MỘT SỐ CÂU HỎI NHỎ
1. Trong truyện có kể, khi bị bắt vào nhà thống lí, Mị đã định tự tử bằng lá ngón, nhưng rồi lại từ bỏ ý định vì thương cha. Nhưng đến lúc cha Mị chết đi rồi, Mị lại không còn ý định tìm đến cái chết nữa. Vì sao vậy?
Ý muốn ăn lá ngón là một phản ứng trước một cuộc sống không ra cuộc sống. Điều đó cho thấy, phải tha thiết sống lắm thì khi mất nó, người ta mới muốn chết ngay đi. (Cho nên, về sau này, trong một ngày tết đáng nhớ của đời Mị, khi tình xuân bất chợt trở về bừng nở trong lòng thì Mị lại có ngay ý nghĩ: Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa).
Còn khi niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc đã băng giá lại thì cũng chẳng còn gì thúc đẩy người ta nghĩ về cái chết. Đấy là lí do cắt nghĩa vì sao khi người cha đã mất rồi, mà ý nghĩ về nắm lá ngón sẽ không trở lại với Mị, chừng nào cô còn là một cái bóng vật vờ trôi theo guồng công việc và không còn nhớ đến cả sự xót thương mình.
Diễn biến tâm lí của nhân vật này đã được nhà văn phát hiện và miêu tả nhiều góc độ khác nhau theo một sự tiến triển rất logic, chân thật không giản đơn, không gượng ép giả tạo như một vài nhân vật trong một số tác phẩm cùng thời.
(Nguồn: https://www.facebook.com/notes/h%E1%BB%99i-nh%E1%BB%AFng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-thi-kh%E1%BB%91i-d-n%C4%83m-2014/chuy%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%81-%C3%B4n-thi-v%E1%BB%A3-ch%E1%BB%93ng-a-ph%E1%BB%A7/204406799755039/)
2. Hãy viết vắn tắt về diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
Thực ra Mị đã chứng kiến cảnh A Phủ bị trói từ mấy đêm trước. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Thậm chí, nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị không biết gì, trừ ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử ngứa tay đánh Mị ngã xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau, Mị vẫn ra sưởi như đêm trước. Điều đó chứng tỏ tâm hồn của Mị đã bị chai sạn, đã trở thành vô cảm, Mị sống vô ý thức, sống mà như đã chết.
Nhưng đêm nay, bỗng Mị nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hòm má đã nám đen lại của A Phủ. Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A sử trói Mị, Mị cũng phải bị trói đứng thế kia. Như vậy, dòng nước mắt của A Phủ đã làm cho Mị có sự tự ý thức Trông người lại ngẫm đến ta, Mị xót thương cho chính mình. Điều này chứng tỏ tâm hồn người phụ nữ khốn khổ này đã hồi sinh.
Từ thương mình, Mị thương cho A Phủ. Mị đã từng chứng kiến ngày trước một người đàn bà cũng bị trói đến chết ở cái nhà này. Mị nghĩ chỉ đêm mai là A Phủ chết. Mị thấy việc anh ta phải chết là điều vô lí.
Tuy vậy, cô vẫn run sợ khi nghĩ đến việc nếu A Phủ trốn được, Mị sẽ bị cha con Pá Tra trói thay vào chỗ A Phủ, vì nghi cô giải thoát cho anh ta.
Nhưng tình thương lớn dần, không thể ngồi nhìn A Phủ chết. Cuối cùng, Mị đã cởi trói cho A Phủ và chạy theo anh, vì tình thế khiến cho Mị không thể chọn con đường nào khác. Ở đây có sự thúc bách của tình cảm, của quyết tâm, nhưng cũng có sự thúc bách hoàn cảnh. Mị biết ở đây thì chết mất. Muốn sống, Mị chỉ có con đường duy nhất là chạy trốn cùng A Phủ. Như vậy, lòng thương người giúp Mị cứu A Phủ, lòng thương mình giúp cô giải thoát được cho chính bản thân mà trước đó, điều này cô chưa hề nghĩ tới.
Như vậy, việc Mị cứu A Phủ là tự giác hay tự phát? Thực ra có cả hai. Đáng lưu ý hơn cả đây là hành động được coi là kết quả tất yếu một sức sống mãnh liệt vốn tiềm ẩn trong nhân vật.
(Nguồn: https://www.facebook.com/notes/h%E1%BB%99i-nh%E1%BB%AFng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-thi-kh%E1%BB%91i-d-n%C4%83m-2014/chuy%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%81-%C3%B4n-thi-v%E1%BB%A3-ch%E1%BB%93ng-a-ph%E1%BB%A7/204406799755039/)
3. Hoàn cảnh diễn ra việc Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ; ý nghĩa của sự việc ấy đối với tâm lí của nhân vật Mị?
a. Hoàn cảnh diễn ra sự việc Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ:
----- Do sơ ý để hổ bắt mất bò, Aphủ bị thống lí Pá Tra trói đứng, bỏ mặc cho đói rét suốt mấy đêm liền giữa kì sương muối khắc nghiệt ở Hồng Ngài; còn Mị sau bao năm bị đày đọa cùng cực cũng đã trở nên chai lì. Những đêm trước, tuy vẫn trở dậy thổi lửa, hơ tay, nhìn thấy APhủ bị trói nhưng Mị chỉ dửng dưng, vô cảm.
----- Đêm ấy, trong nỗi bất lực, bế tắc và hoàn toàn tuyệt vọng, A Phủ đã khóc, đúng lúc đó, Mị nhìn sang và bắt gặp dòng nước mắt của A Phủ.
b. Ý nghĩa của sự việc ấy đối với tâm lí của nhân vật Mị
----- Việc nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ là khởi đầu cho sự thay đổi lớn trong tâm lí của Mị; Mị nhớ lại lần cũng bị hành hạ như thế, mà xót xa thương mình; từ đó đồng cảm với nỗi đơn độc và tuyệt vọng của A Phủ.
----- Từ mối đồng cảm ấy, Mị càng hiểu sâu sắc hơn sự độc ác của cha con thống lí Pá Tra, thấy rõ sự nguy khốn vô lí đang ập xuống Aphủ ; lòng trắc ẩn của người phụ nữ phút chốc thức dậy đã đem lại sức mạnh cho Mị, khiến Mị dám liều mình cứu A Phủ.
(Nguồn: https://www.facebook.com/notes/h%E1%BB%99i-nh%E1%BB%AFng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-thi-kh%E1%BB%91i-d-n%C4%83m-2014/chuy%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%81-%C3%B4n-thi-v%E1%BB%A3-ch%E1%BB%93ng-a-ph%E1%BB%A7/204406799755039/)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top