Chương 45

Thoại Mỹ lật tập san trên bàn ra bắt đầu làm việc, cô ghi chép tất cả những lỗi sai cần phải chỉnh sửa lại vào trong một cuốn sổ con con. Sáng nay cô đã phải leo 5 tầng lên tận phòng in ấn để lấy tập san đầu tiên về sửa lỗi.

Kể từ lúc theo Hạnh Dung vào Sài Gòn, Thoại Mỹ thấy cuộc sống nơi đây thật ồn ã, tất bật, con người lúc nào cũng hối hả lăn xả bản thân theo guồng quay công việc, oằn mình với cuộc sống mang tên cơm áo gạo tiền. Hạnh Dung đã dẫn cô đến tòa soạn này, lại đưa cô về nhà trọ của mình ở đây, cô ấy viết một bức thư giới thiệu đến tổng biên tập để Thoại Mỹ có thể nhận chức vụ biên tập viên, xong xuôi mọi việc, cô ấy lại chuẩn bị bắt đầu một hành trình mới. Lần này Dung Hạnh phải vào trong miền Tây sông nước để khảo sát tình hình cũng như đi đưa tin, dự là phải mấy tháng nữa mới có thể quay lại báo cáo được.

Lúc mới đến đây, mọi người đối xử với Thoại Mỹ rất tốt, nhưng làm lâu hơn một chút, Thoại Mỹ mới vỡ ra thật sự họ cũng chẳng tốt như vẻ bề ngoài cố tỏ ra như thế. Vẫn có những lần nói xấu sau lưng lão già đầu hói ngu mà thích làm lãnh đạo, âm thầm chửi rủa bọn làm ở phòng in ấn ăn bớt mực, lại ghét cô Hương thư ký diêm dúa loè loẹt còn hơn cả con vẹt bảy màu. Những lần như thế, Thoại Mỹ chỉ yên lặng cố gắng làm đúng phận sự của mình, không tham gia vào bất cứ những cuộc trò chuyện nào để tránh đi những rủi ro bất cập khi mọi chuyện vỡ lở. Vì vậy đâm ra ở nơi làm việc cô chẳng có người nào làm bạn thân thiết, ngày qua ngày Thoại Mỹ chỉ có thể lầm lũi với công việc, đi đi về về, làm gì cũng độc có một mình. Thế nên hồi trưa hôm qua cô mới bị hạ đường huyết mà không được một ai trong tòa soạn để ý.

Nhiều khi Thoại Mỹ ngẫm lại cũng thấy chán nản vô cùng, hồi xưa ở nhà cậu thì sướng, cậu Long chẳng bao giờ để cô phải đụng tay vào việc gì, biết cô thích đọc báo chí sách vở, ngày nào cũng có người đều đặn đến giao báo rồi sách vở xếp đầy thư phòng để Thoại Mỹ nhâm nhi lúc rảnh rỗi hay khi cậu vắng nhà. Nhưng lúc tới đây rồi, Thoại Mỹ phải đối mặt với một môi trường hoàn toàn khác, thái độ của con người xoay như chong chóng làm cô chẳng biết đường nào mà đối phó.

5 tháng kể từ ngày đến đây làm việc, Thoại Mỹ gầy đi trông thấy, khuôn mặt phúng phính dễ thương ngày trước bây giờ nhọn lại, nhiều người còn khen cô đẹp, nhưng cô chẳng thấy mình đẹp chỗ nào. Cơm cháo ở nơi này khác hoàn toàn khẩu vị của cô đâm ra Thoại Mỹ cũng chẳng thèm khát ăn uống gì. Khổ thì khổ như thế, nhưng cô chưa từng có ý định quay trở lại, lòng cô vẫn còn yếu đuối lắm, Thoại Mỹ sẽ chết mất nếu tận mắt chứng kiến cảnh cậu và cô Cẩm Nghi âu yếm tay trong tay.

Cô Hương thư ký cầm một đống tài liệu cần sắp xếp lại, chất thành đống lên chỗ làm việc của Thoại Mỹ làm chiếc bàn đã nhỏ nay còn bề bộn hơn. Chị ta liếc đôi mắt được bôi xanh lè, cao ngạo nhìn cô từ trên xuống, đoạn cất cái giọng chua loét lên:

- Cô Mỹ, tổng biên tập cho gọi cô vào phòng có việc.

- Bây giờ hả chị?

- Đúng rồi, chứ còn bao giờ nữa, thao tác nhanh nhẹn lên đừng để lãnh đạo phải đợi.

Thoại Mỹ đáp một tiếng rồi nhẹ nhàng rời bàn, lặng lẽ đi vào phòng của chú hói tổng biên tập. Cô vừa đi qua, cô Hương bĩu môi lườm một cái vào dáng hình mảnh mai kia, khuôn mặt chị ta không vui lắm, trông cái Mỹ nhà quê ghê gớm, có gì đặc biệt mà lại câu được con cá sộp ở toà nhà đối diện kia nhỉ?

Thoại Mỹ cũng chẳng hiểu bà Hương đó bị làm sao, cô đã làm gì khiến chị ta cứ trông thấy cô là kèn cựa. Tỏ thái độ khó chịu với Thoại Mỹ thì cô còn có thể bỏ qua, bớt gặp mặt chị ta lại là xong. Nhưng không thể chấp nhận được là bà cô Hương đó còn đi khắp nơi phao tin đồn nhảm nhí về Thoại Mỹ làm cô thật sự không thể nào hiểu nổi.

Thoại Mỹ ý nhị gõ nhẹ bên ngoài cánh cửa gỗ to sù sụ, nghe người bên trong cho phép cô mới mở cửa đi vào. Chú hói tổng biên tập ngẩng cái đầu chói sáng của mình lên khỏi chồng giấy tờ báo chí, thấy người đến là Thoại Mỹ, chú cười gật đầu ra hiệu cho cô ngồi xuống ghế.

- Cô Mỹ đấy à, ngồi xuống đi. Đến đây cũng nửa năm rồi cô đã quen với môi trường mới chưa? - Chú nói.

- Dạ thưa chú con cũng quen rồi ạ.

Chú hói tất bật lật dở đống giấy tờ để lộn xộn trên bàn ra như muốn tìm cái gì đó, tìm thấy tập công văn có con dấu đỏ bừng, chú ta với tay ra đưa cho Thoại Mỹ xem thử.

- Cô Mỹ đọc công văn từ cấp trên đi, tôi phải xin từ mấy tháng trước đến hôm nay người ta mới duyệt cho. Mà đã duyệt là phải tiến hành luôn không được chậm trễ, cô thấy tôi nói có đúng không?

Chú tổng biên tập vừa nói vừa cười, có lẽ lần này chú ta thật sự nghiêm túc với quyết định của mình. Thoại Mỹ chăm chú xem xét chứng từ công văn cấp trên gửi xuống, đại loại nội dung trong giấy tờ đã phê duyệt việc phát triển báo "Phụ nữ nhân văn" ngoài Bắc Bộ. Thoại Mỹ xem xong vẫn không thể hiểu nổi, việc này thì có liên quan gì đến cô đâu.

Thấy vẻ mặt thắc mắc của Thoại Mỹ, chú hói nói tiếp:

- Lần được phê duyệt này cô đóng góp công lao rất lớn, nhờ cô mà tôi có thể một lần nữa càng thêm phần chắc chắn báo của chúng ta rất phù hợp với thị hiếu của người dân ngoài đó.

- Thế ạ.

Đợt mới đến tòa soạn, Thoại Mỹ phải chết lên chết xuống vì cái bản báo cáo này. Đợt ấy cô còn ngô nghê, làm 5 lần sai cả 5, một phần do chưa viết báo cáo bao giờ, phần còn lại Thoại Mỹ không nghĩ rằng nó phải chi tiết kĩ càng và dài dòng như thế, phải đến lần thứ 6 bản báo cáo ấy mới được thông qua. Nhưng cô cũng không ngờ lần ấy lại tốt đến thế, được cấp trên phê duyệt ý kiến luôn không lằng nhằng. Tuy thời gian chờ đợi có hơi lâu một chút nhưng thành quả gặt hái được lại vô cùng nhiều. Thoại Mỹ nhìn con dấu đỏ chót ở phía góc phải tờ giấy mà cũng vui lây.

- Tôi gọi cô Mỹ vào đây, thứ nhất là muốn cảm ơn công lao của cô, thứ hai là muốn đề nghị cô ra ngoài Bắc nhận chức tổng biên tập, điều hành cơ sở mới, ý cô thế nào?

Thoại Mỹ vô cùng ngạc nhiên, trong giây lát, chút nữa cô đã bị niềm vui choán đầy cả đầu óc, thậm chí còn định đồng ý luôn mà không suy nghĩ. Nhưng khi kịp thời bình tĩnh lại, Thoại Mỹ cảm thấy mọi chuyện không dễ dàng như cô tưởng, tuy nhiên đây lại là cơ hội vô cùng hiếm có và Thoại Mỹ phải biết chớp lấy thật nhanh.

- Vậy, chú cho cháu hỏi là cơ sở của toà sẽ đặt ở đâu ạ?

- Tất nhiên là ở Hà Nội rồi cháu, chú đã liên hệ với người ngoài đó thuê lại mặt bằng đầy đủ, đảm bảo là tòa soạn lớn nhất trong tất cả toà soạn ở đấy.

Thoại Mỹ ngẫm nghĩ, Hà Nội nói lớn thì cũng chẳng lớn lắm, nhưng lúc nào cũng đông nghịt, chính vì vậy khả năng tương phùng giữa người với người là rất ít, lại gần quê hương mình hơn. Ở Hà Nội khéo có khi lại đỡ tủi thân hơn ở lại nơi này, nếu ra ngoài đó, Thoại Mỹ có thể len lén về thăm bố mẹ mà không ai phát hiện ra rồi. Chỉ miên man tưởng tượng ra thôi lòng cô đã tưng bừng một ngọn lửa cuộn trào nơi trái tim. Ra đến Hà Nội, Thoại Mỹ sẽ tìm kiếm và thuê lại một căn nhà trọ nhỏ ở tầng 2, sau đó trồng cây, trồng hoa, sống một cuộc sống vô tư, tự do tự tại.

Nghĩ vậy, Thoại Mỹ vội đồng ý luôn:

- Vâng ạ, vậy thì cháu đồng ý.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #longmy