1.3. Chuyện u đầu sứt trán
Mỗi lần đưa tôi từ nhà anh Mạnh về, câu cửa miệng của bà ngoại tôi bao giờ cũng là, con nhìn anh mà học kìa! Bởi vì anh Mạnh hiếu động không kém gì tôi, chạy nhảy nô đùa cùng tôi ầm ầm, ấy vậy mà đến cuối buổi, lúc nào quần áo anh cũng lành lặn, chỉ lấm lem đất cát, còn đâu trên người không một vết xước vết bầm. Chỉ có tôi là đứa hay u đầu sứt trán.
Tôi dù những lúc như vậy rất đau đớn, đau muốn khóc lên được, nhưng rõ ràng là lỗi của mình, chẳng thể đổ vấy lên đầu ai. Chẳng ai bắt tôi đánh đu trên thanh sắt xích đu để rồi tuột tay rơi bịch xuống đất. Chẳng ai bắt tôi ham hố trèo lên hái khế để rồi lảo đảo ngã khỏi cành cây. Cũng là do tôi thôi, khi kéo đám bạn ra đường chạy nhảy hò hét để rồi ngã khuỵu đầu gối xuống con đường đầy đá dăm. Chúng nó thậm chí còn... can tôi khi tôi dắt chiếc xe đạp người lớn ra leo lên đi thử đó chứ!
Cái cảnh bà ngoại vừa ngồi xoa dầu lên cục u trên trán tôi, bôi thuốc mỡ lên những chỗ đang tróc vảy lên da non trên khuỷu tay tôi vừa cằn nhằn con nghịch quá con ạ đã in trong tâm trí tôi còn nhiều hơn cả những câu chuyện cổ tích bà kể và những lời ca dao bà hát giữa không khí êm đềm của buổi trưa ở làng tôi. Những lúc như thế, tôi chẳng biết nói gì ngoài lí nhí câu xin lỗi, rồi ngồi thần người ra đó khi bà thở dài đậy nắp tuýp thuốc mỡ lại, lọ mọ vào phòng cất nó trong cái hộp bánh ngọt đựng đầy thuốc men của bà. Bà ngoại mắng tôi luôn, nhưng chẳng bao giờ mách với mẹ tôi cả. Tuổi thơ tôi nếu không được bà bao che cho một cơ số lần thì có lẽ số những trận đòn phải nhiều hơn gấp đôi.
Nhưng đó là những hồi tưởng của tôi sau này. Còn lúc bấy giờ, tôi thật lòng thấy điều đó không tài nào hiểu được. Rõ ràng tôi lúc nào cũng cẩn thận để không bị ngã cơ mà! À thì đúng là trừ những lúc hăng máu lên, chẳng nghĩ được gì, còn lại lúc nào tôi chẳng cẩn thận.
Không giận được bà, nhưng tôi có giận anh Mạnh xíu xíu. Người đâu mà chẳng bao giờ biết bầm dập là gì. Anh có cùng một bọn với đám chúng tôi không thế?
Từ khi có suy nghĩ đó, tôi đâm ra quan sát anh Mạnh nhiều hơn mỗi khi chơi cùng anh. Tôi nhận ra rằng anh chơi đùa một cách rất có tính toán. Chạy thì chạy vừa vừa thôi cho khỏi ngã. Lúc nào cũng phải quan sát xung quanh, ngẫm nghĩ một lúc rồi mới lao vào nhập bọn. Khi có xung đột, tốt nhất là tránh xa ra. Và tuyệt đối tránh tình trạng vắt vẻo trên cao bởi đâu ai lường trước được sẽ run tay tuột tay khi nào. Việc tôi hay bám theo anh là vì vậy. Ở anh tỏa ra cái cảm giác an toàn, và đứng cùng một người không nghịch ngu thì bản thân cũng sẽ phân biệt rành mạch những chuyện nghịch ngu hơn, đứa trẻ tôi đã nghĩ như thế.
Mặc dù nhiều lúc tôi thấy anh chán ngắt.
Nhưng tôi cứ nhớ mãi một lần, khi đó chúng tôi đang ở ngoài đường chơi, và anh Mạnh ngã, ngã thật. Lúc đó đám chúng tôi đang rủ nhau chơi cướp cờ (cờ là một chiếc dép tổ ong đứt quai đã được gắn lại bằng dây sắt), và anh Mạnh cũng hào hứng tham gia. Khi ôm được chiếc dép chạy về, anh ngã khuỵu xuống đống đá răm y như cái cách chúng từng làm đầu gối tôi rỉ máu. Tôi hớt hải chạy lại, nhưng anh rất nhanh chóng đã cười, nụ cười có phần áy náy, lặp đi lặp lại phải hai ba lần, anh không sao đâu. Đoạn, anh rút từ trong túi áo ra một chiếc băng urgo, cẩn thận kéo ống quần lên quá đầu gối, dán lên chỗ da đang rịn màu đỏ. Rồi đứng dậy, phủi bụi trên áo quần, tập tễnh qua một bên ngồi, nhưng mặt mày rất thản nhiên. Tôi chỉ biết đứng đó nhìn theo trước khi đám bạn í ới gọi trở lại chuẩn bị cho lượt chơi mới.
Tự dưng sau lần đó, tôi đâm ra cẩn thận hơn. Biết nhìn trước ngó sau, đi đứng chạy nhảy cũng không bạt mạng nữa.
Sau này, ước chừng vào năm tôi lên lớp mười hoặc mười một gì đó, cái khoảng thời gian tôi và anh Mạnh bắt đầu học cách nhìn nhận tuổi thơ mình qua lăng kính của những người trưởng thành, có một lần tôi hỏi anh về chuyện u đầu sứt trán hồi bé. Thời điểm đó anh Mạnh đã có hai cháu nhỏ ở nhà, mỗi khi đi học về lại luẩn quẩn trong nhà chơi với chúng nó. Hai đứa tuổi sàn sàn nhau, thỉnh thoảng cộng thêm vài đứa hàng xóm đồng trang lứa, cái khung cảnh nô đùa trên khoảng sân lát gạch đỏ ngày xưa lặp lại như thể một đoạn phim được cắt ra từ quá khứ và chắp vá vào hiện tại. Những lúc như vậy, tôi và anh ngồi bên nhau dưới hiên nhà, trên đùi là bài tập toán đang nghĩ dở (nhưng thật ra có nghĩ được quái gì đâu), chắn giữa hai đứa là đĩa khế ngọt lịm y chang năm nào, chúng tôi ngồi tán gẫu mãi đến khi không gian xung quanh nhá nhem tối. Ngắm đám trẻ chơi đùa, tự dưng chúng tôi hiểu thêm được về mình ngày trước. Khi nghe tôi ấm ức kể lại chuyện, anh suy nghĩ một lúc, rồi mới cất lời:
"Bấy giờ em còn bé nên không để ý, chứ thật ra anh không đủ sức khỏe để mà chạy nhảy như em ấy."
"Thật á, em nhớ anh hay bày trò lắm mà?"
"Bày trò cho mấy đứa thôi, chứ đâu có tham gia được nhiều. Lúc nào cũng ốm đau bệnh tật, nên lúc nào cũng phải chừng mực giữ gìn. Chơi không dám bung hết sức, nghịch cũng chẳng dám nghịch quá đà, không bao giờ ăn mặc phong phanh, hạn chế la hét ầm ĩ. Ngày đó thật ra anh luôn muốn được như Hải, vô tư đùa vui, chẳng phải lo lắng gì cả."
Trong suốt quá trình lớn lên, đi học rồi đi làm, tôi vẫn luôn được thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp nhận xét là một người cẩn thận chỉn chu. Sinh hoạt nề nếp, ngăn nắp gọn gàng, ít mắc phải sai sót. Ngày bé tôi bị người lớn gọi là ông cụ non. Đến lúc lớn thì được khen biết quan tâm chu đáo. Thật ra, tôi có được đức tính đó phần lớn là nhờ anh Mạnh.
Anh mới là cái kiểu bẩm sinh chín chắn, biết suy nghĩ. Tôi chỉ cố gắng học theo để làm sao cho mình bằng được anh mà thôi. Bởi vì có một sự thật chẳng bao giờ thay đổi là tôi kém anh một tuổi. Lúc nào cũng có cảm giác như mình đang chạy theo anh. Dọ dẫm trên con đường mà anh đã đi qua. Nếm trải những khó khăn mà anh đã nếm trải. Mặc dù anh đã ở cạnh bên tôi suốt những ngày tháng ấy, tôi luôn thấy như anh đang cầm tay tôi dắt đi, bảo tôi rằng trên đường đời, đoạn này trải hoa hồng, đoạn này lắm chông gai, chỗ nọ có ổ gà, chỗ kia có đinh đó, phải bước cẩn thận, không thì sẽ chảy máu bàn chân.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top