vo van kiet

Dùng biện pháp hành chính (Thành đoàn làm "chủ quản" báo Tuổi Trẻ) để "cắm" người, chính quyền bị bất ngờ trước phản ứng của dư luận. Đặc biệt của các nhật kí điện tử (blog) : Cô Gái Đồ Long, Gia Cát Lượng... Cùng một lúc, ông Võ Văn Kiệt lên tiếng. Nguyên thủ tướng cho rằng Thành đoàn, thậm chí Thành uỷ, là "cái áo quá chật" cho Tuổi Trẻ, "tờ báo lớn nhất nước". Phát biểu này chưa chắc đã "hỗ trợ" cho tờ báo, nhưng quả đã nêu rõ thực chất vấn đề : vai trò của báo chí trong mối quan hệ giữa chính quyền (độc đảng) và xã hội dân sự.

Ông Võ Văn Kiệt lên tiếng

bênh vực báo Tuổi Trẻ

Hải Vân

Sự kiện chính quyền nhất quyết áp đặt nhân sự mới ở báo Tuổi Trẻ không ngừng gây phản ứng trong dư luận, nó còn tạo nên một sự căng thẳng chính trị có thể nhận thấy [1]. Trên mạng, một số nhật ký trực tuyến (blog) của bạn đọc đã bị đóng cửa hay tẩy xoá [2]. Ở báo Tuổi Trẻ một số cán bộ nhân viên lại mở blog để nói lên ý kiến không đồng tình với tổng biên tập Lê Hoàng [3]. Đón tiếp ông Võ Văn Kiệt ngày 21.8 vừa qua, ban lãnh đạo Thành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TPHCM, cơ quan chủ quản chính thức của báo Tuổi Trẻ, sững sờ nghe nguyên thủ tướng phát biểu rằng Đoàn thanh niên đã trở thành « chiếc áo chật chội » cho tờ báo đã trưởng thành [4]. Nhận định dứt khoát này của ông Kiệt chỉ cụ thể hoá một bài viết sắc sảo nhân Ngày nhà báo và đăng trên Tuổi Trẻ ngày 21.6 trước đó [5].

1. Nhằm bàn việc đại hội sắp tới của Đoàn thanh niên, dự kiến họp vào tháng 10, buổi gặp giữa ban thường vụ Thành đoàn và nguyên thủ tướng đã kéo dài gần bốn giờ. Sau khi lắng nghe và trao đổi với các lãnh đạo đoàn, ông Võ Văn Kiệt đã thẳng thừng nêu vấn đề : « Hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như rươi. Thế nhưng tôi không thấy có tiếng nói đấu tranh của đoàn trong các cơ quan xí nghiệp và ngay cả trong trường học. Vị trí của đoàn hơi mờ nhạt trong lãnh vực này ». Nhắc đến sự kiện nông dân các tỉnh, thành lên biểu tình vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông cho rằng : « Các cuộc đấu tranh của quần chúng nổi lên tự phát mà lẽ ra đoàn phải tìm hiểu thấu đáo nguyện vọng, thấy cái oan sai, đặt vấn đề với nhà nước. Giữ ổn định mà không đấu tranh cho những cái này, tôi cho là không được, nó sẽ thủ tiêu sự công bằng, lợi ích chính đáng của quần chúng ». Theo ông Kiệt, « nếu chưa có chủ trương, đại hội lần này cần đặt ra ngay vấn đề đó. Nếu đoàn làm được, quần chúng mới xem tổ chức đoàn là của họ ».

Theo bài tường thuật của Tuổi Trẻ, nguyên thủ tướng đã dành nhiều thời gian để bàn về tương quan giữa tờ báo và cơ quan chủ quản nó. Theo ông phân tích, « thời mới thành lập, nếu không có cơ quan quản lý, Tuổi Trẻ không ra đời được » ; nhưng « một tờ báo lớn nhất của cả nước không còn mặc được áo của Thành đoàn trước đây. Tuổi Trẻ không chỉ viết về đối tượng tuổi trẻ, thanh niên, mà tất cả đối tượng khác ; không chỉ xã hội, đời sống mà những vấn đề chính trị nữa. Nó vượt quá tầm của địa phương » ; ngay « Thành uỷ cũng là chật chội quá rồi, phải thay đổi áo cho nó ». Cho nên, để Thành đoàn trách nhiệm sắp đặt nhân sự lãnh đạo tờ báo vừa không hợp lý vừa không hợp tình : « Nếu tờ báo có mệnh hệ gì, chệch choạc gì mà bắt các đồng chí Thành đoàn chịu trách nhiệm thì tôi cho là quá đáng » - ông Kiệt nói.

2. Trong bài « Sứ mệnh của nhà báo », đăng trên Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Kiệt đã khái quát vấn đề này. « Sự phát triển của báo chí đang làm xuất hiện không ít điểm bất cập trong mối quan hệ giữa báo và các cơ quan chủ quản. Rất nhiều cơ quan chủ quản vốn dĩ là một tổ chức hành chính nhà nước. Nhiều cơ quan khác là đoàn thể chính trị nhưng lại đang có khuynh hướng hành chính hoá những hoạt động của mình. Trong khi báo chí càng ngày càng năng nổ, bám sát đời sống để cố gắng nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân thì có không ít cơ quan chủ quản, bởi khuynh hướng hành chính hoá đó, đang xa cách với quần chúng và trở thành 'chiếc áo chật chội' cho những 'cơ thể' đã trưởng thành ».

Theo ông Kiệt, « không thể nhận thức một cách thô thiển báo chí chỉ là công cụ trực tiếp của một cơ quan, tổ chức nào đó. Báo chí chỉ thật sự hữu ích khi đồng thời trở thành công cụ của xã hội, của đại chúng ». Ông còn cho rằng « báo chí 'một chiều' chỉ có thể trở thành công cụ dễ dàng làm vừa lòng mình, nhưng không thật sự giúp được gì cho mình. Trong điều kiện một đảng lãnh đạo, báo chí càng cần phải trở thành một kênh thông tin từ nhân dân, một công cụ giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân, vừa phát hiện và vừa đóng vai trò phản biện. Nếu báo chí thụ động, các nhà báo cứ quen chờ đợi sự chỉ đạo, chúng ta sẽ thường xuyên bị động trên mặt trận thông tin. 'Bức tường' tốt nhất để ngăn cản các thông tin xấu là chủ động thông tin và tạo ra không khí đối thoại cởi mở trong xã hội ».

3. Điều đang xẩy ra ở báo Tuổi Trẻ cho thấy quan điểm của ông Võ Văn Kiệt không được ban lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay chia sẻ. Hơn thể, sự gần gũi của nguyên thủ tướng với tập thể Tuổi Trẻ có khi là một tình tiết tăng tội - không nói ra - cho tờ báo. Các hội nghị Trung ương sau đại hội X của đảng đều nhấn mạnh đến yêu cầu chính trị phải siết chặt ngành báo chí, và người mà tên thường được nêu như đại biểu cho khuynh hướng đó là ông Trương Tấn Sang, hiện là thường trực ban bí thư, và từng làm bí thư Thành phố Hồ Chí Minh - nơi ông đã để lại tiếng của một người lãnh đạo sợ bóng sợ gió trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng. Còn thái độ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến nay thì khá nhập nhằng, nước đôi. Cùng ngày với buổi làm việc của nguyên thủ tướng Kiệt ở Thành Đoàn TPHCM, thủ tướng Dũng đã họp với ban lãnh đạo bộ thông tin và truyền thông ở Hà Nội : phê phán ý kiến « khả năng quản lý tới đâu, mở tới đó » - tức chưa quản được thì cấm - , ông cho rằng « quản lý nhất thiết phải chạy theo để bắt kịp nhu cầu phát triển » [6]. Không rõ đây là một tuyến bố mang ý nghĩa chính trị khái quát và có hiệu ứng đối với trường hợp báo Tuổi Trẻ ? Hay chỉ là một lời nói mang tính hoàn cảnh, nhằm cân đối hiệu ứng tiêu cực của quyết định trấn áp tập thể Tuổi Trẻ ?

Điều rõ ràng là ngay bài tường thuật trên Tuổi Trẻ về buổi họp giữa Thành đoàn và ông Võ Văn Kiệt cũng không được phép thông tin quyết định thay thế nhân sự lãnh đạo tờ báo, mà chỉ viết « BBC đã đưa tin, các blog đưa nhiều ý kiến » - tức đưa tin và bàn đến một quyết định mà báo chí không được quyền thông báo ! Quả là chính quyền đã bị bất ngờ và bị động vì không tính đến kênh thông tin và phản hồi của blog, cho nên nhà nước sẽ phải leo thang và lấy biện pháp đối với người viết blog (blogger). Một cách khá tình cờ, hội thảo đầu tiên của những người viết nhật ký trực tuyến ở Việt Nam đã họp cùng lúc tại TP HCM, và người ta được biết có blogger không ngần ngại chủ trương rằng viết blog là « làm báo công dân », và đề xướng « cuộc đua giữa blog với báo chí chính thống » ! Điều rõ ràng, ở đây, là cuộc đua của chính quyền chạy theo quản lý các blog chỉ mới bắt đầu, bởi ngay quan chức của bộ thông tin-truyền thông cũng công nhận rằng nhà nước « không thể cấm blog » [7].

Hải Vân

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #history