Bốn mùa Hà Nội
Xuân
Dũng từng hỏi em, Hà Nội mùa xuân có gì.
Trọng bảo, rằng có cái đếch gì đâu anh ơi, ngoài tiết trời nồm ẩm như mấy hôm nay. Sàn nhà em lát gạch men, trơn trượt lắm, đi lại không cẩn thận là ngã dập mẹ xương đùi. Dũng nhìn thằng bé có khi phải kém mình đến vài tuổi, nói giọng Hà Nội ngồi bên cạnh, cái đứa đang cáu kỉnh gỡ những ngọn cỏ may dính đầy trên ống quần và gấu áo, trong lòng có chút gai gai rờn rợn. Bằng những động tác tuyệt đối khẽ khàng và tinh tế, anh chầm chậm lê mông ra xa em nó một chút. Tưởng dân thủ đô phải thanh lịch văn minh thế nào. Cái thằng bé này nhìn mặt hiền hiền mà xem chừng tính khí có hơi cục súc...
Nhưng cũng phải công nhận cái bầu không khí đặc quánh hơi nước này khiến Dũng bực mình thật. Mấy hôm trước đi đá bóng về, người không ráo nổi mồ hôi, quần áo giày dép cả ngày cứ ẩm sì sì, khó chịu ơi là khó chịu. Sống trong cái kiểu thời tiết này, ai quen chứ Dũng nghĩ, Dũng chẳng bao giờ có thể quen.
À, nãy giờ anh mải ngẫm nghĩ nên không để ý, thằng bé cục súc ban nãy đã sáp lại gần anh từ bao giờ. Em hết đan hai tay vào nhau rồi lại xoa xoa lên đùi, hai cẳng chân ngắn củn hết duỗi ra lại thu vào, có vẻ như đang suy nghĩ lung lắm. Chắc đang nghĩ cách bắt chuyện với mình, Dũng nghĩ bụng, nhưng vẫn kiên nhẫn đợi em mở lời trước. Cuối cùng em cũng hắng giọng, điệu bộ đầy trang trọng như đang đứng trước máy quay dẫn dắt một chuyên mục văn hóa.
Hà Nội mùa xuân có hoa đào. Trên đường về nhà em họ bán nhiều lắm, bày hết xuống cả lòng đường. À, ngoài đào ra còn có hoa mai, hoa đồng tiền, hoa trạng nguyên. Mỗi tội... từ dạo Tết cơ, giờ tháng ba rồi, kiếm đâu ra chợ hoa nữa.
Dũng nghĩ thằng bé đang nhớ lại những gì nó viết trong bài tập làm văn tả ngày Tết của nó, nhưng vẫn im lặng nghe nó huyên thuyên.
Anh chả lên đây từ dạo Tết. Tết có bao nhiêu là thứ hay ho. Em được mẹ dẫn đi chùa này, đi thăm họ hàng, rồi lên thị trấn chơi, có những năm còn sang tận Văn Miếu xin chữ nữa. Đường phố thì chẳng đông đúc như những ngày nghỉ khác trong năm, mà đâu đâu cũng trang hoàng sắc đỏ. Đèn lồng đỏ, bóng bay đỏ, câu đối đỏ...
Thật ra những cái đó chỗ anh cũng có hết mà. Dũng mỉm cười. Anh cũng được trông nồi bánh chưng đấy chứ. Mà anh không khoe thôi chứ anh cũng biết gói bánh đấy nhé, đợt Tết vừa rồi anh gói được tận năm chiếc liền...
Rồi cái nồi bánh chưng nhà anh có thành nồi cháo không?
Không nhé. Không bao giờ có chuyện đó xảy ra nhé.
Anh chắc chứ?
Chắc mà.
Anh nói thật không?
Thật mà.
Thề với cái đầu gối của em đi.
À ừ thì, trong năm chiếc đó cũng có một hay hai chiếc gì đó bị bục...
Trọng còn liệt kê ra vài thứ nữa, nhưng lúc nào ông anh kia cũng bảo biết hết rồi. Nên là em vò đầu bứt tai suy nghĩ ghê lắm. Cả khi đám bạn trong đội em và đội Dũng ùa xuống sân chơi đá ma, cả khi chúng nó mệt lử nằm soài hết ra trên cỏ, cả khi Dũng lải nhải loáng thoáng bên tai em rằng cái sân này sao mà rộng quá thể, dài quá thể, cuộc đời của mình về sau đấy, đã bao giờ em thấy có chút nản lòng chưa. Rồi nghĩ mãi chẳng ra thứ gì, em đành bảo anh đợi một lát, em đi hỏi thầy với mấy anh trong đội của em!
Rồi sẽ có một ngày, Trọng-đã-lớn kể anh nghe về những tán sưa già nở trắng bức tường vôi. Về những bông hoa gạo đỏ rực rơi từ trên cây xuống, xoay tít, tạo cho người đứng nhìn cảm giác như chúng đang bập bùng như những ngọn lửa nhỏ. Về những cành cây đại khẳng khiu nở ra thứ hoa trắng thơm nức mà ngày nhỏ mẹ em đã cấm em mang về, bảo rằng đó là loài cây nơi ma quỷ trú ngụ. Về những ngôi chùa nghi ngút trong khói trong sương mà huyên náo tiếng người. Về những ngày quây quần bên gia đình cho trọn hai chữ đoàn viên. Nếu anh Dũng còn thêm một lần bảo câu những cái đó chỗ anh cũng có hết, em vẫn sẽ tự hào mà nói rằng, dù gì đi chăng nữa, đó vẫn là mùa xuân của Hà Nội, mùa xuân đẹp nhất của tuổi thơ em.
Nhưng đó là chuyện của mãi về sau này. Có lẽ phải đến tám hay chín năm sau này.
Còn thằng bé Trọng mười hai tuổi năm ấy, đâu có hay những thứ lớn lao đều có thể được định nghĩa bằng những điều nhỏ nhặt.
Thằng bé Trọng mười hai tuổi năm ấy, chỉ biết đứng chôn chân nhìn bóng lưng người anh mới quen đi xa dần rồi khuất hẳn, người thầy của anh đã lệnh cho đội anh về khi em còn đang mải gục gặc đầu ghi nhớ mấy thứ đâu đâu bên chỗ đám bạn. Còn chẳng dám gọi anh lại, bảo anh mấy câu đại loại kiểu về nhà phải nhớ thi đấu cho thật tốt, rồi khi nào ra đây em sẽ dẫn đi chơi. Hoặc là thực tế hơn một chút, lưng anh dính đầy cỏ may rồi kìa, anh gì đó mặt ngơ ơi!
Và em cũng không biết rằng, có những hạt cỏ may năm ấy, đã theo Dũng về tận quê nhà xa xôi. Để rồi trong một buổi chiều Dũng ngồi trước hiên bâng khuâng gỡ chúng ra, từng hạt từng hạt như đang đồng thanh một tiếng gọi nho nhỏ, về với em, về với em đi.
-----
Hè
Dũng từng hỏi em, Hà Nội mùa hè có gì.
Trọng huơ tay về phía khoảng xanh lơ lấp ló sau những tán lá, mơ màng, có bầu trời cao, rộng và trong vắt. Trung tâm Hòa Lạc nằm trên trục đường cao tốc hướng ra ngoại ô, chẳng có mấy tòa nhà cao tầng, nền trời Hòa Lạc cứ thế mà xanh, cứ thế mà rộng mà dài như năm tháng. Một buổi chiều bình thường nằm soài người trên cỏ, lòng người cũng trong trẻo những bình yên như khung trời cao rộng trên đầu. Tay trái Trọng để gối sau đầu, tay phải em hạ xuống tìm đến tay Dũng, nắm chặt. Dũng nhìn theo hướng em chỉ, lại nhìn xuống những ngón tay em đan vào tay mình, rồi nhắm mắt, cảm thấy như đang cùng em bay đi muôn nơi cùng cơn gió chiều.
Nhưng trời trong không phải bao giờ cũng đến cùng sự lãng mạn đó. Dũng đã ngẫm ra như vậy trong những ngày nắng dội xuống Hà Nội từng dòng như đổ lửa.
Dũng chạy hùng hục trên sân, nắng thì táp vào mặt bỏng rát và mồ hôi thì chảy vào mắt cay xè, thấy mình chẳng khác nào củ khoai nướng đen thùi lùi, cháy khô... Đáng ghét hơn là, ngẩng đầu lên, vẫn cứ thấy bầu trời hôm nào càng xanh và xanh đến chói mắt. Những ngày như thế, Dũng chỉ biết tuyệt vọng kêu khổ trong lòng, rằng ông trời ơi, chờ đến bao giờ mưa mới rơi, cho đỡ khổ cái thân tôi...
Tối về Dũng gọi điện cho Trọng, than thở như vậy. Trọng chỉ cười cười hỏi lại, anh chắc chứ?
Trận đấu tiếp đó, Dũng còn chưa kịp đeo tấm băng màu nõn chuối lên cánh tay trái, đã nghe phía bên ngoài vang lên những tiếng ì ùng, thoạt đầu còn tưởng tiếng trống của cổ động viên trên khán đài, mà nghe kỹ thì lại không giống cho lắm... Vội vàng chạy ra ngó nghiêng, vừa đúng lúc mấy giọt mưa đầu tiên rơi độp xuống mặt, xuống vai. Khi Dũng dẫn những người đồng đội ra sân chào cờ, trời đã mưa như trút, và tiếng reo hò trên khán đài cũng ủ rũ như đám cỏ trĩu nước trên sân vậy.
Dũng chống tay lên hông nhìn khoảng sân trắng xóa như tuyết sau màn mưa dày, thấy bản thân như bị ông trời lấy ra làm trò đùa, chẳng biết thốt nên câu gì cho hợp tình hợp cảnh.
Đại bước tới vỗ vai anh đội trưởng an ủi, thôi, coi như cái số của đội mình nó khổ vậy đi.
Tóm lại, ở Hà Nội, đến hè, chỉ thích nhất là ngồi thu lu trong nhà, muốn ăn chè thì lăn đi nấu chè, muốn uống nước đá có sẵn nước đá, muốn mát chỉ cần thò tay mở quạt, hoặc bấm tít tít mấy cái là có ngay hơi điều hòa phả mát rượi. Nằm dài trên giường, lười biếng cầm điều khiển lướt lướt vài bộ phim kiếm hiệp, hoặc xem lại vài trận bóng bên châu Âu. Tối đến mát trời, chăm chỉ thì hẵng xách xe dạo phố, lười thì xách ghế ra trước cửa, vác theo cái quạt cây, vừa bấm điện thoại vừa hóng hớt tình hình xung quanh, thế là sung sướng nhất.
Có một hôm Trọng lục tủ, vô tình tìm thấy mấy bức ảnh từ hồi đi học, sực nhớ ra bèn gọi điện cho anh, hào hứng bảo, mùa hè Hà Nội cũng có hoa phượng đẹp lắm này. Anh đi trên phố, nhớ để ý những ngôi trường sau bức tường vàng, ngẩng lên kiểu gì cũng sẽ thấy phượng nở hoa rực rỡ. Thế mới thành ra một buổi chiều Dũng dừng xe đối diện cổng chính của một ngôi trường cấp hai cổ kính nọ, ngẩn ngơ nhìn đám học trò áo trắng cười đùa với nhau trên vỉa hè. Có mấy đứa chững chạc hơn ôm vai bá cổ nhau tình cảm lắm - chắc lớp chín rồi, vì thấy chuyền tay nhau quyển sổ gì nhìn như lưu bút. Đôi tay đứa học trò lơ đãng, cuốn sổ rơi bộp xuống đất, trang giấy trắng mở ra, bên trên có ép một đóa phượng đỏ. Nhưng đứa học trò vụng về quá, xếp các cánh kiểu gì mà cứ xộc xà xộc xệch, chẳng ra hình bông hoa gì cả, nhìn xa còn tưởng vệt máu loang.
Dũng không dưng mà nhớ đến cái tuổi học trò dang dở của mình, ở một ngôi trường cách Hà Nội cả trăm cây số, nơi ấy cũng có tán phượng tỏa rợp một góc sân. Ngày anh ra đi, những cành phượng cuối cùng đang bừng bừng cháy lên sắc đỏ, trước khi rơi xuống đất, hóa thành tàn vụn.
Từ đó, Dũng không bao giờ đi tìm mùa hè của phượng đỏ nữa. Tìm để làm gì, khi mỗi lần tìm là một lần lòng trĩu nặng trong những nỗi nhớ xa xăm. Có việc đi đâu về, dắt xe qua cổng, để ý cánh phượng vương trên yên sau, cũng chỉ lặng lẽ nhặt nó mà vứt vào sọt rác. Bẩn nhà, bẩn cửa, lại cứ gợi những nỗi nhớ đâu đâu.
Thế cho nên là, hỏi Dũng có yêu mùa hè của Hà Nội không, anh cũng khó trả lời. Nó cũng đẹp, ừ thì đẹp thật, nhưng đôi khi anh cứ có cảm giác chẳng phải dành cho mình.
Hà Nội chẳng mùa nào thiếu hoa. Đến hè, không thích phượng thì cũng có loa kèn, bằng lăng, có sen nở bạt ngàn trên Tây Hồ. Trọng thì rất thích cái không khí trên mấy con phố phía bắc đó, suốt ngày cứ rủ anh dạo mát Hồ Tây. Từ Hàng Đẫy thì gần thật, nhưng từ Hòa Lạc hay Mỹ Đình mà phi lên thì đến nhấc cái mông khỏi ghế thôi cũng thấy ngại. Thế mà đã có biết bao buổi chiều hai đứa dắt díu nhau lên đó, bằng xe đạp hẳn hoi. Để rồi về nhà là nhức đầu sổ mũi. Dưới cái nắng hè. Dưới những cơn mưa bất chợt. Trong cái thất thường của tiết trời Thủ đô.
Vậy là cuối cùng, mùa hè Hà Nội trong lòng Dũng, lại là chuyến tản bộ bất đắc dĩ trên con phố Phan Đình Phùng quanh năm rợp bóng cây, là cây kem ngọt lịm Trọng bắt anh dừng xe trên đường Thanh Niên để mua cho bằng được, là những cơn gió lồng lộng và mang hương thơm thoang thoảng từ mặt Hồ Tây, là buổi chiều quẩn quanh trong cái bầu không khí mát rượi bên trong phủ Tây Hồ, đứng cạnh Trọng giả vờ chắp tay lẩm nhẩm mà thực ra đang dỏng tai nghe lời khấn của em.
Vì Trọng từng bảo, đến phủ Tây Hồ, ngoài cầu tài lộc, người ta còn cầu cả duyên...
-----
Thu
Dũng từng hỏi em, Hà Nội mùa thu có gì.
Câu trả lời của Trọng vang lên ngắt quãng giữa những tiếng hắt xì liên tục. Có gì thì có, nhất định không phải cái mùi của nợ này. Nhất. Định. Không. Phải. Cái. Mùi. Ám. Quẻ. Này.
Dũng bối rối đứng nhìn. Cái cành hoa sữa trên bệ cửa sổ đó, là anh để lên chứ ai. Dũng không phải người tinh tế, nhưng cũng sống ở đất Hà Nội này đủ lâu để nhận biết những dấu hiệu khi thu về. Sáng nay, khi chạy bộ tập thể dục dưới phố, anh nhặt được nó dưới gốc một cây hoa sữa lâu đời, nghĩ bụng Trọng sẽ thích, vì em từng bảo, em yêu nhất mùa thu. Vậy mà...
Muốn mang thu Hà Nội về cho em, cũng khó chết đi được ấy.
Trọng thở dài, thế thì anh ngồi yên đấy vậy, làm ơn đừng động tay động chân gì cả.
Dũng định thanh minh thì em đã quay đi, nhỏ giọng, còn mùa thu Hà Nội, để em mang về cho anh.
Hôm đầu tiên, Trọng mang về một cái bọc gói kín bằng lá sen.
Khẽ khàng lật giở từng lớp lá, hương thơm dìu dịu đượm đôi bàn tay em. Ở bên cạnh, Dũng đã hí hửng cầm sẵn hai quả chuối tiêu chín. Bóc vỏ, bẻ miếng chuối chấm lên những hạt cốm, cắn một miếng, ban đầu là vị cốm dẻo dẻo bùi bùi, sau là vị chuối ngọt thơm, chú ý hít hà còn thấy như cả hương sen thoang thoảng. Trọng vỗ nhẹ lên cái miệng đang nhai nhồm nhoàm của anh, ăn với chả uống, anh ăn thế mà cũng nhìn được à, nhưng rồi cũng chỉ lắc đầu cười xòa khi Dũng cố tình làm mặt xấu để trêu em. Đấy không phải cách ăn chuối chấm cốm, hay là cách ăn bất cứ món gì khác ở Hà Nội. Hà Nội, đi đâu mà vội. Nhưng thôi, chịu không bảo được anh rồi.
Hôm thứ hai, Trọng mang về một bó cúc vàng.
Dũng nhanh nhảu đi lấy hai cái bình một sứ một thủy tinh, hì hục cắm hoa. Bình sứ đặt lên bàn thờ tiên tổ, sắc vàng nhòe đi giữa nghi ngút khói hương. Bình thủy tinh để ngoài phòng khách, đặt trên một cái đôn gỗ kê cạnh cửa sổ. Những buổi sáng thức dậy, Dũng dụi mắt nhìn nắng sớm rọi vào khiến sắc vàng càng thêm rực rỡ, chợt nhận ra à, thu Hà Nội vốn là dịu dàng như thế. Nhìn vào bên trong, thấy Trọng còn đang say ngủ, lại lẩm bẩm thêm câu, giống em vậy.
Hôm thứ ba, Trọng mang về một túi sấu.
Quên mất không bảo anh, hoa sấu nở từ đầu hè rồi, giờ có quả rồi này, ngâm với đường uống dần nhá.
Và rồi có một hôm, Trọng không mang về bất cứ món ăn hay loài hoa gì nữa. Mà mỉm cười, cầm tay anh, dắt anh đi xuống phố. Em bảo, anh nhớ cho kỹ này, đây mới đúng là hương hoa sữa của thu Hà Nội. Nồng nàn trong cơn gió heo may, nồng nàn trong không khí hơi se lạnh, nồng nàn theo bước chân người đi qua khắp nẻo phố phường. Chứ không phải cái mùi nồng nặc trong nhà mà làm em hắt hơi liên tục đâu, nhé anh nhé!
Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ? [1]
Những buổi sáng cuối tuần hơi se lạnh, kéo nhau ra đầu ngõ ăn phở, Dũng vẫn thường bắt gặp bản thân mình vừa xì xụp húp nước dùng vừa thỉnh thoảng liếc ra những đụn lá vàng rơi đã được người lao công đi làm ca đêm gom lại. Tại sao hình ảnh lá vàng đối với anh lại có sức thu hút mạnh mẽ đến thế? Anh nhớ lại thói quen của mình dạo này, đi đường cũng thường chú ý hơn đến thảm lá vàng dưới chân. Không biết có phải vì cái lưng đã bắt đầu thường xuyên đau nhức hay không nữa. Tuổi trẻ qua rồi không níu lại được thì phải. Chẳng gì hơn một ngày ăn uống điều độ ba bữa. Công việc dù bận bịu đến mấy cũng phải đặt sau giấc ngủ. Và cái tủ thuốc men cứ ngày một đầy hơn. Hẳn rồi, anh cũng sắp giống những chiếc lá vàng rơi rụng trước ngõ. Dù Trọng khi nghe câu đó, đã bĩu môi bảo, lo lắng tào lao.
Mùa thu, trời lại càng xanh và cao mãi.
Khu tập thể nhỏ, nằm trong một con ngõ bé xinh, nhìn lên chỉ thấy bầu trời chia năm xẻ bảy bởi những đường dây điện chằng chịt. Có đôi lúc Dũng không đừng được mà cảm thán, anh vẫn nhớ bầu trời Hòa Lạc cao rộng năm xưa. Bầu trời đã nuôi giấc mơ anh rộng mở, bầu trời mở ra trước mắt anh những niềm tin mới. Mà giờ về đấy cao ốc xây nên cũng nhiều rồi, chắc... chỉ vậy thôi. Trọng an ủi anh, bảo rằng ngày ấy mình đi biết bao phương trời. Chẳng cứ bầu trời Hòa Lạc, bầu trời ở Kuala Lumpur, Thường Châu, Seoul, Dubai, anh chẳng đã thấy hết. Cánh chim bay mãi, rồi có phải cũng sẽ đến lúc mỏi mệt không? Thật ra như mình bây giờ, muốn đi đâu mà chẳng được. Chỉ là, đã chọn ở lại nơi đây.
Mùa thu đến rồi, nhịp sống của Hà Nội có vẻ cũng theo đó mà thư thả hơn bao nhiêu.
Đó là Dũng cảm thấy như vậy, vào một buổi sáng đạp xe đi làm trên con phố quen thuộc. Những dòng xe cộ dường như đã mất đi cái vẻ náo nhiệt và bức bối như ngày hè, biết đâu những chiếc lá vàng bé xíu quay tít trong gió heo may đã khiến họ trong thoáng chốc tạm quên đi rằng mình còn phải vội vã. Những chủ đề chuyện phiếm bên quán cà phê, quán trà đá vỉa hè dường như cũng xoay quanh một cái gì đó trầm tư hơn, bình lặng hơn. Dũng hớp ngụm chè đặc, nhìn đám học trò hớn hở cắp sách đi tựu trường trong bộ đồng phục mới trắng tinh, không hiểu cái cảm giác bình thản trong con người mình có phải do tuổi tác mà thành.
Cuộc đời thì trôi mãi, chỉ có con người, nên chăng chọn một khoảnh khắc nào đó để dừng lại ngắm nhìn những điều vốn thường ngày họ vẫn vô cảm lướt qua.
Mùa thu thì có Tết Trung thu.
Đám trẻ con trong khu phố đã rục rịch chuẩn bị từ hơn một tuần nay. Nào đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, rồi bánh nướng bánh dẻo và hằng bao thứ hoa quả để bày biện cho mâm cỗ Trung thu khác. Thi thoảng Dũng đi ngoài đường, sẽ gặp mấy đứa trẻ con xúng xính trong những bộ đồ hóa trang mua trên Hàng Mã về, chạy ra hỏi bác Dũng bác Dũng trông cái này đẹp không, ngầu không, oách không, để rồi bị bố mẹ chúng nó quát yêu, đợi đến đúng ngày thì quần áo mới mới tinh được chứ, trước khi cười với anh và lùa đám trẻ vào nhà. Đêm rằm tháng Tám, Dũng và Trọng xuống khoảng sân trước khu tập thể, nơi tổ dân phố tổ chức lễ rước đèn. Vừa chuyện trò vu vơ với bác tổ trưởng, vừa tủm tỉm trước tiếng cười khanh khách giòn tan của đám trẻ lên nhận quà, thỉnh thoảng vỗ tay reo hò sau mỗi tiết mục chúng nó hát ca.
Muốn một đứa quá.
Ừ, em cũng muốn.
Nhận nuôi đi.
Nhận luôn. Từ mai bắt đầu đi tìm nhé.
Dũng đứng phía sau, tựa đầu lên vai người yêu, thổi khẽ vào tai em. Trọng ngoẹo cả một bên đầu vì nhột, rồi lấy khuỷu tay thúc vào người anh. Bao nhiêu tuổi rồi mà còn nghịch ngợm kiểu đó. Già đầu rồi còn lẩn thẩn. Nhìn lại mặt anh đi, đồi mồi chân chim đủ hết chưa? Mà vẫn thích đùa như đứa trẻ con lên ba vậy.
Sau ấy, câu chuyện về những đứa trẻ, vì một lý do nào đó, mà cũng có thể chẳng vì lý do nào cả, trở nên bất thành. Ừ thì Trọng cũng buồn, và Dũng cũng tiếc. Nhưng biết làm sao được khi chẳng có duyên. Một buổi đêm, Dũng tỉnh giấc, thấy Trọng bên ô cửa sổ, điếu thuốc lá trên tay đã ngắn đi phân nửa. Dũng đến bên cạnh, vứt điếu thuốc đi, rồi ôm em vào lòng.
Thôi, thì có em.
Có bàn tay em ấm áp để nắm thật chặt khi gió về. Có nụ cười em trong ngần như nắng mai dịu dàng mỗi sáng sớm. Có dáng em bên cạnh, chầm chậm bước bên anh đi qua thăng trầm thời gian.
Thôi thì có em, đời ta hy vọng. [1]
-----
Đông
Dũng từng hỏi em, Hà Nội mùa đông có gì.
Anh bảo, mới tuần trước, chỉ cần bước chân ra đường là đã có thể bắt gặp những hàng dài xe đạp chở đầy một yên sau cúc hoạ mi. Thế mà mới bẵng đi có vài hôm thôi, giờ đây anh tìm khắp các phố phường, đã chẳng còn tìm được cái sắc trắng tinh khôi ấy nữa rồi.
Anh bảo, cốc cà phê anh mới pha để trên mặt bàn, làm đôi ba việc lặt vặt rồi quay lại, đã thấy nó nguội ngơ nguội ngắt. Cái lạnh heo hút ngoài ô cửa sổ đóng kín, len lỏi vào từng ngóc ngách hẹp, thấm vào trong căn nhà vắng tanh, thấm vào từng thớ cơ anh giá buốt. Thấm vào cả chiếc giường đôi giờ đã trở nên quá rộng. Thế đấy, anh cũng đến phải bảo người ta đổi cho anh chiếc giường khác mất thôi.
Anh bảo, có những ngày anh tản bộ ra Hồ Gươm, chỉ để lặng người trên ghế đá, nhìn màn sương lãng đãng trên mặt hồ, phủ cả lên những cành cây khẳng khiu, như thể cái cảnh rụng lá trơ trụi của chúng chưa đủ buồn vậy.
Anh bảo, anh không mở đài mỗi sáng nữa. Người nghệ sĩ lang thang mãi trên những con phố heo hút gió đông, cũng lạnh, cũng buồn mà em nhỉ. Mùa xuân, rồi mùa hạ, rồi mùa thu qua, mang theo những sắc màu đi hết. Bảo làm sao những câu hát thơ, câu hát về mùa đông nơi này cứ mãi ảm đạm xám xịt. Và mùa đi, mang theo cả em của anh đi.
Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi. [2]
Anh bảo, anh nhớ em, vô cùng nhớ em.
Đôi khi anh nghĩ ngợi vẩn vơ, có khi em chính là ánh nắng. Ngập tràn lòng anh những tháng ngày tươi trẻ. Bỏ anh đi vào một chiều đông buồn. Nhưng nắng chỉ đi có mấy tháng đông. Còn em thì mãi mãi không bao giờ trở lại.
Bên tai anh, gió thì thầm thật khẽ.
Thế thì, anh hãy về với em đi.
Anh đi theo gió đông, đạp xe qua cây cầu Long Biên gỉ sét. Cây cầu rung từng hồi, làm vang lên một thứ âm thanh trầm đục, như thanh âm những vong hồn ảo não của bao nhiêu chuyến tàu, chuyến xe đã đi qua vọng về từ quá khứ. Nó cũng sắp bị dỡ bỏ hẳn rồi, anh nghe bảo vậy, người đứng đầu mới của thành phố khẳng định chắc chắn lắm, sẽ dỡ bỏ cây cầu cũ và xây nên một cây cầu mới nhưng vẫn sẽ đi theo thiết kế xưa. Thật ra họ làm được điều đó thì cũng mừng. Chỉ là những hồn tàu, hồn xe nọ rồi sẽ theo những trục sắt hoen gỉ mà tiêu tan cả.
Tuổi già khiến em nhìn đời bằng con mắt thanh thản hơn. Nhưng cũng khiến em cố chấp mãi với những cái cũ kỹ. Những món ăn mới của đám trẻ bây giờ, anh hầu như chẳng ăn được nữa. Những tòa nhà mới dựng nên bây giờ, anh thấy chúng đẹp chẳng bằng khi xưa.
Hay là, vắng em, vạn vật đâu đâu cũng trở nên như thế?
Bốn mùa Hà Nội, hóa ra khi không có em, đã chẳng còn gì nữa. Hà Nội có em, mới là Hà Nội trong anh trọn vẹn.
Anh xuống đê, chầm chậm tìm đường rẽ vào một ngôi làng nhỏ. Đi hết con đường cái, chào hỏi vài câu với những người quen. Dựng xe ở ngôi nhà cũ của em, giờ đã là nhà người khác, Bình trong Nam dạo gần đây sức khỏe yếu đi thấy rõ, không hiểu có còn về quê được không nữa. Anh một mình cuốc bộ ra cánh đồng, liêu xiêu bước đi trên những gờ đất, len lỏi giữa những tán cây táo gai, tìm một ngôi mộ nhỏ, trên đó, có di ảnh em vẫn tươi cười. Thắp mấy nén nhang, khói nhang quẩn quanh lẫn vào những cụm sương chỗ này chỗ nọ. Nụ cười em hư ảo đến méo mó sau màn sương khói.
Còn anh thì bật khóc.
Những giọt nước mắt từ ba năm trước tưởng như chẳng còn có thể rơi, nay lại lăn dài trên má anh.
Gió vẫn thì thầm từng câu từng câu. Anh ngạc nhiên, nghiêng tai lắng nghe. Gió bảo, đi đến cuối làng, tìm em ở vùng bờ bãi ven sông.
Ừ, tại sao anh lại quên mất nhỉ?
Cánh đồng hoa cải đã bao lần ta chở nhau qua.
Tháng mười hai, cải vàng lại ra hoa.
Con đường đất vẫn đón chào anh như ngày nào. Những khóm hoa vẫn quấn quít từng bước anh đi. Phía giữa đồng có chiếc xe đạp cũ, chắc để đó cho khách du lịch đến chụp ảnh. Nhưng mà hôm nay cũng chẳng phải ngày trời đẹp, nên là, có mỗi mình anh. Với cánh đồng hoa cải. Với ảm đạm trong lòng. Với quá khứ thân thương mà xa vắng đến nghẹt thở.
Trọng này, có phải em đó không?
Em đi rồi, có phải em vẫn về dệt nắng bên sông?
Hoàng hôn buông, và gió lạnh từng hồi hun hút. Có những lúc anh đã nhắm mắt lại, nghĩ nếu cứ đứng đợi đây, đợi mãi nơi này, rồi gió sẽ mang em về bên anh. Anh nghĩ trong một khoảnh khắc anh đã thực sự chờ, chờ vòng tay em ôm lấy cổ anh và đôi môi em hôn lên môi anh và bờ mi em cọ lên má anh thật dịu dàng. Nhưng rồi rất nhanh giấc mộng ấy cũng tàn phai. Và anh sẽ lại tự trách mình ngớ ngẩn vài câu, già đầu rồi còn lẩn thẩn. Rồi trở về theo lối cũ, cho kịp bữa cơm chiều qua loa. Bỏ lại những mảnh tình vụn cho nắng đông cất giữ. Hát vài câu cho vơi bớt nỗi nhớ.
Nhếch môi cười một cái thật nhẹ, để buồn thương chóng qua.
-----
Hết
-----
[1] Trần Quang Lộc, Có phải em mùa thu Hà Nội
[2] Phú Quang, Nỗi nhớ mùa đông
╭─────────╮
21.04.2019
╰─────────╯
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top