12


Chỉ biết làm việc là chưa đủ

Phương pháp giáo dục sinh tồn, nhận thù lao theo cơ chế thị trường của người Do Thái tập cho trẻ em thói quen chăm chỉ chịu khó, có làm mới có hưởng. Nhưng, bên cạnh đó, các bậc cha mẹ Do Thái vẫn luôn nhắc nhở con cái mình: "Chỉ biết cắm đầu cắm cổ làm là chưa đủ".

Phụ huynh Israel đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, trao đổi của trẻ. Dưới sự kêu gọi và kiến nghị của các vị phụ huynh, nhà trường bắt đầu triển khai các bài giảng về diễn thuyết trước đám đông cho học sinh lớp Hai, bồi dưỡng kỹ năng diễn đạt để sau này lớn lên các em dám thể hiện quan điểm của mình. Hồi con gái tôi học cấp ba, nhà trường từng mời giám đốc của một công ty đa quốc gia đến chia sẻ kinh nghiệm thành công, đến nay con bé vẫn nhớ như in lời ông ấy nói: "Từ những gì bản thân mình đã trải qua, tôi cho rằng việc bạn học trường đại học nào không quan trọng, quan trọng là khả năng chiến đấu thực tế và kỹ năng giao lưu của chính bạn. Dẫu bạn tốt nghiệp Đại học Harvard, nhưng ngay đến những kỹ năng giao lưu cơ bản nhất cũng không có, vậy thì khi ra trường làm sao có thể thành công?"

Trường học của con gái tôi còn khuyến khích học sinh đi quyên góp tiền ở những cửa hàng trong khu vực lân cận, các em cần khắc phục tính rụt rè, nhút nhát của mình, mạnh dạn giới thiệu với mọi người tên mình là gì, từ trường nào đến, mục đích quyên góp là gì, cần bao nhiêu tiền, hy vọng nhận được sự giúp đỡ... Mỗi học sinh đều phải dự trù hàng loạt phương án thuyết phục người khác, dĩ nhiên những phương án này phải đủ làm người khác cảm động. Cuối cùng, nhà trường sẽ tổng kết hoạt động và đánh giá cho điểm, qua đây học sinh được rèn luyện kỹ năng trao đổi, giao tiếp. So sánh với giáo dục kỹ năng giao tiếp của người Do Thái, tôi nhận thấy phụ huynh Trung Quốc chúng ta thường dồn hết tâm trí vào điểm số của con em mình, phớt lờ việc rèn luyện khả năng chiến đấu thực tế dựa trên mối quan hệ giữa con người với con người.

Hồi mới chuyển tới Israel, tôi cứ ngỡ rất nhiều người Do Thái thành công ngoài kia hẳn phải có sự hiểu biết về các yếu tố thành công khác xa so với những người bình thường như chúng ta. Nhưng thật sự tôi đã lầm, khi tìm hiểu về những người Do Thái thành công, tôi mới biết được rằng, mối quan hệ giữa con người với con người có thể tạo ra kỳ tích giống như đòn bẩy, giúp họ đạt được thành tựu vượt qua khả năng của một người gấp nhiều lần. Người Do Thái tin rằng, người thành công không hẳn vì chăm chỉ, chịu khó hơn người bình thường; tuy chăm chỉ, chịu khó cũng là một phần nỗ lực của họ, song đó không phải là nhân tố cơ bản dẫn đến thành công. Bởi một cá nhân dẫu chuyên cần đến đâu cũng không cáng đáng được hết thảy mọi việc.

Các bậc cha mẹ Do Thái coi việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp của con là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng sinh tồn, không chỉ vì kỹ năng giao tiếp liên quan đến việc thực hiện lý tưởng của một con người, mà nó còn liên quan đến sự phát triển cá tính và chỉ số hạnh phúc của con em họ. Mối quan hệ giữa con người với con người có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân. Một người có mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp với mọi người xung quanh chắc chắn sẽ hạnh phúc, cá tính của anh ta cũng phát triển bình thường; còn một người sống trong những mối quan hệ bất hòa, căng thẳng, sẽ làm giảm cảm giác hạnh phúc của mình cùng với đó là cảm giác cô độc, lẻ loi, tự ti và nghi hoặc dần xâm chiếm tâm hồn anh ta. Qua các cuộc nghiên cứu, chuyên gia giáo dục Israel phát hiện, một bộ phận trẻ em không biết cách ứng xử sẽ có thành tích học tập không được như mong muốn, ngoài ra còn tồn tại những trở ngại tâm lý nhất định. Trong nhiều trường hợp, con trẻ không biết ứng xử, dù có năng lực khá và nỗ lực hết mình cũng chưa chắc tìm được đất dụng võ, bởi vậy nên chúng thường cảm nhận bản thân mình là người có tài nhưng không gặp thời.

Ma Lourdes Kaladan, nhà tâm lý học trẻ em cho rằng: "Một đứa trẻ có kỹ năng giao tiếp kém có nhiều thiếu sót hơn so với một đứa trẻ chưa từng bước chân vào giảng đường đại học." Một người con được cha mẹ quá nuông chiều, bao bọc sẽ khó hòa nhập với xã hội. Anh ta gặp phải rất nhiều vấn đề như: không biết giao lưu, hợp tác với người khác, ngay cả khi đi tìm việc cũng không biết cách để quảng bá hình ảnh cá nhân, vì anh ta chỉ biết ứng xử trong một phạm vi hẹp là gia đình mà không biết đến đạo đối nhân xử thế với hầu hết mọi người trong xã hội.

Các bậc phụ huynh muốn rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho con em mình không phải đơn giản cứ đẩy chúng ra ngoài xã hội là được; không can thiệp vào những mâu thuẫn của con không có nghĩa là chúng ta khoanh tay ngồi nhìn, mặc con muốn làm gì thì làm. Kể từ ngày đầu tiên chào đời, con cái đã bắt đầu hoạt động giao tiếp xã hội, đối tượng giao tiếp đầu tiên của chúng chính là chúng ta, những người làm cha làm mẹ của chúng. Chúng ta giao tiếp với con như thế nào thì con sẽ giao tiếp với người khác như thế, chúng ta xử lý mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái như thế nào thì con cái sẽ xử lý mâu thuẫn giữa chúng và người khác như thế. Xét từ góc độ này, chúng ta là người thầy huấn luyện kỹ năng giao tiếp cho con, là khuôn mẫu cho hành vi giao tiếp của chúng.

Phương pháp giáo dục con cái để xây dựng các mối quan hệ xã hội của người Do Thái cũng rất đáng để chúng ta tham khảo. Theo họ, nhằm bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho trẻ, các bậc cha mẹ phải có "tầm nhìn xa", nếu cha mẹ chỉ nghĩ rằng "con tôi còn quá nhỏ, chưa cần thiết phải đưa ra yêu cầu với nó về phương diện này", thì đó là sơ ý của họ, hay nói cách khác là cha mẹ không làm tròn bổn phận của mình. Để đến khi con cái hình thành độ lỳ trong tính cách, cha mẹ muốn sửa cũng đã muộn. Vì vậy, bản thân những người làm cha mẹ phải sớm vạch ra một kế hoạch tốt đẹp và thực hiện nó một cách hiệu quả, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho con nhiều hơn nữa.

Người Israel thường kể cho con cái họ nghe câu chuyện Mẹ hồ ly: Để cho hồ ly con hiểu phép tắc trong rừng rậm, hồ ly mẹ cố tình "vứt bỏ" hồ ly con trong rừng, rồi biến mất. Hồ ly con rời xa mẹ, bắt buộc phải học cách sinh tồn kiên cường như thế nào. Kỹ năng giao tiếp của trẻ em Israel cao hơn mặt bằng chung của trẻ em Trung Quốc, vì các vị phụ huynh Israel tuyệt đối sẽ không "nuôi nhốt" con trẻ, không ra mặt thay chúng, trước khi con cái ý thức được mình nên rời xa cha mẹ, họ sẽ chủ động rời xa chúng trước, khuyến khích con cái bước ra khỏi nhà, gạt bỏ sự tự ti, học cách giao tiếp với người khác, hướng tới thế giới tuyệt vời bên ngoài.

Phụ huynh Israel có hai nguyên tắc cơ bản về bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp ở trẻ em: Họ dạy con từ thuở còn thơ: "Một là phải lắng nghe lời đối phương nói với thời gian nhiều hơn gấp đôi thời gian mình nói. Hai là phải đưa ra nhiều câu hỏi, vì nhu cầu trao đổi thông tin và tri thức là khởi đầu của mối quan hệ giữa con người với con người."

Khi mới tới Israel, các con tôi phần vì ỷ lại, phần vì không thông thạo ngôn ngữ, nên rất sợ giao tiếp với người lạ, cả ngày chỉ "ở ẩn" trong nhà. Tôi cố ý đưa các con đi tản bộ, trên đường đi, tôi thường để bọn trẻ tự hỏi cảnh sát, người đi đường hay người bán hàng rong "bây giờ là mấy giờ rồi?" Mới đầu, vừa nghe thấy lời "căn dặn" của tôi, bọn trẻ đều giãy nảy. "Sao lúc nào mẹ cũng quên đeo đồng hồ thế?" Nhưng dần dần, kỹ năng giao tiếp, trao đổi của chúng có tiến triển, các con tôi không còn khó mở lời như trước nữa, gặp cái gì không biết, chúng sẽ lễ phép hỏi người khác.

Hồi Huy Huy học cấp hai, tôi hay đưa thằng bé đi chợ mua cá, trông thấy cái gì nó cũng muốn hỏi:

"Chào bác, bác cho cháu hỏi một con cá sông Nile giá bao nhiêu tiền?"

"Những con cá này vận chuyển ra nước ngoài có thời hạn bảo quản không bác?"

"Làm sao qua được các cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ạ?"

Trước khi tới Israel, Huy Huy cũng là đứa ngại giao tiếp, mặc dù nó cởi mở hơn so với anh trai Dĩ Hoa, nhưng về mặt kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nó vẫn kém xa các bạn Israel cùng trang lứa. Tôi dạy thằng bé: khi con ra ngoài sống cùng mọi người, không được quá đề cao bản thân. Để làm quen với người khác, bước đầu tiên là con phải "yêu những gì người khác yêu."

Thứ năm ở Israel là ngày mua sắm, Huy Huy sẽ đến cửa hàng tạp hóa mua đồ cho cả nhà. Thằng bé luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay, mỗi khi bà chủ cửa hàng hứng thú nói cho nó biết thứ này sản xuất ở đâu hay có công dụng nào tốt hơn, nó sẽ chú ý lắng nghe, cẩn thận ghi vào cuốn sổ của mình. Bà chủ thấy thằng bé ham học hỏi như vậy, nên những khi vãn khách bà lại nhiệt tình giảng giải cho nó: Cái này để nấu cá, cái kia để nấu thịt... Huy Huy tôn trọng từng mặt hàng trong cửa hàng tạp hóa, đồng thời tôn trọng văn hóa ứng xử trong cửa hàng. Sự trưởng thành của nó gắn liền với những kinh nghiệm được tích lũy từ thuở nhỏ. Cả nhà tôi đều phải công nhận, đầu óc của Huy Huy giống như cuốn danh bạ điện thoại kèm bản đồ thông tin. Chỉ cần nhận được tín hiệu, nó sẽ biết ngay thông tin liên quan.

Có phụ huynh nói: "Con tôi như một chú chim nằm lì trong tổ, không sao huấn luyện được."

Thật ra, mỗi đứa trẻ đều sở hữu một cá tính độc lập và tinh thần chống đối mạnh mẽ. Phụ huynh đừng một mực chỉ trích "chú chim nằm lì trong tổ", mà nên bình tĩnh uốn nắn con cái. Khi đến những nơi công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại, công viên hay khu vui chơi, phụ huynh có thể bày ra một số chiêu trò để cho con chịu mở miệng giao tiếp với người lạ, giúp con khắc phục tâm lý xấu hổ. Chẳng hạn khi cùng con tới cửa hàng mua đồ chơi, cha mẹ nên cho con tự nói với nhân viên bán hàng: "Cháu muốn mua món đồ chơi này, cô cho cháu hỏi nó bao nhiêu tiền ạ?" Nếu con không chịu nói có nghĩa là con đã bỏ lỡ một dịp tốt để mua đồ chơi rồi.

Ban đầu con còn ít nhiều mắc cỡ, phụ huynh hãy làm mẫu một lần, để con bắt chước nói lại một lần nữa. Dù con có nói hay nói dở, nói to nói nhỏ thế nào, cha mẹ cũng cần động viên con: "Hôm nay con làm tốt hơn rồi đấy!" Tập nói nhiều, con sẽ quen dần. Cùng với việc khuyến khích con giao tiếp nhiều, phụ huynh cũng cần dạy con dùng những lời nói lễ phép, đúng mực. Như vậy mọi người đều yêu quý con của bạn. Và đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy tự tin khi nói chuyện, hơn nữa, trẻ sẽ cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày để được phụ huynh cổ vũ, khích lệ.

Khi con gái tôi vào nhà trẻ, tôi đưa con bé tới trung tâm thành phố Tel Aviv mua búp bê. Con bé chỉ vào một con búp bê Barbie trên giá, nói: "Mẹ ơi, con muốn lấy con này."

Tôi giải thích rằng: "Những thứ ở đây đều là của cô quản lý, không phải mẹ con mình muốn là được."

Con gái bối rối hỏi: "Vậy làm thế nào bây giờ hả mẹ?"

Tôi gợi ý: "Nếu con muốn mua thì con cần phải nói chuyện, trao đổi với cô ấy, xem cô ấy có đồng ý bán cho con không?"

Còn có một lần, con gái tôi muốn đi Hefa thăm bạn, nên cần xin phép cô giáo nhà trẻ cho nghỉ học. Tôi cố ý rèn cho con tập nói: "Muội Muội, con gọi điện cho cô giáo đi, hỏi cô có đồng ý cho con nghỉ học không?"

Con gái tôi lâm vào thế bí: "Nhưng mà mẹ, con không biết gọi điện đâu!"

"Mẹ có thể dạy cho con mà!" Dưới sự hướng dẫn của tôi, con bé tự nhấc điện thoại gọi điện cho cô giáo, giải thích rõ lý do xin nghỉ học, sau cùng còn chào cô giáo rất lễ phép. Gác máy, con bé tự hào khoe: "Mẹ ơi, cô giáo vừa khen con đấy!"

Tôi thường nghe thấy các bà mẹ than phiền: Con tôi ở nhà rất lắm mồm, đôi lúc nó nói nhiều quá, tôi còn phải quát: Con im ngay đi. Nhưng ra ngoài, đến lúc thật sự cần nói, thì nó lại chẳng chịu hé miệng. Đó là vì nguyên nhân gì?

Đây không phải chuyện lạ lùng gì, vì trẻ đã có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ rất tốt nhưng chưa hình thành được kỹ năng giao tiếp xã hội nên mới ngại nói chuyện với người lạ. Sớm muộn gì con em chúng ta cũng phải va chạm xã hội, cách "nuôi nhốt" của một số cha mẹ dễ làm trẻ đánh mất cá tính. Chúng ta suốt ngày giam giữ con cái trong nhà, ngoài học trên sách giáo khoa ra, trẻ chưa có không gian tự do để phát triển, thiếu sự giao tiếp cần thiết với mọi người và không được rèn luyện đầy đủ kỹ năng giao tiếp xã hội, nên chúng rất dễ hình thành tính cách lầm lì, hẹp hòi, trầm lặng, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức đoàn thể. Một khi con trẻ đã hình thành tính cách, giống như động vật bị nuôi nhốt, chúng sẽ không còn muốn xông xáo ra ngoài, năng lực sáng tạo và ngọn lửa tư duy quý giá cũng dần mất đi.

Tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng giao tiếp của con

Các nhà giáo dục trẻ em Israel vô cùng coi trọng việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp của trẻ, vì kỹ năng giao tiếp tốt hay xấu thường ảnh hưởng tới chất lượng học tập, làm việc và cuộc sống sau này của mỗi người. Các chuyên gia đưa ra các tiêu chí đánh giá kỹ năng giao tiếp của trẻ như sau:

1. Không sợ môi trường lạ, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới.

2. Biết kiềm chế cảm xúc của bản thân khi cần thiết.

3. Có khả năng tự lập, không thích ỷ lại người khác.

4. Cư xử hòa nhã với các bạn, hợp tác thành công trong các hoạt động và trò chơi.

5. Khéo léo và vui vẻ giúp đỡ người khác, biết khiêm nhường.

6. Hiểu ý người khác, làm theo mong muốn của người lớn, đồng thời đưa ra quan điểm và ý kiến mới của mình.

7. Có kỹ năng tổ chức, có vai trò làm "lãnh đạo nhỏ" trong học tập và vui chơi, được bạn bè quý mến.

8. Biết bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của cá nhân một cách thông minh, linh hoạt và đúng mực ở những nơi công cộng.

9. Vui vẻ nhiệt tình, bày tỏ thái độ tôn trọng và tin tưởng người khác trong khi giao tiếp.

Ziek Rubin, nhà giáo dục Do Thái nổi tiếng chia quá trình kết bạn của trẻ ra làm bốn giai đoạn nối tiếp nhau. Các bậc cha mẹ có thể lựa chọn những biện pháp khác nhau giúp con em mình xây dựng tình bạn, rèn luyện tinh thần tập thể căn cứ vào các giai đoạn tình cảm dưới đây của trẻ:

Từ ba đến bốn tuổi là giai đoạn trẻ coi mình là trung tâm. Trẻ thường coi những đứa trẻ cùng chơi đùa với mình hoặc ở gần nhà mình là bạn. Bạn thân nhất là bạn ở gần nhất. Trẻ tìm bạn vì lợi ích: Đối phương có đồ chơi nó thích hoặc nó không có. Ở giai đoạn này, các bé thường xuyên qua lại chơi đùa với nhau nhưng cũng hay xảy ra tranh giành, cãi cọ.

Từ bốn đến sáu tuổi là giai đoạn tự làm hài lòng bản thân. Trẻ coi những đứa trẻ khác cũng là một cá nhân thực thụ nên mới kết bạn, chứ không kết bạn vì nhu cầu của bản thân mình hay mục đích hai bên cùng có lợi. Chính vì vậy, chúng không thể cùng lúc kết bạn với nhiều đứa trẻ khác.

Từ sáu đến chín tuổi là giai đoạn cùng có lợi. Mục đích kết bạn của trẻ là hai bên cùng có lợi. Vì thế, chúng phán xét bạn bè dựa vào tiêu chí: Ai làm gì vì ai và mong muốn nhận được sự báo đáp. Cũng chính vì mối quan hệ hai bên cùng có lợi nên tình bạn của trẻ chỉ giới hạn ở một cặp, tập thể nhỏ hoặc bè cánh nhỏ, và thường là cùng giới tính.

Từ chín đến mười hai tuổi là giai đoạn thân thiết. Ở giai đoạn này, trẻ không quá chú ý tới những cử chỉ hành động bên ngoài của bạn, mà chuyển sự chú ý đến tố chất và tâm hồn bên trong của bạn. Rất nhiều nhà tâm lý học coi giai đoạn này là sự tiếp xúc thân mật, họ cho rằng nếu như trong thời điểm này, trẻ không tìm được một người bạn thân, thì đến tuổi thanh niên hoặc trưởng thành, chúng vĩnh viễn không có được người bạn ấy và cũng sẽ không có nhóm bạn thật sự thân thiết.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top