13
Chiếc chìa khóa tâm hồn giúp con kết giao với người khác
Người giành chiến thắng dựa vào năng lực của cá nhân mình, thường chỉ vinh quang nhất thời và danh tiếng không kéo dài được mãi, vì sẽ có ngày anh ta tâm suy lực kiệt và hết thời. Còn người biết trao đổi nguồn lực với người khác mới là người có khả năng làm nên việc lớn. Đặc biệt là các doanh nhân, sở dĩ sự nghiệp của họ có thể phát triển lâu dài và còn truyền lại cho con cháu đời sau là vì bí mật này.
Joseph, nhà giáo dục nổi tiếng người Do Thái nói: Những đứa trẻ có tính cách giao tiếp không giống nhau sẽ có khả năng nắm bắt những cơ hội khác nhau trong tương lai. Vì mỗi đứa trẻ đều thể hiện hành vi giao tiếp theo đặc trưng tính cách của mình, trong khi những cơ hội luôn thay đổi, có những cơ hội được đứa trẻ với cá tính này dễ dàng nắm bắt, nhưng có những cơ hội dù trao tận tay nó cũng không phát huy được. Ngược lại, đứa trẻ mang cá tính khác khi gặp cơ hội ấy thì như hổ thêm cánh. Cho nên, nền tảng của việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho trẻ là cha mẹ cần phải hiểu tính cách giao tiếp của con mình, có như vậy họ mới có thể giúp chúng nắm bắt được những cơ hội tốt và phù hợp.
Từ những kinh nghiệm của bản thân mình, tôi cho rằng, muốn đẩy con cái ra khỏi nhà, các bậc cha mẹ cần dũng cảm và thật sự hiểu biết, trong đó phải tính đến khả năng thay đổi tính cách của trẻ. Ở một khía cạnh nào đó, tính cách của con người là do ông trời ban tặng và không dễ thay đổi tính cách của một người, như chúng ta vẫn thường nói núi sông dễ đổi, bản tính khó dời. Tuy nhiên, từ tính cách độc lập của mình, trẻ vẫn có thể nắm bắt được một số kỹ năng thông qua quá trình rèn luyện sau này, trong đó có kỹ năng giao tiếp.
Để rèn luyện kỹ năng giao tiếp của hai con trai, tôi cho chúng diễn kịch ở nhà trước. Sau khi Dĩ Hoa và Huy Huy đi học về, tôi muốn chúng tới khu chợ gần nhà để bán hàng, nhưng vừa mới nghĩ đến việc phải mở miệng với nhân viên quản lý chợ, hai anh em nó đã rụt cổ lại.
Và thế là hai đứa phân vai diễn kịch, nghĩ xem mình nên nói chuyện với nhân viên quản lý chợ như thế nào. Chúng như hai diễn viễn nhí trên sân khấu kịch nói, mô phỏng các tình huống phát sinh trong quá trình nói chuyện, đoán xem đối phương đặt câu hỏi gì, mình sẽ gặp phải tình huống gì, tìm cách ứng biến ra sao.
Còn tôi làm trọng tài của chúng. Trước tiên tôi phân biệt nội dung đối đáp của hai đứa, thêm cái này bớt cái kia, tạo thành một kịch bản hoàn chỉnh, sau đó cho bọn trẻ tự lựa chọn vai diễn.
Dĩ Hoa đóng vai nhân viên quản lý chợ trước, nó nghiêm giọng bảo Huy Huy: "Không được, chợ của chúng tôi không có chỗ cho cậu. Cậu đến chỗ khác xem đi."
Huy Huy nhập vai của mình, lễ phép thưa: "Dạ vâng, cháu biết cô nói phải, nhưng xin cô giúp cháu một lần, một lần này thôi ạ!"
Sau màn kịch, hai đứa tổng kết kinh nghiệm, tiếp đến đổi vai.
Lần này, Huy Huy sắm vai nhân viên quản lý chợ, nó lấy thân phận nhân viên quản lý chợ ra để trục lợi: "Cậu có thể bán hàng ở đây, nhưng bắt buộc phải nộp lệ phí cho người quản lý."
Dĩ Hoa ngẫm nghĩ một lát, tùy cơ ứng biến: "Dạ được ạ, chỉ là hiện giờ cháu vẫn chưa kiếm được tiền. Cô ơi, xin cô tin tưởng cháu, đợi cháu bán đủ tiền vốn, nhất định sẽ đóng cho cô 10%!"
Vậy mà đến khi thực hành ngoài chợ, hai cậu con trai của tôi vẫn mắc cỡ, sợ sệt, trong lòng hồi hộp lo lắng. Nhưng nhờ kinh nghiệm diễn tập trước ở nhà, nên chúng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, mạnh dạn bắt chuyện với người lạ. Đó là bước đầu tiên để chúng trao đổi, làm quen với người khác.
Khi hai đứa nói chuyện với nhân viên quản lý chợ, tôi lặng lẽ đi theo sau, đứng nấp đằng xa, chăm chú quan sát bọn trẻ. Tôi lo chúng chưa có kinh nghiệm, không chừng lại bị tổn thương hay sinh ra tâm lý tiêu cực. Mãi đến khi Dĩ Hoa và Huy Huy chào tạm biệt nhân viên quản lý chợ, phấn khởi ra về, tôi mới ba chân bốn cẳng chạy về nhà trước, giả bộ vẫn đợi chúng ở nhà.
Sau đó hai anh em nó đi bán hàng vặt, chúng ngày càng thích nói chuyện với mọi người và biết quy tắc giao tiếp. Chúng chủ động hỏi các chủ sạp xung quanh có muốn mua một vài món hàng nhỏ của mình hay không và tự biết cân nhắc giá bán cho họ.
Giao tiếp là một nghệ thuật, trẻ em không thể nắm bắt nó trong ngày một ngày hai. Đa số những đứa trẻ đều không thích nói chuyện với người lạ, nhưng sẽ đến một ngày chúng phải bươn chải bên ngoài, thành gia lập nghiệp, gánh vác trách nhiệm xã hội. Khi ấy, chúng buộc phải dựa vào thực lực để cày xới sinh tồn. Trước khi tôi đẩy ba đứa con của mình ra ngoài, chúng đều năn nỉ: "Mẹ, con không dám nói đâu." hoặc là: "Mẹ, con ngại đi lắm." Không vấn đề gì, tôi khích lệ các con: "Chỉ cần con bước ra ngoài một bước, cố gắng rồi con sẽ thấy tiến bộ, về nhà con kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe, chúng ta cùng chia sẻ những gì con gặt hái được." Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một cá thể riêng biệt, rất nhiều trẻ có năng khiếu bẩm sinh, hội tụ đầy đủ các yếu tố làm một "nhà ngoại giao", bên cạnh đó một số trẻ sau khi học tập bài bản vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng có thể ở một thời điểm nào đó, những thay đổi của trẻ sẽ hiện ra rõ ràng, hơn nữa sự thay đổi ấy lại có lợi cho chúng suốt đời.
Tôi thấy nhiều trẻ em vô cùng thông minh, tài giỏi, thành tích học tập rất tốt, nhưng chúng thường cậy mình có tài nên kiêu căng tự phụ, tự tư tự lợi, quan hệ với người khác rất kém, không được người ta tin tưởng và tán đồng, cũng không có bạn bè. Một người không có bạn, cho dù các phương diện khác có ưu tú đến đâu, cũng đều đáng thương và cô độc, không làm nên thành tựu gì. Cha mẹ chỉ một mực nuông chiều con cái, nhưng lại không dạy con cách làm người, khiến chúng không có mục đích sống. Một người như thế, học giỏi liệu có ích gì?
Phụ huynh Do Thái nghĩ rằng, mối quan hệ giữa người với người cũng là một quá trình sản xuất, nó giống như tri thức, đều có thể chuyển hóa thành hiệu quả và lợi ích thực tế, có thể thay đổi số phận con người. Còn phụ huynh Trung Quốc lại xem nhẹ phương diện này. Rất nhiều người thường phán xét một ai đó chẳng có năng lực nghiệp vụ gì, chỉ biết mỗi ngoại giao. Họ coi năng lực nghiệp vụ và năng lực ngoại giao là hai nhân tố đối lập, đó là một quan niệm sai lầm. Người thật sự có năng lực phải hội tụ cả hai loại năng lực này. Đó là lý do tại sao rất nhiều trường học ở Israel coi mục tiêu giáo dục của họ là đào tạo kỹ năng giao tiếp và tinh thần lãnh đạo cho học sinh.
Cuộc sống vốn phức tạp, nhưng nếu chúng ta tạo cho con cái một môi trường sống quá đơn điệu, chúng sẽ không có cơ hội phát triển năng lực của bản thân trên tất cả các phương diện. Những vị phụ huynh làm theo cách này cần phải xem xét lại quan niệm giáo dục của mình, họ cần phải rèn cho con tính thích nghi với nhu cầu của xã hội, không được dạy con tính đơn nhất, hành động theo ý nghĩ chủ quan của mình.
Phụ huynh cần truyền đạt dần dần cho con các kỹ năng giao tiếp như: chia sẻ, trao đổi, thương lượng, hợp tác... Tôi thường kể cho các con tôi nghe một câu chuyện hay được lưu truyền trong sách vở của người Do Thái:
Có một cô gái trông thấy một con bướm đâm vào bụi gai, bị thương, cô cẩn thận nhổ hết đám gai trên người con bướm và thả nó về với thế giới tự nhiên. Để báo đáp ân tình của cô gái, con bướm hóa thành nàng tiên, đến bên cô gái và nói: "Cô thật nhân từ, hãy nói ra ước nguyện của mình, ta sẽ giúp cô biến nó thành hiện thực." Cô gái ngẫm nghĩ một lát rồi đáp: "Tôi ước mình mãi mãi vui vẻ." Nàng tiên cúi người, nói nhỏ vào tai cô, rồi biến mất. Quả nhiên, cô gái ấy sống vui vẻ suốt cuộc đời. Khi về già, người hàng xóm năn nỉ cô nói ra bí mật. Cô cười nói: "Nàng tiên nói với tôi rằng, mỗi người ở bên cạnh đều cần sự quan tâm của tôi hãy giúp đỡ mọi người, và cô sẽ thấy vui vẻ suốt đời."
Trao đổi tâm tư tình cảm là một nhân tố quan trọng trong việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho con trẻ. Khi nói chuyện với người khác, bạn phải tạo điều kiện thuận lợi cho người ta giãi bày tâm sự, phải thông cảm với nỗi khổ của người ta và phải nghĩ cho lợi ích của người ta, như vậy mọi người mới nhớ đến bạn. Chế độ giáo dục của chúng ta hiện nay nặng về thi cử, dường như trẻ em đang thiếu trầm trọng kỹ năng này. Mặt khác, học sinh bây giờ cũng ít giao tiếp với mọi người xung quanh, chúng dành nhiều thời gian ngồi bên máy tính hơn là trò chuyện cùng người khác, làm vậy không có lợi chút nào cho việc nâng cao mối quan hệ giữa con người với con người. Một người chưa có kỹ năng trao đổi tâm tư tình cảm, rất khó có thể xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.
Vừa lọt lòng, đứa trẻ đã phải đối diện với mối quan hệ đầu tiên là giữa cha mẹ và con cái. Cho nên cha mẹ chính là người đặt nền tảng cho quan hệ giữa con cái và mọi người sau này. Đứa trẻ có quan hệ tốt với cha mẹ, chắc chắn sẽ có quan hệ tốt với mọi người trong xã hội. Các bậc cha mẹ hãy cố gắng tạo dựng một bầu không khí tin cậy, thẳng thắn, chân thành và tôn trọng lẫn nhau trong gia đình mình.
Một đứa trẻ ngay đến cha mẹ mình cũng không tin tưởng thì làm sao có thể tin tưởng người khác và được người khác tin tưởng?
Những lúc các con tôi gọi điện thoại nói chuyện phiếm với bạn, tôi thường nghe được từ miệng chúng câu nói: "Mẹ tớ đối xử với mọi người cực kỳ tốt!"
"Làm người không được quá tuyệt tình, dù mình có đúng mười mươi đi nữa, cũng phải để lại cho người ta ba phần lối thoát." Từ nhỏ, cha tôi đã dạy tôi như vậy. Ông luôn nói với tôi: người Do Thái chúng ta chưa có nhà nước riêng, sống trên lãnh thổ của người khác, nên làm bất cứ việc gì cũng phải có điểm dừng.
Cha kể cho tôi câu chuyện 1 lời ta nói vô tâm, người đau 6 tháng khó lòng quên mau, tôi vẫn còn nhớ đến nay, câu chuyện ấy như sau:
Có một con gấu bị thương nặng trong lúc đánh nhau với đồng bọn, nó chạy đến ngôi nhà gỗ nhỏ bé của người trông rừng, xin cứu giúp.
Người trông rừng thấy con gấu đáng thương, nên quyết định giữ nó lại. Buổi tối, bác ta cẩn thận lau vết máu cho con gấu, băng bó vết thương và còn chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn, cùng thưởng thức với con gấu. Tất cả những việc làm này đều khiến gấu ta vô cùng cảm động.
Đến khi đi ngủ, vì trong nhà chỉ có một chiếc giường nên người trông rừng mời con gấu ngủ cùng mình. Nhưng, khi con gấu vừa chui vào chăn, mùi khó ngửi trên người nó xộc thẳng vào mũi của người trông rừng.
"Trời ơi! Ta chưa bao giờ ngửi thấy mùi khó chịu như thế này, ngươi đúng là con rệp to nhất trên đời!"
Con gấu lẳng lặng quay người đi, chẳng nói chẳng rằng, đương nhiên cả đêm hôm ấy, nó không thể chợp mắt. Gắng chịu đến khi trời sáng, nó gửi lời cảm ơn người trông rừng rồi lập tức lên đường.
Nhiều năm sau, trong một lần tình cờ gặp nhau, người trông rừng ân cần hỏi con gấu:
"Lần đó ngươi bị thương rất nặng, bây giờ vết thương đã liền chưa?"
Con gấu bình thản đáp: "Vết đau ngoài da thịt đã lành rồi, nhưng còn vết thương trong lòng thì vĩnh viễn không thể chữa khỏi!"
Còn nhớ năm tôi lên mười, một đầu bếp ở dưới tầng thường xuyên làm bánh cuốn cho mọi người ăn, nhưng lần nào chia đến phần của tôi cũng chỉ còn sót lại những mẩu bánh gãy vụn, chẳng được miếng nào vuông vắn. Tôi hậm hực không vui. Cha tôi thấy vậy, liền nói với tôi mấy lời thấm thía: "Con à, con phải biết đó là của người ta cho con, không phải tự con làm ra, con không được kén chọn, không được đòi hỏi ở người ta."
Trong quá trình trưởng thành của mình, cha tôi luôn đặt giáo dục nhân cách làm nhiệm vụ hàng đầu, ông từng viết tặng tôi mấy từ sau vào cuốn sổ tay: Bác ái, cảm ơn, thành tín, nhẫn nại, lạc quan, sau cùng mới đến "tri thức" Tôi không cần nói ra chắc mọi người cũng hiểu ẩn ý.
Từng lời nói, cử chỉ vô ý của cha mẹ đều để lại dấu ấn trong lòng con cái. Bốn chữ "lấy mình làm gương" rất có ý nghĩa, thậm chí tôi còn cho rằng, những lời nói việc làm hằng ngày của cha mẹ và bầu không khí gia đình còn có tác dụng giáo dục hơn so với giáo dục tại nhà trường trong quá trình trưởng thành của con em chúng ta.
Tôi cũng kiến nghị các bậc phụ huynh, thỉnh thoảng nên biến tấu, kể lại cho con cái nghe những thất bại chúng ta từng gặp phải trong giao tiếp, coi đó như một bài học nhắc nhở bọn trẻ.
Năm đó, vừa đáp máy bay xuống thành phố Tel Aviv, tôi đã nhận được một bài học. Tôi chủ quan nghĩ rằng, mang 150 đô-la trong tay đổi ra tiền agorot của Israel, chắc chắn người ta sẽ trả tôi đủ số tiền tương ứng. Không ngờ chỗ đổi tiền chỉ trả cho tôi 50 agorot, lúc đó tôi còn tưởng là bảng Anh, chẳng hay biết gì. Vậy là 150 đô thoáng chốc đã thành 20 đô! đến khi biết chuyện dù tôi muốn quay lại sân bay cũng đã muộn rồi. Nhưng cũng cảm ơn sự nhầm lẫn ấy đã cho tôi một bài học quý giá.
Tôi không lôi chuyện đã qua ra để con cái oán trách người khác, tôi chỉ muốn chia sẻ với các con một bài học nhỏ của mình. Nhờ vậy, mỗi lần đi tới nơi khác, tôi cho ba đứa nhỏ cùng đi mua vé máy bay, chúng sẽ tính toán trên giấy xem bốn tấm vé trị giá bao nhiêu tiền, tiền thừa là bao nhiêu và cẩn thận kiểm tra tiền thừa trước khi rời quầy thanh toán. Nếu người ta trả thiếu tiền, chúng cần nhắc khéo: "Xin lỗi, các cô trả cháu thiếu tiền."
Ở quê hương, tôi lấy mình làm gương, tham gia nhiều công việc xã hội, đặc biệt là những công việc liên quan đến người Trung Quốc. Tôi tích cực làm phiên dịch không công cho nhiều bộ ngành, hy vọng giúp đỡ được nhiều người Trung Quốc ở Israel. Sau này, người Trung Quốc ở Israel gặp khó khăn gì đều tìm đến tôi, hơn nữa, Bộ Tư pháp và Cục di dân của Israel cũng thường xuyên nhờ tôi làm phiên dịch. Những việc làm này vô hình khích lệ các con tôi.
Trong tất cả các công việc xã hội tôi từng tham gia, việc khiến tôi tự hào nhất là vào năm 2002, tôi hỗ trợ cảnh sát Israel điều tra, phá vụ án giết người dã man trong vòng hai mươi mốt ngày. Lúc đó, có năm người Trung Quốc bị xếp vào diện tình nghi, tôi giúp cảnh sát Israel làm công tác tư tưởng cho họ. Tôi giúp họ mua thuốc lá, bàn chải đánh răng, thẻ điện thoại, ngoài ra còn giúp họ trao đổi, nói chuyện với phía cảnh sát Israel. Qua hai mươi mốt ngày thẩm vấn, cuối cùng cũng có người nói ra sự thật.
Khi tôi đang thở phào nhẹ nhõm, chuẩn bị trở về nhà nghỉ ngơi, thì bỗng nhiên tôi nghe thấy một người bị tình nghi nói: "Bạn tôi giúp tôi che giấu sự việc." Câu nói này bị người phiên dịch Israel dịch nhầm thành: "Bạn tôi giúp tôi chôn xác." Cứu người như cứu hỏa, tôi lập tức xông vào phòng thẩm vấn, làm sáng tỏ sự việc. Nếu không bốn người vô tội còn lại sẽ phải chịu oan uổng. Cuối cùng, hung thủ thật sự phải chịu hình phạt, những người vô tội còn lại đều được trả tự do, họ chân thành cảm ơn tôi đã giúp họ giải oan. Sau vụ án này, tôi được Bộ Tư pháp Israel khen thưởng, sự việc cũng làm chấn động dư luận trong nước trong một thời gian ngắn.
Sau này trở về Thượng Hải, tôi vẫn coi công việc xã hội là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Tôi làm tình nguyện viên cho bệnh viện Công Lập khu Dương Kinh. Tôi luôn sẵn lòng làm người hòa giải những mối mâu thuẫn, bất hòa giữa nhân viên y tế và người bệnh. Hễ nhận được điện thoại của họ là tôi lại lập tức chạy đến bệnh viện.
Giờ các con tôi đều đã đi vào con đường phát triển đúng đắn, tôi hy vọng mình có thể cống hiến toàn bộ sức lực còn lại cho xã hội. Mặc dù đôi lúc trong miệng tôi cũng thốt lên "bận, bận, bận", nhưng làm việc không ngừng như con quay cũng đã trở thành một phần tính cách trong tôi, để cho bản thân mình ngồi không, nhàn rỗi, tôi thấy không quen.
Sau một ngày vất vả và bận rộn, tôi ngồi vào bàn làm việc, viết cảm nhận của một ngày vào cuốn sổ tay, đó là thói quen đã hơn ba mươi năm nay của tôi. Nhìn dấu mực in trên cuốn sổ chỗ đậm chỗ nhạt, tôi bồi hồi nhớ lại con đường gập ghềnh mà mình đã đi qua, lòng thổn thức vô hạn. Tôi từng viết bài thơ Lựa chọn của tôi, tự nói lên tấm lòng mình và cũng là những điều tôi muốn chia sẻ cùng các con: Thật ra, tôi có thể chọn dãy núi Alps, ngắm nhìn đỉnh núi tuyết trắng, tưởng nhớ về cha; Tôi có thể chọn Jerusalem, theo chân đoàn hành hương cầu nguyện, tế lễ tổ tiên; nhưng tôi đã chọn Trung Quốc, muốn đặt chân lên mọi miền đất nước...
Bí quyết làm thầy huấn luyện giao tiếp của con
1. Các bậc cha mẹ cần tạo dựng một môi trường cởi mở trong gia đình. Nếu chúng ta không bỏ lỡ thời cơ cho con em mình tự trải nghiệm các mối quan hệ xã hội từ khi chúng mới bắt đầu hoạt động giao tiếp xã hội, thì có thể phòng tránh những biểu hiện ngại giao tiếp ở trẻ. Bản thân cha mẹ thiếu tiếp xúc xã hội ở một mức độ nhất định cũng làm hạn chế cơ hội kết giao của trẻ và điều đó cũng liên quan đến việc trẻ ngại giao tiếp.
2. Hãy cho một đứa trẻ giao tiếp tốt làm mẫu, thể hiện các kỹ năng giao tiếp xã hội như: mỉm cười, chia sẻ tâm tư tình cảm với người khác, hành động tiếp xúc thân thể mang tính tích cực, ngợi khen... để những đứa trẻ hướng nội, giao tiếp kém bắt chước theo. Trẻ càng làm giống người mẫu thì hiệu quả càng cao.
3. Cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội cho con một cách thường xuyên, đều đặn. Các bậc cha mẹ bắt buộc phải "dạy cho" con em mình một số kỹ năng giao tiếp xã hội như: tham gia hoạt động vui chơi cùng người khác, cách ứng xử thân thiện với bạn bè, chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với bạn như thế nào, quan tâm, giúp đỡ và cảm thông với bạn như thế nào. Cha mẹ cần thường xuyên giảng giải cho con trẻ hiểu, chúng nên nói gì, biểu lộ tình cảm và động tác như thế nào khi gặp những tình huống trên, điều này có hiệu quả hơn nhiều so với việc cha mẹ chỉ đơn thuần cho trẻ bắt chước người khác.
4. Phụ huynh nên chú ý dành nhiều lời khen cho những "hành vi tốt" của con phù hợp với chuẩn mực xã hội như, hành vi chia sẻ và hợp tác; nhưng tuyệt đối không ủng hộ trẻ khi chúng có những "hành vi không tốt" như: thích công kích, chơi một mình, không coi ai ra gì. Câu chuyện "Khổng Dung nhường lê" nổi tiếng thời cổ của Trung Quốc là một ví dụ thực tế rất hay. Khi nhà có đồ ăn ngon, cha mẹ có thể để trẻ làm người chia phần; khi trẻ có cơ hội chơi cùng mọi người, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nghĩ tới người khác, chia sẻ đồ chơi với các bạn...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top