Chương 1: Lội một dòng lịch sử



" Đất nước ta nghìn năm văn hiến
Ta thay người ôm trọn non sông..."

Vùng đất Việt rộng lớn bạt ngàn, có dãy núi trùng trùng điệp điệp lại giáp biển, ở thế "long bàn hổ cứ". Hẳn nhiên để quản được từng ấy tấc đất là chuyện rất vất vả, do đó người xưa đã chia ra ba thành trì lớn. Nhất Độc, Nhị Kiều, Tam Quán là ba thành lớn cai quản theo thứ tự hướng Bắc, hướng Tây và hướng Nam. Sở dĩ hướng Đông là vùng tự cai trị do đó là vùng rừng thiêng nước độc, muông thú coi đó là ngôi nhà lớn mà cư ngụ ở đây suốt cả trăm nghìn năm, căn bản không có người sống ở hướng đó.

Nhưng sự tham lam và âm mưu thống trị toàn diện của Độc và Quán mà đất Việt rơi vào thời kỳ đen tối nhất. Máu đổ thành sông, người người ly tán, con mất cha xa mẹ, người đầu bạc cùng người đầu xanh đều cùng tiễn nhau mà đi. Điều duy nhất mà hai kẻ bạo quân đó không động tới là vùng Hi Đô và Phong Đô, nơi linh thú xưng vương xưng bá. Kiều không tham gia trận tranh quyền đoạt vị này mà âm thầm gia nhập vào đội quân của Thuyền. Từ đó trận "Tam thành" đã mở ra thời kỳ tươi sáng cho đất Việt. Độc và Quán bị phong ấn vĩnh viễn ở vùng Sường Khao, phía Đông Bắc. Thuyền xưng đế và đặt lại tên cho vùng đất trù phú này. Hai chữ "Việt Thượng" ánh lên màu vàng rực trên quốc kỳ cùng biểu tượng khóm tre hùng dũng. Kiều được dân chúng tôn vinh và vẫn cai quản thành thứ hai.


Thuyền Đế dẫu ở ngôi hoàng vị nhưng không tham lam quản luôn hai thành trống. Cho nên đã cắt cử người tài đến đó lo liệu. Người còn tạo một thành nhỏ ở tâm Việt Thượng, đặt tên là Tương Hỗ. Đó là kinh đô phồn hoa bậc nhất, dẫu không thể sánh với sự xa hoa đài các khi xưa của thành Nhất Độc nhưng Tương Hỗ đã sản sinh ra rất nhiều người tài giỏi, sẵn sàng hiến dâng cho Hoàng gia.


Nhưng trận địa phong ấn Độc và Quán chưa được vài năm thì đã có dấu hiệu bị phá vỡ. Thuyền Đế lúc đó đã xây dựng rất nhiều giáo phái, chiêu mộ nhiều thiếu niên đến đó cầu học. Dẫu chúng vẫn còn nhỏ nhưng rèn giũa từ bây giờ để đối phó với hai kẻ bạo quân kia thì chưa bao giờ là quá sớm. Mao Thương phái là giáo phái lớn nhất, sỡ hữu nhiều quốc báu mà hoàng đế tin tưởng giao phó cai quản. Họ là những người đã góp không ít công sức cho trận Tam thành năm xưa. Tiếp đó là các phái nhỏ lẻ hơn, phân bổ khắp vùng Việt Thượng.

"Nhưng sai lầm lớn nhất của Thuyền Đế là đã không đưa ra chính sách đúng đắn để bảo vệ người thân" - một người chuyên kể chuyện ở đạo quán cho hay -" Các ngươi nghĩ Thiên Hậu bây giờ là người duy nhất mà bệ hạ yêu sao? Không đâu, bên cạnh người năm xưa còn có một bóng hồng khác".
- Ôi liên thiên quá, nói huỵch toẹt ra xem nào cái ông này!
Người kể chuyện vuốt cặp ria được tỉa tót hàng ngày rồi hắng giọng:
- Cô gái đó nghe nói là tiên đấy, đẹp hơn Thiên Hậu nhiều. Người đó làm cá hai mang bên Nhất Độc, thường xuyên gửi thư mật báo cáo cho quân đoàn ta. Hình như lúc làm nhiệm vụ thì có mang, ai cũng bắt đầu nghi là của Độc vương. Khi thái bình được lập lại, các quan theo Thuyền Đế vì muốn diệt trừ tận gốc mà đã không ngần ngại diệt người thương của bệ hạ và cả đứa trẻ. Sau này dù Thuyền Đế có răn đe và cách chức chúng đi chăng nữa thì người cũng không còn sống. Mà lần đuổi giết đó lớn lắm, nơi xảy ra trận đánh đó còn thành nghĩa địa cơ mà.


Một bé gái ngồi thu mình ở bậu cửa, lắng nghe không xót câu từ nào. Rồi nó ngước đầu lên về phía tay trái nó, nhấc chân đi một cách khó khăn. Mái tóc rối màu lục thẫm của nó bị đen đi do bụi bẩn. Nó mới mười tuổi thôi và hơn hết, hai tay và một bên chân của nó đã bầm dập không thiếu kiểu nào. Cái cổ bé tý còn bị cứa một đường không thể liền nhanh được, dù được băng bó cẩn thận thì máu vẫn rỉ ra ướt đẫm. Người nó bẩn thỉu vô cùng, đôi mắt xanh nhạt lúc nào cũng như xin sự thương hại.

- Ta nói nghe này. Ta chưa có vợ, cha mẹ ta cũng mất cả rồi nên không thể nhận nuôi một đứa lang thang được. Mi có cho lão già này lấy vợ không hả??

Người to tiếng nạt nộ nó tên là Thuẫn, năm nay cũng sắp tới ba mươi. Hắn không khôi ngô tuấn tú nhưng mấy khoản nữ công gia chánh thì rất sành sỏi. Người ta nói đùa là hắn không lấy được vợ do còn giỏi hơn cả vợ. Nhưng thật ra do hắn là cô nhi, lại không nghèo khó, ai lại muốn gả con cho kẻ như vậy chứ. Ấy vậy mà giờ có con nhóc cứ lẽo đẽo đi theo, kể cả bị cắt đuôi rồi thì mấy hôm sau lại tìm thấy được. Lời đàm tiếu ngày một nhiều, có người còn nói con nhóc đó là do Thuẫn quá thèm vợ mà ăn nằm với người nào đó rồi sinh ra. Có khi nó bị ném rau đã thối hết vào người do họ nghĩ kỹ nữ là mẹ nó.


Nhưng chỉ có đám người đó giật mồng lên hết cả, chứ con nhóc này rất lì lợm, chẳng biết giận là gì cả. Nó đi theo Thuẫn vì người thân hắn từng cứu nó ở vùng Phong Đô. Đợt đó bạo loạn, quan quân triều đình chưa kịp đến thì toàn bộ người ở đó đã bị diệt sạch. Nó may mắn sao đó mà vẫn còn sống dù không khác gì người tàn tật. Vết thương ở cổ khiến nó không nói được gì cả, do biết chút ít chữ nên nó đã khắc tấm gỗ đeo bên người. Trên đó ghi "Vạn Niên". Không biết ai đã đặt cái tên đầy tham vọng như vậy cho đứa nhỏ này, bảo sao nó không gánh được.

Mươi mấy nghìn năm, đây là muốn nó sống thọ tới khi đất hoá thành cát hết à. Dù phái Mao Thương có thuật trường sinh, nhưng chắc gì đã đến lượt người như nó sờ được vào quyển sách đó.


Vạn Niên ngồi cạnh sạp hàng của Thuẫn cả chiều, đến khi bóng đã ngả dài. Mùi trà thơm của sạp lan đến từng ngóc ngách của khu này. Nó nhớ đến một mùi hương in đậm trong tâm trí non nớt. Đó là mùi hoa gì đó thoang thoảng, nhàn nhạt, còn thơm hơn phấn trang điểm. Bỗng có một đôi giày vải thô đá nó một cái rất khẽ:
- Làm ơn đấy, đừng báo hại ta nữa! Mi có theo ta cả đời cũng không có gì mà ăn đâu!

Vạn Niên mím môi lấy tờ giấy đã nhàu trong túi áo rồi đưa cho Thuẫn. Hắn ghét bỏ cầm tờ giấy toan bỏ vào bếp củi nhưng chợt nhận ra nét chữ quen quen. Đọc xong tờ giấy ngắn củn, sống mũi hắn cay xè. Vạn Niên đã ở cùng bà của Thuẫn một thời gian. Bà ấy dạy một ít chữ cho nó rồi còn cho nó ăn no ngủ đủ. Điều mà bà muốn Thuẫn làm là hãy nhận nó làm con, dù điều kiện sống có ra sao. Bà không giục Thuẫn lấy vợ, còn nói là hãy làm điều con muốn.
Nhưng tiếc thay, chưa kịp gửi gắm thì người đã không còn. Điều mà Vạn Niên muốn không phải việc Thuẫn nhận nuôi hay không, mà là cho nó ít đồ ăn để nó đi. Tờ giấy ấy như bức thư cuối cùng coi như đã đưa xong.

Thuẫn nắm chặt tờ giấy nhàu nát và đưa nó ít tiền, ngụ ý hãy đi xa xa chút. Vạn Niên cúi gập người rồi lết thân đi về con hẻm khuất sáng. Nhìn thân người tàn tạ ấy mà đêm đó Thuẫn trằn trọc không ngủ được. Thật sự không ngủ được, vì có chút áy náy trong lòng. Hôm sau khi mở sạp, lần đầu tiên hắn mong chờ ai đó đến như vậy. Nhưng không may là đến ngày thứ tư còn không thấy bóng dáng Vạn Niên đâu. Hắn ban đầu còn lo lắng nhưng chưa bao lâu lại tự an ủi là do con nhóc này đi đâu đó hơi xa tý thôi.


Ai mà ngờ, đi hơi xa lại đến chân núi Vô Tà, nơi phái Mao Thương toạ lạc trên đỉnh. Vạn Niên còn bị một đệ tử đánh tới mức suýt phế luôn cánh tay. Thuẫn nhìn cảnh đó mà lòng đau nhói một mấy cái liền. Đệ tử môn phái đó nói là do Vạn Niên ăn cắp đồ. Nhưng trên người Vạn Niên không có gì cả, đến một thứ giá trị cũng không có. Thuẫn cáu gắt sỉ vả đệ tử đó, nói gì mà môn phái lớn đào tạo ra kẻ bắt nạt người yếu thế hơn mình. Vạn Niên không thể nói được rõ ràng nên không thể thanh minh, bọn họ cũng không cho giấy mực để trình tội. Cứ thế mà Vạn Niên bị tên đó đánh đến thân tàn ma dại.

Dẫu Vạn Niên không nói được, nhưng không hiểu sao con bé không thèm khóc lấy một tiếng, cũng chẳng thèm đánh trả. Cảm tưởng nó không hề biết đau vậy. Thuẫn vì một bức thư tay và lòng cảm kích việc nó ở bên bà của hắn suốt một thời gian nên đã nhận nuôi. Không dư dả gì nhưng nhất định không để ai bắt nạt "con" của hắn nữa.

Nơi Thuẫn ở là phía Tây ngoại vi Tương Hỗ, đường vào căn nhà tranh là luỹ tre xanh rì. Vạn Niên nằm trên tấm lưng rộng lớn của Thuẫn, đôi mắt ướt chứa đựng vẻ mệt mỏi cùng sự thờ ơ. Điều làm nó chú ý chỉ có những chiếc lá tre phiêu phiêu theo làn gió mùa hạ. Tựa như cuộc đời vô định của bản thân.

Sau khi tay chân đã dần lành hẳn, Vạn Niên muốn vào phủ một thương gia nào đó để xin ở đợ. Nó căn bản không muốn ăn bám Thuẫn, cái người giờ đã là cha của nó. Thuẫn dĩ nhiên không cho phép nhưng Vạn Niên tự ý bỏ đi, đến tối muộn đem về một ít đồ ăn được cho Thuẫn. Căn bản không ai cản được nó. Một đứa trẻ mười tuổi thì liệu có thể làm gì, đặc biệt là vết khâu hình chữ nhất ngay cổ chưa lành hẳn và một nửa lưỡi đã không cắt đứt.

Phủ thương gia mà Vạn Niên xin vào là của Phan viên ngoại, một lái buôn nổi tiếng nóng tính nhưng khi trả tiền công thì cực hào phóng. Nguyên do là vì ông ta cần người trút giận và làm con hầu cho gia đình ông ta. Trả tiền ít hay quỵt tiền thì sớm muộn chúng cũng bỏ đi hết. Với cả ông ta muốn danh tiêng bản thân tốt hơn, tiện cho việc buôn bán thì dĩ nhiên không thể tạo tiếng xấu cho bản thân.

Vạn Niên vì tuổi còn nhỏ nên chỉ cần hầu cậu ấm nhà này. Cậu quý tử tính y như cha của nó, hơn Vạn Niên chỉ có ba tuổi nhưng lai luôn lấy con bé ra mà thoả mãn thói bạo lực. Vạn Niên lại không để ý điều đó, cứ âm thầm chịu đựng. Thuẫn cũng không có quyền can thiệp.

Khi Vạn Niên lên mười ba, thời điểm đó con gái đã được gả đi rồi. Cậu quý tử lúc này cũng vội nghĩ đến chuyện thành thân bởi vì người thường làm sao có tuổi thọ được như các vị tiên nhân. Bao nhiêu tiểu thư khuê các lại không lọt vào mắt cậu ta. Khi Vạn Niên bưng chén cháo yến lên thì cậu quý tử âm thầm quan sát. Vạn Niên lúc này đương thì con gái, người có hơi gầy nhưng căn bản không đáng ngại. Gương mặt non nớt đầy khả ái... Cậu quý tử nghĩ đi nghĩ lại, quyết định nói với cha rằng muốn lấy Vạn Niên làm vợ, nếu không đồng ý thì sẽ quyên sinh.

Cha cậu chàng hẳn nhiên sợ mất mật, giả bộ đồng ý, nhưng phải đợi thêm vì Vạn Niên còn quá nhỏ. Cậu chàng gật gật rồi vui vẻ đợi chờ. Nhưng Phan viên ngoại đã sai người thủ tiêu con bé khố rách áo ôm ấy ngay.

Con ông ta là con cầu con khẩn, sao có thể cho nó lấy một đứa bần cùng hôi hám, suốt ngày rửa chân cho người khác như thế chứ. Ông ta chỉ đợi khi vụ việc trót lọt thì nói với con trai mình đó là tai nạn.

Người tính không bằng trời tính. Phan viên ngoại căn bản không ngờ được chuyện này. Vạn Niên không phải dạng chân yếu tay mềm. Không biết làm cách nào mà đám tay sai của ông ta đều chém loạn khắp nơi, chém vào cả đồng bọn. Chúng gục xuống một tiếng lớn Vạn Niên từ bụi rậm chui ra, cẩn thận làm mộ cho bọn họ. Đao kiếm của chúng nằm la liệt trên đất, cộng thêm trời mưa nên đã bị dính bẩn.
Vạn Niên thơ thẩn nhặt một thanh đoản đao, dắt bên người và bỏ đi. Mấy ngôi mộ được lấp vội bên vệ đường bị nước mưa xối qua, máu từ mấy cái xác hoà lẫn vào bùn đất, loang lổ ra mặt đường lát đá. Ngay đêm đó, Vạn Niên trở về nhà của Thuẫn rồi dùng đao viết ra hai chữ "Lĩnh tội" trên nền nhà bằng đất và kèm theo một khoản tiền công, nhét vào túi áo hắn. Hắn ngủ say như chết, chẳng biết trời trăng mây đất gì.
Vạn Niên trầm ngâm nhìn căn nhà nhỏ vừa được sửa chữa không lâu, có vài chỗ đã dột. Nó ôm một bó cỏ tranh, leo lên mái nhà rồi lấp lại. Xong xuôi thì men theo lũy tre khi xưa để đi.

Phải mất một thời gian thì mấy cái xác kia mới được phát hiện do ở đó người sống thưa thớt. Lão Phan viên ngoại biết chuyện thì sợ hãi không thôi, không biết ăn nói sao với đứa con quý tử của mình. Nó ráo riết kiếm Vạn Niên đến mức không chịu ngủ, dầm mưa bị bệnh cũng không màng. Giờ chẳng lẽ lại nói do mình bày mưu? Đương bối rối không biết gỡ ở đâu, Vạn Niên ngồi ở đạo quán cũ, ngoan ngoãn nhận tội. Đoản đao kia là vật chứng duy nhất. Người hóng chuyện không hiểu một điều. Đã giết người thì sao không trốn đi, còn phơi cái mặt ra rồi mang theo đồ của nạn nhân nữa. Chỉ có Phan viên ngoại là vui mừng vì như thế thì con mình sẽ không ngu muội thêm nữa.


Thuẫn đã gặng hỏi không biết bao nhiêu lần nhưng Vạn Niên nhất quyết không nói lý do. Chỉ có bản thân nó biết, mình cần bị đối xử như vậy. Người phạm tội sẽ bị đày đến Sường Khao để làm quân thí mạng cho trận địa phong ấn hai kẻ tội đồ.

Có một điều nuối tiếc. Lần đến phái Mao Thương lại không gặp được ân nhân đã khâu vết thương cho nó, lại còn được tặng thêm mấy vết thương chí mạng. Nhưng giờ thì sao cũng được, bởi lẽ nó không có người thân, từ khi có tri giác đã nhận ra bản thân nó sống vì mọi người. Ta chết vì việc lớn, không chết vì sự yếu đuối của bản thân.


Trên đường hộ tống phạm nhân đến Sường Khao, Thuẫn lén leo lên xe và tìm đến chỗ Vạn Niên ngồi. Nó rất bất ngờ, bởi lẽ cả hai chẳng có liên hệ gì cả. Công sức chăm sóc của hắn đã được nó trả bằng tiền công từ phủ Phan viên ngoại rồi.
- Đừng nghĩ nhiều. Do ta chẳng còn chốn nào cả, cứ lang thang mãi cũng không phải cách hay.

Vậy còn chuyện dựng vợ gả chồng?
- Chuyện đó thì chắc do ta không có duyên rồi. Con gái mấy nhà kia chê ta suốt mà.

Thuẫn gãi đầu rồi cười khờ khạo, làm vải buộc đầu tuột ra. Vạn Niên ôm lấy cánh tay hắn, cảm thấy tia ấm áp len lỏi vào tâm can. Cảm giác có người đứng về phía mình là như vậy sao.

Ngay khi đến Sường Khao, Thuẫn há hốc miệng vì quá đỗi kinh ngạc. Nơi này không khác gì tử địa. Bão cát thường xuyên, cây cối gần như không mọc nổi, người hay vật cũng không buồn sống ở đây. Xa xa kia là Tử Môn, luồng tử quang xoáy theo hình trôn ốc, trận gió lớn hút tất cả những thứ ở gần nó. Đó hẳn là trận phong ấn mà người ta hay nhắc đến. Ấy vậy mà dưới điều kiện khắc nghiệt, có một căn nhà kiên cố ở phía khác. Nó được xây bằng gạch với vữa, những người sống ở đó toàn là người phạm trọng tội, chỉ chờ ngày thí mạng cho Tử Môn.


Vạn Niên không có chút sợ hãi hay lo lắng nào, nó luôn chuẩn bị sẵn tâm lý đối đầu mọi chuyện. Một thiếu nữ tươi cười chạy ra đón họ:" Hai người có mệt không? Mau vào bên trong đi." Vạn Niên thấp hơn nên chú ý thấy bàn tay y. Hàng chục vết cứa đã khô miệng và vết chai sạn lâu năm. Trong căn nhà có vài phần nứt vỡ do nhiều tác động từ Tử Môn là hàng chục người ngồi gọn trên ghế, hướng cặp mắt mệt mỏi về phía người mới. Trong hàng chục người đó có những người đã già, có người cao to bặm trợn, có khi là phụ nữ bế con...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top