2.
2.
Tất nhiên là tuy phá ra cười như thế nhưng đâu có giải quyết được gì. Thế là tôi suy nghĩ rồi hướng về hai vợ chồng chủ quán khẩn khoản nài xin đợi thêm một ngày nữa, đừng đến trình báo cảnh sát vội thế nào tôi cũng tìm được cách giải quyết nào đó và mai sẽ đến chỗ quán Nakano nên xin hãy cho biết địa chỉ cụ thể đi. Sau khi hai người nhận lời rồi ra về, tôi ngồi lặng lẽ giữa căn phòng sáu chiếu, lo lắng băn khoăn phân vân nghĩ ngợi nhưng chẳng tìm ra cách nào khả dĩ đành đứng dậy cởi áo khoác ra, chui vào tấm chăn futon nơi đứa con đang say ngủ, vừa xoa đầu nó vừa mong rằng ngày mai trời đừng bao giờ sáng.
Cha tôi trước đây có mở một tiệm bán Oden cạnh cái ao quả bầu ở công viên Asakusa. Mẹ tôi thì mất sớm chỉ có hai cha con thui thủi ra vào với nhau. Cái quán oden đó cũng chỉ có hai cha con tôi cùng làm mà thôi, cái người là chồng tôi bây giờ cũng thỉnh thoảng có ghé qua, rồi lén gặp gỡ bên ngoài mà giấu kín không cho cha tôi hay. Rồi tôi mang thai và trải qua rất nhiều nỗi phiền hà, tôi tuy về hình thức là vợ của người ấy nhưng lại chẳng có lấy một tờ giấy đăng ký làm bằng nên con tôi chẳng khác gì đứa bé không cha. Người đó một lần rời nhà đi có lúc ba bốn đêm, có khi cả tháng không quay trở về nhà. Chẳng biết người đó đi đâu làm gì mà mỗi lần trở về nhà đều say khướt, mặt mũi xanh xao tiều tụy, hơi thở khổ sở gấp gáp, lặng lẽ nhìn gương mặt tôi rồi chảy nước mắt ràn rụa, rồi có khi thình lình chui vào chiếc futon tôi đang nằm ngủ, ôm chặt lấy tôi mà nói những câu như "không được, không được rồi. Anh sợ lắm. Sợ lắm em. Cứu giúp anh với" rồi người cứu run lên bần bật cho dù đã thiếp ngủ đi rồi mà vẫn còn thốt rồi mê sảng, kêu gào rồi sáng hôm sau lại thẫn thờ như kẻ mất hồn rồi thoáng cái lại bỏ nhà đi ba bốn đêm không về. Có hai ba người làm bên chỗ xuất bản vốn quen biết với chồng tôi từ xưa còn có chút quan tâm đến mẹ con tôi, thỉnh thoảng lại mang đến gửi cho ít tiền nhờ vậy mà hai mẹ con tôi sống lay lắt qua ngày đến được hôm nay, không đến nỗi chết đói.
Cứ trằn trọc lơ mơ mãi đến khi mở mắt ra, tôi nhận ra ánh sáng ban mai đã chiếu vào phòng qua khe cửa sổ. Tôi vội vàng trở dậy, địu con trên lưng rồi rời khỏi nhà. Căn nhà im vắng đến mức tôi có cảm giác như mình không thể nào ở trong đây nữa.
Chẳng biết đi đâu về đâu, tôi đi bộ về phía nhà ga, ghé một quán vỉa hè trước nhà ga mua một cây kẹo cho thằng bé mút rồi sực nhớ ra tôi mua vé đến ga Cát tường tự rồi lên tàu điện. Thấy những cái dây da nắm tay đung đưa nên tôi bất giác cũng nhìn theo và thấy cái tờ quảng cáo treo từ trần xe điện rủ xuống, trên đó có ghi tên chồng tôi. Đó là tờ quảng cáo của một tạp chí và chồng tôi có viết một bài tiểu luận dài tên là "Francois Villon" trên đó thì phải. Trong khi nhìn thấy cái tên Villon và tên chồng tôi nơi tờ quảng cáo đó không hiểu vì sao những giọt nước mắt cay đắng trào ra khiến cái tờ rơi đó trở nên mờ nhòe đi, không sao nhìn rõ được nữa.
Đến ga Cát tường tự, tôi xuống tàu đi bộ ra công viên Inokashira bao năm rồi chưa ghé thăm. Những hàng cây tuyết tùng bên bờ ao đã bị chặt bỏ hết, khu này dường như bắt đầu xây dựng công trình gì đó. Khung cảnh xưa hoàn toàn thay đổi khiến tôi bất giác cảm thấy lạnh người.
Tôi đỡ đứa con trên lưng xuống, hai mẹ con ngồi trên cái ghế đá sứt mẻ nơi bờ ao, rồi tôi đút cho bé ăn củ khoai mà tôi đã mang theo từ lúc rời nhà.
"Này con ơi. Con có thấy cái ao này đẹp không? Ngày xưa nhé, cái ao này đầy cá chép với cá vàng luôn nhưng mà giờ chẳng còn gì nữa cả. Chán quá con nhỉ"
Đứa con tôi chẳng biết nghĩ gì mà cất tiếng cười ke ke rất kỳ lạ trong khi phồng má vì khoai đầy trong miệng. Tuy là con mình mà sao tôi cảm thấy nó ngốc nghếch vậy không biết nữa.
Ngồi nơi cái ghế đá một lúc lâu, dùng dằng phân vân mãi rồi tôi địu thằng bé trên lưng quay trở lại ga Cát tường tự, đi xem các cửa tiệm bán đồ náo nhiệt nơi sân ga rồi tôi mua vé đi Nakano. Chẳng có suy tính hay kế hoạch gì cả tôi cứ lên tàu đi Nakano như ma đưa lối quỷ dẫn đường, rồi xuống tàu lần đường theo đúng địa chỉ mà hai vợ chồng chủ quán rượu đã nói hôm qua, rồi cuối cùng cũng tìm được đến nơi.
Vì cửa trước không mở nên tôi đi vòng ra sau và vào bằng cửa bếp. Ông chủ không có nhà chỉ có mình bà chủ đang dọn dẹp. Khi vừa giáp mặt bà chủ, tôi thản nhiên buông ra một lời nói dối dù không định trước.
"Thưa bà chủ, số tiền đó tôi sẽ trả lại đàng hoàng cho bà đấy. Nếu không phải tối nay thì ngày mai tôi sẽ xoay xở được thôi. Xin bà đừng lo nữa nhé"
Nghe nói vậy, bà chủ có vẻ vui hơn một chút nhưng trên khuôn mặt đó vẫn có điều gì đó lo lắng day dứt không yên.
"Bà chủ, tôi nói thật đó mà. Chắc chắn sẽ có người mang tiền đến đây thôi. Cho đến lúc đó tôi sẽ trở thành con tin của bà, ở lại đây cho bà yên tâm nhé. Để tôi giúp việc cho bà cho đến khi tiền trả xong xuôi"
Tôi đỡ đứa con trên lưng xuống, cho nó chơi một mình trong căn phòng sáu chiếu phía sau rồi đứng dậy bắt đầu làm việc. Thẳng bé vốn đã quen chơi một mình nên không gây phiền hà chi cả. Hay có lẽ vì ngốc nghếch mà nó không cảm thấy lạ nước lạ cái gì, thậm chí còn mỉm cười với bà chủ nữa. Khi tôi ra ngoài để lấy đồ phân phối cho cửa tiệm thay bà chủ, thằng bé chơi với cái vỏ đồ hộp của Mỹ, tự nó gõ đồm độp hay lăn cái vỏ lon làm vui, ngoan ngoan tự mình đùa chơi trong căn phòng sáu chiếu.
Khoảng gần trưa ông chủ mua cá và rau quay trở về. Vừa thấy mặt ông chủ tôi đã nhanh nhảu buông lời nói dối lúc nãy.
Ông chủ mặt mũi ngơ ngác mà nhỏ nhẹ hỏi tôi với giọng ngạc nhiên:
"Ủa? Nhưng mà, phu nhân à, tiền tôi còn chưa cầm được trong tay thì làm sao mà tôi tin được chứ?"
"Không đâu ạ. Chuyện này là thật sự đấy. Vì thế xin ông hãy tin tôi, chỉ cần đợi hết ngày hôm nay thì mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy ạ. Cho đến lúc đó, tôi sẽ giúp việc ở quán này giúp ông bà"
"Nếu trả được tiền thì còn nói làm gì nữa", ông chủ nói giọng thì thầm như độc thoại " dù gì đi nữa thì còn năm đến sáu ngày nữa mà"
"Dạ, bởi vậy cho nên cho phép tôi...A, khách đến rồi kìa ạ. Xin chào mừng quý khách ạ"
Tôi mỉm cười với ba vị khách có vẻ như đám thợ thuyền mới bước vào cửa tiệm rồi cất giọng khe khẽ "bà chủ, cho tôi mượn cái tạp đề nhé"
"Chà chà, tiệm có mướn được mỹ nhân. Em này tuyệt quá"
Một vị khách cất tiếng.
"Xin đừng cất lời dụ dỗ chứ", ông chủ nói với vẻ nghiêm túc, không có chút đùa cợt gì "vì dùng thân gán nợ đấy mà"
"Danh mã trăm vạn đô la ư?"
Một vị khách khác cất lời đùa thô tục.
"Nghe nói danh mã mà giống cái thì cũng giảm nửa giá đấy anh"
Tôi vừa rót rượu vừa cất tiếng đẩy đưa đáp lời thô tục theo.
"Em đừng khiêm tốn như thế chứ. Nhật Bản từ bây giờ nhé dù là ngựa hay chó cũng phải bình đẳng đực cái thôi em"
Vị khách trẻ tuổi nhất nói với vẻ như giận dữ rồi tiếp "này em ơi, ta yêu em mất rồi. Tình yêu sét đánh luôn đấy. Nhưng mà cô em đã có con rồi sao?"
"Làm gì có chứ", bà chủ bế đứa con từ phía sau bước ra. "Đây là đứa con tôi nhận nuôi từ người họ hàng đấy. Cuối cùng thì tôi cũng có người nối dõi tông đường rồi"
"Có thêm tiền nữa chứ"
"Thêm sắc tình thêm nợ nần nữa"
Ông chủ lẩm bẩm vậy rồi thay đổi giọng điệu hỏi mấy vị khách "mấy anh dùng gì nhỉ? Để tôi làm một cái lẩu thập cẩm nhé"
Lúc đó tôi hiểu ra một điều và tự mình gật gù lẩm bẩm. "Ra là vậy. Vẻ ngoài của mình vô tình đã gợi cho những vị khách niềm hứng thú"
Ngày hôm đó chắc là đúng vào đêm trước Giáng sinh thì phải nên khách ra vào không ngớt, tấp nập đến đi. Tôi tuy từ sáng chưa có chút gì lót dạ nhưng chắc trong lòng nặng trĩu những sầu tư nên cho dù bà chủ cứ bảo hãy nghỉ tay đi chút đã mà tôi vẫn cứ trả lời "không sao đâu ạ" rồi chạy thoăn thoắt từ bàn này sang bàn khác như thể đang mặc có một chiếc áo lông chim mà múa lượn vòng vòng vậy. Có lẽ hơi kiêu kỳ chút nhưng không hiểu sao không khí cửa tiệm ngày hôm đó chợt bừng bừng sức sống, những vị khách hỏi tên tôi hay bắt tay chào hỏi tôi không chỉ có hai ba người mà thôi đâu.
Tuy vậy, mình làm như thế này rồi sao nữa nhỉ? Tôi chẳng tìm ra được một cách nào khả dĩ. Trong lúc cười đùa, đẩy đưa những lời trêu ghẹo dâm đãng, trả lời những lời đùa hạ đẳng, chạy quanh rót rượu cho khách khứa, trong lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến duy nhất một điều giá như thân xác mình có thể tan chảy đi như kem thì hay biết bao nhiêu.
Quả thật đôi khi trên đời này cũng xuất hiện kỳ tích đấy. Đó là khoảng hơn chín giờ tối thì phải. Tôi nhìn thấy một người đàn ông đội mũ giấy tam giác mừng dịp giáng sinh, mang mặt nạ che quá nửa mặt như siêu trộm Lupin dẫn theo một quý phu nhân xinh đẹp thanh mảnh tuổi chừng ba mươi bốn, ba mươi lăm bước vào quán. Mặc dù người đó ngồi trong góc căn phòng phía sau, quay lưng về phía tôi nhưng vừa nhìn thoáng qua tôi đã biết. Đó chính là ông chồng trộm cắp của tôi.
Bên kia dường như không nhận ra tôi thì phải nên tôi cũng giả vờ không biết cứ tiếp tục đùa cợt đẩy đưa với những vị khách khác. Rồi vì quý phu nhân kia ngồi đối diện với chồng tôi cất tiếng gọi "này, cô ơi" nên tôi mới đáp lời "vâng ạ" rồi chạy đến chiếc bàn chỗ hai người ngồi với nhau.
"Chào mừng quý khách. Mời hai người dùng rượu chứ ạ?"
Khi nghe tôi nói, gương mặt ông chồng dưới cái mặt nạ thoáng chốc trở nên kinh ngạc sững sờ. Tôi xoa nhè nhẹ bờ vai đó mà nói.
"Anh không nói chúc mừng Giáng sinh sao? Anh nói gì đi chứ? Uống thêm một thăng rượu nữa nhé"
Vị phu nhân kia không để ý đến điều đó, làm vẻ mặt nghiêm túc mà bảo tôi rằng.
"Này cô ơi, xin lỗi nhưng chúng tôi có chuyện riêng cần nói với ông chủ. Cảm phiền cô gọi ông chủ vào đây một lát nhé"
Tôi chạy đến chỗ ông chủ đang làm món chiên rán phía sau mà nói.
"Anh Otani đã về rồi đấy ạ. Xin ông hãy ra gặp anh ấy với. Nhưng ông đừng kể gì về tôi cho người phụ nữa mà anh ta dẫn theo nhé. Vì tôi không muốn làm anh Otani phải ngại ngùng mà"
"Được rồi, được rồi. Tôi đến đây"
Ông chủ tuy có nửa nghi nửa ngờ lời nói dối của tôi lúc trước nhưng giờ cũng có vẻ tin tưởng vì việc chồng tôi quay trở lại đơn thuần đúng với lời tôi đã nói.
"Nhớ im lặng về tôi đấy nhé", tôi nhắc lại thêm.
"Nếu chuyện đó tốt cho mọi người thì tôi sẽ làm vậy"
Ông chủ nói rất thân tình rồi bước vào căn phòng phía sau.
Ông chủ nhìn khắp một lượt các vị khách trong căn phòng đó rồi bước thẳng đến giữa phòng nơi chồng tôi đang ngồi, trao đổi hai ba câu gì đó với vị phu nhân kia và rồi ba người bước ra khỏi quán.
Vậy là tốt rồi. Mọi chuyện đã được giải quyết xong xuôi. Không hiểu sao tôi vững tin như thế nên hết sức vui mừng. Đột nhiên tôi nắm chặt lấy cổ tay của một vị khách trẻ mặc áo kimono có hoa văn màu xanh trắng còn chưa đến hai mươi tuổi mà bảo rằng.
"Uống đi, uống đi nào. Chúc mừng Giáng sinh"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top