1.
Nghe thấy tiếng mở cửa vội vàng nơi hành lang, tôi mở mắt thức dậy nhưng vì biết chắc đó là ông chồng bét nhè của mình trở về nhà giữa đêm khuya khoắt nên tôi cứ nằm yên lặng.
Chồng tôi vừa bật đèn phòng kế bên rồi cứ vừa thở hổn hển gấp gáp "hà hà.." vừa mở ngăn kéo bàn và ngăn kéo nơi kệ sách như để quơ cào kiếm tìm gì đó rồi tôi nghe ra tiếng ngã vật xuống chiếu tiếp cùng với những tiếng thở não nề "a a ha". Không biết đang làm gì nữa vậy? Tôi cứ nằm thế nói vọng ra.
"Anh đã về rồi à? Đã ăn cơm chưa anh? Có cơm nắm em để trong chạn ấy"
"A, cám ơn em nhé", chồng tôi trả lời với giọng dịu dàng khác thường. Không những thế còn hỏi thăm thêm. "Thằng bé sao rồi em? Vẫn còn sốt à?"
Chuyện này quả là lạ lùng hiếm thấy. Thằng bé con sang năm đã bốn tuổi rồi đấy nhưng không biết có phải vì suy dinh dưỡng hay vì do chồng tôi nghiện rượu, hay bệnh tật gì không mà nhìn còn nhỏ bé còi cọc hơn cả những đứa bé hai tuổi con nhà người ta nữa. Chân đi còn chưa vững, miệng chỉ biết kêu "ngựa ngựa" với "không không" là hết mức rồi. Không biết có bị thiểu năng không nữa? Có lần tôi tôi đưa nó ra nhà tắm công cộng, tắm cho thằng bé xong khi ẵm lên nhìn thấy thân hình trần truồng với bộ dạng gầy trơ xương còi cọc xấu xí của thằng bé tôi tủi thân quá đã bật khóc nức nở trước mặt người ta. Thằng bé còn hay bị tiêu chảy và sốt nữa mà chồng tôi lại ít khi có ở nhà. Không biết có nghĩ gì đến con cái không nữa. Khi tôi bảo thằng bé sốt này anh thì chồng tôi chỉ nói à, vậy sao, đưa nó đến bác sĩ đi chứ rồi lại vội vội vàng vàng chộp lấy cái áo khoác mà đi đâu đó mất. Tôi cũng muốn đưa thằng bé đến bác sĩ lắm chứ nhưng chẳng có lấy một đồng nào nên chỉ đành ru nó ngủ rồi lặng lẽ lấy tay xoa xoa trán thằng bé mà thôi.
Vậy mà không hiểu sao đêm nay lại có chuyện gì mà lại dịu dàng khác thường như thế, lại còn hỏi thăm bệnh tình của đứa con nữa chứ. Thế nhưng tôi không cảm thấy vui mừng mà chỉ dự cảm đến chuyện gì đó đáng sợ khiến sống lưng tôi lạnh toát. Tôi không trả lời và sự im lặng kéo dài một lúc lâu, chỉ nghe tiếng thở loạn bạo của chồng tôi mà thôi.
"Xin lỗi"
Tôi nghe một giọng nói thầm thì của người phụ nữ nơi hành lang. Tôi đông cứng người lại như thể toàn thân bị dội nước lạnh.
"Này, xin lỗi. Anh Otani này"
Ngữ điệu lần này sắc bén hơn một chút. Đồng thời tôi nghe tiếng mở cửa nơi hành lang.
"Này, Otani. Có trong nhà đó không?"
Giọng nói lần này toát ra vẻ giận dữ rất rõ ràng.
Chồng tôi cuối cùng hình như cũng bước ra ngoài lang thì phải.
"Chuyện gì đấy?"
Câu hỏi lạc lõng bần thần như thể đang phấp phỏng lo lắng vô cùng.
"Chuyện gì là sao?", người phụ nữ hạ giọng nói. "Cậu cũng có nhà cửa đàng hoàng như thế này vậy mà lại đi làm ba cái chuyện trộm cướp là sao? Nếu là trò đùa ác ý thì xin cậu hãy trả lại đây. Nếu không bây giờ chúng tôi sẽ đi báo cảnh sát liền"
"Nói gì chứ? Đừng dùng lời thô lỗ khó nghe. Đây đâu phải chỗ mấy người lui tới. Về ngay đi cho. Nếu không về, tôi mới là người đi báo cảnh sát đấy"
Lúc đó, tôi nghe giọng nói của một người đàn ông.
"Khí lực tiên sinh mạnh mẽ nhỉ. Còn dám nói là đây không phải là chỗ lui tới của mấy người nữa chứ. Tôi kinh ngạc không thốt lên lời luôn đó. Sao lạ lùng vậy. Lấy tiền của nhà người ta cơ mà. Nếu là đùa chơi thì cũng phải có mức độ thôi chứ. Tiên sinh sao biết được, cho đến bây giờ hai vợ chồng chúng tôi khổ sở vì ông không biết bao nhiêu mà nói. Vậy mà ông còn làm thêm cái chuyện như đêm nay nữa thì thật là...Tiên sinh à, thật tình tôi đã nhìn lầm người rồi đó..."
"Dám uy hiếp tôi à?"
Chồng tôi cố gắng cất cao giọng dọa nạt nhưng giọng nói vô cùng run rẩy.
"Đe dọa sao? Về đi. Nếu còn kể lể than phiền gì nữa thì ngày mai hãy nói"
"Những lời như vậy mà dám nói ra được. Thiệt tình là ác nhân thất đức mà. Nếu vậy thì chúng tôi chẳng còn cách nào khác phải đi trình báo cảnh sát thôi"
Cái âm hưởng căm ghét và kinh tởm trong những lời nói đó khiến toàn thân tôi nổi da gà ớn lạnh.
"Thôi im đi chứ", giọng la lối của chồng tôi càng cao hơn nữa, nghe ra một cảm giác trống rỗng vô vọng làm sao.
Tôi trở dậy, lấy cái áo khoác choàng thêm vào người ngoài bộ quần áo ngủ, rồi bước ra hành lang chào hai vị khách.
"Xin chào quý vị"
"Chà, thì ra đây là phu nhân sao?"
Người đàn ông mặt mũi tròn trịa, tuổi quá năm mươi, mặc áo khoác đến đầu gối, hướng về phía tôi khẽ gật đầu chào, không cười chút nào cả.
Người đàn bà thì gầy gò nhỏ thó, ăn vận đàng hoàng, tuổi tầm trên dưới bốn mươi.
"Xin lỗi vì đến vào lúc khuya khoắt thế này"
Người phụ nữ đó cũng không mỉm cười một chút nào, chỉ lấy tay tháo khăn choàng đầu chào tôi.
Ngay lúc đó, bất chợt chồng tôi xỏ guốc, định chạy trốn ra khỏi nhà.
"Này này, đừng làm thế chứ"
Người đàn ông đó nắm lấy tay chồng tôi và bắt đầu gây sự.
"Buông ra không đâm chết giờ"
Trên tay phải chồng tôi con dao xếp vung lên loang loáng. Con dao xếp đó vốn là vật báu của chồng tôi, thường hay để trong ngăn kéo bàn. Vậy là khi nãy chồng tôi về nhà lục lọi ngăn kéo là đã biết sẽ có chuyện này nên tìm dao thủ sẵn trong người đây mà.
Người đàn ông đó phải buông tay. Thế là tranh thủ sơ hở đó, chồng tôi vươn hai cánh tay áo khoác như một con quạ đen lớn rồi bỏ chạy đi mất dạng biến vào đêm đen.
"Đồ kẻ cướp"
Người đàn ông đó la lớn rồi định phóng người đuổi theo nhưng tôi vội vàng bước ra ngăn níu lại.
"Thôi bỏ đi ông, lỡ như một trong hai người bị thương thì sao? Mọi chuyện trước sau còn có tôi đây mà"
Nghe tôi nói thế, người phụ nữ bên cạnh cũng nói thêm vào.
"Đúng đấy ông ạ. Đao kiếm trong tay thằng cuồng, mình không biết nó sẽ làm gì đâu"
"Mẹ kiếp. Phải gọi cảnh sát. Không thưa là không được mà"
Người đàn ông đó vừa nhìn vào trong bóng tối thẫn thờ lẩm bẩm như độc thoại, nhưng toàn thân ông ta như bị hút hết sức lực vậy.
"Thật xin lỗi. Xin mời ông bà vào nhà, cho tôi biết đầu đuôi câu chuyện đi ạ"
Nói rồi tôi bước đến ngưỡng cửa mà ngồi xuống.
"Có lẽ tôi sẽ giải quyết được chuyện này. Xin hãy ngồi xuống đi ạ. Xin lỗi vì sự dơ bẩn nơi đây"
Hai vị khách nhìn nhau, cùng khẽ gật đầu rồi người đàn ông chấn chỉnh lại tinh thần mà nói.
"Cho dủ nói gì đi nữa thì ý của chúng tôi đây đã quyết rồi. Nhưng dù sao chúng tôi cũng sẽ trình bày tường tận câu chuyện cho phu nhân đây"
"Vậy thì xin mời vào và cứ thong thả ạ"
"Không, chuyện này không có thong thả được đâu"
Người đàn ông nói rồi cởi bỏ áo khoác ngoài.
"Xin ông cứ mặc áo đi ạ. Trời lạnh lắm mà, xin ông cứ khoác áo đi. Trong nhà tôi không có chút củi lửa nào cả mà"
"Nếu vậy thì tôi xin phép"
"Xin mời. Vị này đây cũng vậy. Xin cứ tự nhiên cho"
Đầu tiên là người đàn ông rồi sau đó cả người phụ nữ bước vào căn phòng sáu chiếu của chồng tôi nhìn thấy khung cảnh hoang lương với những chiếu tatami ẩm mốc hôi hám, cửa sổ giấy rách bươm, bức tường như sắp đổ, tấm cửa trượt với tấm giấy dán bong tróc loang lổ, kệ sách và cái bàn nơi góc trống hoác trống hươ đều cố kìm nén tiếng thở dài.
Tôi lấy tấm đệm ngồi đã rách chỉ mời hai người.
"Vì chiếu bẩn thỉu quá nên xin hãy ngồi tạm bằng cái này đi ạ"
Tôi nói xong thì bắt đầu chào hỏi hai người lại từ đầu.
"Lần đầu được gặp ông bà. Có vẻ như chồng tôi đã làm phiền ông bà quá nhiều cho đến bây giờ và đêm nay lại gây ra chuyện gì kinh thiên động địa nữa chăng? Tôi xin lỗi ông bà vì cách hành xử đáng sợ của chồng tôi như thế. Như thể anh ấy là một con người khác hoàn toàn vậy"
Tôi nói cạn lời, nước mắt rơi lã chã.
"Phu nhân à, xin thứ lỗi nhưng cho hỏi năm nay cô bao nhiêu tuổi vậy?"
Người đàn ông ngồi xếp bằng trên cái nệm ngồi rách nát, đưa khuỷu tay đặt trên đầu gối chống cằm, rướn nửa thân người lên cất tiếng hỏi tôi.
"À, tôi ư?"
"Đúng vậy, chồng cô chắc là ba mươi tuổi nhỉ?"
"Vâng ạ. Tôi nhỏ hơn anh ấy bốn tuổi"
"Vậy là hai mươi sáu rồi à? Vậy thì tệ thật. Nhìn vẫn chưa thấy đến tuổi đó mà. Không, chắc chắn rồi. Nếu chồng cô đã ba mươi thì chắc chắn là như vậy. Kinh ngạc thật đấy"
"Ngay từ lúc nãy", người phụ nữ như thể ló mặt ra từ phía sau cái lưng người đàn ông mở lời.
"Chúng tôi đã vô cùng cảm động. Có người vợ tuyệt vời như thế này mà sao anh Otani đó lại trở thành như thế chứ..."
"Thì bệnh. Bệnh chứ còn gì nữa. Trước đây thì cũng chưa đến mức đó đâu nhưng rồi càng ngày càng tệ hại"
Câu nói bật ra kèm một tiếng thở dài thườn thượt.
"Thực ra thì phu nhân à", giọng nói bắt đầu trở nên đĩnh đạc. "Vợ chồng chúng tôi đây đang kinh doanh một quán ăn nhỏ ở gần ga Nakano. Tôi thì sinh ra ở miền Joushu, làm ăn đàng hoàng ngay thẳng lắm nhưng mà cái việc chơi bời phóng túng thì những người nông dân chân lấm tay bùn đâu có thích bỏ tiền mua vui gì đâu. Cho nên khoảng hai mươi năm trước, tôi cùng vợ mình đây dắt díu nhau lên Tokyo lập nghiệp, bắt đầu từ việc làm công cho một quán ăn ở Asakusa, cũng nếm trải đủ mùi thăng trầm của đời người, tích lũy được chút ít cho nên khoảng năm Chiêu Hòa thứ mười một thì phải, chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ hẹp chỉ có một gian sáu chiếu với cái sân nền đất dơ bẩn gần ga Nakano bây giờ, cần mẫn gom góp từng một yên hai yên của những người khách chơi bời để phấp phỏm mở một quán rượu. Vợ chồng tôi đâu dám phung phí gì, làm ăn chăm chỉ đàng hoàng lắm, mua sắm tích trữ các loại rượu shochu hay gin các loại để sẵn đó, rồi sau đó đến thời khan hiếm rượu, chúng tôi không chuyển nghề như các quán khác mà cố gắng cầm cự kinh doanh, nhờ thế mà cũng được nhiều vị khách giúp đỡ. Có vị khách cũng mở đường cho chúng tôi kiếm mối lấy rượu của quân đội tuồn ra, rồi khi trận chiến với Anh Mỹ bắt đầu, các cuộc không kích ngày một ghê gớm hơn, chúng tôi không vướng bận con cái cũng không có ý định tản cử về quê hương, chúng tôi cứ nghĩ rằng mình phải bám lấy việc kinh doanh này đến khi nào quán bị thiêu cháy thì thôi. Cũng may là chưa bị không kích trúng mà chiến tranh đã kết thúc rồi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, lại tiếp tục mua rượu lậu về bán. Nói tóm lại thì hoàn cảnh chúng tôi như thế đấy cô ạ. Tuy nhiên nói ngắn gọn như thế người ta cứ nghĩ có lẽ số phận chúng tôi may mắn, không gặp phải tai họa lớn lao gì nhưng mà cả đời con người ta là địa ngục cô ạ, thiện có một phân nhưng ác dài cả thước là thật đấy. Mới được có một phân hạnh phúc thế là một thước tai ách lẻn vào ngay. Con người suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày kiếm được một ngày, không chỉ cần nửa ngày thôi không phải lo lắng gì đã là hạnh phúc đấy cô ạ. Anh Otani, chồng cô ấy, lần đầu tiên đến quán của chúng tôi là vào khoảng mùa xuân năm Chiêu Hòa thứ mười chín, cái lúc mà không ai ngờ sẽ thua trận đối đầu với Anh Mỹ, không có lẽ lúc đó đã sắp sửa bại trận rồi cũng nên. Chúng tôi làm sao hiểu biết gì tình hình thực sự được chứ, bảo nhau cố gắng thêm hai ba năm, thậm chí còn nghĩ sẽ đến lúc Nhật Bản đạt được hòa hiếu, ngang hàng với các nước khác kia. Khi anh Otani lần đầu xuất hiện chỗ quán chúng tôi, chắc chắn là đang khoác áo bông vùng Kurume nhưng mà khi đó đâu chỉ anh Otani mà dân Tokyo cũng ít người mặc trang phục tránh không kích đi ngoài đường lắm, phần lớn đều mặc trang phục bình thường đi ra ngoài thôi. Chúng tôi khi đó nhìn trang phục của anh Otani chẳng cảm thấy khác lạ gì. Mà lúc đó không chỉ có một mình anh Otani đâu. Mặc dù trước mặt phu nhân đây, tôi cũng xin thưa thật không giấu diếm gì. Chồng cô được một người phụ nữ trung niên dẫn đến phía cửa sau của quán chúng tôi. Vôn trước đó quán chúng tôi ban ngày đóng cửa im ỉm, thiệt tình có thể nói là đóng cửa mà kinh doanh vậy. Chỉ có một vài người khách quen thân thiết lẻn vào từ phía cửa sau, nhưng không phải uống rượu trong cái sân đất phía trước đâu mà phải chui vào sâu trong căn phòng sáu chiếu, tắt hết đèn đuốc, nói cười nhẹ nhàng mà âm thầm say sưa thôi. Hơn nữa, người phụ nữ trung niên đó, khoảng thời gian trước vốn làm nghề tiếp rượu trong một quán bar khu Shinjuku, hay dẫn những người khách thượng đẳng đến quán chúng tôi mà chuốc rượu, rồi dần dần trở nên quen biết với chúng tôi. Như người ta hay nói "ngưu tầm ngưu mã tầm mã" đấy mà. Hơn nữa nhà cô ta cũng ở gần quán chúng tôi, từ sau khi quán bar ở Shinjuku đóng cửa, thôi làm tiếp viên, cô ta vẫn hay dẫn người quen tới. Quán chúng tôi thì rượu ngày càng vơi, cho dù khách thượng đẳng cỡ nào đi nữa mà càng ngày càng nhiều lên như thế này không làm cho chúng tôi vui vẻ cảm tạ về việc kinh doanh tiến triển như hồi trước mà còn gây phiền hà thêm nữa chứ. Nhưng đó hầu hết là những vị khách cô ta thường xuyên dẫn đến từ khoảng bốn năm năm trước mà còn tiêu pha hào phóng lắm nên vì chút nghĩa tình nên dù dẫn nhiều đến đâu, tôi cũng phải làm vẻ mặt vui vẻ mà tiếp đãi. Vì vậy mà khi đó, lúc chồng cô cùng với người phụ nữ trung niên tên là Aki đó, lẻn vào từ phía cửa sau, tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, vẫn như thường lệ đưa họ vào căn phòng sáu chiếu phía sau rồi phục vụ rượu mà thôi. Đêm đó anh Otani uống rất điềm đạm, để cho cô Aki trả tiền rồi hai người lại lẻn về theo lối cửa sau nhưng lạ lùng là tôi lại không sao quên được kiểu cách thượng đẳng khi uống rượu trong im lặng đó của anh Otani. Chắc là khi ác quỷ mới lẻn vào nhà người ta, đầu tiên cũng đều có vẻ thuần khiết lặng lẽ như vậy chăng? Từ đêm đó tiệm chúng tôi đều mong chờ anh Otani đến. Và khoảng chừng mười ngày sau anh Otani xuất hiện nơi cửa sau, lần này chỉ có một mình, bất ngờ rút ra tờ một trăm yên, ngày đó một trăm yên là số tiền lớn lắm, có lẽ còn hơn cả hai ba ngàn yên bây giờ đấy cô ạ, rồi nhét vào tay tôi, nói "nhờ ông giúp cho" rồi mỉm cười yếu ớt. Dáng điệu của anh Otani lúc đó đã có vẻ say sưa rồi mà như cô biết đấy, tôi chưa từng thấy ai tửu lượng lại cao như vậy. Mặc dù tôi nghĩ là đã say rồi nhưng anh Otani nói chuyện rất nghiêm túc, mạch lạc, dù uống nhiều đến cỡ nào đi nữa nhưng tôi vẫn chưa thấy bước chân anh Otani loạng choạng bao giờ cả. Mặc dù người ta nói con người ta tầm trên dưới ba mươi, khi huyết sung mãn, tửu lượng cao cường nhưng được như anh Otani cũng là hiếm thấy. Đêm hôm đó anh Otani xuất hiện với dáng vẻ như đã uống khá say ở đâu đó bên ngoài rồi vậy mà đến chỗ chúng tôi vẫn uống tù tì mười ly rượu sochu, hầu như im lặng, cho dù vợ chồng tôi có bắt chuyện cũng chỉ khẽ gật đầu mơ hồ ừ hử cho qua, mỉm cười hiu hắt mà thôi. Thế rồi đột nhiên anh ấy hỏi thăm "mấy giờ rồi?" và đứng dậy. Tôi nói dạ còn tiền thừa nhưng anh Otani nói thôi khỏi đi. Khi tôi cố gắng nài ép là nếu không nhận thì thật khó xử cho tôi thì anh Otani chỉ mỉm cười hiu hắt mà bảo cho để dành cho lần tới đi, tôi lại đến nữa mà. Anh Otani nói vậy rồi đi về thế nhưng phu nhân à, nói cho cô biết tôi chỉ nhận được tiền từ anh Otani có đúng một lần đó thôi còn lại cứ lừa phỉnh chúng tôi lần này đến lần khác không chịu trả một đồng nào mà nốc muốn cạn luôn kho rượu tiệm chúng tôi nữa. Cứ vậy trong suốt ba năm liền. Thử hỏi chúng tôi chán nản đến mức nào chứ?"
Bất giác tôi bật cười. Không hiểu sao lại thấy buồn cười nữa, cứ thế mà phá ra cười thôi. Tôi vội vàng lấy tay che miệng lại, nhìn qua người vợ thì thấy bà ta cũng cúi mặt khẽ cười. Ông chủ quán chẳng còn cách nào khác cũng mỉm cười khổ sở mà phân trần tiếp.
"Thiệt tình đây đâu phải là chuyện cười gì nhưng chuyện quá đáng như vậy tôi cũng muốn cười luôn chứ. Thực ra một con người tài năng như thế, nếu chuyên chú nghiêm túc vào một lĩnh vực nào đó thì trở thành bộ trưởng hay tiến sĩ gì mà chẳng được. Những người đã từng kỳ vọng vào anh Otani giờ đã không xu dính túi khóc dưới gầm trời lạnh lẽo này đâu phải là ít. Như cô Aki đấy, khi vừa quen biết anh Otani, đã trốn khỏi một Mạnh Thường Quân, đến nỗi giờ không tiền không quần áo, sống trong một căn phòng bẩn thỉu không khác gì ăn mày. Thực ra khi quen biết anh Otani đã cao hứng đến mức vênh váo mà nói ra cho chúng tôi nghe. Đầu tiên là anh Otani có thân phận cao quý lắm. Anh Otani là con trai thứ của nam tước Otani, chủ một biệt trang lớn vùng Shikoku đấy. Dù bây giờ phẩm hạnh anh ấy chẳng ra gì nên mới bị người cha từ mặt thôi chứ nếu người cha nam tước đó chết đi thì anh Otani cùng với người con trưởng sẽ chia nhau tài sản thừa kế đó. Chưa kể anh Otani rất đỗi thông minh, có thể gọi là thiên tài nữa. Quyển sách anh ấy viết năm hai mươi mốt tuổi, so với quyển sách của đại thiên tài Ishikawa Takuboku còn có phần xuất sắc hơn nhiều, rồi cho đến bây giờ anh Otani đã viết mười mấy quyển sách, tuổi tuy còn trẻ nhưng có thể xem là thi nhân số một Nhật Bản rồi. Không những thế anh Otani còn là đại học giả, học xong đại học đế quốc Tokyo, thành thạo cả tiếng Đức tiếng Pháp gì gì đấy kinh khủng lắm. Nghe cô Aki đó nói thì anh Otani gần như là thần linh vậy. Nhưng mà biết đâu tất cả là chuyện bịa thì sao nên tôi có hỏi qua người khác nói thì đúng anh ta là thứ nam của nam tước Otani và là nhà thơ xuất chúng nhưng mà chúng tôi cũng tranh cãi với Aki vì xét thấy hành vi và điệu bộ anh Otani có cái gì đó khác hẳn với những người được nuôi dạy chu đáo. Chúng tôi cứ cảm thấy như vậy đó. Mặc dù bây giờ tầng lớp quý tộc chẳng là cái thá gì nữa nhưng mà cho đến trước khi kết thúc chiến tranh thì để tán tỉnh đàn bà con gái cứ mang thân phận đứa con trai bị từ mặt gốc quý tộc là xong ngay. Kỳ lạ là dường như đàn bà cũng nhìn ra điều đó chứ có phải không đâu. Thiệt tình mà nói theo ngôn ngữ bây giờ đó là do căn tính nô lệ thì phải. Tôi vì thấy sự trác táng không chịu tu tỉnh như thế thì mặc dù là trước mặt phu nhân đây nhưng cho dù là gốc quý tộc đi nữa, hay là thứ nam của một quý ngài nào đó vùng Shikoku tôi cũng chẳng thấy khác gì với chúng tôi đây cả, đâu cần phải vì đó cao hứng hay nhìn thấu suốt làm chi. Mà tôi cũng dở. Đã biết vị tiên sinh đó như thế nên quyết tâm sẽ không bán rượu cho nữa dù có năn nỉ bao nhiêu thế mà khi nhìn thấy bộ dạng như bị ma đuổi đó xuất hiện bất ngờ nơi cửa tiệm như thể đến đây mới được thở phào nhẹ nhõm là tất cả quyết tâm của tôi đều tiêu tan, lại mang rượu ra rót mời. Cho dù say sưa đến đâu cũng không quậy phá nên nếu mà trả tiền rượu đàng hoàng vào thì cũng xem là khách quý đấy. Hơn nữa dù là thiên tài nhưng không bao giờ tự cao tự mãn, khoác lác về bản thân mình. Trong khi cô Aki bên cạnh cứ mãi quảng cáo về tài năng phi thường của vị tiên sinh đó mà tôi lại mở miệng ra nói tôi muốn tiền, hãy trả tiền cho tôi đi thì không khí sẽ trầm lắng đi mất. Dù anh Otani chưa một lần nào trả tiền rượu cho tôi hết nhưng cô Aki thỉnh thoảng trả thay cho vài ba lần, rồi có thêm một người phụ nữ bí mật khác nữa mà nếu để cho cô Aki biết thì nguy. Quý phu nhân đó thỉnh thoảng lại đến cùng với anh Otani, có lần trả quá số tiền rượu nữa mà tôi vốn là thương nhân, nên nếu không có những ngày như thế thì cho dù là tiên sinh Otani hay là người trong hoàng tộc gì đi nữa cũng không thể nào cho uống không mãi được. Tuy nhiên những lần hiếm hoi đó không sao mà đủ được nên chúng tôi lỗ nặng nên nghe nói tiên sinh có nhà ở Koganei, có vợ con đàng hoàng nên định đến một lần hỏi chuyện thanh toán nợ nần. Tôi cũng có lần hỏi anh Otani là nhà cửa nơi đâu thì ngay lập tức anh Otani cảm thấy điều gì đó, chối phắt là không có không có đâu, rồi còn bảo mấy lời khó nghe như tại sao lo lắng dư hơi như thế, gây sự như thế tôi bỏ đi luôn thì ai thiệt cho biết nữa chứ. Tôi cũng hai ba lần theo dấu tiên sinh để điều tra xem thử nhà cửa ở đâu nhưng lần nào cũng bị cắt đuôi ngoạn mục cả. Lúc đó Tokyo lại liên tục bị không kích, anh Otani đội cái mũ chiến đấu, đột nhiên xuất hiện, tự tiện lấy từ trong tủ chăn mền ra một chai rượu brandy, hiên ngang đứng đó mà uống rồi lại biến đi như cơn gió, đâu còn kịp đòi tiền hay làm gì nữa chứ. Không lâu sau đó thì chiến tranh chấm dứt, thế là tôi lại công khai thu mua rượu lậu, làm tấm rèm che mới trước cửa tiệm, cho dù quán có bần hàn đến đâu cũng phải làm ra vẻ sang trọng, thuê cả một cô gái về làm thêm để thu hút khách nữa, thế mà vị tiên sinh ma quái kia lại xuất hiện, lần này không dẫn theo phụ nữ mà dẫn theo hai ba người là ký giả báo chí gì đó. Nghe mấy người ký giả nói chuyện thì bây giờ không còn là thời của quân đội nữa mà là thời của những nhà thơ vốn nghèo rớt mồng tơi cho đến giờ nổi lên xưng hùng xưng bá. Tiên sinh Otani nói chuyện với mấy người đó về những cái tên nước ngoài, tiếng Anh, triết học kỳ quái gì gì đó mà tôi chẳng hiểu nữa rồi đột nhiên đứng dậy bỏ đi, không quay trở lại nữa. Đám ký giả mặt mũi cau có ngơ ngác hỏi ủa thằng đó đi đâu rồi kìa, thôi chúng ta cũng về thôi rồi đứng dậy sửa soạn ra về. Tôi mới nói các ngài khoan đã, tiên sinh đó lúc nào cũng trốn mất như vậy, cảm phiền các ngài trả tiền giùm cho. Có kẻ thì cũng rút tiền trả đàng hoàng rồi về có kẻ thì nổi giận mà bảo rằng để Otani trả đi, bọn tao chỉ có năm trăm yên mà sinh sống mỗi tháng đây này. Mặc dù bị nổi giận như thế nhưng tôi vẫn nói thưa không, các ngài có biết anh Otani nợ tiền rượu ở đây bao nhiêu rồi không? Nếu các ngài có thể lấy từ anh Otani chút nào tiền nỡ rượu trả cho tôi thì chúng tôi xin biếu các ngài một nửa đấy. Đám ký giả nghe thế thì thộn mặt kinh ngạc mà rằng thiệt không ngờ cái thằng Otani lại tệ hại đến thế. Từ giờ trở đi không uống với nó nữa. Chúng ta đêm nay không có lấy một trăm yên, ngày mai sẽ mang đến nên bây giờ cho cầm tạm cái này vậy, nói rồi hùng hổ cởi áo khoác ra để đó. Người ta nói đám ký giả phẩm cách tệ hại lắm nhưng so với anh Otani thì còn đàng hoàng chính trực hơn nhiều. Nếu anh Otani là thứ nam của một nam tước thì đám ký giả đó có giá trị như trưởng nam của công tước vậy. Từ sau chiến tranh, tửu lượng của anh Otani tăng thêm một bậc nữa, điệu bộ tệ hại hơn, còn hay bật ra những câu nói đùa đê tiện trước đây chưa từng nghe bao giờ nữa, lại còn đột nhiên nổi giận đánh nhau với đám ký giả rồi cãi nhau om sòm lại lừa gạt cô bé làm chỗ tiệm chúng tôi chưa đến hai mươi tuổi đầu thành người của mình không biết từ bao giờ nữa chứ. Tôi vô cùng kinh ngạc và quá sức khó xử nhưng vì chuyện đã lỡ làng rồi nên đành cam chịu chứ biết sao. Tôi đã khuyên nhủ con bé đó nghỉ việc, âm thầm trả về nhà cha mẹ nó rồi. Tôi đã lên tiếng khẩn cầu anh Otani à, tôi không nói gì được nữa, xin anh đừng đến đây nữa cho tôi nhờ. Thế là anh Otani giở giọng hăm dọa đê tiện là đã kiếm lời từ trong bóng tối thì đừng có giở giọng đạo đức dạy bảo như người ta làm gì, tôi biết hết cả đấy rồi tối hôm sau lại thản nhiên đến quán ngồi. Có lẽ do tôi buôn bán lén lút trong chiến tranh nên bị trừng phạt phải tiếp đãi những con người như ác ma thế kia nhưng mà cái chuyện tệ hại như đêm nay, thi nhân rồi tiên sinh là cái quái gì chứ, chỉ còn là một tên trộm cướp, lấy sạch năm ngàn yên của chúng tôi rồi chạy mất. Việc thu mua rượu làm chúng tôi rất tốn tiền, cho nên dù trong nhà lúc nào cũng có tiền mặt từ năm trăm đến một ngàn yên nhưng nói thật thì tiền bán hàng vừa thu được bên này thì phải rót vào tiền nhập hàng bên kia hết. Số tiền lớn năm ngàn yên đêm nay tại quán là do năm hết tết đến, gần đến giao thừa rồi nên tôi mới đi quanh một vòng các nhà khách quen thanh toán mới gom được chừng đó, tính để đêm nay đưa cho phía nhập hàng nếu không thì từ Tết năm tới chúng tôi không kinh doanh buôn bán gì được nữa. Số tiền lớn đó bà nhà tôi tính toán xong đem cất vào ngăn kéo phía sâu trong căn phòng sáu chiếu vậy mà vị tiên sinh đó đang ngồi uống rượu một mình nơi chiếc ghế ngoài sân đất cũng nhìn thấy xăm xăm bước vào, không nói không rằng mở ngăn kéo, lấy hết xấp tiền năm ngàn yên nhét vào túi áo khoác rồi trong lúc tôi còn đứng chôn chân kinh ngạc như trời trồng thì anh ta đã bước ra đến sân đất rời khỏi cửa tiệm. Tôi cất tiếng kêu lớn bảo anh ta dừng lại rồi cùng với bà nhà ra sức đuổi theo sau. Tôi cũng định đã đến nước này thì chi bằng cứ kêu lớn "đồ ăn cắp" cho người qua đường biết mà giúp tóm lấy luôn nhưng nghĩ lại anh Otani với chúng tôi vốn là chỗ quen biết đã lâu nếu mình làm vậy thì tàn nhẫn quá nên mới quyết tâm đuổi theo anh Otani không được để mất dấu dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chờ cho anh ta bình tĩnh lại để nói chuyện trả số tiền đó lại cho chúng tôi thế là hai vợ chồng tôi hợp sức lại chạy đến được căn nhà này, cố gắng kiềm chế nhẫn nhịn để nhẹ nhàng nói anh ta trả tiền lại đây. Không ngờ anh ta còn hỏi chuyện gì rồi vung dao dọa đâm nữa chứ. Thiệt tình luôn...."
Lần này cũng không hiểu sao nữa tôi phá ra mà cười. Người vợ cũng đỏ mặt mà khẽ mỉm cười theo. Mặc dù cảm thấy như vậy là có lỗi với ông chủ quán nhưng tôi cứ thấy buồn cười mãi không sao ngăn lại được. Tôi cười đến chảy nước mắt rồi bất chợt nhớ đến câu thơ của chồng tôi "cười lớn là kết quả tận cùng của văn minh" chắc là để nói về tâm trạng như thế này đây.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top