#4: Kế hoạch che giấu bí mật!

Quân vội vàng quăng xô quang cần chạy ngay. Trúc ở lại cũng toát mồ hôi, khúc sông cạnh ruộng rau muống ấy, sâu nhất cũng hơn ba mét. Mùa hè nước dâng cao, người dân thường dẫn nước vào ruộng trồng rau muống, vừa cho người ăn cũng vừa thái cho heo, cho vịt ăn. Năm ngoái, cô đã từng lội xuống mép sông, mặc dù không có chuyện gì nhưng cũng bị ông bà mắng một trận. Bà bảo chỗ ấy nguy hiểm, cấm không được ra nữa.

Đám trẻ ngơ ngác nhìn anh chạy vụt đi. Chúng không hiểu chuyện như người lớn, nhưng vẫn biết sợ bóng sợ gió mà không bắt cá nữa, một mực bám theo Trúc. Mẹ cô và dì Hạnh đi lên khúc trên nhổ măng. Trúc không có đồng phục siêu nhân, lại vướng đám nhỏ không còn ai chăm sóc. Nếu chần chừ ở đây, có thể bỏ lỡ một mạng người. Nhưng nếu chạy về nhà, lẽ nào lại bỏ đám nhỏ một mình? Lỡ xảy ra chuyện gì cô đền mười cái mạng cũng không đủ.

- Mấy đứa... Gọi dì Hạnh về đây, nhanh!...

Nghe giọng chị gấp rút, đám nhỏ vâng lời gọi mẹ gọi dì inh ỏi cả khúc sông. May mà dì không đi xa, nghe tiếng nháo liền chạy về. Chỉ chờ có thế, Trúc an tâm chạy biến đi.

Con đường đất thô sơ cách nhà hơn trăm mét, nay lại thấy như dãy Trường Sơn, dù vắt chân lên cổ chạy cũng không kịp. Cô vừa tới cửa đã phi ngay vào phòng, dốc ngược ba lô ôm robot và đồng phục chạy tới bụi chuối sau nhà.

- Robot này, tí nữa vào nhà gặp ông bà một chút rồi cũng xin ra bờ sông luôn nghe chưa?

Trúc khoác chiếc khăn choàng, vội vã bay về phía sông. Người hai bên bờ đông đúc, đâu cũng thấy căng thẳng. Trước khi lao xuống nước, cô còn nghe loáng thoáng có người bảo, chỉ sợ bây giờ chết mất rồi, chỉ có thể gọi người tới vớt xác thôi.

Vẫn còn kịp, phải không?

Trúc ngậm chiếc bộ đàm - có chức năng của một bình dưỡng khí - điên cuồng mò dưới sông. Chưa bao giờ cô ghét cái màu nước đục như cà phê sữa đến thế, mò mãi cũng chỉ đụng trúng gỗ mục bọc ni lông.

Nước sông lành lạnh, chảy siết, cô càng lúc càng hoảng loạn. Lẽ nào, cô đến chậm rồi? Như bác kia bảo, bây giờ đến cũng chỉ là vớt xác?

Con người, trung bình chỉ nhịn được ba phút. Từ nãy đến giờ đã bao nhiêu phút trôi qua?

Đùa! Cô đến cứu người, đếch phải đến để vớt xác. Cố trấn tĩnh lại, cô lại lao xuống lần nữa, mò mẫm hy vọng. Khúc này đục quá, sâu quá, lặn mãi mới chạm đáy, vì ở khúc quanh nên nước càng siết, khó trách người dân không thể tìm kĩ chỗ này. Sâu như vậy, nếu không phải thợ lặn thì ai có thể mò tới tận đây?

Mò mãi, đột nhiên tay cô đụng trúng một vật mềm mềm. Là đứa trẻ! Trúc mừng rỡ kéo nó lại, nhét bộ đàm vào miệng rồi ôm nó bơi lên bờ.

Con sông vốn đã náo nhiệt đột nhiên vang tiếng động thật lớn. Từ dưới nước, người ta thấy một kẻ che mặt tay ôm đứa nhỏ 9 tuổi phóng lên, nước xung quang văng tung toé. Định thần lại, người đó đã đặt đứa trẻ xuống đất.

Là con ông Sáu! Mọi người lập tức hô hoán nhau, người dưới sông ngừng tìm kiếm, cùng xúm lại kiểm tra đứa nhỏ. Trúc một thân ướt sũng, quần áo đầu tóc bết lại, run rẩy nép sang một bên hóng sự tình. Ông bác xoa xoa nắn nắn sờ mũi một hồi, cuối cùng than ngừng thở rồi.

Trúc cũng nghĩ đến kết quả này, chỉ là không kìm được đau xót. Vất vả thế, rốt cuộc lại vớt lên một cái xác. Dù sao cũng lâu như thế, muốn sống, cũng cần có may mắn.

Mà may mắn, đối diện với cái chết, có được bao nhiêu người may mắn?

Mẹ đứa nhỏ khóc lóc thương tâm lắm, một hai gọi con ơi dậy đi con. Vật vã giãy dụa dưới đất tưởng sắp ngất. Hai ba bác hàng xóm đỡ lấy an ủi cũng không ích gì.

Dường như để ý đến người đã cứu con mình từ dưới sông, bà lao đến nắm chặt áo Trúc, nức nở van lạy cô cứu lấy con. Trúc nhìn cũng chỉ biết cắn môi thở dài, bất lực nhìn mấy người đàn ông kiên trì hô hấp nhân tạo cho đứa nhỏ. Người móc đờm dãi trong miệng cho ra hết, người bóp tim, người xát ngoài da cho ấm,...

Không hiểu sao, đột nhiên thấy lạnh.

Cũng không hiểu, là lạnh do ướt, do gió, hay lạnh trong lòng. Chỉ thấy cả người lặng đi, run rẩy từng hồi, cổ họng có gì đó nghẹn lắm. Lúc đó, thực sự rất mệt.

Chỉ muốn bịt chặt tai lại, để khỏi nghe thấy tiếng ai oán bi thương, tiếng náo nhiệt ồn ào, tiếng van xin mà lực bất tòng tâm.

Thôi, người đã mất, cô cũng cố gắng hết sức, giờ chỉ cố lo hậu sự cho vẹn toàn, đau mấy cũng qua. Cứ coi đây là một bài học, chỉ là, bài học này quá đắt. Mong rằng ai có con nhỏ, gần những vùng nước lũ thì để ý nhắc nhở con. Đừng để chuyện đáng tiếc xảy ra.

Bên bờ sông vẫn huyên náo, Trúc lách mình rời đi, định bụng đến một nơi thật xa để khuây khoả. Chuyện hôm nay sợ là sẽ ám ảnh cô rất lâu.

Chỉ là, ngay khi vừa nhấc chân, sau lưng truyền đến giọng vui mừng, rất to, rất rõ ràng:

- Thở rồi! Thở rồi! Thằng nhỏ chưa chết! Bà Sáu ông Sáu đâu? Thằng nhỏ chưa chết!

Xung quanh vỡ oà! Bà Sáu mừng mừng tủi tủi, khuôn mặt cười như mếu so với khóc còn khó coi hơn. Trúc cũng không tin, ngẩn người hỏi:

- Ủa? Còn sống à?

Nói xong cũng tự thấy mình rồ rồi. Cũng may không ai để ý chứ không chắc cũng vỡ mồm vì tội vô duyên nhất.

Hú! Thằng nhỏ thở rồi, sức sống của cô cũng trở lại rồi. Trúc hồ hởi chen giữa đám người, hô to:

- Mau đưa nó tới bệnh viện. Mấy chú ai biết đường đến bệnh viện đi theo chỉ cho cháu với.

Xung quanh sông hồ ruộng lúa không tiện cho các phương tiện giao thông, chỉ có vài chiếc xe rùa chở phân. Người ta nghe theo chỉ dẫn đặt thằng nhỏ lên xe, cho ngậm bộ đàm trong miệng, bà Sáu xót con đòi theo, nhưng xe rùa hơi chật nên Trúc chỉ chọn một người theo canh và làm thủ tục trong bệnh viện. Rồi theo lời chỉ đường, Trúc kiêng cả xe lẫn người bay về bệnh viện.

Huyên náo cả buổi trời thì mọi chuyện cũng ổn, phần sau nhường cho bác sĩ và gia đình. Vi vu trên bầu trời rộng lớn, niềm hạnh phúc cứ len lỏi khắp tâm trí cô, ngỡ như bầu trời chưa bao giờ đẹp đến thế.

Sau bữa cơm chiều, những nhà hàng xóm tụ tập buôn chuyện. Dưới hiên nhà sáng đèn lép chép tiếng thằn lằn kêu, ông Tiến rít điếu thuốc lào nhả từng đợt khói, vỗ đùi nói:

- Tao nói chứ số thằng Hoan hên thật đấy. Từ lúc hay tin đến khi chạy ra bờ sông tao cứ nghĩ thằng này chết chắc rồi. Đấy, có đâu xa, hồi xóm trên có vụ chết đuối cũng trễ chừng chục phút mà tắt thở.

- Chiều tôi có lên bệnh viện với mẹ thằng Hoan, nó chuyển thằng vào phòng cấp cứu, suốt ba tiếng mới qua nguy kịch, chuyển xuống phòng theo dõi đặc biệt. Mà tôi nói nghe, không có cái người lạ lạ cứu nó thì nửa cái mạng nó cũng không vớt về được.

Ông Tiến gật gù tán thành. Dì Hạnh mang trà ra, đoạn ngồi hóng chuyện:

- Cháu cứ nghe ngoài đồn mãi mà khó tin quá, sao lại có người biết bay được nhỉ?

- Ôi dì đến lạc hậu, mấy tuần nay Facebook nó chả rần rần lên còn gì. Giờ cứ bật tivi thế nào cũng đưa tin, hồi chiều phóng viên tới tận bệnh viện đấy.

Quân cầm remot bật thời sự, đoạn kể tiếp:

- Hai tuần trước ở Hồ Chí Minh có người chụp được bức ảnh siêu nhân cứu một cụ bà đang qua đường, việc này được chia sẻ cách chóng mặt, báo đài suốt ngày đưa tin. Cách đây không lâu lại có vụ cướp cũng có sự giúp sức của siêu nhân. Nhìn trong hình chắc cũng tầm mười mấy tuổi, dáng cao... À đúng rồi, con Trúc! Dáng con Trúc trông giống siêu nhân lắm đấy!

Trúc đang ngồi chơi game gần đấy nghe thấy tên mình thì giật thót, nhưng cảnh giác đó cũng nhanh chóng biến mất. Cô đùa:

- Ô thế ạ? Quý hoá quá, biết đâu em cũng là siêu nhân đấy, sau này anh phải cung kính thờ lạy em đi.

- Anh không đập cho mày một trận thì thôi, ngồi đó mà tưởng bở. Người ta có công giúp người, còn mày thì chỉ lăng xăng ngoài kia cản đường cản lối, tuổi gì đòi sánh với người ta.

- Đấy, anh em chúng nó cứ sáp lại là chí choé.

Dì Hạnh quát nhẹ, người khác chỉ cười hềnh hệch khoát tay bỏ qua. Trẻ con mà, cãi nhau tí cho vui nhà vui cửa, chứ như nhà các ông thì buồn chết.

Bên ngoài ngồi uống trà tán dóc tới khuya, Trúc viện cớ bên ngoài nhiều muỗi đi vào phòng. Lúc chiều có vài cơn mưa nhỏ thoáng qua, trong không khí vương mùi ẩm ướt, tiếng ếch văng vẳng trong đêm không ngừng. Cất robot sâu dưới balo, Trúc vân vê đồng phục thu nhỏ trong tay, trầm ngâm.

Việc bại lộ thân phận khiến cô suy nghĩ rất nhiều. Không chỉ cảnh giác với truyền thông, xã hội, mà còn phải cảnh giác với gia đình. Những thói quen, đặc điểm của cô, chỉ những người từng tiếp xúc mới biết, điển hình như Quân. Một khi đã nghi ngờ thì tìm ra sự thật đối với họ khá dễ dàng. Vì vậy, cô không thể để mầm mống nghi ngờ nhú lên trong họ được.

Cũng may, trước khi đi cô đã dặn robot ra bờ sông để "tung hỏa mù". Khi Quân thấy cả siêu nhân và "cô" cùng xuất hiện, suy nghĩ "cả 2 người là một" đã bị triệt tiêu hoàn toàn, hơn nữa, khi bị cô nói khích, lão bị chọc tức nên càng thêm chắc chắn.

Điện thoại vang lên bài nhạc nhẹ nhàng. Trúc gác tay trên trán, nhắm mắt lại, từ từ hồi tưởng.

Trở về từ bệnh viện, Trúc một thân ướt sũng, vội vàng núp vào bụi chuối chờ robot. Để tránh bị nghi ngờ, cô và robot đã đổi quần áo với nhau.

- Quần áo thì ô kê rồi, nhưng tóc còn ướt thì sao?

- Bay trên trời vài vòng cho khô. - Robot đề nghị.

- Điên à?

Trúc nhăn nhó, giờ ngồi trong bụi chuối chờ tóc khô thì bỏ bố, càng không thể để nguyên vậy mà vào nhà, ông bà chắc chắn sẽ hỏi, lão Quân mờ lờ sẽ nghi, tự nhiên mà tóc ướt được à? Phải tìm được lí do chính đáng.

- Hay bảo là mới gội đầu?

- Đang yên đang lành mà đi gội đầu, vả lại ai gội đầu buổi chiều?

- Thì bảo tại trời nóng quá.

- Bây lại đây, nhìn thấy cái gì kia không? Mây đen đấy. Với lại gió lạnh đang về, răng hai hàm của bố đang đánh nhau cầm cập đây này. Trời này mà bảo nóng, hay là robot nên không có xúc giác?

- Công nghệ robot của hành tinh Kepler đấy nhé, không như robot trái đất đâu!

Robot tự ái nói.

- Vậy giờ phải làm sao?

- Hay là vầy...

Robot suy nghĩ một chút đột nhiên cười nham hiểm, rồi trong lúc Trúc đang ngây người liền kéo lại gần thùng nước...

XOẢNG! XOẢNG!!!!

- Làm cái gì ồn ào vậy?

Dì Hạnh trong nhà chạy ra, liền chứng kiến cảnh Trúc bị thùng nước đổ vào người, xung quanh nồi niêu ngổn ngang.

- A ha... Cháu trượt chân, xô trúng thùng nước...

Đệt! Không phải xô trúng đơn giản đâu, mà là cắm đầu vô thùng nước té lộn nhào, lúc té còn quơ trúng đám nồi niêu gần đó. Trong khi đó, thủ phạm đã tự tay tắt công tắc, trở lại một con robot nhỏ...

- Đáng đời, ai kêu mày hại ông thụt mông vào xô nước, cái này gọi là ác giả ác báo!

Lão Quân mờ lờ, phải chi lúc đấy đạp lão xuống sông luôn...

Dù bị tổn thương tinh thần ghê gớm, nhưng cũng nhờ robot mà cô đường đường chính chính biện minh cho lí do tóc ướt. (Combo luôn đồ ướt đợt hai).

Nghĩ tới đây, cô đột nhiên phì cười. Che giấu bí mật khổ thế đấy, không thể để bất kì chi tiết đáng ngờ nào, lần này trót lọt, nhưng những lần sau thì sao? Khi nhìn những hình ảnh của cô trên ti vi, liệu họ có nhận ra cử chỉ đặc chưng của cô, có để ý rằng trang phục, dáng người, giọng nói của "hai người" rất giống nhau? Liệu một ngày nào đó khi cô sơ suất, họ sẽ nhìn thấy khuôn mặt thật sự sau lớp mặt nạ kia?

Cô phải làm gì đây?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top