Ở trọ

Fiction, not facts

-----

05.2019 | Văn Xuân & Xuân Tú

Mặc cho Văn Xuân than phiền không biết bao nhiêu lần, Xuân Tú vẫn không cho thấy dấu hiệu rằng nó sẽ dừng việc gọi thằng bạn cùng tuổi cùng quê của mình là cap, ít nhất là trong tương lai gần. Thằng Tú cố tình, Văn Xuân chắc chắn là vậy, chứ kể cả trong trường hợp nó quen mồm thì cũng làm gì có chuyện đến tận bây giờ vẫn không bỏ được thói quen đó chứ. Những lúc chuyện trò bình thường đã đành...

"Cap ơi, chiều nay nhớ bốn giờ đi tập nhé!"

"Ê, tối mai anh Nam mời mọi người ăn sinh nhật đấy, cap có đi với anh em không?"

Đây, ngay cả trong giờ tập cùng cả đội mà Xuân Tú vẫn không chịu thôi, vẫn thỉnh thoảng buột miệng dùng cách gọi quen thuộc.

"Cap! Cap! Tạt đây nè!"

"Mày ném biên đi, cap ơi."

Mọi người trong đội đều biết cái biệt danh đó từ đâu ra, nên thật ra thì, thường ngày cũng chẳng ai buồn thắc mắc hay phản đối gì cả. Chỉ là, Văn Xuân xấu hổ quá. Mỗi lần cái từ cap ấy phát ra từ miệng Xuân Tú là một lần nó cảm thấy ngượng với các anh kinh khủng, nhất là anh Hào, anh Hải, những con người vẫn ngày ngày đeo tấm băng màu da cam trên cánh tay kia, mà Xuân Tú thì có vẻ đang nhất định ngó lơ họ.

Đã lâu rồi, Văn Xuân đâu có còn là đội trưởng của Xuân Tú nữa.

Một tiếng bịch khe khẽ vang lên bên cạnh Văn Xuân, cùng lúc đó bắp chân nó cảm thấy mát lạnh. Có người vừa ném chai nước cho nó, và Văn Xuân chẳng cần phải nhìn lên để xác định xem đó là ai, bởi vì ngay lập tức bên tai nó đã vang lên một giọng nói quen thuộc, hơi lai lai âm điệu miền Nam, và nhất là chứa cái từ khóa không lẫn vào đâu được.

"Hôm nay mệt thật. Cap làm tí nước cho mát nè."

Dốc hơn nửa chai nước vào vòm họng đang khô rát, dùng nửa chai còn lại dội một lượt từ đỉnh đầu xuống đến cổ, Văn Xuân mới cảm thấy bớt khát để có thể lên tiếng. Hà Tĩnh một buổi chiều giữa tháng năm, dù đã qua giờ nắng gắt, nhưng bầu không khí nóng bức kết hợp với những bài tập cường độ cao vẫn nhanh chóng vắt kiệt sức của đám thanh niên hai mươi tuổi. Bước chân vào nghiệp cầu thủ ngót nghét mười năm, chưa bao giờ Văn Xuân cảm nhận rõ tính chất khắc nghiệt của cái nghề mình chọn như lúc này. Đội bóng đặt mục tiêu vô địch, và huấn luyện viên không cho phép chúng nó lơ là, dù ở bất cứ giai đoạn nào của mùa giải.

"Tú à, tao đã bảo mày bao nhiêu lần rồi? Đừng gọi tao là cap nữa."

"Xin lỗi, quen mồm tí."

"Mày còn định quen mồm đến bao giờ? Mình về đội mới cũng hai năm rồi, còn bao nhiêu là đàn anh..."

"Thì tao vẫn đang cố sửa đây, nhưng mà khó bỏ ghê á."

Văn Xuân mệt mỏi, không muốn đôi co mãi một chuyện với thằng bạn, "Nhắc lần cuối đấy."

"Biết rồi mà, hứa từ giờ sửa triệt để."

"Ừ, thế thì tốt."

Xuân Tú chìa tay trước mặt Văn Xuân, ra hiệu muốn kéo Văn Xuân đứng dậy. Chừng như lần này vẻ áy náy của nó là thật, nó chạy theo níu lấy tay Văn Xuân và nài nỉ bằng giọng hối lỗi, "Hổng được giận tao đó nha."

"Ai thèm giận mày."

Nghe tiếng bước chân của Xuân Tú phía sau lưng mình, Văn Xuân băn khoăn liệu thằng bạn mình có biết, rằng thực chất, những điều lòng nó đang muốn nói ra phải là, giận mày, thì tao còn ai ở đây để mà tâm sự nữa, Tú ơi?

À thì, cũng chẳng rõ Xuân Tú có nghe được tiếng lòng của Văn Xuân hay không, nhưng mà bàn tay đang nắm lấy tay Văn Xuân khẽ siết chặt lại. Và Văn Xuân thở dài, cho phép bản thân nhớ một chút, chỉ một chút thôi, những cơn mưa rào bất chợt ở đất Sài Gòn chật chội đông đúc. Và mặt cỏ xanh rì mát mắt, và những buổi sớm mai thức giấc bởi tiếng còi xe ngoài đường, và các cô chú bác, các anh chị cán bộ mà từ lâu nó đã coi như người thân. Và bàn tay của nó và Xuân Tú, ngày ấy còn nhỏ xíu, mà vẫn rất vừa vặn nắm lấy nhau...

Văn Xuân ngăn dòng ký ức ấy lại, trước khi nó chảy thành dòng lệ trên khóe mắt.

Phải cố gắng thôi. Dù có thế nào, cũng phải nỗ lực bước tiếp.

Hai đứa mình, đã chẳng còn "nhà" để về nữa rồi.

-----

07.2019 | Việt Anh & Văn Công

"Mày nhỏ nhỏ cái mồm một xíu không được hả?"

Văn Công vừa lúi húi cố định túi nước đá trên cổ chân Việt Anh vừa gắt lên khe khẽ khi thấy thằng này cứ chốc lát lại bật ra những tiếng rên rỉ. Ban nãy, lúc chạy đi lấy đá dưới nhà bếp, Văn Công đã phải ngó ngang ngó dọc đủ kiểu để đảm bảo không có ai nhìn thấy bộ dạng lén lút của nó. Giờ đây khi đã thành công chui được vào phòng Việt Anh, tất nhiên nó càng không muốn mọi chuyện xôi hỏng bỏng không.

Việt Anh im lặng gật đầu, nhưng trán nhăn tít lại, xem chừng vẫn còn đau lắm. Văn Công nhìn bộ dạng khổ sở của thằng bạn thân, không còn cách nào khác ngoài gợi thêm chuyện, cốt để giúp đầu óc Việt Anh có cái để suy nghĩ, lảng đi cơn đau, "Mà Việt Anh ạ, tao vẫn không hiểu mày vào bóng kiểu gì mà giờ mắt cá sưng to một cục như vậy. Pha đó có nguy hiểm lắm đâu."

"Tao bảo rồi mà, tao ham bóng. Nếu lúc đấy tỉnh táo hơn, biết đường lùi lại thì đã đâu phải..." Việt Anh thanh minh, rồi chừng như một luồng đau nhức mới vừa chạy dọc qua người, cái cổ chân nó lại khẽ giật lên, và miệng nó lại bật ra tiếng kêu, "Ây da!"

Văn Công cảm thấy mình sắp dùng cạn bình kiên nhẫn cuối cùng đến nơi rồi.

"Mày mà kêu thêm tiếng nữa," nó dứt khoát quấn thêm một lớp băng quanh chân Việt Anh, "tao gọi cho chị mày ngay và luôn."

Quả nhiên, nghe nhắc đến gia đình, Việt Anh im re.

Văn Công hài lòng, nhẹ nhàng đặt bàn chân của Việt Anh lên trên giường, rồi đứng dậy, tiến tới dúi vào tay thằng này một túi đá khác. "Chườm nốt chỗ bầm trên ngực mày đi, ông tướng. Đi đá bóng mà tưởng đâu đi đánh nhau không."

"Cứ làm như trong đội có mỗi mình tao bầm dập," Việt Anh bĩu môi.

"Nhưng không ai giấu diếm đến mức như mày," Văn Công nhanh chóng phản pháo.

Chơi với Việt Anh từ cái thời hai đứa còn là hai thằng choai choai tập tành đá bóng, Văn Công đương nhiên hiểu rõ cá tính của bạn mình. Nó biết Việt Anh có thể mít ướt, có thể đeo bộ mặt âu sầu ủ dột cả ngày, nhưng cũng có những lúc đặc biệt cứng đầu cứng cổ, ai nói gì cũng không suy suyển được. Đặc biệt là khi đau ốm, Việt Anh luôn giữ khư khư một nguyên tắc rằng không cần thiết phải kể với gia đình, hay thậm chí cả với các thầy các anh trong đội, nếu bản thân nó có thể tự xử lý. Suốt bao năm qua, đã không biết bao nhiêu lần Văn Công phải nói dối để giúp Việt Anh giấu đi những chấn thương như vậy, có lúc trót lọt mà cũng có lúc giấu không xong. Nó không hề ủng hộ cái kiểu im thin thít của Việt Anh một chút nào, nhất là bây giờ khi chúng nó đã chuyển lên thi đấu chuyên nghiệp, những va chạm ngày càng dày đặc và khó lường hơn, và một chấn thương không được chữa trị đúng cách có thể ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp về lâu về dài. Nhưng rồi Văn Công vẫn cứ nhượng bộ khi Việt Anh năn nỉ - thành ra nó phải kiêm luôn công việc phục vụ thằng bạn trong những lúc như vậy. Lần này cũng thế.

"Tuyệt đối không được kể với chị tao đấy." Việt Anh xoay xoay túi đá đặt trên ngực, nhắc đi nhắc lại tới hai, ba lần, như thể chưa yên tâm.

"Rồi rồi, không kể," Văn Công vừa cúi người hì hục lau chỗ nước đá dây ra sàn, vừa gật đầu lia lịa. "Ông bô bà bô mày hay anh chị em mày hỏi tao đều không kể."

"Lần trước mày cũng hứa như thế, cuối cùng có thèm giữ lời đâu."

Lần trước mà Việt Anh nói đã cách bây giờ gần một năm, ở giải U19 châu Á. Trong một pha tranh chấp, Việt Anh ăn nguyên một gầm giày của cầu thủ đội bạn vào cổ họng, đau đến mức không nói được. Nó định giấu bằng cách viện cớ không gọi về nhà, cũng không nghe điện thoại của bố mẹ tối hôm đó. Văn Công đành kể sự thật, vì không đành lòng. Nguyên một tuần sau đó, ngoài những lúc tập, Việt Anh không một lần trò chuyện với Văn Công.

"Mệt mày ghê. Tao mà không giữ lời lần này, tao sẽ bị xe tông gãy giò, vừa lòng chưa?"

Nghe thấy hai chữ gãy giò, trán Việt Anh lại nhăn tít. Nó dùng bên cẳng chân còn lành lặn đạp nhẹ vào người Văn Công. "Có thề thốt thì cũng vừa vừa thôi, làm gì ghê vậy mày. Đổi qua trầy da hay u đầu là được rồi. Bọn mình mà gãy giò là đi tong sự nghiệp luôn đấy."

Văn Công thấy nản với thằng bạn quá trời quá đất. Đã lén lút đi lấy đá cho nó, băng chân cho nó, lau nhà cho nó, giờ đến cả chuyện thề thốt nó cũng bắt bẻ mình nữa. Nên nó không buồn đôi co thêm câu nào, chỉ im lặng ngồi xuống giường bên cạnh, rút điện thoại ra kiểm tra tin nhắn.

Việt Anh cũng im lặng, bàn tay thỉnh thoảng chỉnh lại túi đá trên ngực, ánh mắt nhìn vào đâu đó vô định.

Văn Công cứ chốc chốc lại liếc sang chỗ Việt Anh, để rồi phải giấu đi những tiếng thở dài. Nó luôn giúp đỡ Việt Anh bởi hơn ai hết, nó hiểu rõ vì sao thằng bạn nó phải cố gắng đến mức đó. Từ rất lâu rồi, Văn Công đã nhìn thấy quyết tâm cháy bỏng ẩn đằng sau vẻ ngoài dường như trẻ con và vô lo của Việt Anh. Văn Công biết, Việt Anh không bao giờ chấp nhận việc mình chỉ là một cầu thủ cho mượn - nó đặt cho mình mục tiêu phải ra sân thật nhiều, phải chơi cho đội một, phải được cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ công nhận. Vậy nên, Việt Anh luôn muốn thể hiện ra với người ngoài những mặt tốt nhất của mình. Chấn thương, lỗi lầm, buồn phiền, âu lo... đối với Việt Anh đều là những vật cản trên con đường sự nghiệp.

Còn bản thân nó thì sao? Nó muốn gì đây?

Văn Công chưa bao giờ suy nghĩ quá xa xôi về tương lai của mình. Vẫn còn là cầu thủ trẻ, nó tin tưởng vào sự đánh giá, sắp xếp của các thầy ở đội, và không ngại phiêu lưu, sẵn sàng đi đây đi đó, nếu những chuyến đi có thể giúp nó phát triển, hoàn thiện mình hơn. Nhưng từ ngày vào đóng quân trên đất Hà Tĩnh, nó chợt nhận ra rằng gắn bó với đội bóng này cũng có nhiều điều thuận lợi. Nó được tin tưởng, được trao cơ hội ra sân mỗi tuần, và cái nhịp sống đều đặn đó khiến Văn Công thoải mái. Và điểm khiến nó thích nhất là, nó được ở gần nhà hơn rất nhiều so với ngày còn ở ngoài Hà Nội. Thỉnh thoảng ông bà có ốm đau, hay anh em họ hàng ở nhà có việc khúc mắc cần giải quyết, hay đơn giản chỉ là nhớ bố nhớ mẹ, nó có thể bắt xe đi đi về về trong ngày, thay vì phải mất cả ngày trời cho việc di chuyển như trước kia. Ăn tập xa nhà bao năm, Văn Công cảm thấy đã đến lúc mình cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình...

Trong khoảnh khắc ấy, Văn Công đã linh cảm rằng, bản thân nó và Việt Anh rồi đây sẽ đi theo hai con đường rất khác.

-----

11.2019 | Sỹ Huy & Tùng Lâm

Sỹ Huy ngồi bấm điện thoại trên giường, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu đưa mắt nhìn Tùng Lâm đang đi tới đi lui trong phòng, loay hoay sắp xếp mấy cái cúp, thấy buồn cười quá mà không dám cười, sợ làm nó mất hứng. Tùng Lâm và một vài cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh khác vừa trở về sau cúp U21 Quốc tế Báo Thanh niên cùng với chức vô địch, riêng thằng em anh còn ẵm thêm giải thủ môn xuất sắc nhất. Đã từng trải qua những giải đấu như vậy, Sỹ Huy biết rằng chúng rất quan trọng đối với sự nghiệp các cầu thủ trẻ. Mỗi lần ra sân là một cơ hội thể hiện, một dịp để tích lũy kinh nghiệm, và nếu may mắn, còn có thể ghi dấu ấn của bản thân trong lòng người hâm mộ nữa, mà mọi sự ủng hộ mà họ nhận được đều ít nhiều có ý nghĩa. Và Tùng Lâm, thằng bé mà anh kèm cặp suốt bao năm qua, đã tận dụng cơ hội của nó không thể tốt hơn.

Sau mười phút, Tùng Lâm cuối cùng cũng có vẻ vừa lòng với cách bài trí đống cúp phía trên tủ để giày. Nó chạy đến dúi chiếc điện thoại vào tay Sỹ Huy, hớn hở, "Huy bi ơi, chụp cho em con ảnh kỷ niệm!"

"Trời tối mò mò như này, mày định để ảnh mày đen thù lù hả em?" Sỹ Huy ngồi thẳng người, thắc mắc. "Cứ để yên chỗ cúp đấy, mai anh chụp cho. Ai lấy của mày đâu mà sợ."

Tùng Lâm vẫn không đổi ý, "Em chụp gửi về cho bố mẹ thôi mà."

"Được rồi, đứng ra đấy."

Sỹ Huy giữ ngón trỏ trên nút chụp hình, bấm liền tù tì cho Tùng Lâm hẳn hai chục pô. Ánh sáng từ bóng đèn huỳnh quang cũ gắn trên trần căn phòng ngủ hẹp không đủ để khiến cho gương mặt thằng bé bớt tươi cười. Đôi khi, tình cờ nhìn lại những bức ảnh cũ từ ngày niên thiếu của hai anh em, Sỹ Huy phải ngạc nhiên vì, dù bây giờ Tùng Lâm đã lớn hơn, cao hơn, những đường nét trên khuôn mặt đã trưởng thành hơn, nhưng nụ cười của thằng bé sau bao năm vẫn vậy, vẫn rạng rỡ như thể chưa bao giờ biết đến buồn phiền.

Và nụ cười đó khiến một thứ cảm xúc gì đó vừa trào lên trong lòng anh, như thể sự xót xa.

Xót cho thằng bé, hay xót cho chính mình, anh cũng không rõ nữa.

Sỹ Huy cũng từng là một thủ môn trẻ tiềm năng. Năm mười tám tuổi, anh đã cùng các đồng đội ở U19 Việt Nam vào đến bán kết giải Châu Á và giành vé đi cúp Thế giới. Mười chín tuổi, anh là một trong số hai mươi mốt cái tên trẻ tuổi đã vinh dự đứng trên đất Hàn Quốc để chứng kiến những bước chạy đầu tiên của cầu thủ Việt Nam ở một giải đấu cao cấp nhất hành tinh. Thế nhưng rồi, giải trẻ vẫn chỉ là giải trẻ. Trở về sau những chuyến hành trình lịch sử, anh lại thấy mình bé nhỏ và thiếu kinh nghiệm thực chiến trước các đàn anh trong đội. Và khi anh không được ra sân thường xuyên, niềm tin dành cho sự chắc chắn của anh cũng ngày một giảm dần như một lẽ tất yếu. Cơ hội lên tuyển cứ ngày một xa vời.

Nhìn các bạn bè đồng niên, những người đồng đội ở U20 ngày ấy tiến những bước thật dài, trong khi bản thân vẫn chỉ mãi ngồi dự bị và dậm chân tại chỗ, cũng lắm lúc Sỹ Huy thấy tuyệt vọng - cảm tưởng như thể sự nghiệp của mình đã chấm dứt rồi vậy. Các thầy, các bạn bè vẫn luôn động viên anh rằng anh còn trẻ và đời thủ môn của anh thì chắc chắn vẫn còn dài, còn làm thủ môn chuyên nghiệp được thêm ít nhất là mười lăm năm, và quãng thời gian ấy không thiếu để anh tìm kiếm những cơ hội. Nhưng trong những buổi tập, nhìn sự chắc chắn của những người đàn anh trong khung gỗ, anh nhận ra rằng để lạc quan, để vững bước mà không giữ trong đầu tâm thế bỏ cuộc, cũng thật khó khăn biết chừng nào.

Và Sỹ Huy cũng không hề muốn Tùng Lâm đi theo con đường mờ mịt của mình. Không muốn, một chút nào cả.

Nên là, hai anh em phải tự tìm đường mà đi thôi...

Một vòng tay chợt ôm choàng lấy Sỹ Huy, khiến anh bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ. Quay đầu nhìn sang, anh thấy Tùng Lâm đang tựa đầu lên vai mình. Đôi mắt thằng bé như hơi đo đỏ. Nhưng điều khiến Sỹ Huy ngạc nhiên hơn cả là câu nói của thằng bé sau đó, "Em sẽ nhớ anh lắm!"

"Nhớ gì mày? Sao phải nhớ?"

"Anh toàn giấu em thôi. Anh sắp đi Cần Thơ, đúng không?"

À.

"Ừ thì, các thầy mới báo, mà thấy mày đang vui, nên anh..."

"Em cũng sắp vào Sài Gòn rồi."

Ra là nó vẫn luôn biết. Thằng bé chẳng hề vô tâm, chưa bao giờ vô tâm.

"Lại thêm một lần Nam tiến. Mày nghĩ sao?"

"Em cũng không rõ nữa. Chỉ biết cố hết sức thôi anh."

Chỉ biết cố hết sức thôi anh.

Điều ấy tưởng như đơn giản, nhưng cái cách mà Tùng Lâm nói ra nó khiến cho Sỹ Huy cảm thấy những lớp màn sương mù mịt trong lòng dường như không còn quá lạnh lẽo như trước nữa.

-----

Hết





















































Facts, not fiction

-----

- Đỗ Sỹ Huy sinh năm 1998; Bùi Hoàng Việt Anh, Trần Văn Công, Dương Tùng Lâm, Lê Xuân Tú, Lê Văn Xuân cùng sinh năm 1999. Đây là sáu cầu thủ nằm trong đội hình trẻ tuổi của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vô địch giải Hạng Nhất Quốc Gia mùa bóng 2019.

- Tháng 7/2022 (thời điểm chiếc fic này được hoàn thành), Việt Anh, Xuân Tú, Văn Xuân đã thi đấu cho CLB Hà Nội đến mùa giải thứ ba. Văn Công đã trở thành trụ cột không thể thiếu, chuyên gia đánh chặn của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại V.League 1. Sỹ Huy có mùa giải thứ hai bắt chính cho CLB Công An Nhân Dân. Còn Tùng Lâm cũng đã trở về tập cùng đội Hà Tĩnh, sau một năm 2020 tu nghiệp ở CLB Sài Gòn. Ở các cấp độ đội tuyển, Việt Anh và Văn Xuân có những trận đấu đầu tiên cho đội tuyển quốc gia, Văn Công cũng đã trở lại trong màu áo U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 Châu Á.

- Viết chiếc fic này như một lời tri ân tới thế hệ 1999, sau giải trẻ cuối cùng trong đời cầu thủ của các bạn. Chẳng ai trẻ được mãi, phải không nào? Nhắc lại một chút chuyện cũ thôi, để hướng đến những điều mới mẻ phía trước. Hy vọng rằng năm, mười năm nữa khi gặp lại, các bạn đều sẽ có được chỗ đứng cho riêng mình.

╭─────────╮
11.07.2022
╰─────────╯

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top