ước mộng hóa tàn tro
jesuissa - ước mộng hóa tàn tro
••••
Hay đi dạo loanh quanh trong ficdom, nên Cốc đã đọc phần lớn tác phẩm của các bạn ở số Vặn đài này rất nhiều lần trước đó, trước cả khi có cả Cốc. Điển hình là Ước mộng hóa tàn tro của Sa. Đọc từ hồi mùa 2, và nhớ nó mãi vì thông điệp được truyền tải qua câu chuyện.
Đây là một tác phẩm có đề cập đến việc bị cưỡng hiếp, các bạn nên đọc lời đầu của Sa trước khi vào truyện cũng như chú ý đến điều này trước khi tiếp tục đọc số Vặn đài lần này của nhà Cá.
Không phải là tất cả, nhưng trước thời điểm Cốc lần đầu đọc Ước mộng tàn tro, bản thân mình gặp phải số nhiều truyện có tình tiết bị lý tưởng hóa việc cưỡng hiếp này. Cho nên, lần đầu đọc thì đã nhớ ngay, vì sự khác biệt chưa từng có này (ít nhất là đối với người kén như Cốc.)
Xét về cốt truyện, Sa chọn cách đi vào vấn đề đơn giản cực kỳ. Như bạn đã nói ở lời đầu ấy, chỉ xoay quanh ba từ khóa: "bắt cóc - cưỡng hiếp - giải thoát". Chẳng cần gì nhiều rắc rối, nhưng mà Cốc dám chắc là không phải ai cũng làm được. Đối với mình, đây là một chủ đề mạo hiểm. Nó đòi hỏi nhiều kiến thức thực tế, không hiểu rõ mà viết thì sẽ gây sạn ngay.
Một điều mà tác phẩm nào của Sa cũng thể hiện rất rõ nét, chính là ngòi bút của bạn. Khó mà lẫn đi đâu được, tại vì nó thật quá. "Thật" đến độ mình phát ớn khi đọc tác phẩm này lần đầu tiên, giống như ngồi xem trực tiếp diễn lại hiện trường vụ án ngay trước mặt hơn là ngồi trong phòng đọc truyện giải trí. Và cả lời thoại của hai nhân vật, không phải cần dày đặc để diễn tả diễn biến nội tâm nhân vật . Dài nhất là hai dòng, nói ít thôi mà bắt người đọc phải hiểu rất nhiều.
Bên cạnh đó, là truyện của Sa chưa bao giờ là thứ phù hợp để đọc giải trí. Các bạn đọc sẽ khó mà cất đi suy nghĩ, chừa mỗi con mắt để đọc chữ. Dù có muốn hay là không, từng chi tiết bé xíu trong truyện của Sa đều bắt mình phải ngẫm, qua tới đoạn nào rồi mà tâm trí vẫn kẹt ở chi tiết đó. Phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cảm giác bản thân mình vừa bỏ sót thứ gì đó, khó hiểu (?)
Khung cửa sổ ám khói, đục ngầu, đau rát.
Ba từ này cũng chưa tóm tắt đủ cảm nhận của Cốc sau khi lần đọc Ước mộng hóa tàn tro lần gần nhất. Không còn ngỡ ngàng như lần đầu tiên, nhưng vẫn sẽ đọng lại rất lâu về sau.
Ngòi bút của Sa không phải là kiểu nổi bật đến nỗi đọc một lần là sẽ nhớ, mà bạn sẽ được nhớ đến bởi cách sử dụng ngòi bút này như thế nào. Như mình bảo đó, "khung cửa sổ ám khói" có thể là từ mà mình dùng để nhắc đến Sa sau này. Giống như đang đứng ở một vùng đầy nắng nhập nhòa, thì một căn nhà đóng kín với khung cửa sổ ám khói sẽ thu hút sự chú ý của bạn (nhưng mà bạn cũng phải để ý lắm mới nhìn ra cơ). Và như một khung cửa sổ cũ, chẳng có gì phải cầu kì hết, chỉ đơn giản là khung gỗ bám bụi và tấm kính ám khói. Chất liệu chỉ cần có nhiêu đó thôi, nhưng mà chạm vào thì sẽ khó mà quên.
Sa chọn những điều tầm thường nhất của cuộc sống này đưa vào truyện, khu ổ chuột rong rêu, tệ nạn xã hội. Nó tầm thường, nhưng mà không phải ai cũng để tâm. Như mặt chìm của tảng băng trôi, Sa cắt một miếng rồi cho vào lồng kính vậy đó. Và ai mà biết được, sau cánh cửa mờ đó có gì?
Ở lời đầu, Sa có nhắc đến "xanh - tự do" và "đỏ - tình dục", mình đọc lại có chương tên là "đen" và mình đã mất tầm 2 phút tự giải nghĩa tên chương này. Cốc đoán đây là màu bịt mắt nhân vật Ngọc Tân (?) khi bị bắt cóc. Hoặc là màu đen, bắt đầu cho một chuỗi ngày bị hành hạ và xâm hại. Cốc thường khá để ý đến tên chương của tác phẩm của các bạn (nếu có), và chưa bao giờ mình cảm thấy các bạn đặt nó một cách ngẫu nhiên và vô nghĩa cả.
Đục ngầu, như bất kỳ câu chuyện nào, tình huống nào cũng sẽ có bắt đầu. Tấm gương trước khi bị vẩn đục như khói xám, thì cũng đã từng là một thứ gì đó trong veo và xuyên thấu. Cốc chọn từ "đục ngầu" để nói về cách Sa mở đầu, bởi vì ngay từ lúc mở đầu câu chuyện, bạn đã thiết lập ngay với từ khóa "bắt cóc" rồi.
Văn phong của Sa làm mình nhớ đến mùi đất ẩm sau mưa, hơi ẩm bốc lên ngai ngái. Sau cơn mưa không có cầu vồng, nhất là sau khi đọc truyện của Sa, tất cả mọi thứ sẽ bị vùi lấp dưới lớp đất ẩm này.
Sa không dùng quá nhiều từ hoa mỹ để miêu tả cái xấu xí, mặt lật trái của cuộc sống này. Nhưng mà đọc đến chữ nào thì cảm được chữ đó, như toàn bộ chua chát của cuộc đời và sự mục ruỗng của đạo đức con người được gọt lại tỉ mỉ mà đính vào chữ ấy.
Không cần phải trải qua rồi mới hiểu, chỉ đọc thôi đã thấy đau rồi. Cốc bảo ban đầu đấy, nó giống như là ngồi xem trực tiếp hiện trường vụ án ấy, chân thực mà đáng sợ lắm rồi. Từ dành cho nỗi đau thì ít, mà trần thuật lại quá trình nhân vật đã trải qua nó thì nhiều. Có một đoạn Cốc đọc xong thì không dám đọc lại lần hai, hình như là ngay sau khi lần đầu đọc. Với đoạn thời gian đó của mình, thì đọc được nó là điều đáng sợ. Không phải là chưa ai nói cho mình là nó "thật" như thế nào, nhưng mà đấy, vẫn cố chấp đọc thử. Không dám đọc lần hai ngay sau đó, nhưng sau này thì chưa bao giờ phải hối hận vì đọc được nó.
Tàn thuốc lá, thiên thần, đạo đức.
Như điếu thuốc mà Tân đã có được từ Ân sau khi bị cưỡng hiếp vậy. Đọc liên tục thì chỉ thấy nó đơn giản là một điếu thuốc đúng nghĩa đen, nhưng mà riêng với cá nhân Cốc, từ lúc Ngọc Tân nhận lấy nó, điếu thuốc đã thành tàn thuốc từ bao giờ rồi. Bằng một cách nào đó, điếu thuốc làm mình nhớ đến khát khao thoát khỏi con quỷ và sống sót ấy? Nhưng mà ngay từ lúc cầm lên, đã là tàn rồi.
Nghe thì giống như "cigarette after sex", nhưng mà trong tình huống éo le cực kì, nếu không muốn nói là biến thái (?) Nó chỉ làm bật lên sự khốn cùng Ngọc Tân của lúc đó và sự vô nhân tính không thang đo nào đếm nổi của Ân mà thôi.
Thiên thần, hình ảnh này được Sa nhắc đến rất nhiều lần và gắn nói với đôi cánh trắng. Bị vấy bẩn ở "đen" rồi hoàn toàn bị chặt đứt ở "xanh". Phép màu đã tự đánh mất đi vị thiên thần đó, và không một kì tích nào xảy ra cho tự do một lần nào nữa.
Mà nhé, thứ trái ngược với thiên thần - ác quỷ, lại được Sa nhắc đến với tần xuất khá là khiêm tốn so với thiên thần. Cốc tò mò liệu đây có phải là chủ ý của Sa hay không, ngầm tự hiểu. Hay là đằng sau vẫn còn lí do khác nữa?
Và dù có nói đến không nhiều đi chăng nữa, thì Sa vẫn thành công trong việc xây dựng hình mẫu nhân vật một cách tự nhiên. Mình thường thấy "A - một thiên sứ của loài người, mong manh, trân quý,..." hay là "B - hiện thân của ác quỷ, ác độc,...". Một vài tác giả thường đặt ra một cái khuôn mẫu cho nhân vật rồi "ép" nhân vật đó đi theo một hướng đó từ đầu tới cuối. Quá cliche và dễ đoán, "ước mộng hóa tàn tro" trông có vẻ như thế, khi hầu hết ý đồ được Sa ghi chú ở lời đầu. Tuy nhiên, đọc xong rồi mới hiểu, thật ra không phải vậy.
Bên cạnh đó, một tác phẩm như thế này đã mở rộng góc nhìn của người đọc ở một góc độ nào đó khi dùng ngôi kể thứ 3 cho nó. Cốc vẫn chuộng những tác phẩm dùng người kể toàn tri này hơn những tác phẩm với ngôi kể thứ nhất (na ná như POV, khó mà kiểm soát để làm tốt.) Người đọc mất đi một phần cảm giác gần gũi, nhưng lại thêm một chút bao quát cho vấn đề, nhất là với một cốt truyện ôm trọn vấn nạn trong xã hội như thế này.
Đạo đức, khía cạnh này như đoạn nhạc nền mà Sa cho chạy xuyên suốt buổi trực tiếp ấy, có những nốt trầm bổng xen kẻ làm điểm nhấn là một trong những điểm sáng của "ước mộng hóa tàn tro".
Đối với nhân vật Thiên Ân, thói đời lạnh buốt khiến đạo đức trở thành một điều vô nghĩa, "thứ luật lệ luôn thay đổi" làm Cốc nghĩ đến chuẩn mực xã hội và tiêu chuẩn kép nhiều hơn là "đạo đức". Lúc đọc xong đoạn miêu tả diễn biến nội tâm thể hiện quan điểm của Thiên Ân về đạo đức, trong đầu Cốc chỉ nhảy ra một chữ thôi: "chết". Phần người của nhân vật này chết rồi, Thiên Ân chết rồi, chỉ còn là nó với phần ngợm của chính nó mà thôi.
Ngọc Tân trở thành đạo đức của nó, và với lí do ngăn cản nó sa vào "hố sâu của tội lỗi" cũng chính là một cái cớ để nó gây tội.
Bên trên là một số thứ nằm lại trong đầu mình sau mỗi lần đọc xong hoàn toàn các chương. Còn bây giờ thì nhìn kĩ vào từng chi tiết trong mỗi chương một chút vậy.
1. "đen"
Tên của chương này chưa được nhắc đến trong lời đầu của Sa, và đây cũng là cơ hội cho Cốc được bẻ hướng suy nghĩ về chương nèo theo bản thân. Khác với "đỏ - tình dục" hay nguy hiểm, cảnh báo (Dâu thấy thế) và "xanh - tự do" thì màu "đen" này không mang lại cho mình nhiều tầng cảm nhận như thế.
Điều đầu tiên đến với mình khi nghĩ về màu đen này chính là tấm vải che mắt Ngọc Tân, bị bịt mắt bị bắt cóc. Sâu sắc hơn một chút, với Cốc, thì sắc tối đen này thuộc về khung cửa sổ ám khói nọ. Soi bóng đạo đức của con người, từ khi gần cạn kiệt đến khi mất hút. Nếu có thể, Cốc vẫn rất mong được nghe lời giải thích từ Sa về tên chương "đen" này.
Không cần phải quá dài dòng, lan man, bắt đầu ngay từ phân cảnh bị bắt cóc được mấy ngày rồi. Với những từ khóa mà Sa đã nói ở lời đầu thì bạn đã thật sự bám rất chắc từ "bắt cóc".
Sa có cho mình một kho từ vựng rất ổn, có trường từ vựng để cụ thể hóa một vấn đề nhất định. Ví dụ như mấy vết thương hay cách bạn ví von những cử chỉ của nhân vật trong truyện, có liên kết và hệ thống với nhau từ đầu tới cuối.
Phải nói là rất "thực". Cốc nghĩ bản thân mình đã nhắc lại điều này lần thứ hai thứ ba gì rồi. Nhưng mà đây là thứ nên nhấn mạnh. Hình như đây là đặc trưng văn phong của Sa rồi. Với Cốc mà nói, đây là một cốt truyện rất khó "nhai", phải thật sự có đủ sự quan tâm với vấn đề xã hội, chắt lọc rồi mới viết ra được như thế này. Tiếp đó, là Sa biết rất rõ mình đã và đang làm gì với plot này, điều này thể hiện qua sự chắc chắn luôn nằm trên con chữ của bạn.
Lời thoại của nhân vật, ngoài nội dung tổng quan của chương này ta thì đây là một yếu tố làm nên ấn tượng đầu của Cốc về "ước mộng hóa tàn tro" thật khác biệt.
Khó tin làm sao khi một người bị bắt cóc nhiều ngày có thể ngồi nói chuyện bình thản với người đã bắt cóc mình như Ngọc Tân. Đây có lẽ xuất phát từ niềm tin của Tân có phần bị lạc quan quá mức (?)
Có lúc Sa đã gọi Ân là một tên "nghệ sĩ" nôn nóng thưởng thức tác phẩm. Và biết đâu, "nghệ sĩ" này mới là người đứng sau bức tranh thiên thần - quỷ dữ lẫn lộn này?
2. "đỏ"
Cốc nghĩ rằng bản thân mình không cần nói quá nhiều về chương này, Thứ nhất, "đỏ" thật sự là chương đắt giá nhất trong tác phẩm. Thứ hai là, Cốc nghĩ mình chưa quen với việc trần thuật lại diễn biến của một sự việc mang tính chất như thế này. Độc giả nên tự mình thưởng thức, để có một cái nhìn khách quan nhất về chương này.
Tất cả sự kinh khủng của một nạn nhân bị cưỡng hiếp đều nằm ở đây hết ấy, đáng sợ thật sự. Sa có bảo là viết xong mà đọc lại thì thấy chưa hoàn thiện và ưa ý đối với Sa cho lắm. Nhưng mà thật ra, sự "chưa hoàn chỉnh" này lại một phần nào đó làm cho sự đau đớn và khủng khiếp của một người bi hại qua lăng kính của Sa trở nên hoàn thiện hơn. Thật đấy, càng cảm thấy việc làm tình càng cục mịch và khô khan, cơn ác mộng này càng thêm lấp lánh.
Tệ hại khiếp.
Mình có cơ hội được tiếp xúc qua các nạn nhân bị hại đang sinh sống ở các làng bảo trợ, đa phần đã vượt qua một vài phần của sang chấn trong quá khứ. Tổn thương về mặt thể chất thì vẫn còn nằm đó mãi, nhưng mà tổn thương tinh thần thì mờ nhạt lắm, ngỡ như là không có gì hết vậy. Cốc hiểu rằng đó là sự chữa lành của thời gian, nhưng mà chưa bao giờ dám nghĩ đến những việc họ đã trải qua là như thế nào. Không hẳn là hoàn toàn, nhưng mà "đỏ" phần nào giúp mình mường tượng ra những gì mà họ đã chịu đựng.
Về mặt ngôn từ, Sa làm mình ấn tượng với cách sử dụng từ của bạn. Không quá phong phú, nhưng mà độ sát thương cần có thì thừa luôn rồi. Mình nhớ là trong ficdom có một bạn có thể gọi tên thứ đó mà không đề cập đến nó luôn (đọc rất phiêu và nhẹ nhàng), thì với một phiên bản (...) bị cưỡng cầu và đe dọa, cách Sa gọi nó là "con hàng" khiến Cốc nổi cả da gà lên. "tát", "dí" - những động từ đi cùng càng khiến cho mình thấy độ vặn vẹo trong suy nghĩ của Thiên Ân đã đạt đến nhường nào. Thô thiển, khô ráp như vết chai tay vậy.
"Và thế là gã quên khuấy mất, trừ lúc mắt anh hoen đỏ, thì suốt cuộc hoang dại ấy, Ngọc Tân không khóc."
Câu cuối này làm Cốc khựng lại đôi lát nữa. Lại phải nghĩ nhiều, và nó như một ngọn đèn "đỏ", cảnh báo cho những gì sẽ xảy ra với "xanh"
Sợ thì sợ thật, cơ mà đọc xong thì các bạn sẽ hiểu tại sao nó đáng đọc như thế. Và một lần nữa, Cốc không biết nói gì cho đủ với cảm nhận sau khi đọc xong chương này.
3. "xanh"
Xanh màu triền dốc, với Cốc là như thế. Con dốc có hai đầu, thì sau khi qua khỏi triền "đỏ" và đỉnh dốc, qua bên kia sẽ là màu xanh.
Xuôi triền, là sự giải thoát. Một người chị từng bảo với mình: "Nhiều người như em, "đỏ" là chương ấn tượng nhất. Nhưng mà với chị mà nói, "xanh" là màu nhẹ nhất nhưng lại nặng nề nhất."
Cốc đã thử nghĩ lại, và đúng là như thật. Thiên thần tự giải thoát cho chính bản thân mình, không bằng một phép màu gì sất.
Đọc qua mấy dòng đầu thì trông có vẻ như Ngọc Tân đã dần dà chấp nhận với số phận này của mình, bị bắt cóc, giam hãm và làm hại đến cuối đời. Rồi suy nghĩ này lại biến mất khi mình thấy Sa viết rằng Tân đã có lúc "hùa" theo, mình thắc mắc, đây hoàn toàn không phải là dấu hiệu bình thường của một người chấp nhận gục ngã dưới nghịch cảnh (?)
Và ừ, đúng là không phải hoàn toàn chấp nhận rồi. Cuối cùng, Ngọc Tân cũng xin phép Thiên Ân cho anh ra ngoài, với một câu trả lời đã đoán trước, đây như một nhát dao ấn định cắt đứt hy vọng và sự sống của anh.
Không phải ngay tức khắc, mà là từ từ, chậm rãi. Kiểu thời gian này càng làm cho việc diễn ra sự "giải thoát" thêm phần bi kịch,
"Anh lạnh rồi."
Ba chữ, nhiêu đó thôi mà đau đến tận cùng. Cái chết của Tân không đơn giản nằm ở ba chữ ngắn gọn này, mà nó thật sự kéo dài từ "đen" tới "đỏ" kia kìa. Ba chữ đó không hề đủ để diễn tả một cái chết mang tính then chốt trong câu chuyện này, đúng hơn là chỉ là một cái khóa, và mấy ngàn chữ của hai chương trước chính là của cải trong hộc tủ có khóa ấy.
Xong, mọi thứ còn lại đều là vô nghĩa. Đến cuối vẫn là dồn con người ta đến đường cùng, không kể họ là ai đi chăng nữa, có mạnh mẽ và niềm tin vào phép màu như thế nào.
Sa và Aden chưa bao giờ làm mình hối hận vì đã mời hai bạn làm BGK cho ITO, và Cốc tin là gu đọc văn của mình không tệ đến như thế. Như Aden, Sa cũng có những câu văn ăn tiền, nằm ở những vị trí mà không ai nghĩ đến. Nó giống như "punchline", kéo tất cả mọi thứ mình đọc nãy giờ vào một câu, và chắc chắc rằng, khi nhắc về tác phẩm này, bạn sẽ nhớ câu đó.
"Ước mộng hóa tàn tro, hy vọng tất cả chỉ là tàn tro cay cay nơi khóe mắt làm người ta khó chịu."
Một lời khuyên hơi mang tính cá nhân một chút, rằng các bạn đọc đừng bỏ qua lời cuối của truyện. Những điều cần giải thích sẽ nằm ở đó hết, và, lúc Cốc đọc xong cũng đã phải "ồ, ra là thế á?".
Những gì cần nói mình đã nói, cảm ơn thì cũng đã nói rồi (nói nữa sợ có người ngại). Thế nên, mình sẽ cảm ơn tác phẩm này. Những con chữ thật khác so với 6 tác phẩm ở những số trước, mình không biết nói như nào, nhưng mà đọc đi, rồi các bạn sẽ nhận ra thời gian bạn bỏ ra không phí chút nào.
Lời cuối, hơi ngoài lề một chút. Nhân dịp gặp chủ đề này, Cốc cũng luôn tiện nói đến một vài tổ chức/dự án phi lợi nhuận hỗ trợ những nạn nhân bị xâm hại. Cốc chỉ đưa ra dựa trên trải nghiệm làm cộng tác viên của cá nhân. Chấm Bi Đỏ, một tổ chức phi lợi nhuận làm về nội dung giáo dục giới tính. Hằng năm, tổ chức này thường kết hợp với One Body Village làm ra những dự án gây quỹ và hỗ trợ tinh thần cho các nạn nhân. Nếu có duyên, các bạn có thể tham gia, dưới bất kì vai trò nào bạn có thể, phần nào đó giúp đỡ những người bạn không may. (Tham gia đi, biết đâu gặp lại Cốc, nhỉ?)
#Cốc
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top