C11
Hôm sau dì Chu thức dậy, bà nhớ rõ những việc xảy ra vào đêm hôm trước. Bà áy náy nói tôi đừng sợ, bà nói bà sẽ không làm tôi bị thương.
Khi bà nói những lời này, cực kỳ giống dáng vẻ dè dặt khi đó của Thái Hanh.
Mũi tôi cay sè, nhưng trong lòng tôi, Thái Hanh không phải đồ ngốc, dì Chu cũng không phải bà điên, họ chỉ đang trải qua nỗi đau mà người khác không hiểu được.
Tôi nói, dì nhảy rất đẹp, dì có thể dạy con không?
Mắt bà đỏ hoe, rồi lau khóe mắt, gật đầu nói được.
Thế là dưới tán cây quế giờ đây có hai chiếc bóng, một lớn một nhỏ, không còn đơn độc.
Chỉ có điều ông trời không mở cửa sổ cho thiên phú hội họa của tôi, cũng không mở cánh cửa tài năng khiêu vũ cho tôi. Tôi không biết nhảy, dì không chê phiền mà dạy tôi hết lần này đến lần khác, cho tới khi tôi có thể nhảy thuần thục.
Dì nói, năm đó dì với ba Kim Thái Hanh quen nhau từ điệu nhảy này, ông thích xem bà nhảy múa nhất.
Vì bà thích hoa quế nên khi còn sống, ông cũng yêu nhất hoa quế.
Bây giờ mất rồi thì không thích nữa.
Giọng bình thản.
Sự lạc quan đối lập cân xứng với bi quan, một cái giải phóng vào ban ngày, một cái bị khóa trong đêm tối.
...
Thị trấn nhỏ này có chuyện gì thì gần như không che giấu được.
Những lời đồn đãi đáng sợ.
Vì thế lúc dì đi chợ mua thức ăn, tôi nhất quyết đi theo.
Thị trấn nhỏ có hai chợ bán thức ăn, nhà tôi ở đầu trấn tây, đi chợ phía tây, còn nhà họ Chu ở đầu trấn đông, đi chợ phía đông. Thị trấn lớn thì không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ, nhưng gần như tôi chưa bao giờ đi đến chợ phía đông.
Chợ đông lớn hơn chợ tây, đông đúc ồn ào hơn.
Ở lối vào là một người đàn ông trung niên, chiếc xe đạp xà ngang để trước mặt, hai bên xe treo hai túi to, phía trước gắn cái loa tróc sơn:
"Mua tóc đê, mua tóc dài, tóc bím, mua giá cao đê..."
Ông ta thấy tôi thì mắt sáng lên, níu tay tôi hỏi: "Cậu bé, bán tóc không?"
Mẹ nói để tóc dài hút chất dinh dưỡng nên từ nhỏ tôi đã luôn để tóc ngắn mẹ cắt nham nhở như chó gặm. Nhưng tôi rất thích tóc dài nên từ khi mẹ mất thì tôi không cắt tóc nữa.
Bốn năm qua, vóc dáng không lớn được bao nhiêu nhưng tóc thì rất dài, dài xuống vai.
Ông ta bất ngờ kéo tay làm tôi giật cả mình. Dì che trước người tôi theo bản năng, xua xua tay với ông ta, "Tóc con trai đã ít, tôi không bán." Nói rồi muốn kéo tôi đi.
Người đàn ông trung niên vội ngăn lại, "Ôi ôi ôi, mua cao giá lắm! 200 được chưa?"
"300! 300 là được rồi chứ?"
Dì không hề nghĩ ngợi, cau mày, "Bao nhiêu cũng không bán, ông đừng có bày trò với con nhà người ta."
"Cao lắm rồi! Thường con trai không mua với cái giá này đâu, do tóc thằng bé này đặc biệt lạ tôi mới lấy vậy đấy!"
Bất giác người xung quanh bu lại một vòng xem náo nhiệt.
"Ồ, đây không phải là bà góa điên trong ngõ nhỏ kia sao? Có con trai thứ từ bao giờ thế?
"Chồng bà ta chết sớm, có lẽ không chịu nổi cô đơn ha ha ha ha."
"Nghe nói chồng bả đã không cần bả lâu rồi, nói không chừng có vợ ba vợ bốn bên ngoài."
"Thằng bé bên cạnh nhìn quen quen, phải con trai lão lưu manh Điền không, mẹ nó nghĩ không thông mà tự sát đó?"
"Uầy, bà nói đúng rồi này."
"Hai kẻ đáng thương tụ lại một chỗ."
"300 còn chê ít, thấy tốt thì nhận đi! Tham lam quá không hay đâu!"
"Tối qua tôi lại nghe bà ta nổi cơn điên, mấy người có ai nghe thấy không?"
"Suỵt, mấy người đừng nói nữa, cẩn thận tên côn đồ kia."
Ban đầu chỉ có một con chó sủa, rồi hai con, sau đó là một bầy chó, nhưng chúng không biết vì sao mà sủa. Đám người vô tích sự vây kín như bức tường không kẽ hở, bọn họ giương nanh múa vuốt, xưa nay chưa từng quen biết nhưng mở miệng là bôi nhọ mắng chửi, dăm ba câu đã dễ dàng định nghĩa một người.
Dì Chu mím chặt môi, bàn tay nắm tay tôi run rẩy.
Trong nháy mắt, tim tôi như bị thứ gì đó bóp chặt, cơn phẫn nộ từ lồng ngực xông lên cổ họng. Nói tôi thì thôi, tại sao còn nói đến dì. Dì đã quá đau khổ rồi, vì sao còn chịu đựng những ác ý không nguyên cớ.
Tôi siết chặt nắm tay, lướt qua từng gương mặt đáng ghê tởm, vùng khỏi tay dì, dùng hết sức hất bọn họ ra.
"Cút! Cút! Cút hết đi! Một lũ khốn nạn! Súc sinh! Đồ ma cà bông! Mấy người sẽ thối mồm thối mông! Mấy người mới là đồ điên! Mấy người còn không bằng chó!"
Tôi chưa bao giờ mắng ai, cũng không biết mắng thế nào, tất cả những lời tôi thu thập được trong đầu đều sao chép lại những gì bố đã mắng tôi.
Nhưng miệng bọn họ còn bẩn thỉu hơn tôi.
Khi nghĩ đến trước kia dì một mình bơ vơ bất lực đối mặt với bọn họ, cơn giận dồn nén trong tôi càng bùng phát mạnh mẽ.
Con người là vậy, mềm sợ cứng, cứng sợ mạnh, mạnh sợ liều mạng.
Tôi lao tới, cấu xé bất cứ ai, vừa la hét vừa chửi bới, họ mắng tôi thế nào, tôi cũng mắng trả về không kém một chữ. Trong hỗn loạn, tóc tôi bị kéo xuống đứt một chùm, mặt cũng bị cào trầy rát rạt.
Dì che chở tôi, áo khoác dì bị người ta xé rách, cánh tay cũng bị cấu véo nhiều lần.
Bọn họ mắng tôi là thằng điên thì tôi điên cho bọn họ thấy.
Tóm được ai thì nhổ nước bọt kẻ đó, nước bọt bay tán toạn, trong nhất thời mọi người hùng hổ mà không dám tiến lên.
Hình ảnh Kim Thái Hanh đánh ba tôi đêm đó lại hiện lên. Hành động còn nhanh hơn đầu óc. Nhanh đến mức chính tôi cũng không nhận ra mình đang bắt chước.
Tôi phì một tiếng về phía bọn họ, mặt mày hung ác: "Còn dám nói bậy với mẹ tao nữa thì mấy người không cần lưỡi nữa, tao cắn chết chúng mày!"
Con người đều ngưỡng mộ kẻ mạnh, mà bước đầu tiên chính là bắt chước.
Tôi hùng hổ suốt dọc đường về. Đến đầu hẻm, chân mới mềm nhũn.
Đây là lần đầu tiên tôi đánh nhau, cũng lần đầu tiên tôi to gan như vậy.
Dì nhanh tay đỡ được tôi. Đôi môi trắng bệch như lá liễu run nhè nhẹ. "Có đau không, Tiểu Quốc, do dì vô dụng."
"Mấy vết thương nhỏ này cơ bản là không có cảm giác gì hết, con da dày chịu đòn được." Tôi đứng vững lại, vỗ vỗ ngực: "Dì, sau này con bảo vệ dì!"
Bà ôm tôi khóc rồi lại cười.
Hôm đó về nhà, Kim Thái Hanh nhìn chúng tôi nhếch nhác, sắc mặt nặng nề. Hỏi thì dì không nói.
Tôi tức nên kể hết đầu đuôi ngọn ngành việc bọn họ bắt nạt dì.
Anh nghe xong không nói hai lời, xách gậy gỗ ra ngoài.
"Kim Thái Hanh, con quay lại! Không cho phép động tay!" Dì Chu lạnh lùng.
Trán anh nổi gân xanh, quay lại giận dữ: "Lần nào cũng vậy! Con cứ trơ mắt nhìn hai người bị ức hiếp sao?"
Dì chậm rãi nhắm mắt, khóc than: "Coi như mẹ xin con được không? Con yên ổn đi."
Cuộc đối đầu trong thinh lặng, cuối cùng người thanh niên bại trận. Rất ít đứa con có thể cự tuyệt lời van xin khóc lóc của mẹ mình
Tôi không thể, Kim Thái Hanh cũng không thể.
Sau khi dì về phòng, Kim Thái Hanh ngồi ở cửa, yên lặng nhìn cây hoa quế, mặt không có bất kỳ cảm xúc nào.
Tôi ngồi xuống cạnh anh. Thì thào vào tai anh: "Kim Thái Hanh, quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Ai bắt nạt dì em đều ghi nhớ hết rồi!"
Sợ anh không tin, tôi đếm đầu ngón tay từng người một: "Một ông lão tầm 40 tuổi, tóc hói răng hô, trông y như củ tỏi. Mặc đồ màu vàng, tóc ngắn, mắt một mí, dẫn một đứa bé trai không cao lắm, ông ta lợi dụng cơ hội nhéo dì nhiều lần! Còn có một bà tầm 50 tuổi, giọng to như pháo đại bác, bà ta chửi mắng dơ bẩn lắm!"
"Còn có người..."
"Còn có..."
"Cuối cùng là một bà tóc dài, mũi hếch, mặt bôi vẽ như hát tuồng, bà ta túm tóc em, còn giật tóc em nữa!"
Không biết chọc trúng điểm cười nào của anh, anh nghiêng mặt đi, cười tủm tỉm. "Không ngờ là một người thù dai ha."
Anh giơ tay, nhẹ nhàng chạm vào trán tôi, trên đó còn in rõ ba vết tay cào. "Đau không?"
Tôi định nói không đau, nhưng lời tới miệng thì đổi thành nói thật: "Đau, đau muốn chết. Chưa kể tóc em bị mấy bả giật muốn hói!"
Kim Thái Hanh đưa tay ôm tôi ngồi lên đùi anh, lấy tay tôi để lên đỉnh đầu anh "Vậy anh cho em giật lại."
Cảm giác dưới tay mềm mại, tôi sờ sờ, lắc đầu: "Oan có đầu nợ có chủ, em muốn giật tóc bà hát tuồng kia thôi à."
Anh nói: "Được."
...
Tôi không biết Kim Thái Hanh đã âm thầm làm gì, khi tôi với dì đi chợ, mọi người gặp chúng tôi đều khách sáo, không dám khua môi múa mép, còn sau lưng có nói nữa không thì lại là chuyện khác.
Sau này hỏi mới biết, anh ra ngoài hai lần, phàm là trong nhà có chuyện thì đều bị vạch trần.
Mắng người khác không giữ đạo đức của phụ nữ thì lại ngoại tình, bị chồng bắt quả tang. Chửi người khác không ai cần thì chính bản thân lại là chồng không về nhà, ở bên ngoài nuôi vợ năm vợ ba. Mắng chồng người khác ngoại tình lại vì chồng bên ngoài tìm "gà" mà bị lây bệnh AIDS.
Anh cầm loa, đi khắp hang cùng ngõ hẻm phát tin.
Anh nói, nếu thị trấn này có một người không biết những chuyện xấu đó thì do anh sơ suất.
Tóm lại, nhân quả báo ứng tuần hoàn trên đầu mấy người đó, bây giờ họ "ốc còn không mang nổi mình ốc".
Nếu phải so sánh, tôi cảm thấy dì là một cái cây không cao cũng không to, chứng kiến dấu vết tháng năm, trải qua vui buồn, có thể bao hàm khí độ thong dong, thoạt nhìn mong manh yếu đuối, thực tế rễ cây chôn sâu, đan xen qua lại, gió thổi không ngã.
Còn Kim Thái Hanh là con sói hoang bị thân dây leo trói buộc, anh tạm thời thu lại móng vuốt, răng nanh sắc nhọn, máu nóng trên người dần dần bị sự dịu dàng đôn hậu của thân cây bao trùm, nhưng cũng chỉ là bao phủ, phần năng lượng mơ hồ kia vẫn không cạn kiệt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top