35


Lời cuối: Yêu con trọn đời

Qua mười năm tiếp cận nền giáo dục xuyên quốc gia, đến nay trong đầu tôi liên tục xuất hiện hai hình ảnh sống động: Hình ảnh thứ nhất khắc họa một số cha mẹ Trung Quốc yêu thương con cái giống như hình tử cung; hình ảnh thứ hai khắc họa các bậc cha mẹ Do Thái yêu thương con cái giống như hình ngọn lửa.

Bức vẽ tử cung đẹp nhất xuất hiện trong bản thảo của Leonardo da Vinci, thời kỳ Phục Hưng, thể hiện hoàn hảo ý nghĩa "cung điện của đứa bé." Con cái tựa như tác phẩm được sinh ra từ tử cung của người mẹ, sau khi chào đời, nếu cha mẹ vẫn không cắt đứt "tử cung hư cấu" do chính mình tạo ra để tiếp tục "yêu" con, thì dần dần phụ huynh sẽ bồi dưỡng con thành kẻ tầm thường, không có tài cán gì.

Với hình ảnh ngọn lửa, các bậc cha mẹ Do Thái dùng ngọn lửa nhóm lên cuộc đời và tiền đồ cho con. Nhìn từ xa, họ giống như mặt trời trong buổi ban mai.

Tình yêu cha mẹ dành cho con cái trong hình tử cung và tình yêu cha mẹ dành cho con cái trong hình ngọn lửa, liệu có mâu thuẫn với nhau không? Thưa, hoàn toàn không! Không có tình yêu giống như tử cung, làm sao có sự dâng hiến, có lòng hy sinh; nhưng nếu không dùng đến tình yêu như hình ngọn lửa, thì sự nhiệt tình của cha mẹ chỉ là hành động theo cảm tính, không có lý trí, là sự hy sinh chỉ có vất vả mà không mang lại lợi ích lâu dài cho con, là tình yêu mù quáng không sáng suốt và thiếu tính nghệ thuật.

Trong thế kỷ XXI, con cái phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt, tôi tin rằng tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới đều có chung nhận định, cách bao bọc con trong một tử cung hư cấu là cách dạy mang tính hủy hoại. Song điều đáng lo là không ít bậc phụ huynh lún sâu vào sai lầm đó lại không hề nhận ra rằng chính bản thân họ là người mang đến cho con món quà đáng sợ nhất.

Tôi không muốn khoe khoang phương pháp dạy con của mình chỉ vì các con tôi đã trở thành triệu phú. Bởi tôi cũng từng là một bà mẹ không tìm được phương hướng, từng bị một bà mẹ khác phê bình tình mẫu tử của mình, cho nên tôi càng thấu hiểu tâm tình của các bậc cha mẹ ngày nay. Cũng bởi vậy, tôi mong muốn được chia sẻ tất cả kinh nghiệm cũng như sự phấn đấu của mình với mọi người. Làm mẹ cũng cần phấn đấu sao? Nếu bạn có thể leo một cương vị cao mà không cần dựa vào bằng cấp, thì đó là cương vị làm mẹ. Chỉ có điều, người giữ cương vị này phải có kiến thức uyên thâm, "thi đầu vào" thì dễ, "tốt nghiệp" mới khó. Giống như Maksim Gorky từng nói: sinh con là việc ngay cả gà mái cũng biết làm, yêu con là việc khác. Khi tình thân đã được nhân loại khoác trên mình sứ mệnh giáo dục, mà các bậc cha mẹ vẫn chỉ biết dành cho con tình yêu thương đong đầy là hoàn toàn chưa đủ, họ cần phải nắm bắt quan điểm khoa học, nắm bắt nghệ thuật và học vấn để yêu thương con. Còn những quan niệm và phương pháp giáo dục không phù hợp, rốt cuộc kết quả nhận được sẽ hoàn toàn đi ngược lại mong đợi của cha mẹ.

Mỗi bậc cha mẹ đều kỳ vọng con mình thành tài, đều tích cực yêu thương con, song lớn lên mỗi đứa trẻ lại có một tương lai khác nhau. Có trẻ tài năng xuất chúng, có trẻ vô cùng tầm thường, tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ấy chỉ đơn giản là gia đình có chọn cách yêu con khoa học hay không, có ngăn chặn thất bại hay không.

Trong cuốn sách này, tôi luôn nhấn mạnh đến việc tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái cần phải có ý nghĩa, có giá trị và có thành tựu. Việc sau này lớn lên trẻ có được cuộc sống tốt hơn hay không liên quan mật thiết đến nỗ lực của cha mẹ. Là một người mẹ sống trong thời kỳ đất nước Trung Quốc thay đổi, chuyển mình đến chóng mặt, cảm nhận được sự khác biệt trong nền giáo dục đa quốc gia của Trung Quốc và văn hóa Do Thái, tôi đã phải trải qua rất nhiều vất vả và phải tự xem xét lại mình.

Tôi ghi lại ba nội dung chính và kỹ xảo tương ứng của phương pháp Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương, đó chính là những kinh nghiệm, nỗ lực và sự suy xét của tôi. Đây không chỉ là cuốn sách tham khảo dành riêng cho các gia đình khá giả, mà nó còn thôi thúc họ đổi mới cách yêu con. Tuy cuốn sách lấy phương pháp giáo dục của người Do Thái làm chuẩn mực, song tôi cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một số đạo lý trong này đều có thể được áp dụng chung cho cả thế giới. Còn tấm lòng những người làm cha làm mẹ dành cho con cái thì ở đâu cũng giống nhau. Tôi hy vọng cuốn sách có thể giúp các bậc cha mẹ lĩnh ngộ một số kỹ năng dẫn dắt của cha mẹ đối với con cái.

Vì vậy, nếu các bạn hỏi tôi những câu hỏi đại loại như, "Làm cha mẹ như thế nào, yêu con như thế nào, triển khai giáo dục gia đình ra sao, làm sao cho con lớn lên có một cuộc sống tốt hơn", tôi sẽ luôn trả lời các bạn theo phương châm của cuốn sách này: Tình yêu cha mẹ dành cho con cái mãi mãi vô hạn, nhưng cũng có tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của tình yêu ấy, đó là tình yêu chất lượng cao, đem lại cho con lợi ích suốt đời.

Cuối cùng, từ cuốn sách này, một lần nữa chúng tôi muốn chia sẻ với các bậc cha mẹ những quan niệm và kỹ xảo mang lại lợi ích suốt đời cho con.

Người Do Thái xếp "giáo dục sinh tồn đứng hàng đầu trong các chương trình giáo dục trẻ em", trong đó "nguyên tắc có làm có hưởng" là tinh hoa của giáo dục sinh tồn, nó chẳng những khiến cho con cháu của họ trở nên tài giỏi và giàu có, mà còn khiến họ dù phiêu bạt đến bất cứ nơi nào, sự nghiệp cũng như diều gặp gió. Theo phụ huynh Do Thái, giáo dục tố chất bao gồm âm nhạc, múa, mỹ thuật, tennis đều là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của con, nhưng những môn học ấy không thể cung cấp cho trẻ một "sân huấn luyện" kinh nghiệm cuộc sống. Đứa trẻ chỉ có thành tích học tập xuất sắc chưa chắc thành công trong cuộc sống, nói cách khác, trẻ chỉ có thành tích học tập xuất sắc không có nghĩa là nó sẽ thực hiện suôn sẻ giá trị cá nhân và giá trị xã hội trong cuộc sống sau này.

Tạp chí Giáo dục gia đình của Israel từng tiến hành một cuộc điều tra cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ thích làm việc nhà và những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 1:15, thu nhập bình quân của những đứa trẻ thích làm việc nhà cao hơn những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 20%. Trẻ hiểu lý luận học về lao động ngay từ khi còn nhỏ, tìm được phương hướng cuộc đời trên nền tảng không ngừng thể nghiệm cuộc sống, ngày sau càng dễ thành công trong sự nghiệp. Xét về cải cách giáo dục trong gia đình tôi, từ khi thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng, tôi nhận thấy các con tôi giỏi giang hơn những gì tôi tưởng tượng, chúng có ý thức thời gian, ý thức chi phí, ý thức quản lý bản thân và ý thức trách nhiệm hơn trước.

"Trì hoãn sự thỏa mãn, biết yêu đồng thời cũng biết dạy." "Đặt mình vào vị trí của trẻ" vốn là kết quả của sự quan sát khoa học với trẻ em, nó thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu của xã hội ngày nay đối với trẻ. Tuy nhiên, "đặt mình vào vị trí của trẻ" không phải là xúi giục phụ huynh cho con cái ngồi trên ghế cao đè đầu cưỡi cổ mình, đó là nhận thức sai lầm. Đặt mình vào vị trí của trẻ nhấn mạnh tính quan trọng của việc tương thông giữa tâm hồn cha mẹ và con cái, nhưng không cho phép cha mẹ thỏa mãn vô hạn yêu cầu của con hoặc là dễ dàng thỏa mãn, thỏa mãn quá mức.

Tôi rất thích tham gia các buổi họp phụ huynh ở các trường học Israel, vì mỗi buổi họp đều khiến tôi mở rộng tầm mắt, các bậc phụ huynh thường xuyên đưa ra những góc nhìn của mình về quan niệm bồi dưỡng "trì hoãn sự thỏa mãn" cho trẻ, như "tham quan một ngày của cha mẹ", "mô phỏng hoàn cảnh gia đình." Sự xuất hiện của vô vàn các nhân tài Do Thái trên khắp thế giới là minh chứng cụ thể cho những lợi ích không nhỏ mà truyền thống giáo dục gia đình của người Israel mang lại.

Hiện giờ, chúng ta là người cha người mẹ yêu thương con cái nhất, chúng ta có khả năng đáp ứng tất cả các yêu cầu của con. Nhưng đến khi đứa trẻ vốn quen đắm mình trong cảm giác thỏa mãn đó bước ra xã hội, xã hội liệu có thể đáp ứng yêu cầu của nó? Nếu như xã hội không thể đáp ứng yêu cầu của nó, vậy tâm lý của nó có suy sụp hay không? Nếu bạn không muốn nộp khoản học phí quá đắt đỏ ấy cho con, thì trước hết phải triển khai các bài học từ chối sự thỏa mãn ở mức độ vừa phải trong phạm vi gia đình. Một mặt khiến trẻ biết trì hoãn sự hưởng thụ, có kỳ vọng vào cuộc đời, một mặt tăng cường tâm lý chịu đựng của trẻ sau khi bị từ chối, mua "bảo hiểm tâm lý" cho trẻ.

"Lùi một bước, học buông tay, không bồi dưỡng 'thai nhi quá hạn', không làm cha mẹ trực thăng."

Nhờ các bà mẹ Do Thái soi sáng, tôi hiểu làm mẹ – môn nghệ thuật sâu sắc nhất không phải là làm tổng quản ôm đồm mọi việc, mà làm quân sư có trách nhiệm "quan sát, nhắc nhở và tham mưu" cho con. Các bậc cha mẹ thật sự nghĩ cho hạnh phúc của con em mình, phải có con mắt đầu tư lâu dài, biết lùi về phía sau một bước, trao cho trẻ nhiều cơ hội sáng tạo, tìm kiếm thông tin bên ngoài, chứ không đứng mũi chịu sào, một tay lo hết mọi việc, che khuất tầm nhìn tương lai của trẻ.

Từ những kinh nghiệm cuộc sống được tích lũy trong hàng chục năm trời, chúng ta cần phải cho con biết: Con hãy xem mình có hứng thú với cái gì, có năng khiếu gì? Con muốn trở thành người như thế nào, con đã chuẩn bị tinh thần học tập suốt đời chưa? Làm cha mẹ, chúng ta cần phải rèn luyện kỹ năng suy nghĩ độc lập, kỹ năng lựa chọn, kỹ năng xây dựng lý tưởng và kỹ năng tìm kiếm giá trị cho con.

Ở Israel lưu truyền một câu danh ngôn của Albert Einstein, hậu duệ tài ba của người Do Thái: Mục đích của giáo dục là mỗi cá nhân đều phải tôi rèn thành một người có tư tưởng độc lập.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều, tôn chỉ duy nhất mà Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương muốn đem lại cho các độc giả đã đang và sắp làm cha làm mẹ, đó là giúp họ hoạch định tầm nhìn và tư duy giáo dục gia đình một cách hợp thời nhất, giúp cho trẻ có một xuất phát điểm tốt hơn cho cuộc sống sau này, đó là cha mẹ chỉ ẩn giấu đi một nửa trái tim mình, chứ không phải vứt bỏ phân nửa tình yêu thương ấy, có như vậy thì tình cảm cha mẹ dành cho con cái mới trở nên lý trí, khoa học và nghệ thuật hơn, chứ không phải ngày càng nặng nề, ngày càng mù quáng.

Qua quá trình quan sát trẻ em Do Thái, tôi nhận thấy phương pháp giáo dục gia đình "vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương" không hề làm cha mẹ và con cái trở nên xa cách, mà còn tăng thêm tính liên kết trong gia đình, tăng thêm cảm giác an toàn của trẻ. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng gắn bó hơn.

Trong hàng chục ngàn công việc khác nhau trên thế giới, nuôi dạy con cái là công việc quan trọng nhất và đòi hỏi nhiều thử thách nhất. Rất nhiều bậc cha mẹ sử dụng phương pháp nuôi dạy con cái bằng thực tiễn, mò đá qua sông, nhưng đến khi sang được bờ bên kia họ lại thường hướng ánh nhìn tiếc nuối sang bờ bên này. Đó là điều không tránh khỏi, vì tình thương dành cho con cái là vô bờ. Nhưng những tiếc nuối ấy có thể bức xạ trên diện tích nhỏ hơn hay không?

Erich Fromm, nhà tâm lý học người Mỹ từng nói một câu như sau: Yêu thương giống như một môn nghệ thuật, chúng ta cần phải học tập thì mới nắm bắt được nó. Mỗi người cha người mẹ phải biết "yêu thương" thông qua quá trình học tập và nỗ lực của mình. Như vậy là ông đang nói đến việc tri thức có khả năng thay đổi số phận, nếu như chúng ta nắm vững tinh hoa chân chính của quan niệm giáo dục gia đình, chẳng phải có thể thay đổi vận mệnh của cả gia đình hay sao?

Trở thành cha mẹ, đồng nghĩa với sự song hành của khó khăn và vĩ đại, vất vả và hạnh phúc, vậy chúng ta hãy ấp ủ ước mơ và hy vọng, không ngừng trau dồi yêu thương và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn đang ở phía trước!

Cảm nhận sau khi đọc cuốn sách

"Thỏa mãn quá mức" là sự bạo hành trong giáo dục gia đình

- ĐỒNG ĐẠI HOÁN

Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương thật sự là một cuốn sách hay. Tôi đã dành riêng mấy ngày, ngấu nghiến đọc hết cuốn sách này và cảm thấy tiếc nuối vì mình đọc được nó quá muộn. Nay con tôi đã học lớp 9, nếu như tôi đọc được cuốn sách này khi con tôi mới học những năm đầu tiểu học, có lẽ sẽ tốt hơn cho quá trình trưởng thành của cháu rất nhiều. Tất nhiên bây giờ tôi đọc nó vẫn còn kịp, chỉ có điều thời gian thấm thoắt thoi đưa, nhiều nhất ba năm nữa con tôi cũng phải rời xa cha mẹ, một mình bươn chải ngoài xã hội.

Đa số các vấn đề về giáo dục của Trung Quốc đều xuất phát từ phụ huynh, cụ thể là giáo dục trong gia đình. Từ cha mẹ cho đến thầy giáo đều ra sức nhồi nhét kiến thức vào đầu con trẻ, mà không nghĩ cách khuyến khích chúng tự giác, chủ động học tập. Chúng ta đang cho trẻ đi tàu bay giấy, tách rời những tri thức và thói quen sách vở với bồi dưỡng đạo đức và trí tuệ sinh tồn. Trên thực tế, trí tuệ sinh tồn là cội nguồn của mọi tri thức và trí tuệ. Trẻ em nhà nghèo sớm biết làm việc nhà vì cha mẹ chúng quán triệt giáo dục sinh tồn ngay từ đầu, bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn cho con từ khi chúng còn nhỏ.

Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương nhắc đến việc người Do Thái coi việc "thỏa mãn quá mức" là bạo hành trong giáo dục gia đình. Về học tập, cách giáo dục con cái của chúng ta giống như cây gậy, không ngừng gia tăng áp lực cho trẻ (kể cả học nghệ thuật); nhưng đối với những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày, thì cách giáo dục con cái của chúng ta lại như mật ngọt, cha mẹ cơm bưng nước rót cho con và đáp ứng mọi đòi hỏi của chúng. Từ đó dẫn đến hệ quả, rất nhiều người Trung Quốc suốt đời dựa dẫm cha mẹ giống như hổ Hoa Nam được nuôi nhốt, bảo vệ cẩn thận nên thiếu kỹ năng sinh tồn khi trở về môi trường hoang dã. Ngày sau lớn lên con cái chúng ta chỉ biết ca cẩm phàn nàn và trông chờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ, mà không chịu nỗ lực phấn đấu, chỉ biết than mình sinh ra không gặp thời, than tài năng của mình không được đánh giá cao.

Bà Sara, tác giả cuốn Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương một mình nuôi dạy ba người con trong khi kinh tế gia đình sa sút, bà chưa bao giờ yêu cầu các con phải trở thành triệu phú hay ngôi sao, song bà từng bước bồi dưỡng họ trở thành người tự lập, kiện toàn, hiếu thảo, có trí tuệ sinh tồn, có khả năng và hứng thú học tập suốt đời, có ước muốn để theo đuổi và có động lực sống. Người con 7x của bà đã tặng mẹ chiếc chìa khóa của một căn biệt thự ở thành phố Thượng Hải sầm uất khi mới hai mươi ba tuổi, và chưa đến ba mươi tuổi anh đã trở thành triệu phú, đó mới chỉ là kết quả phụ từ cách nuôi dạy con cái theo phương pháp này. Cuốn sách này cho chúng ta thấy phương pháp giáo dục sinh tồn, trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn, rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian... cho con ngay từ khi chúng còn nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành tư tưởng dựa vào chính mình. Khác với những cuốn sách bồi dưỡng "nhân tài" chúng ta vẫn thường đọc chỉ có thể khiến người ta ngước nhìn mà không thể theo kịp, ở đây mỗi phụ huynh chỉ cần dụng tâm đều có thể lĩnh hội và thực hiện được phương pháp nuôi dạy con thành tài.

Chiều con là hại con

- QUÁCH THIỆU VŨ

Sáng thứ bảy, trên đường đi làm, tôi tình cờ nghe MC Hiểu Lợi, đồng nghiệp của tôi giới thiệu với bạn nghe đài cuốn sách mới Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương của bà Sara - một bà mẹ Do Thái, nói về tư tưởng và khuôn mẫu giáo dục gia đình của người Do Thái, trong chương trình Hoa phụ nữ. Tôi ngồi trong xe, chú tâm nghe, đặc biệt là đoạn Hiểu Lợi nói quan niệm dạy con chủ đạo của bà Sara là "trì hoãn sự thỏa mãn", tôi bỗng cảm thấy lòng mình xao động, quan niệm của bà khác hẳn với quan niệm cố gắng đáp ứng tất cả các yêu cầu của con ở hầu hết các bậc phụ huynh Trung Quốc. Vì vậy tôi rất tò mò, đến cơ quan, tôi đi thẳng vào phòng phát thanh, mượn cuốn Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương trên tay Hiểu Lợi ngay khi cô ấy vừa thực hiện xong chương trình Hoa phụ nữ, và đọc một mạch hết hai trăm năm mươi ngàn chữ trong hai ngày nghỉ cuối tuần.

Do Thái là một dân tộc huyền bí, trong lịch sử từng xuất hiện nhiều triết học gia vĩ đại, các doanh nhân thành đạt ở khắp mọi nơi rất nhiều người có nguồn gốc Do Thái. Họ là một dân tộc ít người nhưng có sức mạnh cực kỳ lớn lao, chưa biết chừng còn nắm giữ huyết mạch của cả thế giới. Còn riêng cuốn sách của một người phụ nữ Do Thái sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, chỉ có trình độ học vấn cấp hai này cũng đủ để chúng ta phải suy ngẫm về câu hỏi làm cha làm mẹ như thế nào và khiến tôi một lần nữa phải thốt lên rằng: người Do Thái quá giỏi.

Năm nay bà Sara năm mươi tám tuổi, cha bà là một người Do Thái từng trốn đến Thượng Hải lánh nạn trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Để tạo cho các con một môi trường phát triển hoàn toàn mới, bà Sara đưa cả nhà sang Israel. Thời gian đầu, cuộc sống của bà gặp vô vàn khó khăn vất vả, bốn mẹ con sống dựa vào nghề bán nem rán, vậy mà bà vẫn đi theo nguyên tắc dù mình có khổ thế, khổ nữa cũng không được để cho con khổ, bà là máy giặt, là tủ lạnh, là ngân hàng của các con, không khiến chúng nhúng tay vào việc buôn bán và cả việc nhà nặng nhọc. Giả dụ bà Sara không di dân, không gặp được những người hàng xóm tốt bụng ở Israel, chắc hẳn bà cũng ôm hết những khó khăn trong quá trình trưởng thành của con mình, giống như phần lớn các bà mẹ Trung Quốc.

Nhưng từ khi đến Israel, sự việc dần dần thay đổi. Một hôm, người hàng xóm sang nhà bà chơi, tận mắt chứng kiến mọi việc, thẳng thắn mắng con trai lớn của bà: "Cháu đã lớn rồi, phải biết đỡ đần mẹ chứ, không được như đồ vô dụng, trơ mắt nhìn mẹ mình bận rộn tất bật." Tuy bà hàng xóm mắng người con, nhưng từ khi nghe được câu nói này, bà Sara đã bắt đầu thay đổi quan niệm giáo dục, bà cho các con tự trải nghiệm những khó khăn trong cuộc sống. Ba người con của bà dần trưởng thành trong quá trình quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau và ứng phó với khó khăn, họ không ngừng học tập, cuối cùng lập nên sự nghiệp của mình.

Như bà Sara từng chia sẻ trong cuốn sách này: Gà mái cũng biết đẻ con, nhưng dạy con là một chuyện khác. Phần lớn phụ nữ sinh con trong khi họ còn chưa biết cách dạy con như thế nào, nhất là phụ nữ thành thị ở Trung Quốc hiện nay. Họ có một cuộc sống tốt nên thường chọn cách nuông chiều con cái, thỏa mãn trước, thỏa mãn quá mức yêu cầu của con, mà không biết rằng: "Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu!"

Các bậc cha mẹ hãy dắt tay con đi hoặc nhìn con tự bước đi, tuyệt đối không bế con! Và hãy xuất hiện vào những lúc con cần cha mẹ nhất hay những lúc cha mẹ bắt buộc phải xuất hiện, chứ chúng ta vĩnh viễn không được trưởng thành thay con.

Từ ánh mắt cương nghị của bà Sara, tôi nhìn ra tấm lòng của một bà mẹ kiên cường.

Rất nhiều các bà mẹ trên thế giới cũng có chung nhận định chiều con là hại con, nhưng thật sự chúng ta rất khó có thể cứng rắn với con, tự tạo ra nghịch cảnh cho con, trì hoãn thỏa mãn và nhất là ý thức bồi dưỡng chỉ số EQ, AQ, FQ cho con. Người nào làm được những điều này, người đó mới chính là bà mẹ nhân từ và vĩ đại.

Tuy bà Sara có trình độ học vấn không cao nhưng khả năng hiểu biết, khả năng học tập và khả năng viết của bà không thua kém gì trình độ của các giáo sư. Có điều ở đây, chúng ta không tán thưởng lời văn đẹp đẽ của bà, mà chỉ hy vọng tìm ra bí quyết thành công trong giáo dục con cái ẩn sau lời văn chân thực, giản dị ấy. Bà Sara quả là một tấm gương tốt cho các bậc cha mẹ noi theo, dẫn dắt chúng ta đi vào con đường giáo dục gia đình hiệu quả.

Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật mà tất cả mọi người đều phải học tập. Nếu cha mẹ không học cách nuôi dạy con đúng đắn thì chắc chắn sẽ chuốc lấy hậu quả đáng sợ và đáng tiếc. "Con muốn học mà cha mẹ không dạy" cũng bi thương như "con muốn nuôi, mà cha mẹ không còn sống." Cha mẹ cần dạy dỗ con một cách khoa học như thế nào? Đó là một câu hỏi và cũng là một vấn đề lớn có liên quan mật thiết đến thành công hay thất bại của một người và cũng là sự hưng thịnh hay suy vong của cả một dân tộc.

Phương đông hửng sáng

Phương Đông hửng sáng, ánh nắng lẻn vào phòng bệnh, rơi trên khuôn mặt trắng đầy gió sương. Chạm tay của bạn tiếp thêm sức mạnh, lau đi những giọt nước mắt. Khẽ khàng cất tiếng hát, tôi mong bạn khỏe lại. Ngày hôm nay qua đi, ngày mai sẽ tươi sáng hơn hôm nay!

Phương Đông hửng sáng, ánh nắng chạy vào phòng bệnh, hỏi thăm đôi mắt nhắm nghiền. Khát vọng của bạn chảy đầy trong tim, đáy mắt khô cạn khiến bạn cảm thương, nói với ánh nắng rằng tôi luôn kề bên bạn, ước nguyện của bạn sẽ có tôi giúp, tiếp thêm can đảm cổ vũ cho bạn, ngày mai sẽ mạnh mẽ hơn hôm nay!

Phương Đông hửng sáng, ánh nắng nhảy vào phòng bệnh, đuổi theo dòng xe qua lại. Sau này khi có phương hướng, bạn hãy đứng gác cùng tôi. Mở cửa sổ ra, những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời là ánh mắt cảm ơn tâm hồn con người, bạn là niềm vui, là ánh nắng của tôi, là sức khỏe và là kỳ vọng của tôi, ngày mai sẽ rộng mở hơn hôm nay!

Chú thích: Khi tôi đang ngồi trên chuyến bay sớm nhất từ Thượng Hải đi Tế Nam, bỗng nhiên có tia nắng chiếu qua cửa kính vào khoang máy bay, tôi lặng nhìn tia nắng và có những chiêm nghiệm sâu sắc về quãng thời gian kéo dài suốt bảy năm làm tình nguyện ở Trung Quốc. Mang hơi ấm đến với rất nhiều người cần sự giúp đỡ là một phần vinh quang của tôi. Trong phút chốc cảm hứng dâng trào, tôi sáng tác bài thơ Phương Đông hửng sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top