Vi sinh vật né tránh miễn dịch bẩm sinh
Vi sinh vật né tránh miễn dịch bẩm sinh
(Yduocvn.com) - Các vi sinh vật gây bệnh đã tiến hoá để chống lại các cơ chế của miễn dịch bẩm sinh và vì thế chúng có thể xâm nhập và trú ngụ bên trong cơ thể túc chủ (bảng 2.13).
Một số vi khuẩn nội bào có khả năng chống lại các cơ chế tấn công chúng ở bên trong các tế bào làm nhiệm vụ thực bào. Ví dụ như Listeria monocytogenes sản sinh ra một protein giúp chúng có thể thoát ra khỏi các bọng thực bào để xâm nhập vào bào tương của các tế bào đã ăn chúng, và khi đã ở bào tương thì chúng không còn chịu tác động của các chất trung gian hoá học ô-xy hoạt động và nitric oxide (là những chất chủ yếu được tạo ra trong các phagolysosome) nữa. Thành của các vi khuẩn Mycobacterium có chứa một thành phần lipid có tác dụng ức chế quá trình hoà màng của các bọng có chứa các vi khuẩn đã bị nuốt vào với các lysosome. Các vi sinh vật khác thì lại có thành tế bào của chúng có khả năng kháng lại tác động của bổ thể. Như sẽ còn được trình bầy trong các chương 6 và 8, chính những cơ chế như vậy đã giúp cho các vi sinh vật kháng lại các cơ chế thực hiện của đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.
Bảng 1: Các phương thức né tránh miễn dịch bẩm sinh của vi sinh vật
Cách thức né tránh
Ví dụ
Cơ chế
Kháng lại hiện tượng thực bào
Pneumococus
Polysaccharide của vỏ vi khuẩn ức chế hiện tượng thực bào
Kháng lại các chất trung gian hoá học ô-xy hoạt động trong các tế bào làm nhiệm vụ thực bào
Các vi khuẩn Staphylococcus
Sản sinh ra enzyme calase có tác dụng phá vỡ các gốc ô-xy hoạt động
Kháng lại hoạt tính của bổ thể (con đường không cổ điển)
Neisseria meningitides
Streptococcus
Bộc lộ acid sialic trên bề mặt để ức chế các enzyme chuyển đổi C3 và C5 convertase
Protein M ức chế không cho C3 bám vào vi sinh vật và C3b bám vào các thụ thể dành cho bổ thể
Kháng lại các peptide kháng sinh diệt khuẩn
Pseudomonas
Tổng hợp ra các LPS có cấu trúc biến đổi để kháng lại hoạt tính của các peptide kháng sinh này
Vai trò kích thích các đáp ứng miễn dịch thích ứng của miễn dịch tự nhiên
Chúng ta vừa phân tích các cách thức hệ thống miễn dịch bẩm sinh nhận diện các vi sinh vật và chống lại sự xâm nhập của chúng. Như đã trình bầy ở đầu chương, ngoài các chức năng đề kháng thì đáp ứng miễn dịch bẩm sinh chống lại các vi sinh vật còn đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo và báo động cho hệ thống miễn dịch thích ứng rằng cần phải có một đáp ứng miễn dịch hiệu quả hơn. Phần còn lại của chương này chúng ta sẽ đề cập đến một số cơ chế các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh kích thích các đáp ứng miễn dịch thích ứng.
Các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh tạo ra các phân tử đóng vai trò như "tín hiệu thứ hai" (kháng nguyên là tín hiệu thứ nhất) để hoạt hoá các tế bào lympho T và B. Trong chương 1 chúng ta đã đề cập đến giả thuyết cho rằng để có thể hoạt hoá một cách toàn diện các tế bào lympho đặc hiệu với kháng nguyên thì cần có hai tín hiệu: kháng nguyên chính là tín hiệu thứ nhất còn lại thì các vi sinh vật, các đáp ứng của miễn dịch bẩm sinh chống lại vi sinh vật hay các tổn thương của tế bào túc chủ do tác động của vi sinh vật có thể đóng vai trò là tín hiệu thứ hai (xem hình 1.9). Yêu cầu cần có các tín hiệu thứ hai có liên quan đến vi sinh vật là để bảo đảm rằng các tế bào lympho đáp ứng chống lại các tác nhân gây bệnh chứ không chống lại các chất vô hại và không có bản chất từ vi sinh vật lây nhiễm. Trong các mô hình thực nghiệm hoặc khi sử dụng vaccine thì có thể tạo ra được các đáp ứng miễn dịch thích ứng bằng cách cho cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên mà không cần tiếp xúc với toàn bộ vi sinh vật. Trong tất cả những trường hợp này thì các kháng nguyên thường được đưa vào cơ thể cùng với các tá chất (adjuvant) có tác dụng tạo ra các phản ứng miễn dịch bẩm sinh giống như phản ứng do vi sinh vật hoàn chỉnh gây ra. Trên thực tế thì rất nhiều tá chất chính là các sản phẩm của vi sinh vật. Bản chất và các cơ chế tác động của tín hiệu thứ hai sẽ được mô tả chi tiết trong phần trình bầy về quá trình hoạt hoá các tế bào lympho B và T trong các chương 5 và 7. Trong chương này chúng ta đề cập đến hai ví dụ minh hoạ về các tín hiệu thứ hai được tạo ra trong các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh (hình 2.14).
Các vi sinh vật hoặc IFN-g do các tế bào NK đáp ứng với vi sinh vật tạo ra kích thích các tế bào có tua và các đại thực bào tạo ra hai loại tín hiệu thứ hai có thể hoạt hoá các tế bào lympho T. Thứ nhất là trên bề mặt các tế bào có tua và các đại thực bào có các phân tử được gọi là các đồng kích thích tố (costimulator), các phân tử này bám vào các thụ thể trên bề mặt các tế bào T "trinh nữ" đồng thời với việc nhận diện kháng nguyên sẽ có tác dụng hoạt hoá các tế bào T. Thứ hai là các tế bào có tua và các đại thực bào chế tiết ra IL-12 là cytokine có tác dụng kích thích quá trình biệt hoá các tế bào T "trinh nữ" thành các tế bào thực hiện trong đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.
Các vi khuẩn trong máu hoạt hoá hệ thống bổ thể theo con đường không cổ điển. Một trong số các protein được tạo ra trong quá trình hoạt hoá bổ thể là C3d sẽ gắn theo kiểu đồng hoá trị vào vi sinh vật. Khi các tế bào lympho B nhận diện các kháng nguyên của vi sinh vật bằng các thụ thể của chúng dành cho kháng nguyên thì cùng lúc đó các tế bào lympho B cũng nhận diện C3d phủ trên bề mặt vi sinh vật bằng thụ thể của tế bào B dành cho C3d. Sự phối hợp đồng thời nhận diện kháng nguyên và nhận diện C3d sẽ khởi động quá trình biệt hoá tế bào B thành tế bào plasma chế tiết kháng thể. Bằng cách đó một yếu tố bổ thể đã đóng vai trò như là tín hiệu thứ hai để khởi động các đáp ứng miễn dịch dịch thể.
Các ví dụ trên đây cho thấy một đặc điểm quan trọng của các tín hiệu thứ hai đó là các tín hiệu này không chỉ kích thích đáp ứng miễn dịch thích ứng mà còn định hướng bản chất của đáp ứng miễn dịch thích ứng. Các vi sinh vật ký sinh bên trong tế bào và các vi sinh vật đã bị các tế bào làm nhiệm vụ thực bào nuốt vào thì cần được loại bỏ nhờ đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, là một đáp ứng miễn dịch thích ứng do các tế bào lympho T thực hiện. Các vi sinh vật bị nuốt vào hoặc sống trong các đại thực bào sẽ tạo ra tín hiệu thứ hai được gọi là các đồng kích thích tố và IL-12 có tác dụng kích thích đáp ứng của tế bào T. Ngược lại thì các vi sinh vật trong máu cần bị loại bỏ bởi các kháng thể là sản phẩm của các tế bào lympho B tạo ra trong các đáp ứng miễn dịch dịch thể. Các vi sinh vật trong máu hoạt hoá hệ thống bổ thể sau đó bổ thể lại kích thích hoạt hoá các tế bào B để sản xuất kháng thể. Bằng cách đó các loại vi sinh vật khác nhau tạo ra các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh khác nhau, các đáp ứng này sau đó lại kích thích các loại đáp ứng miễn dịch thích ứng khác nhau để chống lại một cách hiệu quả nhất các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng khác nhau.
Tóm tắt
* Tất cả các cơ thể đa bào đều có các cơ chế tự đề kháng chống lại nhiễm trùng, các cơ chế này tạo nên miễn dịch bẩm sinh.
* Các cơ chế của đáp ứng miễn dịch bẩm sinh chống lại vi sinh vật chứ không chống lại các các chất không có bản chất từ vi sinh vật. Các cơ chế này đặc hiệu với các cấu trúc chung có trên các loại vi sinh vật khác nhau. Các cơ chế này được thực hiện thông qua các thụ thể được mã hoá bởi các gene ở dòng gốc và các đáp ứng không mạnh hơn sau mỗi lần tiếp xúc với vi sinh vật.
* Các thành phần chính của miễn dịch bẩm sinh là các biểu mô, các tế bào làm nhiệm vụ thực bào, các tế bào giết tự nhiên (tế bào NK), các cytokine, các protein trong huyết tương bao gồm các protein của hệ thống bổ thể.
* Biểu mô cung cấp các hàng rào vật lý ngăn cản sự xâm nhập của vi sinh vật, biểu mô sản xuất ra các chất kháng sinh và trong biểu mô còn có các tế bào lympho có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng.
* Các tế bào chính làm nhiệm vụ thực bào là bạch cầu trung tính, các tế bào mono/đại thực bào. Đây là các tế bào máu đã được điều động từ máu đến các vị trí xẩy ra nhiễm trùng, tại đây chúng nhận diện các vi sinh vật nhờ các thụ thể đặc hiệu trên bề mặt của chúng. Các bạch cầu trung tính và đại thực bào nuốt các vi sinh vật sau đó phá huỷ chúng ở bên trong các tế bào này. Các tế bào này còn chế tiết các cytokine và đáp ứng bằng những cách khác nhau để loại bỏ vi sinh vật và sửa chữa lại các mô tổn thương do nhiễm trùng.
* Các tế bào giết tự nhiên giết các tế bào của túc chủ bị nhiễm các vi sinh vật nội bào và chế tiết ra IFN-g, chất có tác dụng hoạt hoá các đại thực bào giết các vi sinh vật đã bị chúng nuốt vào.
* Hệ thống bổ thể bao gồm một họ các protein được hoạt hoá theo trình tự nối tiếp nhau khi chúng gặp các vi sinh vật hoặc khi chúng được các kháng thể hoạt hoá chúng (trong đáp ứng miễn dịch dịch thể). Các protein của bổ thể phủ lên các vi sinh vật (opsonin hoá) tạo thuận cho các quá trình tiếp cận và nuốt các vi sinh vật bởi các tế bào làm nhiệm vụ thực bào, kích thích phản ứng viêm, và làm ta rã các vi sinh vật.
* Các cytokine của miễn dịch bẩm sinh có tác dụng kích thích phản ứng viêm (TNF, IL-1, các chemokine), hoạt hoá các tế bào NK (IL-2), hoạt hoá các đại thực bào (IFN-g), và ngăn ngừa nhiễm virus (IFN type I).
* Ngoài tác dụng cung cấp khả năng đề kháng sớm chống nhiễm trùng, các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh còn cung cấp các "tín hiệu thứ hai" để hoạt hoá các tế bào lympho B và T. Sự cần thiết phải có các tín hiệu thứ hai này để bảo đảm cho các đáp ứng miễn dịch thích ứng được tạo ra là do chính các vi sinh vật (tác nhân tự nhiên sinh ra các phản ứng miễn dịch bẩm sinh) chứ không phải do các chất không có bản chất là vi sinh vật.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top