Việt Nam Thống Nhất - Phim tài liệu do Nhật sản xuất

Đây là những thước phim rất quý hiếm của các nhà làm phim Nhật Bản về cuộc chiến chống Mỹ của quân dân miền Nam, đặc biệt ở khu vực Sài Gòn - Gia Định và rừng U Minh. Những thước phim chủ yếu ghi lại hình ảnh Việt Nam tại thời điểm thống nhất năm 1975.

Điều đáng chú ý là "Việt Nam thống nhất" được thực hiện trên những thước phim màu với hình ảnh và âm thanh rõ nét nhất từ trước đến nay trong số những phim tài liệu đã thực hiện về VN trước năm 1975.

Các phóng viên chiến trường Nhật Bản đã tái hiện một bề dày lịch sử của VN trong công cuộc giải phóng đất nước từ năm 1954 qua các giai đoạn và những nỗ lực đấu tranh giành độc lập của quân dân miền Nam trên mọi mặt trận.

Khán giả sẽ có được cơ hội nghe các chiến sỹ ở vùng đất U Minh nói về những điều mà họ đang làm cho cách mạng.

Đó cũng là những tuyên truyền viên bí mật in báo và tài liệu kháng chiến, là một người thợ lặn được mệnh danh "Thuỷ thần" trong cuộc chiến đấu chống giặc... Đó còn là cuộc sống của người dân Việt oằn mình trong "ấp chiến lược" của địch tại Cần Thơ.

Những người làm phim "Việt Nam thống nhất" đã kịp thời ghi lại những cuộc càn quét của Mỹ và thất bại của chúng trước sự phản công quyết liệt của quân Giải phóng.

Phim cũng có những cảnh quay xúc động về "chuồng cọp" tại nhà tù Côn Đảo và sự tàn khốc của hơn hai ngàn tù ngục khác trên đất nước VN.

Cao trào của cảm xúc là sự kiện ngày 16/3/1968, "một tốp máy bay trực thăng chở lính Mỹ và đã đổ bộ xuống làng Sơn Mỹ - một làng nhỏ miền trung Việt Nam. Khắp mọi nơi trong làng đều có máu. Ngày hôm đó, 504 người đã bị giết, toàn trẻ con, người già và phụ nữ".

Lần đầu tiên những nhà làm phim, đồng thời cũng là những nhân chứng lịch sử đã ghi lại và công bố tội ác của quân xâm lược bằng những hình ảnh hết sức cụ thể và rõ nét.

Đặc biệt, bộ phim cũng ghi lại những phút giây thiêng liêng của lịch sử khi Sài Gòn được giải phóng, VN hoàn toàn thống nhất, một không khí tưng bừng hạnh phúc của nhân dân, sự cảm động của ngày đoàn tụ và cả gương mặt, ánh mắt của những người mẹ, người vợ khi chồng con mình không bao giờ trở về.

Tất cả đã được ghi lại một cách khách quan thông qua góc nhìn của những nhà làm phim Nhật Bản. Tổng đạo diễn phim là Yamamoto Satsuo, các đạo diễn Toma Hiroichi, Yuki Yoshihiro, Suzuki Toshikazu. Hai nhà quay phim - phóng viên chiến trường là Ishigaki Misao và Iwada Rikizou.

Bộ phim do Nhà xuất bản Kim Đồng tặng trao đổi bản quyền cho Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Theo bà Nguyễn Hương Giang, Phó Giám đốc Kênh VTC1, bộ phim sẽ gây xúc động cho người xem cả nước, bởi trong đó có sự xuất hiện của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, các chiến sỹ cách mạng, nay người còn, người mất.

Về mặt nghệ thuật, phim tài liệu mang đậm tính đời sống với những thước phim rất đẹp về vùng sông nước Nam Bộ trong kháng chiến...

Xem phim này để có cái nhìn sát thực, chân thật, gần gũi hơn và để hiểu rõ hơn thế nào là 1 xã hội thuộc địa kiểu mới. Để nghe lòng dân Sài Gòn, U Minh, và miền Nam nói chung là như thế nào. Để biết những cơ sở bí mật hấp dẫn lôi cuốn như trong các bộ phim trinh thám ở ngay nội đô Sài Gòn, ngay trong lòng địch như thế nào. Để thấy sự khó khăn, vất vã, khổ sở trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ ở nội thành và xây dựng lại quê hương thời hậu chiến, giải quyết và khắc phục những hậu quả chiến tranh của đồng bào là như thế nào.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top