Hoa niên

banhmihoahong - Hoa niên.

•••••

Chương 1: Thiên nga gãy cánh

Như cái cách mà bạn đặt tên cho chương, ngay từ đầu Cốc đã cảm giác không lành về nội dung có trong chương. Hình như cách gọi tên cũng đã ngụ ý đôi chút về những điều mà bạn muốn truyền tải.

Hình ảnh thiên nga trắng đã luôn gắn liền với bộ môn ba lê từ lâu. Và thực sự thì đâu đó trong câu chuyện này cứ làm mình nhớ đến vở nhạc kịch Hồ thiên nga của Tchaikovsky, căn bản vì bạn đã xây dựng hình ảnh thiên nga - Trang Anh ở đây quá đẹp.

Tính cách của nhân vật Trang Anh được xây dựng ở chương này xen lẫn vừa "bi quan" vừa tích cực. Cốc cũng không chắc liệu đó có phải là "bi quan" khi một người nghĩ về tương lai thật tối tăm như thế, nhất là khi đã dành cả thanh xuân theo nghệ thuật. Còn về tích cực, một người khi đối mặt với điều tồi tệ nhất trong sự nghiệp, sẽ không có suy nghĩ "Không phải sớm thế chứ". Hẳn Trang Anh đã nghĩ đến nó một cách rõ ràng, và đang học cách chấp nhận nếu một mai không may xảy đến.

Ánh mắt lấp lánh hy vọng, và cách bạn tả khiến Cốc như bị cuốn vào trong diễn biến tâm lý của nhân vật. Cả ngoại cảnh cũng như thế, mưa và gió như phụ họa những điều xấu xa nhất nhảy nhót trong đầu Trang Anh, thông qua hình ảnh ẩn dụ, bạn đã làm rất tốt việc này. Bạn gọi nắng chiều là Nàng Hoàng hôn, cứ như thiên nhiên sẽ luôn chiều chuộng tâm hồn đau khổ nhất trước khi bão giông ập tới. Bạn ví von Thần Chết như một con mèo, kì lạ làm sao khi mà bạn so sánh một thế lực đáng sợ như thế với một con vật quen thuộc và bé nhỏ.

Phần lời thoại, ở chương này chưa có gì đặc sắc để Cốc phải nói nhiều, tuy nhiên, vẫn có lời khen cho bạn bởi lời thoại tự nhiên không gò ép.

Ở chương này, lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh cái đồng hồ quả quýt. Phải chăng đây chính là lúc "vở kịch" bắt đầu? Chà, đồng hồ quả quýt, một chi tiết thú vị đáng được phân tích kĩ lưỡng. Cốc mong chờ được nghe lời giải thích của bạn về sự xuất hiện của món đồ này lắm nhé!

"Một con thiên nga sống với đôi cánh bị gãy còn đau đớn và bất hạnh hơn trăm lần việc nó phải chết đi."

Câu cuối của chương này thật sự rất ăn tiền, bạn như biết cách tóm gọn toàn bộ hình ảnh, và nhiều lớp nghĩa vào câu này. Dưới góc nhìn của Cốc, nó vừa có nghĩa là mất đi tự do, vừa như là dấu chấm kết thúc trong sự nghiệp múa của Trang Anh. Đôi cánh - đôi chân, nếu chẳng còn, thà rằng chết đi?

Chương 2: Búp bê, Dory và bánh táo.

Những lời tự bạch về cuộc đời của một cô búp bê trong hộp nhạc, từ lúc bé đến năm mười chín tuổi, nhưng lại được kể theo ngôi kể thứ ba.

Những ngày sau khi làm tiểu phẫu phải ngồi trên xe lăn, và là chuỗi ngày bắt đầu mới của cuộc đời Trang Anh, khi cô bỏ lại phía sau đôi giày ba lê mũi cứng.

  Con búp bê bị vứt bỏ và lãng quên khi không thực hiện sứ mệnh của mình. Còn Trang Anh thì chẳng còn thể gọi là "sống" nếu không được nhảy múa.

Định nghĩa về sự sống của Trang Anh trong đoạn thời gian này được lồng trong những hình ảnh nhẹ nhàng nhất, và cả câu thoại nghe buồn tênh, dứt khoát, chẳng có gì phải do dự.

Và chiếc bánh táo từ tay cô cá Dory - Thảo Linh không khác gì một bước ngoặc lớn trong hành trình để lại dấu hoa của Trang Anh. Ngọt nhẹ, thoang thoảng mùi vỏ bánh. Ai mà ngờ được sự xáo trộn nho nhỏ, "ăn bánh táo sau mười chín năm sống trên đời" lại là một lần mở mang cho Trang Anh, hệt như ấn tượng mà Thảo Linh để lại, ngọt ngào hơn tất thảy những món bánh ngọt mà cô từng thấy.

Sắc thái của chương này được chia ra hai phần. Một nửa đoạn đầu cảm giác tự sự, hơi cũ kĩ, và u ám nữa. Đoạn sau thì, bắt đầu từ cái mở mắt trên giường của Trang Anh, từ lời chào và chiếc bánh táo của Thảo Linh, mọi thứ đã sáng hơn.

Bạn vẫn giữ một phong độ đều tay như thế ở chương 2, từ ngữ vẫn đẹp và mạch truyện vẫn mượt. Tất cả hình ảnh đều được diễn đạt như là một tệp gif chạy hoài trong đầu mình, không cần quá màu mè, nó vẫn gợi hình cực kì. Mình thèm bánh táo nửa đêm là do bạn đấy!

Chương 3: Đèn hoa đăng bên ngoài tòa tháp.

Bạn đã đặt tên chương, và cả hình minh họa thật khớp với nhau. Dưới chân tháp có những đốm sáng bé xíu, hoa đăng thả bên dưới sao?

Với cách nhìn của Cốc, tòa tháp hẳn là đang cất giữ trái tim tuổi trẻ của Trang Anh, nhốt kín nghệ sĩ múa tài năng này. Và hoa đăng, bé xíu mà ngập tràn không gian bóng tối, để khi người từ bên trong nhìn ra, chắc chắn sẽ nhìn thấy được.

Hồi thứ ba trong bản nhạc kịch, mùa thu ở bệnh viện của cô búp bê và cô cá Dory.

Mùa thu và hương ổi, cách bạn liên kết hai thứ này khiến mình nhớ mùa lá rụng ở Hà Nội, nhớ hơi thơ của Hữu Thỉnh rất nhiều. Ngọt ngào và quấn quýt, như thể là một vườn trái cây nhiệt đới, thay vì là ở một nơi trắng toát ngập trong thuốc sát trùng.

Như khúc dạo đầu của trường ca tuổi trẻ, đoạn hội thoại vu vơ, chẳng đâu vào đâu lại móc nối khát vọng sống, khát vọng được một lần thoát ra khỏi tòa tháp của cô búp bê qua lời kể của chiếc đèn hoa đăng biết đan len.

Ước mơ được học đại học của cô bé Thảo Linh ốm yêu, đôi lúc lại muốn được hóa thân thành chú Cam nằm phơi nắng phè phỡn. Đây là khoảng thời gian mà cô bé chia sẻ cho Trang Anh về tuổi mười bảy của mình, em vẫn luôn mang trong mình điều lạc quan nhất để chống chọi với căn bệnh quái ác trong người.

Cũng đã đến lúc để Trang Anh suy nghĩ lại "chết quách đi cho rồi", có đáng phí bỏ cuộc đời còn xanh như thế hay không?

Câu hỏi cuối chương của Thảo Linh dành cho cô, không chỉ là đánh vào tâm lý của Trang Anh, làm cho cô phải suy nghĩ lại về định nghĩa sống bấy lâu nay, mà còn thôi thúc cô hãy một lần vì chính bản thân, thoát mình khỏi tòa tháp.

Chương 4 & Chương 5.

Thêm một lý do để Trang Anh trốn khỏi tòa tháp. Cô đã thấy một thế giới không có ba lê của mọi người, vẫn lạc quan nô đùa, vẫn là những nụ cười đáng kính móm mém, và cuộc sống vẫn cứ tiếp tục chạy. Còn cô thì sao?

Chợt Trang Anh hình như nhận ra ba lê đã kéo cô ở lại so với thế giới quá nhiều. Hoảng hốt và bối rối, liệu cô đã bỏ qua thứ gì? Giây phút mà Trang Anh mạnh dạn cho gọi cho mẹ để báo tin, đây chính là dấu mốc đánh dấu một Trang Anh thật khác, thật mới của tuổi mười chín đầy biến cố.

Thảo Linh ước rằng cô có thể nhìn bản thân qua đôi mắt em. Để cho cô biết, giá trị của con người cô không dừng lại ở việc đong đếm những ngày tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu.

Và một lần nữa, cách bạn diễn đạt câu chuyện luôn là một thứ gì đó đặc biệt. Với ngòi bút như thế này, bạn xứng đáng được biết đến nhiều hơn thế nữa. Không quá mềm mại như một câu chuyện không phải về tình yêu như số trước mà Cốc đã nói về. Nhưng nó vẫn thơ qua từng ngọn cỏ, cuộn len lăn trên cỏ, và cả những giọt nước mắt tủi hờn của Trang Anh.

Cốc rất thích cách bạn chọn kể lại góc nhìn của Thảo Linh với ngôi kể thứ ba, chúng cho Cốc cảm giác chân thật, như kiểu bản thân Cốc được nhập vai và thưởng thức câu chuyện.

Thành thật mà nói, Cốc đã đọc chi tiết đồng hồ quả quýt đến lần thứ năm hay sáu gì đó, và có lẽ như khi gõ mấy dòng này, Cốc cũng đã hiểu được đôi chút về nó.

Bạn làm Cốc nhớ đến cái đồng hồ của hội bạn Harry Potter khi ở bệnh xá. Mỗi lần bấm, một lần quay về quá khứ. Trang Anh đã trải qua quá nhiều lần bị bóng tối lộn nhào qua ý thức, và rồi tỉnh dậy trên giường bệnh. Nhiều đến mức mà cô lầm tưởng đến đó là phép màu ư?

Có thể trong cuộc đời nhìn thế giới bằng hai góc nhìn. Vấp ngã rồi vẫn đứng lên, hẳn là phép màu thật.

Ồ, chiếc đồng hồ quả quýt lăn lóc trên nền nhà. Đã đến lúc rồi.

Thế giới mới xuất hiện cùng điều ước cuối cùng, điều diệu kì vẫn không cần phép màu vẫn sẽ xảy ra.

Chương 6: Hạnh phúc mãi mãi về sau.

Như một câu chuyện cổ tích được viết bằng nhạc kịch ý nhỉ? Màu của cổ tích mà hiện thực cứ thay phiên nhau đan xen trong câu chuyện này. Những điều kì tích mà người đọc chỉ thấy trong tuyển tập Andersen và cả hiện thực tàn nhẫn mỗi ngày phải chứng kiến.

Một cái kết không phải là quá bất ngờ đối với Cốc, nhưng mình vẫn sẽ nhớ mãi vì những điều kì diệu của xuân xanh trong câu chuyện của bạn.
Thảo Linh đã có mười bảy năm đúng nghĩa của thanh xuân. Còn Trang Anh, sau mười chín năm cùng gò bó của đôi giày cứng, kì vọng của mẹ, ánh đèn sân khấu hào nhoáng, thì cuối cùng cũng được sống đúng với tuổi trẻ.

Đó là khi chiếc đồng hồ quả quýt vỡ nát.

Đây là lần thứ hai Cốc đọc về một tác phẩm không phải về tình yêu, còn có quá nhiều thứ mà ngôn từ không thể nào diễn tả. Suy cho cùng, đây vẫn là một tác phẩm cực kì đáng đọc trong mùa hè (gần hết) này.

Bạn là một thí sinh ở event mà 52Hz luôn quan tâm và theo dõi bởi màn trình diễn ấn tượng mà bạn đêm tới ở một vòng thi. Hy vọng ở vòng chung kết này, bạn sẽ gặt hái được thành tích nhất định!

Cảm ơn vì một tác phẩm tuyệt vời. Bài thi này của bạn nên được đọc khi nghe cùng Hồ thiên nga bằng dương cầm.

Cổ điển, nhạc kịch, và diệu kì.

#Cốc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top