Viêm phổi thùy do phế cầu<7777777>
1. Vi khuẩn học:
Phế cầu là vi khuẩn gram dương, có vỏ bọc, có thể phân lập được ở người khoẻ mạnh (người lành mang trùng), chủ yếu ở trẻ trước tuổi đi học, vào mùa Xuân. Có 84 typ huyết thanh, nhưng chỉ một số gây bệnh như typ 1,3,4,6,7,8,9,12,14,19 và 23. Typ 3 có độc tính cao nhất.2. Sinh lý bệnh:
- Phế cầu là nguyên nhân chủ yếu của viêm phổi thuỳ. Chúng phát triển ở niêm mạc hầu họng bằng cách gắn với nhóm đường đôi N-axetylglucozamin beta 1-3 galactoza của tế bào biểu mô đường hô hấp trên. Viêm phổi thường xảy ra ở những người có số lượng cao phế cầu ở niêm mạc hầu họng. Vỏ polysaccarid của vi khuẩn ức chế khả năng thực bào của bạch cầu thông qua hiện tượng opsonin. Glycopeptid màng vi khuẩn thu hút bạch cầu N đến. N tiết ra cytokin và yếu tố hoạt hoá tiểu cầu khởi đầu cho quá trình viêm. Một số protein vỏ phế cầu như protein A, pneumolysin... cũng quyết định độc tính của vi khuẩn.
- Bệnh nhân viêm phổi phế cầu thường suy giảm cơ chế bảo vệ đường thở tạm thời hoặc mạn tính, là yếu tố thuận lợi để phế cầu bị hút từ họng vào phế nang. Các phế nang chứa đầy dịch tiết, tạo điều kiện cho phế cầu nhân lên và qua lỗ Kohn để lan rộng ra những phế nang xung quanh. Sự lan rộng của phế cầu bị màng phổi tạng, màng ngoài tim giới hạn lại. Trong vòng vài giờ, các phế nang bị đông đặc và chứa đầy N, hồng cầu. Sau cùng, đại thực bào sẽ xâm nhập vào và dọn sạch phế nang. Vì thành phế nang còn nguyên vẹn nên cấu trúc phổi luôn khôi phục bình thường sau khi khỏi bệnh.
Viêm phổi chủ yếu xảy ra ở một thuỳ. Tổn thương nhiều thuỳ xảy ra khi phế cầu theo dịch viêm lan đến thuỳ phổi khác theo đường phế quản. Viêm có thể lan trực tiếp đến màng phổi, màng tim gây mủ màng phổi, màng ngoài tim.
Phế cầu lan theo đường bạnh huyết ở giai đoạn sớm của bệnh. Nếu hạch bạch huyết khu vực không ngăn chặn được, vi khuẩn vào máu gây vãng khuẩn huyết. Biến chứng xa liên quan đến những typ độc tính cao.
Kháng thể đặc hiệu đối với kháng nguyên vỏ phế cầu xuất hiện 5 -10 ngày sau khi mắc bệnh, làm tăng mạnh mẽ quá trình thực bào vi khuẩn, gây nên cơn "bệnh biến".
3, Giải phẫu bệnh lý:
3.1. Đại thể:
Tổn thương thường chiếm cả một thùy phổi, phần phổi còn lại hoàn toàn bình thường.
3.2. Vi thể:
Hình ảnh phế nang viêm fibrin bạch cầu với các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn xung huyết (ngày đầu tiên): xung huyết các mao quản phổi và xuất tiết dịch tơ huyết chứa ít bạch cầu vào trong lòng phế nang.
- Giai đoạn “can hoá đỏ” (ngày thứ 2, 3): mặt cắt vùng phổi viêm đỏ xẫm giống màu của gan. Lòng phế nang đầy dịch tiết keo đặc với nhiều fibrin, hồng cầu, phế cầu khuẩn, số lượng vừa phải bạch cầu N và một ít bạch cầu M. Màng phổi vùng tổn thương bị viêm cấp tính với những mảng fibrin ở lá tạng.
- Giai đoạn "can hoá xám" (ngày thứ 4, 5): mặt cắt phổi có màu xám nhạt. Lòng phế nang chứa ít hồng cầu, nhưng có rất nhiều bạch cầu N. Giai đoạn này kéo dài 3 - 4 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn hấp thu. Dịch tiết fibrin được hoá lỏng bởi các enzym giải phóng ra từ bạch cầu hạt. Chất lỏng này được thực bào bởi đại thực bào phế nang. Tổ chức phổi được khôi phục lại hoàn toàn.
4. Lâm sàng:
4.1. Diễn biến lâm sàng đặc trưng.
Bệnh xuất hiện đột ngột sau cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, có cơn rét run dữ dội. Ngay sau đó sốt cao 390 - 410C, thở nhanh, mạch nhanh, ho khan, đau ngực, buồn nôn, nôn. Bệnh đến cao điểm vào ngày thứ hai, ba với biểu hiện rất mệt, ho khạc đờm mầu rỉ sắt do chảy máu trong phế nang, Herpes môi, thở nhanh nông, vã mồ hôi. Cử động lồng ngực bên tổn thương giảm, rung thanh tăng, đôi khi sờ thấy cọ màng phổi. Gõ đục khi vùng đông đặc rộng. Rì rào phế nang giảm, ran nổ, thổi ống, tiếng ngực (pectoriloquy), cọ màng phổi.
Ở thời đại kháng sinh, triệu chứng không điển hình như trên, đôi khi chỉ có đau ngực, thậm chí không sốt và khạc đờm. Ở người già, có khi không thấy triệu chứng thực thể, nhưng triệu chứng loạn thần nhiễm khuẩn lại nổi bật.
4.2. Tiến triển của bệnh:
- Theo kinh điển (khi Penixilin chưa ra đời), cơn bệnh biến xuất hiện sau 5 - 10 ngày: nhiệt độ giảm nhanh về bình thường hoặc dưới mức bình thường, đái nhiều, vã mồ hôi, có thể trụy tim mạch đưa đến tử vong. Bệnh có thể giảm từ từ và không có cơn bệnh biến.
- Nếu dùng penixilin G: bệnh đỡ nhanh, thường hết sốt sau 24 - 36 giờ. Có thể sốt kéo dài hơn nhưng không cần thay đổi kháng sinh. Sốt tái lại liên quan đến các ổ nhiễm trùng ngoài phổi, chít hẹp phế quản do ung thư hoặc dị vật, dị ứng thuốc, viêm tắc tĩnh mạch ở vị trí truyền dịch hoặc do bội nhiễm khác.
4.3. Biến chứng:
4.3.1. Biến chứng tại chỗ:
- Tràn dịch màng phổi: dịch tiết, số lượng dịch ít. Mủ màng phổi chủ yếu gặp khi điều trị kháng sinh muộn hoặc không đúng. Nghi mủ màng phổi khi sốt kéo dài, bạch cầu tăng cao.
- Tràn dịch màng ngoài tim hiện nay ít gặp: sốt kéo dài, mạch nhanh, đau ngực, cọ màng ngoài tim; xquang thấy bóng tim to.
4.3.2. Biến chứng xa:
- Viêm màng não: là biến chứng nguy hiểm tính mạng, đặc biệt đối với bệnh
nhân già yếu.
- Viêm màng trong tim.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Viêm nội nhãn.
- Viêm phúc mạc.
5. Cận lâm sàng:
- Xquang phổi: hình ảnh điển hình và phổ biến là một đám mờ chiếm cả thùy phổi, có phế quản hơi . Đám mờ có thể không rõ ở những bệnh nhân mất nước nhiều hoặc có khi thấy nhiều ổ đông đặc, tràn dịch màng phổi. Triệu chứng xquang thường hấp thu sau 4 tuần.
- Máu ngoại vi: bạch cầu tăng cao, N tăng, chuyển trái. Máu lắng tăng.
- Nhuộm gram đờm thấy cầu khuẩn gram dương đứng thành cặp. Nhận dạng bằng kháng huyết thanh với phế cầu. Định typ bằng phản ứng kết dính vỏ phế cầu (capsular preticipin reaction).
- Cấy đờm ít làm vì tỷ lệ âm tính giả cao trên 50%, dương tính giả nhiều.
- Cấy máu, dịch màng phổi hoặc bệnh phẩm chọc hút phổi qua thành ngực dương tính.
- Phản ứng điện di miễn dịch đối lưu (counterimmunoelectrophoresis- CIE) phát hiện kháng nguyên polysaccharide vỏ phế cầu trong đờm, máu, dịch màng phổi, nước tiểu, làm trước điều trị kháng sinh.
- Phản ứng chuỗi polymease (PCR) đối với bệnh phẩm máu, đờm xác định nhanh và chính xác.
6. Điều trị:
- Kháng sinh: tiêm bắp thịt Penixilin G 600.000UI / lần, ngày 2 lần (penixilin procain) hoặc 1 triệu đơn vị tiêm tĩnh mạch/lần, 4 giờ tiêm một lần.
Những kháng sinh khác có hiệu quả cao với viêm phổi phế cầu: Ampixilin, Tetraxiclin, cephalosporin thế hệ III như Cefazolin. Có thể dùng nhóm macrolid, Clindamyxin.
- Bổ xung đủ nước, điện giải: truyền dịch các loại.
- Giảm đau ngực: dùng Codein cho những ca nhẹ, Aspirin đôi khi phải dùng Meperidin .
- Giảm ho, long đờm, hạ nhiệt ( nếu cần ).
- Điều trị biến chứng (mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim...).
- Dự phòng: dùng vacxin phế cầu cho nhóm nguy cơ cao như suy thận mạn tính, đa u tủy, hội chứng thận hư, ghép thận, bệnh Hodgkin... Tiêm bắp thịt một lần duy nhất.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top