1. Tiệm tạp hóa của chị tôi
Gọi là tiệm tạp hóa cho sang, chứ thật ra đó chỉ là một cái tủ kính nhỏ được đặt ở gian nhà ngoài cùng của gia đình tôi. Tủ cao khoảng mét hai, bề rộng khoảng một mét, bề sâu bốn chục phân, làm bằng nhôm kính, mặt kính đã mờ đi và xỉn màu theo thời gian. Ngăn trên cùng chứa những thứ thực phẩm, vật dụng thiết yếu nhất, từ gia vị, nước mắm, mì chính, dầu ăn đến tăm bông, bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, thuốc lá, dao cạo; ngăn giữa vừa tầm mắt của bọn trẻ con, chị tôi xếp bim bim, kẹo bánh, bỏng gạo, đồ chơi thẻ bài, con quay, bút màu, vở viết; ngăn dưới cùng khuất hơn thì đựng dép tổ ong, dép quai hậu, xoong chảo và những món đồ khác mà chỉ thỉnh thoảng mới có người mua. Không kể chiếc tủ kính ấy, trong gian nhà còn một chiếc giá treo quần áo - dạng quần áo thủ công, vải xấu, in hình siêu nhân hay mấy địa điểm du lịch nhưng mờ tậm mờ tịt chẳng đọc nổi chữ - và một chiếc tủ đông nhỏ, nơi chị trữ cá khô, mực khô, viên thả lẩu và dăm chục que kem xếp trong vỏ hộp Tràng Tiền - chẳng biết có phải kem Tràng Tiền thật không, chỉ biết que nào que nấy đều bị ám mùi tanh của cá. Chị tôi cũng bán cả rượu, nhưng thứ ấy được chị cất kỹ ở nhà trong, và thường thì chị phải nhìn mặt khách trước khi quyết định có đong rượu cho họ hay không - những gã hay say xỉn trong làng tôi không bao giờ mua được của chị dù chỉ là một giọt rượu. Ngoài ra, mỗi lần vườn nhà thu hoạch được bưởi, ổi, khế, mít, hay thi thoảng nấu được mẻ chè sen, chè bưởi, chè đậu đen ngon miệng, chị cũng vui vẻ xếp chúng ra một cái bàn thấp để bán cho mọi người, thường là với giá rẻ như cho không.
Tiệm tạp hóa của chị tôi chẳng mấy rộng lớn, cũng chẳng mấy xa hoa, nhưng với tôi, nơi ấy gần như chứa đựng cả thế giới. Suốt cả tuổi thơ, tôi có thể tìm thấy bất cứ thứ gì tôi cần bằng cách hỏi chị. Từ giày dép, quần áo đến sách vở, hay thậm chí cả mấy món lặt vặt như nhãn vở hay quả bóng nhựa để chơi cùng đám trẻ con trong xóm, tôi cần món gì là chị tôi lại nhập về món đó, để cho tôi dùng và cả để bán cho những đứa trẻ khác ở quanh nhà. Bởi vậy, đứa trẻ tôi không bao giờ thấy bản thân bị thiếu thốn hay thua kém so với chúng bạn. Mãi sau này khi đã lớn lên, thi thoảng tôi vẫn khao khát cái cảm giác đủ đầy ngày nhỏ, những tháng ngày mà mọi thứ mới mẻ trong cuộc đời đều chỉ gói gọn trong tiệm tạp hóa của chị tôi. Những lúc như thế, tôi lại bắt gặp mình lang thang trong một siêu thị hay một cửa hàng tiện lợi, chẳng để mua gì, chỉ để được những dãy hàng hóa đầy ắp bao quanh. Nhưng những dãy hàng hóa đầy ắp cao gấp ba, bốn lần chiều cao của tôi đó không bao giờ có thể đủ đầy bằng cái tủ kính bày trước nhà của chị tôi, tôi cũng không hiểu vì sao nữa.
Năm tám tuổi, tôi bắt đầu ra phụ chị bán hàng. Sáng sáng, chị em tôi mở cửa, quét dọn bụi bẩn trên sàn, lau lại mặt kính tủ, xếp hàng hóa vào trong rồi đẩy tủ ra trước cửa nhà. Đến tối, trình tự công việc đảo ngược lại: đẩy tủ vào trong, lau mặt kính, quét sàn và đóng cửa. Đều đặn hai buổi chiều một tuần, khi chị lên huyện lấy hàng từ đầu mối, tôi sẽ là người trông tiệm giúp chị. Công việc cũng không có gì nặng nhọc cho lắm, bởi khách hàng của chị tôi hầu hết là người dân trong làng, thật thà chất phác, chẳng bao giờ có chuyện cướp giật hay lừa lọc gì cả. Chị cũng để sẵn một danh mục hàng hóa và giá bán của chúng, tôi cứ việc chiếu theo đó rồi bán cho khách, rồi ghi chép lại xem hôm nay bán được những món gì, số lượng bao nhiêu, có ai mua chịu hay hỏi thăm món gì mà chị không có sẵn hay không, để tối về báo cáo với chị. Nhưng chính bởi công việc không quá nặng nhọc, nên mỗi khi trông hàng tôi rất dễ... buồn ngủ. Lớn lên thì quen hơn, chứ ngày mới được chị giao trông hàng, cứ tầm chiều tối là tôi lại ngủ gật, gục ngay lên cái tủ kính mà ngủ chẳng biết trời đất ra sao. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đã được bế vào trong nhà từ bao giờ, đang nằm duỗi chân duỗi tay trên chiếc phản kê trong phòng khách. Chị tôi không bao giờ trách mắng tôi vì chuyện đó, lúc nào cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, biểu cảm như thể đang cố gắng làm nghiêm. Tôi cũng cố gắng lắm chứ, mang cả sách vở lẫn truyện tranh ra vừa ngồi trông hàng vừa tập viết, tập đọc, ấy vậy nhưng nhiều khi cũng chẳng cưỡng nổi cơn buồn ngủ, và chị tôi lại phải nín cười mà nhắc, "Khang, lần sau em cố gắng..."
Nhưng việc trông hàng cũng đem lại cho tôi vài thay đổi tích cực. Một ví dụ cụ thể nhất là, nó giúp tôi dạn dĩ và nhanh mồm nhanh miệng hơn. Từ một thằng nhóc chỉ biết ngồi dưới mái hiên cắm đầu vào cuốn truyện, ai đến hỏi gì mới đáp nấy, mua gì bán nấy, tôi dần học được cách chào hàng, "tiếp thị" cho khách món gì nên mua, món gì cần mua, món gì họ nghĩ rằng họ không cần nhưng thực ra lại rất cần mua. Đám trẻ con là đối tượng dễ bảo nhất, bởi tôi hiểu tâm lý của chúng nó và ngay chính bản thân tôi cũng ao ước những món bánh kẹo, đồ chơi bày trong tủ kính của chị tôi chẳng kém gì chúng nó cả, và bằng cách tỉ tê tâm sự với chúng nó tôi đã giúp chị tôi bán được kha khá món hàng trong ngăn giữa tủ của chị. Các cô các bác thì khó hơn một chút, vì với họ tôi chỉ là một đứa trẻ con chưa biết gì, nhưng tôi đã học được rằng chỉ cần mình tươi cười lễ phép, nhanh nhảu chân tay, tôi cũng sẽ thuyết phục được họ mua hàng từ tiệm tạp hóa của gia đình tôi.
Và, tiệm tạp hóa ấy cũng là nơi giúp tôi gặp gỡ và làm quen với những con người mà bình thường có lẽ tôi sẽ rất ít có cơ hội để nói chuyện. Chú Văn Quyết, chủ xưởng mộc duy nhất trong làng, chiều chiều đón con trai từ trường mẫu giáo về và hay cho nó ghé qua tiệm tạp hóa của chị tôi, mua cho thằng bé khi thì quả bóng nhựa, khi thì con quay, khi thì một đôi diều lòe loẹt nào đó. Anh Tuấn Tài, dáng người dong dỏng cao, gương mặt thanh tú và chất giọng đặc Nghệ An, luôn hỏi mua từ chỗ tôi một loại bút chì 2B duy nhất. Thậm chí tôi còn quen được cả mấy anh lính từ doanh trại quân đội đóng ở rìa làng, mỗi khi họ đến nhà tôi mua thực phẩm: anh Dũng luôn xoa đầu tôi thay cho lời chào, anh Thường luôn nháy mắt với tôi mỗi khi rời đi, anh Minh với câu cửa miệng khi nhìn thấy tôi là "nhà em dạo này có ổi không thế", anh Đức đặc biệt mê món chè sen rắc dừa nạo chị tôi làm, anh Chiến với gương mặt đăm chiêu, đôi mắt xa xăm và thi thoảng lại hỏi tôi vừa nói với anh điều gì. Họ mang đến tuổi thơ tôi những mảng màu khác, những góc nhìn khác, và tôi không nghĩ rằng bất cứ trải nghiệm nào trong đời tôi có thể khiến tôi quên đi những điều tôi đã học được nơi tiệm tạp hóa bé nhỏ của chị tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top