Con hư

 Hồi nhỏ, tôi là đứa bé hiếu động, nghịch ngợm, và rất hay hỏi. Tôi hỏi nhiều đến nỗi bố tôi có sẵn câu trả lời cửa miệng: "Hỏi gì mà hỏi nhiều thế? Không có đầu mà nghĩ à?". Hơ, làm sao mà nghĩ ra được khi chỉ mới sáu tuổi cho các câu hỏi đại loại như: "Con ở đâu mà ra? Làm thế nào mà bố mẹ sinh ra con?".

 Vì hiếu động nghịch ngợm nên tôi không được mặc quần áo đẹp. Vì chỉ cần nửa ngày là tôi có thể làm chúng tuột chỉ đứt cúc. Khi đó, chị cả tôi lại được đem ra so sánh và khen nức nở vì thành tích mặc áo đẹp cả ngày chỉ ngồi yên một chỗ, không có một vết bẩn. Kết quả là áo đẹp được cất vào tủ, còn tôi mặc quần áo ngày thường chơi Tết. Trong cách nuôi dạy con cái thời đó, tôi bị coi là đứa con hư ở nhà. Mặc dù ở trường tôi là học sinh chăm ngoan, là cán bộ lớp suốt bảy năm phổ thông, là niềm tin và hy vọng của thầy cô chủ nhiệm mỗi lần đi thi học sinh giỏi.

 Tôi không biết rằng những câu hỏi đó đáng được bố mẹ tôi khuyến khích, đáng được trả lời thỏa đáng với thái độ tôn trọng, vì đó là manh nha của tư duy phản biện, gọi trong tiếng Anh là Critical Thinking. Đây là môn học chính thức của con tôi ở trường quốc tế vào năm đầu trung học. Khi nói chuyện với con về vấn đề này, tôi nhận ra những thiếu sót nghiêm trọng của giáo dục truyền thống châu Á và của Việt Nam, khi người ta không khuyến khích tư duy phản biện.

 Điển hình là chuyện nghe lời cấm cãi. Cả ở nhà và ở trường mặc nhiên coi người lớn cái gì cũng đúng, và trẻ em phải tuyệt đối nghe theo. Ở cơ quan thì sếp nói gì cũng đúng, không thì tìm đường bán xới. Người ta thích những đứa trẻ ngoan, bảo gì làm đấy hơn là những đứa trẻ đặt câu hỏi. Nếu đặt câu hỏi, bạn sẽ nhận những câu châm chọc như "trứng khôn hơn vịt", hay "cầm đèn chạy trước ô tô".

 Từ nhỏ tôi đã để ý chuyện người lớn nói một đằng làm một nẻo. Giống như dạy con cháu không được nói dối nhưng người lớn vẫn nói dối, hay hứa mà không giữ lời. Nhiều khi, họ sai nhưng không chịu nhận sai mà đổ vấy sang người khác, đổ tại hoàn cảnh. Đến tuổi thiếu niên tôi đã dám cãi lý với bố mẹ, nếu cảm thấy điều họ nói không có cơ sở hay không đúng. Vì thế, tôi được gán cho danh hiệu là đứa cứng đầu nhất nhà.

 May mắn là đứa con cứng đầu nên tôi đã có những lựa chọn đúng đắn, mặc dù chỉ bằng trực giác. Tôi đã chọn bỏ nghề giáo vì nó quá buồn tẻ, quá bèo bọt so với ước mơ của tôi. Tôi đã chọn nghe theo tiếng gọi của con tim mà yêu và lấy người chồng hiện giờ, bên nhau ba mươi năm mà vẫn mặn nồng. Tôi đã được khám phá thế giới, đã sống ở nhiều nơi và biết vài ngoại ngữ. Nếu là đứa con ngoan nghe lời cha mẹ, chắc tôi vẫn là bà giáo lương ba cọc ba đồng, nơm nớp lo gạo dầu tăng giá.

 Công việc hiện giờ của tôi là về kế toán và thuế. Tôi thường nhận thư rác, điện thoại đểu hàng ngày. Nếu không đặt câu hỏi, không cẩn thận, tôi đã là mồi ngon cho bọn tội phạm kinh tế ngoài kia. Xem tin ở Việt Nam hay thấy chuyện người Việt bị lừa vì việc nhẹ lương cao ở nước ngoài, rồi những bài báo về làng tỉ phú hay lâu đài dát vàng. Chỉ tra vài dòng trên mạng là có thể tìm ra tiền đó ở đâu ra mà có, công việc đó thực sự là việc gì. Những người Việt được chở lậu bằng xe đông lạnh ở châu Âu liệu có bao giờ đặt câu hỏi là nếu tiền kiếm dễ dàng như thế, sao những người môi giới không đưa cả bố mẹ, anh em họ vào xe đông lạnh di cư? Những bạn trẻ đu thần tượng sang chảnh trên mạng liệu có bao giờ đặt câu hỏi những người đó kiếm tiền kiểu gì để khoe khoang, hay đó là của rởm, đồ rởm, anh nuôi chú nuôi rởm?

 Tư duy phản biện nghe thì cao xa, có lẽ nên nói nó đơn giản là khả năng đặt câu hỏi, khả năng tìm sự thật cho một nhận định, một tuyên bố nào đấy. Nếu biết đặt câu hỏi để tìm sự thật, bạn sẽ có hiểu biết về bản tính tự nhiên của con người, luật vận hành của cuộc sống và quan trọng hơn hết, bạn có thể tự bảo vệ mình. Đối với người trẻ tuổi, đừng sợ nếu bị mọi người xếp vào hạng cứng đầu lập dị. Con người ta sống chỉ có một lần, nên sống cho ra sống, sống đúng với chính mình trước hết (câu này lấy cảm hứng từ Pavel Korchagin, anh hùng trong tiểu thuyết Liên Xô từ thế kỷ trước).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top