Vũ
metazoa_ - Vũ
••••
E rằng nước mưa và vũng máu chỉ khác nhau vì trắng - đỏ, nên kẻ điên và người bình thường thì thoáng chốc cũng như nhau.
Có Hà Anh tham gia viết thì kiểu kể một câu chuyện không-có-tình-yêu chẳng lạ lẫm gì đối với Cốc, nhưng đây là lần tiên mình đọc một tác phẩm cũng tính là hay, lại không muốn đọc nó nhiều hơn hai lần.
Mình sẽ không phủ nhận việc Hygge và Hà Anh đã hoàn thành bài làm này rất tốt, ngược đời rằng mình không muốn đọc tại vì nó nhắc đến những vấn đề mình không thích nghe, theo một cách mình rất ghét. Quá thực tế, quá sống động, quá đỗi trần trụi. Đôi khi các bạn cần một câu chuyện để gõ vỡ cái lăng kính hồng chóe của cuộc đời, thì đây là một lựa chọn hàng đầu. Bởi nó là một vấn nạn xảy ra nhan nhản ở mọi nơi, và có lẽ đôi khi, trong từng hành động nhỏ nhất. Úp mặt vào đống chữ này, rồi đánh mắt ra bên ngoài, đâu đâu cũng thấy, kể cả bản thân các bạn ở trong nữa.
Ngập ngụa, nghiên bút, đen ngòm.
Cũng dễ đoán khi nhìn vào ba từ khóa mà các cậu nhận trong đề sẽ được khai thác theo hướng hơi tiêu cực, hơi tối tăm như thế này. Đâu có nghĩa vì thế mà cốt truyện cũng dễ đoán, xây dựng lên được thành phẩm thú vị như Vũ. Đấy là hướng đi, là ấn tượng đầu của độc giả khi nhìn vào câu chuyện, nhưng chẳng hề mất đi tính tò mò và mọi thứ trong truyện đều đáng được mong đợi qua từng cái kéo màn hình.
Ngập ngụa, ý mình là, tất cả chi tiết trong Vũ đều chôn vùi mình trong thế giới mà các cậu dựng nên. Nó ngập ngụa trong những thứ bẩn thỉu nhất, dù là tinh thần hay thể chất. Cách người dân ở đó tin vào bùa ngải vô lý, bằng những vật phẩm ô uế, hay gớm ghiếc từng đồng tiền một, từng cọng lông một trên người gã béo giàu có mà kệch cỡm đó. Ngập trong máu me và bùn đất, phủ lên tất cả những gì thơ ngây nhất của khu chợ trời.
Qua từng đợt một, cảm giác các cậu đang mài chữ trên nghiên bút của Thái, rất đều và êm ru, bóng loáng như loại mực hảo hạng. Ngôi thứ nhất luôn được mình cho là mạo hiểm nhất, không kiểm soát thì lại trở thành POV, thế mà các cậu vẫn làm tròn vai, còn thay đổi hẳn cái định kiến vốn đã ở trong đầu mình khá lâu. rằng ngôi thứ nhất rất khó đọc vào, quá thiển cận và nông.
Chương 1:
Một khởi đầu tốt cho một câu chuyện.
Thành công ở đây chính là việc hai bạn có thể làm rõ cho độc giả ngay từ đầu rằng đây là tác phẩm thể loại bí ẩn, đây là tác phẩm với thông điệp về lối sống vật chất phù phiếm của con người. Một khởi đầu tốt với một loạt chi tiết cài cắm và ẩn dụ, khi ngay từ dòng đầu tiên đã có nhắc đến "cơn mưa". Cốc không rõ đây có phải là sự vô tình có chủ đích hay không, khi nhân vật chính trong truyện được xây dựng như muốn nắm hạt mưa tuột khỏi tay và cảnh vật xung quanh thì đầy mùi đất ẩm. Cả tên tác phẩm và tên nhân vật, cả năng lượng từ tác phẩm tỏa ra, đúng thật là "Vũ".
Mình có nói sử dụng ngôi thứ nhất thì thật sự mạo hiểm, nhưng trả lại là cảm giác gần gũi và chân thật trong từng chữ. Cốc đoán đây là sở trường của Hà Anh, khi mà cậu dùng nó thường xuyên trong các tác phẩm cá nhân, và đem lại ấn tượng cho người đọc.
Với góc nhìn của một gã thầy đồ, lần xuất hiện đầu tiên của khu chợ trời này có chút gì đó gọi là ghét bỏ một cách nửa vời. Đại loại như là Thái rất ghét cái chợ tăm tối không thấy mặt trời ngày mai, nhưng mà nếu thiếu đi những lời đồn đoán gớm ghiếc và những lần vung tiền kệch cỡm của gã nhà giàu thì khó mà sống được. Nho giáo. Thời cuộc. Sinh tồn. Hà Anh pha nhiều hương vị vào chương đầu này, để Cốc thấy được cá tính của nhân vật này "nửa vời" như thế nào.
Thái có thể cho chúng ta thấy phản ứng hờ hững, không quan tâm như thế nào đến mấy lời đồn vô căn cứ, có thể cho chúng ta thấy sự ghét bỏ nơi này trong từng lời kể ra, có thể cho chúng ta thấy sự tức giận đối với lòng dạ hiếu thảo của tên nhà giàu như thế nào, sự xót thương cho số phận của ông cụ chực trào như thế nào. Nhưng vẫn nửa vời lắm, vẫn ghét, vẫn xót, nhưng vẫn phải viết chữ mà bán đấy thôi?
Cốc rất thích điểm này ở nhân vật thái, có thể là bias của Hà Anh, có thể là do cậu thực sự giỏi trong việc xây dựng tính cách nhân vật. Nhưng dù có thế nào đi nữa, một nhân vật có tính chất tuyệt đối, ý tớ là yêu ghét rõ ràng, thì lại không hợp một tác phẩm hơi "đời" một tí như Vũ, nơi mà mọi thứ phải linh hoạt, mềm dẻo để tồn tại, để sống.
Người viết có nhiều phương án cho bản thân khi chọn lựa một lát cắt mà họ nhìn ra được từ cuộc sống, mà đối với mình, những gì mình đã được đọc ở Chương 1 này là tuyệt vời nhất.
Châm biếm.
Có một ít gia vị châm biếm trong chương này, tỉ như cách Hà Anh gọi tên và ví von tấm lòng hiếu thảo của "con lợn nái giả tạo", một tấm lòng mà cậu cho là "như nước biển". Bình thường khi mình tiếp xúc với Hà Anh, cũng đã nhận ra cậu là một người khéo ăn nói, và điều đó cũng đã thể hiện qua việc câu truyền đạt câu chuyện như thế này. Châm biếm không chiếm nhiều lắm ở chương này, nhưng mình vẫn sẽ đề cập đến, bởi, vài người viết châm biếm hài hước có xu hướng bị gượng, bị phản tác dụng nặng lắm. Nên là, Hà Anh đáng được khen với sự khéo léo này.
Chương 2:
Sự xuất hiện lần thứ hai của cơn mưa, nhưng mà lần này có phần đục ngầu và tanh tưởi hơn, báo hiện sự xuất hiện khác biệt hơn với cơn mưa của chương 1.
Đó là khi Vũ, cơn mưa đúng nghĩa đen hiện ra. Ở đây, Hygge đã bắt đầu se tơ cho ranh giới của kẻ điên và người bình thường, mỏng tang và tinh xảo. Cốc bắt đầu mơ hồ nhận ra rằng, có vẻ như ranh giới lần này trộn từ máu và mưa, lỏng, cắt được và liền lại ngay tức khắc.
Sự ngô nghê của nhân vật Vũ có thể sẽ chẳng làm tớ bất ngờ cho lắm, nhưng cách Hygge lồng ghép nó vào, và vai trò nó như thế nào mới làm tớ bất ngờ.
Cơn mưa tanh, và Vũ đến với bát máu gà, thứ mà nó cho là gánh mực son của Thái. Đấy là do cách sắp xếp tình tiết của Hygge có thể lật ngược tình thế, biến một điều dễ đoán thành một điểm sáng cho chương.
Thứ hai, điều mà khiến Cốc nhìn ra đây là văn của Hygge chính là cách cậu miêu tả sự vật. Cũng như Hà Anh, cũng là với sự vật đó, với khung cảnh đó, nhưng mà Hygge đem lại cho mình cảm giác dễ chịu hơn, và có vẻ như mình hợp với việc lột trần dịu nhẹ này hơn. Cốc hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt trong lối viết của hai người các cậu. Khi đây là một bài làm đòi hỏi sự phối hợp, nhờ có sự khác biệt và nét riêng của từng người, Hygge và Hà Anh đã hòa hợp nhưng không hề hòa tan.
Cách Hygge dùng từ luôn khiến mình phải nói đến mỗi khi đọc truyện của cậu. Không phải quá đặc biệt, quá hoa mĩ nhưng cậu biết rất rõ mình có gì trong tay, và cậu sẽ làm gì với đống thứ đó. Đôi khi một món ăn ngon không tính bằng nguyên liệu hiếm có như thế nào, mà là đầu bếp sẽ nấu thứ nguyên liệu thô (và phổ biến) đó như thế nào, kết quả mới được hay nhìn nhận và đánh giá nhất.
"Trái tim nhầy nhụa, đập nhịp non nớt". Cốc ấn tượng với đoạn này mãi thôi, khi những từ ngữ nói về tổn thương này lại được dùng cho những ả đào, thạo đời và chai mòn với đắng cay. Tự ái từ điểm mù, thu mình vào góc không muốn bị chỉ trỏ.
Hay là cách cậu nói về đôi môi khô khốc của Vũ và sương sớm, về thứ mùi lộn xộn, đánh mù mắt, chân thực và buồn nôn của khu chợ. Cậu cũng rất biết cách liên kết mùi hương và âm thanh với nhau, trong lần nói về âm thanh vang lên trong lồng ngực gã điên.
Sức sống và khát khao được cậu ví như mưa, tuôn trào và im lặng.
Lần đầu Vũ xuất hiện, và lần đầu Cốc thấy được thoại của nhân vật này. Ít thôi, nhưng cô đọng đủ nhiều những điều cậu muốn nói đến. Sự đối lập của một con người không bình thường, khốn khổ lại thiết tha con chữ đến thế với một con người giàu có, đổ đốn và chỉ ăn theo miệng đời; mới đến chương 2, và mình đã đọc được nhiều hơn những gì hai người các cậu viết rồi đấy.
Chương 3:
Đến lúc này, mưa đã tạnh, để thế chỗ cho nó là dòng nội tâm của Thái.
Khả năng của Hà Anh ở chương này làm mình bất ngờ hơn những gì mình đã nghĩ. Chữ của cậu khô ráp, nham nhở gai nhọn, cào rất đau đấy nhé. Vẫn với chủ đề như thế, nhưng mà cách cậu "tiếp chữ" Hygge khiến tớ phải trầm trồ, Tưởng tượng hai cái bánh răng chẳng giống nhau chút nào, nhưng khi ráp vào chạy thì khớp nhau từng mi li mét một. Có phần nặng đô hơn Hygge một chút, kì quặc là thế, hai người lại hợp nhau.
Tình hình của khu chợ ngày càng tồi tệ hơn, con bọ cạp đang dần dần chĩa nọc độc của nó ra rồi. Hà Anh cho mình thấy cái thứ khốn kiếp bao trùm lên nơi này không phải là cái nghèo, mà còn là cái sĩ dày như da heo, bạo lực và gia trưởng.
Trong cái vũng bùn đấy có thêm một kẻ lạc loài. Cốc gọi hai người đó là kẻ lạc loài, khách quan là do cách mà hai cậu xây dựng thế giới trong truyện, chủ quan thì là do tư duy của hai nhân vật đó được bộc lộ ra bên ngoài sau mỗi lần kể của "tôi".
Ở đây, diễn biến tâm lí nội tâm nhân vật Thái được phơi bày, như một vết phấn vạch dài cho khởi điểm của ranh giới kẻ điên và người bình thường.
"Tôi thì khác."
Đây là một câu khẳng định, nhưng tớ lại cảm nhận được "khác" được khẳng định một cách yếu ớt, mờ nhạt. Thế nào là điên? Thế nào là bình thường? Khi cả hai đều có lý tưởng sống trái ngược, và họ sống theo cách họ cho là đúng, sống một cuộc đời theo cách họ yêu.
Một bên là phải sống để sinh tồn, phải có tiền, phải làm gi đó để có tiền, một cách chính đáng. Bên còn lại quyết "không bán linh hồn cho những điều đáng khinh rẻ", đổi lấy sự tự do trên vai, quyết bơi ngược lại với thứ gọi là "thời vận" và cái gọi là "tiêu chuẩn".
Trong chương lần này, có một vài câu thoại mà mình khá là tâm đắc.
"Có người nghệ sĩ nào muốn trao tác phẩm của mình vào tay những kẻ không chắc sẽ nhìn đến nó lần hai đâu."
Góc nhìn của một "kẻ điên" nhìn vào trò sinh tồn của "người bình thường", khi việc làm không còn được nhắc đến niềm vui, cảm xúc cá nhân cũng không được can dự. Có lẽ vào giây phút nào đó, tiền đã thanh toán hết mọi thứ.
"Nhưng cậu không có tiền."
Mọi thứ Vũ đều có, dù ít hay nhiều, nhưng hắn không có tiền, và thế là không có gì cả. Có tiền hoặc không, mọi thứ sẽ vì nó mà quyết định thành bại. Vũ muốn được tranh chữ của Thái, lời ngỏ được đáp lại giọt nước trên hiên rơi xuống, tanh tưởi như máu trời.
Cớ sự éo le này, cũng chỉ vì tiền.
Bức tranh đề chữ "Sống" khiến mình suy nghĩ khá nhiều, và Vũ "nheo mắt" lại như đang ngắm nhìn một cái sự sống xa xôi nào đó, nằm ngoài tầm tay, và chỉ mua được bằng tiền. Vật chất ở xã hội đó nghiễm nhiên quyết định mọi thứ, kể cả những điều cơ bản nhất của con người là sự sống, tự do, và điên rồ như trinh tiết phụ nữ.
Chương 4:
Như mình đã nói với Hygge từ trước, thì chương này chính là điểm nhấn của Vũ. Nó chứa nhiều chi tiết hay ho, và không kém phần khó hiểu. Và khó thì mình phải cố gắng đào sâu để hiểu, và nếu bạn là một người đọc kĩ, thì chương này chính là bản đổ đi tìm kho báu cho bạn.
Trái ngược với ba chương đầu thì màu văn của chương lần này thì sáng hơn một chút, tươi vui hơn một chút. Bất bình thường như thế này thì chỉ có là điềm báo một điều gì đó có phần "dữ" hơn ba chương trước.
Phân cảnh Thái bày tỏ sự tiếc nuối khi muốn tặng cho người mẹ và đứa bé chữ "Mẹ", chữ "Thương" thế mà ngặt nỗi "cô ta đâu có tiền, con bé cũng đâu có tiền đâu?"
Lúc này, trong đầu mình lại thấy được nhiều điều hơn là mối quan hệ buôn bán, nhiều hơn đồng tiền và con chữ đơn thuần. Đối với Cốc, đây là bức tranh về tình mẫu tử, máu mủ ruột thịt nhưng lại được đặt lên bàn cân với vài đồng tiền con con. Và ở cái khu chợ bé tí này, một lần nữa phô ra sự chèn ép bất thành văn của đồng tiên, có lẽ có ngày đầu cọ sẽ thôi tòe, mà chết hẳn đi sẽ không xa.
Hygge khiến mình chú ý từ Inspiration với lối ẩn dụ rất thú vị, và thật không ngoa nếu nói bài thi chung kết ngày ấy của cậu là một thước phim chạy bằng chữ, đậm chất điện ảnh. Ngày ấy là đàn cánh cụt trên sông băng, bộ phim chạy ngược; nay là nụ cười được so sánh với tiếng bọc mủ vỡ ra và dây lên người Vũ.
"Cá chết trôi theo dòng, cá sống bơi ngược dòng."
Nghe thật ngược đời trong thực tế, nhưng trong câu chuyện này, nó lại khớp với từng chút một những gì đã được viết ra từ đầu đến đó. Vũ điên nhưng nó sẽ khó mà chết, bởi vì theo cái gọi là "tiêu chuẩn" ở đó, nó đang làm ngược, nó là con cá Vũ đang bơi ngược dòng. Còn Thái, vẫn theo lẽ tự nhiên, vẫn xuôi theo dòng đời đó để sống, nhưng mà rồi cũng sẽ "chết".
"Thế nào là sống? Thế nào là trọn vẹn cho cuộc đời rộng lớn? Tôi không biết, hoặc ngỡ như đã biết nhưng rơi vào điểm mù, một cái khuất tăm tối mà tôi không dám vén màn."
Nếu bạn đọc để ý kĩ, thì đây chính là một lời tự sự đáng nhớ của Thái. Có thể chỉ là đơn giản như một câu tự hỏi vẩn vơ của Thái trong thế giới của họ, nhưng mà ai biết được, có khi đó là câu hỏi dành cho bạn, hỏi cả những người đang ngồi ở trước màn hình.
Thái có thể đã biết, biết rất rõ về "sống" này, nhưng mà lại "không dám vén màn", tất nhiên cũng chỉ vì sự "tồn vong" của bản thân mà thôi. Mình nhận ra điều mà cả hai cậu muốn nói, ranh giới giữa kẻ điên và người bình thường chỉ khác mỗi cách mà họ định nghĩa sự sống.
Cậu khôn khéo trong việc lựa chọn hình ảnh để ẩn dụ, và việc nhét quá nhiều hình ảnh ẩn dụ đó đôi khi lại khiến cho câu từ quá khó hiểu để đọc, và với một phương tiện thông tin quá khó để đọc, thì nó sẽ giảm đi giá trị đọc lại của nó. Tuy nhiên, đây chỉ là một "điểm mù" chút xíu trong quá trình tớ đọc mà thôi, không thể nào vì nó mà bỏ qua cả những thứ mà các cậu đã dày công xây lên được.
"Cậu là người bình thường!" hay "Bình thường nhất trong lũ điên còn lại!"
Cuối chương được chốt lại bằng câu thoại mở của nhân vật Thái, thứ mà đối với mình, đã tác động lên việc thiên vị chương này hơn một chút.
Dù là câu thoại bật ra nơi đầu môi, hãy mãi mãi ứ nghẹn trong lồng ngực của Thái thì đều đóng vai trò rất lớn trong điểm chính mà các cậu muốn khai thác: ranh giới giữa kẻ điên và người bình thường.
Cốc khá là tò mò tại sao lời cuối của Thái lại không được nói ra, vì biết đâu nói ra thì Vũ cũng chẳng hiểu gì. Một điểm nhìn hay ho của Thái về ranh giới này, khi mọi thứ đang mỏng dính và chẳng còn phân biệt được đâu là đâu.
"Kể cả tôi."
Chương 5 & Chương 6:
Lí do mình gộp hai chương này lại với nhau là bởi vì mình nhận thấy được sự liên kết chằng chịt lên nhau trong từng chi tiết ở từng chương, mà khi tách ra, nó sẽ mất đi những tầng nghĩa vốn có của nó.
Đối với Cốc, đây là hai chương nắm giữ chiếc chìa khóa cho hộc tủ "bí ẩn" từ đầu truyện đến giờ, sẽ có những chi tiết đắt giá, mà mình nghĩ rằng các bạn nên tìm đọc và tự tìm ra cho mình câu trả lời riêng thì hơn.
Dẫu vậy. Cốc sẽ chẳng bỏ qua được vài điểm sáng nổi bật nhất trong những điểm sáng của mỗi chương.
Vẫn luôn như thế này, thoại của hai người các cậu viết luôn có sức chạm nhất định đối với người đọc.
Như ở chương 5, quan điểm "có tiền mới là người bình thường" được bật ra từ miệng của một gã điên đã thật sự làm tớ tỉnh dậy sau một hồi văn bằng bằng xuyên suốt chương này. Khi mà nó nhận thức được điều này, lương tri đã rơi oạch xuống sạp tre như ống điếu trên tay nhân vật Thái. Một cách đường đột, các cậu đã cho Cốc thấy được rằng, con cá đang quay đầu xuôi theo dòng nước, và con cá đang chết.
Cuối cùng, chương 6 là một cái đinh đóng mạnh vào bản lề của tập giấy Vũ này, cũng như phần giải đáp về máu gà, về số phận của đồng tiền, về kết cục của việc quay đầu theo dòng nước.
Đúng như lời khẳng định ban đầu, nhiều lần và gần nhất là ở cuối chương 5, thằng Vũ điên đã chết. Không chỉ chết đi phần điên ở trong nó, mà chết đi Vũ ban đầu, Vũ nguyên sơ và còn lương tri. Có một điều làm tớ khó hiểu nhất từ lần đọc đầu tiên đến lần đọc cuối, chính là "trò chú cá tập bơi" trong lời của đứa bé. Tại sao Vũ đã làm trò đó? Nó có ý nghĩa gì, và sao lại giết những sinh linh đầu đời, vì trò chơi này?
Lời cuối, dịp cuối để Cốc được gửi lời đến cho Hà Anh và Hygge, cũng như toàn bộ gia đình nhà Bánh mì.
Cảm ơn cả hai cậu đã bỏ thời gian và tâm huyết rất nhiều cho những con chữ này, đem đến một tác phẩm không đơn thuần là về lối sống vật chất, mà còn là cả tình yêu thương giữa người và người, sự đánh đổi khập khiễng trong cuộc sống và mặt trái gớm ghiếc của xã hội đó. Bản thân Cốc rất biết ơn Thảo, cũng như cực kì trân trọng sự chỉn chu trong quá trình beta của Thảo. Phần nào đó nói cho chúng mình rằng, công sức của cả hai bên đều được tôn trọng, tụi mình rất quý điều đó.
Chúc mọi người một mùa Giáng sinh ấm cúng, năm mới thật đong đầy và hạnh phúc!
Verleden 52 Hz, Dâu, Mèo, Cốc xin chào tạm biệt mọi người. Giữ gìn sức khỏe nhé!
#Verleden 52Hz
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top