Chương 34
Thoại Mỹ dìu chồng về phòng, để cậu nằm xuống giường rồi nhẹ tay nhẹ chân đi pha cốc nước mật ong giải rượu. Thoại Mỹ làm việc cứ lén lút như đề phòng người ta thấy làm cậu Long bật cười, thật ra trước khi về quê cậu đã dặn dò cô rồi. Không cần phải sợ sệt gì cả, lúc ở trên tỉnh thế nào thì về đây cô cứ như thế, không được để bản thân bị ấm ức hay khó chịu, bởi vì tất cả đã có cậu ở phía sau lo liệu. Ừ thì nghe xong Thoại Mỹ cũng bỏ ngoài tai vậy thôi, dù sao ở đây còn cụ Tổng với bà hai bà ba nữa mà, nên làm gì cũng nên kiêng trước dè sau. Thoại Mỹ chẳng sợ người ta mắng mình, cô chỉ sợ cậu bị người đời nói sau lưng thôi.
Gả vào nhà giàu mà, có cái tốt nhưng cũng đầy rẫy cái xấu. Tiền bạc chẳng bao giờ phải lo, nhưng tình cảm giữa con người với nhau mới khó đoán?
Cứ thế cho đến xế chiều, khi hoàng hôn nhuộm đỏ cả một góc trời phía tây thì người làm trong bếp bắt đầu nhóm lửa nấu cơm. Đêm nay là tất niên, ngày mai là mùng 1 rồi, nhanh thật đấy, thoắt cái đã gần một năm kể từ ngày cô về làm dâu nhà cậu Long. Cái tết đầu tiên được nắm tay cùng cậu trải qua, chỉ nghĩ đến thôi đã thấy trống đánh rộn ràng trong lòng rồi.
Khói bếp như tấm khăn voan trắng của nàng tiên trên trời, bay lên cao rồi tan như đám mây giữa đàng. Thoại Mỹ đứng trên hè đếm sơ sơ cũng có khoảng 10 người đang nấu nướng ở bên trong, trai gái đủ cả, các chị đàn bà thì đang nhặt nốt mấy bó rau, đàn ông khỏe hơn thì đứng bếp xào nấu, mùi thơm bay ra làm ai nấy bụng sôi ùng ục.
Đêm nay nhà cụ Tổng ăn tất niên to quá, thường thì kẻ hầu hạ toàn người ở làng, ngay gần đây cũng có. Vì nơi này trả công cao, lại còn nhàn hơn đi cấy ngoài đồng, nên người ta chen mãi mới thò được một chân vào. Vào đây rồi mới biết mọi thứ chẳng dễ xơi như vẻ bề ngoài, lằng nhằng không trung thực là vừa bị ăn một trận đòn nhừ tử vừa bị tống cổ khỏi làng ngay.
Tất niên năm nào cụ cũng đãi toàn bộ người làm trong nhà một bữa no nê, rượu chè bê bết, thích ăn gì thì ăn, uống gì thì uống, nên người nào mặt cũng vui ơi là vui, cả năm chỉ chờ đến ngày này.
Thoại Mỹ đứng không cũng chán, cậu Long mới bị gọi đi vào phòng cụ Tổng rồi, kể cũng lạ, 30 Tết mà ông còn bàn chuyện công việc với cậu. Thoại Mỹ rảnh rỗi, ở đây cô không phải làm gì cả, mà cũng chẳng ai cho cô động tay vào làm, đi đến đâu người ta cũng chào cô bằng mợ, nên phải giữ ý tứ.
Có người phụ nữ đi từ ngoài cổng vào, bà ta hãy còn trẻ lắm, tầm 40 tuổi là cùng, mặt hoa da phấn, tay đeo toàn vòng vàng. Bà mặc chiếc áo dài nhung tím, tóc vấn gọn trên đầu toát lên vẻ quý phái, bà không đi cùng người hầu, nghĩ một lúc cô mới ngớ ra, hình như là phòng tam của nhà cụ Tổng, mẹ ba của cậu Long. Hôm đám cưới Thoại Mỹ có nhác trông thấy khuôn mặt này rồi.
Người hầu nhìn thấy bà thì cúi đầu kính cẩn, bà không nói gì, chỉ vẫy vẫy tay ra hiệu cho người ta làm việc tiếp. Trên áo kẻ làm bếp có mùi oi khói, bà ta không muốn cái thứ mùi ghê tởm ấy dính vào bộ cánh đẹp đẽ này. Thấy bóng Thoại Mỹ đứng bên thềm gỗ, liền vẫy tay gọi cô đến.
Thoại Mỹ không hiểu lắm, nhưng cũng đi xuống, chưa đến nơi bà đã nói:
- Cô là người mới à? Không đi làm việc mà đứng đấy làm gì? Cụ Tổng đâu rồi?
Thoại Mỹ ấp úng chưa biết trả lời ra sao, bà ba thấy cô mở to mắt ngạc nhiên thì không vừa ý, bà nhíu chặt đôi lông mày mới được trang điểm tỉ mỉ lại, im lặng lườm về phía Thoại Mỹ.
Thoại Mỹ lúc này mới kịp phản ứng lại, cô lặng lẽ nói:
- Thưa mẹ, cụ Tổng còn đang bàn việc với cậu Long ở trong phòng kia.
Được Thoại Mỹ gọi là mẹ làm bà ta kinh ngạc, khuôn mặt khó chịu lúc trước trong nháy mắt đã kịp giãn ra, nhưng ánh mắt hẵng còn săm soi nhìn cô từ trên xuống dưới khiến cô ngứa ngáy khắp người.
Đoạn bà ta nói:
- À, hoá ra là cô Thoại Mỹ vợ cậu Long đây mà? Trời sắp tối nên tôi không nhìn rõ mặt cô, ông đang bận thì thôi tí nữa tôi lại sang tìm vậy. Chào cô.
Bà ba nói rồi quay phắt lưng ra khỏi cổng, nhanh như cái cách mà bà ta đến, thái độ đối với Thoại Mỹ không dễ chịu cho lắm, cô còn nhớ như in cái nhìn sắc lẹm từ đôi mắt thâm thuý kia. Không biết bà ba lúc nào cũng thế, hay chỉ có lúc cậu Long và cụ Tổng không ở đây bà ta mới vậy.
Nhưng chỉ đến tối là Thoại Mỹ quên hết câu chuyện khó chịu lúc chiều, cô lại cười vui hớn hở khi ngồi bên cạnh cậu trong bữa cơm tất niên. Một lúc sau bà hai và bà ba cùng nhau đến, mỗi bà có một cô hầu theo cùng, mặt ai cũng tươi tỉnh chào ông rồi chào cậu. Cụ Tổng gật gật đầu bảo các bà ngồi vào ghế cạnh bên, lại cho mấy đứa hầu gái xuống dưới ăn cơm cùng các anh các chị. Chưa đến giao thừa nhưng thi thoảng tiếng pháo tự làm của mấy đứa trẻ con vang lên, nổ ầm ầm, đôi khi còn khiến người khác giật nảy cả mình.
Tất cả mọi người cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới. Bà hai trang điểm đậm đà, khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn nơi rãnh cười hay khoé mắt, nhưng từng cử chỉ, phong thái của bà vẫn vô cùng sang trọng. Nhìn bà có vẻ hiền từ khá giống cụ Tổng, kẻ nhà giàu mà, nhìn bề ngoài như thế, bên trong có phải vậy không thì không ai có thể đoán được.
Hai bà ăn rất ít, chỉ nhấc đũa vài lần gắp đĩa rau luộc để gần đấy rồi dùng chiếc khăn mùi xoa thơm phức lên lau miệng. Bà ba đã chú ý về phía này, bà mỉm cười dịu dàng rồi tự tay rót rượu vào ly, từng giọt rượu đỏ bừng như màu máu cuộn trào rồi sóng sánh dưới đáy, đoạn bà nâng chén:
- Tôi mời cô Mỹ một ly nhé! Cậu Long giấu kỹ quá, đến Tết mới đưa vợ về nhà chơi.
Bà tươi cười, khác hẳn với người đàn bà vừa dùng đôi mắt sắc bén săm soi cô lúc chiều, nhưng Thoại Mỹ chỉ dám nghĩ thế chứ không thể vạch trần. Cô vội vàng nâng ly lên bằng hai tay, thú thật, cô cũng có chút muốn uống rượu, chai rượu nho được nhập từ Pháp, chưa bao giờ cô được thử. Vừa nãy khi cậu Long không để ý, Thoại Mỹ đã lén nhấp môi rồi, ngòn ngọt, uống vào ấm bụng lắm, rượu nhẹ hều như này cô uống cả chai cũng không say được.
Chạm nhẹ vào ly rượu của bà ba, đang định uống thì bị cậu Long chặn lại, cậu nhẹ nhàng lấy đi chiếc ly trên tay cô, nháy mắt cậu đã uống hết sạch rồi để ly về phía bên mình. Thoại Mỹ đứng hình nhìn một loạt động tác gọn gàng của cậu rồi tiếc nuối. Lúc quay sang còn bị cậu lườm cho một cái vì tội không nghe lời chồng nữa.
Bà ba thấy vậy thì chỉ biết mỉm cười:
- Trông vợ chồng cậu kìa, cô Mỹ đang định có em bé hay sao mà kiêng cữ thế.
Thoại Mỹ cúi đầu "Dạ" một tiếng ngại ngùng. Sau bữa ăn trời hẵng còn sớm, tiếng pháo dồn dập ở ngoài cổng lớn vang lên mỗi lúc một to, tiếng xe kéo khách lộc cộc đi xuyên đêm giao thừa, tiếng ai rao bánh bao ngang qua ngõ.
Cậu Long đương ôm Thoại Mỹ ngồi trên chiếc bàn con cạnh cửa sổ chờ đợi giờ phút chuyển tiếp giữa năm này qua năm khác, cậu nắm chặt tay cô không nỡ buông ra, chẳng ai nói gì cả nhưng không khí lại vô cùng hoà hợp. Chợt bụng cô sôi lên ùng ục giữa không gian tĩnh lặng ấy, cô chột dạ, lén nhìn sang bên cạnh thì bắt gặp ngay khuôn mặt đang cố nín cười của cậu.
Thoại Mỹ xấu hổ lắm, đập nhẹ vào ngực cậu một cái rồi bảo:
- Tại nó tự kêu đấy chứ.
- Ừ, anh biết, anh có bảo gì em đâu.
- Hay hai vợ chồng mình đi ra ngoài kia ăn khoai luộc đi cậu, em thấy người ta vừa rao đấy.
Cánh cổng mạ vàng kêu kẹt một tiếng rồi mở ra, hai vợ chồng nhà nào đan chặt tay nhau bước ra phía bên ngoài. Bãi đất trống gần đấy chẳng có ai thắp đèn nhưng vẫn đông nghịt toàn trẻ con đến xem đốt pháo đêm giao thừa. Người ngồi bán bánh đúc nóng, hạt dưa, hạt bí đủ cả. Thoại Mỹ bẻ củ khoai ra rồi đưa cho cậu Long một nửa, thở một hơi dài thoả mãn, chẳng biết có ai hô lên ầm ĩ: "Năm mới rồi, chúc mừng năm mới" làm náo động cả một phương trời.
Tiếng pháo giấy nổ điếc cả tai, cứ bùm bùm rồi độp độp. Chẳng biết cậu Long ghé sát vào cô từ bao giờ, hơi nóng từ củ khoai chưa kịp ăn bốc lên nghi ngút, Thoại Mỹ ngước mắt lên nhìn cậu, giữa không khí rộn ràng ấy, giọng nói dịu dàng xen lẫn sự dao động hiếm thấy:
- Chúc mợ nhà anh năm mới vui vẻ, luôn luôn nắm lấy tay anh như thế này, em nhé.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top