Sương rừng
__latibule - Sương rừng.
•••••
Cốc cảm thấy bản thân rất may mắn khi được đọc tác phẩm "Sương rừng" của Aden trong số lần này. Có một điều mà Cốc khá chắc chắn, "Sương rừng" hẳn là một trong những tác phẩm mà bạn tâm đắc nhất.
Dưới góc nhìn của mình, văn phong của bạn thật sự mang một nét rất riêng, là duy nhất, là chỉ có Aden mới có được. Trong tác phẩm lần này, bạn chọn một bối cảnh không lạ lẫm mấy đối với người đọc: thời chiến. Tuy nhiên, điều mà ai cũng sẽ ấn tượng chính là lối viết của bạn.
Xanh màu áo lính, trần trụi, đóa hoa rừng mộng ảo
Xanh màu áo lính, trần trụi, và là đóa hoa rừng mộng ảo. Nghĩ mãi một hồi, Cốc mới nhìn ra được những yếu tố làm nên ngòi bút của bạn. Nếu Hà Anh, tác giả số trước mình đã làm việc cùng, chọn màu chủ đạo xanh dương cho bức tranh có bối cảnh tương tự như bạn. Thì Aden, cũng chọn một sắc xanh, nhưng mà là xanh lá cây rừng, xanh rì rào tiếng vang giòn tan của cành gỗ khô.
Áo lính, cỏ úa.
Bất cứ ngóc ngách nào trong con chữ của bạn, cũng ánh lên một sắc xanh lạ lùng, dù là bé nhỏ, dù là không một từ nhắc đến màu xanh.
Dù bạn có diễn tả đến những cảnh máu me, những khoảnh khắc sát bên nòng súng đen ngòm của địch, Cốc vẫn luôn thấy sự hiện diện của màu xanh áo lính, chất liệu màu đặc trưng, làm ra một nét thơ phủ lên những áng văn có phần gai góc của bạn.
Ti tỉ thứ để nói về cách bạn lồng ghép sắc màu này vào trong câu chuyện, người đọc có thể hiểu ý nghĩa của chúng qua nhiều cách. Nhưng đối với riêng bản thân Cốc, trong câu chuyện này, màu xanh là sự non nớt của tuổi trẻ, sự lạc quan và mơ mộng của Long Gừng ở đâu đó giữa bạt ngàn núi rừng và bom đạn, là màu áo lính khoác lên sức trai tuổi đôi mươi, là màu xanh cỏ úa - biết ngày đi, chẳng dám nghĩ ngày về.
Trần trụi, Mùa hè đỏ lửa 1972.
Trần trụi, ý Cốc ở đây là bản chất của cốt truyện trong tác phẩm này. Về thời chiến tàn khốc, chiến trường ngập trong khói bom và chết chóc. Toàn bộ chi tiết đều được bạn diễn tả rất chân thực, kể cả những cái xác nằm sấp ngửa trương phình trên mặt nước, cả tiếng súng om trời mà dứt khoát đã cướp tính mạng đi đội trưởng Thái Nam.
Văn bạn vẫn đẹp lắm, nét đẹp của khao khát hòa bình trong chiến tranh, là vẻ đẹp mà Cốc chẳng biết gọi tên là gì. Những điều đáng sợ, bạo lực và ám ảnh, tất cả mọi thứ làm cho câu chuyện này thêm phần lấp lánh, sáng chói như điều đẹp đẽ nhất trong khu rừng chiến tranh.
Hẳn bạn bạn phải yêu thích nghệ thuật và lịch sử lắm, khi đó mới có thể nghiên cứu ra được những thứ như thế này.
Không biết bạn đã coi bộ phim Mùi cỏ cháy chưa, nhưng mà từ những dòng chữ đầu tiên của bạn làm Cốc nhớ về bộ phim này rất nhiều, nhớ về Mùa hè đỏ lửa 1972 lắm.
Tuổi trẻ và chiến tranh, tình riêng và nghĩa nước, tất cả những gì mình vốn có thể đã được đọc từ sách vở, từ những tác phẩm cổ điển. Nay các độc giả đã có thể đón nhận những khía cạnh đó một cách gần gũi hơn qua tác phẩm của bạn. Mình rất trân trọng điều này, bởi thật sự, kiếm một tác phẩm có giá trị nhân văn chất lượng như thế này rất hiếm.
Nuốt chửng cả những giấc mơ.
Bây giờ Cốc sẽ chưa nói nhiều đến từng tình tiết được xây dựng xuyên suốt của bạn, mà là cái kết của câu chuyện. Bạn biết cách dẫn đến bất ngờ một cách dịu dàng và tự nhiên lắm. Đọc lần đầu tiên, mình sẽ có cảm giác như đã bị thôi miên mà quên đội mũ bảo hiểm vậy. Đến những lần sau, mặc dù đã biết cái kết day dứt mà đau đớn như thế nào, Cốc vẫn muốn thả bản thân trôi theo dòng cảm xúc như vậy, lờ đi những cảnh báo có sẵn. Điều này có nghĩa là, tác phẩm này của Aden có giá trị đọc lại rất tốt. Chỉ xét đến ngang đây thôi, cũng đủ để khẳng định đây là một tác phẩm thành công.
"Chỉ sợ một ngày thực tế quá đói khát, bọn trẻ chúng mình sẽ nuốt chửng cả những giấc mơ."
Một câu nói mà mình đã đọc được ở đâu đó, mà vào lúc này rất thấm để tóm gọn về nội dung của câu chuyện này. Như ở phần giới thiệu bạn đã nói, "Hoàng Hải cho ho phép bản thân anh được mơ về hạnh phúc giữa làn sương mịt mùng.", những người trẻ, họ đã mơ, cho đến tận giây phút cuối cùng.
Những đóa hoa rừng mộng ảo, họ mơ về ngày chiến thắng, mơ về ngày độc lập. Những con người chỉ mới đôi mươi, bỏ cả thành phố xô bồ, cả giảng đường đại học để đi theo tiếng gọi tổ quốc. Điều đáng nói ở đây, chính là tuyến tình cảm nhân vật được Aden lồng ghép rất khéo léo, rải đều và nhẹ nhàng, không quá ôm đồm hay dày đặc, khiến mình cảm giác tuyến tình cảm trong tác phẩm này đơn thuần chỉ là một chút xíu gia vị không thể thiếu. Cuối cùng, vẫn có "bẻ lái" thật, nhưng mà Cốc không chắc là gọi như vậy là có đúng hay không, vì sau khi bị "ngã xe", Cốc ngẫm lại và đã thấy những chi tiết nho nhỏ mà bạn đã đưa vào từ những chương đầu tiên, như một ngọn đèn cảnh báo vậy.
Cốc khá do dự khi đưa ra suy nghĩ về điều này, vì Cốc vẫn thắc mắc rằng, là những đứa trẻ đã nuốt chửng những giấc mơ, hay là chúng bị giấc mơ nuốt chửng? Biết là mỗi người đọc sẽ có cách hiểu khác nhau, nhưng mà nếu được, Aden hãy cho Cốc một câu trả lời đứng từ phía của tác giả nhé!
Phải nói là từ ngữ mà bạn sử dụng rất phong phú, rất hợp và diễn tả đúng cốt lõi của cái thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Aden chắc phải đã đọc và viết rất nhiều, chịu khó tích lũy từ vựng cho bản thân. Đây là một điều đáng khen cho một tác giả chỉ đang viết fanfic.
Nhìn chung, đây là một tác phẩm thật sự rất đáng đọc, và nên nằm trong danh sách phải-đọc của các bạn độc giả. Từ đầu đến giờ, Cốc chỉ đưa ra một vài điều tổng quan đặc sắc của tác phẩm. Còn bây giờ sẽ là những chi tiết đáng bàn nhất mà Cốc nhìn ra trong từng chương.
Chương 1: một cuộc hội ngộ ngẫu nhiên
Vẫn còn đâu đó những tia sáng cuối cùng len lỏi qua kẽ lá màu xanh, vẫn còn những điều tươi vui và tích cực trong chương đầu tiên. Bạn đã xây dựng bối cảnh rất kỹ lưỡng, từ thông tin nhân vật đến cảnh vật xung quanh. Điều này thôi thúc mình đọc tiếp, bởi mình biết rằng, đây là một tác phẩm đáng để bỏ thời gian ra, và sẽ tìm được nhiều thứ hay ho hơn trong những chương sau này.
Ở chương 1 này, chưa có nhiều tình tiết cài cắm cho lắm, chủ yếu là về cuộc hành quân của họ đến căn cứ 16, và tiêu điểm nhất vẫn là cuộc gặp gỡ của Tiến Thành và Hoàng Hải.
Những gì mình muốn nói về cách diễn đạt cũng như khả năng sử dụng từ ngữ của bạn thì mình đã nói ở bên trên. Còn sau đây là một chi tiết khiến đầu mình quay ngược lại với nó ngay khi vừa kết thúc epilogue, ngay sau khi có được thời gian ngẫm nghĩ.
"Đội 5, trung đoàn 307, sư đoàn bộ binh 197. Còn..."
"Tiến Thành, mười lăm tuổi, đoàn em dẫn bên kia sông, gần đây thôi. Rất vui được gặp anh, đồng chí ạ!"
Không một thông tin về quân đoàn của Thành được đề cập ngay từ khi bắt đầu gặp gỡ và làm quen, trái ngược hoàn toàn với với sự cụ thể trong lời thoại giới thiệu bản thân của Hoàng Hải. Liệu đây có phải là một điềm báo nhắc nhở, rằng Thành, lúc này không-hề-có-thật?
Chương 2: về những cơn mơ không dứt
Bạn bắt đầu câu chuyện này với một giấc mơ từ quá khứ của Hoàng Hải, mà có lẽ cũng là tương lai sau này của họ. Bi tráng quá, rừng và núi, lửa và máu, cứ thay nhau ngã xuống, đổ xuống, lấp lên cả toáng người như chỉ chực gục đi.
Cốc như nghe văng vẳng bên tai tiếng nói của Thái Nam qua loa điện, mặc kệ cái báng súng, mặc kệ lời nói ngả ngớn của tên trung úy nước địch. Và bạn biết sao không, giây phút những can xăng đổ ập lên người, ngọn lửa theo que diêm liếm qua cơ thể người đội trưởng. Những lời an ủi, vun đắp tinh thần cho những người ở lại của Nam thật sự là những con chữ được khắc bằng máu trên báng súng.
Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên đang viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.
(Hoàng Trung Thông - trích Bài thơ báng súng)
"Chúng ta sẽ chiến thắng cuộc đấu này, nào những người lính, các anh em, hãy tin tôi! Vĩnh biệt..."
Những lời cuối sẽ vang mãi trong vô ngàn của rừng núi, réo rắt qua từng con đường mà họ hành quân.
Chương 3: có những đêm trường
Đột nhiên Cốc cũng muốn ăn vài quả dâu rừng ghê, cũng muốn thử canh chua nấu bằng dâu nữa? Không cần quá nhiều mỹ từ khen ngợi mùi vị của nó, bạn vẫn khiến Cốc thèm ăn, chỉ bằng mấy lời giải thích đơn giản mà dân dã.
Về nội dung của chương này, quanh quẩn cùng những giây phút sinh hoạt của tiểu đội. Bắt đầu từ đây, mình đã thấy rõ thêm một tí về tuyến tình cảm trong truyện. Từ cặp phụ, Long Gừng và Tuấn Huy, cho tới cả Hoàng Hải và Tiến Thành.
Cái cảnh bắt gặp địch bất thình lình làm mình thót tim mất, cứ sợ rằng sẽ có người ra đi từ ngay chương này. Cơ mà cái đập đầu cái bốp của Tuấn Huy cuối cùng cũng khiến mình thở phào.
Dễ thương cực kì, tự nhiên mà Cốc cũng cảm thấy hạnh phúc cho đôi gà bông này. Cái cảm giác ngọt ngào nhè nhẹ, làm cho cảm xúc của mình được thư thái hơn sau một hồi căng thẳng.
Cái hôn chuồn chuồn lướt đáng yêu thật, nhưng mà cứ nghe thấy mùi chẳng lành chỗ nào ý nhỉ?
Chương 4: và trong chờn vờn sương tối
Chương này chỉ đơn giản xoay quanh hai nhân vật chính, Thành và Hải. Về diễn biến tâm lý của từng nhân vật, những suy nghĩ nội tâm và cả lời thoại bộc lộ cảm xúc.
Ác mộng dần xuất hiện dày đặc hơn kể từ khi Hải đặt chân đến khu 16. Bóng ma chiến tranh đến từ quá khứ bủa vây lấy anh, cứ mỗi lúc như thế thì Thành lại xuất hiện, thầm thì những lời dịu êm, vỗ về tâm trí mù sương
Một lần nữa, Thành cứ xuất hiện bất cứ lúc nào mà Hải cần nhất, người thì lấm tấm nước mưa. Em đi từ lúc tờ mờ sáng, và lại ghé đến nơi anh vào lúc chiều tối.
Linh tính ở lần đọc thứ hai mách bảo Cốc đây không phải là một điều bình thường. Nhiều đèn cảnh báo quá, và mỗi lần thấy nó, tim mình lại hẫng đi một nhịp, như kiểu biết điều tồi tệ sẽ đến mà không làm gì được ấy, AU quá ăn nhập với cốt truyện rồi.
Khúc lời thoại mà Tiến Thành "không", cùng một loạt cái lắc đầu, mà bạn nói là như người rối đứt dây. Đối với mình, đây là một mốc đánh dấu cho sự khởi đầu của sự đấu tranh tâm lý của Hải.
Lệnh nước - cơn mê muội, ảo giác xinh đẹp. Hai thứ chồng chéo nhau, một bên là lý tưởng rõ ràng sống trong anh đã ngần ấy năm, bên còn lại chỉ là một thứ gì đó nhỏ bé, thậm chí chưa được gọi tên như cái gì đó nảy nở giữa Long Gừng và Tuấn Huy.
Chương 6: suy vong
Như tên chương, đây đúng nghĩa là sự suy vong và chết chóc. Chương trước là chia ly, chương này là vĩnh biệt.
Bạn đem tiếng đạn rú lên, tiếng máy bay lượn vòng ghim vào trong "phim âm bản". Màu sắc lúc này đã u ám lắm rồi ấy, vậy mà Cốc lại chưa sẵn sàng đón nhận cho lắm. Tiếc nuối mà bạn mang lại từ mấy chương đầu làm mình cứ quyến luyến mãi thôi. Sự thật bây giờ thì xơ xác hơn nhiều.
Chiến tranh cướp đi Việt Hoàng, bom khói cướp đi ý chí sống của Hoàng, hơi thở đứt quãng và mong manh, chỉ còn nhẹ nhàng thỉnh cầu sự giải thoát. Đã đến lúc đi gặp người đã rời đi trước đó.
Tuấn Huy và Gừng. Cặp đôi chiếm không nhiều dung lượng lắm trong tác phẩm, nhưng đến chương này lại là tiêu điểm, là vết đạn vỡ găm vào da thịt, đau điếng người.
Họ chết nhưng vẫn nắm tay nhau, không quản mặt mày đầy những bụi đất đen, không quản không còn sự sống. Tại sao cái chết là điều tất yếu, mà việc gọi tên tình cảm giữa hai đứa trẻ này lại không?
Nghiệt ngã quá, đó là tất cả những gì họ đã xác định trước khi lao vào cuộc chiến không có đích đến, không hồi kết này, ấy vậy mà vẫn đột ngột lắm.
Còn đội phó Hoàng Long, cho đến giây phút của cuộc đời, anh vẫn không thể quên chiếc nhẫn bạc đính ước với Thảo Linh. Hành động trả nhẫn này cho Linh, liệu có phải là trả "tự do", phá vỡ "ràng buộc" dẫu cho hai người chưa từng là vợ chồng?
Chiến tranh có lẽ là điều khủng khiếp nhất của nhân loại, phá hủy và bẻ vụn tất cả mọi thứ, trừ tình cảm giữa người và người, bởi đó là thứ bất diệt.
Chương 7 & Chương 8: em đã thấy gì & có đôi lần anh, và nỗi nhớ, sự thật
Chỉ còn lại Hoàng Hải sau trận càn quét dã man của quân địch ngày hôm đó. Ba ngày bất tỉnh, bàng hoàng run rẩy từ cái chết vụt ngang thân. Tất cả những người nằm lại ngày hôm đó đều phải chôn ngay tại chỗ đó vì điều kiện không cho phép. Tội lỗi quá, từng như là một gia đình, luôn phải cùng nhau. Do tính chất của chiến tranh, ai rồi cũng phải học cách chấp nhận.
Sau khi đã hồi phục dần, Hải nhận ra mọi thứ xung quanh chẳng thân thuộc chút nào, e là do không có Tiến Thành thật. Những điều vô danh nảy nở giữa họ, như Aden nói, lại vô tình mang tính chất phải vĩnh viễn nhớ, không bao giờ được phép quên.
Nhung nhớ tràn về, Hoàng Hải suy nghĩ về những điều mà em đã nói với anh trước đó. Trong miên man của kí ức cũ kỹ, tin báo của Huy Hoàng như một trận bom dội xuống ý thức Hải.
Rằng tháng trước, chưa từng có một quân đoàn nào, chưa từng có một cậu bé giao liên tên Thành nào, đã đóng quân ở căn cứ 16. Em vậy mà chỉ là một bóng ma, một con người không tồn tại, lấp loáng trong bóng cây rừng, tìm cho mình những nét rõ trong tâm trí của Hải.
Nỗi nhớ này biến thành ám ảnh, suy tư thành cả những ảo giác mịt mờ. Hải gặp em ngày càng ít, trong những cơn đau yếu nặng nề. Mê rồi tỉnh, trong nhức nhối của vết thương hoại tử, chỉ duy nhất ở đó, Hoàng Hải mới gặp được Tiến Thành bằng da bằng thịt.
Vị thương binh đứng tuổi cũng cho anh biết sự thật. Rất nhiều năm về trước, Thành và con đường máu mà em đã hy sinh cả thân xác để mở ra cho đồng đội. Chắc lời kể của vị thương binh đó như từng nhát búa gõ vào tim Hoàng Hải, những vết móp méo sẽ nằm mãi ở đó.
Sự thật là con dao của cuộc sống vốn dĩ nhiều trắc trở này. Có nó thì cuộc đời mới được cân bằng, éo le thay, nó xuất hiện không đúng lúc tí nào.
Căn bản chỉ là ma, là một người đã chết từ rất lâu rồi, không gì là thật hết. Đó là sự thật. Cú twist này chẳng bất ngờ lắm, khi bạn đã liên tục cài cắm báo hiệu ngay từ đầu. Không bất ngờ, không có nghĩa là không hay. Đây, chính là điều mà Cốc thích nhất ở Aden.
epilogue: đã từng có một nơi, từng có một người
Cốc xin phép được không chia sẻ quá nhiều về nội dung của chương này. Các bạn độc giả nên đọc và có những cảm nhận riêng. Bởi đây là chìa khóa giải mã đống hỗn độn còn sót lại tận cùng của tác phẩm này.
Sau chiến tranh, có những người sẽ thoát ra khỏi được những thứ bóng đêm đè nặng lên tâm lý. Nhưng không phải ai cũng được may mắn như thế, ví dụ như Hoàng Hải.
"Tay tôi đã nhuốm máu bao nhiêu người cha? Tay tôi đã giết chết bao nhiêu mối tình?"
Bạn xây dựng câu chốt rất giỏi Aden ạ. Sau tất cả, chiến tranh không hề có người thắng cuộc, chỉ có những con người đã thêm một tay mà đi phá hủy lấy cuộc sống này. Ai cũng là người, và vì chiến tranh, họ đã mất đi những người yêu thương nhất, không cần kể là ta hay địch.
Hoàng Hải gặp lại cây đàn trong căn cứ 16 năm nào. Đây là một chi tiết đã xuất hiện từ những chương đầu, nhưng Cốc để đến đây mới đề cập đến là vì muốn thử xem nó xuất hiện với dụng ý gì. Như vỡ đập ấy, nó xuất hiện, và mọi thứ lại ùa về một lần nữa.
Thành đã chết nhưng không để lại một mảnh xương cốt, không một ai có thể tìm ra, trừ Hoàng Hải. Bạn đã nhắc đến âm điệu bi tráng của bài ca muôn thuở, có thứ gì đó đã tắt bặt và lìa bỏ khu rừng mãi mãi kể từ khi lớp đất cuối nằm yên trên nấm mồ. Có lẽ đó là lúc mà vị tiểu thần hộ vệ của khu rừng yên tâm rời đi, trở thành một thiên thần chuyển chỗ đến thiên đàng. Bài ca đã tắt, nhưng dư âm sẽ không bao giờ lặng im.
-
52 Hz Verleden xin được cảm ơn Aden rất nhiều vì đã đồng ý lời mời phỏng vấn lần này, để cho Cốc được có cơ hội được biết đến và đọc "Sương rừng" của bạn. Chúng mình sẽ giữ những con chữ xanh mướt và đẫm ướt sương mù của Aden trong trí nhớ, chờ đến ngày Aden quay lại với một phiên bản tuyệt vời hơn! Chúc Aden sẽ thành công với những dự định riêng, và luôn trong mình một nét riêng như thế này nhé!
#Cốc
Lưu ý nho nhỏ:
Với sự cho phép của bạn Aden, tụi mình xin được lược bỏ review chương một guồng quay hỗn loạn (18+) vì lí do khách quan. Cảm ơn Aden đã thông cảm cho Verleden rất nhiều!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top