Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khi anh Tràng dẫn người vợ nhặt về nhà

1. Lúc đầu: bà lão ngỡ ngàng, ngạc nhiên
- Vì nhìn thấy trong nhà có một người phụ nữ lạ
- "Bà lão đứng sững lại"
- Trong đầu bà lão đặt ra bao nhiêu câu hỏi mà không thể tìm ra câu trả lời: "Sao lại có người đàn bà nào ở trong đấy nhỉ? Sao lại chào mình bằng u?
-> Bà lão mang tâm trạng ngỡ ngàng đúng như tâm lí của người mẹ. Vì bà không thể tin rằng con trai bà lại lấy vợ trong cái hoàn cảnh nghèo đói này. 

2. Sau đó: 
- Bà lão hiểu ra 
- "Bà lão cúi đầu nín lặng." -> đó là cái "nín lặng" đầy nội tâm với bao xót xa, trăn trở, vừa thương con trai, vừa lo lắng cho cuộc tình duyên của con mình đã nảy nở trong hoàn cảnh cái đói và cái chết giăng bẫy, bủa vây
- Rồi bà lão khóc: " Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt..." -> đó là dòng nước mắt không chỉ xót thương còn mà còn tủi thân, tủi phận.

3. Bà lão tủi thân, tủi phận
- Nghĩ rằng phận làm mẹ mà lại chẳng lo được cho các con
- Gia đình của bà cũng chẳng được như những gia đình khác nên bà than thân trách phận: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong con cái nở mày nở mặt sau này. Còn mình thì..."
-> Bà lão so sánh mình với người ta mà nhận ra sự thua thiệt. Người ta gia đình có điều kiện kinh tế "ăn nên làm nổi" tổ chức cưới xin linh đình, có mâm cao cỗ đầy, có lễ nghi long trọng. Còn gia đình bà miếng ăn còn chẳng có lấy gì để tổ chức cưới xin cho con. Càng thương con bao nhiêu, bà lão càng bế tắc, càng xót xa, tủi hờn bấy nhiêu.

4. Từ tủi thân, bà lão chuyển sang thương con trai
- Bà thương vì con trai lấy vợ trong hoàn cảnh này: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không."
-> Cái vòng kim cô cơm áo gạo tiền xiết chặt liệu các con của bà có vượt qua. Bà lão không giấu nổi niềm thương yêu các con, bà bộc bạch: "Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...". Nhưng tình yêu thương của người mẹ nghèo cũng không tìm ra lối thoát.

5. Bà không chỉ thương con trai mà còn thương con dâu
- Bà lão không khinh miệt, rẻ rúng nàng dâu mới mà dang rộng vòng tay bao bọc, chở che
- Bà lão thấu hiểu lẽ đời và cảm thông cho nàng dâu: "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấu đến con mình." -> bằng ngôn ngữ độc thoại, nhà văn đã diễn tả sinh động, chân thực những suy nghĩ thầm kín của người mẹ nghèo
- Bà lão tỏ ra độ lượng, dành tình yêu thương cho nàng dâu mới:
  + bà gọi thị bằng "con"
  + nói với thị: "Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng..."
-> câu nói chứa chan tình mẫu tử và tình người. Cuộc hôn nhân của anh Tràng, theo bà lão là do "phải duyên phải kiếp", do duyên trời xe định. Suy nghĩ đó của bà cụ Tứ khiến cho câu chuyện nhặt nhau giữa đường giữa chợ trở thành một lối lương duyên trời định, một cuộc hôn nhân đẹp khi được ông trời sắp đặt. Vì thế, cuộc hôn nhân của anh Tràng mặc dù không mâm cao cỗ đầy nhưng tình yêu thương, sự cảm thông của người mẹ nghèo đã thay thế cho tất cả.

6. Tâm trạng bà cụ Tứ vào sáng hôm sau
- Khuôn mặt "nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường"
- "cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên"
- "Bà lão xăm xắn thu dọn quét tước nhà của"
- Dường như bà lão có ý nghĩ rằng: thu dọn nhà của sạch sẽ, gọn gàng thì cuộc sống sẽ có thể khác đi, làm ăn khấm khá hơn. Suy nghĩ tưởng như giản đơn lại dung chứa biết bao niềm tin yêu cuộc sống.
- Bà lão còn gieo niềm tin và hy vọng cho các con:
  + bà lão tin vào sự xoay vần, biến đổi cuộc sống, "ai giàu bai họ, ai khó ba đời", may ra ông trời cho khá. -> niềm tin ấy được khơi nguồn từ kinh nghiệm sống, từ sự thấu hiểu lẽ đời. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hết mưa lại nắng hửng lên thôi/ Hết khổ lại vui vốn lẽ đời".
  + bà lão còn dạy con cách làm ăn: bỏ tiền ra mua một đôi gà, "ngoảnh đi ngoản lại chả mấy mà có ngay đàn gà" -> câu chuyện nuôi gà của bà lão thể hiện niềm hy vọng, tin tưởng vào ngày mai, vào một sự đổi đời. Niềm lạc quan tin yêu cuộc sống chính là vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn, lối sống của biết bao người nông dân lao động khốn cùng. Họ vẫn luôn tìm ra lối thoát để vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh.
-> câu chuyện nuôi gà của mẹ con cụ Tú gợi đến hình ảnh người nông dân trong bài ca dao "Mười cái trứng". Sau bao nhiêu thất bại, thất bát trong làm ăn, họ vẫn tin tưởng và hy vọng.

"Chớ than phận khó ai ơi
 Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"

7. Trong bữa cơm ngày đói chỉ có một niêu cháo lõng bõng, vài cái rau chuối thái rối, thậm chí bát cháo gạo cũng không có, phải ăn cháo cám. Miếng cháo cám đắng chát nghẹn ứ trong cổ vậy mà người mẹ ấy vẫn tỏ ra vui vẻ để truyền năng lượng tích cực cho các con
- "Bà lão nói toàn chuyện vui"
- "toàn chuyện sung sướng về sau này"
- Dường như bà lão muốn quên đi hiện tại để chỉ nghĩ cho một ngày mai tươi sáng
-> Người mẹ ấy đã thầm lặng giấu đi nỗi lo lắng, trăng trở trong lòng để mang lại niềm vui cho các con.

=> Tóm lại, Kim Lân đã xây dựng chân thực và cảm động hình ảnh người mẹ nông dân nghèo với bao phẩm chất tốt đẹp, đáng quý: giàu tình yêu thương con, giàu đức hy sinh, luôn bao dung, độ lượng sẻ chia, cảm thông với con. Dường như nhà văn đã hoá thân nhập vai vào người mẹ nghèo để khám phá, phát hiện vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp ẩn giấu trong trái tim người mẹ ấy. Nói như lời ca dao: 

"Thân cô cõng nắng nõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương"


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top