vet tich dau chi tren da thit

Vết tích đâu chỉ trên da thịt

(Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 06/07/2008)

"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", thành ngữ này xuất hiện từ bao giờ không ai biết, chỉ biết là quan niệm mà nó truyền tải đã ngấm sâu vào tâm thức bao nhiêu thế hệ người làm cha làm mẹ nước ta. Rất nhiều người Việt thuộc thế hệ đi trước, lúc được yêu cầu nhắc về các bậc sinh thành, đã dùng đến tính từ "dữ đòn" trước khi nhớ ra mọi tính từ tốt đẹp khác. Ngay cả những công dân trẻ của thời đại số hôm nay cũng ghi nhận tình thương roi vọt của cha mẹ họ theo cách riêng. Vài lần, trên blog của một số độc giả 9x, tôi bắt gặp những lời kể (theo phong cách rất xì tin) về trận đòn hay những lời mắng chửi mà các em mới nhận. Dường như, ký ức về những trận đòn, những hình phạt thuở nhỏ luôn in đậm trong tim óc con người ta, dù đôi khi chúng thật đáng quên. Và rất có thể, những roi vọt quá đà mà cha mẹ dành cho con cái hôm nay sẽ biến thành những hậu quả nghiêm trọng ngày mai.

Mới đây thôi, cả nước Nhật bàng hoàng vì một vụ thảm sát giữa trung tâm Tokyo. 7 người đã bị đâm chết bằng dao ngay trên đường phố, hàng chục người khác bị thương. Thủ phạm là một thanh niên mới 25 tuổi. Làm công nhân thời vụ và sống cô độc, y có vẻ không mấy thành đạt trong cuộc đời. Tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh gia đình y, người ta phát hiện ra rằng, suốt thời ấu thơ, y đã được nuôi dạy bởi một bà mẹ quá độc đoán. Bị ép học hành căng thẳng và phải chịu những hình thức trừng phạt hết sức nghiêm khắc, thậm chí phản giáo dục (mẹ đổ cơm ra giấy báo trải trên sàn nhà bắt ăn), y bắt đầu hành động hung hãn từ năm 15 tuổi. Và 10 năm sau, y trở thành một tên sát nhân điên loạn.

Có quá đáng không khi cho rằng chính những gì kẻ giết người phải chịu đựng ở gia đình là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trên đường đời và dẫn đến hành động cạn kiệt nhân tính của y trên đường phố quận Akihabara ở Tokyo? Có lẽ không ai, nhất là các bậc làm cha làm mẹ, muốn gật đầu thừa nhận điều ấy. Nhưng hãy thử đặt câu hỏi theo hướng ngược lại. Liệu kẻ phạm tội tuổi đôi mươi kia có hung hãn lao xe vào đám đông rồi nhảy xuống rút dao đâm họ không, nếu y được nuôi dạy với nhiều tình yêu thương hơn là sức ép và hình phạt? Liệu y có cô độc và thất bại đến vậy không nếu mẹ y bớt đi một chút cầu toàn và khắt khe? Khi sự việc đã xảy ra rồi, mọi câu hỏi như vậy đều chẳng có lời đáp.

Bây giờ, hãy trở lại với thực tế gần gũi hơn, ở ngay đất nước chúng ta. Khi một vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng được đưa ra công luận, có vị phụ huynh còn tỏ ra thông cảm và phần nào đồng tình với cách làm của người bảo mẫu bạo hành. Theo họ, việc mắng chửi và đánh đập trẻ vì mục đích tốt (cho trẻ ngoan ngoãn, chịu ăn uống...) là chấp nhận được. Ở nhiều gia đình, việc bố mẹ gọi con cái bằng những cụm từ tục tĩu thằng này con nọ không tiện kể rõ ra đây chẳng phải hiếm gặp cho lắm. Dường như cái câu "thương cho roi cho vọt" đang bị lạm dụng, thậm chí bị bóp méo. Nhiều ông bố bà mẹ không phân biệt được đâu là dạy dỗ nghiêm khắc, đâu là xúc phạm thô bạo, họ coi con cái họ cứ như những hình nộm búp bê, muốn làm gì, nói gì cũng được.

Nhưng mọi sự đâu có đơn giản như vậy! Đứa trẻ dù bé nhỏ đến đâu cũng là một con người với đầy đủ những cung bậc cảm xúc vui buồn, cũng biết đau, biết xót. Thậm chí vì bé nhỏ non nớt mà con người ấy càng nhạy cảm với những tổn thương và ghi nhớ lâu hơn. Trí não thơ ngây của trẻ chẳng phải vẫn thường được ví như tờ giấy trắng hay sao! Liệu tờ giấy trắng ấy sẽ thế nào nếu như những đường nét đầu tiên người ta viết vẽ lên nó lại hết sức đen tối và tiêu cực? Mà người ta ở đây là ai? Là bố, là mẹ, những người nó gần gũi và tin yêu nhất. Chắc hẳn, dù tẩy xoá thế nào, những đường nét đen tối và tiêu cực ấy vẫn để lại dấu vết trong cuộc đời đứa trẻ sau này. Có thể đứa trẻ lớn lên sẽ không gây ra vụ án mạng kinh hoàng như kẻ cuồng sát ở Tokyo kia, nhưng ai dám đảm bảo với những ấn tượng đầu đời đầy ắp sợ sệt, nó không trở thành một người thiếu tự tin và kém thích nghi. Mà trong cuộc sống ngày càng nhiều thách thức như hiện nay, hai yếu tố đó là quá đủ cho thất bại rồi.

Ai đó sẽ viện dẫn câu "có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ" để bẻ lại những lời lẽ sặc mùi lý thuyết mà một kẻ chưa làm mẹ ngày nào như tôi vừa tuôn ra. Quả đúng là tôi chưa có con, nhưng tôi đã làm con. Là con của một người mẹ dữ đòn, tôi rất hiểu những kết quả không hay mà roi vọt đem đến cho mình. Tôi luôn được (bị) mẹ dùng roi vọt uốn nắn điều này điều kia, một số điều không thật cần thiết. Kết quả là tôi không mấy tự tin hay bạo dạn, lúc nào cũng sợ sệt, lo lắng vì nghĩ mình đang làm sai. Canh cánh trong lòng nỗi sợ sệt lo lắng đó, tôi rất ngại tiếp xúc với người khác. Tôi kém hoà đồng trong giao tiếp, không biết bày tỏ cảm xúc, ở một thái cực khác thì lại hơi thất thường trong cách cư xử. Tất cả những điểm yếu này khiến tôi gặp không ít trở ngại trong cuộc sống và phải mất rất nhiều thời gian cũng như công sức để khắc phục. Đôi khi nhìn lại ngày xưa, tôi nghĩ, giá mà mẹ dung túng cho mình một chút, lắng nghe mình một chút, bày tỏ tình thương với mình theo cách ngọt ngào hơn một chút, hoặc đơn giản hơn là biết cách nói xin lỗi, thì có lẽ mọi thứ đã dễ chịu và tốt đẹp hơn...

Tất nhiên, các bậc làm cha làm mẹ có cái lý của mình khi đem các biện pháp mạnh dạy dỗ con cái. Nhưng đầu óc trẻ con đơn giản lắm, chúng không đủ sâu sắc để nhận ngay ra cái động cơ tốt đẹp trong những trận đòn đâu! Trong mắt chúng, tình thương thể hiện bằng roi vọt sẽ được hiểu là tình... không thương. Và một đứa trẻ sẽ ra sao khi thường xuyên nghĩ rằng cha mẹ không thương ta? Giống một liều biệt dược đặc trị, những thứ khắc nghiệt như roi vọt hay chửi mắng không phải là thuốc để kê cho những "căn bệnh" thông thường mà hầu như đứa trẻ nào cũng mắc phải (biếng ăn, đánh nhau, ham chơi hơn ham học...). Thuốc mạnh chỉ có ý nghĩa khi gặp bệnh nặng, mà ngay cả khi làm lui được các triệu chứng nghiêm trọng thì cũng để lại vô số tác dụng phụ. Roi vọt cũng vậy. Nó có thể khiến con trẻ cư xử có vẻ đúng ý cha mẹ hơn (và chỉ thế mà thôi), nhưng cũng mang đến những tác dụng phụ khôn lường. Thứ đáng sợ nhất để lại sau những trận đòn không phải những vết bầm, vết xước trên da thịt mà là những khoảng hụt hẫng, những vết rách trong tâm hồn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top