Chương 41

Cứ đi, đi mãi. Bỗng chốc, Thoại Mỹ đã đến trước cây hoa lê cạnh ngôi chùa nhỏ từ bao giờ, hoa lê trắng muốt, thanh khiết, còn vương giọt nước trông như hạt ngọc. Thoại Mỹ đưa tay ra hứng, không hứng được hoa chỉ thấy nước tan trong ngón tay mình lạnh thấu cả trái tim. Có tiếng máy ảnh lóe lên như chớp nháy làm cô giật mình, chủ nhân của chiếc máy ảnh đến gần, đó là một cô gái nhỏ người, đáng yêu, khuôn mặt tươi cười đưa cho Thoại Mỹ tấm hình đen trắng còn nóng hổi vừa mới ra lò.

- Xin lỗi cô nhé, tôi thấy cảnh này đẹp quá, có bệnh nghề nghiệp nên chưa xin phép mà đã đưa máy lên chụp - Cô ấy nói.

Thoại Mỹ cố nặn ra một nụ cười nhạt nhoà, đoạn hơi lắc đầu:

- Không sao đâu.

- Trông chị buồn quá, Tết nhất rồi, không ở nhà ăn tết mà sao gió lạnh chị lại ra đây?

Thoại Mỹ cười cười, chỉ cúi đầu chẳng nói, cô gái ấy biết mình đã chạm phải nỗi buồn của cô, bèn chuyển chủ đề khác:

- Chị cho phép tôi dùng tấm ảnh này đưa lên báo nhé, lấy chủ đề là "Mỹ nhân bên cành hoa lê".

Thoại Mỹ nghe vậy thì phì cười, nụ cười duy nhất xuất hiện trên đôi môi tái nhợt từ hai ngày qua, lặng thinh một lúc cô hỏi như bâng quơ:

- Cô làm nghề gì thế?

- Em à, có khi là nhiếp ảnh, có khi là nhà báo, nhưng chủ yếu là nhiếp ảnh, vì em thích chụp. Chị cũng thích đọc báo hả?

Thoại Mỹ ngạc nhiên, cô gái xinh xắn trước mặt này đây, trông nhỏ bé mà sao dũng cảm quá. Thoại Mỹ khâm phục cô ấy, cũng buồn thay cho chính mình. Nếu Thoại Mỹ mạnh mẽ như vậy, thì giờ phải lang thang ở đây trong nỗi cô độc sao?

- Tôi cũng từng rất thích được làm nhà báo, báo nói thì cái gì chẳng đúng, nhỉ?

- Không hẳn đâu chị ạ.

Thoại Mỹ cùng cô gái ấy chợt im lặng, sự tĩnh mịch như làm cho tâm hồn người ta bình tĩnh lại để suy nghĩ việc đời, tiếng chim kêu chiêm chiếp trên cành cây buổi sớm khiến không khí thêm phần dịu êm, như chợt nảy ra ý gì đó, cô gái ấy nói:

- Chị có hứng thú với báo chí, thế chị có muốn tự mình làm báo không? Cụ thể là làm biên tập cho báo "Phụ nữ nhân văn", em đang làm ở đấy. Em chẳng có gia đình, tứ cố vô thân, không muốn phụ thuộc ai nên đi đây đó tác nghiệp xuyên tết, chị thấy sao?

Thoại Mỹ ngạc nhiên, cô gái hồn nhiên và tràn ngập năng lượng sống như vậy mà hoàn cảnh lại trớ trêu đến thế. Thoại Mỹ thấy nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt xinh đẹp kia, giờ đây lại tràn ngập cay đắng. Lời cô ấy nói ra nhẹ tênh như không để ý, chẳng hiểu sao Thoại Mỹ lại thấy chút gì đó tiếc thương.

Thoại Mỹ hỏi cho rõ:

- Cụ thể là sao hả cô?

- Ôi, nói ra thì sợ chị thấy không tin tưởng, tòa soạn của em đang thiếu một chân biên tập, kiểu như là sắp xếp bố cục của tập san sao cho đẹp mắt, thu hút độc giả thôi. Nhưng vị trí tòa soạn thì hơi xa, em sợ chị từ chối.

- Cô cứ nói tiếp.

- Ở tận trong Sài Gòn cơ chị ạ. Toà soạn có từ lâu lắm rồi, chủ yếu phát triển ở phía Nam, chị phụ trách việc biên tập có bầu to ơi là to mới xin nghỉ trước tết, trong đấy gửi thư cho em kêu là ra ngoài Bắc, có gặp ai thì mời về làm biên tập ở tòa. Tòa soạn đang có ý định phát hành báo trên khắp cả nước, nên chủ yếu có ý thăm dò thị trường báo chí ngoài này.

Thoại Mỹ cắn đôi môi như suy nghĩ, thấy cô khó xử trước lời mời nồng nhiệt kia, cô gái liền nói ngay:

- Chị không cần trả lời em luôn đâu, cứ suy nghĩ kỹ càng đi, tòa soạn của em hơi bị có tiếng tăm ở trong đấy luôn, đằng nào em cũng phải quay về để báo cáo tình hình, tầm mùng 5 quay lại làm việc, em mua vé tàu về đó luôn. Đây là ảnh của toà, tặng chị làm kỷ niệm, nếu chị đồng ý, cứ viết thư đánh tiếng cho em đến địa chỉ này, em và chị cùng làm bạn đồng hành.

- Vậy, cô để tôi suy nghĩ đã nhé.

Cô gái nở nụ cười tươi tắn, má hằn sâu hai lúm đồng tiền nhỏ trông mới dễ mến làm sao. Cô mặc chiếc áo ghi lê màu nâu hơi mỏng, nhìn rất ra dáng người nghệ sĩ chuyên nghiệp đang mải mê chạy theo thứ mà mình khao khát cả đời, khuôn mặt vô tư và đầy hy vọng kia khiến Thoại Mỹ không thôi hâm mộ.

- Nhớ đấy! Thay đổi chủ ý thì đến tìm tôi, tôi tên là Dung,

Hạnh Dung, nếu đồng ý hẹn cô mùng 5 tết ngay tại chỗ này. Tạm biệt.

Cô gái mặc áo ghi lê nâu, cổ đeo chiếc máy ảnh cồng kềnh vừa đi vừa quay lại đằng sau vẫy tay chào Thoại Mỹ, vui vẻ rảo bước chân rẽ qua một hướng khác. Hạnh Dung đi cũng đã lâu, nhưng Thoại Mỹ vẫn còn tưởng tượng ánh chớp thi thoảng lại lóe lên ở góc nào đấy của ngôi chùa. Thoại Mỹ hơi cúi đầu rồi lại ngẩng đầu, âm thầm hít thật sâu một hơi đón lấy hương hoa lê thơm ngát, cô đã nghĩ: "Được tự do làm điều mình thích, đúng là hạnh phúc thật đấy".

***

Cái Hoa nhòm mợ nhà nó đang ngồi trầm ngâm bên chiếc cửa sổ hướng ra cánh cổng sắt lớn, mặt mợ trông buồn buồn. Mấy ngày ngay mợ luôn vậy, chẳng chơi với nó như ngày xưa, mợ hay thất thần rồi nhìn chằm chằm về một hướng mà nó không biết là ở đâu. Cậu đi từ hôm ấy đến nay cũng tầm 4 ngày rồi, nó tưởng mợ nhớ cậu nên tìm hết mọi cách bắt chuyện, pha trò cho mợ nhà nó vui, nhưng chẳng hiểu sao mợ chẳng buồn nói cũng chẳng buồn cười.

Có hôm mợ thở dài một tiếng rồi buồn bã hỏi nó:

- Hoa ơi, mợ đi nhé?

- Đi đâu hả mợ? Cho em theo với.

- Hoa không đi được đâu, mợ đi chỗ này xa lắm.

- Thế có về nữa không hả mợ.

Giọng Thoại Mỹ nhỏ dần, khi cái Hoa tưởng mợ nó không tiếp chuyện nữa, định đi ra ngoài nấu cơm với chị Là thì mợ mới lẩm bẩm:

- Chẳng biết nữa...chẳng biết.

Nói xong câu ấy, khuôn mặt xinh đẹp lại nhuốm một màu buồn bã. Thoại Mỹ đã đợi cậu mấy ngày nay, đến nỗi cô cứ ngỡ đã ôm nỗi nhớ trải qua cả thập kỷ rồi. Cậu bảo mợ đợi, thế mà cậu không giữ lời, đi rồi chẳng về nữa, cô không thể hỏi được ai tin tức của cậu cả.

Hoá ra là Thoại Mỹ quá ích kỷ khi không cho cô Cẩm Nghi lại gần cậu. Bà ba nói đúng, cậu xứng đáng cưới một người tốt như cô Nghi về làm vợ, cô ấy xinh đẹp, có học thức, lại biết tất cả mọi lễ nghi phép tắc của một tiểu thư nhà giàu. Sau khi cưới cô ấy cậu sẽ có tất cả, tiền tài, danh vọng, hậu phương vững chắc. Còn lấy Thoại Mỹ, cậu Long chẳng có gì cả. Phải chăng cô đã quá trẻ con khi chỉ nghĩ đến chiếm giữ cậu làm kho báu của riêng mình.

Thoại Mỹ cũng biết, cậu đã phải chật vật thế nào vì công việc, trước kia cậu luôn thức khuya mệt mỏi, lắm khi mang cháo vào cho cậu, Thoại Mỹ thấy chồng đau đớn bóp chặt hai bên thái dương, giọt mồ hôi trên vầng trán rơi xuống như đang trải qua cơn đau đớn khôn cùng. Những lúc ấy, Thoại Mỹ chỉ biết nhẹ nhàng xoa cho chồng để cậu dễ chịu hơn một chút, nhiều khi cô muốn an ủi, chia sẻ công việc với cậu, nhưng não nề thay, cô chẳng làm được gì ngoài việc trở thành gánh nặng.

Cậu Long luôn nói bản thân không sao đâu, dặn dò Thoại Mỹ chăm sóc thật tốt sức khoẻ, không thức khuya, không bỏ bữa, ăn uống đầy đủ. Nhưng chính cậu lại vi phạm tất cả những quy tắc cậu đưa ra cho cô. Thoại Mỹ thương chồng lắm, ở bên cô sao cậu mệt mỏi quá.

Vậy thì giải thoát cho cậu, không có Thoại Mỹ có lẽ cuộc đời của cậu sẽ vui vẻ hơn.

Thoại Mỹ tìm được trong ngăn kéo hộc tủ vài tờ giấy đã ngả vàng. Đi vào thư phòng, ngồi trên chiếc ghế thường ngày cậu vẫn hay ngồi làm việc, cô đặt những nét bút đầu tiên. Bức thư này, cô dùng nó để từ biệt cậu, thêm một bức nữa, nhắn bố mẹ với Trung không cần lo gì cả, Thoại Mỹ hứa sẽ trở lại thăm mọi người, nhưng ngày trở về cô không điền bất cứ một con số nào mà để ngỏ. Khi nào cô quên cậu, khi nào đủ dũng cảm nhìn thấy cậu cùng cô Cẩm Nghi con đàn cháu đống mà vẫn có thể mỉm cười, khi ấy Thoại Mỹ sẽ quay về.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #longmy