Cảm nhận nhân vật Mị pt.3 (dàn bài)
Đề bài: Cảm nhận sức sống tiềm tàng của Mị
"Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uống chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi...
Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại đang sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.
Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái báy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:
- Mày muốn đi chơi à?
Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.
Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
- Dàn bài -
I. Mở bài
II. Thân bài
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
2. Nhận xét chung cuộc đời nhân vật Mị
Hình tượng nhân vật Mị là nhân vật trung tâm của thiên truyện "Vợ chồng A Phủ". Mị là người con gái tài năng, xinh đẹp, giàu nhân phẩm nhưng lại có cuộc sống đầy bất hạnh, được tái hiện qua nhiều chặng đường đời. Trước khi về làm dâu nhà thống lí, Mị giống như sự hiện thân của bông hoa ban thuần khiết giữa núi rừng Tây Bắc. Bông hoa ấy không chỉ đương vào giai đoạn nở rộ nhất - trẻ trung, xinh đẹp; mà còn toả hương thơm ngào ngạt nhất - giỏi giang, chăm chỉ, yêu đời. Nhưng số phận Mị vì món nợ truyền kiếp từ ngày cah mẹ cưới nhau thời trẻ mà bị bắt ép "làm dâu gạt nợ" mà phải sống tủi nhục, làm con hầu đứa ở cho nhà thống lí: "Suốt ngày không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Bằng ngòi bút khám phá nội tâm độc đáo, nhà văn Tô Hoài đã phát hiện bên trong cái vỏ rùa câm nín ấy là một con người khao khát tình yêu, tự do, hạnh phúc, là một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Sự hồi sinh trong tâm hồn Mị đã được tác giả từng bước khắc hoạ qua diễn biến tâm trạng và hành động trước cảnh vật đêm tình mùa xuân.
3. Nhận xét chung đoạn văn
Đoạn văn được tìm hiểu sau đâu là một trong những đoạn đặc sắc của thiên truyện, là "bụi vàng" làm nên tác phẩm. Đoạn trích tập trung khám phá, miêu tả thế giới nội tâm của Mị - nơi sức sống tiềm tàng đang rực cháy hơn bao giờ hết. Khao khát ẩn giấu ấy là bước đệm, là nội lực cho những hành động phản kháng mạnh mẽ, táo bạo diễn ra tiếp theo của Mị. Từ đó cho thấy tài năng bậc thầy của Tô Hoài trong xây dựng hình tượng, khắc hoạ tâm lí nhân vật. Nói như một ý kiến: "Văn học là một môn nghệ thuật lấy chất liệu ngôn từ để xây dựng hình tượng".
4. Khái quát đoạn trước dẫn mở đoạn sau
Nếu như ở đoạn văn trước, Tô Hoài đã tái hiện những tác động của ngoại cảnh như: không gian mùa xuân, phong tục mùa xuân, âm thanh thiết tha của tiếng sáo đã khiến tâm hồn Mị không ngừng xao động. Thì đến đoạn văn này, sự hồi sinh của Mị không chỉ dừng lại ở tâm trạng, cảm xúc mà đã có những hành động, việc làm thể hiện khát vọng sống tiềm ẩn bấy lâu nay đã trở lại trong Mị.
5. Cảm nhận cụ thể
- Bao nhiêu mùa xuân, mùa Tết đã đi qua, Mị sống câm lặng, không còn nhớ đến tuổi xuân của mình, không còn biết bản thân ước mơ gì
- Nhưng đến mùa xuân này, Mị không chỉ bừng tỉnh nhận ra không khí rộn ràng của mùa xuân mà còn nhận ra cảm xúc náo nức trong lòng mình
- Những diễn biến về tâm trạng và hành động của Mị đã chứng tỏ điều đó... (Dẫn chứng + Phân tích + Bình luận)
6. Nhận xét cách xây dựng hình tượng nhân vật của Tô Hoài
a) Giải thích
- Hình tượng nhân vật:
+ là hình tượng nghệ thuật sáng tạo của người nghệ sĩ
+ được xây dựng dựa trên những nguyên mẫu có thực đời thường, hoặc dựa trên quá trình trải nghiệm, quan sát thực tế của nhà văn
-> Tóm lại, hình tượng nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn chương không chỉ "in dấu một thời đại mà nó ra đời" mà còn thể hiện những dụng ý sâu xa của nhà văn về con người và cuộc sống.
b) Cách xây dựng hình tượng nhân vật
- Kiểu nhân vật Mị là kiểu nhân vật tâm trạng kết hợp với kiểu nhân vật hành động:
- Khác với nhân vật trong "Vợ nhặt" của Kim Lân hoàn toàn là kiểu nhân vật tâm trạng
- Hay nhân vật hành động "ông lái đò" trong tuỳ bút của Nguyễn Tuân
- Thì Tô Hoài lại xây dựng kiểu nhân vật có sự kết hợp giữa tâm lí và hành động. Đó là sự sáng tạo, ngòi bút tài năng của Tô Hoài trong việc miêu tả, khám phá con người và cuộc sống.
- Đúng như Sê-khốp đã từng khẳng định: "Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó sẽ không bao giờ là nhà văn cả... Nếu anh không có giọng riêng, anh ta khó có thể trở thành nhà văn thực thụ"
7. Nghệ thuật đặc sắc
8. Sử dụng kiến thức lí luận để lập luận
III. Kết bài
Có ý kiến cho rằng: "Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi đến của văn học". Mỗi người nghệ sĩ chân chính đều ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực và đời sống. Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" không chỉ tố cáo, lên án xã hội phong kiến miền núi, bọn quan lại, nhà văn còn phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp về khát vọng tự do, hạnh phúc cùng sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người lao động. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo, gắn tình thương vào đấu tranh, gắn niềm tin vào tương lai tươi sáng. Chính vì vậy mà "Vợ chồng A Phủ vẫn giữ nguyên được sức hấp dẫn qua biết bao thế hệ bạn đọc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top