13 câu thơ đầu

         Nhắc đến chủ đề thơ viết về tình yêu chúng ta không thể nào không nhắc đến Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Xuân Diệu chính là người đã đưa phong trào thơ mới phát triển thêm một tầm cao mới, độc đáo hơn, táo bạo hơn, đề cao cái tôi cá nhân hơn. Thơ ông luôn rạo rực, bồi hồi, ngập tràn nhiệt huyết yêu đời, yêu người. Điều đó được khắc họa đặc sắc, sinh động qua khao khát sống vội vàng, sống hết mình trong 13 câu thơ đầu của tác phẩm “Vội vàng”.
       Mở đầu bài thơ là một khổ thơ kỳ lạ. Kỳ lạ không phải là ở thể thơ, nhịp thơ mà là ở nội dung của ý thơ. Xuân Diệu dùng thể thơ ngũ ngôn bình dị để thể hiện cái ý thơ kỳ dị, kỳ dị ở đây chính là nội dung khổ thơ thể hiện ước muốn vừa kỳ lạ, vừa ngông cuồng, vừa trái với quy luật tự nhiên của nhà thơ:

        “Tôi muốn tắt nắng đi

        Cho màu đừng nhạt mất

        Tôi muốn buộc gió lại

        Cho hương đừng bay đi”

        Muốn “tắt nắng”, “muốn “buộc gió”, điều này có thể sao? Thật là những ham muốn, những mộng tưởng vô thực có lẽ chỉ có ở thi nhân. Còn ở thế giới thực, làm sao có thể làm trái với quy luật tự nhiên, làm sao có thể vĩnh viễn hóa được những thứ vốn ngắn ngủi, mỏng manh và vượt xa tầm kiểm soát của con người? Người bình thường chắc chẳng ai dám mơ mà có lẽ cũng chưa từng nghĩ tới, nhưng Xuân Diệu thì khác, ông yêu cuộc sống, yêu đời, yêu người, khao khát yêu và được yêu đến mức muốn sống vội vàng, gấp gáp, muốn kiểm soát và vĩnh viễn hóa những điều tốt đẹp.

        Bốn câu thơ đầu là khổ thơ năm chữ duy nhất trong bài thơ, nhịp thơ khiến giọng điệu gấp gáp giống như một hơi thở hối hả của một con người đang tràn đầy cảm xúc. Đại từ nhân xưng mà tác giả sử dụng  đã là “tôi”, chứ không phải “ta” hay “chúng ta”.Cùng với đó là động từ “ muốn”, nhưng là “tôi muốn” được lặp đi lặp lại liên tục. Nhà thơ đang thể hiện cái tôi công khai, ngang nhiên không lẩn tránh hay giấu giếm, cái tôi đầy thách thức, đi ngược lại với thơ ca trung đại, rất ít dám thể hiện cái Tôi của bản thân mình. Đây cũng chính là một điểm mới, sáng tạo, độc đáo và dũng cảm của nhà thơ trong nền văn thơ hiện lúc bấy giờ. Thông qua đó thể hiện  một cách sinh động, chân thực khát khao mãnh liệt đến cháy bỏng về cuộc sống

        Thế giới xung quanh được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách rất riêng mà không một nhà thơ nào có được. Đó là cảm nhận tinh tế, cháy bỏng nhất của một tâm hồn thơ, một tâm hồn người đầy ham muốn sống, ham muốn yêu, một trái tim tràn ngập tình yêu. Cũng chính vì thế mà thế giới ấy hiện ra trước mắt Xuân Diệu giống như một khu vườn tình yêu đầy hương sắc, ngọt ngào khiến ông muốn ôm lấy, giữ lấy. Như một người tình quyến rũ khiến thi nhân say đắm, yêu thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên. Muốn tham lam chiếm hữu tất cả hương sắc của cuộc đời.

        “Của ong bướm này đây tuần trăng mật

        Này đây hoa của đồng nội xanh rì

        Này đây lá của cành tơ phơ phất

        Của yến anh này đây khúc tình si”

       Nhịp thơ đột nhiên biến đổi rõ rệt, đây là một cuyển đổi rất đẹp, rất nghệ thuật, khắc họa được tâm lý của nhân vật “tôi” trữ tình, hay chính là tác giả. Trải ra trước mắt ta bức tranh xuân tuyệt diệu. Bốn dòng thơ ấy đầy ắp những tiếng “này đây” như đang bày ra trước mắt ta từng thứ từng thứ một, sinh động, hấp dẫn. Nhịp thơ vui mừng, như hối hả, ngập tràn nhiệt huyết của một con người đang mê man, đang đắm đuối, đang hưởng thu mùa xuân tươi đẹp của cuộc đời. Đó không chỉ đơn thuần là một bức tranh vẽ cảnh xuân, còn là bức tranh khắc họa mùa xuân rực rỡ của tuổi trẻ, của tình yêu với yến anh, với ong bướm lả lơi tình tứ.
        Trong thơ Xuân Diệu, vạn vật trong thiên nhiên luôn có sự kết đôi, mọi vật quấn quýt lấy nhau, thuộc về nhau không thể tách rời. Tất cả đều mang vẻ đẹp của sự trẻ trung và sức sống tròn trịa có đôi có cặp. Nhà thơ sử dụng các tính từ mang tính gợi hình cao để tạo nên hiệu ứng chân thực, gần gũi như thể bản thân người đọc được theo chân ông, được ông chỉ tay giới thiệu từng chút một.  “ Hoa “ nở trên nền “ xanh rì “ của đồng nội bao la, “lá ” của “ cành tơ ” đầy sức trẻ và nhựa sống. Mọi thứ đều có cảm giác non tơ, mơn mởn ấy lại được tôn lên trong sự hiệp vần “ tơ phơ phất ” ở sau. Cuộc sống hiện hình trong trạng thái của một thiên đường trên mặt đất, mang lại cảm giác phi thực tế nhưng lại hấp dẫn đến nỗi bản thân tự nguyện để mình chìm vào ảo mộng đẹp.  

        “Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

        Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa”

        Không phải “này đây” mà là “và này đây ”, như thể vẫn còn chưa thoả, chưa hết, còn chưa muốn dừng lại. Đây không còn là những hình sắc cụ thể như “lá, hoa, ong bướm “ mà trừu tượng hơn là ánh sáng, niềm vui, thời gian , đều những thứ không hữu hình. Cuộc sống mỗi ngày ở chốn “thiên đường trên mặt đất” ấy mối ngày đều ngập tràn những niềm vui, chỉ cần giữ cho mình niềm yêu đời, khát khao yêu và được yêu, biết quý trọng vẻ đẹp cuộc sống xung quanh, thì mỗi ngày niềm vui sẽ đều tự tìm tới.

        Xuân Diệu thực sự xuất sắc trong việc khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng vẻ đẹp ấy chỉ có thể hoàn hảo khi có con người, dành cho con người, con người biết hưởng thụ. Sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với vẻ đẹp của con người được thể hiện qua “ánh sáng chớp hàng mi”, ảo mộng mà gần gũi, chân thực.  

        “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

        Hình ảnh so sánh thật thú vị và đầy bất ngờ và độc đáo, táo bạo. Trước Xuân Diệu, chưa từng có ai so sánh thời gian đẹp nhất của mùa xuân với bờ môi thiếu nữ, sau Xuân Diệu, càng chưa có thi nhân nào có sự so sánh độc đáo hơn. Dưới con mắt của kẻ si tình, mùa xuân hiện ra thật đẹp, thật gợi cảm. Không những đẹp, mà còn “ngon”. Mặc dù không chạm được, không ăn được nhưng tác giải lại thấy nó “ngon”. Chính điều này càng khiến cho khao khát chiếm hữu, hưởng thụ của thi nhân trở nên mãnh liệt và hiện thực hóa. Mùa xuân sinh ra cho con người tận hưởng, cho hạnh phúc đến với con người. Hình ảnh so sánh ấy như một người đang đợi chờ, sẵn sàng dâng hiến cho tình yêu. Chính vì thế tác giả sau khi thốt lên mới lại đột nhiên tiếc nuối, khiến nhịp thơ cũng bất ngờ chùng hẳn xuống:

        “Tôi sung sướng”

        Nhưng vội vàng một nửa”

        Sung sướng vì được tận hưởng cái đẹp đến ngây ngất, đến vô thực của mùa xuân, nhưng tại sao lại vội vàng, mà còn là “vội vàng một nửa”? Cõ lẽ, vì người thi nhân nhận thức được rằng:

        “Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua

        Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”.

      Lúc đầu còn say mê, muốn tham lam chiếm hữu tất cả, muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió” muốn khống chế tự nhiên để giữ cái đẹp, giữ mùa xuân ở mãi bên mình; nhưng con gười vẫn chỉ là con người, không thể làm trái quy luật tự nhiên, cũng không thay đổi được quy luật của đời người. Chính vì thế hồn thơ thi sĩ mới buồn, mới não nề, thất vọng thốt lên rằng:

              “Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”

      Sự đối nghịch giữa “đang tới’ và “đang qua”, giữa “non” và “già” tạo nên sự ấn tượng cho hai câu thơ, tạo nhịp gấp gáp, như thể hối thúc nhà thơ càng phải sống sao cho nhanh, cho vội chạy đua với thời gian. Bởi với nhà thơ, sự sống đi liền với mùa xuân, cũng như thời điểm tuyệt nhất của đời người chính là tuổi trẻ, thúc giục phải sống cho hết mình, sống không hối tiếc, yêu và được yêu, hưởng thụ cuộc đời cho thỏa, vì xuân hết thì bản thân cũng không còn là mình nữa.

       Mỗi câu chữ trong “Vội vàng” đều là mỗi nét vẽ vô cùng sống động, độc đáo, tái hiện lại cảnh đẹp lãng mạn, tươi đẹp đến nỗi ta có cảm giác vô thực. Dưới con mắt tinh tế, nhạy cảm và đầy nhiệt huyết của nhà thơ, cuộc sống thật tươi đẹp và đáng sống biết bao, nhưng cuộc sống ấy cũng thật ngắn ngủi nên phải sống vội vàng để tận hưởng và không hối tiếc. Đó cũng chính là tư tưởng lạc quan, yêu đời, sống và cống hiến hết mình không bao giờ lỗi mốt chúng ta cần học tập.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thơ-ca