Đài BBC phỏng vấn Khánh Ly
Đài BBC phỏng vấn Khánh Ly
Hương Ly thực hiện
Phần I:
(Nhạc dạo)
BBC: Xin chào ca sĩ Khánh Ly và rất là cám ơn ca sĩ Khánh Ly đã đến với chuyên mục Phỏng Vấn Hàng Tuần của đài BBB Luân Đôn. Trước hết là xin ca sĩ cho biết đôi nét về thân thế sự nghiệp của mình ạ, từ khi nào thì ca sĩ bắt đầu bước vào lĩnh vực âm nhạc ạ ?
Khánh Ly: Thưa trước hết xin phép chị cho Khánh Ly được gửi lời chúc mừng đầu năm đến tất cả những người VN ở trên khắp thế giới, nói chung một lời chúc mừng năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và may mắn.
Thưa chị nếu mà nói về đi hát mà chính thức, trở thành chuyên nghiệp đó thì Khánh Ly đã bắt đầu từ năm 16 tuổi, còn trước đó nữa thì có lẽ nhờ ảnh hưởng của ông cụ cho nên Khánh Ly biết hát cùng lúc với biết nói và (cười) cái thời gian đó thì mình không tính làm gì nhưng mà khi bắt đầu trở thành mà chuyên nghiệp hát và làm ra tiền đó là năm 16 tuổi tức là năm 1962 .
BBC: Vậy thưa ca sĩ lúc đó là ca sĩ bắt đầu cái nghiệp hát của mình là ở Saigon ?
Khánh Ly: Dạ thưa em bắt đầu chính thức đi hát chuyên nghiệp là ở Saigon, vì hồi di cư đó thì lúc đó em mới có 9, 10 tuổi thôi .
BBC: Thưa ca sĩ thì lúc bắt đầu bước vào cái nghiệp ca hát như vậy thì có cái kỷ niệm nào mà ca sĩ nhớ nhất ạ ?
Khánh Ly: À… Em thì em có nhiều kỷ niệm lắm là bởi vì cái mà nặng nề nhất là gia đình, tại vì gia đình em quá khó cho nên không có bằng lòng cho em đi hát và em phải trải qua rất nhiều cơ cực ở trong gia đình vì cái chuyện hát hò này đó là một trong những cái kỷ niệm em mà không bao giờ em có thể quên được với sự khắc khe mà gần như là tàn nhẫn của bố mẹ em, bây giờ mình nghĩ lại đó thì mình thấy là các cụ cấm mình đi hát đó, đôi khi các cụ cũng có lý chứ không phải là không .
BBC: Dạ thưa ca sĩ thì ca sĩ có nhớ một trong những ca khúc đầu tiên mà ca sĩ hát đó là ca khúc gì không ? Và lần đầu tiên mà ca sĩ xuất hiện trước công chúng, trước khán giả thì ca sĩ cảm thấy thế nào ạ ?
Khánh Ly: Bài hát đầu tiên mà em biết hát là bài hát "Chiều Vàng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, bài "Con Thuyền Không Bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, và tất cả nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh và bài "Biệt Ly" của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn và khi mà em hát đó tại vì em còn quá nhỏ, em chưa có đủ tuổi vào vũ trường cho nên em đi theo người anh của em và khi mà em vào vũ trường thì em cứ tự động leo lên sân khấu hát thôi và em cũng chẳng thấy ai phản đối cả, chủ cũng không phản đối mà người đi nghe nhạc, thời đó là họ đi nhảy không hà chứ chưa có phòng trà chị, thì cũng chả có ai phản đối gì cả, lúc đó khoảng 60, 61 thì em chỉ lên hát chơi thôi, cho đến năm 62 em mới chính thức nhận hát cho một cái phòng trà mà nguyên nó là một cái quán cơm của sinh viên ở đường Bùi Viện và cái quán đó tên quán Anh Vũ nó nằm ở cái chỗ mà hồi xưa người Saigon gọi là Ngã Tư Quốc Tế, thì lúc đó thì em có được tiền nhưng mà rất là ít nghĩa là họ trả tượng trưng thôi tại vì em không phải là ca sĩ nổi tiếng, em coi như là một khuôn mặt mới, lạ thì coi như họ thưởng tiền cho mình vậy thôi chứ không phải là trả lương .
BBC: Như vậy lúc đó ca sĩ vừa mới nói ca sĩ mới có 16 tuổi thôi mà ca sĩ đã trình bày những ca khúc như "Con thuyền không bến" và những ca khúc khúc như vậy nó mang tâm tư của cả đời người cơ vậy tại sao tuổi mới có 16 mà ca sĩ đã chọn những ca khúc đó để mà trình bày ạ ?
Khánh Ly: Em được ảnh hưởng của ông cụ em, thì khi mà em vừa tập nói thì ông cụ em chơi đàn mandoline thì ông cụ hay hát những bài hát đó, và những bài hát đó lem bị nhập tâm từ lúc em mới 2,3 tuổi gì đó em đã biết những bài đó, rồi sau di cư em chọn toàn nhạc tiền chiến không, mặc dù là em nhỏ nhưng mà em không thể, em không thể có một cái cảm xúc nào khi mà em nghe những cái bài hát viết theo trong cái thời đó mà lúc nào em cũng nhớ tới những bài hát mà các nhạc sĩ thì đa số đều ở lại ngoài miền Bắc hết .
BBC: Khi mà nói tới sự nghiệp ca hát của mình đó, thì giai đoạn nào đối với ca sĩ là đáng nhớ nhất ạ ?
Khánh Ly: Dạ thưa chị, giai đoạn đầu thì trải qua nhiều cái khó khăn cực khổ bởi vì chỉ có một thân, một mình và không có được một người nào đỡ đầu hay là hướng dẫn thì tự động mình tìm cho mình một cái chỗ đứng thật là khó khăn, tại vì lúc đó Saigon ca sĩ còn là một cái gì rất là mới lạ đối với người dân ở Sai gon chưa có tới 10 ca sĩ chị, đó là thời gian đầu. Cái đáng nhớ thứ hai cái giai đoạn thứ hai là cái giai đoạn em được đi hát với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến giai đoạn thứ ba là giai đoạn mà khi em đã ra nước ngoài rồi .
BBC: Ca sĩ vừa mới nhắc đến giai đoạn thứ hai tức là lúc ca sĩ được đi hát với lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó thì phải nói là khi mà nói đến Khánh Ly thì người ta cũng không thể tách rời một tên tuổi khác trong âm nhạc rất là nổi tiếng, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cách đây nhiều năm, tức là hồi thập niên 80, chính ca sĩ Khánh Ly có viết một bài mà về sau tờ Tin Thanh Niên ở VN có đăng lại là cái bài có nhan đề là "Sống giữa đời sống cũng cần có một tấm lòng" thì trong bài đó ca sĩ cũng có kể lại sự hội ngộ của ca sĩ và Trịnh Công Sơn như thế nào, thì bây giờ xin ca sĩ cho quí thính giả của đài BBC biết cái gì đã đưa đẩy ca sĩ đến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hay không ạ ?
Khánh Ly: Em là một cái người mà …mê hát, em thích hát và em đặt cái chuyện hát và âm nhạc đối với em như là một tôn giáo cho nên cái chuyện hát có tiền hay không có tiền là cái chuyện về sau, có cũng được có thì tốt mà không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến em tại vì khi mà em chính thức đi hát thì em đã bị gia đình từ, và từ đó em sống nhờ bạn bè mỗi người cho một tí mắm, mỗi người cho một chút gạo và đại khái như vậy mà em tự sống một mình
Vậy cho nên khi năm 64 anh Trịnh Công Sơn từ Lâm Đồng anh cũng đi tìm một người để hát nhạc của anh nhưng với một điều kiện là hát và không có tiền không có đòi hỏi gì cả nghĩa là chỉ có hát thôi, thì có họa sĩ Ðinh Cường là một người bạn chí thân của anh Trịnh Công Sơn từ nhỏ, có nói với anh Trịnh Công Sơn lúc đó đang ở Lâm Đồng là: “Ở Đà Lạt có một cái con nhỏ nó hát nghe cũng được lắm thì bây giờ toi thử lên toi nghe xem thử coi". Thì em nhớ có một cái đêm em không nhớ tháng nhưng em nhớ nó là năm 64 anh Trịnh Công Sơn lên Đa Lạt và đến vũ trường Night Club ngồi nghe em hát rồi anh làm quen em, anh tự giới thiệu và anh làm quen em rồi sau đó hai anh em tập hát với nhau. Em với anh Trịnh Công Sơn thì quen và thân nhau rất là nhanh gần giống như là điện mà chạm nhau vậy đó, bắt được cái cảm nghĩ, cái cảm nhận của nhau rất là lẹ và anh Trịnh Công Sơn không có tốn thời giờ để mà tập hát cho em, đó là năm 64.
Rồi sau đó anh muốn em về Saigon hát nhưng mà em không chịu là bởi vì em yêu Đà Lạt vì Đà Lạt nó yên tĩnh và không có cái cảnh mà phải bon chen, phải đi chạy chọt đi tìm chỗ này chỗ kia hát, tại vì em không có một người nào quen là nhạc sĩ ở Saigon để mà đỡ đầu cho mình cho nên em từ chối, em từ chối rồi đến năm 66 thì em với anh Trịnh Công Sơn gần như là mất liên lạc với nhau vì lúc đó anh Sơn đi về Saigon .
Ðến năm 67, thì sau cái lần ly dị đầu tiên là năm 67 em về Saigon và tình cờ em gặp lại anh Trịnh Công Sơn, lúc đó thì anh Trịnh Công Sơn hát một mình thôi tại vì anh không tìm được ai để đi hát với anh cả, trong một cái điều kiện mà hát không tiền thì cũng khó lắm chị cho nên khi anh Trịnh Công Sơn gặp em, anh Sơn mừng lắm, anh Sơn hỏi em là "Mai có rảnh thì đến đây hát với anh” thì em nhận lời liền và từ năm 67 cho tới năm 75, dù có anh Sơn hay là dù người khác đàn thay anh Sơn em cũng vẫn đi tới những trường học, trường đại Học, trung học, em đi tới những viện mồ côi, nhà thờ, nhà chùa hoặc là những tiền đồn xa xôi để em hát và vẫn theo cái tiêu chuẩn mà anh Sơn đặt ra là "không lấy tiền" .
BBC: Dạ thưa chị có thể nói là sau này ngoài ca sĩ Khánh Ly ra thì cũng còn rất là nhiều ca sĩ khác hát nhạc của Trịnh Công Sơn, ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thế nhưng mà công chúng họ vẫn đánh giá là ca sĩ Khánh Ly đã chuyển tải một cái cách mà có thể nói là có một không hai những cái ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vậy thì xin chị cho biết là khi mà chị hát các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì có điều gì để mà làm cho chị có thể chuyển tải được một cách khác biệt như vậy
Khánh Ly: À thưa chị điều thứ nhất là em gần anh Sơn nhiều và anh Sơn và em hai người dù có ngồi với nhau cả một ngày hay cả một tháng chúng em anh Sơn và em rất ít nói về bài hát nhưng khi anh Sơn hát ra một bài thì em cảm nhận được ngay những điều mà anh Sơn muốn gửi gấm vào trong bài hát và em nhập tâm liền. Em có một cái cảm giác là "anh Sơn viết cái bài này cho mình" dẫu rằng anh viết cho một người khác ở trong một cái hoàn cảnh khác nhưng mà em vẫn tìm thấy được cái dáng dấp của mình, cái đời sống của mình, cái cảm nghĩ của mình, cái tình yêu của mình ở trong những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho nên anh Sơn không cần phải nói nhiều với em về bài hát mà anh đã viết, trừ những bài hát về Ca Khúc Da Vàng thì đôi lúc có những điều em không hiểu thì em hỏi và anh Sơn không bao giờ ngại cắt nghĩa cho em nghe.
Sau này có nhiều người hát nhạc Trịnh Công Sơn, theo em thì cũng rất là đạt, em thấy là một bài hát của một nhạc sĩ làm ra không thể nói là dành riêng cho một người nào, dẫu rằng trong lòng người nhạc đó nghĩ đến người ca sĩ đó để viết cái bài hát đó, nhưng không thể nói rằng "tôi viết bài này hay ông ấy viết bài này cho tôi thì để một mình tôi hát thôi" mà em thì em thấy là càng nhiều người hát thì càng tốt là bởi vì mỗi người có thể diễn tả cái bài hát theo cái cảm nghĩ của mình, theo cái xúc cảm, tình cảm của mình lúc đó nó được bộc phát như thế nào qua cái bài hát đó thì sẽ làm cho cái giòng nhạc của người nhạc sĩ đó trở nên phong phú hơn, giàu có hơn, chớ nếumà nghe một người ..có thể nhiều khi nó là một cái thói quen nghe một người hát quá lâu loại nhạc của một nhạc sĩ rồi tới lúc mà nghe một người khác hát thì đôi khi cũng có những người họ bị shocked là bởi vì cái người nhạc sĩ đó người ca sĩ đó và những tình khúc đó đã là một cái kỷ niệm, một cái phần đời của họ không có cái gì có thể thay thế được .
BBC: Thưa ca sĩ Khánh Ly thế thì khi mà nói về những kỷ niệm đi hát cùng với lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó, thế thì có những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất vì cách đây nhiều năm thì các con trai của chị có ra 1 cuốn Vidéo kỷ niệm “30 năm đời đi hát” của chị thì trong đó có những thước phim tư liệu ghi lại những cái lần trình diễn các ca khúc trong tập Ca Khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chị có thể cho biết đôi nét về những giai đoạn đó được hay không ?
Khánh Ly: Thật ra đó là một giai đoạn rất là khó khăn cho Trịnh Công Sơn, là bởi vì anh bị cả 2 phía dồn anh, gần như là săn đuổi anh và gây cho anh nhiều khó khăn, bên VN cộng Hòa hồi đó có nhiều người che chở giúp đỡ cho anh Sơn và ở bên phía miền Bắc thì cũng có bạn bè muốn lôi kéo anh Sơn về phía của họ cho nên anh Sơn không ở một chỗ nào yên được, anh luôn luôn phải di chuyển là bởi vì anh không muốn đứng về phía nào cả, tức là ý của anh Sơn là anh chỉ là một người làm nhạc và anh không làm chính trị, anh không muốn bị lôi kéo bị trở thành một cái công cụ cho bất cứ một người nào dùng anh để mà sáng tác nhạc riêng cho bên nào, thành ra đó là một giai đoạn rất là khó khăn cho anh Sơn và em ít được gặp anh trong những cái năm sau Tết Mậu Thân là anh về Huế, rồi em phải bay ra Huế để gặp anh Trịnh Công Sơn thì tình trạng đó trở lại gần như là bình thường vào khoảng năm 70, nhưng mà lúc đó thì chỉ có khi nào đặc biệt lắm là anh Sơn mới đàn cho em hát thôi .
BBC: Vâng thế thì xin chị cho biết cái kỷ niệm nào khi mà làm việc chung với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chị.
Khánh Ly: Thưa chị cái khoảng thời gian đầu khi mà tập dượt với nhau rất là đáng nhớ vì anh Sơn không phải là cái người dễ tính, anh Sơn là một người rất là nghiêm chỉnh trong công việc và anh muốn cái người mà hát với anh cũng phải nghiêm chỉnh giống như vậy đối với những nhạc phẫm của anh, cho nên em hoàn toàn tôn trọng tất cả những ý kiến của anh Trịnh Công Sơn. Đó là một thời gian rất là khó khăn khi em bị anh Sơn bắt em chuyển từ giọng óc qua giọng thật tức là giọng bụng của mình, em phải tập dượt mấy tháng trời và bị tắt tiếng 1 tháng không hát được và cái kỷ niệm kế tiếp là năm 92 khi mà gặp nhau lại lần thứ 2, năm 88 thì em gặp anh Sơn ở Paris khoảng thời gian gặp gỡ nhau chỉ được 3 lần thôi, lúc đó thì anh em chỉ có ôm nhau mà khóc thôi chứ không có hát hò gì được . Nhưng mà năm 92 khi mà anh Sơn qua Canada để mà chữa bệnh thì em được gần anh Sơn nhiều hơn và anh Sơn tập cho em một số những bài mới như là bài “ Tôi đang lắng nghe” “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” " Một Cõi đi về", "Một cõi đi về" thì anh Sơn làm từ năm 73 ở ngoài Huế và anh Sơn đã tập cho em từ thời 73 nhưng mà em vì tập nhanh quá cho nên em hát sai, đến năm 92 anh Sơn tập lại cho em cái bài "Một cõi đi về" cùng với một số bài mới anh viết sau này . Đó là cái thời gian rất là đẹp mà em được gặp anh Sơn ở Việt Nam . Rồi sau đó em trở về Việt Nam gặp anh Sơn năm 97 thì chỉ được có 5 ngày thôi . Nhưng mà đến năm 2000 khi em trở về em được ở gần anh Sơn 3 tuần lễ, ngày nào em cũng ngồi với anh Sơn từ sáng cho đến khoảng sau nửa đêm thì em mới về tới chỗ nhà riêng em ở và đó chúng em cũng không nói được nhiều và lúc đó là lúc anh Sơn tập cho em những bài hát gần như là những bài hát cuối cùng của anh
( Nhạc dạo ..tiếng hát Khánh Ly "Nhìn những mùa thu đi ..em nghe sầu lên trong nắng …và lá rụng ngoài song ..nghe tên mình vào quên lãng ..nghe tháng ngày chết trong thu vàng ….")
Phần II
(Nhạc dạo …tiếng hát Khánh Ly "Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em …đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền …ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng… Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than …chân đi nằng nặng hoang mang … ta nghe tịch lạc rơi nhanh … dưới khe im lìm….”)
BBC: Có thể nói chị đã từng trình bày rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng mà chị tâm đắc nhất với ca khúc nào và vì sao ?
Khánh Ly: Đối với em mỗi một bài của anh Trịnh Công Sơn là một nét đẹp riêng là những cái điều thầm kín sâu xa mà trong đó có cả hạnh phúc và khổ đau cho nên phải nói là bài nào của anh Trịnh Công Sơn em cũng thích hết, miễn là được hát lên đúng lúc, không thể nói rằng em thích bài nào nhất, tất cả bài của anh Sơn thì bài nào em cũng đều yêu cả, chỉ có tùy cái lúc mà tâm hồn mình nó rung cảm với một ca khúc nào đó mình cảm thấy hợp với mình trong lúc đó thì khi mình hát lên mình sẽ hát với cả trái tim và tấm lòng của mình .
BBC: Nhưng mà nếu nói đến một ca khúc nào cụ thể nào đấy chị có thể nói là chị thích hay chị cảm thấy nó gần gủi với chị nhất thì đó là ca khúc nào ?
Khánh Ly: Thưa chị đó là bài "Để gió cuốn đi” chị .
BBC: Tại sao chị lại cảm thấy bài "Để gió cuốn đi” là hợp với mình nhất ?
Khánh Ly: À thưa chị tại vì em hỏi anh Sơn cái thời mà em còn nhỏ và lúc đó anh em nghèo lắm, anh Sơn và em nghèo lắm, thì em hỏi anh là : "Mình sống trong đời sống thì mình cần cái gì ?" tại vì anh Sơn còn là một người thầy của em nữa, và em yêu quí anh Sơn hơn tất cả mọi người, ngoại trừ ông cụ em thì em yêu quí anh Sơn trên tất cả mọi người . Khi em hỏi câu đó là "Mình sống trong đời sống mình cần phải có cái gì ? Danh vọng, tiền bạc hay là tình yêu ?" thì anh Sơn trả lời là: " Em cứ sống trong đời sống bằng một tấm lòng" thì em hỏi: "Tấm lòng để làm cái gì ? trong khi đó mình quá nghèo, mình chẳng có cái gì trong tay, cái áo dài mình cũng không có nữa" thì anh Sơn cười anh Sơn nói là: "Em cứ sống với một tấm lòng dù chẳng để làm gì cả dù chỉ để gió cuốn đi và hãy cố gắng sống một cách tử tế với tất cả mọi người, tử tế với mình trước thì sẽ tử tê được với tất cả mọi người” Cái lời nói đó đã cách đây gần 40 năm rồi nhưng mà nó là kim chỉ nam cho em, đó là những điều mà em luôn luôn giữ gìn và em đi đúng, em nghĩ, em biết chứ không phải là nghĩ, em biết là em đã đi đúng những điều mà anh Sơn đã chỉ dẫn cho em .
BBC: Vâng tôi cũng nhớ là cái bài đó nó có cái đoạn nói là : “ Sống giữa đời sống cần có một tấm lòng, để làm chi em biết không ?... để gió cuốn đi” nhưng mà 40 năm nay chị cũng đã hát ca khúc đó nhiêu lần nhưng chị còn tin vào điều đó không nhất là trong lúc cái cuộc sống hằng ngày nó đổi thay, nó hiện đại hóa .
Khánh Ly: Thưa chị em tin, em tin ở tấm lòng của mọi người vốn là những người tử tế, vốn là những người lúc nào cũng nghĩ đến những điều tốt đẹp và em tin cả điều anh Sơn nói rằng “ Hãy cứ yêu đời sống dù đã mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui dù vắng bóng ai dù có người bỏ đời mà đi mà mình vẫn còn phải sống thì mình hãy cứ vui tới như mọi người, vẫn phải sống tới như tất cả mọi người để chờ đến một lúc nào đó rồi mình cũng được gió cuốn đi . Em rất tin cái điều đó dù bây giờ thế giới tất cả mọi thứ đều được hiện đại hóa, dù người ta đã lên trên mặt trăng, dù người ta làm bất cứ một điều gì thì những cái lời của anh Trịnh Công Sơn, em nghĩ là nếu em còn có thể sống được một trăm năm nữa hay em sống cho đủ một trăm năm thì những cái điều anh Sơn nói với em vẫn đúng như thường .
BBC: Quí vị khán thính giả đài BBC Luân Đôn đang nghe cuộc phỏng vấn với ca sĩ Khánh Ly . Dạ thưa ca sĩ Khánh Ly, chị là người rời VN vào buổi tối ngày 29 tháng 4 năm 1975 và đến tận năm 1997 thì chị mới quay trở lại VN, thì trong khoảng thời gian đó làm sao mà lâu như vậy chị mới quay trở lại thăm VN ạ ?
Khánh Ly: Thưa chị , chị cũng biết là đời sống ở bên Mỹ không phải là thiên đàng như là nhiều người đã nghĩ, nếu mình nghĩ đây là thiên đàng thì cũng đúng chứ không phải là không, nhưng nếu bảo là hoàn toàn không phải làm gì cả cứ ra vườn hát lá cây mà ăn á thì cái điều đó không có, qua đây thì em và những người VN ra đi lúc đó bắt đầu một cuộc sống, bắt đầu làm lại từ đầu, bằng con số không và làm bất cứ chuyện gì, cái thứ nhất là để sống còn, cái thứ hai là để cho những người Mỹ họ nghĩ rằng dân tộc VN, những người VN là những chịu thương chịu khó, cần cù và tử tế khi sống ở đất nước người ta thì làm một cái việc gì để sống còn đều là một điều nên làm, em nghĩ là nghề nào cũng lương thiên cả chỉ có người là không lương thiện chứ không có nghề nào là xấu hay là không có nghề nào là không lương thiện cho nên em bắt đầu phải đi làm bằng những công việc thấp nhất trong xã hội tức là đi chùi rửa, đi làm janitor đó, đi làm vệ sinh ở trong một cái trường kiểu mẫu cho trẻ em, nhưng trong một thời gian ngắn thôi và sau đó thì cộng đồng VN bắt đầu tụ tập lại và chỉ một thời gian ngắn thôi mấy tháng sau thì em là người đầu tiên làm băng nhạc lại và trở lại đời sống đi hát của mình với một cây đàn guitar từ Mỹ qua đến Âu Châu đến Canada và Úc Châu . Cho nên cái thời gian của em ở đây nó rất là eo hẹp, vì còn gia đình, còn chồng còn con cho nên em không có một thời gian nào rãnh để mà nghĩ đến cái chuyện đi đâu xa . Anh Sơn thì muốn em về thăm nhà rất nhiều lần nhưng em không thể bỏ gia đình ở đây được rồi đến 97 thì em đi với phái đoàn của Nhật Bổn để về VN làm một cuốn phim về cuộc đời của em và trong đó thì không thể nào thiếu anh Trịnh Công Sơn được .
BBC: Thưa chị khi mà năm 1997 đó về thăm VN lần đầu tiên từ khi chị ra đi là năm 1975 thì khi đó về chị có cảm thấy là VN thay đổi nhiều so với hồi chị ra đi hay không ?
Khánh Ly: Thưa thay đổi nhiều lắm chị, thay đổi nhiều thay đổi nhiều đếc cái độ mà em không nhìn ra, em không tìm được con đường về nhà cũ của em, cái nhà mà sau khi di cư vào em ở đường Trần Hưng Đạo em không nhìn ra, đường Công Lý em cũng không nhìn ra, Hàng Xanh em cũng không nhận ra, Thủ Đức em cũng không biết, em đi đâu em cũng chỉ thấy hotel không hà, em không có dịp trở lại những cái trường học ngày xưa, những cái trường đại học mà em đã hát, em chỉ có dịp đi ngang trường Trưng Vương và trường Gia Long nhưng mà em thấy là một VN thay đổi nhiều, nhưng mà thật ra đó không giống như là những cái điều mà em mơ ước em từng ttưởng tượng ra, tại vì khi em đi Saigon chỉ có 2 triệu dân hay hơn một chút, nhưng khi em về năm 97 thì có tới 7,8 triệu người ở nội trong Saigon thôi thành ra có những cái điều làm cho em hơi sợ về vấn đề giao thông đó, rồi nhà cửa thay đổi rất là nhiều, chỉ có một cái điều là nhà thương thì em không thấy, trường học em cũng không thấy…mà cái điều mà em nhìn thấy nhiều nhất là …hotel .
BBC: Thưa chị khi mà chị quay về VN như thế đó, thì cái lần đó chị chỉ về thăm thôi hay chị có biểu diễn hay không ạ ?
Khánh Ly: Dạ thưa chị không, em về với phái đoàn Nhật, anh Trịnh Công Sơn thì hát cho em nghe và em được gặp gia đình một người chị ruột của em và các cháu của em còn ở lại VN, em được đi thăm mộ của bên gia đình chồng tức là ông bố chồng em .
BBC: Dạ thưa chị từ cái hồi mà năm 1997 là lần đầu tiên chị về VN đó thì sau đó chị cũng có quay trở lại VN 2 lần nữa thế thì trong những cái lần đó có lần nào chị có cái buổi biểu diễn ở VN hay không ạ ?
Khánh Ly: Dạ thưa chị em không hát
BBC: Cái giai đoạn thứ ba của cuộc đời chị nghĩa là lúc chị bắt đầu sự nghiệp ca hát ở Hải Ngoại đó thế thì nền âm nhạc của VN ở hải ngoại bây giờ như thế nào ?
Khánh Ly: Nói chung thì nhạc ở hải ngoại, cái lớp tuổi của các anh nhạc sĩ lớn, đa số các anh cũng đã qua đời, bây giờ là lớp trẻ lên và họ có những cái sáng tác ngắn gọn và hợp với cái đời sống thực tiễn tại Mỹ nhiều hơn là cái khoảng thời gian trước 75 hay là thời gian mới tới Mỹ, nó thiếu cái sự thơ mộng, nó thiếu cái đẹp của một thứ hạnh phúc mình khó nắm bắt, đối với em thì nó quá thực tiễn, nó giống như một với một là hai thành ra nó ít gây cho em một cái sự xúc động, tuy nhiên cũng có những bài hay của một số thí dụ như là của các nhạc sĩ như là nhạc sĩ Nam Lộc, nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn, nhạc sĩ Trúc Hồ, những nhạc sĩ trẻ bây giờ như Trần Quảng Nam, như là anh Ngô Thụy Miên cũng còn sáng tác hay anh Từ Công Phụng, anh Vũ THành An thì bây giờ anh đã là Thầy Sáu tức là anh đã đi tu, còn lại một số thì em nghĩ là không hạp với cái tuổi của em có lẽ là hạp với lứa tuổi đến Mỹ khi còn nhỏ hoặc là được sinh ra và lớn lên ở Mỹ
BBC: Thưa ca sĩ Khánh Ly là trong những năm sinh sống …định cư tại Mỹ đó thế thì chị biểu diễn những ca khúc của ai ạ ?
Khánh Ly: Dạ thưa chị vẫn là nhạc Trịnh Công Sơn thưa chị, vẫn là nhạc anh Trịnh Công Sơn là số một, từ 27 năm nay, em đi tới đâu em hát, mỗi cuối tuần em đi show thì đều là những nhạc của anh Sơn .
BBC: Có khi nào chị muốn trở về VN làm một hoặc hai hoặc là nhiều buổi trình diễn hay không ?
Khánh Ly: Thưa chị hiện tại bây giờ đó thì em chưa có nghĩ đến vì em còn một cháu út còn đang đi học cho nên em không thể nào bỏ nhà đi lâu được, em chưa nghĩ tới có một lúc nào đó em có thể để chồng con ở đây và em làm một chuyến đi dài 1,2 tháng. Thành ra em nghĩ với cái tuổi của em bây giờ đó tìm một cái cơ hội nào để mình có thể trở về VN đó em nghĩ cái đó khó vì em sợ là không kịp nữa đối với cái tuổi của em bây giờ .
BBC: Nhưng bây giờ hỏi là trong cuộc đời chị có những cái lúc nào chị cảm thất thất bại hoặc là chị chịu những cái cay đắng thì đó là những cái điều gì ạ ?
Khánh Ly: Em được một cái may mắn là vấn đề nghề ngiệp chưa gặp thất bại cho đến bây giờ em vẫn và một người may mắn được đứng trên sân khấu chung với cái thế hệ sau em, còn nói về cay đắng thì đời của một người, bất cứ một người nào dù ở ngay trên quê hương của mình hay là ở xứ người thì chắc chắn là không thể tránh khỏi cái điều bất như ý hoặc là cay đắng đưa đến bởi cái đời sống xã hội hoặc là bởi đồng nghiệp hoặc ngay chính cả ở trong gia đình nữa thì cũng không thể nào tránh khỏi được và có một cái điều là em biết dù em ở đâu đi chăng nữa thì em vẫn nhớ và em vẫn yêu VN, vì lúc nào em cũng là người VN dù em có đổi đời nhưng mà đời em thì chưa bao giờ đổi cả, em vẫn là người VN nếu mà Chúa thương, trời đất thương thì sẽ có một lần nào đó mà nếu cái may mắn còn ở với em thì em cũng muốn được trở về để hát từ Nam ra đến Bắc và hát để giúp cho những trẻ mồ côi, cho những bệnh nhân bị bệnh cùi và những người thiếu may mắn và không lấy một đồng xu nào cả, nhưng mà lúc đó sẽ là lúc em từ giã cuộc đời đi hát của em, tức là em nói thẳng là lúc đó là lúc em giải nghệ vì em hy vọng là em sẽ có thể em làm một điều gì đó nó có ý nghĩa một chút trước khi em rời xa sân khấu để đúng như lời anh Trịnh Công Sơn nói là "Hãy sống và sống tử tế với nhau bằng một tấm lòng" .
(nhạc dạo …tiếng hát Khánh Ly và Trịnh Công Sơn … " Bỏ mặc căn nhà bỏ mặc tôi ..Bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người …Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa …Bỏ mặc tôi là tôi là ai …Em đi bỏ lại con đường ..Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em …Ra đi em đi bỏ lại dặm trường ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm ….Bỏ mặc đêm dài bỏ mặc tôi …Bỏ mặc gian nan bỏ mặc người ..Bỏ xa xôi yêu và gần gũi ..Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui ….")
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top