực rỡ trong độ xuân thì. Mà xuân lại vô cùng ngắn ngủi. Và thế là mảng thơ thứ ba của phần luận giải đã hình thành để nói về cái ngắn ngủi đến tàn nhẫn của xuân thì đối với sự sống và cái xuân thì của con người. Phải, cái thế giới này lộng lẫy nhất, "ngon" nhất là ở độ xuân; còn con người cũng chỉ hưởng thụ được cái "ngon" kia khi còn trẻ thôi. Mà cả hai đều vô cùng ngắn ngủi, thời gian sẽ cướp đi hết thảy. Có lẽ cũng lần đầu tiên, thơ ca Việt Nam có được cái quan niệm này:
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top