Untitled Part 1

Kim Lân là cây bút chuyên về đề tài nông thôn. Sáng tác của ông phản ánh một cách chân thực và xúc động cuộc sống của người dân quê mà ông am hiểu sâu sắc về cảnh ngộ và tâm lí của họ. Một trong những sáng tác xuất sắc của Kim Lân là truyện ngắn “Vợ nhặt” được in trong tập “Con chó xấu xí”. Đây là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo hết sức sâu sắc và phong phú .

Truyện ngắn Vợ nhặt thực ra là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư của Kim Lân. Cuốn tiểu thuyết này Kim Lân mới viết được bảy chương thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bản thảo bị mất. Sau này, khi hòa bình lập lại, Kim lân dựa vào những gì còn nhớ được, viết thành truyện ngắn Vợ nhặt. Truyện hấp dẫn người đọc ngay từ đầu bởi một nhan đề rất lạ:  “Vợ nhặt”. Từ “nhặt” chỉ những vật không có giá trị hoặc những vật người ta đánh rơi ngoài đường. Nhà văn ở đây không đặt là “Nhặt vợ” mà đặt là “Vợ nhặt”?  “Nhặt vợ” có cái gì đó là chủ động, có tính toán của Tràng còn “Vợ nhặt”:là một sự bị động, thậm chí là được vợ theo. Nhan đề còn nói lên thân phận người phụ nữ rẻ rúng, đồng thời nói lên tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo trong nạn đói 1945. tình huống anh T nhặt được vợ giữa những ngày tối sầm vì đói khát chỉ bằng bốn bát bánh đúc và mấy câu tầm phơ, tầm phào. Đây là một tình huống lạ và độc đáo vì nó đã làm đảo lộn các giá trị: T vốn là một gã trai nghèo khổ, thô kệch, lại là dân xóm ngụ cư. Với lai lịch ấy T khó lòng kiếm được vợ. Thế nhưng bỗng dưng T lại nhặt được vợ một cách dễ dàng . Càng lạ hơn bởi sự có vợ của T lại diễn ra trong cảnh đói quay đói quắt, mạng sống còn khó khăn nói chi đến chuyện đèo bòng. Như vậy , việc Tràng có vợ là một nghịch cảnh éo le, vui buồn lẫn lộn, cười ra nước mắt.Qua đó thấy được giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính. Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện qua việc phản ánh hiện thực xã hội, tố cáo những thế lực tàn ác chà đạp lên quyền sống của con người; cảm thông, chia sẻ, xót xa cho thân phận con người; thể hiện niềm tin vào con người và tương lai tươi đẹp; đặc biệt là ca ngợi những phẩm chất đẹp đẽ của con người.

Trước hết tác phẩm tố cáo tội ác tày trời của thực dân Pháp và phát xít Nhật thông qua việc phản ánh hiện thực cuộc sống thê thảm của người dân nghèo trong nạn đói năm 1945. Bối cảnh chính của truyện “vợ nhặt” diễn ra ở một xóm ngụ cư, ở đó cái đói đang hành hạ mọi người, cái đói thấm đến tận cái nhìn vào cảnh vật. Bức tranh ngày đói được dựng lên bằng: màu sắc, âm thanh, mùi vị.· Câu chuyện mở ra trong không khí thê thảm của người đói. Cái đói đã hiện ra ở những hình ảnh ghê rợn thảm thương: bóng người xanh xám như bóng ma .Con đường từ trong xóm chợ vào trong bến thì “khẳng khiu”, cái thứ ánh sáng đầu tiên hắt vào truyện là thứ ánh sáng nhập nhoạng mù mờ, không ra ánh sáng mà cũng không ra tối hẳn của buổi chiều”. Âm thanh của tiếng quạ kêu cứ gào lên từng hồi thê thiết cùng với “tiếng hờ khóc tỉ tê trong đêm khuya" càng khiến bức tranh ngày đói trở nên ảm đạm.· Bao trùm lên toàn bộ bức tranh ngày đói là mùi thối của rác rưởi và mùi gây của xác người." Không chỉ dừng lại ở bức tranh chung, cái đói thực sự lan đến từng gia đình, đe dọa từng sinh mạng. Lũ trẻ ngồi ủ rũ dưới những xó tường không buồn nhúc nhích.”Người chết như ngả rạ”còn người sống thì “dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”. Anh cu Tràng, một người vô tư, vui tính, được trẻ con yêu mến mà nay “đi từng bước mệt mỏi”, “cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước”. Đặc biệt nhân vật "thị", cái đói đã cướp đi tất cả. Áo quần "tả tơi như tổ đỉa". Thị "gầy sọp hẳn đi", khuôn mặt lưỡi cày "xám xịt", chỉ còn thấy hai con mắt. Tất cả những âm thanh, hình ảnh, mùi vị đó gợi lên bầu không khí chết chóc của cõi âm, cõi địa ngục. Mặc dù không có một dòng nào tố cáo trực tiếp tội ác của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật, hình ảnh của chúng cũng không một lần xuất hiện, nhưng tội ác của chúng vẫn hiện lên một cách rõ nét. Từ bối cảnh hiện thực này, tác phẩm có giá trị hiện  thực và nhân đạo sâu sắc.

Tiếp theo, tác phẩm thể hiện niềm cảm thông, xót xa cho thân phận bi thảm của con người trong nạn đói. Tràng mồ côi cha, ở với mẹ già tại xóm ngụ cư. Nhà nghèo, hắn làm nghề kéo xe bò thuê .Tràng có một ngoại hình xấu xí , thô kệch. .Đã thế lại có phần dở người.Lời ăn tiếng nói cũng thô kệch như chính ngoại hình của hắn. Còn người “vợ nhặt” là nạn nhân của nạn đói với cuộc sống trôi nổi, bấp bênh: Dưới ngòi bút của Kim Lân, người vợ nhặt là người phụ nữ không tên không tuổi, không quê hương, không quá khứ. Không phải là nhà văn nghèo ngôn ngữ đến độ không thể đặt cho thị một cái tên mà bởi vì thị là cánh bèo nổi trôi trong nạn đói, là cành củi khô trôi dạt vào cuộc đời Tràng, là người đàn bà vô danh. Từ đầu đến cuối tác phẩm, nhân vật này chỉ được gọi là “cô ả”, “thị”, “người đàn bà”, “nàng dâu mới”, “nhà tôi”.
Lần đầu thị xuất hiện là hình ảnh: ngồi lẫn trong đám con gái chờ nhặt hạt rơi hạt vãi trước cổng chợ tỉnh. Khi nghe Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”, thị: “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng…cười tít mắt”. Thị đẩy xe với hi vọng được ăn nên cũng rất nhiệt tình và chẳng cần ý tứ. Lần thứ hai, thị xuất hiện với ngoại hình kém hấp dẫn: Đó là người phụ nữ gầy vêu vao: “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt” nổi bật với “hai con mắt trũng hoáy”. Có thể nói, cái đói đã khiến thị càng nhếch nhác, tội nghiệp lại càng nhếch nhác, tội nghiệp hơn nữa. Cái đói không chỉ tàn hại dung nhan của thị mà còn tàn hại cả tính cách, nhân phẩm. Vì đói mà thị trở nên: “chao chát”,“chỏng lỏn”,“chua ngoa, đanh đá”. Thị “cong cớn”, “sưng sỉa” khi giao tiếp, nói chuyện. Cái đói khiến thị quên cả việc phải giữ ý tứ, lòng tự trọng của người con gái. Thị cứ thế mà đòi ăn. Được cho ăn, thị sẵn sàng: “sà xuống cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Thị đã đặt sự tồn tại của mình, đặt miếng ăn lên trên nhân cách. Tiếp đó là ý thức bám lấy sự sống rất mạnh mẽ ở nhân vật người vợ nhặt. Thị chấp nhận bỏ qua ý thức về danh dự để theo không Tràng. Như vậy hoàn cảnh bi đát một mặt đẩy con người vào chỗ quên cả danh dự để tồn tại, mặt khác nó lại làm bộc lộ lòng ham sống mãnh liệt của những con người ở dưới đáy xã hội như thị. Tất cả mọi người đều có ý thức vun đắp cho cuộc sống mới. Vì đói mà thị hạ mình xuống, chấp nhận cái tiếng vợ nhặt, vợ theo. Nhưng ngay trong hành động tưởng liều lĩnh ấy nghĩ kĩ đó cũng là biểu hiện của niềm khát khao sống, khát khao hạnh phúc. Việc theo T về làm vợ, vừa để chạy trốn cái đói nhưng đồng thời cũng là hành động đi tìm sự sống, đi tìm hạnh phúc cho mình. Niềm lạc quan yêu sống của thị chính là một phẩm chất rất đáng quý. Nói như Kim Lân: “Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai”.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện qua việc ca ngợi vẻ đẹp tình người trong nạn đói và khát vọng hạnh phúc của họ. Cái đói chết người là một tai họa khủng khiếp đã xô đẩy những con người khốn khổ đến với nhau. Nhưng họ đã cưu mang nhau, cư xử với nhau bằng lòng vị tha cao cả và tình người ấm áp. Tràng là người nông dân nghèo, là thành phần dân xóm ngụ cư, cái đói vẫn là sự đe dọa thường xuyên đối với con người này. Thế mà bỗng dưng giữa ngày đói T lại nhặt được vợ, khiến anh không khỏi lo lắng. Mới đầu anh cũng chợn nghĩ “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng ngay sau đó T lại tặc lưỡi “chặc! kệ”. Nghe có vẻ tầm phơ, tầm phào nhưng thực là khát vọng hạnh phúc vốn sẵn có trong tâm hồn mà chính T cũng không ý thức hết.Sau sự quyết định táo bạo ấy là cách xử sự đầy ân tình của T đối với vợ: đưa vợ vào hàng cơm chén một bữa no nê, mua cho thị một cái thúng con và sẵn sàng tiêu hoang vì hạnh phúc của mình: bỏ ta 2 hào mua dầu thắp sáng, không hề có một thái độ khinh thị mà đầy trân trọng. Ở đây có sự đồng cảm, tương thân, tương ái. Cảnh mẹ chồng gặp nàng dâu mới thật vô cùng cảm động. Vượt qua phong tục tập quán ăn hỏi cưới xin, chẳng có dăm ba mâm, bà cụ Tứ thương người đàn bà xa lạ, thương con và thương minh, bà nhận nàng dâu mới: "Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng". Tình thương của bà mênh mông, bà nghĩ "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…". Bà dịu dàng yêu thương gọi nàng dâu mới là "con". Lòng đầy thương xót, bà nói với hai con: "Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá…". Qua đó, ta càng hiểu sâu hơn cái lẽ đời. Nhân dân lao động nghèo khổ đứng trước tai họa, họ đã dựa vào nhau, san sẻ tình thương, san sẻ vật chất cho nhau để vượt qua mọi thử thách, hướng tới ngày mai với niềm tin và hi vọng: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời…"· Buổi sáng thức dậy, T được sống trong những suy nghĩ, cảm xúc rất mới mẻ. T thấy “trong người êm ái, lửng lơ như từ giấc mơ đi ra”. Những cảnh vật quen thuộc hàng ngày mà hôm nay T thấy thân thiết lạ và trở nên thấm thía cảm động ,“bỗng nhiên hắn thấy hắn yêu thương, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. . Có một chi tiết rất đắc của Kim Lân: “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. So với cái dáng “ngật ngưỡng” mở đầu tác phẩm, hành động “xăm xăm” này của Tràng là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ ngây dại sang ý thức. Chẳng thế mà Kim Lân đã thấy đủ điều kiện đặt vào dòng suy nghĩ của Tràng một ý thức bổn phận sâu sắc: “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này”. Những suy nghĩ đó chứng tỏ T ý thức đầy đủ trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Tràng thật sự “phục sinh tâm hồn” đó là giá trị lớn lao của hạnh phúc.  Còn về người “vợ nhặt” thì đã có sự biến đổi về tính cách, trước khi về làm vợ Tràng, thi hiện lên với một vẻ chao chat, chỏng lỏn. Trước câu hò của Tràng thị cong cớn nói “có khối cơm trắng mấy giò đấy”, lần thứ hai gặp Tràng thị sưng sỉa nói: “Điêu! Người thế mà điêu”…Nhưng người đàn bà ấy sau khi về làm vợ Tràng đã thay đổi, vẻ chao chat chỏng lỏn ban đầu biến mất, thay vào đó là sự hiền hậu đúng mực, sự ý tứ trong cách cư xử: Thị đi theo Tràng với dáng điệu đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tang, nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt, khi về đến nhà thị chỉ dám ngồi mớm ở mép giường. Sáng hôm sau dậy rất sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, thu vén nhà cửa. Sự thay đổi ấy người đọc cũng dễ nhận ra: nếu hôm qua thị chua ngoa, đanh đá, chỏng lỏn bao nhiêu thì hôm nay thị lại hiền lành bấy nhiêu. Hơn ai hết, Tràng cảm nhận đầy đủ sự thay đổi tuyệt vời ấy: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Câu văn này đã ghi lại cảm xúc chân thật của Tràng trước sự đổi thay tích cực của vợ. Phải chăng tình yêu đích thực với sức nhiệm màu diệu kì đã có sức cảm hóa với thị. Trong bữa cơm đầu tiên tại gia đình chồng, dù bữa ăn chỉ có “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được lưng hai bát đã hết nhẵn”, lại phải ăn cháo cám nhưng thị vẫn vui vẻ, bằng lòng. Viết về sự đổi thay trong tâm lý của thị, Kim Lân bày tỏ tình cảm trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động nghèo. Tình cảm nhân đạo của nhà văn thể hiện ở đây. Cảm động hơn nữa là người mẹ già không nguôi khao khát hạnh phúc. Người mẹ gần đất xa trời này lại là người chan chứa nhiều nhất những hi vọng, nói nhiều nhất đến tương lai. Trước việc T có vợ người mẹ nghèo không khỏi xót xa, tủi cực bởi người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn lên làm nổi…còn con mình thì…Nhưng nỗi xót xa ấy nhanh chóng qua đi để lại trong tâm trí người mẹ nghèo vẫn là niềm khát khao hạnh phúc, hướng về sự sống, tương lai của con mình. Bà đã an ủi con mình bằng triết lí, bằng niềm tin của người nghèo: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Đó là niềm tin rất đáng trân trọng bởi nó nảy nở trong hoàn cảnh khốn cùng.- Đặc biệt vào buổi sáng hôm sau người mẹ ấy đã có những thay đổi mới mẻ. Bà dậy sớm cùng con dâu thu dọn, “cái mặt bủng beo u ám” hàng ngày của bà hôm nay “rạng rỡ hẳn lên”.· Trong bữa cơm ngày đói chỉ có lùm chuối thái rối, ít muối ăn với cháo nhưng bà toàn nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này. Hình ảnh đàn gà sinh sôi nảy nở cũng là biểu hiện của niềm tin, khát vọng hạnh phúc trong tâm hồn người mẹ nghèo.· Bữa cháo cám đón nàng dâu mới là một chi tiết mang giá trị nhân đạo tiêu biểu nhất trong truyện "Vợ nhặt". Bà cụ Tứ gọi là "chè khoán… ngon đáo để". Bà tự hào nói với hai con là "xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy". Cảnh gia đình mẹ con vô cùng "đầm ấm hòa hợp" hạnh phúc. Trong hoàn cảnh khốn cùng vì đói nghèo người mẹ nghèo không nghĩ tới cái chết mà hướng về sự sống, tương lai.

Qua tác phẩm ta còn thấy niềm hy vọng về một cuộc đổi đời của các nhân vật được thể hiện qua hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới vấn vương trong tâm trí Tràng. Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ. .. Ý nghĩa của hình ảnh lá cờ chủ yếu là hé mở một tương lai tươi sáng, không còn mịt mờ như trước nữa. Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng. Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện. Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.

Nhà văn Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn vùa bất ngờ nhưng lại hợp lý, tạo sức hấp dẫn và nhiều suy nghĩ cho người đọc. Bút pháp tương phản được vận dụng làm nổi bật thêm giá trị nhân đạo của tác phẩm, sự đối lập giữa: bóng tối-as, cô độc-đầm ấm, sự sống- cái chết. Ở đầu tác phẩm là buổi chiều tối với sự cô độc của Tràng và hình ảnh cái chết của những người đói. Cuối truyện là buổi sáng với sự đầm ấm trong gia đình T và sự sống được thể hiện qua hình ảnh mâm cơm. Nhà văn Kim Lân rất có biệt tài trong việc chọn lọc và vận dụng ngôn từ, tạo nên được sự hòa hợp tuyệt đối trong ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ chân quê đồng quê. Ngoài các ngôn ngữ văn chương thông thường, nhà văn đã đưa vào tác phẩm những ngôn ngữ đồng quê rất hợp lý và đích đáng.Ngoài ra nhà văn còn thành công trong việc miêu tả tâm lý nhân vật, cách kể chuyện tự nhiên, dựng cảnh chân thật sống động.

Vợ nhặt là một tác phẩm thành công của nhà văn Kim Lân. Qua tác phẩm này, chúng ta không chỉ nhận thấy tài năng của nhà văn, sự hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ của ông về cuộc sống của người nông dân, mà điều quan trọng hơn đó chính là cái tâm, cái tấm lòng gắn bó thiết tha, sâu nặng của Kim Lân đối với những người lao động nghèo khó trước Cách mạng.Một sự thật được khẳng định: niềm khao khát tình yêu và hạnh phúc, khao khát sống mạnh hơn cái chết. Cái vị đời ngọt ngào và tình người ấm áp đã tỏa sáng giá trị nhân đạo truyện ngắn "Vợ nhặt".


 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: