#3: Hành trình về quê

- "Ê Trúc, bà còn thiếu gì nữa không đấy?"

- Hỏi gì lắm thế? Đã bảo là đủ cả rồi. Quần áo, check! Giày, check! Bánh kẹo, check! Thuốc say xe, check! Điện thoại, check! Cả bộ cờ cá ngựa lẫn mấy thứ linh tinh khác cũng mang theo rồi. Ngày mai chỉ cần vác tấm thân ngọc ngà này đi thôi được chưa?"

- Còn thiếu!

- Thiếu cái gì? - Trúc hất hàm hỏi.

- Tui.

Kẻ nào đó giang hai tay, hất mặt kiêu ngạo. Trúc vớ cái ly gần đó ném về phía kẻ giống - cô - tới - 10 - phần kia, lãnh đạm nói:

- Cút!

- Đối xử tốt với robot của mình chút đi.

Kẻ đó nhanh nhẹn né sang một bên, bất mãn.

"Kẻ nào đó", hay nói chính xác là Robot sao chép, một trong những công cụ kì diệu của siêu nhân. Chỉ cần bật công tắc ở vị trí mũi robot, nó sẽ coppy y chang vật chủ. Đó là lí do trong căn phòng này xuất hiện hai người giống hệt nhau.

Trúc đang chuẩn bị hành lí về quê, vì vậy "triệu hồi" robot để giúp đỡ một tay. Mặc dù nói chuyện với bản thân trông có vẻ buồn cười, nhưng dù sao hai vẫn tốt hơn một.

Đối với cô, về quê là một khái niệm diễn ra vào chu kì ve kêu hằng năm. Năm nay mặc dù trễ hơn thường lệ, khi mà ve đã bớt râm ran, phượng trên cành rụng gần hết, nhưng khái niệm "về quê" vẫn phải thực hiện. Trúc gấp chiếc áo cuối cùng nhét vào ba lô và cố tình chừa lại một chỗ trống.

- "Ô kê rồi. Giờ chỉ cần nhét cậu vào đây thôi." - Trúc chỉ vào ba lô.

Robot bĩu môi rồi tự tay bấm công tắc, dáng vẻ lúc nãy lập tức biến mất. Trúc cầm robot giờ chỉ nhỏ bằng 20 cm cất đi.

Sáng hôm sau, xe lăn bánh đưa cả gia đình cô về quê. Một nơi thoáng đãng và yên bình, có cánh đồng lúa và dòng sông uốn lượn. Một nơi cho dù có đi xa, cho dù có vì những bề bộn mà lãng quên những điều bình dị nhất, thì nó vẫn là nơi chốn đầu tiên, cũng như cuối cùng của đời người.

Về quê thực sự rất vui, cô nghĩ vậy. Ngồi trên xe, cô ngả đầu vào ghế nhìn cảnh vật phía bên kia tấm kính, bắt đầu hồi tưởng về những tháng ngày lăn lộn trước đây.

Nếu không kể đến những lần mất mặt kia thì ngày tháng ở quê quả thật vô cùng yên bình!

Năm ngoái, nghe anh họ xúi dại đi uống rượu. Chỉ là rượu trái cây thôi mà thế quái nào cô lại say. Loạng choạng ra sau vườn thấy con khỉ ông nuôi trong chuồng lại tưởng nhầm đứa em gái. Đến giờ vẫn nhớ rõ vẻ mặt của ông bà dì cậu khi nhìn cô ôm chặt chuồng khỉ vừa khóc rống lên: "Ối giời ơi thằng thất đức nào nhốt cô vào đây hả Mai??"

Năm 12 tuổi theo bà ra ao cho vịt tắm. Bà vừa vào nhà lấy đồ một chút cô liền tóm cổ con vịt tắm từ đầu tới đít bằng bột giặt ô mô. Ừm... Nghe nói sau đó nó biến dị tổ hợp lông chết thì phải.

Năm 11 tuổi, cô mua một bịch pháo bông để cạnh bàn thờ. Ông cô mắt hơi kém nên sơ ý đốt nhầm cây pháo. Cả bàn thờ bung lụa. Cô bị cả bố lẫn mẹ thi nhau hành hung.

...

Còn bao nhiêu phi vụ nữa cơ, kể hết ra mỏi mồm lắm.

Nhưng ở khía cạnh nào đó, quả là một tuổi thơ dữ dội nhỉ?

Xe chạy từ sáng đến trưa cuối cùng cũng tới nơi. Trúc xách ba lô băng qua mấy con đường dẫn vào ngõ nhỏ. Nhà bà ở cuối xóm, nổi bật với giàn hoa giấy hồng rực mái hiên. Bước vào sân liền thấy ông bà và mấy dì tề tựu.

- Ối giời Trúc năm nay lớn thật đấy nhỉ. Đã cao gần bằng mẹ rồi.

Bà xoa đầu cô, lại chạy tới ôm đứa em gái 7 tuổi của cô đang ngại ngùng đứng phía sau. Bà bao giờ cũng niềm nở là thế. Con cháu đi xa, mỗi năm ông bà chỉ chờ dịp tết và hè mới mong chúng nó tụ họp đông đủ với bà. Ông bà lớn tuổi cả rồi, còn được nhìn tụi nó ngày nào hay ngày ấy.

- Bà bảo mấy tháng trước để con gà mái ấp lấy chục con, đến hè chúng mày về lại có thứ mần thịt. Đấy, to thế rồi đấy! Chúng mày có muốn ăn thịt gà thì tí xuống bếp bắt lấy vài con.

- Dạ thôi, tụi con ăn gì chẳng được. Mẹ cứ bày vẽ cho rắc rối.

- Được là được thế nào. Mày cứ yên đấy. Sang kêu thằng Cường con Hạnh ra đây, mấy khi anh em chúng mày gặp mặt.

Ba mẹ với bà rôn rôn rả rả.  Cái cảm giác thân thuộc không lẫn đâu được.

Trúc vào trong cất đồ, xong chạy tót ra sau nhà. Vườn nhà bà rộng lắm, toàn xoài với xoài. Cứ tới mùa là bà lại bảo dì Hạnh tới hái đem bán. Đôi lúc xoài nhiều quá, ăn không hết, rụng đầy dưới gốc cây. Chim sóc cứ đến trộm. Mấy con sóc nhỏ mà nhanh thoăn thoắt, với bộ lông màu nâu và cái đuôi xù, Trúc rình bắt bao nhiêu lần. Nhưng hiển nhiên nó sẽ vuột khỏi tay cô, chạy tót lên cành và nhảy từ cây này sang cây khác.

Đàn gà dưới chuồng lại kêu lên, là do có người lạ tới. Trúc nhìn gà con rúc dưới cánh kia thèm thuồng. Khụ, đừng hiểu nhầm. Chỉ là cô thích bắt gà con thôi, một thú vui tao nhã.

Gà mẹ cảnh giác với khuôn mặt trông có vẻ hãm của cô, xù lông cảnh cáo. Cái biểu cảm "mày thử đụng vào con bà đi, bà cho mày xem" của nó khiến Trúc dù có thèm khát cái sự mềm mại nhỏ nhắn của gà con kia cũng phải dè chừng.

- Mày không có phận sự gì xéo ra chỗ khác, tránh ra cho anh mày bắt gà.

Anh Quân cầm dao với tô ra lu nước, mài dao xoèn xoẹt. Trúc đá đểu:

- Gớm, đã biết thịt gà rồi cơ mà. Nhớ lần trước mới vặt lông thôi đã đọc kinh làm dấu Amen...

- Anh thịt mày luôn chứ đừng nói tới gà!

- Anh em chúng mày cứ sấn lại là cãi nhau.

Bà cầm ấm nước đi ra. Anh Quân cười xoà, đỡ lấy cái ấm nhanh miệng:

- Đâu có, anh em chúng cháu thương nhau còn không hết, tương trợ giúp đỡ nhau lắm cơ. Con Trúc đâu, đi nấu nước mau lên.

Trúc lườm cái tên mồm mép liếng thoắng kia, nhẹ nhàng kinh bỉ.

Nấu nước đơn giản là đặt ấm nước lên bếp, bật nút, chờ nước sôi, tắt bếp. Nhưng ở đây, việc nấu nước không đơn giản như thế. Nó là cả một quá trình công phu không kém phần cao cả! Phải cần một người anh dũng biết xả thân vì dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc! Và giờ đây, Trúc - một công dân lười chảy nhớt quen mùi bếp ga - đã vinh dự mang trên mình trọng trách cao cả ấy.

Tổ quốc ghi công!!! *cờ đỏ sao vàng phất phới*

Đầu tiên, phần xếp củi nghệ thuật. Phải để củi sao cho bếp không bị bí, lòng bếp phải thoáng một chút thì khí mới lưu thông.

Thứ hai, phần đốt lửa. Nên đặt thêm mồi lửa cho dễ cháy, có thể là rơm, giấy, bọc ni lông đã qua sử dụng. Đặt lửa dưới củi, nơi lòng bếp đã được thông thoáng trước đó.

Thứ ba, công phu và khó khăn hơn. Đặt ấm nước lên bếp! Khi lửa đã cháy, những ngọn lửa bốc lên cao sẽ gây một cảm giác e ngại truyền qua tế bào thần kinh đến bộ não thiếu nếp nhăn của bạn. Cần một sự liều mạng huy sinh cao cả để hoàn thành công đoạn này.

Trúc phì phò thổi lửa nấu nước suốt ba nén nhang. Đến khi bếp rực ánh hồng, cô thỏa mãn lau mồ hôi nhìn thành quả của mình. Hất mặt đi ra xem cắt tiết gà, nào ngờ đã thấy thằng anh quý hoá vặt lông gần xong rồi.

- Người ta chờ nước nóng để vặt lông cho dễ, anh vặt không vậy à?

- Chờ mày nấu được ấm nước thì bỏ bố nó bữa trưa rồi.

Quân liếc mắt khinh bỉ.

Trúc liếc sang thau nước vẫn còn bốc khói, bỗng nhận ra một sự thật đáng hận.

Té ra hắn nấu nồi nước khác bằng bếp ga rồi.

Mà hắn cũng đâu nói là không được dùng bếp ga, đã thế thấy cô gom củi cũng không thèm nhắc. Đờ mờ, thế nãy giờ cô hì hục nấu bếp để chơi thôi à?

Lê Hồng Quân, được lắm.

Trúc bỏ lên nhà. Mai - em cô đang chơi chung với đám nhỏ, nhìn thấy chị nhem nhuốc cau mày nhăn mặt vội hỏi thăm, đám Trang, Vy cũng hùa theo ríu rít. Trúc được dịp kể khổ:

- Ối giời ơi mệt quá mấy đứa ạ, lúc nãy thấy anh Quân bắt gà làm thịt, chị thương anh bận rộn nên nấu nồi nước cho anh vặt lông. Ai ngờ anh mặt nặng mặt nhẹ chê chị dở, đổ luôn nồi nước đi. Đấy mấy đứa con, chị nấu phỏng cả tay, mồ hôi ròng ròng thế này mà anh ấy làm thế coi được không?

- Anh Quân là người xấu.

Bé Vy mới 4 tuổi, nghe chị than lập tức trách móc. Mấy đứa khác cũng gật gù hưởng ứng. Trúc được đà kể tiếp:

- Ừ, anh Quân xấu lắm. Từ giờ mấy đứa gặp anh thì cứ hô to "anh Quân mờ lờ" cho chị.

- "Mờ lờ" là gì vậy chị? - Mai ngây thơ hỏi lại.

- À, mờ lờ là từ viết tắt của chữ "máu lạnh", tức là chỉ mấy người độc ác vô nhân tính ấy.

- Dạ hiểu rồi, anh Quân mờ lờ.

Mai gật đầu, cười tươi, mấy đứa nhỏ xung quanh cũng toe toét vỗ tay. Trúc cười đê tiện, tốt tốt, trẻ ngoan dễ bảo. Tin đồn gần xa, đứa này kể đứa kia, chẳng mấy chốc đám nhỏ trong xóm đều biết, từ đó hễ gặp anh là lại hô vang, anh Quân mờ lờ.

Mẹ và dì Hạnh đi chợ về, lại xúm xím luộc gà nấu phở, bữa trưa nhanh chóng hoàn thành. Bác Cường góp thùng bia, gọi thêm anh em tới, rộn cả nhà. Gió mang hương lúa truyền tới, cõng cả nắng hè khiến gian nhà thêm oi ả. Sau bữa trưa, dì Hạnh rủ ra bờ sông chơi. Mùa hè nước dâng cao lắm, cuốn cả khóm lục bình không kịp dạt vào bờ. Dì dẫn tới khúc sông lặng nước hơn, bảo mùa này cá về nhiều, có muốn câu thì dì làm cho cái cần ngồi câu cá. Trúc đương nhiên không từ chối, vội bẻ cành trúc ven bờ làm cần, dì lấy ra sợi dây dù, uốn đoạn kẽm nhỏ làm lưỡi câu, đào đất bắt giun làm mồi. Chiếc cần câu đơn giản nhất hoàn thành. Trúc cùng anh em họ hàng ngồi la liệt bờ sông chờ cá.

Tầm mười phút sau, quả nhiên thấy dây giật giật. Mấy đứa nhỏ hô to, cá kìa! Cô hớn hở vội kéo cần, thế nhưng ngoài sự mong đợi, cá không có, mồi thì bị rỉa mất sạch.

- Mày xớn xác thế thì còn lâu mới bắt được.

Lại là lão Quân mờ lờ xỉa xói.

Trúc cắn răng chịu đựng, thả mồi câu lần thứ hai. Khi thấy dây động, cô không vội kéo lên ngay, chắc chắn cá đớp rồi mới giật dây. Oà, quý hoá quá, được hẳn con cá sặc lớn bằng hai ngón tay.

- Ô lại thêm con cá rô rõ to, tối nay thể nào cũng được bữa...

- Mày bắt được con gì ấy? Ối giời, cá của mày đủ nhét kẽ răng.

Đờ mờ thằng anh khốn nạn. Hình như không xỉa xói cô hắn không sống được í. Trúc lặng lẽ đặt cần câu xuống, lân la tới chỗ Quân, giả bộ ngắm cá vừa khen tấm tắc:

- Uầy, anh giỏi thật ấy, câu toàn cá to cơ.

Lão sướng.

- Cá này nhằm nhò gì. Hôm bữa anh mày tóm được con bằng cả cái thớt kìa.

- Làm gì có cá to đến thế? - Trúc ra vẻ ngạc nhiên.

- Mày không tin? Đợi đó anh bắt cho mày coi.

Quân hăm hở quăng dây ra xa xa. Trúc thời cơ lão không để ý, nhẹ nhàng đặt xô nước thay thế cho viên gạch lót mông của lão. Không ngoài sự mong đợi, lão thụt hẳn mông vào xô té chổng vó, bay luôn đôi dép Lào xuống sông.

Quân căm lắm, cô mà không chạy lẹ chắc cũng ăn cái đấm rồi. Vừa rút mông ra khỏi xô, bỗng thấy bác hàng xóm tất tả chạy tới:

- Thằng Quân bơi giỏi thì chạy xuống khúc sông gần ruộng rau muống giúp người ta với. Con ông Sáu bị đuối nước, chả biết chìm xuống khúc nào rồi...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top