Ngoại truyện: Mùa Xuân
1. Năm 9 tuổi, Việt Anh đón năm mới thứ hai ở nhà Văn Hậu.
Bố mẹ Hậu vẫn lo tươm tất cho hai đứa trẻ, dù không nhiều, nhưng bọn nó vẫn có mấy chiếc áo mới để mặc ba ngày Tết. Con nít ấy mà, có bạn chơi hợp liền quên mất trời trăng mây gió, Hậu cũng chưa từng bận tâm thắc mắc tại sao đồ Tết của mình hình như vơi đi một chút so với mấy năm trước. Thậm chí, nó cảm thấy việc mặc đồ giông giống thằng bạn Việt Anh là một điều khá hay ho, dù gì thì cảnh sát cũng có đồng phục, việc khoác lên hai bộ quần áo giống nhau khiến chúng nó càng thể hiện mình là người một nhà, là "một phe chính nghĩa".
Mà Việt Anh, từ lúc ấy đã bắt đầu ghi nhớ những thứ mình mang ơn gia đình Văn Hậu, dù biết sẽ khó mà đền đáp lại đủ đầy.
Từ ngày đón Việt Anh về ở chung, bố mẹ Văn Hậu cũng bất ngờ về con mình lắm. Bình thường sai làm này làm kia toàn tót đi chơi, nhưng Việt Anh lại có phần hiểu chuyện hơn, không cần nói đã biết chạy vào bếp hay ra vườn để tìm việc, thế là nhóc con Văn Hậu không có ai chơi cùng, đành phải cùng bạn mình làm để xong công chuyện nhanh hơn còn đi tìm mấy đứa trong xóm. Tết năm đó, mấy bộ bàn ghế chạm trổ long phụng, mấy bộ ly tách để lâu đóng bụi trong tủ hay mấy món đồ không dùng đến đều được bọn nhỏ dọn dẹp sạch sẽ, không bám một hạt bụi.
Bố mẹ Văn Hậu chưa từng phiền hà gì về việc đón Việt Anh về, vì về tình nghĩa, họ không thể để con của người bạn thân nhất sống cù bấc cù bơ, mà về thực tế, thằng nhóc con nhà họ có bạn về liền thay đổi tính nết, chăm chỉ học hành, làm việc nhà nhiều hơn, và bớt mấy trò báo đi nhiều.
Hoặc con họ lôi kéo con người ta báo cùng cũng nên.
Ví dụ như hôm 20 tháng Chạp năm đó.
Bằng một cách nào đó thì vùng họ ở có cả hoa mai, ánh nắng phương nam ấm áp chiếu trên những cành cây lá xanh mướt, thấp thoáng có chút chồi non, báo hiệu một mùa Tết lại về. Mấy đứa trẻ trong xóm lại bắt làm cái công việc mà tụi nó phải làm mỗi năm, dù có trốn cũng bị lôi cổ về làm: lặt lá mai. Quanh năm bẻ cây ngắt lá hái trái hái hoa bị người lớn mắng bao nhiêu lần vẫn không bỏ, ấy vậy mà đến Tết cho bẻ lá cả một vườn mai lại chạy, đúng là bọn trẻ con.
Và bọn trẻ con đó có cả Văn Hậu.
Nó cuồng chân lắm rồi, mà thằng Việt Anh cứ đứng lặt lá từ cây này đến cây khác, Hậu cũng không hiểu sao bình thường thấy cũng ít cây, mà đến tết khu vườn nhỏ bên hông nhà lại như biến thành vườn mai, bọn nó lặt lâu ơi là lâu tận 20 phút rồi vẫn còn quá trời.
"Ê tao có ý này, mày muốn nghe không?"
Văn Hậu ngưng lặt, lay lay Việt Anh.
"Không."
"Nào, này nhé, tao có cách lặt lá nhanh hơn."
Thế là hai đứa thì thầm gì đó, mặt Việt Anh vẫn còn không chắc lắm, nhưng Văn Hậu lại tỏ vẻ rất chắc chắn. Mấy lần nó đá bóng trong sân, lỡ đá trúng mấy cái cây trong sân thì lá rụng xuống nhiều lắm, với một đứa nhóc chín tuổi thì cái trường hợp lá rụng đó hẳn là sẽ áp dụng được vào cây mai nhà mình.
Thế nên...
Chỉ một lát sau, mấy cây mai đã bị đá rụng lá như Hậu tưởng tượng, nhưng với lực sút để đủ rụng lá thì mấy cành cây con có nụ hoa sắp thành búp rồi đơm hoa cũng rụng theo luôn. Tóm lại là thiệt hại hơi ngoài sức tưởng tượng của nó.
Thế là chiều hôm đó Hậu chẳng những không được đi chơi mà còn phải ở nhà làm thêm công việc thay cho hình phạt, và Việt Anh dù không bị phạt thì cũng không ra đường làm chi nữa khi đồng đội của mình đã bị cấp trên kỷ luật vì nghịch ngu lên sinh vật cảnh của ông ấy.
Và tận mấy ngày sau, dư âm của phát minh thế kỷ của Văn Hậu 9 tuổi vẫn đủ để khiến hai đứa trẻ mất một buổi đi chơi nữa, khi mà năm đó cây mai chẳng ra nổi bao nhiêu bông hoa, và bọn nó phải ngồi cột hoa mai giả lên cây từ buổi trưa trưa chiều chiều đến tận tối mịt...
Bây giờ nghĩ lại, Hậu vẫn không hiểu sao mình có thể làm thế, vì nó vô lý hơn cả chuyện kỳ lân có thật, nhưng không sao, vấp ngã là bản năng, đứng dậy là bản lĩnh, chỉ là hơi quê tí thôi.
2. Năm ba ở học viện, Việt Anh phải ở lại trực Tết.
Thật ra chính Việt Anh đã xung phong trực Tết đó chứ, dù sao có về cũng không có quá nhiều người để thăm, trong khi anh em khác lại cần về nhà hơn, ví dụ như thằng Văn Hậu, chắc cô chú cũng mong nó lắm rồi.
Mà hình như khoá dưới, em Bình của hắn cũng soạn đồ về nhà rồi.
Thật ra trực Tết thì cũng còn anh em và các thầy chứ không hẳn một mình, nhưng cảm giác nhìn người khác lần lượt ra về còn mỗi mình ở lại, những ký ức mơ hồ về một cái Tết có ba mẹ, cùng với chút se se lạnh của khí trời đầu năm khiến Việt Anh có chút não lòng.
"Đời sinh viên có cây đàn ghi ta
Đàn ngân lên chúng ta cùng hòa ca
Có anh bạn xa nhà
Có cô bạn nhớ cha
Cất vang cùng lời ca..."
Tổ mẹ đứa nào ở phòng kế bên đang buồn lại còn hát ngay khúc này, hát ngay khúc buồn đúng tâm trạng thì thôi, giọng lại chua như mười trái chanh hợp lại ấy? Kiểu như lời bài hát có thể khiến bạn rơi vào cơn sầu đời với những dòng ký ức khó quên, nhưng giọng hát này lại như thể đập tan ký ức luôn?
Không biết thằng đệm đàn có ổn không mà cứ cổ suý cho nó hát mãi đến hết bài. Nhạc vừa dứt, Việt Anh liền lao qua nhìn thử xem là cao nhân nào có thể mang hắn từ nỗi buồn vô tận sang nỗi kinh hoàng vô tận với giọng hát "ngọt lịm" đi vào lòng đất của mình.
"Ơ Bình à?"
"Ơ Việt Anh? Không về quê à, vào đê vào đê, vào hát với bọn em nè."
Ngồi trên giường tầng là một cậu học viên cùng khoá với Việt Anh đang ôm đàn cho Thanh Bình hát, gương mặt vẫn bình thản như chưa từng nghe phải giọng hát nào cả.
Việt Anh không biết phải làm gì nữa, bỏ chạy thôi nhỉ, nhưng ai lại làm thế với người sắp yêu bao giờ? Đây là lần đầu tiên nghe thấy Bình hát đấy, dù lúc nãy kì thị thật, dù giọng hát có khác với tưởng tượng thật, nhưng tự nhiên giờ nghĩ lại thấy cũng không đến nỗi, cũng dễ thương, chân thành mộc mạc.
Và thế là Việt Anh đã ở lại thật, vừa dọn dẹp vừa nghe Bình hát nghêu ngao, đến tận khi hoàng hôn buông xuống, cậu học viên đệm đàn mới nhảy xuống cất đàn vào bao, đồng thời tháo nút bịt tai trên lỗ tai xuống.
"Nãy giờ tụi bây có nói xấu tao không đấy? Đừng có nghĩ tao không nghe thấy là không có gì nhé."
Hoá ra cái màn karaoke tự phát này của Thanh Bình nãy giờ chỉ có mình Việt Anh (bị) nghe thôi, nghe nhiều đến mức bây giờ thấy ca sĩ gốc hát chẳng quen tai, phải là giọng của Thanh Bình mới vào mood được.
Kết quả của hôm đó là ca sĩ Thanh Bình hát quá hát nên mất tiếng hẳn. Đến tận hôm sau, hai ông nhõi xin phép các thầy đi mua đồ về trang trí Tết đơn vị để đèo nhau trên con xe đến tiệm thuốc mua thuốc trị ho, nhưng đến lúc về lại còn kèm theo một đống bánh, gọi là cát sê từ việc hát hò hôm qua, từ cửa hàng tiện lợi kế bên do đích thân ca sĩ Thanh Bình chọn và ông bầu Việt Anh thanh toán.
"Cảm ơn anh nha."
Thanh Bình đã nói thế khi cùng Việt Anh trực đêm giao thừa ở học viện.
"Cảm ơn gì? Dở người."
"Em biết em hát ghê lắm, ăn cũng nhiều nữa, đi mua đồ với anh lại hay mắng anh cái này cái kia, nhưng mà anh vẫn chưa bờ lốc em nè."
"Anh cho phép em mà, chỉ cần em cho anh cơ hội."
"Eo ơi gớm quá đá chẻ cmn cổ ra bây giờ đồ sến súa."
Thanh Bình kết thúc màn cảm ơn cuối năm với Việt Anh bằng một món quà mà nó len lén nhét vào túi áo khoác Việt Anh trước khi giao ban cho ca trực tiếp theo, còn dặn Việt Anh về phòng hãy mở cái món quà "cảm ơn vì đã chịu đựng" của nó.
Tất nhiên Văn Hậu cũng có một cái, nhưng cái này rất khác với cái mà Bình đã gửi trước khi Hậu về quê.
Chính là cái mùa xuân đó, hai bạn đã tìm thấy mùa xuân cho tuổi trẻ của mình.
____
Ừ thì Tết mà, viết gì đó đỡ nặng nề ạ :"))))) mình biết nó phi lý lắm nhưng mà mọi người hoan hỷ bỏ qua nếu nó quá gớm ẻ nha.
Chúc các bạn iu năm mới nhiều hạnh phúc và bình an ạ. 😘
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top