1.2. Chuyện tấm ảnh, quả bóng nhựa đỏ và cái xích đu xanh
Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ một tấm ảnh chung với anh Mạnh từ lúc còn bé, bé lắm. Ngày đó tôi mới hai tuổi rưỡi còn anh Mạnh vừa lên ba. Ảnh chụp vào một ngày cuối thu chớm đông, cả hai đều lụng thụng trong những bộ quần áo dài, bên trên khoác thêm một chiếc áo gió mỏng. Chúng tôi đứng ở dưới gốc cây khế, xung quanh hoa khế rụng tím sân. Anh Mạnh khoác một tay lên vai tôi còn tôi hơi nép vào người anh, tay còn lại anh ôm một quả bóng đỏ bằng nhựa. Chẳng đứa nào chịu cười, chắc do bị bắt tạo dáng bên cạnh nhau quá lâu.
Lúc khoảnh khắc này được ghi lại, điện thoại vẫn còn là một thiết bị chỉ mang đúng chức năng nghe - gọi và ở làng tôi, kiếm ra một chiếc máy ảnh vẫn còn khá là khó khăn. Nghe đâu ngày đó trong làng chỉ có duy nhất một ông thợ ảnh, chỉ nhà nào có việc cần thiết lắm mới mời ông đến tác nghiệp một buổi. Máy cơ, chụp bằng phim, muốn có ảnh phải đợi vài ngày, mà hình chụp không phải lúc nào cũng đẹp đẽ, khi rửa ảnh ra thấy người này mất chân người kia mất đầu, nhắm mắt nhắm mũi là chuyện bình thường, có không vừa ý thì cũng đành chấp nhận. Ngoài ra, giấy ảnh thời xưa không được tốt, ảnh để vài năm là ngả màu cũ kĩ. Nói vậy để biết rằng tấm ảnh kia của tôi và anh Mạnh vẫn còn đi theo tôi đến tận giờ này là quý lắm rồi.
Nhưng chính vì hay lôi tấm ảnh đó ra mải mê ngắm quên cả thời gian, mà tôi cảm giác như những gì tôi nhớ được về khoảng thời gian đó chỉ gắn chặt với khoảng sân lát gạch đỏ xinh xắn trước nhà anh Mạnh. Thật ra nói những khi ở với bà, tôi qua nhà anh Mạnh chơi suốt ngày cũng chẳng sai. Khoảng sân ấy là thiên đường mà tuổi thơ của bao đứa trẻ đã thiết tha ao ước. Tôi vẫn thường cùng anh Mạnh và mấy đứa trẻ con trong xóm khác đứng thành vòng tròn, tranh nhau đá quả bóng đỏ bằng nhựa. Chúng tôi chẳng chia phe, cũng chẳng cần trọng tài, chính xác là mạnh đứa nào đứa đấy lo thân mình. Thường thường trước khi bắt đầu trận đấu, cả đám sẽ kéo nhau đi nài nỉ bà tôi đứng ở ngoài làm trọng tài, nhưng bởi nào có luật lệ gì đâu, nên bà cứ ngồi cười hiền nhìn chúng tôi chơi và can ngăn khi cuộc chơi có nguy cơ biến thành cuộc ẩu đả.
Chúng tôi vừa chạy quanh sân theo những quỹ đạo hỗn độn, vừa hét lên những câu nghe lỏm được từ những người ông và người bố đáng kính, trong những bữa cơm mà họ bật vô tuyến để chuyển qua trận bóng của tuyển quốc gia thay vì chương trình thời sự chán òm như thường lệ. Tất nhiên chẳng đứa nào hiểu mình đang nói gì sất:
“Mày việt vị rồi!”
“Cho nó thẻ vàng đê!”
“Không, thằng này phải thẻ đỏ!”
“Phạt góc!”
“Bê-lan-ti! Bê-lan-ti! Bê-lan-ti!”
Và rồi chẳng có thẻ vàng, thẻ đỏ, cũng chẳng có quả phạt góc hay cú sút penalty nào cả - sau này tôi đã cười thích chí bên cạnh anh Mạnh khi nghe anh kể lại chuyện ngày đó kèm theo lời nhận xét, thủ môn đâu ra mà đòi bắt penalty? Cả bọn hét lên cho sướng mồm rồi lại tiếp tục nhảy bổ vào nhau tranh quả bóng như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy.
Anh Mạnh thường không mấy hứng thú với mấy trò cãi cọ lôi thôi. Vì anh là chủ nhân của quả bóng cả bọn đang chơi lẫn chủ nhà của cái sân cả bọn đang đứng, nên chỉ cần anh cất quả bóng đi, có muốn chơi cũng chẳng chơi được. Tôi cậy thân với anh, cũng bắt chước đứng ra bên ngoài, không buồn chấp đám chúng nó.
Nhưng không khí những ngày đó vẫn chủ yếu là vui vẻ. Trẻ con không biết buồn lâu, cũng không biết giận lâu bao giờ. Tất cả xí xóa với nhau bằng đĩa khế mẹ anh Mạnh mang ra đặt lên xích đu và hết bay trong vòng chưa đến mười giây. Đến giờ tôi vẫn hình dung lại được cái cảm giác cầm trên tay miếng khế hình ngôi sao lẫn vị chua ngọt mát lịm của nó trên đầu lưỡi. Chơi đẫy (chạy loăng quăng trên sân cả tiếng đồng hồ), ăn no (hai hoặc ba miếng khế gì đó), cả đám khoan khoái giải tán, đứa nào về nhà đứa nấy, râm ran cả cái xóm nhỏ như đoàn người vừa đi trẩy hội về. Bà tôi lúc này cũng quay về lục tục chuẩn bị bữa trưa, bảo tôi nếu muốn chơi với anh Mạnh một lúc nữa thì cứ ở lại.
Nhưng khi còn lại hai đứa với nhau, chúng tôi không đá bóng nữa. Anh Mạnh mang quả bóng đi rửa, lau khô rồi cẩn thận cất nó vào góc nhà. Xong xuôi đâu đấy, tôi và anh tót lên xích đu, ban đầu còn hứng thú giả vờ nó là con thuyền đang ra khơi gặp bão, nhưng sau cả hai đứa mỏi lưng, nằm dài ra cạnh nhau, lười biếng.
Tôi gối đầu lên hai cánh tay, chân vắt chữ ngũ, anh Mạnh chân dài hơn thò xuống đất đẩy chiếc xích đu đung đưa từng nhịp, những tiếng cót ca cót két đều đều vang lên. Nắng rọi xuyên qua tán cây làm chói mắt tôi, tôi hờ hững khép đôi mi, ngạc nhiên thấy nắng nhảy nhót trong mắt mình.
Khi ngừng việc nhìn mọi thứ bằng thị giác lại, tôi như thể đang lạc vào một thế giới khác. Nơi ấy thời gian thôi không buồn trôi, gió thôi không buồn thổi và những tiếng cót két phát ra từ chiếc xích đu thân thương cũng thôi không vang lên đều đều từng nhịp nữa mà méo mó, lẫn lộn vào nhau. Trong tâm trí của tôi, tôi thấy thân người mình trở nên nhẹ bẫng, và hình như tôi đã bay mãi lên cao, đang lơ lửng giữa hai tầng mây trắng xốp. Chỉ có ánh nắng trong mắt tôi vẫn lập lòe. Tôi khẽ nghiêng đầu, và cái thế giới đó cũng bất ngờ chao đi, kéo theo tất thảy năm tháng, kí ức và tiếng cười. Chợt nhận ra nãy giờ tôi vẫn bỏ quên anh Mạnh trên chiếc xích đu dưới gốc cây hồng.
Chân tay tôi bỗng chốc chới với như người vừa bước hụt. Tôi giật mình mở mắt, nhìn sang bên cạnh.
Anh Mạnh đã ngủ khì từ bao giờ rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top