26


Để sự hứng thú thôi thúc con học tập

Con cái không thích học là nỗi phiền não lớn nhất của các bậc cha mẹ, đôi khi chuyện học hành trì trệ của bọn trẻ còn làm cha mẹ cảm thấy thất vọng hơn việc chính bản thân mình bị thất nghiệp. Có một hậu bối từng than thở với tôi chuyện con trai cô ấy chán học, cô ấy rất khổ sở: "Đi họp phụ huynh, cháu chẳng biết giấu mặt vào đâu. Thầy cô bộ môn nào cũng phàn nàn: Ở trên lớp con trai cháu không chú ý nghe giảng, về nhà không hoàn thành bài tập, điểm thấp nhưng vẫn không chịu thừa nhận. Từ trường về đến nhà, đầu óc cháu quay cuồng, nhưng cháu vẫn phải kiềm chế cơn giận, đôn đốc con hoàn thành bài vở. Nhưng thằng bé vẫn không chú tâm học, lúc thì nằm bò ra bàn nhìn đồng hồ, lúc thì lấy máy chơi game Psp ra chơi, thấy đã hơn chín giờ tối rồi mà nó vẫn cứ nhơn nhơn, thật sự không nhịn nổi nữa, cháu bắt đầu quát cho nó một trận. Thế mà nó vẫn coi như không, cháu tức điên lên, quay sang đánh nó. Thằng bé lì lợm, nghiêng đầu, liếc mắt nhìn cháu, không nói lấy một câu cầu xin, cứ như là sắp không thèm nhận người mẹ này nữa. Cháu nói: 'Hôm nay không làm xong bài tập, thì đừng đi ngủ, mẹ không cần con nữa!'

Nào ngờ, cháu vừa dứt lời, nó liền quay người chạy vọt ra ngoài.

Bên ngoài trời đang mưa, cháu lo lắng gọi với theo: 'Con đi đâu thế?' Nó chạy thẳng, không thèm quay đầu lại. Cháu hốt hoảng gọi cha nó đuổi theo bắt về."

Nghe xong câu chuyện, tôi phân tích cho cô ấy hiểu.

Về phương diện dạy con học, người Do Thái có một lời khuyên chân thành: Đừng ép buộc trẻ, chỉ khi phụ huynh truyền đạt yêu cầu học tập một cách nhẹ nhàng, khéo léo thì mới có hiệu quả. Cha mẹ kéo trẻ từ chỗ vui chơi trở về quỹ đạo học tập hay nghĩ trăm phương ngàn kế theo dõi trẻ, rất khó khiến trẻ có tâm trạng học, vì hai bên đã tạo thành thế đối đầu. Người Do Thái coi học tập là thú vui của cuộc sống, quan niệm của các bậc phụ huynh là trước hết phải vun bồi niềm yêu thích và hứng thú học tập cho trẻ nhỏ, cứ thế hun đúc tinh thần học tập để cho chúng vui vẻ ngồi vào bàn học.

Hai cậu con trai của tôi cũng không hẳn là siêng năng, chăm học, nhiều lúc chúng cũng ham chơi hay nhụt chí. Vì vậy cho nên, tôi tác động đến chí tiến thủ của các con bằng sự dí dỏm, hài hước, chứ không đao to búa lớn. Ví dụ như chuyện học ngoại ngữ, tôi kể cho bọn trẻ nghe câu chuyện sau:

Có hai con chuột một lớn một nhỏ hẹn nhau đi chơi, vui đùa thỏa thích. Nhưng trên đường về, bất thình lình chúng gặp một con mèo. Đúng là oan gia ngõ hẻm, hai con chuột chạy vào ngõ cụt, bị con mèo chặn đứng trước mặt.

"Lần này chúng mình chết chắc rồi. Tiếc là sau khi tôi chết đi, người nhà sẽ không biết tôi chết ở chỗ nào!" Con chuột lớn tuyệt vọng nói.

Đúng lúc này, vang lên một tràng tiếng chó sủa. Con chuột lớn run cầm cập, mãi đến lúc tiếng chó sủa dứt, nó mới dám he hé mắt nhìn xung quanh không thấy bóng dáng con chó nào, mà chỉ thấy con chuột nhỏ cười khoái trá, nó lại ngước mặt nhìn lên, thì ra con mèo chặn đường ban nãy cũng đã sớm bỏ chạy rồi.

Con chuột lớn ngơ ngác không hiểu, hỏi con chuột nhỏ đầu đuôi sự việc là thế nào.

Con chuột nhỏ cười đắc ý, nói: "Tôi bắt chước tiếng chó sủa, dọa con mèo chạy mất dép rồi. Anh xem, biết một ngoại ngữ quan trọng nhường nào!"

Nghe xong câu chuyện, các con tôi cười ngặt nghẽo, chúng đều tranh nhau nói con muốn làm "con chuột nhỏ" và bắt đầu dán kế hoạch học tập lên tường:

Không thể để việc học ngoại ngữ bị ngắt quãng giữa chừng, dù chỉ một ngày. Nếu thật sự không có thời gian, thì mỗi ngày chỉ cần bỏ ra mười phút.

Buổi sáng là thời gian học ngoại ngữ tốt nhất.

Ngay cả khi chán học, cũng không được bỏ bẵng không học.

Bất cứ lúc nào cũng phải ghi lại và học thuộc những mẫu câu được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoại ngữ giống như lô cốt, bắt buộc phải tấn công đồng thời từ bốn phía: đọc báo, nghe đài, xem ti vi, nghe diễn thuyết, chịu khó đọc sách giáo khoa và trao đổi thông tin, giao tiếp với bạn nước ngoài.

Dám nói, đừng sợ sai, cần nhờ người khác sửa sai cho mình. Không nên xấu hổ, không nên nản lòng.

Phải tin rằng mình có nghị lực quật cường và tài năng phi thường về phương diện ngôn ngữ.

Bởi vậy nên, bất cứ vị phụ huynh Trung Quốc nào muốn giải quyết triệt để vấn đề học tập của con thì trước tiên phải hiểu chúng. Nếu phụ huynh không tìm ra nguyên nhân dẫn đến vấn đề học tập của trẻ, thì dùng bao nhiêu cách khắc phục cũng đều có tính hạn chế. Một khi biết rõ nguyên nhân, phụ huynh sẽ lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp đối với trường hợp của con em mình, như vậy thì mọi việc rất dễ xử lý.

Ở Israel, các bậc cha mẹ rất chú trọng nâng cao sự hứng thú và thói quen đọc sách cho con cái. Khi trẻ lên một lên hai, họ sẽ chuẩn bị cho con một số sách tranh màu đẹp hoặc sách có những ký hiệu kỳ thú, rồi đặt những cuốn sách này ở trước mặt trẻ, thu hút sự chú ý của chúng. Các bà mẹ sẽ nhỏ một giọt mật ong lên trang sách để cho trẻ ngầm hiểu rằng đọc sách sẽ có mật ngọt. Đây là cách làm phổ biến của các bà mẹ Do Thái nhằm vun đắp cảm tình của trẻ đối với sách, ngụ ý bảo trẻ những tri thức con học được từ trong sách vở có thể giúp con loại bỏ những phiền muộn và cảm nhận được mật ngọt của cuộc sống.

Ngoài ra, người Do Thái còn duy trì thói quen đọc sách đến cuối đời để làm gương cho con cháu. Trong năm triệu bốn trăm ngàn dân của Israel, có hơn một triệu người có thẻ thư viện, cả nước có gần ba mươi đơn vị báo chí, xuất bản ấn phẩm theo mười lăm ngôn ngữ khác nhau. Số lượng nhà xuất bản và thư viện tính theo đầu người của Israel đứng đầu thế giới, họ có xấp xỉ chín trăm loại ấn phẩm, bình quân cứ bốn ngàn người lại có một thư viện công cộng.

Theo kết quả điều tra của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc, người Do Thái đứng đầu bảng xếp hạng đọc sách mỗi năm, trung bình một năm một người Do Thái đọc sáu mươi tư cuốn. Người Thượng Hải cũng đứng đầu bảng xếp hạng đọc sách ở Trung Quốc, nhưng một năm họ chỉ đọc tám cuốn.

Tiến sĩ Kezhi, nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng của Israel đưa ra mười phương pháp đọc sách làm tăng khả năng học tập của trẻ, đồng thời nuôi dưỡng ý chí học tập của chúng. Mười phương pháp đó là:

1. Cho trẻ hiểu rõ nhiệm vụ học tập là quan trọng nhất. Ví dụ, khi trẻ em Do Thái vừa mới hiểu chuyện, phụ huynh sẽ cho trẻ liếm mật ong trên trang sách; giá sách trong các gia đình Do Thái đều được đặt ở đầu giường, biểu thị ý nghĩa người lớn tôn trọng tri thức. Đàn ông Do Thái xây dựng gia đình đều coi việc lấy được nữ học giả về làm vợ là một niềm vinh dự.

2. Không nên cho trẻ đọc sách quá lâu, mỗi ngày chúng chỉ cần dành một khoảng thời gian vừa phải để ôn bài là được. Trẻ kiên trì thực hiện lâu dài như vậy sẽ có hiệu quả hơn là ngồi trước bàn học hàng giờ đồng hồ.

3. Sau khi ăn cơm xong, tránh cho trẻ đọc sách. Vì lúc này máu đang dồn xuống dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn, nên lượng máu vận chuyển lên não ít đi. Nếu cha mẹ bắt con mình đi đọc sách vào lúc này, trẻ sẽ cảm thấy hoa mắt chóng mặt, hiệu quả học tập thấp.

4. Tìm ra đồng hồ sinh học của trẻ. Mỗi người đều có đồng hồ sinh học riêng, học tập theo nhịp thời gian của đồng hồ sinh học làm tăng hiệu quả học tập lên gấp nhiều lần. Vì vậy, cha mẹ phải chú ý quan sát và cùng con mình tìm ra đồng hồ sinh học của bản thân, chọn thời gian học hiệu quả nhất.

5. Khuyên trẻ không nên nghe nhạc khi học, nếu không chúng sẽ bị phân tán tư tưởng và có cảm giác học tập là một gánh nặng.

6. Cơ chế gia đình cho điểm. Cha mẹ cùng con cái thảo luận về nội dung cuốn sách trẻ mới đọc xong, sau đó cho trẻ làm một bài thu hoạch. Nếu trẻ lười đọc sách, đừng ngần ngại cho chúng điểm "C", ngược lại nếu trẻ thẳng thắn, vui vẻ và nhiệt tình nói ra cảm nhận của mình sau khi đọc sách, cha mẹ hãy thưởng cho chúng một điểm "A" xuất sắc.

7. Khuyến khích trẻ biết nắm bắt thời gian học tập. Theo các bậc phụ huynh và giáo viên người Do Thái, quản lý thời gian là một kỹ năng học tập quan trọng, nó có thể phát huy hiệu quả to lớn, không thua kém gì việc vận dụng các định lý.

8. Bachderta, giáo viên nổi tiếng nhất Do Thái từng nói: "Thành tích của trẻ nằm ở thói quen học tập, chứ không phải là tư chất. Học tập đòi hỏi phải tự ý thức, tự kiểm soát và tự chịu trách nhiệm. Cho nên, các bậc phụ huynh phải sớm giúp con em mình tạo thói quen học tập từ những năm tháng đầu đời."

9. Khi phụ huynh đôn đốc trẻ học tập, tránh nói đi nói lại nhiều lần, tránh can thiệp vào chuyện lớn chuyện nhỏ của chúng. Vì khi bị phụ huynh cằn nhằn, mắng mỏ, trẻ sẽ không thể có tâm trạng vui vẻ và cũng rất khó có ý nghĩ chủ động tích cực trong học tập.

10. Phụ huynh tránh đi tắt đón đầu, chú trọng dạy con học tuần tự từng bước. Vì các bậc cha mẹ gửi gắm hy vọng rất lớn vào con cái, cho nên họ thường đặt ra quá nhiều kế hoạch học tập, gom tất cả cơ hội và thời gian rảnh rỗi của trẻ, bắt chúng học cái nọ học cái kia. Phụ huynh nhất định phải dạy trẻ tuần tự từng bước dựa vào trường hợp cụ thể của con em mình, liệu sức mà làm. Dạy con một cách hài hòa tốt đẹp hơn hẳn cách làm ào ào không đầu, không cuối.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top