Chương 6
Chương 6:
Họ & tên: Bùi Thị Hồng Quyên.
Giới tính: XX
D.O.B: 22/09
Chức vụ: Lớp phó văn thể mỹ, cán sự Sinh học Lớp cá biệt.
Đặc điểm nhận dạng: Cận. Điệu. Tóc dài, để mái xéo. Hát everywhere.
Sở trường: Các môn Tự nhiên. Tóc dài. Ca hát. Tự tin khoe cá tính :))
Sở đoản: Cận. Hơi chảnh. Bệnh sạch sẽ. Xe đạp. Thể dục
Slogan cá nhân: Nếu bạn muốn có hạnh phúc, hãy trao nó cho người khác.
...
Hai môn thi cuối cùng cũng trôi qua trong quá trời những tiếng thở dài lẫn tiếng cười thoải mái. À, lại sắp hết một năm học nữa rồi.
Đối với lớp Cá biệt hình như không có khái niệm thi cử, trước ngày thi môn Toán nguyên một hội chị em phụ nữ tổ Hai và tổ Ba rủ nhau đi Dinh Thầy Thím, còn hội các anh phụ nam tổ Một thì cắm cọc ở tiệm Internet cày Đột kích. Chỉ trừ mấy đứa cảm thấy sức học của mình còn hơi yếu kém so với chúng bạn, muốn vượt lên chính mình, muốn nhiều thứ nữa dữ lắm mới ở nhà 'đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa' à không, nhớ lại bài học trên lớp và ôn tập để thi cử.
Mấy ngày sau khi thi xong là thời gian để các em thỏa thê vẫy vùng trong những cơn sóng lo lắng ập đầu về điểm số, mà ai lo lắng thì chưa biết chớ mấy em quái thú lớp Cá biệt thì chỉ có đem trà đem bánh lên trường mở tiệc liên hoan sớm chiều thiếu điều muốn dọn hết cái quán tạp hóa của người ta.
Các thầy cô cũng rất là thương tình, biết các em ôn thi vất vả, với lại lớp này có truyền thống từ năm trước rồi, cái tiếng nó đánh chết cái miếng, nên các em cứ thỏa sức vô tư vui chơi đi, đừng làm mất trật tự trường lớp hay truyền đến tai Ban giám hiệu là được.
Vậy nên nhìn ngang nhìn dọc nhìn bao quát phòng D07 thì nó vẫn là một cái phòng học có đầy đủ giáo viên lẫn học sinh nhưng nhìn kĩ thì nó sẽ thành ra... một cái chợ đêm tất niên cuối năm.
Hai bàn cuối tổ Ba là một cái casino mini với bốn tay chơi thứ thiệt Bội Ngọc, Ngọc Bội, Đức Nghĩa và Quốc Tịnh. May là các bạn còn biết nể giáo viên chút xíu, không la ó om sòm các kiểu như 'tao có ba bệnh' hay 'chặt heo' hoặc 'tứ quý tám'.
Từ trên xuống dưới của cả tổ Hai phản ánh nguyên một cái chợ, có bao nhiêu bánh trái kẹo mứt từ thời Napoleon xa xưa hay gần đây hơn là dịp Tết nguyên đán, các bạn vác lên hết cho bằng được rồi bày biện ra mỗi bàn một ít. Bạn lớp phó học tập gương mẫu rất biết đùm bọc san sẻ với chúng bạn, tuân thủ đúng nguyên tắc 'một miếng khi đói bằng một gói khi no' chia đều cho mấy đứa ở hai tổ kia.
Mấy bạn còn lại không chơi carô thì cũng đổ xúc xắc chơi cờ cá ngựa, không xòe tay ra cho đứa kia coi bói thì cũng ngồi yên để đứa khác thắt tóc thành bím, bạn nào tự kỉ hơn thì nhét phone vào tai vừa nghe vừa hát theo nhạc, có đứa còn nhảy xuống bàn cuối nằm ngủ o o ngon lành.
Hay mấy bạn muốn chơi trội, thể hiện tôi đây cá tính lôi điện thoại ra, chắc cũng toàn 'ai phôn, ai phiếc' đi tới từng bàn, ôm vai từng người và bấm "tách" tự sướng, rồi trải qua chế độ cà nát nguyên cái mặt mới chịu quăng lên 'phây-bút' kèm theo caption 'lớp mình toàn là những bạn quái thú cưtê'.
Tội nghiệp hai bạn bàn đầu tổ Một, Giang Hà và Hồng Quyên phải làm công tác canh giám thị cho chúng bạn. Mà thật ra thì hai bạn này cũng đâu có thua kém mấy bạn kia, Giang Hà ngồi nhìn ra hành lang và ngẩng mặt cho Hồng Quyên trang điểm. Cô lớp phó văn thể lớp này định làm chuyên viên trang điểm hay sao mà mấy hôm nay cứ toàn tìm những gương mặt mộc đáng yêu để làm người mẫu.
"Chắc bữa sau tao đem theo cái gối lên nằm ngủ cho đỡ mỏi cổ quá."
Bạn nào đó vừa xoay xoay khớp cổ, vừa phát ngôn thật là có trí tưởng tượng phong phú quá sức. Ấy vậy mà lời nói như sấm truyền, qua hôm sau có đứa đem theo gối lên lớp thật mới dữ.
Ai làm gì thì kệ, bạn Dưa Leo vẫn nâng niu cái kính cận mới toanh và chăm chỉ giải bài tập Hóa học dù đã thi xong rồi. Còn bạn lớp trưởng cao kều bên cạnh thì có thú vui tao nhã hơn, đem theo khối rubik ngồi xoay xoay cho đỡ chán, xoay đủ sáu mặt rồi thì quăng qua cho bạn ngố tàu nào đó làm rối đi rồi xếp lại từ đầu.
Ai làm gì thì kệ, bạn Béo và bạn Nụ vẫn cứ thi nhau xé giấy trắng để đánh cờ carô, một đứa bút xanh một đứa bút đỏ, có bao nhiêu quyển vở trắng đã lấy ra làm bàn cờ cả rồi mà vẫn chưa chịu dừng lại.
Ai làm gì thì kệ, bạn Còm nhom vẫn chúi đầu vào cái trò sodoku loại chín hàng dọc và chín hàng ngang, từ dạo Kim Thơ thi xong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh là bạn ấy ngoan ngoãn trở lại làm tài xế không công, không biết hai bạn đã giải quyết chuyện tình cảm thế nào rồi mà dạo này Kim Thơ cứ tủm tỉm cười một mình suốt.
Cũng ít có rảnh rỗi quá!
Sau hai ngày nghỉ lễ đi học trở lại mà tình hình cũng chẳng thấy tiến triển thêm, à mà cũng có, đó là cái giỏ rác đằng sau chỗ ngồi của Vĩnh Khang và Quân đã có dấu hiệu đầy-dần-đều sau từng hồi chuông reo.
Lễ Ba mươi tháng Tư và Một tháng Năm, Vị Thanh Xuân mở cửa từ sáng sớm đến tối mịt, đông khách hơn hẳn ngày thường. Buổi tối, Ngọc Khánh và Hoài Nam phải đạp xe tới quán, làm nhân viên phục vụ. Vĩnh Khang và Vĩnh An trong vai trò pha chế chính, không thể rời khỏi quầy pha chế được. Quân là chân chạy vặt và rửa dọn phía sau. Mệt đến lả người. Cũng nhờ có dịp đó mà Quân mới biết hóa ra mặt bằng của Vị Thanh Xuân thuộc sở hữu của gia đình Hoài Nam và ngoài chị Vĩnh An ra thì Ngọc Khánh cũng góp một phần vốn vào việc làm ăn của quán.
Và rồi vào một ngày đẹp trời đầu tháng Năm, chân dung của bạn lớp trưởng 11A7 Tạ Vĩnh Khang được treo lủng lẳng trên trang web trường Phan Bội Châu, kèm theo dòng chú thích nho nhỏ như sau: giải nhất Hóa học kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Fanpage của Vĩnh Khang bùng nổ, lớp Cá biệt cũng bùng nổ mà đương sự thì không mấy quan tâm cho lắm, còn quơ lấy cái áo khoác màu rêu của cô bạn kính cận cùng bàn trùm lên đầu, ngủ.
Thành tích của trường Phan Bội Châu trong kì thi học sinh giỏi lần này khá cao; riêng môn Toán có đến ba giải nhất, bảy giải nhì, năm giải ba, tám giải khuyến khích; trong đó Hoài Nam giật một giải nhì, Ngọc Bội và Bội Ngọc được hai giải ba, Châu Tự được giải khuyến khích. Kim Thơ cũng có giải, là giải khuyến khích môn Địa duy nhất của trường. Thế mới nói cái lớp Cá biệt này không thi thì thôi, hễ thi là có giải.
Kết quả học tập cuối năm Mười một của lớp Cá biệt dẫn đầu toàn khối với mười tám học sinh giỏi, hai mươi học sinh tiên tiến và mười học sinh trung bình, không có học sinh yếu kém. Mười bạn trung bình đều bị khống chế một hoặc hai môn chưa đủ điểm chớ không phải sức học của các bạn không tốt.
Đúng như lời thánh phán của lớp – Hà Nguyên đã nói, vị trí nhất lớp thuộc về Bảo Anh, cậu em họ Gia Bảo đứng thứ hai, đồng hạng ba là Châu Tự và Việt Châu, Vĩnh Khang đứng thứ năm. Tại sao Vĩnh Khang lại đứng thứ năm hả? Bởi vì điểm mấy môn xã hội của cậu không cao chót vót như mấy môn tự nhiên.
Cả Hoài Nam, Ngọc Khánh và Kim Thơ đều đạt danh hiệu giỏi. Niệu, Hồng Quyên và Quân đạt loại tiên tiến. Hồng Quyên bị khống chế môn Thể dục nên ngậm ngùi nhận danh hiệu tiên tiến trong khi điểm tổng kết cả năm của nhỏ là 8.3. Còn bạn Dưa Leo thì đã cải thiện được điểm Hóa học ở học kì hai, nên cả năm cũng được vớt vát đôi chút, leo lên được loại tiên tiến.
Tổng kết cả năm học, lớp Cá biệt đứng thứ 17/75 lớp của toàn trường Phan Bội Châu, cũng may là cái vị trí này không ảnh hưởng mấy đến thành tích học tập của các bạn quái thú. Lớp 11A2 đứng thứ sau 11A7 một hạng, mấy bạn quái thú ngoác mồm ra cười như trúng mùa. Nói gì thì nói thì hận thù nó ghim vào tuốt trong máu rồi.
Vậy là hết năm Mười một rồi đó!
...
Truyện chỉ được đăng tải độc quyền tại anicanic.wordpress.com.
...
Chuẩn bị nghỉ hè nào!!!
À quên, học sinh sắp bước sang lớp Mười hai không có khái niệm nghỉ hè đâu. Các bạn phải đăng ký học thêm trong hè y như ca sĩ chạy show vậy đó. Bạn này bảo bạn kia, bạn kia nhắc bạn nọ, "à, mày học thêm Toán chưa?" hay "mày học tiếng Anh cô nào vậy?", có bạn chạy show nhiều quá phải lên trạm y tế nằm truyền nước biển, thấy thương lắm.
Ờ mà cái trường hợp trên không được áp dụng với lớp Cá biệt, nhất là mấy thành phần chuyên quậy phá làng phá xóm cầm đầu cái lớp này.
Giữa tháng Sáu, tròn một trăm ngày mất của ba bạn Ngọc Khánh, mấy bạn kéo đi siêu thị đặt mua một giỏ trái cây to đùng treo thêm cái hoa bằng giấy lụa lên trên rồi khiêng tới nhà bạn. Mẹ và dì của Ngọc Khánh ra tận cổng đón mấy bạn vào nhà, mang nước mang bánh ra bảo mấy bạn tự nhiên. Ngọc Khánh và em gái Ngọc Oanh mặc áo tang quỳ trước bàn thờ của ba, lạy sám hối cùng với một vị sư cô tụng kinh cầu an.
Tụng kinh xong, Ngọc Khánh mặc nguyên áo tang trắng ra ngồi với chúng bạn, mắt cậu đỏ hoe im lìm ngồi một chỗ. Mấy đứa kia cũng không dám trắng trợn đùa giỡn như ở lớp, có việc gì thì khều khều tay nói nhỏ cho nhau nghe.
Xế chiều, Kim Thơ đại diện cả đám xin phép mẹ của Ngọc Khánh cho cậu và em gái đi Đà Lạt chơi một chuyến với lớp. Ngọc Khánh không biết kế hoạch đi chơi này, lúc sáng cả đám đi mua trái cây tự nhiên nảy ra ý định thôi. Mẹ Ngọc Khánh thương con nên cũng đồng ý. Con bé Ngọc Oanh là vui nhất, cứ bám theo chị Kim Thơ hỏi 'khi nào thì đi Đà Lạt hả chị?'
Bàn bạc kế hoạch này kia, chuyến nghỉ hè của cả bọn bắt đầu vào cuối tháng Sáu, sẵn dịp tổ chức sinh nhật cho Khánh Thiện, Hoài Nam và Kim Thơ luôn, cho ba bạn ăn sinh nhật thật lớn một lần.
Hoài Nam chịu trách nhiệm đặt xe hợp đồng, vì gia đình cậu hay đi chơi xa nên quen biết mấy dịch vụ xe hợp đồng uy tín và chất lượng. Hồng Quyên và Kim Thơ lo phần ăn uống và ngủ nghỉ, liên lạc trước với nhà nghỉ ở Đà Lạt đặt phòng theo đúng số lượng.
Hè năm đó, lớp Cá biệt chơi trội, thuê nguyên một chiếc xe bốn mươi lăm chỗ, ở lại Đà Lạt suốt bốn ngày ba đêm. Trong chuyến đi này, chỉ thiếu mỗi mình Quân.
Vừa tổng kết năm học xong là Quân đã về đảo Phú Quý liền. Mạng Internet ở Phú Quý không ổn định, sóng điện thoại khi có khi không nên khi Quân biết cả lớp đi chơi hè ở Đà Lạt đã là chuyện của hai tuần sau đó rồi.
Niệu nói: "Không gọi được cho mày, thông báo tụi nó đăng trên Facebook mà mày đâu có chơi Facebook." Quân giải thích cho Niệu hiểu là ở Phú Quý sóng yếu, mấy ngày có gió hay mưa giông là không có sóng luôn.
Niệu đăng ký gói cước miễn phí, ôm điện thoại nói chuyện với Quân không biết chán, nhỏ kể cho Quân nghe về chuyến đi Đà Lạt vừa trải qua. Quân nằm vắt chéo chân dưới cánh đồng rau muống biển, vừa cầm điện thoại nghe Niệu huyên thuyên, vừa ngắm sao trời.
"Lớp mình đi đông đủ hết, chỉ thiếu mỗi mình mày. Con Thơ bị say sóng xe, vừa lên xe chưa tới mười phút là nó bắt đầu ói. Khổ, thằng Khánh hộ tống nó lên ngồi chung với bác tài luôn. Tội nghiệp con nhỏ, xuống xe là mặt mũi như vừa mới thấy ma, tái mét."
"Không có mày nên tao phải ngủ chung với con Loan, con Huyền. Mà hai đứa này thì ôi thôi, nó mê mấy thằng idol Kpop như điếu đổ, kêu mấy thằng đó bằng 'anh này, anh nọ' rồi 'ộp pa này kia', tao ớn lạnh, ở chung với hai đứa nó được một đêm đầu, mấy đêm sau tao cuốn gói qua phòng con Quyên nằm dưới sàn ngủ luôn."
"Còn thằng Khang á, cứ theo tao hỏi có gọi cho mày được không, qua mấy giờ lại hỏi mày có nhắn tin trả lời không. Nhìn nó mà tao mắc cười lạy luôn á. Con Quyên nói thằng Khang thích mày."
"Lèm chi có chiện đó." (Làm gì có chuyện đó.)
Quân xen vào một câu. Niệu lại nói tiếp.
"Thì vậy, tao mới cãi với con Quyên, thằng Khang với ai mà nó chẳng quan tâm như vậy. Đó giờ bản tính nó là vậy rồi, con trai hay con gái đều y khuôn thôi. Cái hồi nó đi chung với con Thơ, ai cũng đồn hai ông bà quen nhau, hóa ra, trò Cá tháng Tư của hai ông bà. Mà sau vụ đó, hai đứa nó cũng vui vẻ trẻ khỏe như xưa, có sao đâu?"
"À, vụ này hót hòn họt luôn. Con Thơ tỏ tình với thằng Khánh đó, mày không tin nổi đâu Dưa Leo à, tao không ngờ là con Thơ nó mạnh mẽ vậy luôn đó. Thằng Khánh hả, mặt đỏ ran, ấp úng như gà mắc thóc, mắc cười lắm luôn."
Quân ngậm một cọng cỏ may, tưởng tượng ra cảnh Kim Thơ hùng hổ mạnh mẽ tỏ tình với Ngọc Khánh còn cậu bạn Còm nhom thì mặt đỏ như con gà nòi.
Niệu lại nói: "Thằng Khánh có một đứa em tên Oanh, con nhỏ cứ theo sau con Thơ kêu 'chị Thơ ơi, chị Thơ à' suốt, ngủ chung phòng với chị Thơ luôn."
Quân hít một hơi thật sâu, gió biển lạnh tràn vào lồng ngực căng cứng.
Ngọc Khánh có một đứa em gái nhỏ, Quân biết điều này. Nhỏ chưa gặp cô bé lần nào, trước đây khi làm thêm cho quán ăn gia đình của ba mẹ Ngọc Khánh cũng chưa thấy, nhưng đợt họp phụ huynh vừa rồi mẹ Ngọc Khánh dẫn theo con gái đi họp. Quân tình cờ trông thấy hai mẹ con khi nhỏ đạp xe đến trường chờ chở mẹ về sau buổi họp phụ huynh cuối năm.
Sóng điện thoại chập chờn, giọng Niệu khó nghe dần rồi dứt hẳn, chỉ còn lại tiếng "tút tút" đều đều bên tai.
Biển Phú Quý về đêm đầy những ánh đèn. Quân còn nhớ ngày bé, nhỏ cũng ngồi ở bờ biển này với mẹ, chờ ba giong buồm trở về cùng với một khoang tàu đầy ắp cá. Nhưng khung cảnh đó chỉ còn là kí ức mà thôi. Sau cơn bão mùa hè ba năm trước, ba Quân ngã bệnh, cơn sốt rét đến chóng vánh cướp đi khả năng nghe và nói của ba. Ba không còn rong ruổi trên biển nữa, thay vào đó ba đi phụ hồ.
Phú Quý đang bắt đầu thay đổi, nhiều căn nhà to mọc lên hơn, cần nhiều thợ hồ hơn. Cuộc sống của gia đình Quân ba năm trước khá sung túc nhờ có chiếc tàu của ba Quân, mẹ Quân ở nhà đan lưới đánh cá và trông coi hồ tôm ven bờ cho người ta. Ba không còn ra biển, cuộc sống cũng vất vả hơn, chi tiêu cũng eo hẹp hơn, vậy mà ba mẹ còn để Quân vào đất liền học tập.
Chợt, điện thoại có tin nhắn. Quân nghĩ, chắc là Niệu oán trách nhỏ đang nói chuyện mà cúp máy đây mà. Nhưng không...
"Chừng nào Quân vô Phan Thiết?"
Là tin nhắn của Vĩnh Khang.
"Hết tuần này."
"Tranh thủ vô sớm đi nha, thầy Vương mở lớp học Hóa mới rồi đó."
"Khang đi học rồi hả?"
"Ừm, thầy sẽ để một chỗ cho Quân, nên mau mau vô đi."
"Biết rồi. Đi Đà Lạt có mua gì về cho Quân không?"
"Có, mua một đống, chừng nào Quân vô rồi Khang đem qua cho."
"Chắc đi chơi vui lắm ha."
Chờ một lúc không thấy tin nhắn trả lời của Vĩnh Khang, Quân tự hiểu sóng điện thoại lại có vấn đề.
Quân đứng dậy, nhìn biển một lúc nữa rồi xoay người đi về nhà.
Nhà của Quân ở xã Ngũ Phụng, lẻ loi ở một góc bờ biển trong khi họ hàng phía nội toàn định cư ở xã Tam Thanh. Tuần trước, nhà nội mở tiệc mừng mẹ con cô út của Quân từ Sài Gòn về, ba dắt Quân sang Tam Thanh chơi, lần đầu tiên nhỏ gặp được con gái của cô út.
Dưới bậc tam cấp trước căn nhà xây nhỏ trơ trọi của gia đình Quân có một đôi giày lạ, Quân đi vòng ra phía sau định rửa mặt xong thì đi ngủ luôn. Nào ngờ, lúc đi ngang qua cửa sổ thì nghe giọng của cô út.
"Anh hai à, nghe lời em đi, lên Sài Gòn với em đi."
Quân nép mình sát vào vách, ngồi bệt dưới cửa sổ nghe ngóng. Cô út của Quân sống ở Sài Gòn lâu rồi, qua thời gian thì giọng nói cũng thay đổi giống với người Sài Gòn luôn.
"Anh định sống như thế này tới khi nào đây anh hai? Ở cái đất này có ai nhìn nhận mẹ con nó đâu?"
"Mẹ nó là loại đàn bà gì mà bỏ nhà theo trai, sinh ra nó chắc cũng không tốt đẹp gì đâu ha. Em không cho con gái em ở chung với nó. Mẹ con nó đừng mong đòi được một đồng nào từ em."
Quân tính đứng dậy nói với cô út là ba không nghe được, nhưng mà xuyên qua khe cửa hẹp nhỏ nhìn thấy mẹ mình ngồi bên cạnh ba, dùng thủ ngữ truyền đạt cho ba biết cô út vừa nói những gì. Mắt mẹ ráo hoảnh.
Nhưng mắt Quân đỏ au.
Quân không phải đứa ngốc, mười bảy năm sống trên hòn đảo này nhỏ chứng kiến bao nhiêu chuyện. Từ việc ông nội không thích mẹ, chú thím ba thường hay sang nhà lôi kéo ba về xin lỗi ông nội, cho đến việc bà con trên đảo nhìn mẹ như người ngoại quốc mà chỉ trỏ chớ không phải người Việt. Họ đối xử với mẹ rất nặng nề nhưng lại bình thường với Quân.
Khi còn nhỏ, mẹ thường ôm Quân ngồi khóc, mỗi khi chờ ba về từ biển khơi. Mẹ không phải dân Phú Quý chính gốc, mẹ theo ba về đây, sinh ra Quân rồi chịu nhịn chịu nhục sống mười tám năm trời. Mẹ nói với Quân, họ kì thị mẹ, ghét mẹ vì mẹ không phải người trên đảo.
Quân đã tin vào lời giải thích đó của mẹ mà trưởng thành, nhưng càng lớn Quân càng hiểu rõ mẹ nói như thế chỉ để che mắt con gái của mình mà thôi. Chồng của cô út cũng đâu phải người trên đảo, sao ông nội và chú thím ba không ghét dượng út như đã ghét mẹ? Mẹ lại giải thích rằng: người ta là dân Sài Gòn giàu có đâu như mẹ nghèo túng theo ba.
Quân lại tin vào lời mẹ, thương mẹ nhiều hơn. Rồi cho đến một ngày, Quân nghe thấy mẹ nói chuyện với người phụ nữ đó. Cuối cùng Quân cũng hiểu, tại sao mẹ bị gia đình chồng và người dân nơi này hắt hủi ghẻ lạnh như thế, tại sao người ta chỉ gọi Quân là 'con gái của mẹ Thư' chớ không bao giờ gọi là 'con gái của ba Quân'.
...
Không chỉ một mình Quân gặp phải vấn đề về gia đình, Vĩnh Khang cũng thế.
Vị Thanh Xuân đóng cửa một tháng nay, vợ chồng chị Vĩnh An đưa bé Tũn về quê nội. Vĩnh Khang nhàn hạ ở nhà, suốt ngày đóng cửa cày game với Hoài Nam. Trưa đói bụng thì tự đi mua cơm hộp về ăn, tối thì đi ăn mì hay bún phở gì đó, qua ngày là được.
Căn nhà hai tầng kiểu mới ở khu Hùng Vương trở nên hiu quạnh khi chỉ có mỗi mình Vĩnh Khang. Thỉnh thoảng, Hoài Nam sẽ phóng xe đạp sang, rồi cả hai chạy xuống nhà Ngọc Khánh rủ thêm Kim Thơ cùng nhau đi đánh cầu lông ở bãi biển Đồi Dương. Vĩnh Khang sợ phải về nhà, nhưng cậu không về thì không được.
Mẹ Vĩnh Khang từng nói: mỗi một thứ trong ngôi nhà này đều thuộc về mẹ. Chính vì thế cậu phải ở nhà, trông nhà, không để bất kì ai khuâng vác bất cứ thứ gì thuộc về mẹ đi khỏi nơi này. Nhất là người phụ nữ đang ngồi cùng bố cậu ở phòng khách dưới kia.
Vĩnh Khang nằm trong phòng, chẳng buồn nhìn xem đã mấy giờ rồi mà bụng đã tru tréo đòi ăn. Cậu vơ lấy chiếc điện thoại, tìm số của Quân, không hi vọng lại nghe câu nói quen thuộc của tổng đài khi báo máy bận.
Thực tế chứng minh một điều: khi con người ta càng hi vọng bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu.
Niệu nhắn với Vĩnh Khang rằng: Quân đã về đảo rồi, sóng yếu nên khó liên lạc. Vậy mà ai đó đều gọi cho Quân mỗi ngày không dưới mười lần, lần nào cũng nghe cái câu 'the number you have dialed is not available...', nghe đến nhàm chán rồi.
Vĩnh Khang thả chiếc điện thoại trên nệm, cậu dang hai tay hai chân nằm đơ người, mắt nhìn chòng chọc trên trần nhà quét vôi trắng. Vĩnh Khang tự hỏi: mình là cái gì trong ngôi nhà này?
Vĩnh Khang cùng tuổi với Ngọc Khánh, sinh trước mấy đứa trong lớp Cá biệt một năm. Nhưng đến một tuổi cậu mới được làm giấy khai sinh và người đàn ông mà cậu gọi là 'bố' đã đẩy tuổi của con mình xuống mười hai tháng.
Không ai biết bí mật này, ngay cả Ngọc Khánh và Hoài Nam cũng không. Thế nên có ai so sánh tuổi của Vĩnh Khang và Ngọc Khánh, rồi ép cậu gọi thằng Còm nhom ấy bằng 'anh' thì cậu nhất quyết không đồng ý. Nếu tính đúng thì cậu còn lớn hơn Ngọc Khánh bốn tháng tuổi đó.
Quay trở lại vụ cái giấy khai sinh. Mẹ Vĩnh Khang mang thai cậu thì hay tin ông ngoại bệnh nặng, mẹ về đảo chăm sóc ông, rồi mẹ thỏa thuận với anh em đưa ông ngoại lên Sài Gòn chữa bệnh, bác sĩ bó tay để người nhà đưa ông về và ông mất ở trên mảnh đất quê hương mình. Trong suốt thời gian đó, bố Vĩnh Khang không ở cạnh mẹ cậu, chính vì vậy bố cậu không tin cậu là con trai mình, ông không chịu đi làm khai sinh cho cậu.
Bố Vĩnh Khang rất thương chị Vĩnh An, nhưng Vĩnh Khang thì ngược lại. Bù lại, mẹ rất thương Vĩnh Khang, mẹ cậu yêu thương cậu thay luôn cho phần của bố. Mẹ nói: Vĩnh Khang chỉ cần có mẹ yêu là đủ rồi.
Lớn dần, chị Vĩnh An san sẻ tình yêu của bố dành cho Vĩnh Khang, chị thương Vĩnh Khang cũng như mẹ thương Vĩnh Khang vậy. Chỉ có bố, mãi mãi không thương cậu.
Bi kịch của gia đình Vĩnh Khang được đẩy lên đỉnh điểm khi người phụ nữ đó xuất hiện, chễm chệ ngồi trước mặt mẹ cậu và nói với bà rằng: "Tôi có thai với anh Lộc rồi."
Vĩnh Khang tưởng mẹ sẽ đau buồn lắm nhưng không, cậu đã lầm. Mẹ chung tay với bố tổ chức đám cưới linh đình cho chị Vĩnh An, chăm sóc cậu không khác gì trước đó, mẹ không để tâm đến người phụ nữ kia.
Cùng năm, Vĩnh Khang có cháu trai, đồng thời cũng có thêm một đứa em trai. Năm đó, cậu học lớp Chín. Đầu năm lớp Mười, mẹ nói với Vĩnh Khang: mẹ phải đi, con trai ạ.
Đó là sự giải thoát của mẹ, là sự lựa chọn của mẹ. Còn cậu thì sao?
Điện thoại báo có tin nhắn kéo Vĩnh Khang trở lại từ trong những hoang mang bất định của quá khứ. Cậu mở khóa, tin nhắn đến từ Quân.
"Quân đang ở cảng Phan Thiết. Khang xuống cảng chở Quân được không?"
Như mèo mù vớ được cá rán, Vĩnh Khang tung người dậy đọc lại thật kĩ tin nhắn, xác nhận ai là người gởi rồi mới quơ lấy balô trên bàn học chạy thẳng xuống lầu, lướt qua bố cậu và người phụ nữ kia rồi dắt xe đạp, mở cổng nhà.
Những chuỗi ngày lặp đi lặp lại quạnh quẽ của Vĩnh Khang đã dần thay đổi khi có Quân.
Vĩnh Khang không biết nên gọi cái thứ xúc động trong lòng mình lúc này là gì, có lẽ là thích, là mến hoặc một cái ngôn từ mỹ miều nào đó mà cậu chưa định hình được. Cậu chỉ biết rằng: lúc này, cậu rất muốn gặp cô bạn kính cận cùng bàn với mình, chỉ vậy thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top