vietphuong SCHLIEMANN HỌC NGOẠI NGỮ

SCHLIEMANN HỌC NGOẠI NGỮ

Posted by Alex on July 11 2010

Ngoài Frederick Engels rất đáng ngưỡng mộ ra, còn một ông người Đức nữa khả năng ngoại ngữ cũng quỷ khốc thần sầu là Heinrich Schliemann, thông thạo 18 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ: Anh, Pháp, Nga, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Hy La, Ba Tư, A Rập, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ....

Heinrich Schliemann (1822-1890) theo nghề khảo cổ, đi đầu trong việc nghiên cứu và tiếp cận sự tồn tại những địa danh Hy La xa xưa từng được nhắc đến trong các tác phẩm của Homer, đồng thời là một nhân vật tạo ra ảnh hưởng lớn với lịch sử khảo cổ thế giới.

Trong cuốn Schliemann - Câu chuyện về một người tìm vàng, ở nhiều đoạn Schliemann chia sẻ khá cụ thể kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình.

Chẳng hạn ở trang 29, ông kể lại việc học tiếng Anh:

1. "Phương pháp này rất đơn giản", lúc về già ông giải thích "chỉ là đọc thành tiếng thật nhiều, đừng dịch dọt gì hết, mỗi ngày học một bài và viết vài bài về chủ đề ưa thích nào đấy rồi chỉnh sửa nó với sự giúp đỡ của thầy cô, đoạn học thuộc lòng và tới tiết học tiếp theo thì declaim cái bài đã sửa ấy." Ngoài ra, mỗi chủ nhật, cậu con trai ông mục sư đều đến nhà thờ Anh Quốc hai lần. Đến đấy làm gì? Bởi chưng học phí ở ngoài quá đắt, còn vào nhà thờ có thể học nói tiếng Anh chính cống mà chẳng hề tốn kém. "Bất kể cha đạo nói gì, tôi đều lẩm nhẩm lặp lại từng từ. Tôi không bỏ lỡ buổi nào, trời mưa cũng đi, cắp theo một quyển sách để khi nào tiện thì học thuộc từng đoạn trong đó. Mỗi bận phải đứng chờ ở bưu điện, tôi đều dành thời gian vào việc đọc. Bằng cách này, tôi dần cải thiện được khả năng ghi nhớ, kết quả là ba tháng sau, chỉ cần đọc thật cẩn thận ba lần là tôi đã dễ dàng lặp lại không sai mảy may một bài tản văn tiếng Anh dài hai mươi trang in cho thầy cô nghe. Cứ thế, tôi đã học thuộc cả quyển Cha cố WakefieldIvanhoe. Do đặt yêu cầu quá cao với bản thân, tôi được ngủ rất ít, những lúc mở mắt trong đêm lại dồn hết tâm trí vào việc ôn tập các bài đã học lúc tối. Đêm xuống trí óc tập trung hơn ban ngày nên việc ôn tập này đem lại hiệu quả vô cùng."

Sáu tháng cuối năm ấy, ông tiếp tục áp dụng cách trên vào tiếng Pháp. "Thông qua việc học tập bền bỉ và gắng gỏi cao độ, trong vòng một năm trí nhớ của tôi được tăng cường rõ rệt, đến nỗi tiến sang học tiếng Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý và Bồ không còn gì khó khăn nữa. Mỗi thứ tiếng tôi chỉ cần học trong sáu tuần là đạt tới mức nói viết lưu loát."

-

Ở trang 32 và 33, Schliemann kể về việc học tiếng Nga:

2. Đối với Schliemann, học thêm một ngoại ngữ là việc dễ dàng nhất trên đời, một thứ nhỏ nhoi như bảng chữ cái nước ngoài đâu thể làm khó ông. Vấn đề là đang ở Hà Lan thì làm sao mà học tiếng Nga? "Mớ giáo trình tiếng Nga tôi lượm lặt được hồi ấy gồm một quyển ngữ pháp cũ rích, một quyển tự điển và một bản dịch tệ hại cuốn tiểu thuyết Pháp Những cuộc phiêu lưu của Telemachus. Tôi cạy cục cách nào cũng không bói ra được một sư phụ tiếng Nga ngoài ngài phó lãnh sự nước Nga cứ khăng khăng từ chối dạy tôi kia. Lúc ấy ở Amsterdam người ta đối với Nga văn một chữ bẻ đôi không biết. Không có thầy, nhưng vài ngày sau tôi vẫn bắt đầu học, dùng cuốn ngữ pháp để nhận mặt chữ cái và cách phát âm. Sau đó lại vận dụng bản lĩnh trấn gia lúc trước: viết câu chuyện và tản văn ngắn rồi học thuộc. Do không có thầy sửa, hẳn rằng bài viết sai sót rất nhiều, song tôi gắng sức hạn chế lỗi sai bằng cách học thuộc và bắt chước bản dịch cuốn Telemachus. Cho rằng giá có người chịu nghe mình đọc thuộc lòng câu chuyện phiêu lưu của cậu con nhà Ulysses thì chắc mình sẽ tiến bộ nhanh hơn, tôi bèn thuê một người Do Thái nghèo, cho y 4 franc một tuần để tối nào cũng đến trong vòng hai giờ đồng hồ nghe tôi đọc truyện tiếng Nga, mặc dầu y chả hiểu lấy một chữ."

"Nhà cửa ở Hà Lan thông thường chỉ lót một lớp sàn, nên tầng một thừa sức nghe tất tần tật động tĩnh tận tầng bốn. Tôi đọc sang sảng chưa bao lâu thì kinh động đến sự thanh tịnh của các nhà khác, họ phản ánh với chủ nhà, thế nên trong thời gian học tiếng Nga tôi phải dọn chỗ ở tới hai bận." Tuy vậy điều này cũng không đủ sức cản trở Schliemann, vì chàng thanh niên ấy chưa từng được hưởng tiện nghi cao cấp hay sự dễ chịu tối thiểu, thành thử sống đâu cũng xong. Lúc này mối quan tâm duy nhất của ông chỉ là học sao cho tốt tiếng Nga. Gần một tháng rưỡi sau, ông viết được bức thư đầu tiên bằng tiếng Nga cho văn phòng đại diện tại Luân Đôn của một hãng kinh doanh hàng nhuộm lớn ở Mạc Tư Khoa, và đã có thể dùng chính thứ tiếng ấy đàm phán với nhà nhập khẩu hàng nhuộm người Nga khi họ sang Amsterdam.

-

Emil Ludwig (tác giả cuốn Schliemann - Câu chuyện về một người tìm vàng) kể rằng:

3. Gần đây tôi có thỉnh giáo một chuyên gia về ngôn ngữ phương Đông. Nhắc đến mấy thứ tiếng mà Schliemann tự học như Hy La, Ba Tư, A Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, tôi nghe được ý kiến sau: "Các chú giải và hướng dẫn luyện tập để lại cho thấy Schliemann là một kỳ nhân học theo phương pháp cảm quan, tiến được những bước nhanh, dài giữa cuộc sống bộn bề của một viên chức tài chính và cả những việc gia đình rối rắm. Không giống đa số mọi người ban đầu hăm hở nỗ lực sau uể oải mất tự tin hoặc phải thật chuyên tâm học lâu ngày mới có tiến bộ, ông luôn giữ vững sự kiên tâm, kết hợp với trí tuệ phong phú và khí chất bất phàm của mình. Thông qua việc đặt câu tương đối máy móc và việc dùng thị giác hỗ trợ trí nhớ, ông đã gặt hái được những thành quả đáng kinh ngạc. Thoạt tiên ông yêu cầu giáo viên viết cho mình một loạt từ mới mà ông tự chọn, cùng cả những câu mẫu chứa các từ ấy, rồi chép tới chép lui, ghi nhớ ngữ nghĩa, tiếp theo học thuộc lòng. Sau ông viết lại những mẫu câu đó, nhưng dùng nguyên liệu là các từ khác nữa, mới nữa, rồi đưa giáo viên sửa sai. Cứ thế, ông mau chóng mở rộng vốn từ qua từ điển, đồng thời các mẫu câu cũng dài thêm, phức tạp thêm không ngừng.

Nhờ vào phương pháp ghi nhớ cảm quan, trong vài ngày ông có thể học được một khối lượng đồ sộ từ mới, và chỉ sau sáu tuần đã đủ khả năng biểu đạt suy nghĩ của mình qua cả hai đường nói viết. Từ đầu đến cuối, ông luôn dùng chữ in để tiết kiệm thời gian, bởi ông là một người nôn nóng thu gặt thành quả, thậm chí quả chưa chín ông đã sốt ruột đem hái rồi. Về sau ông vẫn viết được một số bài văn tiếng A Rập tương đối thuần thục, tuy rằng cũng chỉ dùng chữ in. Một câu hỏi đặt ra là, bậc thiên tài không thể chối cãi này vì sao phải mất nhiều thời gian đến thế để học bao nhiêu thứ tiếng mà ông không dùng đến? Chỉ có thể trả lời là do cá tính độc đáo, Schliemann ít nhiều cũng khác người bình thường, ngoài ngoại ngữ còn tinh nghiên lắm thứ mà không biết hướng tới mục đích gì."

oOo

Theo nhà văn Stefan Prodev thì Engels thường luyện ngoại ngữ qua các nguyên tác văn học. Hồi 13 tuổi tôi đã thử cách này, dùng Lão Goriot bản tiếng Nga để nhằn Pусский язык, rất tán lực và tốn thời gian, hiệu quả không bao lăm. Phương pháp của Schliemann về cốt lõi cũng tương tự, dù miêu tả giản dị hơn - đọc to, tập viết và học thuộc - nhưng mức độ khổ luyện xem chừng ghê gớm hơn nhiều.

Ở lớp Nhật khoá 31 trường Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, có một bạn cần cù học thuộc không thể tả nổi. Ngoại ngữ trước khi lên lớp đã thuộc hết cả bài khoá cả từ mới, việc ấy là thường. Nhưng ngay như môn Kinh tế Chính trị, Triết học Mác Lê, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học... ví dụ sách có 450 trang, một kỳ có 5 tháng, coi như mỗi ngày bạn dứt khoát học 3 trang thuộc lòng, đến cuối kỳ chúng tôi cấp tập ôn thì bạn đã nghiễm nhiên cất trong bụng hết rồi.

Muốn thành công phải dụng công. Học thuộc hay không học thuộc, chỉ là cụ thể hoá của sự dụng công mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vietphuong