#65
Bà Mây vội vàng đeo kính lão, ngấu nghiến đọc như muốn nuốt trọn từng chữ. Gương mặt bà trong phút chốc liền hưng phấn rạng ngời. Trời Phật phù hộ, rốt cuộc bà cũng có một thằng cháu trai!
- Đây là toàn bộ giấy khen của Bi, bác ạ. Bà nội xuất sắc nên Bi cũng giỏi giang, con tham dự cuộc thi nào cũng được giải cao.
- Ôi dồi ôi! Cháu bà mà cứ giống bà như này thì tương lai rộng mở lắm luôn!
- Đây là kết quả kiểm tra IQ của Bi, còn cao hơn cả Khôi á bác.
- Thật hả? Thằng Khôi đỉnh lắm đấy! Có lần, bác tình cờ nghe thấy con bạn nó bảo là không ai đú được với Khôi đâu.
- Ôi dào! Con nít ranh chưa trải sự đời thì biết cái quái gì? Bác đừng tin nó! Các cụ đã dạy rồi, núi cao còn có núi cao hơn, Khôi so với Bi thì chỉ là cái đinh gỉ thôi ạ. Thường ngày, con không thèm khoe mẽ, chẳng qua là vì muốn giữ cho chị Vân một chút thể diện.
- Khiếp! Sao mẹ Bi ưu tú hơn người mà lại khiêm tốn thế? Chẳng bù cho con Vân và con Hà, dốt như bò nhưng to còi dễ sợ!
- Dạ, thùng rỗng kêu to, bác ạ. Bọn nó làm sao mà so được với bậc trí như bác?
- Công nhận, hai con đấy quá ngu!
- Chính vì vậy, con mong bác đừng giao tập giấy tờ này cho người khác. Bác cũng biết mà, những kẻ ngu thường thích phủ nhận chân lý. Nhất là con đàn bà đã ngu lại còn lắm tiền như chị Vân thì eo ôi, vênh thôi rồi! Chỉ e trong cơn sân, chị sẽ mua chuộc người nọ người kia để họ đứng ra vu khống con làm giấy tờ giả.
- Con Vân thì bác còn lạ gì? Cả thằng Đăng nữa, hai vợ chồng nhà nó mất dạy như nhau. Con cứ tin tưởng bác. Thế thằng Hậu đã biết Bi là con ruột của nó chưa?
- Dạ, con cũng không rõ nữa. Nhưng anh nhận Bi là con nuôi thì có lẽ anh cũng lờ mờ đoán được rồi. Anh thương thằng bé lắm, bác à. Chắc anh sợ ba nên cố ý không thừa nhận.
- Ừ, con thông cảm cho nó. Ông Hải nhà bác hơi khó tính. Cơ mà con đừng lo, việc này, bác sẽ dàn xếp chu toàn cho con và Bi.
Bà Mây và chị Liên hợp chuyện ghê gớm. Trước kia, mỗi lần bà tức nhà nọ, chửi nhà kia, chị Hà không ủng hộ mẹ chồng thì thôi, lại còn ra điều cao sang nhắc nhở mỗi người có một quan điểm sống, mẹ đừng bức xúc nhiều, kẻo chóng già. Đó, bảo thế có ức không cơ chứ? Nhưng chị Liên thì khác, chị với bà ngồi mỉa mai thiên hạ vui dã man, hết chuyện hàng xóm láng giềng lại sang chuyện phim ảnh.
- Dạo này, bác có xem phim Vợ Anh chiếu trên tivi lúc sáu giờ tối không ạ?
- Có, phim dài tập của Đài Truyền hình PD chứ gì? Cả khu bác xem, bàn tán rôm rả lắm. Đùa chứ, cái con hồ ly sống dai như đỉa, nhạt nhẽo phát chán luôn. Thế mà con Vân và con Hà thích phát cuồng lên mới sợ.
- Vâng, sợ hãi thực sự, bác ạ. Phim dở ói, có tí nhân văn nào đâu? Con từng gửi tâm thư cho biên kịch, yêu cầu nó viết kịch bản tập cuối luôn đi.
- Thế nó có trả lời con không?
- Có ạ. Nó phản hồi rằng nếu phim kết thúc trong vội vã thì sẽ khiến những người yêu thích phim hụt hẫng.
- Chỉ giỏi lý sự! Những đứa thích phim toàn bọn học thức thấp, quan tâm đến cảm xúc của chúng nó làm gì?
- À, vâng. Bác nói chuẩn ạ. Cơ mà, lũ đàn bà văn hóa lùn như con Hà đông và nguy hiểm lắm, dạy dỗ chúng nó mệt mỏi vô cùng!
- Ừ, công nhận. Con đấy nói ngứa tai kinh khủng. Nó bảo ăn uống còn mỗi người một khẩu vị nữa là phim ảnh, mẹ đừng nhục mạ những người không cùng sở thích với mình. Con dở hơi, bác tốt bụng khai sáng cho nó, nó không biết ơn thì thôi, lại còn lên mặt dạy đời.
- Đối với mấy con ngu thì chúng ta phải lập hội để chửi cho bọn nó rút kinh nghiệm. Có như vậy, sau này, bọn nó mới tiến bộ được.
Bà Mây và chị Liên buôn dưa cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa hết chuyện. Hôm ấy, bà còn dắt Bi đi siêu thị, mua cho thằng bé bao nhiêu quần áo. Mãi đến xế chiều, bà mới về nhà mách lẻo:
- Con Hà ngoại tình với thằng Thanh đấy! Tôi không thể chấp nhận được đứa con dâu khốn nạn như thế! Ông gọi thằng Hậu và con Hà về nhà rồi bảo con nặc nô đó viết đơn giải thoát cho con trai tôi đi.
Bà nghiêm túc là thế mà chồng bà vẫn thản nhiên xem tivi như điếc.
- Ông Hải! Ông nghễnh ngãng hả? Con trai bị cắm sừng mà ông không xót sao?
- Bà hâm à? Im mồm đi!
Vợ giận tím mặt tím mày, ra sức bôi nhọ con dâu nhưng chồng chẳng thèm đoái hoài. Tức nước vỡ bờ, bà buột miệng tiết lộ:
- Nói ông nghe, thằng Bi là cháu ruột của mình đó! Nhưng ông đừng có mà đánh, mà mắng con trai tôi.
Ông Hải không hề sửng sốt như bà nghĩ. Ngược lại, ông cười sằng sặc. Vợ ông tấu hài kinh thật!
- Bà lú hả? Ăn nói xằng bậy. Có khi lát nữa, tôi phải gọi điện cho thằng Đăng, nhờ nó mua thuốc chống ngu cho bà thôi.
- Ông... ông xúc phạm người quá đáng! Cháu mình mà cũng không thương... cái đồ... cái đồ ác độc!
- Ôi chao ôi! Bà sinh con ra mà không hiểu tính nó hả? Nói con thằng Đăng còn tin được chứ con thằng Hậu thì còn mơ đi.
Bà Mây thở dài chán nản, mấy người đàn ông trong nhà này đều ngốc nghếch như nhau!
- Ông đúng là có mắt như mù rồi, ông Hải ạ. Tôi không thèm nói nhiều với ông nữa, hoặc là ông chọn nó, hoặc là ông chọn tôi. Nếu ông cứ khăng khăng bảo vệ nó thì tôi sẽ chết cho ông xem.
Bà Mây phải cứng miệng như vậy bởi vì bà biết, anh Hậu rất nể ba. Ba không đồng ý thì có thách anh cũng chẳng dám làm liều. Bà ngúng nguẩy đi ra ngoài sân, không quên doạ dẫm:
- Tôi sẽ đếm đến mười... ông không nghe lời tôi thì tôi sẽ nhảy ngay xuống cái giếng này!
- Một.
- Hai.
- Ba.
- Bốn... Năm... Sáu... Bảy... Tám... Chín...
- Chín rưỡi...
Ông Hải hét lớn:
- ẤY... TỪ ĐÃ.
Từ trong nhà, ông cuống cuồng chạy ra. Bà Mây thở phào nhẹ nhõm. Phải thế chứ! Suy cho cùng, ông cũng chẳng thể sống thiếu bà. Trong tim ông, vị trí của bà tất nhiên phải cao hơn con yêu tinh kia rồi!
- Sao? Tưởng ông không quan tâm tới cái thân già này nữa?
Có người bĩu môi xỉa đểu, có kẻ chậm rãi gợi ý:
- Bà có thích nhảy thì ra ngoài sông mà nhảy, cái giếng này tôi mới cho người lọc tháng trước, nước hãy còn trong, bà thông cảm, đừng làm ô uế.
- Ông... ông...
- Mà thôi đi, chết trôi, chết nổi rồi con cái lại mất công vớt. Bà vào trong này, tôi lấy cho mấy viên thuốc ngủ mà uống.
Bà Mây tủi thân khóc lóc, chạy vào buồng dọn đồ đạc, đòi bỏ về quê. Ông Hải tỉnh bơ không tiễn. Bà Minh ghé qua nhà bà Mây, trông thấy chị gái dỗi hờn liền trêu chọc:
- Chị đi thong thả nha, anh Hải cứ để em lo!
Bà Mây nóng hết cả mặt, thực sự chỉ muốn bùng cháy. Tuy nhiên, do đang dỗi chồng nên bà mặc kệ, cứ thế lao ra ngoài đường vẫy xe. Bác Thơm và cô Thắm đi chơi rồi, trong nhà bây giờ chỉ còn bà Minh và ông Hải.
- Cả nhà vẫn ổn chứ ạ?
- Ổn cả.
- Đăng dạo này khỏe không ông?
- Khỏe, nó không khỏe thì còn ai khỏe nữa? Cái thằng mất nết, gái gú tùm lum, tôi phát điên vì nó mất!
Ông Hải bực bội trút muộn phiền. Ngoảnh sang thấy mắt bà Minh đỏ hoe, ông khéo léo chuyển chủ đề:
- Được cái thằng Khôi giỏi lắm nhé, thi gì cũng được giải Nhất. Mỗi tội, nó đi du học rồi, chắc Tết mới về cơ, để tôi lấy ảnh của nó cho bà xem.
Bà Minh xin ông Hải luôn mấy tấm ảnh để giữ làm kỷ niệm. Ông Hải in ảnh ra cũng là để tặng bà nên vui vẻ gật đầu. Bà cẩn thận cất vào túi áo rồi tươi cười nhờ vả:
- Ông thay tôi chăm sóc con Vân nữa nhé. Thôi, tôi về đây, ngồi lâu không hay. Mà ông không đuổi theo chị Mây à?
- Ôi dào! Một tháng dọa bỏ nhà mấy lần, tôi quen rồi. Bà không phải lo, chị gái bà về ngay bây giờ ý mà.
Ông vừa dứt lời thì có tiếng cạch cửa thật. Bà Mây đến giờ vẫn chẳng thể nào ưa nổi bà Minh, định đi nhưng sợ giao trứng cho ác nên đành phải quay lại. Mấy chục năm trôi qua rồi mà hai chị em bà vẫn còn hờn giận. Nghe bảo con gái bà Minh vừa mua được cái nhà hai tầng, cũng trong làng Triều Khúc, mất tầm một tháng sửa sang, xong thì bà sẽ chuyển về đây sống. Bà Mây khóc không ra nước mắt, đàn ông mà, chỉ sợ tình cũ không rủ cũng tới. Bà gọi điện cho con dâu tương lai, tỉ tê tâm sự. Cũng may, chị là đứa biết điều nên không hề nói mấy lời trách móc mà chỉ nhẹ nhàng an ủi bà:
- Không sao đâu, bác à. Con biết bác trai vẫn có ác cảm với con, thành ra ghét luôn cả bé Bi. Chỉ cần Bi được bà nội nhận là con mừng lắm rồi. Mỗi tội, thằng bé thiệt thòi quá! Hến, Sò là cháu gái mà chưa gì đã được bác Đăng cho đất, đằng này, Bi đường đường là cháu trai nhưng lại chẳng có gì.
- Đừng lo, còn bà ở đây thì trước sau gì Bi cũng sẽ có phần. Mẹ Bi ráng chịu đựng nhé, rồi đâu khắc có đó. Bác sẽ bảo thằng Hậu cho con một danh phận.
- Dạ, đi khắp thế gian cũng chẳng tìm được người nào tốt bụng hơn bác. Con cảm động quá ạ!
Bà Mây đang ríu rít chém gió với mẹ Bi thì ông Hải đi vào. Bà đành phải gác máy. Mềm nắn rắn buông, bình thường ẽo ọt làm màu làm mè còn được, chứ giờ địch ngay trước mắt, cứ nóng nảy là chỉ có thiệt thôi. Mặc dù tức chồng sôi máu, nhưng bà vẫn xuống nước, ngọt nhạt nịnh nọt. Ông Hải thấy thái độ vợ xun xoe thì phì cười. Con trai ông ngược lại không cười nổi, bởi vừa đi đón Hến, Sò về nhà, anh đã nhận được tin sốc:
- Hôm nay là sinh nhật mẹ Hà đó ạ. Ba Hậu chở tụi con đi mua quà cho mẹ Hà nha!
Anh tưởng hai cục bông nhỏ nhầm nên phải giở lại sổ xem. Ai ngờ, chính anh mới là người nhầm. Lần trước, anh tặng quà lệch ngày, chẳng biết chị có buồn không? Đáng lẽ vợ phải chửi anh mới đúng. Anh tệ quá! Hồi mới cưới, vào ngày sinh nhật anh, đúng lúc đồng hồ điểm 0 giờ sáng, chị lay anh dậy, tặng cho anh một chiếc áo len tự đan. Anh cảm động lắm! Trước đây, chưa từng có ai chọn khoảnh khắc đầu tiên của ngày mới để chúc mừng sinh nhật anh. Được vợ quan tâm, anh phấn khởi vô cùng, nói năng ấp úng:
- Cảm... cảm ơn mình... anh... vui...
Chị dịu dàng hỏi:
- Mình còn có điều ước gì muốn thực hiện nữa không?
Anh cười tủm, ghé tai vợ thì thầm. Chị ngượng chín người nhưng vẫn lật đật chạy vào nhà tắm thay váy. Tính chị nhát, cộng thêm cổ hủ nên chỉ bẽn lẽn ngồi trên giường thôi chứ chẳng hoàn thiện được yêu cầu của ông xã. Tuy nhiên, hai má vợ hây hây đỏ cũng đủ khiến tim gan chồng xao xuyến. Anh kéo chị vào lòng, khẽ mân mê xương quai xanh mảnh khảnh rồi nhẹ nhàng gạt dây áo. Cảnh xuân quyến rũ e ấp dưới lớp ren mỏng manh hại anh ngứa ngáy bứt rứt. Đâu phải là lần đầu chạm vào vợ, cớ sao anh vẫn thấy bồi hồi? Trái tim anh thổn thức khôn nguôi. Từng nụ hôn nồng nhiệt chuyển từ khe rãnh diễm lệ đến nơi trắng mịn tròn trịa đầy mê hoặc. Hơi thở của vợ mỗi lúc một gấp gáp, cánh môi chồng không ngừng vuốt ve nụ hoa nhỏ. Chiếc váy kia rơi xuống, da dẻ vợ nhuộm một màu phấn hồng. Hai tay chị bất giác vòng qua cổ ông xã, cả người mềm nhũn tựa vào anh. Đầu óc trống rỗng, anh siết vợ chặt hơn, cố gắng áp sát vào người chị, tham lam tận hưởng thứ cảm xúc dạt dào, cháy bỏng và vô cùng mãnh liệt.
Đêm đó, anh đã ôm chị rất lâu. Năm tháng trôi qua, bận rộn hối hả, anh nào có nhớ những khoảnh khắc ngọt ngào ấy? Để rồi, hôm nay mường tượng lại, vẻ đẹp mơn mởn, thuần khiết trong quá khứ của vợ bất chợt khiến anh khao khát. Gần bảy năm chung sống, sinh nhật anh, chị chưa từng quên. Nhưng sinh nhật chị, hình như anh chưa từng nhớ. Chị từng hỏi anh chị thích màu gì nhất, nhưng anh chẳng thể trả lời được. Ngày hôm nay, nhờ có một người đàn ông khác, anh đã biết đó là màu tím, màu của hoa oải hương.
- Ba Hậu ơi! Sao ba đơ thế ạ? Đi thôi ba! Đi mau mau rồi còn về tổ chức sinh nhật cho mẹ Hà.
Con gái ngọt giọng nhắc nhở. Anh chở các bé tới tiệm đồ lưu niệm. Sò mua một quyển sổ siêu dễ thương, chị Hến mua bánh xà phòng mùi hoa oải hương thơm lừng, còn ba Hậu mua một sợi dây chuyền đính đá màu tím. Ba còn mua bánh sinh nhật với bao nhiêu bóng bay nữa. Ba cha con hì hà hì hục ngồi bơm bóng, mất gần một tiếng mới phủ đầy được phòng khách. Bóng bay trắng trắng tím tím xinh ơi là xinh, chắc chắn mẹ Hà sẽ thích lắm đây! Chỉ là, mẹ Hà mãi vẫn chưa về. Hến, Sò bắt đầu sốt ruột, hỏi thăm loạn cả lên. Anh Hậu sực nhớ ra vợ đi chơi nên đành động viên con gái chịu khó đợi. Hai cục bông nhỏ đòi gọi điện giục mẹ về, nhưng ba không cho phép. Tụi nhóc xị mặt kêu đói, ba chiều con, đi vào bếp rang cơm. Lúc này, Hến mới hí hửng bấm số trên chiếc điện thoại bàn. Em gọi hai lần nhưng chẳng thấy mẹ Hà nhấc máy.
- Hay là chị Hến nhớ nhầm số mẹ Hà rồi?
- Đâu có, chị nhớ đúng mà.
Nhóc con kiên nhẫn gọi thêm một lần nữa, nghe thấy giọng mẹ ở đầu dây bên kia, bé mừng quýnh.
- A! Mẹ Hà! Mẹ Hà ơi! Hến nè!
- Sò nữa nè! Mẹ Hà ơi! Mẹ đi đâu thế ạ? Tối nay, mẹ có về nhà không? Mấy giờ mẹ về ạ?
Mẹ Hà nhẹ nhàng bảo:
- Mẹ bận chút việc, tầm mười một giờ, mẹ về. Hến, Sò ngủ ngoan nhé!
- Ứ ừ! Không được đâu, mẹ Hà ạ. Mẹ ơi! Mẹ về nhanh lên nhá! Hến, em Sò và ba Hậu có cái này cho mẹ, hay cực kỳ luôn ấy. Với cả, tụi con nhớ mẹ Hà lắm rồi, để hôm khác đi làm việc được không mẹ? Bây giờ, mẹ Hà về ngay và luôn, nha mẹ Hà!
- Hến ơi! Sò ơi! Vào rửa tay, chuẩn bị ăn cơm đi con!
Lũ trẻ nghe thấy ba gọi liền hoảng hốt dập máy. Chị Hà vừa đặt điện thoại xuống bàn thì anh Thanh cũng thả vào lòng bàn tay chị một sợi dây chuyền bằng vàng trắng. Mặt của sợi dây đó màu tím, trong suốt, chạm trổ dựa trên hình ảnh của bông hoa oải hương, trông kiêu sa lấp lánh vô cùng. Bên dưới có khắc ba chữ "Hà Hến Sò". Không thể phủ nhận được, chị rất cảm động. Nếu thầy yêu cầu người ta khắc hai chữ "Thanh Hà", chị vẫn sẽ vui vẻ nhận quà, nhưng thầy lại tinh tế hơn thế nhiều. Thầy lúc nào cũng nghĩ cho chị, cớ sao chỉ đi chơi với thầy có mấy tiếng thôi, lòng chị cũng không yên? Giọng hai cục bông nhỏ cứ luẩn quẩn trong đầu, hại chị sốt ruột khủng khiếp. Thầy lấy áo khoác cho chị, lịch sự đề nghị:
- Anh chở em về nhé!
Thầy và chị đi xe mất cả tiếng mới tới đây. Nhà hàng này nằm ở ngoại thành, hồ nước rộng mênh mông, được thầy bố trí thả hoa đăng, sáng lung linh diệu kỳ, nom đẹp mê hồn. Mất công là thế nhưng thầy không hề ca thán dù chỉ một câu. Thầy luôn nâng niu và trân trọng chị. Còn chị, tới thời điểm này, cảm xúc của chị dành cho thầy chỉ dừng lại ở sự kính trọng.
- Thầy... em xin lỗi thầy. Thầy bảo em phải làm sao đây?
- Em cứ làm những gì khiến em cảm thấy thoải mái nhất.
Thầy càng tâm lý thì chị càng khó xử. Chị nên ở lại tận hưởng bữa tối lãng mạn hay nên về với con? Ở nhà, còn có cả người chồng chưa từng nhớ ngày sinh nhật của chị. Nếu các mẹ bỉm sữa rơi hoàn cảnh này, không biết họ sẽ lựa chọn ra sao?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top