1.5. Chuyện một con đường
Con đường đầu tiên mà tôi thuộc nằm lòng, trừ cái xóm tôi ở, là đường dẫn vào ngôi làng quê ngoại tôi, cũng là đường đến nhà anh Mạnh. Bởi ngày nào cũng được mẹ chở đi, tôi có thể hình dung mồn một những ngã rẽ trên đó còn trước cả khi biết đọc chữ và xem bản đồ. Hồi tôi còn bé, đường là đường đất, lổn nhổn sỏi, mỗi lần đạp xe qua là một lần cả người đau ê ẩm. Chưa kể nắng lên thì bụi tung mù mịt, mưa xuống lại ngập ngụa sình lầy, mẹ và bà tôi đi về cứ ca cẩm suốt.
Nhưng cảnh quan hai bên đường thì thật sự vô cùng bình yên. Những buổi bình minh khi trời còn chưa sáng tỏ, tôi được mẹ chở qua con đường đó, phóng tầm mắt ra xa, thấy những thửa ruộng trồng lúa bao la đan xen với những vườn rau tươi tốt, trải dài tới tít tận những mái nhà mờ mờ ảo ảo trong nắng sớm. Tôi đặc biệt thích thú mỗi lần đi qua một vườn rau của nhà ai đó, bởi vấn vít trên những bờ giậu được dựng sơ sài là những bông hoa bìm bìm tím còn đẫm sương đêm. Một mối duyên cơ khó hiểu nào đó đã khiến tôi cực kỳ bị thu hút bởi loài hoa tầm thường mọc vô thiên lủng khắp hang cùng ngõ hẻm này, thích cả sắc xanh tím hài hòa trên nền lá lẫn hình dáng ngồ ngộ của nó - ngày nhỏ tôi còn gọi bìm bìm là hoa chuông vì trông nó giống quả chuông đồng to tướng mỗi lần qua chùa làng tôi vẫn nghe thanh âm rền vang. Có phải tại hoa bìm bìm nở biếc cả con đường dẫn về nhà anh Mạnh không thì tôi không biết.
Còn những đoạn dẫn qua đồng lúa, hai bên đường là hai hàng cây trứng cá. Bà tôi bảo chúng chẳng cần ai trồng cả, cứ thế mà mọc hoang, mà tươi tốt, và cũng cứ thế mà tỏa rợp bóng mát xuống con đường. Tại một trong những cái cây cao lớn đó, anh Mạnh đã từng bảo tôi dừng lại, chờ anh leo lên cây hái một chùm quả trứng cá xuống cho tôi ăn thử, còn luôn miệng quảng cáo anh ăn thử rồi, ngon lắm. Quả trứng cá tròn tròn, đo đỏ và mọng nước, nhỏ xíu bằng đầu ngón tay, tách ra thấy những hạt nhỏ màu vàng như trứng con cá sống dưới sông. Tôi cho thử một quả vào miệng, rồi ngay lập tức phun phì phì trước ánh mắt ngạc nhiên của anh Mạnh.
"Ghê quá!"
"Sao mà ghê? Nó ngọt ngọt, ngậy ngậy..."
"Chịu, em sợ cái vị kiểu đó, không ăn nổi đâu." Tôi lắc đầu nguầy nguậy và cương quyết dúi đống quả còn lại vào tay anh Mạnh. Anh Mạnh tặc lưỡi vứt chúng xuống ruộng, bảo tôi không ăn thì anh cũng không ăn.
Ngày bé, số lần tôi đi trên con đường đất xấu xí có những cảnh quan đẹp đẽ đó nhiều không đếm xuể. Nhưng anh Mạnh thì mãi đến tận năm tôi học lớp bốn mới qua nhà tôi lần đầu tiên. Hôm đó là một ngày chủ nhật và chúng tôi đang được nghỉ hè, mẹ tôi xin phép mẹ anh cho anh đi thăm tôi cho biết, bởi hai đứa vốn chơi thân với nhau, mà anh lại chưa sang chỗ tôi lần nào hết.
Suốt đường đi, tôi co người trên yên trước tỉnh bơ nhưng anh ngồi ở yên sau thì sốt ruột lắm, hỏi mẹ tôi phải đến cả chục câu Sắp đến chưa ạ?
"Sao thế, thấy nhà cô xa quá hả?" Mẹ tôi bật cười khi anh hỏi tới lần thứ mười một. "Có muốn quay về không?"
"Dạ không..." Anh Mạnh lí nhí.
Đúng lúc đó, một thứ gì đó bất ngờ lọt vào tầm mắt và thu hút sự chú ý của anh. Tôi nghe tiếng anh reo lên:
"Ơ, đoạn này nhà Hải cũng có đường ray tàu hỏa chạy qua này!"
"Thì sao?" Tôi gọi với ra sau. Tôi biết đoạn đường sắt này, biết rất rõ là đằng khác, thậm chí còn thuộc cả những khung giờ có tàu chạy qua. Ở chỗ nhà tôi, vào những buổi đêm tĩnh lặng, tiếng còi tàu hú văng vẳng đưa theo tiếng gió. Từ khi tôi được đi xe đạp loanh quanh một mình, mẹ tôi vẫn dặn đi qua đường tàu phải nhìn trước ngó sau cẩn thận, bởi đoạn đó có gác chắn nhưng lại không có người canh, tai nạn hay xảy ra. Sau này tôi còn nhận ra tiếng tàu chạy xình xịch cũng mang đến cho mình cả những cảm xúc xao xuyến kì lạ, khi tôi đứng bên cái trạm chắn tiêu điều với lớp tôn lợp mái phủ kín bởi giàn hoa giấy dại, cạnh một cái cọc sắt gỉ sét, nhìn đoàn tàu vội vã lăn bánh qua những hàng cây xanh rì như thể nhìn một phần sống động của xã hội.
Còn ngày bé, tôi chẳng hiểu anh Mạnh thích thú vì cái gì, đành dỏng tai nghe anh giải thích.
"Gần nhà anh cũng có một đoạn đường ray với cái trạm chắn. Vậy nếu chẳng may bị lạc, anh chỉ cần đi theo đường tàu chạy là tới nhà em rồi!"
Ừ nhỉ, đơn giản thế mà tôi không nghĩ ra. Mặc dù tôi không nghĩ là tôi sẽ cần đến điều đó bởi tôi thuộc đường luôn rồi.
Khi tôi lên cấp hai, rồi cấp ba sau này, đi học trên thị trấn, được tự do cùng anh Mạnh lông bông khắp nơi và số lần anh qua nhà tôi cũng nhiều không kém số lần tôi sang thăm bà ngoại, thì anh Mạnh cũng đã như tôi, thuộc lòng lối về nhà tôi và chẳng cần nhờ cậy con đường ray kia nữa. Nhưng chúng tôi lại cứ đi lạc đường một cách có chủ đích. Một đứa cố tình mải mê nói chuyện mà bỏ qua mất ngã rẽ, một đứa cố tình giả tảng làm lơ, đến lúc nhận ra, hai thằng nhìn nhau cười toe toét, rồi quyết định... đi xa thêm một chút nữa hẵng quay về, đằng nào cũng đã lỡ quá chân rồi còn đâu. Có hôm tôi về muộn cả tiếng đồng hồ, mẹ nghi tôi trốn đi chơi điện tử, cứ hạch hỏi mãi.
Lớn lên, tôi phát hiện ra còn nhiều con đường khác trên đời, những con đường không được đắp bằng đất, ngập trong nước hay đổ bằng hắc ín và bê tông. Những con đường xây bằng những điều trừu tượng hơn, như là niềm tin, tư tưởng, hay nỗi nhớ. Có những con đường vắng chẳng người đi. Có những con đường gian nan trùng trùng, hiểm nguy không thể nào đong đếm hết. Có những con đường đông đúc bon chen đến ngột ngạt. Và cũng có những con đường lẩn quẩn trong muôn vàn hư ảo, chìm khuất giữa mịt mùng sương giăng, đi mãi đi mãi vẫn chẳng tìm được đích đến.
Như là con đường tôi thấy mình lạc vào mãi sau này, mỗi lần về lại bên anh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top