Ngày thứ năm
Đình Trọng nhờ tôi đi mua vài cuốn sách thiếu nhi cho bọn trẻ ở trường. Tôi đồng ý ngay, vì nằm dài ở nhà mãi cũng chẳng để làm gì. Và dĩ nhiên thì cậu ấy sẽ tin tưởng vào khả năng chọn sách của tôi hơn mấy đứa trẻ chẳng mặn mà gì lắm với hiệu sách ở nhà số 10 bên kia đường.
Những con người ở đây ghét xe máy một cách kì lạ, tôi có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy một con chiến mã gầm rú phả đầy những khí ga nào. Mấy đứa bé đi học bằng xe buýt, tỉ như những người giống anh tôi, làm công việc nay đây mai đó thì đi cùng xe của cả ekip. Cả khu có độc ba chiếc ô tô, mà hình như người ta chẳng mấy khi động vào nó. Tôi lác đác thấy vài ba con xe đạp điện, còn lại thì toàn xe đạp, chỉ thấy xe đạp khắp nơi.
Anh Phượng tôi đã về nhưng lại rời nhà từ rất sớm, tôi hiểu công việc của anh. Còn Vũ Văn Thanh cũng cắp mông chạy mất hút, bởi nếu không phải có việc của mình thì cậu ấy sẽ bám anh tôi không dám buông. Dù anh tôi không còn là trẻ con và cũng chẳng bao giờ đi lạc. Nhưng dẫu sao thì bây giờ đây, tôi đang đứng trong sân nhà 23, phân vân xem nên xách con xe xanh hay đỏ đi cùng mình tới hiệu sách.
Sau khi được tư vấn phong thủy bởi Hồng Duy, tôi quyết định xách con xe đỏ chóe lên và đi dù không rõ nó là của Văn Thanh hay anh Phượng. Ngồi trông cái hiệu sách nhỏ bé của tôi lúc này vẫn là Tuấn Anh, luôn nói nhiều với cái vẻ nhẹ nhàng vốn có. Khi đạp ngang qua nhà Đại Chung, tôi thu nạp được thêm một đồng minh mới, Bùi Trần Kiệt. Thằng bé vừa thấy tôi là réo lên hào hứng, nhảy phóc lên yên sau rồi hô "Đi tôi tú ưi" dù nó còn chẳng biết tôi sắp đi đâu. Hiệu sách lớn trong thành phố không nhiều, may thay nó cũng khá gần khu nhà này. Tôi đạp xe chừng hai chục phút.
Một nơi rộng lớn, sáng đèn và lấp lánh những ao ước xưa cũ ngày còn thơ bé. Tôi nhìn thằng nhóc trước mặt đang vui vẻ bước vào, ngước nhìn mọi thứ với ánh mắt ngưỡng mộ, hệt như chúng tôi đã từng mơ ở tuổi mười hai. Nó lân la khắp các gian sách nhỏ, vuốt ve gáy của từng cuốn truyện xếp đều nhau, dán chặt mắt vào những thứ đồ chơi sinh động xếp từng hàng trong các ô kính, bỗng dưng tôi muốn bé đi.
Đình Trọng dạy cấp một, vậy nên những cuốn văn học nước ngoài đầy trừu tượng và bay bổng không nằm trong tầm ngắm của tôi lúc này. Tôi biết họ hay gợi ý cho con trẻ những đầu sách như "Những tấm lòng cao cả", "Hoàng tử bé" hay "Không gia đình", nhưng tôi đã đọc chúng ở tuổi mười lăm, và hiểu tất cả những thứ thoạt nghe có vẻ đơn giản như "ước mơ xa", "tâm hồn cao thượng", và "gia đình" khi đã sống được hăm mốt năm trên đời. Một cuốn sách không thể hiểu hết sau một lần đọc, và những đứa nhỏ lớp hai mà Đình Trọng dạy sẽ thấy chúng vô hồn, khó hiểu như cách tôi học "Emily, con..." khi vừa lên lớp năm. Vậy nên tôi bỏ qua hết những cuốn sách đó, bởi bản dịch không bao giờ là đủ để nhìn thấu nội tâm tác phẩm. Nhặt cho mình vài cuốn Tuyển tập những truyện hay viết cho thiếu nhi của Phong Thu, Võ Quảng, Tô Hoài cùng Vũ Tú Nam, tôi tin Trọng biết sẽ phải làm gì với chúng, vì cậu ấy tin tôi sẽ hiểu phải mua gì khi cậu còn chẳng nói rằng cần sách về chủ đề nào.
Một sự tin tưởng quá đỗi lớn lao, giữa người với người.
Tôi cũng mua thêm Tôi là Bê tô, Cô bé Maltida và Đảo giấu vàng, nếu Đình Trọng muốn đưa chúng cho những học sinh lớp năm, trong trường hợp mấy đứa trẻ thực sự hứng thú.
Kiệt không mè nheo, cũng chẳng đòi hỏi tôi thứ gì. Nó chỉ lẳng lặng nhìn ngắm và đắm chìm trong cái hiệu sách này, tưởng chừng như sắp bị sự đồ sộ nhấn sâu xuống. Mọi thứ ùa về quá mạnh mẽ, tôi có chút choáng váng.
"Kiệt có muốn mua gì không?" - Tôi lên tiếng.
"Tú tú, táu thít cái nài"
Thằng bé chỉ vào dãy kính vạn hoa được xếp ngay ngắn. Bây giờ họ làm nó với đủ các hình dán vui nhộn bên ngoài, và nhẹ tênh. Thời non dại của tôi, kính vạn hoa là thứ xa xỉ bậc nhất. Nặng trịch, vỏ ngoài thường là màu trơn và chúng tôi còn chẳng dám cầm nó quá lâu, luôn nơm nớp sợ nó tuột khỏi tay. Tôi mua hai cái, một cho thằng bé, một cho chính mình. Tôi muốn lưu giữ chút gì đấy gọi là.
Hai chú cháu tôi lại lách cách con xe đạp về khu phố. Gần trưa, trời nóng như thiêu, hầm hập và bức bối. Danh Trung đang ở trong nhà tôi, cẩn thận xem xét các đầu sách. Góc nhà, một cậu trai hăm tư tuổi đang hí hoáy với bức họa dở dang.
"Em chào anh. Anh Tuấn Anh có việc rồi nên bọn em sang chơi, với cả em cũng muốn đổi không khí sáng tác tí"
Tôi cười như lời đáp lại Hoàng Đức, một người đam mê tranh biếm họa - cậu ta tự giới thiệu vậy, và luôn chối đây đẩy việc người khác gọi mình là họa sĩ. Người làm nghệ thuật mà, luôn cố tìm cho mình những nguồn cảm hứng mới mẻ khác nhau. Tôi đã từng có một khoảng thời gian khó khăn với sáng tác như vậy, có lẽ ai cũng từng trải qua. Tôi viết thật nhiều, nhìn thoáng qua thì tưởng hoa mỹ, thực chất lại chỉ có sáo rỗng và vô hồn.
Thằng bé Kiệt - vẫn luôn là nó, người kéo tôi ra khỏi vũng lầy của cảm xúc, nói rằng mình đói, và tôi giật mình khi thấy đã giữa trưa. Tôi rủ Đức và Trung, nhưng họ lắc đầu. Người trẻ bây giờ có lối sinh hoạt lạ. Nhưng thú thật nếu không có Kiệt, tôi cũng sẽ nằm dài một chỗ thay vì đi ăn. Phía trước nhà số 5 bỗng dưng xuất hiện một cái xe bánh mì. Hai chú cháu tôi ghé thử, thấy Tiến Dụng đang ngồi đó trông xe, còn Văn Hậu thì tôi đoán cậu ta đã tí tởn sang nhà Minh Bình để khám phá mấy cái máy game đời mới. Một đầy đủ cho tôi và một patê trứng cho Kiệt. Cuộc trò chuyện với Dụng chẳng có gì nhiều ngoài "thằng Hậu nhà em chỉ mải game thế này thế khác..."
Trên đường lững thững về nhà, tôi phải cõng Kiệt vì sợ thằng bé ngủ gật giữa đường đi. Mấy vị khách vãng lai của những tiệm cơm có lẽ đã phát hiện được cái góc nhà tôi. Họ lui tới thường xuyên hơn, bởi vậy mà cái hiệu sách dởm đó chẳng yên tĩnh được quá lâu. Tôi chỉ cho mượn, không bán sách. Vậy nên cả tôi hay Trung trông hộ mỗi khi tôi lang thang không ở nhà đều từ chối mọi loại giá các vị khách đi qua. Đức chọn cho mình một góc khuất của tiệm, ngồi thụp dưới đất, chăm chú nghiên cứu tầng một căn nhà rồi lại tiếp tục bức họa của mình.
Tôi để thằng bé Kiệt ngủ ở nhà 17. Tý Anh hôm nay có vẻ rảnh rỗi còn Martin thì cũng không rõ đi đâu. Quay về nhà, Danh Trung to nhỏ với tôi về những kinh nghiệm để xuất bản sách. Tôi nói hết những gì có thể biết được cho cậu nhóc nghe. Và cậu ấy cũng cần chắc chắn một điều, phải tự tin với những gì mình viết, biết chắc là có người đọc và mua. Vì nhà xuất bản sẽ không bao giờ đóng dấu cho một xấp giấy in chữ của một tác giả sợ rằng mình viết dở tệ và chẳng có ai sẽ đọc chúng.
Hơn ba giờ, Tý Anh ngó sang nhà tôi, nói dẫn Kiệt qua chơi với mấy chú chó mèo. Dù khu này tầm chiều không có nhiều xe nhưng để một đứa trẻ ba tuổi tự sang đường là một ý tưởng tồi. Hoàng Đức hớn hở khoe tôi bức tranh cậu ấy mải mê đắm chìm từ sáng. Tôi không giỏi vẽ, vậy nên ngoài khen đẹp ra cũng chẳng cố bồi thêm được lời nhận xét nào mang tính chuyên môn. Một bác gái đứng tuổi tiến lên nhìn thử, rồi bảo "Cậu thử nhấn thêm chút sắc độ cho màu xem sao", và chào chúng tôi ra về. Tôi quên đếm là bao nhiêu phút sau, Đức giơ lại bức tranh cho tôi. Dù mù tịt mảng này, nhưng phải công nhận nhìn mọi vật trong đó có hồn hơn. Rồi với đôi tay lấm lem vệt màu, Đức bảo tôi giữ làm kỉ niệm.
Có lẽ "tốn" thêm hai mươi lăm ngày ở đây, là lựa chọn đúng đắn nhất trong vô vàn những sự dại khờ của tôi từ trước đến giờ.
Tôi dành phần còn lại của buổi chiều để đọc thử những gì Danh Trung viết. Một cuốn truyện tình yêu, dưới góc nhìn của một cậu trai hăm hai tuổi. Mơ mộng, mông lung, bay bổng, và cả đổ nát. Tôi chợt nhớ bản thân của năm năm trước, cũng có những vấn vương riêng của cái tuổi chớm lớn. Nhưng Trung khác tôi, cậu bé viết về những huyễn hoặc và cả hoang tàn khi ở cái tuổi đó tôi còn chẳng thèm để tâm đến chúng. Tôi hơi bất ngờ với cách hành văn của Trung, sâu sắc đến đáng ngưỡng mộ.
Người trẻ có cái lối sống lạ, và cái đầu cũng thật lạ.
Hoàng hôn buông. Tất nhiên là cái cách mặt trời thiếp đi ở đằng xa, không phải tôi hôn ai cả. Tôi chọn ở nhà mình và ăn mì tôm, bởi bản thân còn một đống ngổn ngang với cuốn tiểu thuyết sắp tới. Còn cả Visa của tôi vẫn chưa đâu vào đâu. Muốn bay nhảy cũng đâu dễ. Đình Trọng tới tìm tôi, lúc bảy giờ tối. Nhà văn hay có thói quen xem giờ đấy, dù họ toàn thức đến sáng hôm sau để viết và chỉ viết thôi. Tôi đưa cậu ấy mấy quyển sách lúc sáng. Chẳng ai hỏi, nhưng Trọng ngồi xuống, kể cho tôi nghe về lí do Kiệt cứ mãi ở nhà thay vì đi mẫu giáo. Chỉ biết cậu ấy nói rất lâu, rất nhiều, và lo lắng tới vã mồ hôi.
Tôi còn mải suy nghĩ chuyện Trọng nhờ tôi, và lại thức đến tận canh năm ngày thứ sáu, với cái laptop quèn vẫn sáng màn hình cả đêm.
----------
22h22p
22/02/2022
-Heulwen đòi suốt nên nhả cho một chap nhé:))
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top